Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 436/2023/DS-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 436/2023/DS-PT NGÀY 05/09/2023 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN VÀ YÊU CẦU HỦY GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Ngày 05/9/2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 418/2022/TLPT-DS ngày 14 tháng 12 năm 2022 về việc “Tranh chấp về thừa kế tài sản và yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” do có kháng cáo của chị Bùi Thị Đ là người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đối với Bản án dân sự sơ thẩm số 46/2022/DS-ST ngày 12/9/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 9801/2023/QĐ-PT ngày 21/8/2023, giữa các đương sự:

* Nguyên đơn: Ông Bùi Công C, sinh năm 1942; địa chỉ: Thôn T, xã Y, huyện G, tỉnh Hải Dương; có mặt.

Người đại diện theo ủy quyền của ông C: Anh Bùi Công Đ1, sinh năm 1973; địa chỉ: Số A, hẻm C, đường U, tổ D, phường T, thành phố K, tỉnh Kon Tum; vắng mặt.

Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho ông C: Ông Chu Thanh N, luật sư trợ giúp pháp lý – Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh H; vắng mặt.

* Bị đơn: Ông Bùi Công X, sinh năm 1956; địa chỉ: Thôn T, xã Y, huyện G, tỉnh Hải Dương; có mặt.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Ủy ban nhân dân huyện G, tỉnh Hải Dương.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Vũ Văn C1 – Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện G, tỉnh Hải Dương; vắng mặt và có văn bản xin xét xử vắng mặt.

- Ủy ban nhân dân xã Y, huyện G, tỉnh Hải Dương.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Phạm Văn D – Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Y; vắng mặt và có văn bản xin xét xử vắng mặt.

- Bà Bùi Thị S (Bùi Thị Hồng S1), sinh năm 1950; địa chỉ: Thôn V, xã T, huyện G, tỉnh Hải Dương; vắng mặt.

Người đại diện theo ủy quyền của bà S1: Anh Bùi Công Đ2, sinh năm 1975;

địa chỉ: Số D, tổ A, phường T, quận L, thành phố Hà Nội; có mặt.

- Bà Bùi Thị S2, sinh năm 1952; địa chỉ: Thôn T, xã Y, huyện G, tỉnh Hải Dương; vắng mặt.

- Bà Bùi Thị D1, sinh năm 1954; địa chỉ Thôn T, xã Y, huyện G, tỉnh Hải Dương; vắng mặt.

- Bà Bùi Thị T, sinh năm 1959; địa chỉ: Thôn T, xã Y, huyện G, tỉnh Hải Dương; vắng mặt.

Người đại diện theo uỷ quyền của bà T: Chị Bùi Thị Đ, địa chỉ: Thôn T, xã Y, huyện G, tỉnh Hải Dương; có mặt.

Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bà T: Ông Phạm Văn Đ3, trợ giúp viên pháp lý – Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh H; vắng mặt và có văn bản trình bày ý kiến, đồng thời xin vắng mặt tại phiên tòa.

- Bà Bùi Thị T1, sinh năm 1962; địa chỉ: Xóm C, thôn Q, xã T, huyện G, tỉnh Hải Dương; vắng mặt.

- Ông Bùi Công G, sinh năm 1982; địa chỉ: Thôn T, xã Y, huyện G, tỉnh Hải Dương; vắng mặt.

- Bà Hoàng Thị T2, sinh năm 1981; địa chỉ: Thôn T, xã Y, huyện G, tỉnh Hải Dương; vắng mặt.

- Bà Đỗ Thị T3, sinh năm 1958; địa chỉ: Thôn T, xã Y, huyện G, tỉnh Hải Dương; có mặt.

- Chị Bùi Thị Đ, sinh năm 1993; địa chỉ: Thôn T, xã Y, huyện G, tỉnh Hải Dương; có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại đơn khởi kiện và trong quá trình giải quyết, tại phiên tòa, nguyên đơn ông Bùi Công C, người đại diện theo ủy quyền của ông C là anh Bùi Công Đ1, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông C là ông Chu Thanh N trình bày:

Bố mẹ ông C là cụ Bùi Công T4 (chết năm 1997) và cụ Vũ Thị H (chết năm 2012). Hai cụ sinh được 08 người con: ông Bùi Công C, ông Bùi Công H1 (tên gọi khác: Bùi Công B) là liệt sỹ hy sinh năm 1970, chưa có vợ con, bà Bùi Thị S1, bà Bùi Thị S2, bà Bùi Thị D1, ông Bùi Công X, bà Bùi Thị T, bà Bùi Thị T1. Bố mẹ cụ T4 chết trước cụ T4, bố mẹ cụ H chết trước cụ H. Khi cụ T4 và cụ H chết thì cụ H không để lại di chúc. Trong thời gian ông C chăm cụ T4 tại Bệnh viện đa khoa huyện G thì cụ T4 có nói với ông C về việc để lại thửa đất khoảng 800 m2 cho con trưởng là ông C quản lý. Ông C xác định đây là di chúc miệng của cụ T4 nhưng do không lấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền nên ông C không đề nghị chia thừa kế theo di chúc mà đề nghị chia thừa kế theo pháp luật di sản của cụ T4 và cụ H.

Trong quá trình chung sống, cụ T4 và cụ H có tài sản chung là thửa đất số 10+11, tờ bản đồ số 04, địa chỉ: thôn C, xã T (nay là thôn T, xã Y), huyện G, tỉnh Hải Dương, trên đất có ngôi nhà 05 gian. Ngày 10/10/1994, UBND tỉnh H cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên cụ T4, đến ngày 01/8/2001 được UBND huyện G hợp pháp hóa tại trang 3 của giấy chứng nhận.

Sau khi cụ T4 chết thì cụ H và bà T tiếp tục ở trên đất, năm 2008 các anh chị em trong gia đình cùng góp tiền vào để phá toàn bộ ngôi nhà 05 gian và xây nhà mới cho cụ H ở. Khoảng năm 2005, ông X đã cho anh G làm nhà trên một phần đất của các cụ, ông C có ý kiến với vợ chồng ông X không đồng ý vì đây là đất của bố mẹ, tuy nhiên ông không làm đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết vì muốn giữ tình cảm anh em. Đến năm 2018, do bà T và vợ anh G có mâu thuẫn về đất đai nên ông C mới biết vợ chồng ông X đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất số 11, còn thửa đất số 10 vẫn mang tên cụ H. Ông vẫn đang giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cụ T4 được cấp năm 1994 nhưng không hiểu lý do gì mà ông X làm được thủ tục tách thành hai thửa như hiện nay.

Hiện nay, trên đất của các cụ có ngôi nhà cấp 4, ba gian của cụ H và ngôi nhà của anh G nằm trên phần đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông X (bà T đang ở nhờ trên ngôi nhà cấp 4 của cụ H), còn phần đất mang tên cụ H vẫn là đất trống.

Ông C xác định các thửa đất 10, 11, tờ bản đồ số 04 và ngôi nhà cấp 4, ba gian là di sản mà cụ T4 và cụ H để lại. Khi không có ý kiến của anh chị em mà vợ chồng ông X được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất số 11 là không hợp pháp. Do vậy, ông C đề nghị Tòa án:

- Hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AD692358 do UBND huyện G, tỉnh Hải Dương cấp ngày 16/12/2005 cho ông Bùi Công X và bà Đỗ Thị T3 đối với thửa đất số 11, tờ bản đồ số 04, diện tích 430m2, địa chỉ: thôn C, xã T (nay là thôn T, xã Y), huyện G, tỉnh Hải Dương.

