Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản số 29/2022/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG

BẢN ÁN 29/2022/DS-PT NGÀY 24/01/2022 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN

Trong các ngày 29 tháng 12 năm 2021, ngày 19 và ngày 24 tháng 01 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 392/2020/TLPT-DS ngày 26/11/2020 về việc tranh chấp về thừa kế tài sản.Do Bản án dân sự sơ thẩm số 52/2020/DS-ST ngày 28 tháng 8 năm 2020 của Tòa án nhân dân thị xã T, tỉnh Bình Dương bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 72/2021/QĐPT-DS, ngày 17 tháng 3 năm 2021, Thông báo mở lại phiên tòa phúc thẩm số 79/TB-TA ngày 08/12/2021, giữa:

1. Nguyên đơn: Bà Lâm Thị S, sinh năm 1952; địa chỉ: Tổ 6, khu phố K, phường T, thị xã T, tỉnh Bình Dương.

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Thái Thanh H, sinh năm 1979; địa chỉ: Tổ 2, khu phố 1, phường Uyên Hưng, thị xã T, tỉnh Bình Dương là người đại diện theo ủy quyền (văn bản ủy quyền ngày 26/9/2020), có mặt.

2. Bị đơn: Ông Lâm Văn B, sinh năm 1929; địa chỉ: Khu phố Khánh L, phường T, thị xã T, tỉnh Bình Dương, có mặt.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Bà Đặng Phước Hoàng M, sinh năm 1974; địa chỉ thường trú: Số 62 Nguyễn Huy T, phường Đ, Quận N, Thành phố Hồ Chí Minh; địa chỉ liên hệ: Số 68/23A Trần Quang Kh, phường Tân Đ, Quận N, Thành phố Hồ Chí Minh, có mặt.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Bà Lâm Thị B1, sinh năm 1948; địa chỉ: Khu phố Khánh T, phường Khánh B, thị xã T, tỉnh Bình Dương; có yêu cầu xét xử vắng mặt.

3.2. Bà Lâm Thị Y, sinh năm 1957; địa chỉ: Tổ 2, khu phố Khánh T, phường Khánh B, thị xã T, tỉnh Bình Dương, có yêu cầu xét xử vắng mặt.

3.3. Ông Lâm Văn L, sinh năm 1961; địa chỉ: Khu phố Khánh L, phường T, thị xã T, tỉnh Bình Dương.

Người đại diện hợp pháp của ông Lâm Văn L: Ông Lâm Văn B, sinh năm 1929; địa chỉ: Khu phố Khánh L, phường T, thị xã T, tỉnh Bình Dương (Theo Quyết định giải quyết việc dân sự số 01/2018/QĐVDS ngày 17/01/2018 của Tòa án nhân dân thị xã T, tỉnh Bình Dương), có mặt.

3.4. Bà Lâm Thị Ph, sinh năm 1962; địa chỉ: Số nhà 152, tổ 7, khu phố K, phường T, thị xã T, tỉnh Bình Dương; có mặt.

3.5. Ông Lâm Sơn M, sinh năm 1983; địa chỉ: Tổ 4, ấp 3, xã Tân Kh, huyện H, tỉnh Bình Phước, có yêu cầu xét xử vắng mặt.

3.6. Ông Lâm Hải M, sinh năm 1980; địa chỉ: Tổ 4, ấp 3, thị trấn Tân Kh, huyện H, tỉnh Bình Phước, có yêu cầu xét xử vắng mặt.

3.7. Ông Lâm Quốc M2, sinh năm 1978; địa chỉ: Tổ 4, ấp 3, thị trấn Tân Kh, huyện H, tỉnh Bình Phước, có yêu cầu xét xử vắng mặt.

3.8. Bà Lương Đường Th, sinh năm 1959; địa chỉ: Tổ 4, ấp 3, thị trấn Tân Kh, huyện H, tỉnh Bình Phước, có yêu cầu xét xử vắng mặt.

3.9. Bà Nguyễn Thị Ngọc X, sinh năm 1976; địa chỉ: Số 64, tổ 2, khu phố Bình Hòa 2, phường T, thị xã T, tỉnh Bình Dương, có yêu cầu xét xử vắng mặt.

3.10. Bà Nguyễn Thị Ngọc A, sinh năm 1980; địa chỉ: Số 269, tổ 4, khu phố Khánh L, phường T, thị xã T, tỉnh Bình Dương, có yêu cầu xét xử vắng mặt.

3.11. Bà Nguyễn Thị Anh K, sinh năm 1982; địa chỉ: Số 269, tổ 4, khu phố Khánh L, phường T, thị xã T, tỉnh Bình Dương, có yêu cầu xét xử vắng mặt.

3.12. Ông Nguyễn Hùng C, sinh năm 1985; địa chỉ: Số 269, tổ 4, khu phố Khánh L, phường T, thị xã T, tỉnh Bình Dương, có yêu cầu xét xử vắng mặt.

3.13. Ông Nguyễn Văn Ph, sinh năm 1988; địa chỉ: Số 269, tổ 4, khu phố Khánh L, phường T, thị xã T, tỉnh Bình Dương, có yêu cầu xét xử vắng mặt.

3.14. Bà Trương Thị C1, sinh năm 1941; địa chỉ: Khu phố Khánh L, phường T, thị xã T, tỉnh Bình Dương.

3.15. Bà Lâm Thị Th, sinh năm 1968; địa chỉ: Khu phố Khánh L, phường T, thị xã T, tỉnh Bình Dương.

3.16. Bà Lâm Thị M2, sinh năm 1973; địa chỉ: Khu phố Khánh L, phường T, thị xã T, tỉnh Bình Dương.

3.17. Bà Lâm Thị L1, sinh năm 1982; địa chỉ: Khu phố Khánh L, phường T, thị xã T, tỉnh Bình Dương, có mặt.

3.18. Ông Nguyễn Thanh H, sinh năm 1992; địa chỉ: Khu phố Khánh L, phường T, thị xã T, tỉnh Bình Dương.

