Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản số 62/2021/DS-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH NAM ĐỊNH

BẢN ÁN 62/2021/DS-PT NGÀY 20/08/2021 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN

Ngày 29 tháng 6 và ngày 20 tháng 8 năm 2021, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Nam Định mở phiên toà xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 95/2020/TLPT- DS ngày 02/12/2020 về việc “Tranh chấp về thừa kế tài sản”

Do bản án dân sự sơ thẩm số 30/2020/DS - ST ngày 30 tháng 9 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện Trực Ninh bị kháng cáo.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 88/2021/QĐXX-PT ngày 18/6/2021

1. Nguyên đơn: Ông Phạm Văn B, sinh năm 1957.

Người đại diện theo ủy quyền của ông Phạm Văn B: Bà Nguyễn Thị L, sinh năm 1958 và anh Phạm Văn D, sinh năm 1987 Cùng địa chỉ: Thôn H, xã P, huyện Trực N, tỉnh Nam Định.

2. Bị đơn:

- Ông Phạm Văn N (L), sinh năm 1954.

Người đại diện theo ủy quyền của ông Phạm Văn N: Bà Trần Thị H, sinh năm 1961.

- Ông Phạm Văn S, sinh năm 1957;

Người đại diện theo ủy quyền của ông Phạm Văn S: Bà Vũ Thị N, sinh năm 1963.

- Ông Phạm Văn Tr, sinh năm 1968;

- Ông Phạm Văn M, sinh năm 1976;

Người đại diện theo ủy quyền của ông Phạm Văn Tr và ông Phạm Văn M: Bà Nguyễn Thị B, sinh năm 1973.

- Ông Phạm Văn T, sinh năm 1970 Người đại diện theo ủy quyền của ông Phạm Văn T: Bà Vũ Thị T, sinh năm 1977.

Cùng địa chỉ: Thôn H, xã P, huyện Trực N, tỉnh Nam Định

3. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

- NLQ1, sinh năm 1966 Địa chỉ: Thôn T, xã T, huyện T, tỉnh Nam Định

- NLQ2, sinh năm 1972 Địa chỉ: Thôn G, khu L, thị trấn P, quận T, thành phố T, tỉnh Q, Trung Quốc.

4. Người kháng cáo: Ông Phạm Văn N, Phạm Văn S, Phạm Văn T, Phạm Văn Tr, Phạm Văn M là bị đơn trong vụ án.

Tại phiên tòa: Có mặt bà L, anh D, ông N, bà H, ông S, bà N, ông Tr, bà B, ông T, bà T.

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Trong đơn khởi kiện của nguyên đơn là ông Phạm Văn B và bản tự khai, biên bản lấy lời khai người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn là bà Nguyễn Thị L trình bày:

Bố mẹ ông B tên là cụ Phạm Đức Cộng và cụ Lưu Thị Mận sinh được 8 người con gồm các ông Phạm Văn B, ông Phạm Văn N (L), ông Phạm Văn S, ông Phạm Văn Tr, ông Phạm Văn T, ông Phạm Văn M, NLQ1 và NLQ2. Cụ Phạm Đức Cộng chết năm 2007, cụ Lưu Thị Mận chết năm 2009. Cụ Cộng, cụ Mận được nhà nước giao quyền sử dụng đất diện tích 927m2 tại thửa số 4004 – Tờ số 7 PL2 đo đạc năm 1991 xã Phương Định, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, trên thửa đất có một ngôi nhà ở và ngôi từ đường của gia đình (Từ đường nằm phía trong trên diện tích 150m2 đất), diện tích 319m2 đất ao cụ Cộng đã vượt thành đất vườn. Năm 2000 ông Phạm Văn T tự ý xây nhà ở trên một phần diện tích đất của bố mẹ. Năm 2006 ông Phạm Văn Tr tự ý xây nhà ở trên một phần diện tích thửa đất của bố mẹ. Sau đó các ông N, Sinh, Trinh, Tuân, Minh đã tự ý họp bàn phân chia thửa đất của bố mẹ không cho ông B tham gia cũng như không chia cho ông B được hưởng phần đất của bố mẹ. Năm 2015 ông B làm đơn đề nghị Uỷ ban nhân dân xã Phương Định giải quyết về việc phân chia đất của anh em trong gia đình. Quá trình giải quyết các em của ông B đã xuất trình biên bản họp gia đình đề ngày 02/5/2005 và cho rằng thửa đất đã được cụ Cộng chia cho 05 người con trai, không chia cho ông B. Ông B khẳng định biên bản họp gia đình ngày 02/5/2005 là giả mạo không có giá trị pháp lý, vì bố ông bị mù lòa không thể viết được, mẹ ông không biết chữ, mặt khác biên bản lập ngày 02/5/2005 nhưng thôn, xã xác nhận hai ngày khác nhau. Nay ông B yêu cầu chia thừa kế quyền sử dụng đất đối với diện tích 777m2 trong diện tích 927m2 tại thửa số 4004, tờ bản đồ số 7PL2 tại thôn Hòa Bình, xã Phương Định theo pháp luật. Đối với diện tích 150m2 đất làm từ đường, ông B không yêu cầu phân chia. Ông B, bà L yêu cầu được chia kỷ phần bằng hiện vật(đất).

* Các đồng bị đơn gồm bà Trần Thị H (đại diện ủy quyền của ông N), bà Vũ Thị N ( đại diện ủy quyền của ông S) và ông Phạm Văn Tr đều đề nghị Tòa án sử dụng các tài liệu, chứng cứ, lời khai của các ông, bà đã trình bày trong vụ án tranh chấp chia thừa kế trước đó (Vụ án do Tòa án nhân dân huyện Trực Ninh thụ lý giải quyết năm 2015, đến năm 2018 đình chỉ giải quyết vì lý do nguyên đơn không đến tham gia phiên tòa) để giải quyết vụ án.

* Tại bản tự khai ngày 17/12/2015, biên bản lấy lời khai ngày 29/12/2015 ông Phạm Văn N trình bày:

Nguồn gốc thửa đất đang tranh chấp diện tích 927m2 là của bố mẹ ông là cụ Phạm Đức Cộng (chết năm 2007) và cụ Lưu Thị Mận (chết năm 2009). Ngày 02/5/2005 bố mẹ ông đã tổ chức họp gia đình gồm các ông N, Sinh, Trinh, Tuân, Minh có sự chứng kiến của ông S trưởng thôn, đã phân chia đất cho 5 người con trai nêu trên. Riêng ông B cũng là con đẻ của cụ Cộng, cụ Mận nhưng vì ông B đã cho đi làm con nuôi từ nhỏ, ông B đối xử rất tệ bạc, không có trách nhiệm nghĩa vụ chăm sóc đối với bố mẹ và không đóng góp tiền để chữa bệnh cho bố, khi bố chết không có mặt để lo ma chay, vì vậy ngày 07/5/2007 cụ Mận tổ chức họp gia đình không công nhận ông B là con. Để được sử dụng đất của bố mẹ chia cho, năm anh em mỗi người phải góp 40.000.000 đồng để cho bố chữa bệnh (có biên bản ngày 2/5/2005). Khi cụ Cộng còn sống, năm 2000 bố mẹ ông đã cho ông Phạm Văn T 05 mét đất mặt đường (phía Đông), ông T đã xây nhà ở trên đất. Năm 2006 bố mẹ ông đã cho ông Phạm Văn Tr (phía Tây), ông Tr đã xây nhà ở trên thửa đất. Năm 2013 ông M làm nhà ở trên 05 mét đất mặt đường cạnh nhà ông T. Còn 10 mét đất mặt đường (trong đó của ông N 05 mét đất mặt đương đang làm lán mộc cho thuê và 05 mét đất mặt đường của ông S đang để trống).