- Chia di sản thừa kế của cụ Bùi Công T4, cụ Vũ Thị H để lại là quyền sử dụng các thửa đất số 10, 11, tờ bản đồ số 04, địa chỉ: thôn C, xã T (nay là thôn T, xã Y), huyện G, tỉnh Hải Dương. Ông C có nguyện vọng được hưởng thừa kế bằng hiện vật để làm nơi thờ cúng, đối với ngôi nhà cấp 4 của cụ H thì ông không yêu cầu Tòa án giải quyết mà đề nghị để lại ngôi nhà này cho bà T sử dụng. Đối với ngôi nhà của anh G thì phải buộc tháo dỡ để trả lại mặt bằng cho ông.

Cụ T4 và cụ H chết đều không để lại nghĩa vụ về tài sản, anh chị em trong gia đình cùng đứng lên để lo mai táng cho các cụ nên ông C không yêu cầu giải quyết về nội dung này.

Về công sức: Vợ chồng ông X có đào ao, tôn tạo nền cao đối với phần đất hiện nay có ngôi nhà của anh G. Còn trên phần đất có nhà của bà T thì chị Đ, bà T đã tôn cao phần vườn phía trước, về khối lượng cụ thể thì ông không biết được. Trong trường hợp yêu cầu khởi kiện của ông có căn cứ được chấp nhận thì ông chỉ đồng ý trả công sức tôn tạo cho bà T, chị Đ. Đối với công sức của vợ chồng ông X và anh G thì ông không đồng ý trả vì họ tôn tạo không được sự đồng ý của ông.

Về chi phí xem xét thẩm định, định giá tài sản: Ông C tự nguyện chịu toàn bộ.

Bị đơn là ông Bùi Công X trình bày:

Thống nhất với lời trình bày của ông C về quan hệ nhân thân của cụ T4 và cụ H. Bố mẹ cụ T4, cụ H đều chết trước các cụ, khi cụ T4 và cụ H chết thì đều không để lại di chúc.

Cụ T4 và cụ H có tài sản chung là thửa đất số 10, 11, tờ bản đồ số 04, địa chỉ: thôn C, xã T (nay là thôn T, xã Y), huyện G, tỉnh Hải Dương. Trên đất có ngôi nhà 05 gian, sau này đã tháo dỡ 01 gian, còn 04 gian. Ngày 10/10/1994, thửa đất đã được UBND tỉnh H cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên cụ T4, đến ngày 01/8/2001 được UBND huyện G hợp pháp hóa tại trang 3 của giấy chứng nhận.

Khi cụ T4 và cụ H còn sống đã tiến hành họp gia đình vào năm 1990 với thành phần gồm đầy đủ anh chị em trong gia đình và có mặt cụ Bùi Thị C2 (em gái cụ T4) để tuyên bố cho ông X và bà T mỗi người ½ thửa đất, ranh giới phân chia theo hướng Bắc - N. Khi tuyên bố cho đất, các cụ không yêu cầu vợ chồng ông phải thực hiện nghĩa vụ gì. Nhưng ông và bà T3 thấy nếu cho vợ chồng ông đất thì bố mẹ không còn đất để canh tác (vì các cụ bị trừ đất ngoài đồng vào đất vườn) nên vợ chồng ông tự nguyện cho cụ H 1,5 tạ thóc. Ngoài ra, vợ chồng ông đưa tiêu chuẩn ruộng cấy của anh G là 1 sào 1 thước cho cụ H, cụ thể nhập vào phần ruộng của bà T để thuận lợi cho canh tác. Hiện tại bà T vẫn canh tác tại thửa ruộng này, anh G không còn ruộng, trên giấy tờ, sổ sách diện tích ruộng vẫn thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình ông X. Ông X và bà T3 xác định việc đưa thóc và ruộng như trên là sự tự nguyện của vợ chồng đối với bố mẹ, ông bà không yêu cầu giải quyết về thóc và ruộng trong vụ án này.

Sau khi được bố mẹ cho đất, vợ chồng ông đã lấy đất để đóng gạch, hàng năm có chở đất ở ngoài đồng về để tôn tạo, nâng cao nền, do gia đình ông đông con nên đã cho anh G về thửa đất đó ở. Cụ thể về khối lượng đất đã tôn tạo thì do thời gian đã lâu, thời gian tôn tạo kéo dài nhiều năm nên ông không tính được.

Khoảng năm 1992, gia đình ông đào ao thả cá và xây bờ tường ao để phân định giữa thửa đất gia đình ông và thửa đất của bà T. Hiện nay ranh giới giữa hai thửa đất là bờ tường ao, bể nước và cây mít. Năm 1994, cán bộ địa chính là ông Phạm Hữu T5 đến đo và được cụ T4 chỉ cho ranh giới phân chia hai thửa đất. Thời gian đó, cụ T4 nhờ ông Lê Văn T6 (chồng bà Bùi Thị S2) làm thủ tục tách đất theo đúng ý nguyện của cụ T4 từ năm 1994, đến năm 2005 thửa đất số 11 mới được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên vợ chồng ông. Năm 1998, vợ chồng ông đã xây công trình phụ là một gian nhà nhỏ cấp bốn, cùng năm đó anh Bùi Công X1 (con trai ông) lấy vợ nên vợ chồng ông cho vợ chồng anh X1 ra ở nhờ trên nhà cấp bốn. Do ông có 04 người con trai nên cụ T4 muốn có một cháu trai về ở trên đất của các cụ. Anh X1 ở trên thửa đất được hai năm thì chuyển đi nơi khác, đến năm 2003 anh G lấy vợ nên vợ chồng ông cho về ở trên thửa đất đó. Năm 2007, vợ chồng ông đồng ý cho vợ chồng anh G phá nhà cấp bốn cũ để xây nhà mái bằng và ở ổn định cho đến nay. Quá trình từ khi ông được cho đất, anh X1, anh G ở trên đất, xây dựng công trình trên đất cho đến nay, tất cả các anh chị em trong gia đình đều không có ý kiến phản đối. Năm 2008, do nhà 04 gian của bố mẹ để lại đã cũ nát nên được sự đồng ý và đóng góp của các anh chị em trong gia đình, mọi người đã phá nhà 04 gian để xây nhà mới cho cụ H ở vị trí khác, ông X xác định vị trí nhà mới vẫn nằm trên phần đất mà các cụ phân chia cho bà T. Sau khi cụ H chết, khoảng năm 2013, ông C muốn chia thửa đất làm 03 phần cho ông X, ông C, bà T nhưng ông X và bà T cùng các chị em khác không đồng ý. Thôn C đã tiến hành hòa giải, khi đó ông X xem lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp thì mới biết vị trí đất của ông X và bà T trong giấy chứng nhận không đúng với ý nguyện phân chia của hai cụ, việc hòa giải tại thôn và xã đều không thành vì các anh chị em trong gia đình cũng như chính quyền địa phương đều không nhất trí với yêu cầu chia đất của ông C. Ông X đề nghị UBND xã điều chỉnh lại và được ông Lê Công L cán bộ địa chính hướng dẫn tất cả các anh chị em trong gia đình ký vào các giấy tờ, thủ tục nhưng ông C không đồng ý. Từ đó đến nay, các bên không thống nhất được, ông C đã khởi kiện đến Tòa án.