3.19. Bà Nguyễn Thị Thanh H1, sinh năm 1995; địa chỉ: Khu phố Khánh L, phường T, thị xã T, tỉnh Bình Dương.

Người đại diện hợp pháp của các ông (bà) C1, Th, M2, H, H1, L1: Ông Lâm Văn B, sinh năm 1929; địa chỉ: Khu phố Khánh L, phường T, thị xã T, tỉnh Bình Dương, là người đại diện theo ủy quyền (văn bản ủy quyền ngày 05/6/2020) có mặt.

3.20. Ủy ban nhân dân phường Tân V, thị xã T, tỉnh Bình Dương. Người đại diện hợp pháp: Bà Nguyễn Thị Thu, chức vụ: Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Tân V; có yêu cầu xét xử vắng mặt.

3.21. Ủy ban nhân dân thị xã T, tỉnh Bình Dương. Người đại diện hợp pháp: Ông Nguyễn Tấn L – Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã T; có yêu cầu xét xử vắng mặt.

3.22. Ủy ban nhân dân thành phố Thủ D, tỉnh Bình Dương. Người đại diện hợp pháp: Ông Nguyễn Lộc H, chức vụ: Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ D; là người đại diện theo pháp luật.

Người đại diện theo ủy quyền: Bà Đỗ Thị Thu Th1, chức vụ: Trưởng phòng Tư pháp thành phố Thủ D (Quyết định về việc ủy quyền đại diện pháp lý tham gia vụ kiện số 897/QĐ-UBND ngày 06/5/2020); có yêu cầu xét xử vắng mặt.

- Người kháng cáo: Nguyên đơn bà Lâm Thị S.

NỘI DUNG VỤ ÁN

- Theo Đơn khởi kiện ngày 01/8/2017, Đơn khởi kiện bổ sung ngày 20/9/2017, Đơn khởi kiện bổ sung ngày 28/10/2018, Đơn khởi kiện bổ sung ngày 18/10/2019, Đơn khởi kiện bổ sung ngày 30/6/2020 và lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn bà Lâm Thị S và người đại diện hợp pháp cho nguyên đơn trình bày:

Sinh thời, cụ Lâm Văn Q (chết năm 1965) và cụ Trần Thị B2 (chết năm 1993) có 11 người con gồm:

1. Ông Lâm Văn B, sinh năm 1929 (bị đơn).

2. Ông Lâm Văn G (D), chết năm 1968 không có vợ con.

3. Ông Lâm Văn Tr, chết năm 1973 không có vợ con.

4. Bà Lâm Thị B1.

5. Bà Lâm Thị S (nguyên đơn).

6. Ông Lâm Văn M (chết năm 2016) có vợ là bà Lương Đường Th và có ba con chung tên Lâm Sơn M, Lâm Quốc M2, Lâm Hải M.

7. Bà Lâm Thị Y.

8. Ông Lâm Văn V (đã chết năm 2007, không có vợ con).

9. Ông Lâm Văn L (bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự và giao cho ông Lâm Văn B là người giám hộ).

10. Bà Lâm Thị Ph.

11. Bà Lâm Thị T (chết năm 2010) có chồng là ông Nguyễn Xuân S (đã chết năm 2013) và có 06 người con gồm: Nguyễn Thị Ngọc X, Nguyễn Minh Hùng (đã chết năm 2002, không có vợ con), Nguyễn Thị Ngọc A, Nguyễn Thị Anh K, Nguyễn Hùng C và Nguyễn Văn Ph.

Ngoài những người con nêu trên thì cụ Q và cụ B2 không có người con chung, con nuôi, con riêng nào khác.

Lúc sinh thời, cụ Q, cụ B2 có trực tiếp canh tác, sản xuất tại diện tích đất có đo đạc thực tế 7.703,9m2 thuộc các thửa 332, 326, 327, 328, 329, 330, 331, 355, 356, 357, 413, 414, 415, 416, 403, 404 tờ bản đồ 20 tại phường Tân V, thị xã T, tỉnh Bình Dương. Năm 1965, cụ Q chết không để lại di chúc. Cụ B2 và các con cùng canh tác trên phần đất này. Năm 1993, cụ B2 chết không để lại di chúc.

Năm 2017, các anh chị em bà S yêu cầu chia di sản thừa kế đối với phần đất trên nhưng ông B không đồng ý vì cho rằng tất cả phần đất trên là của ông B và hộ gia đình ông B đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số vào sổ 00059 QSDĐ/TU ngày 20/01/1999 và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số vào sổ 01827 QSDĐ/TU ngày 21/3/2001 do UBND huyện T (nay là thị xã T).

Do ông B tự ý đi kê khai xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là di sản của cụ Q và cụ B2 để lại không được sự đồng ý của các đồng thừa kế khác nên bà S khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết những nội dung sau:

1. Tuyên Tờ di chúc của bà Trần Thị B2 số chứng thực là 129/CTTP ngày 28/11/1990 do Ủy ban nhân dân thị xã Thủ D, tỉnh Bình Dương công chứng, chứng thực vô hiệu.

2. Yêu cầu Tòa án xác định diện tích đất đo đạc thực tế 7.703,9m2 thuộc các thửa 332, 326, 327, 328, 329, 330, 331, 355, 356, 357, 413, 414, 415, 416, 403, 404 tờ bản đồ 20 tại phường Tân V, thị xã T, tỉnh Bình Dương là di sản của cụ Lâm Văn Q và cụ Trần Thị B2 để lại. Đồng thời yêu cầu chia di sản thừa kế trên theo quy định pháp luật.

