TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
BẢN ÁN 81/2023/DS-PT NGÀY 28/12/2023 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN
Ngày 28 tháng 12 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 93/2023/TLPT-DS ngày 21 tháng 11 năm 2023 về tranh chấp thừa kế tài sản.
Do Bản án dân sự sơ thẩm số 27/2023/DS-ST ngày 19 tháng 9 năm 2023 của Tòa án nhân dân huyện An Dương, thành phố Hải Phòng bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 87/2023/QĐ-PT ngày 08 tháng 12 năm 2023, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ông Lê Công T; nơi cư trú: Thôn F, xã B, huyện A, thành phố Hải Phòng, có mặt.
Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Nguyễn Văn N, địa chỉ: Số A đại lộ B, khu phố H, phường T, thành phố T, tỉnh Bình Dương là người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn (theo Giấy ủy quyền số 244/2022 ngày 01/4/2022), có mặt.
- Bị đơn: Ông Lê Công B; nơi cư trú: Thôn F, xã B, huyện A, thành phố Hải Phòng; vắng mặt.
Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Bà Lê Thị V; nơi cư trú: Thôn F, xã B, huyện A, thành phố Hải Phòng là người đại diện theo ủy quyền của bị đơn (theo Giấy ủy quyền ngày 02 tháng 12 năm 2022); có mặt.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
+ Bà Lê Thị T1; nơi cư trú: Thôn F, xã B, huyện A, thành phố Hải Phòng; có mặt.
+ Bà Lê Thị S, nơi cư trú: Số E, đường S, tổ C, khu phố D, phường B, thành phố H, tỉnh Quảng Ninh, có mặt.
+ Bà Lê Thị T2; nơi cư trú: Thôn F, xã B, huyện A, thành phố Hải Phòng; có mặt.
+ Ông Lê Công P; nơi cư trú: Thôn F, xã B, huyện A, thành phố Hải Phòng;
có mặt.
+ Bà Nguyễn Thị S1, nơi cư trú: Thôn F, xã B, huyện A, thành phố Hải Phòng, có mặt.
+ Anh Lê Công D; nơi cư trú: Thôn F, xã B, huyện A, thành phố Hải Phòng;
vắng mặt.
+ Anh Lê Công Đ, nơi cư trú: Thôn F, xã B, huyện A, thành phố Hải Phòng; có mặt.
+ Chị Lê Thị D1, nơi cư trú: Thôn A, xã B, huyện A, thành phố Hải Phòng; vắng mặt.
Người đại diện hợp pháp của anh Lê Công D, anh Lê Công Đ và chị Lê Thị D1: Bà Nguyễn Thị S1, địa chỉ: Thôn F, xã B, huyện A, thành phố Hải Phòng; là người đại diện theo ủy quyền của anh D, anh Đ và chị D1 (Theo Giấy ủy quyền ngày 27 tháng 12 năm 2022); có mặt.
+ Bà Lê Thị V; nơi cư trú: Thôn F, xã B, huyện A, thành phố Hải Phòng; có mặt.
- Người kháng cáo: Ông Lê Công B là bị đơn, bà B1 Lê Thị V là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Trong đơn khởi kiện, quá trình tố tụng và tại phiên tòa, nguyên đơn trình bày:
Bố mẹ ông là các cụ Lê Công T3 (đã chết năm 1998) và Phạm Thị H (đã chết 2016) sinh được 08 người con là các ông bà Lê Công H1, Lê Thị T1, Lê Thị S, Lê Công B, Lê Công N1, Lê Thị T2, Lê Công T, Lê Công P. Ngoài những người con có tên nêu trên, cụ T3 và cụ H không có con nuôi, con riêng nào khác. Cụ Lê Công T3 và cụ Phạm Thị H chết đều không để lại di chúc. Trong các con của cụ T3 và cụ H, có ông Lê Công H1 là liệt sỹ, đã chết từ khi còn trẻ (chết trước cụ H và cụ T3) và không có vợ con. Ông Lê Công N1, đã chết năm 2011, ông Lê Công N1 có vợ là Nguyễn Thị S1 và có 05 người con gồm có Lê Thị D1, Lê Công D, Lê Công D2, Lê Công H2 và Lê Công Đ. Trong số các con của ông N1 có anh Lê Công D2 đã chết khi còn nhỏ và anh Lê Công H2 chết tháng 4 năm 2022, không có vợ con. Bố mẹ đẻ của cụ H và cụ T3 cũng đã chết từ lâu (chết trước cụ H và cụ T3).
Khi còn sống, cụ T3 và cụ H có khối tài sản chung là diện tích đất 850m2 thuộc số thửa 311, tờ bản đồ số 09, thôn F, xã B, A, Hải Phòng. Nguồn gốc đất là do các cụ để lại. Trên đất có nhà 03 gian, được ông B sửa chữa lại vào năm 2019 và xây dựng một số công trình phụ khác để sử dụng. Khi anh chị em ông lớn lên xây dựng gia đình thì đều ở riêng, chỉ có ông Lê Công B xây dựng gia đình và ở cùng trên đất của bố mẹ. Khoảng năm 2011, thì bà Lê Thị T2 về ở cùng trên thửa đất này và có xây dựng một căn nhà cấp 4 với diện tích đất sử dụng khoảng 70m2 để ở. Hiện toàn bộ thửa đất số thửa 311, tờ bản đồ số 09, thôn F, xã B, huyện A, Hải Phòng do ông Lê Công B quản lý sử dụng một phần và bà Lê Thị T2 quản lý sử dụng một phần. Các anh em trong gia đình ông đã nhiều lần họp bàn yêu cầu chia di sản thừa kế là thửa đất nói trên của cụ T3 và cụ H nhưng ông B không đồng ý.
Nay, ông Lê Công T yêu cầu Tòa án giải quyết chia di sản thừa kế là diện tích đất 850m2 thuộc số thửa 311, tờ bản đồ số 09, thôn F, xã B, huyện A, Hải Phòng cho các hàng thừa kế của cụ T3 và cụ H theo quy định của pháp luật, ngoài ra không còn yêu cầu gì khác. Đối với phần diện tích đất trên có công trình kiến trúc ông B đang ở và sử dụng thì giao cho ông B tiếp tục quản lý sử dụng; phần diện tích đất trên có công trình kiến trúc do bà T2 xây dựng giao cho bà T2 tiếp tục quản lý sử dụng. Nếu phần đất ông B và bà T2 được giao sử dụng lớn hơn diện tích đất các hàng thừa kế còn lại được chia theo quy định của pháp luật thì ông B và bà T2 có trách nhiệm thanh toán giá trị chênh lệch cho các hàng thừa kế còn lại.
