TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
BẢN ÁN 213/2023/DS-PT NGÀY 15/05/2023 VỀ YÊU CẦU CHIA DI SẢN THỪA KẾ VÀ ĐÒI QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
Ngày 15 tháng 5 năm 2023 tại trụ sở TAND Thành phố Hà Nội, xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 613/2022/TLPT-DS ngày 26 tháng 12 năm 2022 về việc “chia di sản thừa kế và đòi quyền sử dụng đất”.
Do bản án dân sự sơ thẩm số 147/2022/DS-ST ngày 28/9/2022 của Toà án nhân dân huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 181/2023/QĐ-PT ngày 17 tháng 4 năm 2023, giữa các đương sự:
Nguyên đơn:
1. Ông Nguyễn Đăng B, sinh năm 1953; Có mặt Địa chỉ: PX, TT X Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
2. Bà Nguyễn Thị Q, sinh năm 1957; Có mặt Địa chỉ: Số x xóm Quang Trung 1, đường Bê Tông, Thôn C, xã Đ, huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Bị đơn: Ông Nguyễn Đăng T, sinh năm 1971; Có mặt Địa chỉ: Số 5 Thôn C, xã Đ, huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Người đại diện theo ủy quyền của Ông T: Ông Lê Tiến T1, sinh năm 1974; địa chỉ: Cụm x, xã Thọ An, huyện Đan Phượng, Hà Nội; Có mặt
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Bà Nguyễn Thị H, sinh năm 1952; Có mặt Địa chỉ: PX, TT XQuỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
2. Ông Nguyễn Đăng M, sinh năm 1964; Có mặt Địa chỉ: Thôn C, xã Đ, huyện Hoài Đức, Hà Nội.
3. Ông Nguyễn Đăng Đ, sinh năm 1966; Có mặt Địa chỉ: Thôn C, xã Đ, huyện Hoài Đức, Hà Nội.
4. Bà Nguyễn Thị P, sinh năm 1950; Vắng mặt Địa chỉ: Số x Vũ Tông Phan, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
5. Bà Đặng Thị S, sinh năm 1972; Vắng mặt;
6. Anh Nguyễn Đăng T, sinh năm 1992; Vắng mặt Cùng địa chỉ: Số 5 Thôn C, xã Đ, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Người đại diện theo ủy quyền của Bà S, Anh T là Ông Nguyễn Đăng T.
Do có kháng cáo của bà Nguyễn Đăng B, Bà Nguyễn Thị Q là nguyên đơn và Bà Nguyễn Thị H là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện và các lời khai tại Tòa án, nguyên đơn là Ông Nguyễn Đăng B và Bà Nguyễn Thị Q thống nhất trình bày:
Bố mẹ của Ông B và Bà Q là cụ Nguyễn Đăng T1 chết năm 2004 và cụ Nguyễn Thị M1 chết năm 2013. Cụ T1 và cụ M1 sinh được 05 người con chung gồm: Ông Nguyễn Đăng B, Bà Nguyễn Thị Q, Ông Nguyễn Đăng Đ, Ông Nguyễn Đăng M và Ông Nguyễn Đăng T. Ngoài ra, các cụ không còn người con riêng hay con nuôi nào khác. Cụ T1, cụ M1 chết không để lại di chúc, và có để lại nhiều di sản, tuy nhiên trong vụ án này nguyên đơn chỉ yêu cầu Tòa án chia di sản thừa kế của các cụ để lại là thửa đất số x khu Gò Đống, Thôn C, xã Đ, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội, diện tích 215m2, (diện tích đo thực tế hiện nay 220m2), loại đất nông nghiệp.
Năm 1960, thực hiện chính sách của nhà nước, HTX Đ cấp đất 5% cho xã viên và những nhân khẩu có mặt và đang sinh sống ở địa phương. Tại thời điểm cấp đất 5% gia đình Ông B, Bà Q có 4 khẩu, gồm: cụ Nguyễn Đăng T1, cụ Nguyễn Thị M1, Ông Nguyễn Đăng B và em gái là Bà Nguyễn Thị Q, mỗi người được 1,7 thước, tổng 04 khẩu là 6,8 thước (tương đương 164m2) ở xứ đồng Cầu Buộm.