Yêu cầu Tòa án kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số vào sổ 00059 QSDĐ/TU do UBND huyện T (nay là thị xã T) cấp cho hộ ông Lâm Văn B ngày 20/01/1999 và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với số vào sổ 01827 QSDĐ/TU do UBND huyện T (nay là thị xã T) cấp cho hộ ông Lâm Văn B ngày 21/3/2001.

3. Yêu cầu phân chia di sản thừa kế theo pháp luật cho các đồng thừa kế đối với số tiền 120.074.500 đồng do diện tích 302m2 thuộc một phần thửa 413, 416 tờ bản đồ 20 tại phường Tân V, thị xã T đã bị thu hồi theo Quyết định thu hồi số 3680/QĐ-UBND ngày 18/5/2012 của Ủy ban nhân dân huyện T (nay là thị xã T).

- Theo các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, bị đơn ông Lâm Văn B và người đại diện hợp pháp của bị đơn là bà Đặng Phước Hoàng M trình bày:

Ông B thống nhất lời trình bày của nguyên đơn về mối quan hệ huyết thống.

Ngoài ra, cụ B2 có một người con riêng tên là Lâm Thị Thảo (đã chết trước khi giải phóng), bà Thảo có 04 người con tên Phan Văn Hồng, Phan Thị Cam, Phan Văn Ngon và Phan Thị Ngọt nhưng hiện nay ông B không biết được địa chỉ các con của bà Thảo. Cụ Q có một người con riêng tên Lâm Văn Tâm đã chết trước giải phóng, chưa có vợ con. Cha mẹ của cụ Q và cụ B2 đã chết trước cụ Q, cụ B2.

Ông B không đồng ý yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Bởi vì, khi còn sống cụ B2 đã chia đất cho những người con trai trong gia đình, những người con gái thì cụ B2 bán đất cho tiền. Phần diện tích đất có đo đạc thực tế 7.703,9m2 thuộc các thửa 332, 326, 327, 328, 329, 330, 331, 355, 356, 357, 413, 414, 415, 416, 403, 404 tờ bản đồ 20 tại phường Tân V có nguồn gốc của cụ B2 để lại cho ông B theo nội dung Tờ di chúc của bà Trần Thị B2 số chứng thực là 129/CTTP ngày 28/11/1990. Trên cơ sở nội dung Tờ di chúc này, ông B đã đi đăng ký kê khai xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ông B đã quản lý và sử dụng ổn định từ năm 1975 cho đến khi bà S khởi kiện.

- Theo Đơn yêu cầu độc lập ngày 30/10/2018 và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Lâm Thị Ph trình bày:

Bà Ph thống nhất mối quan hệ huyết thống mà nguyên đơn trình bày và yêu cầu chia di sản do cụ Q và cụ B2 để lại theo quy định của pháp luật. Đồng thời có yêu cầu độc lập đối với vụ án: Yêu cầu Tòa án tuyên Tờ di chúc của bà Trần Thị B2 số chứng thực là 129/CTTP ngày 28/11/1990 do Ủy ban nhân dân thị xã Thủ D, tỉnh Bình Dương công chứng, chứng thực vô hiệu.

- Theo các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Lâm Thị Y và bà Lâm Thị B1 thống nhất trình bày: Bà Y và bà B1 thống nhất mối quan hệ huyết thống mà nguyên đơn trình bày và yêu cầu chia di sản do cụ Q và cụ B2 để lại theo quy định của pháp luật.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Lương Đường Th, ông Lâm Quốc M2, ông Lâm Hải M, ông Lâm Sơn M thống nhất trình bày: Đối với yêu cầu khởi kiện, yêu cầu khởi kiện bổ sung của bà S, yêu cầu độc lập của bà Lâm Thị Ph thì các ông bà Lương Đường Th, Lâm Quốc M2, Lâm Hải M, Lâm Sơn M thì đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định pháp luật và từ chối nhận di sản thừa kế (nếu có).

- Theo nội dung Đơn xin giải quyết vắng mặt, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan các ông (bà) Nguyễn Thị Ngọc X, Nguyễn Thị Ngọc A, Nguyễn Thị Anh K, Nguyễn Hùng C và Nguyễn Văn Ph thống nhất trình bày: Từ chối nhận di sản thừa kế trên.

- Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm các ông (bà) Lâm Văn L (do ông Lâm Văn B làm giám hộ), Trương Thị C1, Lâm Thị Th, Lâm Thị M2, Lâm Thị L1, Nguyễn Thanh H, Nguyễn Thị Thanh H1: Thống nhất với lời trình bày của ông Lâm Văn B.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Ủy ban nhân dân thị xã T do ông Nguyễn Tấn L là người đại diện hợp pháp trình bày:

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số vào sổ 00059 QSDĐ/TU cấp cho hộ ông Lâm Văn B vào ngày 20/01/1999 và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số vào sổ 01827 QSDĐ/TU cấp cho hộ ông Lâm Văn B vào ngày 21/5/2001 đều có thửa 355, tờ bản đồ 20 tại phường Tân V, thị xã T là do tại thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thực hiện theo quy trình đại trà và khi đăng ký, kê khai để xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ông Lâm Văn B có sự nhầm lẫn về thửa 355 nên kê khai hai lần dẫn đến Ủy ban nhân dân huyện T cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hai lần đối với thửa 355 cho hộ ông Lâm Văn B.