Tại biên bản lấy lời khai ngày 25 tháng 11 năm 2022 bị đơn ông Lê Công B trình bày:
Bố mẹ đẻ ông là cụ Lê Công T3 (đã chết năm 1998) và cụ Phạm Thị H (đã chết năm 2016) sinh được 08 người con như nguyên đơn đã trình bày là đúng. Cụ T3 và cụ H chết không để lại di chúc. Về thửa đất số 311, tờ bản đồ số 09, thôn F, xã B, A, Hải Phòng có diện tích 850m2, ông B xác định khi còn sống cụ T3 và cụ H có sống trên thửa đất này (ở từ khi nào ông không rõ) và các anh chị em ông cũng sinh ra và lớn lên ở thửa đất này. Thời điểm trước năm 1995, thửa đất này đứng tên cụ Lê Công T3, sau đó khi nhà nước tổng kiểm kê đo đạc lại đất ở (từ sau năm 1995) thì thửa đất này đứng tên ông trên sổ mục kê của xã vì ông sống cùng cụ T3 và cụ H và cũng là người trực tiếp quản lý sử dụng đất. Từ năm 1995 đến nay ông là người thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước. Tuy nhiên, xét về nguồn gốc thì thửa đất số 311, tờ bản đồ số 09, thôn F, xã B không phải của cụ Lê Công T3 và cụ Phạm Thị H như nguyên đơn trình bày mà thửa đất này là do các cụ T3 và cụ H ở nhờ trên đất của anh họ là cụ Lê Công P1. Điều này khi còn sống cụ T3 và cụ H đã nói với ông, ngoài ra không có văn bản nào lưu giữ lại. Từ sau khi cụ T3 và cụ H chết, thửa đất này vẫn do vợ chồng ông quản lý sử dụng, sau này có bà Lê Thị T2 cùng về ở, xây dựng công trình kiến trúc và quản lý, sử dụng một phần diện tích đất này. Cụ Lê Công P1 có vợ là Vũ Thị G và con là Lê Công P2 đều đã chết. Cụ P1 và cụ G có hai người cháu ngoại là Trần Văn T4 và Trần Văn B2 đều có địa chỉ ở Quảng Ninh. Do điều kiện không cho phép nên ông T4 và ông B2 có đặt vấn đề với vợ chồng ông để vợ chồng ông tiếp tục ở trên đất này và thực hiện thờ cúng các cụ thay cho ông T4 và ông B2. Đến nay, gia đình ông vẫn duy trì thực hiện việc thờ cúng, hương khói cho gia đình cụ Lê Công P1 như khi cụ T3 và cụ H còn sống.
Nay, ông Lê Công T yêu cầu chia di sản thừa kế là diện tích đất 850m2 thuộc số thửa 311, tờ bản đồ số 09, thôn F, xã B, A, Hải Phòng cho các hàng thừa kế của cụ T3 và cụ H theo quy định của pháp luật, ông có quan điểm không đồng ý vì đây không phải là di sản thừa kế của cụ Lê Công T3 và cụ Phạm Thị H.
Tại phiên tòa, người đại diện hợp pháp của ông Lê Công B thống nhất quan điểm bị đơn đã trình bày, không đồng ý việc phân chia di sản thừa kế là thửa đất số 311, tờ bản đồ số 09, thôn F, xã B, diện tích 850m2 cho các hàng thừa kế của cụ T3 và cụ H do đây không phải là di sản thừa kế của cụ T3 và cụ H.
Tại các bản tự khai và trong quá trình tố tụng, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là các ông, bà Lê Thị T2, Lê Thị S, Lê Thị T1, Lê Công P trình bày có nội dung thống nhất quan điểm trình bày của nguyên đơn. Và đề nghị Tòa án giải quyết chia di sản thừa kế là diện tích đất 850m2 thuộc số thửa 311, tờ bản đồ số 09, thôn F, xã B cho các hàng thừa kế của cụ T3 và cụ H theo quy định của pháp luật.
Tại biên bản lấy lời khai và tại phiên tòa người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị S1 trình bày:
Bà là vợ của ông Lê Công N1. Cụ Lê Công T3 và cụ Phạm Thị H là bố mẹ chồng của bà, cụ T3 chết năm 1998 còn cụ H chết năm 2016, cụ T3 và cụ H có 08 người con chung như nguyên đơn đã trình bày. Bà và ông Lê Công N1 có 05 người con chung gồm: Lê Thị D1, Lê Công D, Lê Công Đ, Lê Công D2 và Lê Công H2. Trong đó, Lê Công D2 và Lê Công H2 đều đã chết và không có vợ con.
Khi cụ T3 và cụ H còn sống, bà được biết cụ T3 và cụ H có khối di sản là diện tích đất 850m2 thuộc số thửa 311, tờ bản đồ số 09, thôn F, xã B, A, Hải Phòng. Thửa đất này toàn bộ là do vợ chồng ông Lê Công B sử dụng từ sau khi cụ T3 và cụ H chết vì các anh em khác khi xây dựng gia đình đều ra ở riêng chỉ có ông B ở cùng bố mẹ; khoảng năm 2011, bà Lê Thị T2 do hôn nhân không hạnh phúc nên cũng về ở đây, bà T2 có xây dựng căn nhà cấp 4 có diện tích khoảng 70m2 để ở và sử dụng.
Nay, nguyên đơn yêu cầu chia di sản thừa kế là diện tích đất 850m2 thuộc số thửa 311, tờ bản đồ số 09, thôn F, xã B cho các hàng thừa kế của cụ T3 và cụ H trong đó có chồng bà (ông Lê Công N1) bà đồng ý. Đề nghị Tòa án xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật. Phần di sản các con của bà và ông N1 là các anh chị D1, D, Đ được hưởng từ ông N1 trong khối di sản của cụ T3 và cụ H để lại, các anh chị D1, D, Đ có quan điểm tặng cho bà, bà đồng ý, đề nghị Tòa án giao chung phần di sản bà được hưởng thừa kế từ ông N1 và phần di sản mà các anh chị D1, D, Đ được hưởng thừa kế từ ông N1 và tặng cho bà để thuận tiện cho việc quản lý, sử dụng sau này.