Ông X không đồng ý với toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông C vì từ khi bố mẹ ông còn sống, các cụ đã tuyên bố cho vợ chồng ông và bà T đất nên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho vợ chồng ông là hợp pháp, gia đình ông đã sử dụng, xây dựng công trình trên đất mà không ai có ý kiến phản đối, chỉ từ năm 2013 ông C mới có ý kiến về đòi phân chia đất làm 3 phần.

Khi cụ T4 chỉ ranh giới cho ông T5 để làm thủ tục tách đất cho vợ chồng ông thì cụ T4 chỉ đúng ranh giới B1-Nam theo hiện trạng sử dụng đất hiện nay của gia đình ông nhưng khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không biết vì lý do gì, thửa đất mang tên vợ chồng ông có vị trí, kích thước không đúng với đề nghị tách đất của cụ T4. Do vậy, ông đề nghị Tòa án điều chỉnh lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho vợ chồng ông theo đúng di nguyện của cụ T4 và hiện trạng đất mang tên vợ chồng ông (ranh giới giữa thửa 10 và thửa 11 là ranh giới theo chiều B1-Nam).

Trường hợp yêu cầu khởi kiện của ông C được Tòa án chấp nhận thì ông đề nghị Tòa án xem xét công sức của vợ chồng ông, vợ chồng anh G trong việc tôn tạo, duy trì thửa đất, đồng thời cho ông hưởng thừa kế bằng hiện vật, hiện nay anh G không còn chỗ ở nào khác, anh G đã xây dựng công trình kiên cố nên đề nghị Tòa án xem xét, giải quyết để đảm bảo quyền lợi của bố con ông. Về các công trình xây dựng của vợ chồng anh G trên đất mang tên ông thì ông không yêu cầu Tòa án giải quyết mà để giữa vợ chồng ông và vợ chồng anh G tự giải quyết với nhau. Đối với kỷ phần thừa kế mà ông được hưởng, ông đề nghị nhập phần công sức của vợ chồng ông, vợ chồng anh G vào kỷ phần thừa kế để được hưởng bằng hiện vật, cho vợ chồng ông cùng đứng tên chủ sử dụng.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Bùi Thị S1 và người đại diện theo ủy quyền của bà S1 là anh Bùi Công Đ2 trình bày: Thống nhất với lời trình bày của ông C về quan hệ nhân thân của cụ T4 và cụ H và di sản của các cụ để lại. Bố mẹ cụ T4, cụ H đều chết trước các cụ, khi cụ T4 và cụ H chết đều không để lại di chúc.

Bà S1 xác định không có cuộc họp gia đình nào cụ T4 tuyên bố cho ông X và bà T mỗi người ½ thửa đất. Chỉ có sự việc khi cụ T4 điều trị tại Bệnh viện huyện G, cụ T4 có nói cần phải có cháu trai vào trông nom cho cụ H, không nói cụ thể tên người nào. Cụ T4 không nói cụ thể về việc tách đất cho ai. Đến năm 2017, khi bà T và chị T2 xảy ra mâu thuẫn về đất thì bà S1 mới biết vợ chồng ông X được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, còn cụ thể việc cấp như thế nào bà không biết được. Trước đây trên đất có ngôi nhà 05 gian lợp ngói, do nhà đã cũ nát nên năm 2008 các anh chị em trong gia đình cùng góp tiền vào để phá toàn bộ ngôi nhà 05 gian và xây nhà mới cho cụ H ở. Khoảng năm 2007, ông X đã cho anh G làm nhà trên một phần đất của các cụ.

Bà S1 đồng ý với toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, khi Tòa án chia di sản thừa kế của bố mẹ bà để lại thì kỷ phần thừa kế mà bà được hưởng, bà đồng ý nhận và tự nguyện cho ông C kỷ phần của bà. Bà không có công sức, đóng góp đối với thửa đất này.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Bùi Thị S2, bà Bùi Thị D1, bà Bùi Thị T1 trình bày: Các bà nhất trí với lời trình bày của ông X, không đồng ý với toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn vì khi cụ T4 và cụ H còn sống đã định đoạt thửa đất cho bà T, ông X nên việc ông X được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là hoàn toàn hợp pháp và không còn di sản thừa kế để phân chia. Tuy nhiên, các bà thấy vị trí, hình thể, kích thước phần đất của vợ chồng ông X không đúng theo ý nguyện của cụ T4 và hiện trạng sử dụng. Trong trường hợp yêu cầu khởi kiện của ông C có căn cứ được chấp nhận thì kỷ phần thừa kế mà các bà được hưởng, các bà đồng ý nhận và tự nguyện cho bà T, ông X mỗi người ½ kỷ phần của các bà, để tạo điều kiện cho các công trình không bị phá dỡ vì bà T, các con ông X không còn chỗ ở nào khác.

Chị Bùi Thị Đ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, đồng thời là người đại diện hợp pháp của bà Bùi Thị T, ông Phạm Văn Đ3 là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Bùi Thị T trình bày:

Thống nhất với lời trình bày của ông C về quan hệ nhân thân của cụ T4 và cụ H, tài sản chung của các cụ. Bố mẹ cụ T4, cụ H đều chết trước các cụ, khi cụ T4 và cụ H chết đều không để lại di chúc. Chị Đ có nghe cụ H nói lại là khi cụ T4 còn sống thì đã tuyên bố cho ông X, bà T mỗi người ½ thửa đất. Sau này, thửa đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông X, năm 2007 anh G (con ông X) xây nhà trên đất. Sau khi cụ T4 chết thì bà T ở cùng với cụ H trên đất. Đến năm 2008, các bác trong gia đình đã đóng góp tiền phá toàn bộ ngôi nhà 05 gian và xây nhà mới cho cụ H ở, sau khi cụ H chết thì ngôi nhà này do bà T quản lý, sử dụng.

Chị Đ không đồng ý với toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông C vì từ khi còn bé, chị đã được nghe cụ H nói việc cụ T4 và cụ H đã định đoạt cho bà T, ông X mỗi người ½ thửa đất nên việc ông X được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là hoàn toàn hợp pháp và không còn di sản thừa kế để phân chia.

Trong thời gian ở trên đất, bà T và chị Đ có công sức tôn tạo thửa đất, nếu Tòa án chia thừa kế của cụ T4 và cụ H thì bà T và chị Đ không yêu cầu trích trả phần công sức này cho mẹ con chị. Đối với công trình xây dựng và cây cối trên đất do mẹ con chị tạo lập thì mẹ con chị không yêu cầu giải quyết, sau này thuộc phần đất chia cho ai thì người đó được sở hữu công trình, cây cối đó.