Thửa đất 332, tờ bản đồ 20 tại phường Tân V, thị xã T thuộc quy hoạch đất giao thông. Trường hợp người sử dụng đất thỏa mãn các điều kiện theo quy định sẽ được xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền trên đất theo quy định.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Ủy ban nhân dân phường Tân V do bà Nguyễn Thị Thu là người đại diện hợp pháp trình bày:

Theo hồ sơ quản lý địa chính của địa phương thì thửa 332, tờ bản đồ 20 tại xã Tân V chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ai và không có ai tranh chấp quyền sử dụng đất đối với thửa đất này. Theo Bản đồ địa chính tại tờ bản đồ 20 thì chỉ có một thửa đất số 355. Do đó, thửa đất 355 cấp trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00059 cấp ngày 20/01/1999 với thửa đất 355 cấp trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 01827 QSDĐ/TU ngày 21/5/2001 là một thửa. Theo hồ sơ địa chính thì Ủy ban nhân dân xã Tân V xác định hộ ông Lâm Văn B đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các thửa 326, 327, 328, 329, 330, 331, 355, 356, 357, 413, 414, 415, 416, 403, 404, tờ bản đồ 20 diện tích 7.456m2. Ngoài khu đất này, ông B có được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nào nữa hay không thì Ủy ban nhân dân xã Tân V không biết được. Ông B là người được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên ông B là người quản lý, sử dụng phần đất trên.

Các thửa 326, 327, 328, 329, 330, 331, 355, 356, 357, 413, 414, 415, 416, 403, 404, tờ bản đồ 20 diện tích 7.456m2 do ông Lâm Văn B trực tiếp quản lý, sử dụng. Căn cứ vào Tờ Di chúc số 129/CTTP do Ủy ban nhân dân thị xã Thủ D, tỉnh Bình Dương chứng thực ngày 28/11/1990 của cụ Trần Thị B2 lập thì ông Lâm Văn B đã được Ủy ban nhân dân huyện T cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số vào sổ 00059 cấp ngày 20/01/1999.

Trong quá trình quản lý, sử dụng ông Lâm Văn B để cho các con trong gia đình trồng trọt canh tác và không có tranh chấp với ai.

Đến năm 2017, bà Lâm Thị S nộp đơn yêu cầu chia di sản thừa kế liên quan đến phần đất nêu trên. Tuy nhiên, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ ông Lâm Văn B dựa vào Tờ Di chúc số 129/CTTP do cụ Trần Thị B2 lập được Ủy ban nhân dân thị xã Thủ D chứng thực ngày 28/11/1990 nên Ủy ban nhân dân xã Tân V không giải quyết.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Ủy ban nhân dân thành phố Thủ D do bà Đỗ Thị Thu Thủy là người đại diện hợp pháp trình bày:

Bản Di chúc của cụ Trần Thị B2 lập có số chứng thực 129/CTTP ngày 28/11/1990 của Ủy ban nhân dân thành phố Thủ D:

Về thẩm quyền, trình tự, thủ tục chứng thực: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan tư pháp địa phương và quy định về hướng dẫn thực hiện công tác công chứng Nhà nước tại Thông tư số 858/QLTPK do Bộ Tư pháp ban hành ngày 15/10/1987 và qua xem xét bản di chúc (Bản photocopy được đính kèm Công văn số 173/TA-DS ngày 17/4/2020 của Tòa án nhân dân thị xã T) có phần lời chứng, chữ ký của ông Đỗ Văn Thảnh, đóng mộc UBND thị xã Thủ D thì việc công chứng, chứng thực Bản di chúc của bà Trần Thị B2 lập, chứng thực số 129/CTTP ngày 28/11/1990 thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân thị xã Thủ D là phù hợp, đảm bảo về trình tự, thủ tục do pháp luật quy định tại thời điểm công chứng, chứng thực.

Do Tờ di chúc cụ B2 lập ngày 28/11/1990 có lăn tay, điểm chỉ, có hai người làm chứng trước mặt công chứng viên được bổ nhiệm theo đúng thẩm quyền, việc chứng thực được thực hiện đảm bảo trình tự, thủ tục do luật quy định nên việc nguyên đơn cho rằng “Di chúc đề ngày 28/11/1990 do cụ Trần Thị B2 lập là trái pháp luật” là không có cơ sở, trong trường hợp này, trách nhiệm chứng minh Bản di chúc bị cho là trái pháp luật thuộc về nguyên đơn.

Về việc cung cấp hồ sơ chứng thực: Ngày 08/5/2020, Phòng Tư pháp ban hành Công văn số 65/TP về việc đề nghị Phòng Nội vụ thành phố Thủ D hỗ trợ tra cứu tàng thư và sao lục hồ sơ lưu trữ bản Di chúc chứng thực số 129/CTTP do Ủy bản nhân dân thị xã Thủ D chứng thực ngày 28/11/1990. Qua kết quả kiểm tra tra cứu ngày 12/5/2020, Phòng Nội vụ có Công văn số 84/PNV-VTLT phúc đáp: Hiện tàng thư lưu trữ UBND thành phố Thủ D không tìm thấy hồ sơ lưu trữ đối với Bản di chúc số 129/CTTP. Do đó, không có cơ sở cung cấp hồ sơ có liên quan cho Tòa án.

Tại Bản án số 52/2020/DS-ST ngày 28 tháng 8 năm 2020 của Tòa án nhân dân thị xã T, tỉnh Bình Dương đã quyết định:

1. Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Lâm Thị S về việc tranh chấp về thừa kế tài sản với ông Lâm Văn B.

1.1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Lâm Thị S về việc yêu cầu tuyên Tờ di chúc của cụ Trần Thị B2 số 129/CTTP ngày 28/11/1990 do Ủy ban nhân dân thị xã (nay là thành phố) Thủ D, tỉnh Bình Dương chứng thực vô hiệu.