Năm 1974, Ông B xây dựng gia đình với Bà Nguyễn Thị H là người cùng Thôn C, sau khi cưới, Bà H về chung sống với Ông B và cụ T1, cụ M1. Năm 1981, theo chủ trương, chính sách của Hợp tác xã đổi đất 5% từ đồng trước (Cầu Buộm) về đồng sau (đường Thanh Niên Mả Nội), phần đất được chia năm 1960 đã trả lại Hợp tác xã, phần đất này đã phân cho gia đình khác, gia đình tôi từ Cầu Buộm chuyển về góc Đường Thanh Niên Mả Nội. Lúc này đất 5% được chia là 5 khẩu, vì có thêm khẩu của vợ Ông B là Bà Nguyễn Thị H gộp vào, tổng là 8,5 thước (tương đương 204m2).
Năm 1987, Hợp tác xã tiếp tục chuyển đất từ Đường Thanh Niên Mả Nội về xứ Đồng Gò Đống, nhưng đó là miếng đất chia 5 khẩu ở góc Đường Thanh Niên Mả Nội chuyển về xứ Đồng Gò Đống. Mảnh đất của gia đình Ông B nằm ở cuối cùng nên thừa ra thành 9,1 thước (theo chính sách thừa không rút ra, thiếu thì bù thêm). Như vậy, của cụ T1, cụ M1 có 4 thước đất, của Ông Nguyễn Đăng B, em gái Nguyễn Thị Q, và vợ Nguyễn Thị H có 5,1 thước.
Theo quy định, người được cấp bổ sung đất 10% thì phải nộp tiền vào Hợp tác xã để hợp thức phần đất được bổ sung (trừ người cao tuổi không phải nộp) nên cụ T1, cụ M1 không phải nộp. Còn phần Ông Nguyễn Đăng T do các cụ không nộp nên Ông T không được chia đất bổ sung. Do đó, Ông Nguyễn Đăng T không có đất 5% và cũng không được cấp đất bổ sung ở thửa 49.
Năm 2004 cụ T1 chết, năm 2013 cụ M1 chết. Khi chết, cả cụ T1 và cụ M1 đều không để lại di chúc. Diện tích đất 5% của các cụ và của Ông B, Bà Q, Bà H, đất này hiện nay Bà Q đang quản lý. Năm 2018, Ông B và Bà Q có thuê người đổ đất hết 4.000.000đồng, khi đang đổ thì Ông Nguyễn Đăng T ra ngăn cản và xảy ra tranh chấp.
Do đó Ông B, Bà Q khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết những vấn đề sau:
1. Xác định và trả lại quyền sử dụng đất 5% mà Nhà nước cấp cho Ông Nguyễn Đăng B, Bà Nguyễn Thị H và Bà Nguyễn Thị Q tại thửa 49 khu Gò Đống, Thôn C, xã Đ, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội, mỗi người 1,7 thước, tương đương 41m2.
2. Chia di sản thừa kế theo pháp luật phần diện tích đất 5% mà Nhà nước cấp cho cụ T1, cụ M1 ở thửa 49 khu Gò Đống, Thôn C, xã Đ, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội cho nguyên đơn bằng hiện vật.
3. Bà Q yêu cầu Ông B, Bà H, Ông T, Ông Đ, Ông M có trách nhiệm đối với công quản lý, duy trì giá trị tài sản là di sản thừa kế và tài sản đồng sở hữu là 10m2 4. Ông B, Bà Q yêu cầu tính công sức tôn tạo đất là 5m2 Tuy nhiên tại phiên tòa sơ thẩm Ông B, Bà Q rút yêu cầu đối với công tôn tạo hết 4.000.000 đồng, không yêu cầu Tòa án giải quyết, các đồng thừa kế không phải trả phần tôn tạo này.
Bị đơn Ông Nguyễn Đăng T trình bày:
Bố mẹ Ông T là cụ Nguyễn Đăng T1 chết năm 2004, cụ Nguyễn Thị M1 chết năm 2013. Khi còn sống, cụ T1, cụ M1 sinh được 05 người con chung gồm: Ông Nguyễn Đăng B, Bà Nguyễn Thị Q, Ông Nguyễn Đăng Đ, Ông Nguyễn Đăng M và Ông Nguyễn Đăng T. Ngoài ra, các cụ không còn người con riêng hay con nuôi nào khác.
Năm 1987, Hợp tác xã nông nghiệp Thôn C, xã Đ, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội cấp đất cho gia đình Ông T gồm 3 có nhân khẩu: Cụ Nguyễn Đăng T1 (bố Ông T), cụ Nguyễn Thị M1 (mẹ Ông T) và Ông T là 09 thước ở khu Cây Hôi, trong đó có 03 khẩu là 06 thước đất 10% còn lại là ruộng khoán 2 của gia đình gồm cụ T1, cụ M1 và Ông T.
