TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
BẢN ÁN 86/2018/KDTM-PT NGÀY 05/07/2018 VỀ YÊU CẦU THANH TOÁN TIỀN LÃI VÀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO VI PHẠM HỢP ĐỒNG
Trong các ngày 02 + 05/7/2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 54/2018/TLPT- KDTM ngày 09/5/2018, về việc “Yêu cầu thanh toán tiền lãi và bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng”. Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 05/2018/KDTM-ST ngày 12/02/2018 của Toà án nhân dân quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 226/2018/QĐ-PT ngày 06/6/2018 và Quyết định hoãn phiên tòa số 240/2018/QĐ- PT ngày 19/6/2018 giữa:
Nguyên đơn: Công ty Cổ phần C (C I)
Trụ sở: B10 Lô 5, Khu đô thị ĐC, phường ĐC, quận HM, thành phố Hà Nội
Người đại diện theo ủy quyền: ÔngVũ Đình T1 - Sinh 1985
Địa chỉ: P310-C3, khu tập thể TM, phường TM, quận HM, thành phố Hà Nội
(Giấy ủy quyền số 112/2017.UQ ngày 11/12/2017)
Luật sư Bùi Quang T2- Văn phòng Luật sư ML, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Nguyên đơn.
Bị đơn: Tổng Công ty G (V)
Trụ sở: Số 25A, phố LTK, quận HK, thành phố Hà Nội
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn T3 - Sinh 1957
Chức vụ: Trưởng Ban quản lý dự án
Ông Giang Hồng T4 - Sinh 1978
Địa chỉ: Số 197, phố ĐTĐ, phường TL, quận ĐĐ, thành phố Hà Nội
(Giấy ủy quyền số 138a/UQ-GVN.HN ngày 22/5/2018)
Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Công ty Cổ phần Đầu tư X (C H)
Trụ sở:Tầng 2, tòa nhà HH2, đường DĐN, phường YH, quận CG, thành phố Hà Nội.
Người đại diện theo ủy quyền: Bà Lâm Ngọc L -Chức vụ: Trưởng phòng Pháp chế và Kiểm soát nội bộ (Giấy ủy quyền số 16/GUQ-CTX-PC&KSNB, ngày 06/6/2016)
(Các đương sự và luật sư có mặt tại phiên tòa)
NỘI DUNG VỤ ÁN
Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển C (T) là chủ đầu tư Dự án Nhà máy bột giấy PN. Ngày 09/7/2007 T ký kết Hợp đồng số 64/HĐ-XD (Gọi là Hợp đồng 64) với Liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư X - Công ty Cổ phần Lắp máy C (H-I). Hợp đồng thể hiện việc Chủ đầu tư (T) thuê Liên danh (H - I) thi công xây lắp Khu sản xuất chính thuộc Dự án nhà máy bột giấy PN (Gói thầu 9B).
Công ty C H giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư và X (C I) là Công ty con của C H làm đơn vị trực tiếp thi công gói thầu 9B bằng Hợp đồng thi công số 39/HĐKT-07 ký ngày 16/8/2007 (gọi là Hợp đồng 39).
Theo Quyết định số 731/QĐ-TTg ngày 03/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ thì Dự án nhà máy bột giấy PN được chuyển giao từ T sang cho Tổng Công ty G (V) làm chủ đầu tư nên ngày 02/11/2009 giữa V và H-I ký kết Hợp đồng số 04/HĐ- GVN.HD kế thừa quyền và nghĩa vụ của Hợp đồng số 64/HĐ-XD nội dung thi công xây lắp phần còn lại của khu sản xuất chính.
Theo C I thì sau khi thực hiện các thủ tục liên quan đến bảo lãnh thi công công trình thì C I đã hoàn hiện các hạng mục thi công theo đúng quy định trong Hợp đồng 64 và đáp ứng đủ các điều khoản đã cam kết.
Ngày 16/01/2014 V, C H và C I đã ký kết Biên bản đối chiếu công nợ và xác nhận: Giá trị thực hiện đã được Chủ đầu tư xác nhận: 56.021.335.865đ
Giá trị Chủ đầu tư đã thanh toán cho nhà thầu: 45.737.919.213đ
Số tiền Chủ đầu tư còn nợ: 10.283.416.652đ.
