Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản số 20/2022/DS-ST

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN LÂM THAO, TỈNH PHÚ THỌ

BẢN ÁN 20/2022/DS-ST NGÀY 27/07/2022 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN

Ngày 27/7/2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ xét xử sơ thẩm công khai theo thủ tục thông thường vụ án thụ lý số: 64/2021/TLST-DS ngày 02 tháng 6 năm 2021 (Giải quyết tiếp ngày 08/12/2021) về việc “Tranh chấp về thừa kế tài sản” theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 14/2022/QĐST - DS ngày 08 tháng 6 năm 2022; Quyết định hoãn phiên tòa số 22/2022/QĐST-DS ngày 24 tháng 6 năm 2022; thông báo về việc mở lại phiên tòa số 15/2022/TB-TA ngày 11/7/2022; quyết định hoãn phiên tòa số 24/2022/QĐST-DS ngày 22/7/2022 giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Anh Nguyễn Đình H, sinh năm 1977; địa chỉ: Khu 7, xã T, huyện L, tỉnh Phú Thọ, có mặt.

Bị đơn: Bà Nguyễn Thị T, sinh năm 1954; địa chỉ: Khu 7, xã T, huyện L, tỉnh Phú Thọ, có mặt.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Chị Trần Thị Yến D, sinh năm 1962; địa chỉ: Khu N, xã C, huyện Đ, tỉnh Phú Thọ.

Người đại diện theo ủy quyền của chị Trần Thị Yến D: Anh Nguyễn Đình H, sinh năm 1977; địa chỉ tại: Khu 7, xã T, huyện L, tỉnh Phú Thọ, có mặt.

(Văn bản ủy quyền ngày 07/6/2021) 2. Cháu Nguyễn Đình M; sinh năm 1990; địa chỉ: Khu N, xã C, huyện Đ, tỉnh Phú Thọ.

Người đại diện theo ủy quyền của cháu Nguyễn Đình M: Anh Nguyễn Đình H, sinh năm 1977; địa chỉ tại: Khu 7, xã T, huyện L, tỉnh Phú Thọ, có mặt.

(Văn bản ủy quyền ngày 28/6/2021) 3. Chị Nguyễn Thị H, sinh năm 1972; địa chỉ: Khu 5, xã T, huyện L, tỉnh Phú Thọ.

Người đại diện theo ủy quyền của chị Nguyễn Thị H: Anh Nguyễn Đình H, sinh năm 1977; địa chỉ tại: Khu 7, xã T, huyện L, tỉnh Phú Thọ, có mặt.

(Văn bản ủy quyền ngày 22/6/2021) 4. Bà Nguyễn Thị X, sinh năm 1937; địa chỉ: Khu 7, xã T, huyện L, tỉnh Phú Thọ, vắng mặt.

5. Chị Nguyễn Thị L, sinh năm 1970; địa chỉ: Khu 13, xã Hư, huyện T, tỉnh Phú Thọ, có đơn xin xét xử vắng mặt.

6. Anh Nguyễn Đình Đ, sinh năm 1975; địa chỉ: Khu 5, xã T, huyện L, tỉnh Phú Thọ, có mặt.

7. Chị Nguyễn Thị T, sinh năm 1980; địa chỉ: Khu 7, xã T, huyện L, tỉnh Phú Thọ, có mặt;

8. Chị Nguyễn Thị C, sinh năm 1983; địa chỉ: Thôn H, xã T, huyện T, tỉnh Thanh Hóa, có đơn xin xét xử vắng mặt;

9. Anh Nguyễn Đình H, sinh năm 1985; địa chỉ: Trường Trung cấp kỹ thuật T, đại đội 13, xã H, huyện B, tỉnh Vĩnh Phúc, có đơn xin xét xử vắng mặt.

10. Anh Nguyễn Đình T, sinh năm 1990; địa chỉ: Khu 7, xã T, huyện L, tỉnh Phú Thọ, có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa hôm nay, phía nguyên đơn là anh Nguyễn Đình H trình bày:

Bố anh là ông Nguyễn Đình Đ kết hôn với mẹ anh là Nguyễn Thị X năm 1962 và sinh được 05 người con là:

1. Nguyễn Đình M, sinh năm 1968 (đã chết) có vợ là Trần Thị Yến D, sinh năm 1962 và cháu Nguyễn Đình M, sinh năm 1990. Ngoài ra, anh M không có người con nuôi, con riêng nào khác.