Năm 1991, Ông T lập gia đình với Bà Đặng Thị S và có con là Nguyễn Đăng Thắng, sinh năm 1992. Cũng năm 1992, Nhà nước giao khoán đất theo nhân khẩu, lúc này gia đình có 05 nhân khẩu gồm: cụ T1, cụ M1, Ông T cùng vợ và con Ông T. Mỗi người được 12,5 thước, tổng 5 suất là 62,5 thước (tương đương 1.500m2) ở khu Gò Con có 17 thước, 06 thước ở khu Mả Giam, 10 thước ở khu Đồng Trôi, 03 thước ở khu Đồng Sấu, 14 thước ở khu Đìa Giữa, 03 thước ở khu Cây Hôi, còn 9,5 thước Ông T không nhớ ở đâu.
Thửa đất số x khu Gò Đống, Thôn C, xã Đ, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội do gia đình Ông T quản lý và nộp thuế từ xưa đến nay, ông không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của Ông B, Bà Q đòi quyền sử dụng đất 5% ở thửa số 49 mà Nhà nước đã cấp cho ông và bố mẹ ông vào năm 1987. Đối với yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ T1, cụ M1 để lại Ông T đề nghị Tòa án chia theo quy định của pháp luật, phần Ông T được hưởng đề nghị lấy bằng hiện vật.
Ông T thừa nhận Ông B, Bà Q có thuê người đổ đất, tuy nhiên số tiền bao nhiêu Ông T không biết, Ông T đồng ý trả tiền công tôn tạo theo quy định.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là Bà Nguyễn Thị H: Thống nhất với ý kiến trình bày và yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm các ông: Nguyễn Đăng Đ, Nguyễn Đăng M thống nhất trình bày:
Thống nhất với trình bày của nguyên đơn, bị đơn về quan hệ huyết thống và năm mất của cụ T1, cụ M1.
Năm 1987 Ông Đ, Ông M không được cấp đất ở thửa số 49, mà Nhà nước có chia đất 5% cho bố mẹ của các ông là cụ T1 và cụ M1 ở thửa số 49 khu Gò Đống, Thôn C, xã Đ, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Các ông đồng ý và đề nghị Tòa án chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất ở thửa số 49 theo pháp luật; phần Ông Đ, Ông M được hưởng các ông tặng cho Ông Nguyễn Đăng T và Ông T phải có trách nhiệm nộp án phí trên phần đất mà các ông tặng cho, và thanh toán phần công sức tôn tạo của Ông B, Bà Q.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 147/2022/DS - ST ngày 28/9/2022 của Toà án nhân huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội đã xử và quyết định:
1. Chấp nhận phần yêu cầu khởi kiện của đồng nguyên đơn về chia di sản thừa kế của cụ Nguyễn Đăng T1 và cụ Nguyễn Thị M1.
Di sản thừa kế của cụ Nguyễn Đăng T1, cụ Nguyễn Thị M1 để lại là 148m2 đất 5% ở khu khu Gò Đống, Thôn C, xã Đ, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội được phân chia cụ thể như sau: 148 m2 : 5 người = 29,6m2/01 người. Như vậy, mỗi thừa kế được hưởng di sản của bố mẹ để lại là 29,6 m2.
Ông Nguyễn Đăng B được hưởng di sản thừa kế của bố mẹ để lại là 29,6m2 và 29,6m2 phần của Bà Nguyễn Thị Q được giới các điểm 1, 3, 7, 9. Ghi nhận sự thỏa thuận của Ông B, Bà Q tự nguyện thỏa thuận bồi thường cho nhau mà không yêu cầu Tòa án giải quyết.
Ông Nguyễn Đăng T được hưởng di sản thừa kế của bố mẹ để lại là 29,6m2 và 02 suất thừa kế tặng cho của anh Nguyễn Đăng Đ, anh Nguyễn Đăng M. Tổng số là 88,8m2.
Xác nhận Ông Nguyễn Đăng T được nhà nước phân 74m2 đất 10% tại thửa số 49 ở khu khu Gò Đống, Thôn C, xã Đ, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội và 88,8m2 đất chia thừa kế. Tổng 162,8m2 được giới hạn bởi các điểm 7, 3, 5, 6 ở thửa số 49 ở khu khu Gò Đống, Thôn C, xã Đ, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội.