Tuy nhiên sau ngày đối chiếu công nợ, V không thanh toán trả H - I và C I thêm khoản tiền nào. Vì vậy C I có đơn khởi kiện V và H-I đến Tòa án yêu cầu thanh toán khoản tiền nợ gốc, lãi, bồi thường thệt hại do chậm thanh toán… của số tiền chưa trả 10.283.416.652đ.
Tại Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 05/QĐST- KDTM ngày 30/9/2015 của Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm đã ghi nhận việc V thanh toán thẳng tổng số dư nợ gốc 10.885.542.652đ cho C I ngay sau khi V hoàn thành cổ phần hóa doanh nghiệp và được Chính phủ phê duyệt nguồn vốn trả nợ, chậm nhất đến 31/01/2016. H-I có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị V thanh toán thẳng cho C I để hoàn tất thủ tục thanh toán theo thỏa thuận tại Hợp đồng 64.
Riêng đối với khoản nợ lãi và phí bảo lãnh thực hiện hợp đồng các bên tự thỏa thuận, trường hợp có tranh chấp sẽ giải quyết bằng một vụ án khác.
Vì không có sự thỏa thuận giữa các bên nên C I có đơn khởi kiện yêu cầu V và C H phải thanh toán các khoản, bao gồm tiền bồi thường thiệt hại do chậm thanh toán và chi phí cho việc bảo lãnh thực hiện hợp đồng cùng lãi suất chậm trả tính đến ngày khởi kiện là 12.060.340.533đ.
Công ty Cổ phần Đầu tư X (C H nay là X H) cho rằng: Theo quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 05/QĐST-KDTM ngày 30/9/2015 của TAND quận Hoàn Kiếm và tại Phụ lục số 06/PLHĐ-9B ngày 12/12/2012giữa các đương sự thì nghĩa vụ thanh toán cho C I thuộc về V nên đề nghị Tòa án buộc V thanh toán cho C I và bác yêu cầu khởi kiện của C I đối với X H. Đề nghị Tòa án xác định tư cách của X H trong vụ án là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Tổng Công ty G (V) cho rằng V không phải là Bị đơn trong vụ án bởi chủ thể tham gia ký kết Hợp đồng 64 là T (sau này V kế thừa quyền và nghĩa vụ) với C H. C I không phải chủ thể giao kết hợp đồng (chỉ là đơn vị được C H giao thực hiện thi công công trình) nên không có quyền và nghĩa vụ liên quan đến Hợp đồng 64. Nếu xảy ra tranh chấp V giải quyết với C H, còn C H giải quyết với C I nên C I không có quyền khởi kiện V. Đối với yêu cầu khởi kiện, theo V thì ngày đủ điều kiện thanh toán là ngày C H cung cấp đầy đủ thủ tục quy định trong Điều 7 Hợp đồng số 64. Trước yêu cầu khởi kiện của C I, V cho rằng công trình Dự án nhà máy bột giấy PN là công trình của Nhà nước nên việc thanh toán phải theo đúng quy định, nếu V chậm thanh toán thì chỉ có trách nhiệm với C H, lỗi chậm thanh toán là do phía nhà thầu chậm làm thủ tục thanh toán và chưa có quyết định chuyển dự án sang chủ đầu tư khác. Vì vậy không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của C I đối với V và đề nghị buộc C H có nghĩa vụ thanh toán tiền lãi chậm trả cho C I.
Tại phiên họp công khai chứng cứ ngày 19/10/2016 V có ý kiến yêu cầu H X (Tên mới của C H) phải trả các khoản:
Phạt hợp đồng: 9.585.960.000đ; Chênh lệch giữa giá trị kiểm toán và quyết toán phần việc thi công: 1.189.882.415đ; Bồi thường thiệt hại 62.417.972.357đ và 3.105.947 EUR. Tại phiên họp này V thông báo sẽ có yêu cầu cụ thể trong Đơn yêu cầu phản tố gửi Tòa án.
Đến ngày 25/10/2016 V nộp Đơn yêu cầu phản tố.
Ngày 01/11/2016 Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiến ban hành Thông báo không thụ lý yêu cầu phản tố của V.
* Bản án sơ thẩm số 05/2018/KDTM-ST ngày 12/02/2018 của TAND quận Hoàn Kiếm đã quyết định:
“1.Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty Cổ phần C
- C I với bị đơn Tổng Công ty G (V) về việc yêu cầu thanh toán tiền lãi do chậm thanh toán và bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng.