Thời kỳ Nhà nước giao đất nông nghiệp theo Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy Hải Hưng thì hộ gia đình cụ T4 gồm 4 khẩu: cụ T4, cụ H (C), bà T, chị Đ được chia đất nông nghiệp tổng là 3,5 suất. Trong đó: cụ T4, cụ H (C3), bà T mỗi người được 1 suất, còn chị Đ mới được sinh ra vào thời kỳ bắt đầu chia ruộng nên được 0,5 suất. Mỗi khẩu được chia khoảng 1 sào 7 thước đất nông nghiệp. Thời điểm đó chia cho hộ gia đình cụ T4 cả đất ngoài đồng và trừ vào đất thổ cư. Hộ cụ T4 bị trừ 560 m2 đất nông nghiệp vào đất thổ cư, trong đó chị và bà T bị trừ 1,5 suất là 240 m2. Trong trường hợp Tòa án chia thừa kế theo pháp luật thì đề nghị Tòa giải quyết quyền lợi của bà T và chị Đ đối với phần đất nông nghiệp bị trừ ngoài đồng vào đất thổ cư để mẹ con chị được sử dụng phần đất này. Chị Đ tự nguyện cho bà T toàn bộ quyền lợi chị được hưởng trong vụ án.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan anh G, chị T2 trình bày: Nhất trí với lời trình bày và quan điểm của ông X. Anh G, chị T2 không đồng ý với toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông C vì từ khi ông bà nội còn sống đã tuyên bố cho ông X và bà T đất. Do ông X được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp và được sự đồng ý của vợ chồng ông X nên vợ chồng anh mới về ở trên đất, xây dựng công trình trên đất mà không ai có ý kiến phản đối, chỉ từ năm 2013 ông C mới có ý kiến về đòi phân chia đất làm 3 phần, ông X không đồng ý nên ông C làm đơn khởi kiện đến Tòa án. Quan điểm của anh G đối với phần ruộng tiêu chuẩn, anh tự nguyện cho bà T tiếp tục quản lý, sử dụng, không yêu cầu giải quyết.

Trường hợp yêu cầu khởi kiện của ông C được Tòa án chấp nhận thì anh G, chị T2 đề nghị Tòa án xem xét công sức của vợ chồng anh chị trong việc tôn tạo, duy trì thửa đất, đề nghị tính phần công sức của vợ chồng anh chị cho ông X, bà T3, đồng thời giao cho ông X phần đất có công trình mà vợ chồng anh chị đã xây dựng, giữa vợ chồng anh chị và ông X sẽ tự giải quyết mà không yêu cầu Tòa án xem xét, giải quyết trong vụ án này.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Đỗ Thị T3 trình bày: Nhất trí với lời trình bày và quan điểm của ông X.

Quan điểm của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan UBND huyện G, tỉnh Hải Dương:

Về trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông X và cụ H: Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và Phòng tài nguyên môi trường huyện G không còn lưu giữ hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không cung cấp cho Tòa án được. Đối với các tài liệu gồm: đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên cụ Bùi Công T4 đề ngày 15/8/1991, biên bản xác định ranh giới mốc giới thửa đất ghi năm 2004 không có ngày tháng đối với thửa số 11, diện tích 430 m2, đơn đề nghị xin tách thổ của cụ Vũ Thị H ngày 02/6/2005, đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông Bùi Công X ghi tháng 3/2004 (không ghi ngày), tất cả đều là bản photo do các đương sự nộp cho Tòa án, UBND huyện G không có căn cứ xác định đây là các tài liệu lập trong thời điểm làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên cụ T4, sau đó tách thành hai thửa mang tên cụ H và vợ chồng ông X, bà T3 hay không vì đây là các tài liệu phô tô.

Về việc ông C đề nghị Tòa án hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AD692358 do UBND huyện G, tỉnh Hải Dương cấp ngày 16/12/2005 cho ông Bùi Công X và bà Đỗ Thị T3 đối với thửa đất số 11, tờ bản đồ số 04, địa chỉ: thôn C, xã T (nay là thôn T, xã Y), huyện G, tỉnh Hải Dương thì đề nghị Tòa án căn cứ vào các tài liệu chứng cứ do đương sự cung cấp và các tài liệu thu thập được để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Kết quả xác minh và quan điểm của UBND xã Y, huyện G:

- Theo hồ sơ 299 (sổ mục kê ruộng đất ngày 02/11/1989 và tờ bản đồ đo vẽ năm 1982): Cụ Bùi Công T4 là chủ sử dụng thửa đất 02 thửa đất tại tờ bản đồ số 4: 01 thửa có diện tích 733 m2, loại đất thổ cư và 01 thửa có diện tích 127 m2, loại đất ao.

- Theo hồ sơ địa chính năm 1993:

+ Tại sổ danh sách các hộ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Cụ Bùi Công T4 là chủ sử dụng của các thửa: thửa số 10, tờ bản đồ số 4, diện tích 733 m2, được phê duyệt cấp giấy chứng nhận 300 m2 đất ở, 320 m2 đất vườn (thuộc phần đất kinh tế gia đình) và 113 m2 đất vườn (thuộc đất thừa hợp pháp); thửa số 11, tờ bản đồ số 4, diện tích 127 m2, được phê duyệt cấp giấy chứng nhận 127 m2 đất vườn (thuộc đất thừa hợp pháp).

+ Tại bản đồ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Thửa số 10, tờ bản đồ số 4, diện tích 364 m2, loại đất thổ cư “T”; thửa số 11, tờ bản đồ số 4, diện tích 430 m2, loại đất thổ cư “T”.

- Theo các tài liệu, sổ sách lập để xác định hiện trạng sử dụng đất được đo vẽ từ tháng 03 đến tháng 8 năm 2008 được UBND xã T công nhận đo vẽ đúng hiện trạng năm 2008, Sở T8 duyệt năm 2008, gồm có:

+ Theo sổ mục kê đất đai năm 2008 thể hiện: Thửa số 51, tờ bản đồ số 17, diện tích 402,78 m2, loại đất ở nông thôn (ONT), chủ sử dụng là Bùi Thị T; thửa số 52, tờ bản đồ số 17, diện tích 204,62 m2, loại đất nuôi trồng thủy sản; chủ sử dụng là Bùi Công G; thửa số 52, tờ bản đồ số 17, diện tích 218,85 m2, loại đất ở nông thôn; chủ sử dụng là Bùi Công G.

+ Theo Bản đồ đo đạc thể hiện: Hiện trạng hai thửa đất tranh chấp là 03 thửa đều thuộc tờ bản đồ số 17: Thửa số 51, diện tích 403 m2 là đất ở nông thôn; thửa số 53, diện tích 219 m2 là đất ở nông thôn; thửa số 52, diện tích 205 m2 là đất nuôi trồng thủy sản. Diện tích thửa đất giữa sổ mục kê và bản đồ không trùng khớp do diện tích tại tờ bản đồ đã được làm tròn số.

- Về quá trình biến động đất: Nguồn gốc diện tích thửa đất 10+11, tờ bản đồ số 04, địa chỉ: thôn C, xã T (nay là thôn T, xã Y), huyện G, tỉnh Hải Dương thuộc quyền sử dụng của cụ Bùi Công T4 và cụ Vũ Thị H. Ngày 10/10/1994, thửa đất đã được UBND tỉnh H cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên cụ T4: Thửa số 10, tờ bản đồ số 4, diện tích 733 m2 và thửa số 11, tờ bản đồ số 4, diện tích 127 m2 (trong đó: đất ở 300 m2, đất trồng cây lâu năm 50 năm 320 m2; đất trồng cây lâu năm lâu dài: 240 m2), đến ngày 01/8/2001 được UBND huyện G hợp pháp hóa tại trang 3 của giấy chứng nhận. Ngày 16/12/2005, thửa đất trên được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thành hai thửa: Thửa đất số 10, tờ bản đồ số 4, diện tích 405 m2 (trong đó: đất ở nông thôn 300 m2, đất trồng cây lâu năm 105 m2), chủ sử dụng là Vũ Thị H; thửa đất số 11, tờ bản đồ số 4, diện tích 430 m2 (trong đó: đất ở nông thôn 200 m2, đất trồng cây lâu năm 230 m2) chủ sử dụng là Bùi Công X và Đỗ Thị T3.