2. Bác yêu cầu đòi tài sản là quyền sử dụng đất 5% của Ông Nguyễn Đăng B, Bà Nguyễn Thị Q và Bà Nguyễn Thị H.
Bác yêu cầu xác nhận tài sản là quyền sử dụng đất 5% của chị Đặng Thị Sơn, cháu Nguyễn Đăng Thắng ở thửa số 49 ở khu khu Gò Đống, Thôn C, xã Đ, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội.
3. Bác các yêu cầu khác của các đương sự.
Ngoài ra bản án còn tuyên về phần án phí, nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự.
Không đồng ý với Quyết định của bản án sơ thẩm, ngày 11/10/2022 nguyên đơn là Ông Nguyễn Đăng B, Bà Nguyễn Thị Q và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là Bà Nguyễn Thị H có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm với lý do: Bản án sơ thẩm không công bằng, không khách quan và không đúng quy định của pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các ông, bà.
Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện; người kháng cáo giữ nguyên yêu cầu kháng cáo. Các đương sự không thoả thuận với nhau để giải quyết vụ án và không cung cấp tài liệu chứng cứ khác.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội phát biểu:
Về tố tụng: Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm đã thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật tố tụng dân sự từ khi thụ lý vụ án đến quá trình xét xử tại phiên tòa;
Người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng, đầy đủ quyền và nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
Về nội dung: Việc Ông B, Bà H và Bà Q đòi tài sản là quyền sử dụng đất 5% tại thửa số 49 khu Gò Đống không có cơ sở. Kháng cáo của các ông bà về nội dung này không có căn cứ để chấp nhận. Về yêu cầu chia thừa kế nhận thấy có căn cứ xác định thửa đất số x khu Gò Đống diện tích 222m2 là tài sản chung của cụ T1, cụ M1, Ông T. Toà án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ.
Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm có thiếu sót sau:
- Nguyên đơn có yêu cầu khởi kiện Đòi quyền sử dụng đất và chia thừa kế đối với diện tích đất tranh chấp tại thửa đất số x khu Gò Đống. Thửa đất trên có căn cứ xác định là tài sản chung của cụ T1, cụ M1 và Ông T. Tòa án cấp sơ thẩm chia tài sản chung, chia thừa kế đối với với diện tích đất trên nhưng không xác định quan hệ pháp luật chia tài sản chung là thiếu sót.
- Quá trình giải quyết có căn cứ xác định cụ T1 và cụ M1 có 5 người con đẻ và 1 người con nuôi là Bà Nguyễn Thị P. Bà P có quan điểm phần thừa kế của bà được hưởng để lại cho 5 người con đẻ của cụ T1 và cụ M1, bà từ chối nhận di sản của bố mẹ nuôi để lại. Tòa án cấp sơ thẩm nhận định xác định Bà P là con đẻ của cụ T1 và cụ M1, chấp nhận sự tự nguyện của Bà P nhường kỷ phần của mình được hưởng cho 5 người con đẻ của cụ T1 và cụ M1 nhưng tòa án không ghi nhận trong phần quyết định của bản án là thiếu sót.
- Quá trình giải quyết Ông T trình bày ông là người đóng thuế đất trong nhiều năm. Tòa án không tính công sức cho Ông T đối với việc ông đã thực hiện nghĩa vụ với nhà nước gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của Ông T. Tuy nhiên, Ông T không kháng cáo nên cần rút kinh nghiệm với tòa án cấp sơ thẩm nội dung trên.
Viện kiểm sát đề nghị:
Áp dụng khoản 2 điều 308 BLTTDS: Sửa một phần bản án sơ thẩm của TAND huyện Hoài Đức về nội dung sau:
-Bổ sung quan hệ pháp luật: Chia tài sản chung.
- Xác định hàng thừa kế thứ nhất của cụ T1 và cụ M1 gồm 6 người: Ông B, Bà Q, Ông Đ, Ông M, Ông T và Bà P.
- Ghi nhận sự tự nguyện của Bà P nhường kỷ phần thừa kế của mình được hưởng cho Ông B, Bà Q, Ông Đ, Ông M, Ông T.
Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn. Áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên toà.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1].Về tố tụng:
- Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý giải quyết vụ án đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
- Các ông, bà Nguyễn Đăng B, Nguyễn Thị Q và Nguyễn Thị H có đơn kháng cáo trong thời hạn luật định do đó kháng cáo của các đương sự hợp lệ về hình thức.