2. Buộc bị đơn Tổng Công ty G (V) phải thanh toán trả cho nguyên đơn Công ty Cổ phần C - C I số tiền lãi chậm thanh toán và bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng là 10.684.570.912đ”.
Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.
* Không đồng ý với bản án sơ thẩm trên, ngày 26/02/2018, Tổng Công ty G có đơn kháng cáo toàn bộ bản án và đề nghị hủy án sơ thẩm.
Ngày 27/02/2018 C I kháng cáo 1 phần bản án sơ thẩm, đề nghị Tòa án xác định ngày đủ điều kiện thanh toán là ngày Nghiệm thu khối lượng thực hiện cộng thêm 30 ngày, không phải ngày Chủ đầu tư xác nhận vào Bảng tính giá trị của Nhà thầu để chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường đối với khoản tiền 1.375.769.620đ.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Các bên đương sự đều thừa nhận số tiền nợ gốc theo Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 05/QĐST-KDTM là 10.885.542.652đ đã được V thanh toán xong cho C I theo Quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự.
Nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo đề nghị tính lãi suất số tiền chậm thanh toán từ ngày các bên đã ký Biên bản nghiệm thu có xác nhận của đơn vị tư vấn giám sát.
V giữ yêu cầu kháng cáo hủy án sơ thẩm với lý do Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm tố tụng nghiêm trọng khi không đưa T vào tham gia tố tụng; Không thụ lý yêu cầu phản tố của Bị đơn; Bản án tuyên không rõ ràng, sai lệch về số tiền (trang 26 của Bản án nhận định số tiền Bị đơn phải thanh toán được chấp nhận là 10.486.015.240đ nhưng lại buộc Bị đơn phải thanh toán trả cho C I số tiền 10.684.570.912đ tại trang 27); Áp dụng lãi suất chậm thanh toán theo mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng là sai mà phải áp dụng mức lãi suất quy định tại Điều 306 Luật Thương mại. Bị đơn còn cho rằng C H là người vi phạm tiến độ thi công nên không thuộc trường hợp được bù giá phải trả lại V số tiền bù giá đã nhận 7.363.975.000đ giai đoạn T làm chủ đầu tư
Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Nguyên đơn trình bày luận cứ có nội dung chính:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Hợp đồng 64 thì sau mỗi đợt nghiệm thu hoàn thành các công việc thi công xây lắp, chậm nhất sau 30 ngày V phải thanh toán tiền công tức ngày đủ điều kiện thanh toán là ngày ký Biên bản nghiệm thu khối lượng công việc hoàn thành. Việc Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng ngày xuất hóa đơn GTGT là ngày đủ điều kiện thanh toán đã làm thiệt hại đến quyền lợi của Nguyên đơn. Chính Bị đơn thừa nhận đã nhiều lần thanh toán cho Nguyên đơn giá trị khối lượng công việc không cần Nguyên đơn phải xuất hóa đơn GTGT.
Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Nguyên đơn, buộc Bị đơn phải thanh toán trả Nguyên đơn toàn bộ số tiền lãi chậm thanh toán, tiền bồi thường thiệt hại do chậm thanh toán do chênh lệch lãi suất giữa ngân hàng thương mại và ngân hàng Nhà nước, thiệt hại do gia hạn bảo lãnh tổng cộng là 12.060.340.533đ.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội phát biểu quan điểm và đề xuất hướng giải quyết vụ án có nội dung:
Đơn kháng cáo của Nguyên đơn và Bị đơn là hợp lệ. TAND thành phố Hà Nội thụ lý vụ án đúng thẩm quyền và thời hạn. Từ khi thụ lý đơn và trong quá trình giải quyết vụ án, thẩm phán được phân công đã chấp hành đúng qui định của pháp luật. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng qui định. Thư ký phiên tòa đã thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn theo qui định. Các đương sự đã chấp hành đúng theo qui định tại Điều 70, 71, 72 và 73 Bộ luật tố tụng dân sự.
Xét kháng cáo của Nguyên đơn: Theo quy định tại Điều 7 của Hợp đồng 64 và Điều 2 Phụ lục hợp đồng số 01/2009 thì sau khi thi công các bên đã ký Biên bản nghiệm thu hoàn thành khối lượng công việc là ngày đủ điều kiện thanh toán (V phải thanh toán tiền công cho C I) nhưng Tòa án sơ thẩm xác định ngày đủ điều kiện thanh toán là ngày xuất hóa đơn GTGT là không đúng, làm thiệt hại đến quyền lợi của Nguyên đơn. Đề nghị chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Nguyên đơn, buộc Bị đơn phải thanh toán số tiền 12.060.340.533đ.