1.2. Không chấp nhận yêu cầu của bà Lâm Thị S về việc: Xác định diện tích đất đo đạc thực tế 7.703,9m2 thuộc các thửa 332, 326, 327, 328, 329, 330, 331, 355, 356, 357, 413, 414, 415, 416, 403, 404 tờ bản đồ 20 tại phường Tân V, thị xã T, tỉnh Bình Dương là di sản của cụ Lâm Văn Q và cụ Trần Thị B2 để lại và chia di sản thừa kế trên theo quy định pháp luật và yêu cầu Tòa án kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số vào sổ 00059 QSDĐ/TU do UBND huyện T (nay là thị xã T) cấp cho hộ ông Lâm Văn B ngày 20/01/1999 và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với số vào sổ 01827 QSDĐ/TU do UBND huyện T (nay là thị xã T) cấp cho hộ ông Lâm Văn B ngày 21/3/2001.

1.3. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Lâm Thị S về việc yêu cầu phân chia di sản thừa kế theo pháp luật cho các đồng thừa kế đối với số tiền 120.074.500 đồng do diện tích 302m2 thuộc một phần thửa 413, 416 tờ bản đồ 20 tại phường Tân V, thị xã T đã bị thu hồi theo Quyết định thu hồi số 3680/QĐ-UBND ngày 18/5/2012.

2. Không chấp nhận yêu cầu độc lập của bà Lâm Thị Ph với việc Yêu cầu tuyên Tờ Di chúc của bà Trần Thị B2 số 129/CTTP ngày 28/11/1990 do Ủy ban nhân dân thị xã (nay là thành phố) Thủ D chứng thực vô hiệu.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

Sau khi có bản án sơ thẩm, ngày 31/8/2020, nguyên đơn bà Lâm Thị S kháng cáo toàn bộ bản án.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo. Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương phát biểu quan điểm:

Về tố tụng: Những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Về nội dung: Các đương sự trong vụ án đều thống nhất xác định đất tranh chấp do cụ Q, cụ B2 để lại. Khi cụ Q mất thì cụ B2 đã chia đất cho các con mỗi người một phần. Sau khi cụ B2 chết năm 1993 thì năm 1996 các đương sự phát sinh tranh chấp đối với phần đất do cụ B2 lập di chúc ngày 20 tháng 11 năm 1990. Theo nội dung biên bản năm 1996 thì các anh chị em cũng đã thỏa thuận thực hiện theo Di chúc chứng thực số 121/CTTP của cụ B2 để lại đối với phần đất tọa lạc tại xã T (nay là phường T). Đối với phần đất tranh chấp tại phường Tân V được cụ B2 lập di chúc để lại cho ông B vào ngày 26/11/1990, trong quá trình sinh sống cụ Q và cụ B2 không thực hiện việc đăng ký kê khai, trên đất không có tài sản gì của cụ Q và cụ B2 để lại. Sau khi cụ B2 chết thì ông B là người trực tiếp quản lý phần đất này, thực hiện việc đăng ký kê khai và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất trước đây giữa ông B với bà S, bà B1 thể hiện việc tranh chấp có kéo dài, nhưng bà S, bà B1 cũng đã khẳng định đất tranh chấp có nguồn gốc của cha mẹ nhưng đã được phân chia cho các anh em. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm xác định phần đất tranh chấp do cụ Q, cụ B2 để lại nhưng không phải là di sản thừa kế là có căn cứ. Nguyên đơn kháng cáo cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm không đưa các con bà Thảo vào tham gia tố tụng là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, tuy nhiên vụ việc này không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các con bà Thảo, nên không cần thiết phải đưa họ vào tham gia tố tụng. Từ những phân tích trên, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, lời trình bày của đương sự, ý kiến của Kiểm sát viên,

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về tố tụng:

 [1.1] Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan UBND thị xã T, UBND thành phố Thủ D, UBND phường Tân V, các ông, bà Lâm Sơn M, Lâm Hải M, Lâm Quốc M2, Lương Đường Th, Nguyễn Văn Ph, Nguyễn Hùng C, Nguyễn Thị Anh K, Nguyễn Thị Ngọc A, Nguyễn Thị Ngọc X, Lâm Thị Y có đơn yêu cầu giải quyết vắng mặt nên Hội đồng xét xử căn cứ khoản 2 Điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự xét xử vắng mặt những người này.

[2] Về nội dung:

[2.1] Nguyên đơn cho rằng diện tích đất đo đạc thực tế 7.703,9m2 thuộc các thửa 332, 326, 327, 328, 329, 330, 331, 355, 356, 357, 413, 414, 415, 416, 403, 404 tờ bản đồ 20 tại phường Tân V, thị xã T, tỉnh Bình Dương là di sản thừa kế của cụ B2, cụ Q để lại nên yêu cầu Tòa án chia thừa kế theo pháp luật, yêu cầu Tòa án kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho hộ ông B ngày 20/11/1999 và chia di sản thừa kế theo pháp luật cho các đồng thừa kế đối với số tiền 120.074.500 đồng do diện tích 302m2 thuộc một phần thửa đất số 413, 416 tờ bản đồ 20 tại phường Tân V đã bị thu hồi, yêu cầu Tòa án tuyên di chúc ngày 28/11/1990 vô hiệu. Bị đơn không đồng ý với yêu cầu của nguyên đơn với lý do đất đã được cụ B2 lập di chúc cho ông B ngày 28/11/1990 và ông B đã đi đăng ký kê khai và được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