[2]. Về Nội dung:
Sau khi xét xử sơ thẩm nguyên đơn đã kháng cáo toàn bộ bản án, do đó việc xét yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn cũng là xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Hội đồng xét xử xét thấy:
2.1. Xét yêu cầu xác định và trả lại quyền sử dụng đất 5% mà Nhà nước cấp cho Ông Nguyễn Đăng B, Bà Nguyễn Thị H và Bà Nguyễn Thị Q tại thửa 49 khu Gò Đống, Thôn C, xã Đ, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội (gọi tắt là thửa đất số x):
Căn cứ các tài liệu có trong hồ sơ vụ án thể hiện, nguồn gốc và quá trình hình thành thửa đất số x trải qua các giai đoạn như sau:
- Năm 1960 thời điểm HTX Đ chia đất 5% cho các hộ xã viên để tăng gia sản xuất, hộ cụ Nguyễn Đăng T1 gồm có 4 nhân khẩu là cụ T1, vợ cụ T1 là cụ Nguyễn Thị M1, cùng các con là Ông Nguyễn Đăng B và Bà Nguyễn Thị Q, mỗi khẩu được giao 1,7 thước = 41m2, như vậy tổng diện tích đất 5% của hộ cụ T1 được giao là 164m2 tại khu Cầu Buộm.
- Năm 1987 căn cứ theo Kế hoạch số 02/KH-UB ngày 01/9/1987 của UBND huyện Hoài Đức, UBND xã Đ đã ban hành Quyết định số 30/QĐ-UB ngày 01/12/1987 về việc giao đất 10% và xử lý vi phạm quản lý đất đai, theo đó HTX Đ thực hiện chủ trương chuyển đổi ruộng đất 5% được giao năm 1960 từ Cầu Buộm về đường Thanh niên mả nội để các hộ thuận tiện cho việc canh tác. Tại thời điểm HTX Đ xét đối tượng giao đất 10% hộ gia đình cụ Nguyễn Đăng T1 gồm có 3 khẩu là cụ T1, cụ M1 và Ông Nguyễn Đăng T, diện tích giao là 06 thước = 144m2, so với diện tích theo tiêu chuẩn đất 5% cũ thì chênh lệch 20m2 , tuy nhiên theo quy định HTX không rút ra.
Thời điểm thực hiện chuyển đổi gia đình cụ T1 đã gắp phiếu chuyển đổi được ô ruộng số 49 tại khu ruộng Gò Đống, diện tích là 212m2. Diện tích thửa ruộng số 49 so với diện tích giao năm 1960 là thừa 48m2, HTX đã tính vào diện tích giao đất quỹ I của hộ gia đình ông Tiến (thời điểm giao tiêu chuẩn ruộng 9 thước).
Quá trình thực hiện giao đất 10% làm kinh tế phụ gia đình của HTX Đ đã chuyển đổi loại đất 5% (cũ) sang loại đất 10% cho hộ xã viên, tại thời điểm chuyển đổi giao đất 10% vợ chồng Ông Nguyễn Đăng B, Bà Nguyễn Thị H là công nhân, không có hộ khẩu tại địa phương nên không thuộc đối tượng được giao đất, Bà Nguyễn Thị Q lấy chồng năm 1975 đã chuyển khẩu về gia đình nhà chồng, do đó cũng không thuộc đối tượng được giao. Tiêu chuẩn đất 5% được chia năm 1960 khi có chính sách không nộp tiền hợp thức đã bị rút lại chia theo chính sách mới.
Tại Thông báo số 16/TB-UBND ngày 01/7/2016 của UBND xã Đ, huyện Hoài Đức về việc trả lời đơn của Ông Nguyễn Đăng B và Bà Nguyễn Thị H; Bà Nguyễn Thị Q như sau: “Việc Ông Nguyễn Đăng B, Bà Nguyễn Thị H; Bà Nguyễn Thị Q đề nghị UBND xã Đ xem xét giải quyết tiêu chuẩn đất 5% (cũ) tại thửa ruộng số 49 (sơ đồ giao ruộng khu Gò Đống, Thôn C) là không có cơ sở”.