Đối với kháng cáo của Bị đơn đề nghị hủy án sơ thẩm. Tòa án Hoàn Kiếm đã thụ lý vụ án đúng thẩm quyền. Mặc dù tại Hợp đồng 64 các bên có thỏa thuận lựa chọn TAND thành phố Hồ Chí Minh giải quyết vụ án nhưng thỏa thuận này trái pháp luật do vụ án thuộc thẩm quyền cấp quận, huyện. Căn cứ Hợp đồng 64; Biên bản đối chiếu công nợ; Văn bản ủy quyền; Văn bản lựa chọn Tòa án giải quyết; Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 05/QĐST-KDTM Tòa án Hoàn Kiếm sắp xếp C I là Nguyên đơn; V là Bị đơn; C H là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là đúng. Tòa án Hoàn Kiếm không thụ lý Đơn yêu cầu phản tố của V do nộp sau ngày mở phiên họp công khai chứng cứ là đúng quy định của pháp luật. Bản án sơ thẩm tại trang 26 ghi số tiền Bị đơn phải thanh toán được chấp nhận là 10.486.015.240đ và trang 27 buộc Bị đơn phải thanh toán trả cho C I số tiền 10.684.570.912đ không mâu thuẫn bởi số tiền ở trang 26 chưa cộng thêm số tiền 198.555.672đ phí bảo lãnh ngân hàng. Việc Tòa án sơ thẩm không áp dụng lãi suất tại Điều 306 Luật Thương mại để buộc Bị đơn phải thanh toán là do Nguyên đơn không yêu cầu mà tự nguyện đề nghị áp dụng theo lãi suất cơ bản không trái với quy định của pháp luật đã được Tòa án nhận định trong bản án. Các yêu cầu kháng cáo của Bị đơn không có căn cứ nên không được chấp nhận. Đề nghị bác toàn bộ kháng cáo của Bị đơn và sửa án sơ thẩm chấp nhận kháng cáo của Nguyên đơn. Bị đơn phải chịu án phí phúc thẩm, Nguyên đơn được hoàn trả tiền tạm ứng án phí phúc thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Về thủ tục kháng cáo: Đơn kháng cáo và biên lai nộp tiền tạm ứng án phí kháng cáo của các đương sự làm và nộp trong thời hạn luật định nên kháng cáo được chấp nhận.
Về việc không thụ lý yêu cầu phản tố của Bị đơn (V):
- Đơn yêu cầu phản tố của V được nộp cho Tòa án sau khi Tòa án đã mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ nên căn cứ khoản 3 Điều 200 Bộ luật tố tụng dân sự, Tòa án Hoàn Kiếm không thụ lý giải quyết yêu cầu này là đúng quy định.
Tại phiên tòa phúc thẩm, Bị đơn xuất trình cho HĐXX 01 bì thư đề nơi gửi “Tổng Công ty G”; nơi nhận “Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm thẩm phán Cao Văn Thắng” và có xác nhận hoàn nơi gửi lý do “người nhận từ chối không nhận” nhưng không có bất cứ một tài liệu hay bảng kê tài liệu nào chứng minh trong đó có bao gồm những tài liệu gì. Vì vậy không có căn cứ chứng minh Đơn phản tố của Bị đơn đã được nộp cho Tòa án qua đường bưu điện trước ngày mở phiên họp công khai chứng cứ và phù hợp với lời trình bày của Bị đơn tại phiên họp công khai chứng cứ ngày 19/10/2016 “Đối với các yêu cầu trên (phản tố) của V đối với C I chúng tôi sẽ có đơn phản tố nộp cho Tòa”
Như vậy: Đơn yêu cầu phản tố của V được nộp cho Tòa án sau ngày Tòa án đã mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ nên căn cứ khoản 3 Điều 200 Bộ luật tố tụng dân sự, Tòa án Hoàn Kiếm không thụ lý giải quyết yêu cầu này là đúng quy định. Yêu cầu kháng cáo nêu trên không có căn cứ chấp nhận.