Nay ông B yêu cầu chia thừa kế thửa 777m2 trong diện tích 927m2 đất của bố mẹ ông thì ông không nhất trí, vì bố mẹ ông đã phân chia đất cho 05 anh em ông theo biên bản họp gia đình ngày 02/5/2005.

* Tại bản tự khai, đơn đề nghị, bị đơn là các ông Phạm Văn T, Phạm Văn M, Phạm Văn S và bà Phạm Thị Nga (vợ ông S), bà Nguyễn Thị B (vợ ông Tr) trình bày: Nhất trí như nội dung như ông N đã trình bày ở trên, xác định ông B đã cho đi làm con nuôi từ nhỏ, ông B đối xử rất tệ bạc, không có trách nhiệm nghĩa vụ chăm sóc gì đối với bố mẹ. Do vậy, ông B yêu cầu chia thừa kế thửa đất của bố mẹ diện tích 927m2 thì các ông, bà không nhất trí.

* Tại bản tự khai ngày 17/5/2016 NLQ2 trình bày: Bố mẹ bà là cụ Phạm Đức Cộng và cụ Lưu Thị Mận được nhà nước cấp diện tích 927m2 đất đã phân chia đất cho các con theo biên bản họp gia đình ngày 02/5/2005 có sự chứng kiến của trưởng thôn, bà không ở nhà nhưng được anh em thông báo lại, bà cũng nhất trí không có ý kiến gì. Ông B không có trách nhiệm với bố mẹ, ông B không có quyền yêu cầu chia thừa kế thửa đất của bố mẹ. Nếu phải chia thừa kế thửa đất 927m2 NLQ2 đề nghị giải quyết theo quy định của pháp luật. Do NLQ2 đi làm ăn xa, bà đề nghị Tòa án giải quyết vắng mặt.

* Tại biên bản ghi lời khai ngày 03/9/2020 NLQ1 trình bày: Thời điểm năm 2005 bố mẹ bà rất khỏe mạnh, minh mẫn, bà không biết bố mẹ bà có tổ chức cuộc họp phân chia tài sản hay không, sau khi bố mẹ bà chết cho đến nay không thấy anh em tổ chức họp phân chia tài sản hay công bố di chúc, bà là con gái đi lấy chồng nên không biết bố mẹ có viết di chúc không. NLQ1 biết ông B, bà L khởi kiện ra Tòa án yêu cầu chia thừa kế, do đến nay các anh em của bà chưa họp thống nhất việc phân chia di sản nên bà chưa có ý kiến gì về quyền lợi của bà, quyền lợi của bà chưa cho ai, chưa từ chối nhận phần di sản của bố mẹ để lại. NLQ1 đề nghị Tòa giải quyết vắng mặt.

* Ông Phạm Văn S nguyên trưởng thôn Hòa Bình cung cấp: Ông có chứng kiến cuộc họp tại nhà cụ Cộng ngày 02/5/2005, cuộc họp có mặt cụ Cộng, cụ Mận và các ông N, ông S, ông Tr, ông T, ông M; thời gian đó cụ Cộng, cụ Mận còn minh mẫn, tỉnh táo. Ông thấy cụ Mận có ý kiến về việc chia đất cho 05 người con, còn cụ Mận không có ý kiến gì và không ai hỏi ý kiến cụ Mận về nội dung cuộc họp, ông S (Con cụ Cộng) là người ghi biên bản. Sau đó ông có việc phải về, ba hôm sau ông S (con ông cụ Cộng) mang biên bản đến, ông xem đúng nội dung cuộc họp nên ký vào biên bản. Sau đó vài ngày, anh Lâm là cán bộ địa chính xã điện thoại cho ông hỏi về nội dung cuộc họp, còn việc ủy ban xã xác nhận như thế nào ông không biết. Đối với biên bản họp gia đình cũng ghi ngày 02/5/2005 trong đó có ghi số tiền của 5 người con trai, mỗi người đóng 40 triệu đồng và biên bản họp gia đình lập ngày 07/5/2007 có nội dung không thừa nhận ông B là thành viên trong gia đình, ông S (Trưởng thôn) xác định ông có ký xác nhận vào biên bản nhưng không chứng kiến cuộc họp đó, ông không biết ai lập biên bản;