Tại Quyết định số 134/QĐ-UBND ngày 29/8/2016 về việc giải quyết khiếu nại của Ông Nguyễn Đăng B, Bà Nguyễn Thị H; Bà Nguyễn Thị Q (lần đầu) của UBND xã Đ, huyện Hoài Đức, đã quyết định:
Điều 1. Giữ nguyên nội dung thông báo trả lời số 16/TB-UBND ngày 01/7/2016 của UBND xã Đ về việc trả lời đơn đề nghị của Ông Nguyễn Đăng B, Bà Nguyễn Thị H; Bà Nguyễn Thị Q.
Điều 2. Trong hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định này, nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại, Ông Nguyễn Đăng B, Bà Nguyễn Thị H; Bà Nguyễn Thị Q có quyền khiếu nại đến UBND huyện Hoài Đức hoặc khởi kiện đến Toà án theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình giải quyết và tại phiên toà phúc thẩm, Ông Nguyễn Đăng B, Bà Nguyễn Thị H; Bà Nguyễn Thị Q xác nhận đã nhận quyết định trên nhưng không khiếu nại đến UBND huyện Hoài Đức và cũng không khởi kiện đến Toà án để giải quyết theo thủ tục hành chính.
Từ những nhận định trên có căn cứ để xác định, thửa đất số x thuộc quyền quản lý, sử dụng của 03 người là cụ Nguyễn Đăng T1, cụ Nguyễn Thị M1 và Ông Nguyễn Đăng T. Do đó không có cơ sở để chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về việc xác định và trả lại quyền sử dụng đất 5% mà Nhà nước cấp cho Ông Nguyễn Đăng B, Bà Nguyễn Thị H và Bà Nguyễn Thị Q tại thửa 49 khu Gò Đống, Thôn C, xã Đ, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội.
2.2. Xét yêu cầu chia di sản thừa kế theo pháp luật phần diện tích đất mà Nhà nước cấp cho cụ T1, cụ M1 ở thửa 49 khu Gò Đống, Thôn C, xã Đ, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội của nguyên đơn.
- Căn cứ trích lục khai tử của cụ T1 và cụ M1 xác định, cụ T1 chết vào ngày 09/02/2004, cụ M1 chết ngày 01/02/2012, các cụ chết đều không để lại di chúc do đó căn cứ Điều 650 Bộ luật dân sự 2015 việc phân chia di sản thừa kế của các cụ được áp dụng theo quy định của pháp luật.
- Về thời điểm mở thừa kế: cụ T1 và cụ M1 chết vào hai thời điểm khác nhau do đó thời điểm mở thừa kế của các cụ vào hai thời điểm khác nhau, tuy nhiên xét thấy việc phân chia di sản thừa kế của các cụ để lại tại thửa số 49 vào một lần không làm ảnh hưởng hay thay đổi quyền và lợi ích hợp pháp của các hàng thừa kế, do đó việc Tòa án cấp sơ thẩm phân chia di sản thừa kế của các cụ vào một lần là hợp lý.
- Về tài sản thừa kế: Căn cứ Biên bản xem xét thẩm định tại chỗ của Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức xác định thửa đất số x có diện tích đo đạc thực tế là 222m2 , từ trước đến nay không có tranh chấp với các hộ liền kề; thửa đất này được xác định là tài sản chung của cụ T1, cụ M1 và Ông T. Để giải quyết việc chia di sản thừa kế của cụ T1 và cụ M1 thì cần phải xác định cụ T1 cụ M1 có diện tích đất là bao nhiêu trong khối tài sản chung của cụ T1, cụ M1 và Ông T. Toà án cấp sơ thẩm xác định di sản thừa kế của cụ T1, cụ M1 để lại tại thửa đất số x là 2/3 diện tích thực tế của thửa 49 là 148m2, còn lại của Ông T là 74m2 là phù hợp, do đó không nhất thiết phải bổ sung quan hệ pháp luật “chia tài sản chung”.
- Về hàng thừa kế: Căn cứ lời khai của các bên đương sự, xác định cụ T1, cụ M1 có 05 người con chung là: Ông Nguyễn Đăng B, Bà Nguyễn Thị Q, Ông Nguyễn Đăng Đ, Ông Nguyễn Đăng M và Ông Nguyễn Đăng T.
Quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm các đương sự trình bày, cụ T1 và cụ M1 có một người con nuôi là Bà Nguyễn Thị P, sinh năm 1950; Bà P được cụ T1, cụ M1 đón về nuôi từ lúc 09 tháng tuổi cho đến khi được 09 tuổi thì giao Bà P cho mẹ đẻ của Bà P nuôi dưỡng. Mặc dù các đương sự đều xác định Bà P vẫn thường xuyên đi lại giỗ Tết gia đình cụ T1, cụ M1 nhưng xét thấy thời gian cụ M1, cụ T1 nuôi dưỡng Bà P không lâu, giữa cụ T1, cụ M1 với Bà P không có quan hệ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, không thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con và ngược lại của con đối với cha mẹ theo quy định của pháp luật. Do đó Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm không xác định Bà P là con nuôi của cụ M1 và cụ T1 để được hưởng thừa kế của các cụ theo quy định.
Do đó, căn cứ quy định tại Điều 679 Bộ luật dân sự 2005 xác định hàng thừa kế thứ nhất của cụ T1, cụ M1 gồm 05 người: Ông Nguyễn Đăng B, Bà Nguyễn Thị Q, Ông Nguyễn Đăng Đ, Ông Nguyễn Đăng M và Ông Nguyễn Đăng T.
- Về phân chia chia di sản thừa kế: Xét thấy việc yêu cầu phân chia di sản thừa kế của cụ T1, cụ M1 tại thửa đất số x là phù hợp nên Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận là có căn cứ.
Theo kết quả xem xét thẩm định tại chỗ của Tòa án cấp sơ thẩm thể hiện tại thửa đất số x hiện trạng không có ai sinh sống, quản lý, để hàng xóm trồng cây nhờ, do đó không có căn cứ để tính công sức trông nom di sản theo yêu cầu khởi kiện của Bà Q. Như vậy, Di sản thừa kế là 148m2 đất nông nghiệp tại thửa số 49 khu Gò Đống, Thôn C, xã Đ, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội của cụ T1, cụ M1 được chia làm 5 phần, mỗi kỷ phần thừa kế là 29,6m2, mỗi người trong hàng thừa kế thứ nhất của các cụ được hưởng 29,6m2.
+ Đối với Ông Nguyễn Đăng B và Bà Nguyễn Thị Q: Ông B, Bà Q mỗi người được hưởng 29,6m2 và đều có yêu cầu được chia bằng hiện vật, Tại cấp sơ thẩm Bà Q tự nguyện giao phần di sản được hưởng cho Ông B quản lý, sử dụng, tự nguyện phân chia bồi thường cho nhau mà không yêu cầu Tòa án giải quyết. Tại phiên tòa phúc thẩm Bà Q giữ nguyên ý kiến này, do đó Hội đồng xét xử chấp nhận và giao cho Ông Nguyễn Đăng B quản lý, sử dụng 59,2m2 được giới hạn bởi các điểm 1,3,7,9,1 (theo sơ đồ kèm theo Bản án).
+ Đối với Ông Nguyễn Đăng Đ, Ông Nguyễn Đăng M: Ông Đ, Ông M mỗi người được hưởng 29,6m2 của thửa đất số x. Tại bản án sơ thẩm đã ghi nhận sự tự nguyện của các ông tặng cho phần di sản thừa kế của mình cho Ông Nguyễn Đăng T; Ông Đ, Ông M không có kháng cáo đối với bản án sơ thẩm, do đó Hội đồng xét xử giữ nguyên phần ghi nhận này.
+ Đối với Ông Nguyễn Đăng T: Xác nhận Ông T được giao 1/3 diện tích thửa đất số x là 74m2 và hưởng di sản thừa kế của cụ T1, cụ M1 là 29,6m2, tổng là 103,6m2; ngoài ra Ông T còn được hưởng 2 kỷ phần của Ông Đ, Ông M tặng cho là 59,2m2; do đó xác định Ông T được quyền quản lý sử dụng tổng diện tích đất là 162,8m2 của thửa đất số x, được giới hạn bởi các điểm 7,3,5,6,7 (theo sơ đồ kèm theo Bản án).
+ Quá trình giải quyết Ông T trình bày ông là người đóng thuế đất trong nhiều năm. Tòa án không tính công sức cho Ông T đối với việc ông đã thực hiện nghĩa vụ với nhà nước gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của Ông T. Tuy nhiên, Ông T không kháng cáo nên cần rút kinh nghiệm với Tòa án cấp sơ thẩm nội dung trên.
Những phân tích trên cũng là căn cứ để Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Ông Nguyễn Đăng B và Bà Nguyễn Thị Q và giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm của Toà án nhân dân huyện Hoài Đức.
Phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa phù hợp một phần với nhận định của Hội đồng xét xử.