2. Nguyễn Thị L, sinh năm 1970;

3. Nguyễn Thị H, sinh năm 1972;

4. Nguyễn Đình Đ, sinh năm 1975;

5. Và anh là Nguyễn Đình H, sinh năm 1977.

Khi bố mẹ anh ly hôn, bố anh sống chung cùng bà Nguyễn Thị T và có 04 người con chung với bà T là:

1. Nguyễn Thị T, sinh năm 1980;

2. Nguyễn Thị C, sinh năm 1983;

3. Nguyễn Đình H, sinh năm 1985 4. Nguyễn Đình T, sinh năm 1990.

Ngoài 9 người con trên, bố anh không có con riêng, con nuôi nào khác.

Năm 2006, bố anh chết (Không để lại di chúc). Ông bà cụ sinh ra bố anh đều đã chết trước bố anh.

Trước khi chết bố anh có để lại quyền sử dụng đất là 582m2 đất, thửa đất số 665, tờ bản đồ số 19, địa chỉ thửa đất tại khu 7, xã T, huyện L, tỉnh Phú Thọ (Trong đó có 200m2 đất ở, 382m2 đất vườn). Thửa đất này được thể hiện trong bản đồ 299, sổ đăng ký ruộng đất, sổ mục kê, tại bản đồ mới hiện nay nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tài sản trên đất gồm: 01 ngôi nhà cấp 4; 01 nhà bếp; 01 nhà tắm và 01 nhà vệ sinh và một số cây trồng.

Nguồn gốc thửa đất nói trên của ông bà nội anh để lại cho bố anh. Trong thời kỳ hôn nhân giữa bố mẹ anh, bố mẹ anh sống trên thửa đất này. Năm 1978, bố mẹ anh ly hôn, tự phân chia tài sản mỗi người một phần thửa đất đó. Sau khi bố mẹ anh ly hôn, bà T về chung sống với bố anh không đăng ký kết hôn và sinh sống cùng bố anh trên phần đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nói trên.

Đến năm 1986, bố anh tách thửa đất chung nói trên làm hai theo thỏa thuận giữa bố mẹ anh thì mỗi người một nửa, nhưng quá trình sử dụng mẹ anh là bà X chỉ nhận phần đất thực tế bà sử dụng là 216 m2. Phần đất của mẹ anh là bà Nguyễn Thị X đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2006. Đến năm 2015, mẹ anh đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất đó cho anh. Phần đất của bố anh thì bố anh và bà T cùng các con bà T sử dụng. Trong quá trình sử dụng phần đất của bố anh và bà T đã tăng lên là do khoảng tháng 3/1990 gia đình ông Hoàng Thạch H và bà Nguyễn Thị C có giao trả lại cho bố anh 3 đến 4 thước đất. Theo sổ mục kê tại xã T hiện nay có diện tích là 582m2 đất. Theo thực tế đo vẽ là 572 m2 đất.

Năm 2006, bố anh chết không để lại di chúc để định đoạt quyền sử dụng đất này. Sau khi bố anh chết, gia đình anh cũng đã hòa giải để tự phân chia quyền sử dụng đất của bố anh để lại nhưng không thành. Vì vậy, anh đề nghị Tòa án nhân huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ chia di sản thừa kế là bố anh để lại có diện tích đo đạc thực tế hiện nay là 572m2 đất (Trong đó có 200m2 đất ở và 372m2 đất vườn) nói trên theo quy định của pháp luật. Anh có nguyện vọng phần thừa kế của anh, anh xin nhận bằng hiện vật. Đối với phần tài sản trên đất anh không đề nghị Tòa án giải quyết mà phần tài sản công trình kiến trúc trên đất và cây cối lâm lộc thuộc phần đất của ai được chia thừa kế thì người đó được hưởng.

Phía bị đơn là bà Nguyn Thị T trình bày:

Bà và ông Nguyễn Đình Đ có đăng ký kết hôn với nhau vào năm 1979 tại UBND xã T, huyện L, tỉnh Phú Thọ. Tuy nhiên, hiện nay giấy chứng nhận kết hôn của ông, bà đã bị mất. Trước khi kết hôn với bà thì ông Đ đã có vợ là bà Nguyễn Thị X (Ông Đ và bà X đã ly hôn với nhau). Ông Đ và bà X có chung với nhau 05 người con là:

1. Nguyễn Đình M, sinh năm 1968 (đã chết) có vợ là Trần Thị Yến D, sinh năm 1962 và con là cháu Nguyễn Đình M;

2. Nguyễn Thị L;

3. Nguyễn Thị H;

4. Nguyễn Đình Đ;

5. Nguyễn Đình H.

Khi kết hôn với nhau, bà và ông Đ đã có với nhau bốn người con chung là Nguyễn Thị T, Nguyễn Thị C, Nguyễn Đình H, Nguyễn Đình T.