Xét yêu cầu kháng cáo của Nguyên đơn yêu cầu Bị đơn phải bồi thường thiệt hại 1.375.769.621đ kể từ ngày nghiệm thu khối lượng công việc, HĐXX thấy rằng:
Theo Điều 2 của Phụ lục hợp đồng số 01/PLHĐ-9B ngày 10/12/2009 ký kết giữa V, C H và I đã quy định: Sau mỗi đợt thi công (một tháng) vào ngày 28 (dương lịch) Bên B hoàn thiện hồ sơ thanh toán, Bên A sẽ thanh toán giá trị khối lượng công việc hoàn thành cho Bên B theo khoản 7.2 Điều 7 Hợp đồng số 64/HĐ- XD bao gồm cả phần bù giá theo quy định của Nhà nước.
Thực tế thì sau khi hoàn thiện thi công, các bên đã ký Biên bản nghiệm thu có xác nhận của đơn vị tư vấn giám sát nên V có trách nhiệm thanh toán khối lượng công việc đã hoàn thành cho nhà thầu trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày ký biên bản nghiệm thu là phù hợp với thỏa thuận mà các bên đã ký kết. Việc Tòa án cấp sơ thẩm xác định ngày Chủ đầu tư xác nhận để tính lãi suất và bồi thường thiệt hại cho C I là không phù hợp và làm thiệt hại đến quyền lợi của Nguyên đơn.
Vì vậy, có cơ sở chấp nhận yêu cầu kháng cáo này của Nguyên đơn về thời hạn phải chịu lãi suất đối với khoản tiền chậm thanh toán và bồi thường thiệt hại.
Thời hạn tính lãi đối vớikhoản tiền chậm thanh toán 7.350.523.861đ tính từ 30 ngày sau ngày ký Biên bản nghiệm thu từng giai đoạn cụ thể như sau:
1.Giai đoạn T làm Chủ đầu tư, số tiền tính lãi: 757.013.250đ gồm:
- Khối lượng hoàn thành đợt 2 V chậm thanh toán 3.602.724.736đ (từ 18/7/2008 đến 20/8/2010) thì số tiền lãi là 661.950.632đ.
- Khối lượng lượng hoàn thành đợt 3 V chậm thanh toán 237.073.279đ (từ 28/10/2008 đến 11/01/2011) thì số tiền lãi là 42.235.263đ.
- Khối lượng lượng hoàn thành đợt 4 V chậm thanh toán 297.130.656đ (từ ngày 27/10/2008 đến 11/01/2011) thì số tiền lãi là 52.827.355đ.
2. Giai đoạn V làm Chủ đầu tư, số tiền lãi là 62.315.125đ gồm:
- Khối lượng lượng hoàn thành tháng 3 và 4/2010, số tiền chậm thanh toán 2.705.914.672đ (từ 28/5/2010 đến 26/7/2010), thì số tiền lãi là: 36.078.862đ.
- Khối lượng hoàn thành tháng 5/2010, số tiền chậm thanh toán 257.046.882đ (từ ngày 30/6/2010 đến 17/9/2010), thì số tiền lãi là 4.569.722đ.
- Khối lượng hoàn thành tháng 6/2010, số tiền chậm thanh toán 663.851.144đ
(từ ngày 23/7/2010 đến 26/10/2010), thì số tiền lãi 14.162.158đ.
- Khối lượng hoàn thành tháng 7/2010, số tiền chậm thanh toán 151.215.296đ (từ ngày 29/8/2010 đến ngày 11/01/2011), thì số tiền lãi là 4.855.691đ.
- Khối lượng hoàn thành tháng 8/2010, số tiền chậm thanh toán 98.953.157đ (từ ngày 27/9/2010 đến 11/01/2011), số tiền lãi sẽ là 2.539.798đ.
- Khối lượng hoàn thành tháng 9 đến tháng 12/2010, số tiền chậm thanh toán 72.596.123đ (từ 06/01/2011 đến 11/01/2011), số tiền lãi là 108.894đ.
3. Đối với số tiền bù giá giai đoạn T làm Chủ đầu tư nhưng V chậm thanh toán, số tiền lãi là 1.464.909.441đ, cụ thể như sau:
- Bù giá đợt 2, số tiền để tính lãi do chậm trả 3.010.628.800đ (từ ngày 18/7/2008 đến 31/7/2011), tiền lãi là 806.472.190đ
- Bù giá đợt 3, số tiền để tính lãi do chậm trả là 1.464.490.400đ (từ ngày 28/10/2008 đến 31/7/2011), tiền lãi là 334.493.675đ.