Tại bản tự khai và tại phiên tòa, những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là chị Lê Thị D1, anh Lê Công D và anh Lê Công Đ trình bày:
Bố mẹ đẻ các anh chị là ông Lê Công N1 và bà Nguyễn Thị S1, ông N1 chết năm 2011. Cụ Lê Công T3 (đã chết năm 1998) và cụ Phạm Thị H (đã chết năm 2016) sinh được 08 người con như nguyên đơn trình bày trong đó có ông Lê Công N1 (bố đẻ của các anh chị). Về thửa đất số 311, tờ bản đồ số 09, thôn F, xã B, huyện A, Hải Phòng anh chị được biết là của các cụ Lê Công T3 và Phạm Thị H; sau này khi cụ H và cụ T3 chết một phần diện tích đất do ông Lê Công B (con trưởng của cụ T3 và cụ H) quản lý, sử dụng và một phần đất do bà Lê Thị T2 quản lý sử dụng. Nay ông Lê Công T yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ T3 và cụ H là diện tích đất 850m2 thuộc số thửa 311, tờ bản đồ số 09, thôn F, xã B, A, Hải Phòng cho các hàng thừa kế của cụ T3 và cụ H theo quy định của pháp luật, anh chị có quan điểm đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Phần di sản mà các anh chị được hưởng do là người thừa kế của ông Lê Công N1 trong khối di sản mà ông N1 được hưởng thừa kế từ các cụ Lê Công T3 và Phạm Thị H, các anh chị xin nhận và tặng cho lại cho mẹ đẻ là bà Nguyễn Thị S1. Việc tặng cho là hoàn toàn tự nguyện. Bà Nguyễn Thị S1 được toàn quyền quản lý, sử dụng phần di sản thừa kế mà các anh chị được hưởng từ ông Lê Công N1 trong khối di sản thừa kế mà cụ T3 và cụ H để lại.
Tại bản tự khai và tại phiên tòa, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà Lê Thị V trình bày:
Bà kết hôn với ông Lê Công B năm 1985. Bố mẹ đẻ ông Lê Công B là cụ Lê Công T3 đã chết năm 1998 và Phạm Thị H chết năm 2016 đều không để lại di chúc. Cụ T3 và cụ H có 08 người con chung như nguyên đơn, bị đơn trình bày là đúng. Sau khi bà kết hôn với ông B thì vợ chồng bà sống cùng cụ T3 và cụ H trên thửa đất số 311, tờ bản đồ số 09, thôn F, xã B, huyện A, Hải Phòng, còn những anh, em khác của ông B thì xây dựng gia đình và ở riêng không ai sống cùng bố mẹ. Cụ T3 và cụ H có diện tích đất thổ cư tại thôn F, xã B, huyện A, Hải Phòng nhưng không phải 850m2 như nguyên đơn trình bày mà thực tế cụ T3 và cụ H chỉ có diện tích đất 700m2; phần đất còn lại là do vợ chồng bà khai hoang phục hóa một phần đất ruộng liền kề không thuộc quản lý của ai và sáp nhập với phần đất thổ cư của cụ T3 và cụ H và chuyển sử dụng chung toàn bộ thửa đất nói trên. Phần đất vợ chồng bà khai hoang phục hóa thêm bao nhiêu bà không rõ. Cho đến năm 1993, khi nhà nước tiến hành tổng đo đạc đất ở trong toàn dân, vợ chồng bà có chỉ dẫn thêm cả phần đất ruộng đã được khai hoang trước đó, nâng tổng diện tích đất sử dụng của gia đình lên 850m2, diện tích này được lập lại vào bản đồ dải thửa của xã từ năm 1993 (thửa đất số 311, tờ bản đồ số 09) và đứng tên ông Lê Công B trên hồ sơ địa chính của xã từ đó. Vợ chồng bà cũng là người thực hiện nghĩa vụ nộp thuế với nhà nước toàn bộ thửa đất trên từ đó cho đến nay. Từ sau khi cụ T3 và cụ H chết, vợ chồng bà là người trực tiếp quản lý, sử dụng đất; đến năm 2011, bà Lê Thị T2 do hôn nhân không hạnh phúc nên cũng về ở trên đất này. Trên đất vợ chồng bà có xây dựng một gian nhà ba giạn thụt thò và công trình phụ, tổng diện tích sử dụng khoảng 140m2; phần đất bà T2 ở, bà T2 có xây dựng một căn nhà cấp 4, diện tích khoảng 50m2. Xét về nguồn gốc thửa đất số 311, tờ bản đồ số 09, thôn F, xã B theo bà được biết thì nguồn gốc thửa đất này không phải của cụ T3 và cụ H mà là của cụ Lê Công P1 và vợ là Vũ Thị G. Thời điểm bà về làm dâu thì cụ T3 và cụ H đã ở trên đất này nên bà không rõ cụ T3 và cụ H ở đây từ khi nào, bà chỉ biết đây là đất thờ tự của các cụ Lê Công P1 và Vũ Thị G, đến nay gia đình bà vẫn thực hiện thờ cúng các cụ. Tuy ông T, ông N1 và ông P không ở trên đất này nhưng khi các ông T và ông N1 ở riêng vợ chồng bà đã cho tiền mua đất làm nhà, về phần ông P cũng đã được cụ H và cụ T3 mua đất cho để làm nhà ở. Thửa đất số 311, tờ bản đồ số 09, thôn F, xã B do vợ chồng bà quản lý sử dụng, đến năm 2011, bà T2 về ở cùng và quản lý sử dụng một phần thửa đất trên. Nay, nguyên đơn yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ T3 và cụ H để lại là diện tích 850m2 thuộc số thửa 311, tờ bản đồ số 09, thôn F, xã B, bà không đồng ý chia vì đây là đất thờ tự của cụ P1 và cụ G. Nếu Tòa án vẫn xét thấy có căn cứ chia thừa kế thửa đất trên thì đề nghị xem xét công sức đóng góp tôn tạo thửa đất của vợ chồng bà.
Với nội dung nêu trên tại Bản án dân sự sơ thẩm số 27/2023/DS-ST ngày 19 tháng 9 năm 2023 của Tòa án nhân dân huyện An Dương, thành phố Hải Phòng xử:
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:
Phân chia di sản thừa kế là thửa đất số 311, tờ bản đồ số 09, thôn F, xã B, huyện A, Hải Phòng của các cụ Lê Công T3 và Phạm Thị H cho các hàng thừa kế cụ thể như sau:
1.1. Giao ông Lê Công B phần đất có diện tích 218m2 có vị trí như sau: Phía Bắc giáp diện tích đất còn lại (mốc 22-16) dài 20,2m Phía Nam giáp phần đất còn lại (mốc 21-17) dài 20,4m Phía Đông giáp hộ bà X (mốc 16-3-17) dài 2,4 + 9,0m Phía Tây giáp đường thôn (mốc 21-22) dài 10,5m Trên đất có các công trình kiến trúc như sau:
Trị giá di sản thừa kế ông Lê Công B được nhận là: 1.744.000.000đồng. (Có sơ đồ chi tiết kèm theo) Ông B được quản lý sử dụng nhà ở 01 tầng xây dựng năm 1987, sửa chữa năm 2017, tường gạch chỉ 220, móng xây gạch chỉ, gian thụt mái ngói xi măng 22 viên/m2, nhà cao 3,3m, kích thước 4,25x6,4; gian thò và hiên mái bằng bê tông cốt thép, nhà cao 3,8m, kích thước 6,4x2,1 + 8,35x3,8; Sân láng xi măng; tường hoa chắn sân và vườn gạch chỉ 110; trụ cổng xây gạch chỉ năm 1987; mái cổng bê tông cốt thép; 01 cây xoài gốc phi 250 cao 5m và 01 cây xoài gốc phi 100 cao 3m; 01 cây nhãn phi 150, cao 4m; mít phi 250 cao 4m; 01 cây vối gốc phi 300, cao 5m; 06 cây nhãn gốc phi 100, cao 3m.
