Bản án về tranh chấp yêu cầu điều chỉnh chức danh ngành nghề trong sổ Bảo hiểm xã hội số 01/2023/LĐ-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN QUẬN CÁI RĂNG, THÀNH PHỐ CẦN THƠ

BẢN ÁN 01/2023/LĐ-ST NGÀY 08/09/2023 VỀ TRANH CHẤP YÊU CẦU ĐIỀU CHỈNH CHỨC DANH NGÀNH NGHỀ TRONG SỔ BẢO HIỂM XÃ HỘI

Trong các ngày 31 tháng 8 và 08 tháng 9 năm 2023 tại trụ sở Tòa án nhân dân quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 02/2023/TLST-LĐ ngày 29 tháng 5 năm 2023 về tranh chấp yêu cầu điều chỉnh chức danh ngành nghề trong sổ Bảo hiểm xã hội theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 395/2023/QĐXX-ST ngày 07 tháng 8 năm 2023, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Phạm Ngọc P, sinh năm: 1972.

Địa chỉ: Khu vực 1, phường A, quận N, thành phố Cần Thơ. (Có mặt).

2. Bị đơn: Công ty Trách nhiệm hữu hạn V.

Địa chỉ: Số 438, đường P, phường B, quận C, thành phố Cần Thơ.

- Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn: Đinh Thị Bích N, sinh năm: 1982; Địa chỉ: Số 438, đường P, phường B, quận C, thành phố Cần Thơ. (Có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

- Theo nội dung đơn khởi kiện và quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn Phạm Ngọc P trình bày:

Vào ngày 15/10/1996, bà với Công ty liên doanh V (nay là Công ty Trách nhiệm hữu hạn V) có ký kết hợp đồng lao động có thời hạn 06 tháng, nội dung của hợp đồng thể hiện công việc của bà là công nhân nhưng thực tế là vận hành máy cuốn điếu, đóng bao thuốc lá cho công ty. Công việc này thuộc danh mục công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Bên cạnh đó, phía công ty bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội cho bà từ tháng 10/1996 chỉ với chức danh nghề nghiệp là công nhân bình thường. Đến đầu tháng 01/2003, công ty mới thay đổi, điều chỉnh chức danh nghề nghiệp cho bà thành công việc vận hành máy cuốn điếu, đóng bao thuốc lá. Bà đã nhiều lần liên hệ với Công ty Trách nhiệm hữu hạn V (gọi tắt là Công ty V) yêu cầu công ty điều chỉnh chức danh ngành nghề cho bà thời gian từ tháng 10/1996 đến tháng 12/2002 để bà được hưởng quyền lợi của người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Tuy nhiên, Công ty V cho rằng công ty không thể điều chỉnh chức danh ngành nghề cho bà là do hồ sơ lưu của công ty từ năm 1999 đến năm 2002 đã bị huỷ trong đó bao gồm bảng lương, bảng tính phép năm… Cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm nên bà Phạm Ngọc P khởi kiện yêu cầu buộc Công ty V điều chỉnh chức danh ngành nghề trong sổ Bảo hiểm xã hội từ công việc là công nhân thành nhân viên vận hành máy cuốn điếu, đóng bao thuốc lá trong sổ Bảo hiểm xã hội từ tháng 10/1996 đến tháng 12/2002 để bà P được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định pháp luật.

- Theo nội dung bản tự khai và trong quá trình giải quyết vụ án, bị đơn Công ty Trách nhiệm hữu hạn V và người đại diện theo ủy quyền của bị đơn là bà Đinh Thị Bích N trình bày:

Giữa bà Phạm Ngọc P với Công ty liên doanh thuốc lá V (nay là Công ty Trách nhiệm hữu hạn V) có ký kết hợp đồng lao động từ ngày 15/10/1996 đến ngày 15/4/1997 với chức vụ công nhân và mức lương 50 USD/tháng. Đến ngày 03/01/1997, Công ty liên doanh thuốc lá V với bà Phượng tiếp tục ký hợp đồng lao động với chức vụ là công nhân, lương 61 USD/tháng. Loại hợp đồng không xác định thời hạn từ ngày 16/4/1997.

Đến ngày 25/12/2010, Công ty liên doanh thuốc lá V đã thực hiện thủ tục mua bán, sáp nhập doanh nghiệp dẫn đến thay đổi chủ sở hữu thành Công ty Trách nhiệm hữu hạn V. Sau khi thay đổi qua Công ty V, bà P vẫn muốn ở lại làm việc với chức danh công việc như cũ nên giữa công ty và bà P ký lại hợp đồng lao động số 261/HĐLĐ ngày 25/12/2010 theo mẫu hiện hành với hệ số thang bậc lương của công ty. Theo đó, mức lương chính, ngạch lương là công nhân trực tiếp sản xuất, bậc 6, hệ số 1.95, mức lương là 2.321.000 đồng/tháng. Trong suốt quá trình bà P làm việc, công ty luôn trả lương đầy đủ, đúng hạn và đóng đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phụ cấp và các khoản lương thưởng khác đúng theo quy định pháp luật.