- Bù giá đợt 4, số tiền để tính lãi do chậm trả là 1.416.060.800đ (từ ngày 27/10/2008 đến 31/7/2011), tiền lãi là 323.943.576đ.
4. Đối với khoản tiền bù giá giai đoạn V làm Chủ đầu tư nhưng chậm thanh toán, số tiền lãi là 34.584.028đ, cụ thể như sau:
Bù giá tháng 3+4/2010, số tiền để tính lãi chậm trả 161.249.077đ (từ 28/5/2010 đến 11/01/2011), tiền lãi là 8.510.368đ
Bù giá tháng 5/2010, số tiền để tính lãi chậm trả là 115.123.949đ (từ 30/6/2010 đế 11/01/2011), tiền lãi là 5.231.780đ.
Bù giá tháng 6/2010, số tiền để tính lãi chậm trả 276.723.717đ (từ ngày 23/7/2010 đến 11/01/2011), tiền lãi là 11.161.190đ.
Bù giá tháng 7/2010, số tiền để tính lãi chậm trả 164.593.449đ (từ ngày 29/8/2010 đến 11/01/2011), tiền lãi là 5.285.279đ.
Bù gía tháng 8/2010, số tiền để tính lãi chậm thanh toán 165.904.636đ (từ ngày 27/9/2010 đến 11/01/2011), tiền lãi là 4.285.219đ.
Bù giá tháng 9 đến tháng 12/2010, số tiền để tính lãi chậm trả 91.461.670đ (từ ngày 06/01/2011 đến 11/01/2011), tiền lãi là 137.193đ.
Số tiền lãi do chậm thanh toán của khối lượng phát sinh ngoài hợp đồng: 1.286.916đ (gồm 1.098.644 khối lượng phát sinh đường tạm; 188.273đ khối lượn phát sinh giằng ngang).
Số tiền lãi chậm thanh toán trong thời gian quyết toán: 5.030.415.100đ (Số tiền gốc chậm thanh toán 15.153.252.889đ từ 31/7/2011 đến 30/01/2016).
Ngoài ra V phải bồi thường thiệt hại đối với khoản tiền do chậm thanh toán (Nguyên đơn phải đi vay từ Ngân hàng thương mại) chênh lệch giữa lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước, theo quy định tại Điều 306 Luật Thương mại (tức lãi suất bình quân của 3 Ngân hàng thương mại) nhưng Nguyên đơn tự nguyện không yêu cầu tính theo quy định này mà chỉ tính theo cách tính tiền lãi chậm trả của Nguyên đơn tức giảm đi rất nhiều và có lợi cho Bị đơn mà không trái với quy định của pháp luật nên Cấp sơ thẩm chấp nhận là phù hợp.
Giá trị bồi thường thiệt hại do việc chậm thanh toán của V là 4.511.261.000đ được giải trình cụ thể như sau:
Giai đoạn T làm Chủ đầu tư, giá trị thiệt hại là: 395.349.740đ (Trong đó khối lượng hoàn thành đợt 2 là 340.187.283đ; Đợt 3 là 24.369.816đ; Đợt 4 là 30.792.640đ). Giai đoạn V làm Chủ đầu tư, giá trị thiệt hại là: 51.003.647đ (Trong đó khối lượng hoàn thành tháng 3&4/2010 là 29.314.076đ; tháng 5/2010 là 3.712.899đ; tháng 6/2010 là 11.230.149đ; tháng 7/2010 là 4.301.235đ; tháng 8/2010 là 2.336.394đ; tháng 9 đến tháng 12/2010 là 108.894đ).
Bù giá giai đoạn T làm Chủ đầu tư: 969.593.881đ Bù giá giai đoạn V làm Chủ đầu tư: 26.339.583đ Khối lượng phát sinh ngoài hợp đồng: 991.923đ Trong thời gian quyết toán: 3.067.982.228đ
Tổng cộng: 12.060.340.533đ. Đây là số tiền V phải có trách nhiệm thanh toán.