Sau khi kết hôn, bà và ông Đ về chung sống với nhau tại thửa đất có tổng diện tích khoảng 620m2 đất (Bà X, chị L, anh H ở một phần diện tích là 200m2 đất, bà với ông Đ cùng với anh Đ, anh M, chị H và những người con của bà trên phần diện tích hơn 400m2 đất). Nguồn gốc thửa đất nói trên do bố mẹ ông Nguyễn Đình Đ để lại. Khi bà về chung sống cùng ông Đ, trên thửa đất đó chỉ có 02 gian nhà lợp dạ. Quá trình chung sống ông, bà có xây dựng được căn nhà 05 gian nhà ở và 02 gian nhà bếp và 01 bức tường rào bao quanh phía sau. Năm 2006, sau khi ông Đ chết bà với anh T có xây dựng thêm buồng tắm và một số công trình phụ trợ, và bờ rào phía trước nhà. Trong thời gian chung sống diện tích đất khoảng trên 500m2 đất là do ông, bà có khai hoang, san lấp và do ông bà Cam, H đã giao trả khoảng hơn 1 thước đất cho ông Đ (không biết ông bà Cam H lấn chiếm từ bao giờ), nên diện tích đất có tăng lên như hiện nay.

Năm 2006, ông Đ chết không để lại di chúc đối với quyền sử dụng đất này. Năm 2015, bà có làm đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích nói trên nhưng anh H không đồng ý nên bà không làm được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đến nay anh H đề nghị Tòa án giải quyết chia thừa kế đối với quyền sử dụng đất ông Đ diện tích đo đạc thực tế là 572m2 đất (Đất ở là 200m2; đất vườn là 372m2) để lại. Bà nhất trí và đề nghị Tòa án giải quyết chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật. Đối với phần công trình kiến trúc trên đất và cây cối lâm lộc trên đất thì thuộc phần đất của ai được chia thừa kế thì người đó được hưởng.

Phía người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Chị Nguyễn Thị H, chị Trần Thị Yến D, cháu Nguyễn Đình M (Đại diện theo ủy quyền là anh Nguyễn Đình H); chị Nguyễn Thị L, anh Nguyễn Đình Đ thống nhất với lời trình bày của nguyên đơn là anh Nguyễn Đình H. Nay chị H, chị D, cháu M, anh Đ, chị L đề nghị Tòa án nhân dân huyện Lâm Thao chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất diện tích đo đạc thực tế là 572m2 đất (Đất ở là 200m2; đất vườn là 372m2) của ông Đ để lại theo quy định của pháp luật. Đối với phần công trình kiến trúc trên đất và cây cối lâm lộc trên đất thì thuộc phần đất của ai được chia thừa kế thì người đó được hưởng.

Phía người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Bà Nguyễn Thị X thống nhất với lời trình bày của anh Nguyễn Đình H. Bà xác định đối với phần tài sản bà được thừa kế T anh Nguyễn Đình M bà sẽ để lại cho cháu bà là Nguyễn Đình M.

Phía người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan chị Nguyễn Thị T thống nhất với lời trình bày của bà Nguyễn Thị T. Nay anh H đề nghị Tòa án chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất đo đạc thực tế hiện nay là 572 m2 đất (Đất ở là 200m2; đất vườn là 372m2) nói trên chị đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. Đối với phần công trình kiến trúc trên đất và cây cối lâm lộc trên đất thì thuộc phần đất của ai được chia thừa kế thì người đó được hưởng. Phần di sản thừa kế của chị được hưởng chị xin để lại cho mẹ chị là bà Nguyễn Thị T.

Phía người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan chị Nguyễn Thị c thống nhất với lời trình bày của bà Nguyễn Thị T. Nay anh H đề nghị Tòa án chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất với diện tích đo đạc thực tế là 572m2 đất (trong đó có 200m2 đất ở và 372m2 đất vườn), chị đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. Đối với phần công trình kiến trúc trên đất và cây cối lâm lộc trên đất thì thuộc phần đất của ai được chia thừa kế thì người đó được hưởng. Phần di sản thừa kế của chị được hưởng chị xin để lại cho mẹ chị là bà Nguyễn Thị T.