* Các tài liệu đã thu thập tại địa phương thể hiện như sau:

Tại tờ bản đồ số 7-Pl2, thửa số 4004 hộ cụ Phạm Văn Cộng sử dụng diện tích 927m2 đất (trong đó đất ở 334m2, đất vườn 274m2, đất ao 319m2) đã được thể hiện trong sổ địa chính lập năm 1992, sổ mục kê và sổ đăng ký quyền sử dụng đất. Năm 1995 cụ Cộng có đơn đăng ký quyền sử dụng đất nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vì tại thời điểm năm 1995 gia đình cụ Cộng chưa thống nhất được việc chia tách cho các con và đến nay đất vẫn đang tranh chấp. Năm 2000 cụ Cộng, cụ Mận còn sống có cho ông Phạm Văn T sử dụng 05 mét đất mặt đường (phía Đông), ông T đã xây nhà ở trên thửa đất. Năm 2006 có cho ông Phạm Văn Tr sử dụng xây nhà ở phần đất phía Tây.

Năm 2005 những người con trong gia đình cụ Cộng đã ra Uỷ ban nhân dân xã đề nghị xác nhận vào biên bản họp gia đình về việc chia đất ngày 02/5/2005, Uỷ ban nhân dân xã xác nhận chữ ký của ông S trưởng thôn, không xác nhận nội dung vì không trực tiếp chứng kiến. Năm 2012 các ông N, Sinh, Trinh, Tuân, Minh họp bàn để chia thừa kế đất của bố mẹ thì xảy ra tranh chấp ranh giới giữa ông M, ông N và ông S, còn các ông T, ông Tr đã làm nhà từ khi cụ Cộng, cụ Mận còn sống thì không có tranh chấp. Tháng 11/2013 các ông N, Sinh, Trinh, Tuân, Minh đã thống nhất mỗi người được sử dụng 05 mét mặt đường, chiều sâu dọc theo thửa đất. Quan điểm của chính quyền địa phương là: Đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. Nếu có căn cứ để chia thừa kề thì không thể chia bằng hiện vật được vì gia đình các ông N, Sinh, Trinh, Tuân, Minh đã tự chia nhau sử dụng hết đất; các ông tự chia nhau sử dụng đất, không thông báo cho chính quyền địa phương và chưa làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không xác định được mỗi gia đình hiện đang sử dụng bao nhiêu mét vuông đất.

* Ngày 07/8/2020 Tòa án nhân dân huyện Trực Ninh đã kết hợp với chính quyền địa phương xã Phương Định và các cơ quan chuyên môn của huyện tiến hành đo đạc thẩm định, định giá tài sản đang có tranh chấp. Tại buổi thẩm định, định giá phía bị đơn có mặt bà H (vợ ông N), bà N (vợ ông S), gia đình ông T, ông M, ông Tr đều có người ở nhà nhưng không hợp tác để đoàn công tác đo đạc phục vụ việc giải quyết vụ án. Hội đồng thẩm định căn cứ sơ đồ đo đạc ngày 11/5/2008 xác định phía mặt đường (hướng Bắc) thửa đất số 4004 dài 26,8 mét, các cạnh khác không xác định được do các đương sự không hợp tác để đo đạc, hội đồng thẩm định đã mô tả tài sản trên đất, thực tế 5 gia đình nói trên đã sử dụng toàn bộ diện tích 777m2 đất, trên đất có một ngôi từ đường trong khuôn viên 150m2 trên phần đất vườn. Hội đồng định giá căn cứ giá giao dịch trên thị trường tại địa phương định giá đất ở, vườn, ao như sau: Đất ở có giá 7.000.000đồng/1 m2; đất vườn liền thổ có giá 2.000.000 đồng /1 m2; đất ao có giá 200.000đ/1 m2.