1.2. Giao bà Lê Thị T2 quản lý, sử dụng phần đất có diện tích 149,5m2 có vị trí kích thước như sau:
Phía Bắc giáp phần đất còn lại của thửa 311 (mốc 19-20-18) dài 6,1+14,2(m) Phía Nam giáp hộ ông D (mốc 10-9-8-7) dài 5,1 + 3,3 + 15(m) Phía Đông giáp hộ ông D (mốc 18-5-6-7) dài 2+2,2+4,5 (m) Phía Tây giáp đường thôn (mốc 10-19) dài 8m Trên đất có công trình do bà T2 xây dựng như sau: Nhà ở 01 tầng xây dựng năm 2008, tường gạch chỉ 110, mái tôn kẽm, nền gạch men, nhà cao 3,2m, kích thước 9,3x3,9; bán mái tôn kẽm xà sắt hộp; sân láng xi măng; trụ cổng xây gạch chỉ; cánh cổng sắt ống tuýp hoa sắt thoáng; tường rào xây gạch chỉ 110; trên đất có 01 cây xoài; 01 cây keo; 01 cây lộc vừng; 01 cây khế; 01 giàn hoa giấy; 01 cây chanh; 01 cây lộc vừng và mít bé.
Trị giá di sản thừa kế bà Lê Thị T2 được nhận là: 1.192.000.000đồng, trừ giá trị chênh lệch bà T2 phải thanh toán cho bà Lê Thị T1 và Lê Thị S là: 278.400.000đồng, bà T2 được hưởng phần di sản có giá trị là 913.600.000đồng (Có sơ đồ chi tiết kèm theo) [1.3] Giao ông Lê Công P quản lý, sử dụng phần đất có diện tích 100,8m2 có vị trí như sau:
Phía Bắc giáp phần đất giao ông B (mốc 21-17) dài 20,4m Phía Nam giáp phần đất giao bà Lê Thị T2 (mốc 19-20-18) dài 6,1+14,2(m) Phía Đông giáp hộ ông D (mốc 19-4-18) dài 1,9 + 3(m) Phía Tây giáp đường thôn (mốc 19-21) dài 5,1m Trên đất có các cây cối: 11 cây cau, có 02 cây chết và 01 cây vú sữa. Trị giá di sản thừa kế ông P được nhận là: 806.400.000đồng (Có sơ đồ chi tiết kèm theo) [1.4] Giao ông Lê Công T quản lý, sử dụng phần đất có diện tích 103,6m2 có vị trí: Phía Bắc giáp phần đất còn lại của thửa 311 (mốc 23-24-25-15) dài 10,75+4,4+4,5(m) Phía Nam giáp phần đất giao ông B (mốc 22-16) dài 20,2m Phía Đông giáp đất bà X (mốc 15-16) dài 5,2m Phía Tây giáp đường thôn (mốc 22-23) dài 5,2m Trên phần đất này có các công trình kiến trúc do ông B xây dựng như sau:
01 lán tôn; 01 cây mít gốc phi 300, 04 cây cau; 01 cây xanh không thế gốc phi 300;
01 bếp và 01 bể nước mưa. Trị giá di sản thừa kế ông T được hưởng là: 828.800.000đồng.
(Có sơ đồ chi tiết kèm theo) [1.5] Giao bà Lê Thị T1 phần diện tích đất 86,3m2 có vị trí như sau: Phía Bắc giáp đường xóm (mốc 14-2) dài 3,7m Phía Nam giáp đất giao ông T (mốc 25-15) dài 4,5m Phía Đông giáp hộ bà X (mốc 2-15) dài 21,15m Phía Tây giáp phần đất còn lại của thửa 311 (mốc 14-25) dài 21,7m Trên đất có 11 cây cau, trong đó có 02 cây chết và 01 cây si gốc phi 300.
Trị giá di sản thừa kế bà T1 được nhận là: 690.400.000đồng, cộng với giá trị chênh lệch phần di sản thừa kế bà Lê Thị T2 phải thanh toán cho bà T1 là 152.000.000đồng, bà T1 được hưởng phần di sản thừa kế là 842.400.000đồng (Có sơ đồ chi tiết kèm theo) [1.6] Giao bà Lê Thị S phần diện tích đất 89,5m2 có vị trí như sau: Phía Bắc giáo đường xóm (mốc 13-14) dài 3,7m Phía Nam giáp đất giao ông T (mốc 24-25) dài 4,4m Phía Đông giáp đất giao bà T1 (mốc 14-25) dài 21,7m Phía Tây giáp phần đất còn lại của thửa 311 (mốc 13-24) dài 22,3m Trên đất có 15 cây cau trong đó có 03 cây chết.
Trị giá di sản thừa kế bà Lê Thị S được nhận là: 716.000.000đồng, cộng với giá trị chênh lệch phần di sản thừa kế bà Lê Thị T2 phải thanh toán cho bà S là 126.400.000đồng, bà S được hưởng phần di sản thừa kế là 842.400.000đồng.
(Có sơ đồ chi tiết kèm theo) [1.7] Giao bà Nguyễn Thị S1 phần diện tích đất 101,8m2 có vị trí như sau: Phía Bắc giáp đường xóm (mốc 1-13) dài 3,6m Phía Nam giáp đất giao ông T (mốc 23-24) dài 10,75m Phía Đông giáp đất giao bà S1 (mốc 13-24) dài 22,3m Phía Tây giáp đất bà H3 (mốc 1-12) dài 6,7 + 20,6m Trên đất có 08 cây cau, có 02 cây chết.
Trị giá di sản thừa kế bà Nguyễn Thị S1 được nhận là: 814.400.000đồng. (Có sơ đồ chi tiết kèm theo) Các đương sự tự liên hệ với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để hoàn thiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Buộc bà Lê Thị T2 phải thanh toán giá trị chênh lệch cho bà Lê Thị T1 là 152.000.000đồng và thanh toán giá trị chênh lệch cho bà Lê Thị S là 126.400.000đồng.