Toàn bộ hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hiện nay được lưu giữ tại UBND huyện G. Hiện UBND xã chỉ còn lưu bản phô tô đơn đề nghị xin tách thửa của cụ Vũ Thị H đề ngày 02/6/2005 và bản cam đoan của ông Lê Văn T6 ở thôn C, xã T, huyện G, tỉnh Hải Dương có xác nhận của UBND xã T (không ghi ngày tháng năm), do vậy không cung cấp được về trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận thửa đất đang tranh chấp.

- Theo kết quả xem xét, thẩm định tại chỗ của Tòa án, diện tích đất tranh chấp tăng thêm so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do gia đình bà T và gia đình ông X, anh G lấn chiếm ra đường sản xuất của xóm ở phía nam thửa đất; về phía đông thửa đất thì gia đình ông X, anh G đã sử dụng phần mương nước của tập thể.

Quan điểm của UBND xã: đối với phần đất lấn chiếm ra đường sản xuất của xóm, sau này UBND xã có yêu cầu thì hai hộ gia đình phải tháo dỡ công trình xây dựng trên phần đất lấn chiếm. Đối với phần đất hộ ông X, anh G sử dụng mương nước của tập thể, sau này gia đình có yêu cầu hợp thức hóa thì UBND xã sẽ kết hợp với Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện G để kiểm tra về điều kiện hợp thức hóa. Nếu đủ điều kiện thì sẽ hợp thức hóa phần đất này cho gia đình ông X theo đúng quy định.

- Thời kỳ thực hiện Nghị quyết số 03 NQ/TU của Ban thường vụ Tỉnh ủy Hải Hưng, Quyết định số 721/QĐ-UB ngày 17/9/1992 và Quyết định số 235/QĐ-UB ngày 25/02/1993 của UBND tỉnh H về việc giao quyền sử dụng ruộng đất ổn định lâu dài cho hộ nông dân trong toàn tỉnh Hải Hưng thì hộ gia đình cụ T4 có 4 khẩu là cụ T4, cụ H (Cước), bà T, chị Đ được chia 3,5 suất ruộng (do chị Đ được sinh ra vào thời kỳ bắt đầu chia ruộng nên được chia 0,5 suất), mỗi khẩu được dự chia 562 m2, tổng là 1.967 m2 nhưng tại sổ sách lưu giữ chỉ ghi chia 1.928 m2. Khi chia ruộng trên thực tế thì hộ cụ T4 được chia tại các xứ đồng là 1.515 m2, trừ vào đất thổ cư là 560 m2 (trừ vào 4 khẩu như trên).

Tại biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ, biên bản định giá tài sản xác định:

1. Đất : Tổng diện tích thửa đất số 10, 11, tờ bản đồ số 4 mà hộ bà T, hộ anh G đang sử dụng là 1.041,3 m2 (trong đó có cả phần đất lấn chiếm).

Giá đất là: 1.300.000 đồng/m2 đất ở, 80.000 đồng/m2 đất trồng cây lâu năm, 75.000 đồng/m2 đất nuôi trồng thủy sản.

2. Tài sản trên đất:

- Tài sản trên thửa đất do bà T quản lý: nhà cấp 4 trị giá 36.131.000 đồng; bếp trị giá 4.919.000 đồng; phần nhà cấp 4 xây nối với nhà trên trị giá 11.075.000 đồng; lán tôn, xà gồ thép gác lên công trình phụ trị giá 912.000 đồng; lán fibroximang trước bếp trị giá 77.000 đồng; nhà vệ sinh trị giá 563.000 đồng; lán tôn xà gồ thép trị giá 2.087.000 đồng; sân bê tông gạch vỡ trị giá 905.000 đồng; cổng sắt trị giá 78.000 đồng; hai trụ cổng trị giá 114.000 đồng; bếp diện tích 13,3 m2 và nhà vệ sinh ở góc vườn đã hư hỏng, giá trị bằng 0; bể nước nắp vòm 1.850.000 đồng; giếng trị giá 290.000 đồng; sân bê tông gạch vỡ láng vữa xi măng trị giá 569.000 đồng, tường gạch 209.000 đồng, kè tường bờ ao 703.000 đồng; tổng giá trị cây cối là 7.925.000 đồng. Tổng giá trị tài sản trên đất là 66.322.000 đồng.

- Tài sản trên thửa đất do anh G, chị T2 quản lý: nhà mái bằng trị giá 67.404.000 đồng, phần tum trị giá 32.885.000 đồng; bếp trị giá 17.421.000 đồng; lán tôn trước nhà trị giá 4.392.000 đồng; sân trạt trước nhà trị giá 1.260.000 đồng; bể nước trị giá 2.752.000 đồng; lán tôn sau nhà trị giá 1.130.000 đồng; sân trạt sau nhà trị giá 224.000 đồng; nhà vệ sinh trị giá 3.131.000 đồng; chuồng gà trị giá 3.989.000 đồng; tường lưới B40 trị giá 424.000 đồng; hai trụ cổng trị giá 106.000 đồng; cổng sắt trị giá 671.000 đồng; tường bờ ao trị giá 197.000 đồng, sân trạt trước cổng trị giá 510.000 đồng; tổng giá trị cây cối là 3.290.000 đồng. Tổng giá trị tài sản trên đất là 138.786.000 đồng.

- Công đào đắp, san lấp là 125.000 đồng/m3.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 46/2022/DS-ST ngày 12/9/2022, Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương đã áp dụng các Điều 357, 468, 610, 611, 612, 613, 623, 649, 650, 651, 660 Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 166, Điều 170 Luật Đất đai năm 2013; khoản 5 Điều 26, Điều 34, Điều 39, Điều 147, khoản 2 Điều 227, Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Bùi Công C.

1.1. Tách trả bà Bùi Thị T 160 m2 đất ở và chị Bùi Thị Đ 80 m2 đất ở tại thửa số 10, tờ bản đồ số 4, địa chỉ: thôn T, xã Y, huyện G, tỉnh Hải Dương. Ghi nhận sự tự nguyện của chị Đ cho bà T quyền sử dụng 80 m2 đất của chị. Bà T được quyền sử dụng 240 m2 đất ở.

1.2. Chia di sản thừa kế của cụ Bùi Công T4 và cụ Vũ Thị H (Cước) theo quy định pháp luật.

1.3. Áng trích công sức quản lý, duy trì, tôn tạo di sản của cụ C và cụ H cho ông Bùi Công X và bà Đỗ Thị T3, anh Bùi Công G và chị Hoàng Thị T2 là 57.835.000 đồng.

1.4. Xác định những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất được hưởng thừa kế của cụ T4 là: cụ H, ông C, bà S1, bà S2, bà D1, ông X, bà T, bà T1; những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất được hưởng thừa kế của cụ H là: ông C, bà S1, bà S2, bà D1, ông X, bà T, bà T1.