[2.2] Nguyên đơn kháng cáo yêu cầu hủy toàn bộ bản án sơ thẩm vì Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng tố tụng, xét xử không toàn diện các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, không khách quan, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, cụ thể: Theo trình bày của bị đơn ông Lâm Văn B và người làm chứng bà Trần Thị L2 tại cấp phúc thẩm: Cụ B2 có một người con riêng là bà Thảo (chết trước giải phóng), bà Thảo có 04 người con tên H2, C, Ng, Ng1(không rõ họ và tên đệm). Bà Th2 chết trước cụ B2, nên các con của bà Thảo là người thừa kế thế vị của bà Th2, việc Tòa án cấp sơ thẩm không đưa những người này vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là có sai sót, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các con bà Th2. Về nội dung, Tòa án cấp sơ thẩm xác định phần đất được cụ B2 định đoạt theo Di chúc năm 1990, do đó không phải là phần đất các đương sự đang tranh chấp là hoàn toàn không có căn cứ, bởi lẽ các đương sự trong vụ án đều thống nhất xác định đất tranh chấp là phần đất do cụ B2 để lại năm 1990 đây là tình tiết, sự kiện không phải chứng minh theo khoản 2 Điều 92 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

[2.3] Xét kháng cáo của nguyên đơn thấy rằng:

[2.4] Các đương sự thống nhất xác định cụ Lâm Văn Q (chết năm 1965) và cụ Trần Thị B2 (chết năm 1993), các cụ có 11 người con chung gồm: Lâm Văn B, Lâm Văn Gi (D, chết 1968, không có vợ con); Lâm Văn Tr (chết 1973, không có vợ con); Lâm Thị B1; Lâm Thị S; Lâm Văn M (chết 2016, có vợ là Lương Đường Th và các con là Lâm Sơn M, Lâm Quốc M2, Lâm Hải M); bà Lâm Thị Y; Lâm Văn V (chết 2007, không có vợ con); Lâm Văn L; Lâm Thị Ph; Lâm Thị Tám (chết năm 2010, có chồng Nguyễn Xuân S (chết 2013, có con là Nguyễn Thị Ngọc X, Nguyễn Minh H, (chết 2002, không có vợ con), Nguyễn Thị Ngọc A, Nguyễn Thị Anh K, Nguyễn Hùng C và Nguyễn Văn Ph. Diện tích đất đo đạc thực tế 7.703,9m2 nêu trên có nguồn gốc của cụ Q và cụ B2. Phần đất tranh chấp là phần đất được cụ B2 định đoạt theo Di chúc do cụ B2 lập ngày 26/11/1990 và được chứng thực số 129/CTTP ngày 28 tháng 11 năm 1990. Đây là tình tiết, sự kiện không cần phải chứng minh theo Điều 92 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

[2.5] Về nguồn gốc đất tranh chấp: Các đương sự thừa nhận đất có nguồn gốc của cụ Q, cụ B2 do cha cụ Q là cụ Đ để lại. Căn cứ Tờ di chúc chứng thực số 129/CTTP ngày 28 tháng 11 năm 1990 của cụ B2 thể hiện: “Phần ruộng nói trên do cha chúng tôi tên là Lâm Văn Đ đứng bộ số 371 cũ, 873 mới lập ngày 29/11/1970 tại Tổng Nha Điền Địa Biên Hòa”. Tuy nhiên, tại Công văn số 22/CNTT-CC ngày 24/9/2019 của Chi cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu Tài nguyên và Môi trường phía Nam thể hiện chi cục không lưu trữ sổ địa bộ và bản đồ xã Tân V, thị xã T, tỉnh Bình Dương, nên không cung cấp được bằng khoán và họa đồ vị trí 371 cũ, 873 mới cấp cho ông Lâm Văn Đi ngày 29/11/1970 tại Tổng nha Điền địa Biên Hòa (bút lục 323). Biên bản xác minh ngày 06/7/2020 thì Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thị xã T xác định theo sổ mục kê được lưu trữ tại Chi nhánh thể hiện ông Lâm Văn B là người kê khai và ông B đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Mặt khác, căn cứ biên bản xác minh tại UBND phường Tân V và sự thừa nhận của các đương sự thì cụ Q, cụ B2 chưa tiến hành đăng ký kê khai phần đất này, các đương sự trong vụ án cũng không cung cấp được chứng cứ thể hiện cụ Đinh có đăng ký kê khai. Như vậy, đến năm 1990 cụ B2 và cụ Q không có giấy tờ gì về phần đất này. Quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn cũng không cung cấp được chứng cứ chứng minh cụ Q và cụ B2 có các giấy tờ theo Điều 50 Luật Đất Đai 2003 (Điều 100 Luật Đất Đai 2013). Hiện trạng phần đất đang tranh chấp không có tài sản như nhà cửa, công trình kiến trúc của cụ Q, cụ B2 để lại, đất tranh chấp là đất ruộng chỉ có một số cây trồng và nhà tạm do ông B tạo lập.