Xét yêu cầu kháng cáo của Bị đơn cho rằng V không phải là Bị đơn trong vụ án, HĐXX thấy rằng:
Dự án Nhà máy bột giấy PN có Chủ đầu tư là Công ty T sau này Tổng Công ty G là Chủ đầu tư (theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ); Công ty C H- I là Nhà thầu thi công Gói thầu 9B (Theo Hợp đồng 64 giữa T, H - I); Công ty C I (Công ty con của C H) là đơn vị thi công trực tiếp (Theo Hợp đồng số 39 giữa C H và C I).
Theo Biên bản đối chiếu công nợ ngày 16/01/2014 giữa V, C H và C I cũng xác định C I là Đơn vị thi công trực tiếp.
Ngày 03/11/2015 C H (Công ty mẹ) ủy quyền bằng văn bản cho C I được quyền thay mặt C H làm việc với V và các bên liên quan về việc thanh toán khoản tiền lãi phát sinh do chậm thanh toán tại gói thầu 9B.
Tại Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 05/QĐST- KDTM ngày 30/9/2015 của TAND quận Hoàn Kiếm đã ghi nhận sự tự nguyện thỏa thuận của 3 bên gồm V, H X, C I: V thanh toán thẳng số tiền phải thanh toán 10.885.542.652đ cho C I, C H có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị V thanh toán thẳng cho C I để hoàn tất thủ tục thanh toán theo thỏa thuận tại Hợp đồng 64. Số tiền lãi và phí bảo lãnh thực hiện hợp đồng thì các bên tự nguyện thỏa thuận, không yêu cầu Tòa án giải quyết trong vụ án này, trường hợp có tranh chấp sẽ giải quyết bằng vụ án khác khi có yêu cầu.
Do C I là Đơn vị trực tiếp thi công và khoản tiền 10.885.542.652đ là khoản tiền công của C I được trả nhưng vì V chậm thanh toán nên đương nhiên phải thanh toán cả lãi phát sinh do chậm trả và bồi thường thiệt hại cho sự chậm trễ gây ra.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 56 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 (đã sửa đổi, bổ sung năm 2011) tương ứng với khoản 2 Điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì “Nguyên đơn trong vụ án dân sự là người khởi kiện, người được cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm”
Thực tế thì C I đã bị xâm phạm đến quyền lợi khi hoàn thành khối lượng công việc nhưng không được thanh toán tiền công đúng thời hạn, tức lợi ích của C I đã bị xâm phạm nên Cấp sơ thẩm xác định C I là Nguyên đơn là đúng quy định của pháp luật.
Khoản 3 Điều 56 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 (đã sửa đổi, bổ sung năm 2011) tương ứng với Khoản 3 Điều 68 Bộ luật dân sự năm 2015 cũng quy định“Bị đơn trong vụ án dân sự là người bị Nguyên đơn khởi kiện hoặc bị cơ quan, tổ chức cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của Nguyện đơn bị người đó xâm phạm”
C I đã khởi kiện V thì V là Bị đơn, quá trình giải quyết vụ án cũng đã chứng minh V có nghĩa vụ bồi thường cho C I, tức V là Bị đơn trong vụ án.
Xét yêu cầu của V đề nghị T vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án, HĐXX thấy rằng: Theo quyết định số 731/QĐ-TTg ngày 03/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ thì Dự án nhà máy bột giấy PN được chuyển giao từ T sang cho Tổng Công ty G (V) làm chủ đầu tư, ngày 02/11/2009 giữa V và H-I ký kết Hợp đồng số 04/HĐ-GVN.HD kế thừa quyền và nghĩa vụ của Hợp đồng số 64 nội dung thi công xây lắp phần còn lại của khu sản xuất chính như vậy T đã chấm dứt mọi quyền lợi và trách nhiệm tại Dự án nên không phải là người có quyền lợi hay nghĩa vụ liên gì liên quan trong vụ án.