Buộc ông Lê Công P phải thanh toán giá trị cây cối trồng trên đất được giao cho vợ chồng ông Lê Công B là 3.160.000đồng; ông Lê Công T phải thanh toán giá trị vật kiến trúc trên đất và cây trồng trên đất được giao cho vợ chồng ông Lê Công B là 98.206.516đồng; bà Lê Thị T1 phải thanh toán giá trị cây trồng trên đất được giao cho vợ chồng ông Lê Công B là 2.400.000đồng; bà Lê Thị S phải thanh toán giá trị cây cối trồng trên đất được giao cho vợ chồng ông Lê Công B là 3.380.000đồng; bà Nguyễn Thị S1 phải thanh toán giá trị cây cối trồng trên đất được giao cho vợ chồng ông Lê Công B là 1.560.000đồng Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí, quyền kháng cáo của đương sự và các vấn đề khác.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 02/10/2023, ông Lê Công B và bà Lê Thị V kháng cáo Bản án dân sự sơ thẩm số 27/2023/DS-ST ngày 19 tháng 9 năm 2023 của Tòa án nhân dân huyện An Dương, thành phố Hải Phòng.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
- Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và ý kiến trình bày như ở Tòa án cấp sơ thẩm.
- Bà V giữ nguyên trình bày như tại cấp sơ thẩm, giữ nguyên nội dung kháng cáo. Bà không đồng ý với bản án sơ thẩm và đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu xem xét lại công sức đóng góp, tôn tạo đất của vợ chồng ông B và bà V.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng phát biểu ý kiến:
Về thủ tục tố tụng: Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa phúc thẩm, Thẩm phán và Hội đồng xét xử tuân theo đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự; các đương sự cơ bản thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình.
Về nội dung kháng cáo: Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự, Nghị quyết 326 ngày 30/12/2016 của UBTVQH đề nghị Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm: Không chấp nhận kháng cáo của ông B và bà V. Giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Về án phí phúc thẩm: Miễn án phí dân sự phúc thẩm cho ông B, bà V.
Sau khi xem xét các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ, cũng như lời trình bày của các đương sự và ý kiến của Viện Kiểm sát tại phiên tòa;
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
- Về tố tụng:
[1] Về quan hệ pháp luật và thẩm quyền giải quyết: Đây là vụ án “Tranh chấp về thừa kế tài sản”, tài sản có tranh chấp là bất động sản tại địa chỉ thôn F, xã B, huyện A, Hải Phòng nên Tòa án nhân dân huyện An Dương thụ lý, giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự là đúng thẩm quyền.
[2] Về người tham gia tố tụng: Bị đơn là ông B và chị D1 là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt lần thứ hai mặc dù đã được Tòa án tống đạt hợp lệ. Tuy nhiên ông B, chị D1 đã có người đại diện hợp pháp tham gia phiên tòa. Căn cứ khoản 1 Điều 227, khoản 1 Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt những người này.
[3] Về yêu cầu kháng cáo: Ông Lê Công B và bà Lê Thị V kháng cáo Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện An Dương do không đồng ý với bản án sơ thẩm và đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu xem xét lại công sức đóng góp, tôn tạo đất của vợ chồng ông B và bà V.
[4] Xét yêu cầu kháng cáo của ông B và bà V:
[4.1] Xét nguồn gốc thửa đất số 311, tờ bản đồ số 09, thôn F, xã B: Căn cứ phần trình bày của các đương sự và các tài liệu chứng cứ do Tòa án thu thập xác định thửa đất số 311, tờ bản đồ số 09, thôn F, xã B được các cụ Lê Công T3 và vợ là Phạm Thị H ở và sử dụng ổn định từ trước năm 1980.
Bị đơn cho rằng, thửa đất này tuy cụ T3 và cụ H ở và sử dụng nhưng nguồn gốc thửa đất là của cụ Lê Công P1 và cụ Vũ Thị G, cụ T3 và cụ H chỉ là những người ở nhờ trên đất của cụ P1. Cụ T3 và cụ H ở trên đất của cụ P1 là đúng, vì ở trên đất thờ tự của của P1, cụ G để thực hiện việc thờ cúng đối với các cụ Lê Công P1, Vũ Thị G. Sau khi cụ T3 và cụ H chết, vợ chồng bà là con trưởng và ở trên đất này nên đến này việc thờ cúng đối với cụ Lê Công P1 và Vũ Thị G vẫn do vợ chồng bà thực hiện.
Xét thấy, bị đơn trình bày về nguồn gốc đất như trên nhưng không đưa ra được căn cứ chứng minh đây là đất của cụ P1, cụ G. Các đương sự khác không thừa nhận về nội dung bị đơn trình bày đồng thời đều khẳng định đây là đất của cụ T3, cụ H đã sử dụng ổn định từ trước năm 1980.
Tòa án cấp sơ thẩm đã tiến hành ủy thác thu thập chứng cứ lấy lời khai của ông Trần Văn B2 và ông Trần Văn T4 là cháu ngoại cụ P1, cụ G. Tuy nhiên việc lấy lời khai của ông Trần Văn T4 không thực hiện được do tại địa chỉ tổ H, khu A, phường C, thành phố H, tỉnh Quảng Ninh (như bị đơn cung cấp) không có ai tên Trần Văn T4. Ông Trần Văn B2 trình bày có nội dung ông bà ngoại ông là cố Lê Công P1 và Vũ Thị G có nhà, đất tại B, huyện A, Hải Phòng còn cụ thể thửa đất như thế nào, ở đâu, hiện do ai quản lý, sử dụng thì ông không biết, mẹ ông mất từ khi ông còn nhỏ nên ông không được nghe kể lại sự việc gì. Đối với yêu cầu khởi kiện chia thừa kế là thửa đất số 311, tờ bản đồ số 09, thôn F, xã B của nguyên đơn trong vụ án này thì ông không liên quan và không có tranh chấp, ông B2 cũng từ chối tham gia tố tụng.