* Bản án dân sự sơ thẩm số 30/2020/DS - ST ngày 30 tháng 9 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện Trực Ninh quyết định.

Căn cứ các Điều 609, 610, 611, 612, 613; Khoản 1 Điều 623; 649, 650, 651 Bộ luật Dân sự 2015; Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự 2015; Nghị quyết số 326/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.

1. Xử chấp nhận yêu cầu chia thừa kế di sản là quyền sử dụng đất của ông Phạm Văn B đối với 777 m2 trong diện tích đất 927m2 tại thửa đất 4004 tờ bản đồ số 7 PL2 xã Phương Định mang tên cụ Phạm Đức C.

2. Chia cho ông Phạm Văn N, ông Phạm Văn S, ông Phạm Văn Tr, ông Phạm Văn T và ông Phạm Văn M, tại thửa số 4004, tờ bản đồ số 7PL2 tại Thôn H, xã P, huyện Trực N, tỉnh Nam Định và được quản lý diện tích đất là kỷ phần thừa kế của NLQ1 và NLQ2 mỗi người 97,12m2.

3. Buộc các ông Phạm Văn L (N), ông Phạm Văn S, ông Phạm Văn Tr, ông Phạm Văn T, ông Phạm Văn M phải có trách nhiệm thanh toán kỷ phần thừa kế cho ông Phạm Văn B mỗi người phải trả giá trị kỷ phần thừa kế là 63.895.000đồng (sáu mươi ba triệu, tám trăm chín mươi năm ngàn đồng). Tổng số tiền ông Linh (Ninh), Sinh, Trinh, Tuân, Minh phải trả cho ông B là 319.475.000đồng (Ba trăm, mười chín triệu, bốn trăm bẩy mươi năm ngàn đồng).

4. Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật ông B có đơn yêu cầu thi hành án, các ông Linh (Ninh), Sinh, Trinh, Tuân, Minh chậm trả tiền thì phải chịu khoản tiền lãi của số tiền phải thi hành án tương ứng với thời gian chậm trả theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.

5. Về án phí dân sự sơ thẩm: Ông Phạm Văn B, ông Phạm Văn N, ông Phạm Văn S, ông Phạm Văn Tr, ông Phạm Văn T và ông Phạm Văn M mỗi người phải nộp là 15.973.750đồng.

* Ngày 10/10/2020 và ngày 12/10/2020 các bị đơn và người đại diện theo ủy quyền của bị đơn kháng cáo bản án sơ thẩm. Ngày 12/10/2020 Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Trực Ninh kháng nghị bản án sơ thẩm. Nội dung kháng cáo và kháng nghị giống nhau, cụ thể:

- Về tố tụng: Tòa án sơ thẩm xác định NLQ1 và NLQ2 là người làm chứng là không đúng, hai bà phải là người có quyền lợi liên quan trong vụ án.

- Về nội dung: Căn cứ vào biên bản họp gia đình ngày 02/5/2005 có xác nhận của chính quyền thôn xã thì khi còn sống cụ Cộng và cụ Mận đã chia hết đất cho 05 người con trai nên di sản thừa thế không còn. Vì vậy yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xử bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn

* Tại phiên tòa các đương sự vẫn giữ nguyên lời khai, quan điểm, yêu cầu như đã nêu trên.

* Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nam Định phát biểu quan điểm:

- Về tố tụng: Những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng đã chấp hành đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

- Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn và kháng nghị của Viện kiểm sát. Căn cứ Khoản 3 Điều 308, Điều 310 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Huỷ bản án dân sự sơ thẩm số 30/2020/DS - ST ngày 30 tháng 9 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện Trực Ninh.

- Về án phí: Đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Đơn kháng cáo của các bị đơn và người đại diện theo ủy quyền của bị đơn là hợp lệ; kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Trực Ninh làm trong thời hạn luật định nên được xem xét theo trình tự phúc thẩm.