[2.6] Về quá trình quản lý, sử dụng đất: Tại phiên tòa phúc thẩm, bà Lâm Thị Ph xác định khi bà còn nhỏ thì bà có phụ mẹ là cụ B2 canh tác trên đất tranh chấp, nhưng từ khi bà lấy chồng thì bà không canh tác trên phần đất này nữa, các chị em của bà là bà S và bà B1 có canh tác một thời gian nhưng đến năm 1996 trở đi thì cũng không canh tác nữa. Lời khai này phù hợp với lời trình bày của bà Lâm Thị S tại Biên bản đối chất ngày 31/7/2020 của Tòa án cấp sơ thẩm (bút lục 440) thể hiện “ hoảng năm 1982-1983, bà Ph và bà Y đi lấy chồng và có về phụ giúp bà Bơi canh tác trên phần đất này. Tôi về canh tác trên phần đất này và trả tiền thuê bằng lúa cho bà B2 từ năm 1982-1991 nhưng canh tác không hiệu quả, tôi trả lại đất và Lâm Thị B1 nhận đất này làm đến năm 1996 thì bà B1 trả lại đất cho hai người em tên Lâm Văn V và Lâm Văn L”. Tại biên bản phiên tòa sơ thẩm (bút lục 510), nguyên đơn cũng thừa nhận từ năm 1991 đến năm 1996 thì bà B1 và bà S có quản lý, sử dụng đất tranh chấp, nhưng từ năm 1996 các bà không còn quản lý, sử dụng đất này nữa, điều này phù hợp với lời khai của bị đơn về việc bà B1 có sử dụng đất từ năm 1982 đến năm 1991 và bà S sử dụng từ 1991 đến 1996 (do thuê của ông B). Ngoài ra, năm 2012 Ủy ban nhân dân huyện T đã thực hiện Công trình nạo vét suối chợ thị trấn T - xã Tân V, thị xã T, tỉnh Bình Dương. Phần đất tranh chấp bị thu hồi, giải tỏa 302m2 đất và tài sản gắn liền với đất, ông B là người nhận tiền hỗ trợ bồi thường nhưng các anh chị em trong gia đình không có ý kiến khiếu nại gì, trong khi họ đều là những người dân địa phương, sống gần khu vực đất tranh chấp.

[2.7] Theo hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Lâm Văn B thể hiện UBND xã Tân V đã thực hiện thông báo về việc công khai hồ sơ đăng ký đất đai ngày 01/02/1998 (bút lục 30) ông B làm thủ tục kê khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trước thời điểm này, từ năm 1996 các anh chị em trong gia đình phát sinh tranh chấp đất và được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã T (nay là phường T) theo Biên bản hòa giải ngày 23/8/1996 các anh em đã thỏa thuận phân chia phần đất tại T. Từ thời điểm năm 1996 đến khi nguyên đơn khởi kiện tranh chấp phần đất này vào năm 2017 thì nguyên đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không ai quản lý, sử dụng canh tác đối với phần đất này. Tại Văn bản số 906/UBND-NC ngày 22/3/2018 của UBND thị xã T xác định: Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số vào sổ 00059 QSDĐ/TU ngày 20/01/1999 và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số vào sổ 01827 QSDĐ/TU ngày 21/3/2001 cấp cho hộ ông Lâm Văn B là đúng trình tự thủ tục quy định tại Phần II Thông tư số 346/1998-TT-TCĐC ngày 26/3/1998 của Tổng cục địa chính hướng dẫn thủ tục đăng ký đất đai, lập hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

[2.8] Như vậy, do cụ Q, cụ B2 chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 1987, không có một trong những giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 Luật Đất đai năm 2003, căn cứ vào Mục 1, Phần II, Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn việc áp dụng pháp luật trong các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình thì cụ B2, cụ Q không có một trong các giấy tờ về đất đai nêu trên và không có tài sản là công trình kiến trúc hay cây trồng gì trên đất, nên kể từ ngày 01/7/2004, quyền sử dụng đất tranh chấp không phải di sản, không phụ thuộc vào thời điểm mở thừa kế.

[2.9] Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp phúc thẩm đã thu thập hồ sơ vụ án thụ lý số 341/2009/TLPT-DS ngày 02/11/2009 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương về việc tranh chấp quyền sử dụng đất giữa ông Lâm Văn B và bà Lâm Thị S. Hồ sơ vụ án thể hiện năm 2003, bà B1 ông Nguyễn Văn B3 (chồng bà B1) đăng ký quyền sử dụng đất diện tích 3.979m2 thuộc các thửa 499, 501, 515, 516, 517, 526, tờ bản đồ số 48 tọa lạc tại ấp 2, xã Khánh B. Năm 2006, bà S, ông Lê Văn Sáu Nh (chồng bà S) đăng ký sử dụng phần diện tích đất 1.258m2 thuộc thửa số 203, tờ bản đồ số 04 tọa lạc tại ấp Lợi Lộc, thị trấn T. Tại Biên bản làm việc về việc hòa giải tranh chấp tài sản chung (bút lục số 30) bà S khai nhận: “Qua đơn kiện của ông Lâm Văn B là tôi có ý kiến như sau: Anh em tôi tổng số 08 người đã được chia đều ai đã có phần nấy”. Cũng tại biên bản này bà B1 xác định “Anh em được cha mẹ chia phần ai cũng có phần riêng”. Lời trình bày của bà B1 và bà S phù hợp với lời trình bày của ông B về việc các anh chị em trong gia đình đều đã được cha mẹ cho phần riêng. Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 360/2009/DS-PT ngày 24/12/2009, trong vụ án ông B khởi kiện tranh chấp quyền sử dụng đất với bà S nêu trên thì Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương đã bác kháng cáo của ông B, công nhận quyền sử dụng đất cho bà S, bà B1. Phần nhận định của bản án phúc thẩm đã đánh giá diện tích đất tranh chấp do bà Lâm Thị S, bà Lâm Thị B1 quản lý, sử dụng tuy có nguồn gốc được cha mẹ để lại có chia theo di chúc nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 1987, theo mục 1 phần II Nghị quyết 02/2004 thì đất này không được xem là di sản thừa kế của cụ Q, cụ B2 để lại. Bản án 360/2009/DS-PT ngày 24/12/2009 đã có hiệu lực pháp luật, các con của cụ Q, cụ B2 không có khiếu nại, kiến nghị gì đối với bản án này. Như vậy, các phần đất do cha mẹ để lại đã được phân chia cho các con trên thực tế và các con đã đăng ký kê khai sử dụng và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong đó có phần đất đang tranh chấp. Cụ Q và cụ B2 không có các giấy tờ hợp pháp về đăng ký kê khai sử dụng đất nên đất tranh chấp không còn là di sản, ông Lâm Văn B cùng trực tiếp quản lý sử dụng đất khi cụ B2 còn sống, đến sau khi cụ B2 chết ông B là người đăng ký kê khai theo đúng trình tự, tại thời điểm kê khai không ai tranh chấp nên việc UBND huyện (nay là thị xã) T cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình ông B là phù hợp quy định của pháp luật về đất đai.