1.5. Xác định di sản thừa kế của cụ T4, cụ H là 127 m2 đất ao và 498,7 m2 đất ở tại thửa số 10, 11, tờ bản đồ số 4, địa chỉ: thôn T, xã Y, huyện G, tỉnh Hải Dương, có tổng trị giá là 657.835.000 đồng.

Ông C, bà S1, bà S2, bà D1, ông X, bà T, bà T1 mỗi người được hưởng kỷ phần thừa kế là 85.714.285 đồng.

1.6. Ghi nhận sự tự nguyện của bà S1 cho ông C kỷ phần thừa kế, ông C được hưởng tổng là 171.428.570 đồng.

Ghi nhận sự tự nguyện của bà S2, bà D1, bà T1 cho ông X và bà T mỗi người ½ kỷ phần được hưởng; ghi nhận sự tự nguyện của vợ chồng anh G cho vợ chồng ông X phần công sức, ông X tự nguyện nhập chung kỷ phần thừa kế và công sức để vợ chồng ông hưởng chung. Xác định Bà T được hưởng 214.285.714 đồng; ông X, bà T3 được hưởng 272.120.714 đồng.

1.7. Về chia hiện vật:

- Chia cho ông Bùi Công C được quyền sử dụng 131,9 m2 đất ở tại thửa số 10, tờ bản đồ số 4, địa chỉ: thôn T, xã Y, huyện G, tỉnh Hải Dương. Ông C được sở hữu các công trình xây dựng và cây cối trên diện tích đất được chia. Ông C trả giá trị tài sản trên đất cho anh G, chị T2 gồm: sân trạt trị giá 510.000 đồng, trụ cổng trị giá 106.000 đồng, cổng sắt trị giá 671.000 đồng, tổng là 1.287.000 đồng. Ông C có trách nhiệm trả cho bà T 41.428 đồng tiền chênh lệch di sản.

- Chia cho bà Bùi Thị T (người đại diện hợp pháp là chị Bùi Thị Đ) được quyền sử dụng 325,9 m2 đất ở tại thửa số 10, tờ bản đồ số 4, địa chỉ: thôn T, xã Y, huyện G, tỉnh Hải Dương và được quyền sở hữu các công trình xây dựng, cây cối trên diện tích đất được chia.

- Chia cho ông Bùi Công X và bà Đỗ Thị T3 được quyền sử dụng 407,9 m2 đất (trong đó có 280,9 m2 đất ở và 127 m2 đất ao) tại thửa số 10, 11 tờ bản đồ số 4, địa chỉ: thôn T, xã Y, huyện G, tỉnh Hải Dương; trên đất có công trình xây dựng và cây cối thuộc quyền sở hữu của vợ chồng anh G, chị T2. Vợ chồng ông X và vợ chồng anh G tự thỏa thuận giải quyết về công trình xây dựng và cây cối thuộc sở hữu của vợ chồng anh G, sau này tranh chấp có quyền khởi kiện tại vụ án dân sự khác. Ông X và bà T3 có trách nhiệm trả cho bà T 102.574.286 đồng tiền chênh lệch di sản.

1.8. Buộc vợ chồng ông X, bà T3, vợ chồng anh G, chị T2 tháo dỡ, di dời các công trình xây dựng, cây cối trên phần đất 25,7 m2 lấn chiếm đường đi của xóm.

Tạm giao cho vợ chồng ông X, bà T3, vợ chồng anh G, chị T2 diện tích 139,9 m2 đất dôi dư thuộc quyền quản lý của UBND xã Y, huyện G, tỉnh Hải Dương. Sau này vợ chồng ông X, bà T3, vợ chồng anh G, chị T2 làm thủ tục hợp thức hóa tại cơ quan có thẩm quyền đối với diện tích đất dôi dư nếu đủ điều kiện hợp thức hóa theo quy định pháp luật.

(Vị trí, hình thể, kích thước, diện tích đất theo sơ đồ kèm theo bản án).

Nếu đường ranh giới để phân chia đất đến đâu và phạm vào tài sản của ai thì các đương sự phải tự tháo dỡ, phá bỏ. Các tài sản khác mà các đương sự không đề nghị giải quyết thuộc phần đất của ai thì người đó được quyền sở hữu. Các đương sự có trách nhiệm thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai, làm thủ tục tại cơ quan có thẩm quyền để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

1.9. Hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AD692358 do UBND huyện G, tỉnh Hải Dương cấp ngày 16/12/2005 cho ông Bùi Công X và bà Đỗ Thị T3 đối với số thửa đất số 11, tờ bản đồ số 04, địa chỉ: thôn C, xã T (nay là thôn T, xã Y), huyện G, tỉnh Hải Dương.

Hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AD692357 do UBND huyện G, tỉnh Hải Dương cấp ngày 16/12/2005 cho cụ Vũ Thị H đối với số thửa đất số 10, tờ bản đồ số 04, địa chỉ: thôn C, xã T (nay là thôn T, xã Y), huyện G, tỉnh Hải Dương.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 27/9/2022, chị Bùi Thị Đ là người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà Bùi Thị T có đơn kháng cáo một phần bản án sơ thẩm về phần chia hiện vật. Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng giao cho bà T được hưởng toàn bộ diện tích đất gồm 240m2 đất theo tiêu chuẩn bị trừ 3 ruộng ngoài đồng và phần đất là di sản thừa kế được hưởng từ cụ Bùi Công T4, cụ Vũ Thị H.

Tại phiên tòa phúc thẩm, chị Bùi Thị Đ thay đổi nội dung kháng cáo, chấp nhận việc Tòa án cấp sơ thẩm quyết định giao một phần đất là di sản thừa kế mà bà T được hưởng cho vợ chồng ông Bùi Công X, bà Đỗ Thị T3; vợ chồng ông X, bà T3 có trách nhiệm trả cho bà T số tiền 102.574.286 đồng; chỉ kháng cáo về cách chia di sản thừa kế cho ông Bùi Công C.

Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bà Bùi Thị T là ông Phạm Văn Đ3 gửi văn bản trình bày quan điểm có nội dung: Diện tích đất chia cho bà T, ông C đều được xác định là đất ở. Dựa trên sơ đồ phân chia đất kèm theo Bản án sơ thẩm có thể điều chỉnh cách chia đất cho ông C bằng cách kéo dài cạnh tiếp giáp với phần đất giao cho bà T xuống giáp ao nhà anh H2. Phần mặt tiền phần đất giao cho ông C giáp đường bê tông có thể thu hẹp lại. Theo điểm b khoản 1 Điều 12 Quy định về hạn mức giao đất ở, hạn mức công nhận đất ở đối với thửa đất ở có vườn, ao, điều kiện hợp thửa đất, điều kiện tách thửa đất, diện tích tối thiểu được tách thửa đất trên địa bàn tỉnh Hải Dương ban hành kèm theo Quyết định số 12/2022/QĐ-UBND ngày 04/10/2022 của UBND tỉnh H diện tích tối thiểu được phép tách thửa đất ở đối với khu vực nông thôn là 60 m2 (sáu mươi mét vuông) và có kích thước cạnh tiếp giáp mặt đường chính tối thiểu là 04 m (bốn mét), chiều sâu vào phía trong của thửa đất vuông góc với đường chính tối thiểu là 05 m (năm mét). Việc điều chỉnh cách chia đất cho ông C có thể thực hiện được mà không vi phạm quy định của UBND tỉnh H về diện tích tối thiểu được phép tách thửa đất. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét chấp nhận thay đổi kháng cáo của chị Đ và chia di sản theo cách chia hiện vật như trên.