[2] Xét kháng cáo của bị đơn và kháng nghị của Viện kiểm sát:

[2.1] Về tố tụng:

[2.1.1] NLQ1 và NLQ2 là hàng thừa kế thứ nhất, hai bà không từ chối quyền hưởng di sản thừa kế và đề nghị Toà án giải quyết theo pháp luật nhưng Toà án cấp sơ thẩm không đưa hai bà vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án là không đúng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của hai bà. Vì vậy kháng cáo của bị đơn và kháng nghị của Viện kiểm sát về việc xác định sai tư cách đương sự là có căn cứ nên được chấp nhận.

[2.1.2] Trong quá trình giải quyết, Tòa án cấp sơ thẩm không yêu cầu đương sự cung cấp địa chỉ của NLQ2, không xác minh thông tin địa chỉ cư trú của NLQ2 mà lấy thông tin và lời khai của NLQ2 ở vụ án trước từ năm 2016 để làm căn cứ giải quyết vụ án là không chính xác. Tại cấp phúc thẩm phía bị đơn cung cấp cho Tòa án tài liệu chứng cứ chứng minh: NLQ2 đăng ký kết hôn với ông CHEN GUITONG ngày 05/7/2016, kể từ sau khi kết hôn đến nay NLQ2 luôn sống tại Thôn G, khu L, thị trấn P, quận T, thành phố T, tỉnh Q, Trung Quốc (Giấy chứng nhận ngày 06/7/2021). Các đương sự và chính quyền địa phương đều cung cấp thông tin NLQ2 lấy chồng Trung Quốc và hiện nay đang sinh sống tại Trung Quốc. Như vậy hiện tại NLQ2 đang cư trú tại Trung Quốc nên vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân tỉnh Nam Định, Tòa án huyện trực Ninh thụ lý giải quyết là không đúng thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều 35, khoản 1 Điều 37 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

[2.2] Nội dung:

[2.2.1] Về thời điểm mở thừa kế, thời hiệu thừa kế: Cụ Phạm Đức C chết năm 2007, cụ Lưu Thị M chết năm 2009. Vì vậy xác định thời điểm mở thừa kế của cụ Cộng là năm 2007, cụ Mận là năm 2009; thời hiệu thừa kế vẫn còn.

[2.2.2] Về diện và hàng thừa kế: Cụ Phạm Đức C và cụ Lưu Thị M sinh được 8 người con gồm các ông Phạm Văn B, ông Phạm Văn N (L), ông Phạm Văn S, ông Phạm Văn Tr, ông Phạm Văn T, ông Phạm Văn M, NLQ1 và NLQ2, những người này hiện nay còn sống. Bố mẹ cụ C và cụ M đều chết trước hai cụ, hai cụ không con nuôi hợp pháp. Như vậy xác định hàng thừa kế thứ nhất của cụ Phạm Đức Cộng và cụ Lưu Thị Mận là 08 người con đẻ, ngoài ra không còn ai khác.

[2.2.3] Về di sản thừa kế:

- Căn cứ vào lời khai của các đương sự và cung cấp của chính quyền địa phương xác định cụ Phạm Đức C và cụ Lưu Thị M khi còn sống được quyền sử dụng diện tích 927m2 đất (trong đó đất ở 334m2, đất vườn 274m2, đất ao 319m2), thửa số 4004, tờ bản đồ số 7-Pl2, xã Phương Đ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định thể hiện trong sổ địa chính lập năm 1992, sổ mục kê và sổ đăng ký quyền sử dụng đất. Thửa đất này chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