Đến ngày 28/6/2021 thì phát sinh khiếu nại. Bà P đã gửi đơn đề nghị công ty yêu cầu điều chỉnh sửa thêm sổ Bảo hiểm xã hội từ tháng 10/1996 đến tháng 01/2003, chức danh điều chỉnh liên quan công việc nặng nhọc, độc hại. Theo đó công ty đã có Công văn số 184/VPM-TC ngày 02/07/2021 để trả lời cho bà P là công ty đã điều chỉnh từ năm 2003 đến năm 2021 với số năm điều chỉnh là hơn 18 năm để bà P có đủ điều kiện nghỉ hưu. Còn việc điều chỉnh chức danh nghề cho giai đoạn từ 1996 - 2002, công ty không còn lưu các chứng từ như bảng lương, phép năm, chi bồi dưỡng độc hại... từ công ty cũ là Công ty liên doanh thuốc lá V. Do vậy, không đủ điều kiện để Cơ quan Bảo hiểm xã hội xem xét. Đồng thời, việc điều chỉnh này không có phát sinh thêm quyền lợi nào khác khi bà P nghỉ hưu theo chế độ, theo độ tuổi thấp hơn quy định tại khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động. Cạnh đó, việc điều chỉnh chức danh ngành nghề trong sổ Bảo hiểm xã hội không thuộc thẩm quyền của Công ty V mà thuộc thẩm quyền của Cơ quan Bảo hiểm xã hội. Do đó, đối với yêu cầu khởi kiện của bà Phạm Ngọc P thì Công ty V không thống nhất.

Tại phiên tòa:

Nguyên đơn Phạm Ngọc P vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện đề nghị buộc bị đơn Công ty V điều chỉnh chức danh ngành nghề trong sổ Bảo hiểm xã hội từ công việc là công nhân thành nhân viên vận hành máy cuốn điếu, đóng bao thuốc lá thời gian từ tháng 10/1996 đến tháng 12/2002 để nguyên đơn được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn Công ty V cho rằng Công ty V đã thực hiện việc điều chỉnh chức danh ngành nghề trong sổ Bảo hiểm xã hội của bà Phạm Ngọc P từ công nhân thành vận hành máy cuốn điếu, đóng bao thuốc lá giai đoạn từ tháng 01/2003 đến tháng 12/2012 nên tổng thời gian bà P làm công việc nặng nhọc, độc hại trên 15 năm. Do đó, bà P đã đủ tuổi nghỉ hưu và hưởng các chế độ đầy đủ theo quy định của pháp luật. Còn giai đoạn từ tháng 10/1996 đến tháng 12/2002 thì Công ty V đã làm các thủ tục gửi cho cơ quan có thẩm quyền là Bảo hiểm xã hội thành phố Cần Thơ để điều chỉnh chức danh ngành nghề trong sổ Bảo hiểm xã hội cho bà P. Tuy nhiên, do hiện nay hồ sơ liên quan đến công việc bà P thực hiện trong giai đoạn từ tháng 10/1996 đến tháng 12/2002 thì công ty không còn lưu giữ do các tài liệu này đã được tiêu huỷ. Do đó, Công ty V không thể thực hiện theo yêu cầu của bà P được. Hơn nữa, việc điều chỉnh chức danh ngành nghề trong sổ Bảo hiểm xã hội của bà Phạm Ngọc P không thuộc thẩm quyền của Công ty V mà thuộc thẩm quyền của Bảo hiểm xã hội thành phố Cần Thơ nên yêu cầu khởi kiện của bà P buộc Công ty V điều chỉnh chức danh ngành nghề trong sổ Bảo hiểm xã hội thì công ty không thống nhất do không thể thực hiện được.

Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc chấp hành pháp luật tố tụng và ý kiến về việc giải quyết vụ án. Về việc chấp hành pháp luật tố tụng thì Kiểm sát viên cho rằng, trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án và việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng, kể từ khi thụ lý vụ án đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án là đúng theo quy định của pháp luật. Còn về việc giải quyết vụ án, Kiểm sát viên đề nghị không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Phạm Ngọc P.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về quan hệ pháp luật tranh chấp và thẩm quyền giải quyết vụ án:

Căn cứ vào yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, quan hệ pháp luật tranh chấp được xác định là tranh chấp yêu cầu điều chỉnh chức danh ngành nghề trong sổ Bảo hiểm xã hội, thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân quận Cái Răng theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 32, điểm c khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

[2] Xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:

Hội đồng xét xử xét thấy, vào ngày 15/10/1996, bà Phạm Ngọc P với Công ty liên doanh V (nay là Công ty Trách nhiệm hữu hạn V) ký kết hợp đồng lao động có thời hạn 06 tháng, nội dung của hợp đồng thể hiện việc làm của bà P là công nhân, lương theo hợp đồng hai bên thỏa thuận 50 USD/tháng. Sau đó, giữa bà P và công ty ký tiếp phụ lục hợp đồng để gia hạn thời gian lao động. Cả bà P và Công ty V đều thừa nhận từ tháng 10/1996 đến tháng 12/2002, bà P có ký kết hợp đồng lao động, thể hiện trong hợp đồng việc làm là công nhân nhưng bà P thực hiện công việc hàng ngày là công nhân vận hành máy cuốn điếu, đóng bao thuốc lá. Đối chiếu Quyết định số 1629/LĐTBXH-QĐ ngày 26/12/1996 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội kèm theo danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì việc làm vận hành máy cuốn điếu, đóng bao thuốc lá của bà P thuộc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nhưng trong sổ bảo hiểm của bà P trong thời gian từ tháng 10/1996 đến tháng 12/2002 chỉ thể hiện việc làm công nhân là chưa phù hợp. Tuy nhiên, để được điều chỉnh cụ thể công việc trong sổ bảo hiểm xã hội từ công nhân thành vận hành máy cuốn điếu, đóng bao thuốc lá thì phải có hồ sơ, tài liệu liên quan đến công việc yêu cầu điều chỉnh nhưng do hồ sơ liên quan đã được công ty tiêu huỷ, hợp đồng lao động cũng chỉ thể hiện công việc của bà P là công nhân. Cạnh đó, theo quy định tại Điều 98 Luật Bảo hiểm xã hội thì thẩm quyền điều chỉnh thông tin tham gia sổ bảo hiểm xã hội thuộc cơ quan Bảo hiểm xã hội. Do đó, bà P khởi kiện yêu cầu buộc Công ty V điều chỉnh chức danh ngành nghề trong sổ Bảo hiểm xã hội từ công việc là công nhân thành nhân viên vận hành máy cuốn điếu, đóng bao thuốc lá là không có cơ sở chấp nhận.

Hội đồng xét xử xét thấy, bà P đã được điều chỉnh chức danh ngành nghề từ công nhân thành nhân viên vận hành máy cuốn điếu, đóng bao thuốc lá trong sổ Bảo hiểm xã hội thuộc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thời gian từ tháng 01/2003 đến tháng 12/2012 cộng với thời gian làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm từ tháng 01/2013 đến khi nghỉ việc vào năm 2023, nâng tổng thời gian bà P làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm tại công ty là trên 15 năm và đủ điều kiện hưởng các chế độ, nghỉ hưu trước tuổi theo quy định. Trường hợp, bà P cho rằng Công ty V không thực hiện cung cấp thông tin ghi trong sổ Bảo hiểm xã hội mà có gây thiệt hại hay chưa chi trả phụ cấp khi thực hiện công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm tại công ty giai đoạn từ tháng 10/1996 đến tháng 12/2002 thì có thể khởi kiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại, chi trả phụ cấp trong vụ kiện khác.

[3] Về án phí: Nguyên đơn Phạm Ngọc P khởi kiện liên quan đến bảo hiểm xã hội nên được miễn án phí theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào: - Điểm d khoản 1 Điều 32, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 150 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

- Điều 98 của Luật Bảo hiểm xã hội;

- Điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

* Tuyên xử:

1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Phạm Ngọc P về việc yêu cầu buộc bị đơn Công ty Trách nhiệm hữu hạn V điều chỉnh chức danh ngành nghề trong sổ Bảo hiểm xã hội từ công nhân thành nhân viên vận hành máy cuốn điếu, đóng bao thuốc lá thời gian từ tháng 10/1996 đến tháng 12/2002.

2. Về án phí: Bà Phạm Ngọc P được miễn án phí lao động sơ thẩm.

3. Về tạm ứng án phí: Bà Phạm Ngọc P được nhận lại 300.000 đồng tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số 0003187 ngày 23/5/2023 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ.

4. Các đương sự được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

117
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp yêu cầu điều chỉnh chức danh ngành nghề trong sổ Bảo hiểm xã hội số 01/2023/LĐ-ST

Số hiệu:01/2023/LĐ-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quận Cái Răng - Cần Thơ
Lĩnh vực:Lao động
Ngày ban hành:08/09/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về