Nguyên đơn, bị đơn và một số người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đề nghị Hội đồng xét xử bác kháng cáo của người đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào kết quả tranh tụng, các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được xem xét tại phiên tòa, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy:

[1] Về tố tụng:

[1.1] Tại phiên tòa phúc thẩm, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Ủy ban nhân dân huyện G, tỉnh Hải Dương; Ủy ban nhân dân xã Y, huyện G, tỉnh Hải Dương và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Bùi Thị T vắng mặt nhưng có văn bản xin xét xử vắng mặt; một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không kháng cáo đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai nhưng vắng mặt. Hội đồng xét xử xét thấy sự vắng mặt của các đương sự không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án; việc tiếp tục giải quyết vụ án như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội là phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự.

[1.2] Về thời hạn kháng cáo, sau khi xét xử sơ thẩm, chị Bùi Thị Đ là người đại diện của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà Bùi Thị T có đơn kháng cáo trong thời hạn luật định theo đúng quy định tại các Điều 271, 272, 273 Bộ luật tố tụng dân sự nên kháng cáo là hợp pháp, được xem xét theo thủ tục phúc thẩm.

[1.3] Về quan hệ tranh chấp và thẩm quyền giải quyết, ngày 21/9/2021, ông Bùi Văn C4 có đơn khởi kiện đề nghị Tòa án chia thừa kế, yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND huyện G cấp cho ông Bùi Công X, bà Đỗ Thị T3. Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương xác định quan hệ tranh chấp là “Tranh chấp về thừa kế tài sản và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, tiến hành thụ lý giải quyết vụ án là đúng thẩm quyền, phù hợp với quy định của pháp luật.

[1.4] Về thời hiệu khởi kiện, theo quy định tại Điều 623, điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật dân sự 2015 thì thời hiệu khởi kiện về thừa kế đối với bất động sản là 30 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Tòa án cấp sơ thẩm xác định đơn khởi kiện của ông Bùi Văn C4 bảo đảm yêu cầu về thời hiệu là chính xác.

[2] Về nội dung: Xét kháng cáo của người đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, Hội đồng xét xử nhận thấy:

[2.1] Về nguồn gốc đất tranh chấp:

Các đương sự trong vụ án đều thống nhất xác định diện tích đất tại các thửa 10, 11, tờ bản đồ số 04 đều có nguồn gốc của cụ T4 và cụ H, theo hồ sơ 299 và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho cụ T4 thì hai thửa đất có tổng diện tích là 860 m2. Theo kết quả xem xét, thẩm định tại chỗ, tổng diện tích hai thửa là 865,7 m2, diện tích tăng thêm do sai số đo đạc, không có tranh chấp với các hộ giáp ranh, các đương sự đề nghị giải quyết theo hiện trạng đo vẽ. Do vậy, Hội đồng xét xử xem xét giải quyết diện tích đất tranh chấp theo kết quả xem xét, thẩm định tại chỗ, tổng diện tích là 865,7 m2.

Các thửa 10, 11, tờ bản đồ số 4 theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho cụ T4 năm 1994 có diện tích 860 m2, trong đó: 300 m2 đất ở, 320 m2 đất trồng cây lâu năm (50 năm), 240 m2 đất trồng cây lâu năm lâu dài nhưng tại sơ đồ thể hiện trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn giữ nguyên tổng diện tích là 860 m2 nhưng khác về loại đất và diện tích từng loại đất: thửa số 10 diện tích 733 m2, đất thổ cư; thửa số 11 diện tích 127 m2, đất ao. Đến năm 2005, tách đất làm hai thửa: tại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho cụ H, thửa số 10, tờ bản đồ số 4, diện tích 405 m2 (trong đó: đất ở nông thôn 300 m2, đất trồng cây lâu năm 105 m2); tại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho ông X và bà T3: thửa đất số 11, tờ bản đồ số 4, diện tích 430 m2 (trong đó: đất ở nông thôn 200 m2, đất trồng cây lâu năm 230 m2). Căn cứ theo cung cấp của UBND huyện G và UBND xã Y, diện tích đất tại thửa 10, 11, tờ bản đồ số 04 có nguồn gốc theo hồ sơ 299 là hai thửa đất: 1 thửa có diện tích 127 m2 loại đất ao và 1 thửa có diện tích 733 m2 loại đất thổ cư, xác định diện tích đất này sử dụng ổn định từ trước năm 1980, không lấn chiếm, không có tranh chấp nên theo quy định tại Điều 8 Quyết định số 22/2018/QĐ-UBND ngày 01/10/2018 của UBND tỉnh H, diện tích đất ở được công nhận không phải nộp tiền sử dụng đất là 733 m2, còn diện tích 127 m2 là đất ao. Do vậy, Hội đồng xét xử xác định trong tổng diện tích đo vẽ theo hiện trạng là 865,7 m2 có 127 m2 đất nuôi trồng thủy sản, 738,7 m2 đất ở nông thôn.

[2.2] Các đương sự là ông X, bà S2, bà D1, bà T1 trình bày năm 1990, khi cụ T4 và cụ H còn sống đã tiến hành họp gia đình để tuyên bố cho ông X và bà T mỗi người ½ thửa đất, ranh giới phân chia theo hướng Bắc-N, nhưng ông C4 và bà S1 xác định bố mẹ chưa tách đất cho ai. Người làm chứng là cụ Bùi Thị C2 (em gái cụ T4) trình bày cụ T4 có nói chia ½ thửa đất cho ông X, ½ thửa đất còn lại cho cụ H quản lý, sử dụng, sau này cụ H chết thì giao cho bà T sử dụng. Người làm chứng ông Lê Văn T6 trình bày khoảng năm 1990, tại buổi giỗ trong gia đình, cụ T4 nói ý nguyện của hai cụ muốn chia đất cho bà T ½, còn ½ đất cho một người con của ông X, ranh giới theo chiều B1-Nam; cụ T4 có nhờ ông làm các thủ tục để tách đất, cụ chỉ nói chứ chưa làm giấy tờ gì. Sau này, khi cụ T4 đã chết, ông T6 viết hộ cụ H đơn đề nghị xin tách thổ đề ngày 02/6/2005.