Bị đơn còn kháng cáo cho rằng bản án sơ thẩm tuyên sai lệch số tiền V phải bồi thường ở các trang 26 và 27 sẽ không thể thi hành được. Hội đồng xét xử thấy rằng: Số tiền 10.486.015.240đ của Bản án sơ thẩm nhận định là số tiền Nguyên đơn đòi Bị đơn phải thanh toán cộng tiền bồi thường thiệt hại do chênh lệch giữa lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước quy định với lãi suất vay tại Ngân hàng thương mại mà thực tế Nguyên đơn đi vay được chấp nhận tức 2 khoản tiền. Còn số tiền ở Phần quyết định của Bản án (trang 27), buộc Tổng công ty G phải thanh toán trả cho Nguyên đơn số tiền lãi chậm thanh toán và bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng là 10.684.570.912đ là đã bao gồm cả 198.555.672đ phí bảo lãnh do C I thông qua C H thanh toán cho Ngân hàng (tức 3 khoản tiền). Lý do chấp nhận cả yêu cầu bồi thường thiệt hại 198.555.672đ, thì bản án sơ thẩm đã nhận định do việc Bị đơn ban hành quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng không do lỗi của nhà thầu nên phải bồi thường thiệt hại. Do vậy không ở đây không hề có sự sai lệch về số liệu và cũng không làm mất đi tính khả thi của bản án sau khi có hiệu lực pháp luật.
Đối với yêu cầu kháng cáo cho rằng Tòa án sơ thẩm áp dụng mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước là không đúng và phải áp dụng lãi suất quy định tại Điều 306 Luật Thương mại, HĐXX phúc thẩm thấy rằng: Mức lãi suất quy định tại Điều 306 Luật Thương mại và lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường, mức lãi suất này cao hơn rất nhiều so với yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn. Tuy nhiên Nguyên đơn đã tự nguyện chỉ đề nghị áp dụng mức lãi suất như vậy mà không trái với quy định của pháp luật và có lợi cho Bị đơn nên được Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận là phù hợp. Yêu cầu kháng cáo này của Bị đơn cũng không có cơ sở xem xét.
Tiếp theo, tại cấp phúc thẩm Bị đơn còn cho rằng C H là người vi phạm tiến độ thi công nên không thuộc trường hợp được bù giá phải trả lại V số tiền bù giá đã nhận 7.363.975.000đ giai đoạn T làm Chủ đầu tư. Đây là yêu cầu tại cấp phúc thẩm và đã được Tòa án cấp sơ thẩm thông báo không thụ lý yêu cầu phản tố nên HĐXX phúc thẩm không xem xét giải quyết trong vụ án này. Các đương sự có quyền khởi kiện bằng một vụ án khác khi có đầy đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh và còn thời hạn khởi kiện.
Quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội phù hợp với nhận định của HĐXX nên được chấp nhận.
Do kháng cáo được chấp nhận nên Nguyên đơn được hoàn trả tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, Bị đơn vẫn phải chịu án phí phúc thẩm.
Từ những nhận định trên:
Áp dụng Khoản 2 Điều 308 - Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
QUYẾT ĐỊNH
Sửa Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 05/2018/KDTM-ST ngày 12/02/2018 của Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.
Xử:
1.Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Cổ phần C (C I) đối với Tổng Công ty G (V) về việc yêu cầu thanh toán tiền lãi do chậm thanh toán và bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng.
Tổng Công ty G phải thanh toán trả cho Công ty Cổ phần C (C I) số tiền lãi chậm thanh toán và bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng bao gồm 7.350.523.861đ tiền lãi chậm thanh toán; 4.511.261.000đ tiền bồi thường thiệt hại do chênh lệch lãi suất của Ngân hàng thương mại và lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước;198.555.672đ phí bảo lãnh ngân hàng. Tổng cộng 12.060.340.533đ
Kể từ ngày Công ty Cổ phần C có đơn yêu cầu thi hành án mà Tổng Công ty G không thi hành hoặc không thanh toán hết số tiền phải thi hành án thì hàng tháng còn phải chịu lãi suất theo mức lãi suất quy định tại Điều 468 Bộ Luật dân sự năm 2015 đối với số tiền chưa thanh toán.
2. Về án phí: Tổng Công ty G phải chịu 120.060.000đ án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm và 2.000.000đ án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm, Công ty đã nộp tạm ứng án phí phúc thẩm 2.000.000đ theo biên lai số 0002138 ngày 13/3/2018 tại Chi cục thi hành án dân sự quận Hoàn Kiếm. Hoàn trả Công ty Cổ phần C 62.414.000đ tạm ứng án phí đã nộp theo các biên lai số 01193 ngày 28/4/2016 và 0002117 ngày 06/3/2018 tại Chi cục thi hành án dân sự quận Hoàn Kiếm.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về yêu cầu thanh toán tiền lãi và bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng số 86/2018/KDTM-PT
Số hiệu: | 86/2018/KDTM-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hà Nội |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 05/07/2018 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về