Tài liệu xác minh tại hồ sơ địa chính lưu trữ tại UBND xã B cho thấy tại sổ mục kê năm 1980 ghi nhận thửa đất số 261, tờ bản đồ số 01, thôn F, xã B có diện tích là 780m2 là đất thổ cư đứng tên cụ Lê Công T3. Tại sổ mục kê năm 1995 ghi nhận thửa đất số 311, tờ bản đồ số 09 do cơ quan xí nghiệp 103 đo vẽ có diện tích 850m2, đứng tên ông Lê Công B. Xác nhận hai thửa đất nêu trên (thửa đất số 261, tờ bản đồ số 01 và thửa đất số 311, tờ bản đồ số 09) tại cùng một vị trí. Năm 1995, sau khi đo đạc lập lại tờ bản đồ và quản lý lưu trữ hồ sơ địa chính xã thì ghi nhận lại vị trí thửa đất thuộc thửa số 311, tờ bản đồ số 09, thôn F, xã B. Về diện tích thửa đất có sự thay đổi là do sai số trong quá trình đo đạc, phương thức đo đạc khác nhau (năm 1980 thực hiện việc đo đạc thủ công bằng cách cắm sào; năm 1995 khi thiết lập lại tờ bản đồ được xí nghiệp A thực hiện đo đạc bằng phương thức kéo dây).
Như vậy, cần xác định thửa đất số 311, tờ bản đồ số 09, thôn F, xã B có nguồn gốc là của các cụ Lê Công T3 và Phạm Thị H. Cụ T3 chết năm 1998, cụ H chết năm 2016, đều không để lại di chúc, nên xác định thửa đất số 311, tờ bản đồ số 09, thôn F, xã B là di sản thừa kế của cụ T3 và cụ H. Do đó, yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc phân chia di sản thừa kế của cụ Lê Công T3 và cụ Phạm Thị H đối với thửa đất nói trên là có căn cứ chấp nhận.
[4.2] Về hàng thừa kế: Căn cứ vào lời khai của các bên đương sự và các chứng cứ do đương sự cung cấp, xác định: Cụ Lê Công T3 và cụ Phạm Thị H sinh được 08 người con gồm: Lê Công H1, Lê Thị T1, Lê Công B, Lê Công N1, Lê Thị S, Lê Thị T2, Lê Công T và Lê Công P. Trong đó, ông Lê Công H1 là liệt sỹ, chết trước cụ T3 và cụ H, không có vợ con.
Ông Lê Công N1 có vợ là Nguyễn Thị S1 và có 05 người con gồm: Lê Thị D1, Lê Công D, Lê Công Đ, Lê Công D2 và Lê Công H2. Trong số 05 người con của ông N1 có 02 người con là Lê Công D2 và Lê Công H2 đã chết, không có vợ con, còn lại ba người con là Lê Thị D1, Lê Công D và Lê Công Đ. Ông Lê Công N1 chết năm 2011 (chết trước cụ Phạm Thị H và chết sau cụ Lê Công T3). Do đó, phần di sản thừa kế của ông N1 được hưởng từ cụ H giao cho các thừa kế thế vị gồm Lê Thị D1, Lê Công Đ và Lê Công D; phần thừa kế ông Lê Công N1 được hưởng từ cụ T3 sẽ được giao cho các hàng thừa kế của ông N1 là bà Nguyễn Thị S1 (vợ ông N1) và các con là Lê Thị D1, Lê Công Đ và Lê Công D. Chị D1, anh Đ và anh D đều có quan điểm tặng cho lại phần di sản được hưởng từ ông N1 cho mẹ đẻ là bà Nguyễn Thị S1. Xét quan điểm của các đương sự là tự nguyện nên chấp nhận, do đó khi phân chia sẽ giao toàn bộ kỷ phần của ông N1 được hưởng cho bà Nguyễn Thị S1 quản lý, sử dụng.
[4.3] Về di sản thừa kế: Như đã nhận định ở trên, di sản thừa kế của các cụ Lê Công T3 và Phạm Thị H để lại là diện tích đất 850m2 thuộc số thửa 311, tờ bản đồ số 09, thôn F, xã B, căn cứ kết quả xem xét thẩm định tại chỗ của Tòa án, vị trí thửa đất như sau: Phía Bắc giáp đường xóm; phía Nam giáp nhà ông D, phía Đông giáp nhà bà X và nhà ông D, phía tây giáp đường thôn. Theo kết quả định giá tài sản của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng dân sự huyện A thì giá trị quyền sử dụng đất của thửa đất nói trên là 8.000.000đ/m2. Trên thửa đất này có một phần đất do ông Lê Công B quản lý, sử dụng và một phần đất do bà Lê Thị T2 quản lý, sử dụng. Trong đó phần công trình kiến trúc ông B xây dựng có tổng trị giá là 316.300.551đồng và tổng trị giá công trình kiến trúc do bà Lê Thị T2 xây dựng là 93.574.018đồng.
[5] Xét kháng cáo công sức duy trì, tôn tạo của ông B, bà V: Theo đơn kháng cáo của ông B, bà V thì cấp sơ thẩm tính công sức, duy trì tôn tạo cho ông B, bà V là chưa thoả đáng. Xét thấy, theo quy định của pháp luật thì mỗi hàng thừa kế của cụ T3 và cụ H sẽ được hưởng phần di sản thừa kế là 850/7=121,4m2. Tuy nhiên, do vợ chồng ông B, bà V là những người sống cùng cụ T3 và cụ H, có công chăm sóc các cụ lúc tuổi già, đồng thời có công sức trông coi, quản lý đất, đồng thời cũng là người trực tiếp thực hiện nghĩa vụ thuế đối với toàn bộ diện tích đất này, nên khi chia thừa kế cần xem xét công sức của vợ chồng ông B bằng một suất thừa kế theo luật. Như vậy di sản của cụ T3 cụ H phải được chia thành 8 phần (850/8=106,25m2), phần của ông B, và V lẽ ra chỉ được hưởng 212,5 m2 . Toà án cấp sơ thẩm đã xem xét đến toàn bộ diện tích đất và vật kiến trúc mà ông B3, bà V đang sử dụng và chia cho ông B phần đất có diện tích 218m2 là hơn hẳn các đồng thừa kế khác. Do đó cần bác kháng cáo của ông B, bà V về công sức, duy trì tôn tạo thửa đất.