- Quá trình sử dụng đất: Năm 2000 khi cụ C và cụ M còn sống có cho ông Phạm Văn T sử dụng diện tích đất ở phía Đông với chiều rộng 5m đất mặt đường, ông T đã xây nhà ở trên đất. Năm 2006 cụ Cộng và cụ Mận cho ông Phạm Văn Tr sử dụng diện tích đất ở phía Tây với chiều rộng khoảng 5m đất mặt đường, ông Tr đã xây nhà ở trên đất nhưng giữa cụ Cộng, cụ Mận và ông T, ông Tr đều chưa làm thủ tục tặng cho, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Sau khi cụ C và cụ M chết các ông N, S, T, T, M đã tự phân chia sử dụng toàn bộ thửa đất của hai cụ và có để lại diện tích 150m2 để làm nơi thờ cúng. Việc tự phân chia để sử dụng đất của các ông không thông báo cho chính quyền địa phương, chưa làm thủ tục kê khai, đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Năm 2012 các ông N, Sinh, Trinh, Tuân, Minh họp bàn để chia thừa kế đất của bố mẹ đã xảy ra tranh chấp ranh giới giữa ông M, ông N và ông S.

[2.2.4] Về di chúc:

- Các đương sự đều xác định cụ C và cụ M chết đều không để lại di chúc.

- Biên bản họp gia đình ngày 02/5/2005 có xác nhận của trưởng thôn ngày 05/5/2005 và xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã Phương Đ ngày 15/5/2005. Xét biên bản này cả về nội dung và hình thức không thỏa mãn điều kiện của hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Các đương sự đều thừa nhận cụ Mận không biết chữ nhưng trong biên bản lại có chữ ký “Mận” và chữ viết “ Lưu Thị M” nên không có có căn cứ xác định ý trí của cụ Mận về việc đồng ý chia đất cho các ông N, S, T, T, M. Nội dung biên bản chỉ thống nhất chia đất cho 5 người con trai là ông N, S, T, T, M nhưng không chia cụ thể diện tích bao nhiêu, ở vị trí nào, trong khi ông T đã làm nhà tại phía Đông thửa đất từ năm 2000. Ở phần cuối của biên bản ghi:” Biên bản này là cơ sở để chia tách đất cho các con”, nhưng sau khi họp gia đình thì giữa cụ Cộng, cụ Mận và các ông N, Sinh, Trinh, Tuân, Minh không làm thủ tục chia tách, chuyển nhượng, tặng cho đất theo quy định của pháp luật. Sau khi cụ Cộng và cụ Mận chết các ông N, Sinh, Trinh, Tuân, Minh tự phân chia sử dụng thửa đất của hai cụ để lại. Năm 2012 giữa ông M, Ninh, Sinh có sự tranh chấp về ranh giới sử dụng đất. Như vậy không đủ cơ sở để xác định khi còn sống cụ Cộng và cụ Mận đã lập biên bản phân chia, tặng cho quyền sử dụng 927m2 đất tại thửa số 4004, tờ bản đồ số 7-Pl2, xã Phương Đ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định cho các ông ông N, Sinh, Trinh, Tuân Minh.

- Biên bản họp gia đình ngày 02/5/2005 có xác nhận của trưởng thôn ngày 02/5/2005: Biên bản này có nội dung giống với nội dung của Biên bản họp gia đình ngày 02/5/2005 có xác nhận của trưởng thôn và của Uỷ ban nhân dân xã Phương Định, chỉ ghi thêm số tiền của ông N, S, T, T, M, mỗi ông 40 triệu đồng. Biên bản này không có chữ ký, chữ viết hoặc điểm chỉ của cụ Mận nên cũng không có có căn cứ xác định ý trí của cụ Mận về việc chia đất cho các con, vì vậy không có cơ sở chấp nhận.

- Biên bản họp gia đình ngày 07/5/2007 có xác nhận của trưởng thôn ngày 10/5/2007. Biên bản này có cụ Mận và các con là N, S, T, T, M, N, H tham gia và ký tên, nội dung biên bản thống nhất không nhận vợ chồng ông B là con cái trong gia đình. Như đã phân tích ở trên, cụ Mận không biết chữ nên không thể ký, viết tên. Nội dung biên bản cũng không đủ căn cứ để truất quyền thừa kế của ông B theo quy định của pháp luật. Vì vậy biên bản này cũng không có cơ sở chấp nhận.