[3]. Về án phí:
- Về án phí dân sự sơ thẩm. Giữ nguyên quyết định của cấp sơ thẩm về án phí dân sự sơ thẩm.
- Về án phí dân sự phúc thẩm: Do yêu cầu kháng cáo không được chấp nhận nên người kháng cáo phải chịu án phí dân sự phúc thẩm, tuy nhiên Ông B, Bà Q Bà H được xác định là người cao tuổi nên được miễn toàn bộ án phí.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
- Căn cứ vào:
+ Các Điều 147,148, 227; khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;
+ Các Điều 649, 650, 651 và 660 Bộ luật Dân sự năm 2015;
+ Điều 203 Luật đất đai năm 2013;
+ Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn - Ông Nguyễn Đăng B, Bà Nguyễn Thị Q, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có kháng cáo – Bà Nguyễn Thị H. Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 147/2022/DS-ST ngày 28/9/2022 của Toà án nhân dân huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội. Cụ thể:
1. Chấp nhận phần yêu cầu khởi kiện của đồng nguyên đơn về chia di sản thừa kế của cụ Nguyễn Đăng T1 và cụ Nguyễn Thị M1.
- Xác định di sản thừa kế của cụ Nguyễn Đăng T1, cụ Nguyễn Thị M1 để lại là 148m2 đất Nông nghiệp 10% ở khu khu Gò Đống, Thôn C, xã Đ, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội - Xác định hàng thừa kế thứ nhất của cụ T1, cụ M1 gồm 5 người: Ông Nguyễn Đăng B, Bà Nguyễn Thị Q, Ông Nguyễn Đăng Đ, Ông Nguyễn Đăng M và Ông Nguyễn Đăng T. Di sản của cụ T1, cụ M1 được phân chia cụ thể như sau:
148 m2 : 5 người = 29,6m2/01 người. Như vậy, mỗi thừa kế được hưởng di sản của bố mẹ để lại là 29,6 m2.
- Ông Nguyễn Đăng B được hưởng di sản thừa kế của bố mẹ để lại là 29,6m2 và 29,6m2 phần của Bà Nguyễn Thị Q được giới hạn bởi các điểm 1, 3, 7, 9, 1 (theo sơ đồ trích đo kèm theo). Ghi nhận sự thỏa thuận của Ông B, Bà Q tự nguyện thỏa thuận bồi thường cho nhau mà không yêu cầu Tòa án giải quyết.
- Ông Nguyễn Đăng T được hưởng di sản thừa kế của bố mẹ để lại là 29,6m2 và 02 suất thừa kế tặng cho của anh Nguyễn Đăng Đ, anh Nguyễn Đăng M. Tổng số là 88,8m2.
- Xác nhận Ông Nguyễn Đăng T được nhà nước phân 74m2 đất 10% tại thửa số 49 ở khu khu Gò Đống, Thôn C, xã Đ, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội và 88,8m2 đất chia thừa kế. Tổng 162,8m2 được giới hạn bởi các điểm 7, 3, 5, 6, 7 (theo sơ đồ trích đo kèm theo) ở thửa số 49 ở khu khu Gò Đống, Thôn C, xã Đ, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội.
2. Không chấp nhận yêu cầu đòi tài sản là quyền sử dụng đất 5% của Ông Nguyễn Đăng B, Bà Nguyễn Thị Q.
3. Không chấp nhận yêu cầu tính công sức trông nom, di sản của Bà Q tương đương với 5m2 đất.
3. Không chấp nhận các yêu cầu khác của các đương sự.
4. Về án phí:
Miễn toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm, phúc thẩm cho Ông Nguyễn Đăng B, Bà Nguyễn Thị Q; miễn toàn bộ án phí cho Bà Nguyễn Thị H.
Ông Nguyễn Đăng T phải chịu tiền án phí dân sự sơ thẩm phần chia di sản thừa kế là 4.315.680 đồng (bốn triệu, ba trăm mười lăm ngàng, sáu trăm tám mười đồng) và 3.596.400 đồng phần án phí dân sự sơ thẩm đối với xác định quyền sử dụng đất theo điểm a khoản 2 Điều 27 Nghị Quyết 326.
5. Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6,7 và Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 luật thi hành án dân sự.
Án xử công khai phúc thẩm, có hiệu lực thi hành kể từ ngày tuyên án./.
Bản án về yêu cầu chia di sản thừa kế và đòi quyền sử dụng đất số 213/2023/DS-PT
Số hiệu: | 213/2023/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hà Nội |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 15/05/2023 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về