[6] Chia thừa kế cụ thể như sau: Như vậy, phần diện tích đất còn lại để chia thừa kế cho các đồng thừa kế khác là: Diện tích đất còn lại 850 – 218 =632m2 chia đều cho các hàng thừa kế còn lại của cụ T3 và cụ H, tương đương mỗi hàng thừa kế sẽ được hưởng phần đất có diện tích là: 632/6= 105,3m2. Chia cụ thể các vị trí như Toà án cấp sở thẩm đã chia là hoàn toàn phù hợp, các ông bà T, P, T1, Lê Thị S và Nguyễn Thị S1 đều thống nhất giữ nguyên vị trí đã chia như Toà án cấp sơ thẩm đã chia. Do diện tích đất giao bà T2 quản lý là 149,5m2 nhiều hơn so với một kỷ phần thừa kế được nhận là 149,5 – 105,3= 44,2m2 nên buộc bà T2 phải trả giá trị chênh lệch cho hàng thừa kế được phân chia diện tích đất nhỏ hơn kỷ phần được nhận là các bà Lê Thị T1 và Lê Thị S. Đối với các ông Lê Công P, Lê Công T và bà Nguyễn Thị S1 (được giao quản lý phần di sản thừa kế của ông Lê Công N1), xét thấy phần diện tích đất các ông bà Lê Công P, Lê Công T và Nguyễn Thị S1 được giao gần tương đương với một kỷ phần thừa kế như Tòa án nhận định ở trên (105,3m2); hơn nữa các đương sự cũng có quan điểm nếu kỷ phần thừa kế mình được nhận so với kỷ phần thừa kế được chia theo quy định nhiều hoặc ít hơn 5m2 thì các ông, bà cũng đồng ý, các đồng thừa kế không phải trả giá trị chênh lệch cho nhau nên không buộc bà Lê Thị T2 phải trả giá trị chênh lệch cho những người này. Bà Lê Thị T1 được giao diện tích đất 86,3m2 thấp hơn so với kỷ phần thừa kế được nhận là: 19m2, tương đương với giá trị là: 152.000.000 đồng, bà Lê Thị S được giao diện tích đất 89,5m2 thấp hơn so với kỷ phần thừa kế được nhận là 15,8m2, tương đương với giá trị là: 126.400.000đồng. Nên buộc bà Lê Thị T2 phải thanh toán lại giá trị chênh lệch cho bà T1 và bà S số tiền giá trị chênh lệch như trên.
Đối với các công trình vật kiến trúc xây dựng và cây cối trên đất giao cho các ông bà Lê Công T, Lê Công P, Lê Thị T1, Lê Thị S và Nguyễn Thị S1 là các công trình vật kiến trúc do vợ chồng ông Lê Công B và bà Lê Thị V xây dựng và trồng trọt nên cần buộc các ông bà Lê Công T, Lê Công P, Lê Thị T1, Lê Thị S và Nguyễn Thị S1 phải thanh toán lại giá trị các công trình, vật kiến trúc xây dựng và cây cối trên đất được giao nói trên cho ông Lê Công B và bà Lê Thị V như cấp sơ thẩm đã tuyên là phù hợp.
[7] Tòa án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về tranh chấp thừa kế tài sản là có cơ sơ và đúng quy định của pháp luật: Chia di sản thừa kế là thửa đất số 311, tờ bản đồ số 09, thôn F, xã B, huyện A, Hải Phòng của các cụ Lê Công T3 và Phạm Thị H cho các hàng thừa kế. Bị đơn ông B và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà V kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu xem xét lại công sức đóng góp, tôn tạo đất của vợ chồng ông B và bà V nhưng không cung cấp được chứng cứ gì khác để chứng minh. Do đó cần bác kháng cáo của ông Lê Công B và Lê Thị V, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
[8] Về án phí: Tại cấp phúc thẩm, ông B và bà V có đơn xin miễn án phí.
Xét ông B và bà V đều là người cao tuổi, căn cứ Điều 12 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông B và bà V được miễn án phí dân sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ Điều 227, Điều 228, khoản 1 Điều 308; Điều 313 Bộ luật Tố tụng dân sự;
Căn cứ khoản 5 Điều 26; các điều 143, 147; điểm c khoản 1 Điều 217 và khoản 1 Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự;
Căn cứ các điều 650, 651, 660 Bộ luật Dân sự năm 2015;
Căn cứ Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án của Uỷ ban thường vụ Quốc Hội ban hành ngày 30 tháng 12 năm 2016, - Không chấp nhận kháng cáo của ông Lê Công B và bà Lê Thị V. Giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Phân chia di sản thừa kế là thửa đất số 311, tờ bản đồ số 09, thôn F, xã B, huyện A, Hải Phòng của các cụ Lê Công T3 và Phạm Thị H cho các hàng thừa kế cụ thể như sau:
1.1. Giao ông Lê Công B phần đất có diện tích 218m2 có vị trí như sau: Phía Bắc giáp diện tích đất còn lại (mốc 22-16) dài 20,2m Phía Nam giáp phần đất còn lại (mốc 21-17) dài 20,4m Phía Đông giáp hộ bà X (mốc 16-3-17) dài 2,4 + 9,0m Phía Tây giáp đường thôn (mốc 21-22) dài 10,5m Trên đất có các công trình kiến trúc như sau:
Trị giá di sản thừa kế ông Lê Công B được nhận là: 1.744.000.000đồng. (Có sơ đồ chi tiết kèm theo) Ông B được quản lý sử dụng nhà ở 01 tầng xây dựng năm 1987, sửa chữa năm 2017, tường gạch chỉ 220, móng xây gạch chỉ, gian thụt mái ngói xi măng 22 viên/m2, nhà cao 3,3m, kích thước 4,25x6,4; gian thò và hiên mái bằng bê tông cốt thép, nhà cao 3,8m, kích thước 6,4x2,1 + 8,35x3,8; Sân láng xi măng; tường hoa chắn sân và vườn gạch chỉ 110; trụ cổng xây gạch chỉ năm 1987; mái cổng bê tông cốt thép; 01 cây xoài gốc phi 250 cao 5m và 01 cây xoài gốc phi 100 cao 3m; 01 cây nhãn phi 150, cao 4m; mít phi 250 cao 4m; 01 cây vối gốc phi 300, cao 5m; 06 cây nhãn gốc phi 100, cao 3m.
1.2. Giao bà Lê Thị T2 quản lý, sử dụng phần đất có diện tích 149,5m2 có vị trí kích thước như sau:
Phía Bắc giáp phần đất còn lại của thửa 311 (mốc 19-20-18) dài 6,1+14,2(m) Phía Nam giáp hộ ông D (mốc 10-9-8-7) dài 5,1 + 3,3 + 15(m) Phía Đông giáp hộ ông D (mốc 18-5-6-7) dài 2+2,2+4,5 (m) Phía Tây giáp đường thôn (mốc 10-19) dài 8m Trên đất có công trình do bà T2 xây dựng như sau: Nhà ở 01 tầng xây dựng năm 2008, tường gạch chỉ 110, mái tôn kẽm, nền gạch men, nhà cao 3,2m, kích thước 9,3x3,9; bán mái tôn kẽm xà sắt hộp; sân láng xi măng; trụ cổng xây gạch chỉ; cánh cổng sắt ống tuýp hoa sắt thoáng; tường rào xây gạch chỉ 110; trên đất có 01 cây xoài; 01 cây keo; 01 cây lộc vừng; 01 cây khế; 01 giàn hoa giấy; 01 cây chanh; 01 cây lộc vừng và mít bé.