Vì vậy kháng cáo của bị đơn và kháng nghị của Viện kiểm sát về việc công nhận các biên bản họp gia đình là không được chấp nhận.

[2.2.5] Về phân chia di sản thừa kế:

Bản án sơ thẩm đã quyết định phân chia di sản thừa kế theo pháp luật cho 08 người thuộc hàng thừa kế thứ nhất, chia cho ông Phạm Văn N, ông Phạm Văn S, ông Phạm Văn Tr, ông Phạm Văn T và ông Phạm Văn M được quyền sử dụng 777m2 đất tại thửa số 4004, tờ bản đồ số 7PL2, Thôn H, xã P, huyện Trực N, tỉnh Nam Định và được quản lý diện tích đất là kỷ phần thừa kế của NLQ1 và NLQ2 mỗi người 97,12m2; buộc các ông N, Sinh, Trinh, Tuân, Minh thanh toán giá trị kỷ phần thừa kế cho ông B số tiền là 319.475.000đ (mỗi ông thanh toán cho ông B 63.895.000đồng) Như vậy bản án sơ thẩm đã chia di sản thừa kế bằng hiện vật cho 07 người, mỗi người 97,12m2 đất và giao cho các ông N, Sinh, Trinh, Tuân, Minh được quyền sử dụng 777m2 đất (quản lý cả phần đất của NLQ1 và NLQ2 được chia) nhưng chỉ buộc các ông N, Sinh, Trinh, Tuân, Minh thanh toán giá trị kỷ phần thừa kế cho ông B là 319.475.000đ (mỗi ông thanh toán cho ông B 63.895.000đồng) mà không buộc NLQ2, Ngọc phải thanh toán giá trị kỷ phần thừa kế cho ông B là không đúng, ảnh hưởng đến quyền lợi của các ông N, Sinh, Trinh, Tuân và Minh.

[3] Từ sự phân tích nhận định nêu trên thấy rằng: Tòa án cấp sơ thẩm đã thụ lý giải quyết vụ án không đúng thẩm quyền; Bản án sơ thẩm đã xác định sai tư cách đương sự của NLQ1 và NLQ2 nên hai bà không được quyền kháng cáo; Quyết định của bản án sơ thẩm gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bị đơn. Những vi phạm về thủ tục tố tụng nêu trên là nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự, vi phạm nguyên tắc hai cấp xét xử, tại cấp phúc thẩm không thể khắc phục được, vì vậy cần thiết phải huỷ bản án sơ thẩm để giải quyết lại theo trình tự sơ thẩm.

[4] Về án phí:

Án phí dân sự sơ thẩm sẽ được quyết định khi vụ án được giải quyết lại.

Kháng cáo của bị đơn được chấp nhận một phần nên các bị đơn không phải nộp án phí dấn sự phúc thẩm. Ông Tr, Minh, Tuân được trả lại số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào Khoản 3 Điều 308, Điều 310 Bộ luật tố tụng dân sự Căn cứ khoản 3 Điều 35, khoản 1 Điều 37, Điều 70, Điều 73, Điều 147, Điều 148 Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.

1. Hủy bản án dân sự sơ thẩm số 30/2020/DS - ST ngày 30 tháng 9 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện Trực Ninh.

2. Chuyển hồ hơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Nam Định để giải quyết lại theo trình tự sơ thẩm.

3. Về án phí:

Án phí dân sự sơ thẩm sẽ được quyết định khi vụ án được giải quyết lại.

Ông Tr, Minh, Tuân không phải nộp án phí dân sự phúc thẩm, được trả lại số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp. Mỗi ông được trả lại 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) tại các biên lai số 0002239 ngày 19/10/2020, số 0002240 ngày 19/10/2020, số 0001392 ngày 28/10/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định.

Trong trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án và người phải thi hành án có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

404
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản số 62/2021/DS-PT

Số hiệu:62/2021/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Nam Định
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 20/08/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về