Hội đồng xét xử xét thấy lời khai của ông X, bà S2, bà D1, bà T1 mâu thuẫn với lời khai của người làm chứng, mỗi bên trình bày về việc chia tách đất cho các chủ thể khác nhau. Thực tế, khi cụ T4 còn sống không có tài liệu nào thể hiện việc cụ tách đất cho ông X, bà T, chỉ có lời khai của ông Nguyễn Hữu T7 – nguyên cán bộ địa chính xã thời kỳ 1990-2006 trình bày có việc cụ T4 gọi ông đến đo để tách thành 2 thửa đất theo chiều Đ4-Tây. Đến năm 1991, cụ T4 vẫn có đơn xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với toàn bộ diện tích 860 m2 và năm 1994 được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Mặt khác, tại đơn đề nghị xin tách thổ đề ngày 02/6/2005 của cụ H thể hiện: “trước khi chồng tôi mất và được sự thống nhất của anh chị em các cháu trong gia đình là muốn cho một cháu đích tôn con trai út của tôi vào ở để trông nom tôi và cô nó lâu lài. Vì vậy nay tôi làm đơn này đề nghị các cấp lãnh đạo xem xét tách cho cháu tôi là Bùi Công G ½ diện tích thổ của tôi cho cháu Bùi Công G”. Tuy nhiên, trên thực tế thửa đất của hai cụ không làm thủ tục để tách cho anh G mà được tách thành một thửa mang tên vợ chồng ông X, một thửa vẫn để tên cụ H. Bản thân vợ chồng ông X cũng xác định vị trí đất tại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng với vị trí đất ông được các cụ cho. Do vậy, không có căn cứ xác định việc cụ T4 và cụ H cho vợ chồng ông X ½ thửa đất, cho bà T ½ thửa đất. Thửa đất số 10, 11 có nguồn gốc của cụ T4, cụ H, các cụ chết đều không để lại di chúc nên Tòa án cấp sơ thẩm chia thừa kế theo pháp luật đối với di sản của các cụ là có căn cứ.

[2.3] Cụ T4 và cụ H có 8 người con chung là ông C4, ông H1 (liệt sỹ hi sinh năm 1970, chưa có vợ con), bà S1, bà S2, bà D1, ông X, bà T, bà T1, không có con riêng, con nuôi khác. Bố mẹ cụ T4 chết trước cụ T4. Thời điểm mở thừa kế của cụ T4 là năm 1997 nên xác định những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất được hưởng di sản thừa kế của cụ T4 là cụ H, ông C4, bà S1, bà S2, bà D1, ông X, bà T, bà T1.

Thời điểm mở thừa kế của cụ H là năm 2012, bố mẹ cụ H chết trước cụ H nên xác định những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất được hưởng di sản thừa kế của cụ H là ông C4, bà S1, bà S2, bà D1, ông X, bà T, bà T1.

Như vậy, di sản thừa kế của cụ T4 và cụ H chia theo pháp luật thì những người được hưởng thừa kế là ông C4, bà S1, bà S2, bà D1, ông X, bà T, bà T1.

Tài sản chung của cụ T4 và cụ H là 865,7 m2 đất (127 m2 đất nuôi trồng thủy sản, 738,7 m2 đất ở nông thôn). Năm 1993, khi giao đất nông nghiệp, hộ cụ T4 bị trừ 560 m2 đất ngoài đồng vào đất thổ cư, trong đó bà T và chị Đ bị trừ 240 m2, do vậy khi chia thừa kế phải trả lại cho bà T 160 m2, chị Đ 80 m2. Chị Đ tự nguyện cho bà T phần đất này nên chấp nhận sự tự nguyện của chị Đ, xác định bà T được quyền sử dụng 240 m2 đất.

Diện tích đất của cụ T4 và cụ H còn 625,7 m2, trị giá 657.835.000 đồng.

Chị Đ tự nguyện không yêu cầu trích trả công sức tôn tạo, quản lý, duy trì di sản của chị và bà T. Vợ chồng ông X và vợ chồng anh G có công sức tôn tạo, quản lý, duy trì di sản của cụ T4 và cụ H nên áng trích từ di sản là 57.835.000 đồng, di sản còn lại để chia là 600.000.000 đồng. Ông C4, bà S1, bà S2, bà D1, ông X, bà T, bà T1 mỗi người được hưởng 85.714.285 đồng.

Do bà S1 cho ông C4 kỷ phần được hưởng nên chấp nhận sự tự nguyện này, ông C4 được hưởng tổng là 171.428.570 đồng.

Do bà S2, bà D1, bà T1 cho ông X và bà T mỗi người ½ kỷ phần được hưởng, vợ chồng anh G cho vợ chồng ông X phần công sức, ông X đề nghị nhập chung kỷ phần thừa kế và công sức để vợ chồng ông hưởng chung nên bà T được hưởng 214.285.714 đồng; ông X, bà T3 được hưởng 272.285.714 đồng.

[2.4] Về chia hiện vật:

Ông C4, ông X, bà T đều đề nghị chia thừa kế bằng hiện vật. Xét thấy bà T không có chỗ ở khác, ông X đã có chỗ ở ổn định nhưng hiện nay anh G (là con ông X) có công trình xây dựng kiên cố trên đất, không có chỗ ở khác, ông C4 không có nhu cầu về chỗ ở nhưng đề nghị được chia đất để làm nơi thờ cúng cũng là nguyện vọng chính đáng, diện tích đất tranh chấp theo hiện trạng có thể chia được cho các đương sự bằng hiện vật nên chấp nhận theo đề nghị chia hiện vật cho các đương sự.

Các đương sự không yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ T4 và cụ H là công trình xây dựng và cây cối của các cụ, chị Đ không yêu cầu giải quyết về công trình, cây cối do mẹ con chị tạo lập, do vậy khi chia bằng hiện vật, công trình xây dựng và cây cối của cụ T4, cụ H, bà T, chị Đ thuộc phần đất của ai thì người đó được sở hữu.

Tòa án cấp sơ thẩm chia cho ông C4 được quyền sử dụng 131,9 m2 đất ở tại thửa số 10, tờ bản đồ số 4, trên đất có các tài sản thuộc quyền sở hữu của vợ chồng anh G là sân trạt trị giá 510.000 đồng, trụ cổng trị giá 106.000 đồng, cổng sắt trị giá 671.000 đồng. Ông C4 phải trả giá trị tài sản trên đất cho vợ chồng anh G là 1.287.000 đồng. Ngoài ra, trên đất chia cho ông C4 còn có công trình xây dựng của cụ H, bà T, cây cối của bà T. Ông C4 trả cho bà T tiền chênh lệch di sản là 41.428 đồng; chia cho bà T được quyền sử dụng 325,9 m2 đất ở tại thửa số 10, tờ bản đồ số 4, trên đất có công trình xây dựng và cây cối của cụ T4, cụ H, bà T (ông X cho bà T giá trị tường bờ ao); chia cho ông X và bà T3 được quyền sử dụng 407,9 m2 đất (trong đó có 280,9 m2 đất ở và 127 m2 đất ao) tại thửa số 10, 11 tờ bản đồ số 4, trên đất có công trình xây dựng và cây cối thuộc quyền sở hữu của vợ chồng anh G. Ông X và bà T3 có trách nhiệm trả cho bà T 102.574.286 đồng tiền chênh lệch di sản là có căn cứ, đúng pháp luật, bảo đảm quyền lợi của các bên đương sự nên không có cơ sở để chấp nhận kháng cáo của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan về việc chia hiện vật.

Từ những phân tích nêu trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của người đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, cần giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm như đề nghị của vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội.

[3] Về án phí, bà Bùi Thị T là người cao tuổi, có đơn xin miễn án phí nên được miễn án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự, bác kháng cáo của chị Bùi Thị Đ; giữ nguyên quyết định của Bản án dân sự sơ thẩm số 46/2022/DS-ST ngày 12/9/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương.

2. Về án phí: Căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 12, Điều 14 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án, bà Bùi Thị T được miễn án phí dân sự phúc thẩm.

3. Các quyết định khác của bản án dân sự sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

32
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 436/2023/DS-PT

Số hiệu:436/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 05/09/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về