Trị giá di sản thừa kế bà Lê Thị T2 được nhận là: 1.192.000.000đồng, trừ giá trị chênh lệch bà T2 phải thanh toán cho bà Lê Thị T1 và Lê Thị S là:
278.400.000đồng, bà T2 được hưởng phần di sản có giá trị là 913.600.000đồng (Có sơ đồ chi tiết kèm theo) [1.3] Giao ông Lê Công P quản lý, sử dụng phần đất có diện tích 100,8m2 có vị trí như sau:
Phía Bắc giáp phần đất giao ông B (mốc 21-17) dài 20,4m Phía Nam giáp phần đất giao bà Lê Thị T2 (mốc 19-20-18) dài 6,1+14,2(m) Phía Đông giáp hộ ông D (mốc 19-4-18) dài 1,9 + 3(m) Phía Tây giáp đường thôn (mốc 19-21) dài 5,1m Trên đất có các cây cối: 11 cây cau, có 02 cây chết và 01 cây vú sữa. Trị giá di sản thừa kế ông P được nhận là: 806.400.000đồng (Có sơ đồ chi tiết kèm theo) [1.4] Giao ông Lê Công T quản lý, sử dụng phần đất có diện tích 103,6m2 có vị trí: Phía Bắc giáp phần đất còn lại của thửa 311 (mốc 23-24-25-15) dài 10,75+4,4+4,5(m) Phía Nam giáp phần đất giao ông B (mốc 22-16) dài 20,2m Phía Đông giáp đất bà X (mốc 15-16) dài 5,2m Phía Tây giáp đường thôn (mốc 22-23) dài 5,2m Trên phần đất này có các công trình kiến trúc do ông B xây dựng như sau:
01 lán tôn; 01 cây mít gốc phi 300, 04 cây cau; 01 cây xanh không thế gốc phi 300;
01 bếp và 01 bể nước mưa. Trị giá di sản thừa kế ông T được hưởng là: 828.800.000đồng.
(Có sơ đồ chi tiết kèm theo) [1.5] Giao bà Lê Thị T1 phần diện tích đất 86,3m2 có vị trí như sau: Phía Bắc giáp đường xóm (mốc 14-2) dài 3,7m Phía Nam giáp đất giao ông T (mốc 25-15) dài 4,5m Phía Đông giáp hộ bà X (mốc 2-15) dài 21,15m Phía Tây giáp phần đất còn lại của thửa 311 (mốc 14-25) dài 21,7m Trên đất có 11 cây cau, trong đó có 02 cây chết và 01 cây si gốc phi 300.
Trị giá di sản thừa kế bà T1 được nhận là: 690.400.000đồng, cộng với giá trị chênh lệch phần di sản thừa kế bà Lê Thị T2 phải thanh toán cho bà T1 là 152.000.000đồng, bà T1 được hưởng phần di sản thừa kế là 842.400.000đồng (Có sơ đồ chi tiết kèm theo) [1.6] Giao bà Lê Thị S phần diện tích đất 89,5m2 có vị trí như sau: Phía Bắc giáo đường xóm (mốc 13-14) dài 3,7m Phía Nam giáp đất giao ông T (mốc 24-25) dài 4,4m Phía Đông giáp đất giao bà T1 (mốc 14-25) dài 21,7m Phía Tây giáp phần đất còn lại của thửa 311 (mốc 13-24) dài 22,3m Trên đất có 15 cây cau trong đó có 03 cây chết.
Trị giá di sản thừa kế bà Lê Thị S được nhận là: 716.000.000đồng, cộng với giá trị chênh lệch phần di sản thừa kế bà Lê Thị T2 phải thanh toán cho bà S là 126.400.000đồng, bà S được hưởng phần di sản thừa kế là 842.400.000đồng. (Có sơ đồ chi tiết kèm theo) [1.7] Giao bà Nguyễn Thị S1 phần diện tích đất 101,8m2 có vị trí như sau:
Phía Bắc giáp đường xóm (mốc 1-13) dài 3,6m Phía Nam giáp đất giao ông T (mốc 23-24) dài 10,75m Phía Đông giáp đất giao bà S1 (mốc 13-24) dài 22,3m Phía Tây giáp đất bà H3 (mốc 1-12) dài 6,7 + 20,6m Trên đất có 08 cây cau, có 02 cây chết.
Trị giá di sản thừa kế bà Nguyễn Thị S1 được nhận là: 814.400.000đồng. (Có sơ đồ chi tiết kèm theo) Các đương sự tự liên hệ với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để hoàn thiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Buộc bà Lê Thị T2 phải thanh toán giá trị chênh lệch cho bà Lê Thị T1 là 152.000.000đồng và thanh toán giá trị chênh lệch cho bà Lê Thị S là 126.400.000đồng.
Buộc ông Lê Công P phải thanh toán giá trị cây cối trồng trên đất được giao cho vợ chồng ông Lê Công B là 3.160.000đồng; ông Lê Công T phải thanh toán giá trị vật kiến trúc trên đất và cây trồng trên đất được giao cho vợ chồng ông Lê Công B là 98.206.516đồng; bà Lê Thị T1 phải thanh toán giá trị cây trồng trên đất được giao cho vợ chồng ông Lê Công B là 2.400.000đồng; bà Lê Thị S phải thanh toán giá trị cây cối trồng trên đất được giao cho vợ chồng ông Lê Công B là 3.380.000đồng; bà Nguyễn Thị S1 phải thanh toán giá trị cây cối trồng trên đất được giao cho vợ chồng ông Lê Công B là 1.560.000đồng.
Đối với số tiền các ông, bà Lê Công T, Lê Công P, Lê Thị S, Lê Thị T1, Nguyễn Thị S1 phải trả cho vợ chồng ông Lê Công B và bà Lê Thị V nói trên nói trên, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật ông Lê Công B và bà Lê Thị V có đơn yêu cầu thi hành án nếu các ông, bà T, P, T1, Lê Thị S và Nguyễn Thị S1 không nộp thì hàng tháng các ông, bà T, P, Lê Thị S và Nguyễn Thị S1 còn phải chịu khoản tiền lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 357; Điều 468 Bộ luật Dân sự tương ứng với thời gian chưa thi hành án.
2. Về án phí:
2.1. Miễn án phí sơ thẩm cho các ông bà Lê Công B, Lê Thị S, Lê Thị T1, Nguyễn Thị S1, Lê Công T, Lê Công P, Lê Thị T2.
2.2. Miễn án phí dân sự phúc thẩm cho ông Lê Công B và bà Lê Thị V.
3. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự./.
Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản số 81/2023/DS-PT
Số hiệu: | 81/2023/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hải Phòng |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 28/12/2023 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về