[2.10] Về vị trí đất tranh chấp: Theo di chúc được chứng thực số 129/CTTP ngày 28/11/1990 thì phần đất được cụ B2 định đoạt là loại đất ruộng tọa lạc tại Tân V, huyện T, tỉnh Sông Bé có phía Nam giáp Suối. Căn cứ hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1999 cho ông Lâm Văn B và vị trí, hiện trạng đất tranh chấp hiện nay thì hướng Nam của phần đất tranh chấp giáp Suối. Các đương sự trong vụ án cũng thống nhất xác định di chúc được chứng thực số 129 ngày 28/11/1990 cụ B2 để lại là phần đất đang tranh chấp, nên đây là tình tiết sự kiện không cần phải chứng minh như đã nêu tại mục [2.4]. Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng vị trí các hướng Đông, Tây, Bắc là giáp những người đang quản lý hiện tại khác so với di chúc và diện tích có sự chênh lệch để cho rằng phần đất theo di chúc không phải là phần đất đang tranh chấp là chưa phù hợp thực tế khách quan. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên thì cụ Q, cụ B2 không có bất kỳ giấy tờ gì về quyền sử dụng phần đất tranh chấp, cũng như không kê khai đăng ký phần đất này. Theo Tờ Di chúc chứng thực số 129/CTTP ngày 28/11/1990 thể hiện năm 1970, cụ Đ là người đứng tên đăng bộ phần đất này, cụ Q chết năm 1965 thời điểm này cụ Đ vẫn đang là người quản lý đất, mà không phải là cụ Q. Thực tế, chính bà S và bà B1 cũng thừa nhận đất đai đã được phân chia trên thực tế, ai có phần nấy và mặc dù cụ B2 chưa được Nhà nước thừa nhận là người sử dụng đất hợp pháp (cụ thể chưa được cấp giấy chứng nhận) nhưng về ý chí của cụ B2 khi còn sống cũng mong muốn để lại phần đất này cho ông B. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc hủy di chúc để chia thừa kế theo pháp luật là phù hợp.

[2.11] Tại cấp sơ thẩm và phúc thẩm, ông B cho rằng con của cụ Q, cụ B2 ngoài 11 người như nguyên đơn trình bày thì cụ B2 còn 01 người con riêng là bà Th1 (chết trước giải phóng), bà Th1 có 04 người con tên H1, C, Ng, Ng1 nhưng ông B không biết hiện nay những người này đang ở đâu. Còn ông Q thì có 01 người con riêng tên T chết trước giải phóng, chưa có vợ con. Tại cấp phúc thẩm, theo yêu cầu của bị đơn, Tòa án đã lấy lời khai của người làm chứng là cụ Trần Thị L2 là chị em bà con chú bác ruột với cụ B2. Cụ L2 xác định cụ B2 có một người con riêng tên Th1 (đã chết), không biết ở đâu. Như vậy, lời trình bày của cụ L2 thống nhất với ông B và nguyên đơn cũng thừa nhận. Do đó có cơ sở xác định ngoài những người con chung với cụ Q thì cụ B2 còn có một người con riêng là bà Thảo (đã chết). Tuy nhiên, quá trình tố tụng tại cấp sơ thẩm, nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không cung cấp được họ tên, địa chỉ của những người này. Nguyên đơn kháng cáo cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm không đưa những người con của bà Th1 vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là vi phạm thủ tục tố tụng. Xét thấy, trong suốt quá trình tố tụng các đương sự không cung cấp được chính xác họ, tên, năm sinh, địa chỉ của các con bà Th1 nên Tòa án cấp sơ thẩm không thể triệu tập được những người này tham gia tố tụng. Mặt khác về nội dung Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn nên việc có đưa hay không đưa các con của bà Thảo vào tham gia tố tụng không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của họ. Nguyên đơn yêu cầu hủy bản án sơ thẩm để đưa họ tham gia tố tụng cũng không làm thay đổi bản chất nội dung vụ án do đó không cần thiết phải hủy bản án sơ thẩm theo yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn.

[3] Nguyên đơn kháng cáo nhưng không cung cấp được chứng cứ gì mới chứng minh cho yêu cầu kháng cáo của mình là có căn cứ và cần thiết, nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn.

[4] Ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương đề nghị hội đồng xét xử giữ nguyên bản án sơ thẩm là phù hợp.

[5] Về chi phí định giá tại cấp phúc thẩm: Bà S phải chịu số tiền 1.950.000 đồng. Bà S đã nộp xong.

[6] Án phí dân sự phúc thẩm: Người kháng cáo là người cao tuổi nên thuộc trường hợp được miễn nộp án phí.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ khoản 1 Điều 148, khoản 1 Điều 308, Điều 313 Bộ luật Tố tụng dân sự;

- Căn cứ Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án,

1. Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn bà Lâm Thị S

2. Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 52/2020/DS-ST ngày 28 tháng 8 năm 2020 của Tòa án nhân dân thị xã T, tỉnh Bình Dương.

3. Về chi phí tố tụng tại cấp phúc thẩm: Nguyên đơn bà Lâm Thị S phải chịu số tiền 1.950.000 đồng, đã nộp xong.

4. Về án phí dân sự phúc thẩm: Nguyên đơn bà Lâm Thị S được miễn nộp.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (24/01/2022)./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

282
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản số 29/2022/DS-PT

Số hiệu:29/2022/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Dương
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 24/01/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về