Phía người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan anh Nguyễn Đình H và anh Nguyễn Đình T thống nhất với lời trình bày của bà Nguyễn Thị T. Nay anh H đề nghị Tòa án chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất đo đạc thực tế là 572m2 đất (Trong đó có 200m2 đất ở; 372m2 đất vườn) anh H và anh T đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. Đối với phần công trình kiến trúc trên đất và cây cối lâm lộc trên đất thì thuộc phần đất của ai được chia thừa kế thì người đó được hưởng. Phần di sản thừa kế của anh H, anh T được hưởng anh H và anh T xin để lại cho bà Nguyễn Thị T.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử và các đương sự từ khi thụ lý vụ án cho đến trước khi Hội đồng xét xử nghị án đã được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Quan điểm của Viện kiểm sát về nội dung vụ án:

Áp dụng: Điều 609, Điều 610; Điều 611; Điều 612; Điều 613; Điều 614; Điều 618; khoản 1 Điều 623; Điều 649; điểm a khoản 1 Điều 650, điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 651, khoản 2 Điều 660; Điều 357; Điều 468 của Bộ luật dân sự; khoản 1, Điều 131 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014; Điều 15 Luật hôn nhân và gia đình năm 1959; Điều 100 Luật đất đai; Điều 18 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ; Khoản 2 Điều 147; khoản 2 Điều 157, khoản 2 Điều 165; điểm đ khoản 1 Điều 12; khoản 7 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH khóa 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của anh Nguyễn Đình H.

Chia di sản thừa kế của ông Nguyễn Đình Đ để lại theo pháp luật là 1/2 quyền sử dụng đất thửa đất số 665, tờ bản đồ số 19, có diện tích là 286m2 đất (Trong đó có 100m2 đất ở và 186m2 đất vườn) địa chỉ thửa đất tại tại khu 7, xã T, huyện L, tỉnh Phú Thọ, - Giao cho bà Nguyễn Thị T được sử dụng 442m2 đất (trong đó đất ở là 154,54 m2, đất vườn là 287,46 m2) của thửa đất số 665, tờ bản đồ số 19, tại địa chỉ thửa đất khu 7, xã T, huyện L, tỉnh Phú Thọ và sở hữu các tài sản trên đất.

- Giao cho anh Nguyễn Đình H được sử dụng 130m2 đất (trong đó đất ở là 45,45 m2, đất vườn là 84,55 m2) của thửa đất số 665, tờ bản đồ số 19 tại địa chỉ thửa đất khu 7, xã T, huyện L, tỉnh Phú Thọ và sở hữu các tài sản trên đất.

Anh Nguyễn Đình H có nghĩa vụ thanh toán chênh lệch về tài sản cho anh Nguyễn Đình Đ, chị Nguyễn Thị H, chị Nguyễn Thị L mỗi người số tiền là 38.472.000d (Ba mươi tám triệu bốn trăm bảy mươi hai nghìn đồng).

Anh Nguyễn Đình H có nghĩa vụ thanh toán cho cháu Nguyễn Đình M số tiền là 25.646.400đ (Hai mươi lăm triệu sáu trăm bốn mươi sáu nghìn bốn trăm đồng); chị Trần Thị Yến D số tiền là 12.823.200đ (Mười hai triệu tám trăm hai mươi ba nghìn hai trăm đồng).

- Về chi phí tố tụng: Theo quyết toán chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản hết 4.000.000 và thuê đo vẽ hết 4.773.146đ. Tổng chi phí hết 8.773.146đ, làm tròn thành 8.773.000đ, số tiền này anh Nguyễn Đình H đã nộp tạm ứng.

Theo quy định của pháp luật mỗi người phải chịu phần chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản tương ứng với phần mình được hưởng. Tuy nhiên, tại phiên toà, anh H tự nguyện chịu phần chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản cho bà X, anh không yêu cầu bà X phải trả cho anh số tiền chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản.

Đối với anh Nguyễn Đình H, chị Nguyễn Thị H, chị Nguyễn Thị L, anh Nguyễn Đình Đ, anh Nguyễn Đình H, anh Nguyễn Đình T, chị Nguyễn Thị C, chị Nguyễn Thị T, mỗi người chịu là: 797.500đ (Bảy trăm chín mươi bảy nghìn năm trăm đồng); cháu Nguyễn Đình M chịu 265.800đ (Hai trăm sáu mươi lăm nghìn tám trăm đồng); chị D chịu 265.800đ (Hai trăm sáu mươi lăm nghìn tám trăm đồng); bà Nguyễn Thị T phải chịu 1.595.000đ (Một triệu năm trăm chín mươi lăm nghìn đồng).

Do vậy, cần buộc chị H, chị L, anh Đ, anh H, anh T, chị c, chị T mỗi người phải trả anh H số tiền chi phí thẩm định tại chỗ và định giá tài sản mà anh H đã nộp tạm ứng là: 797.500đ (Bảy trăm chín mươi bảy nghìn năm trăm đồng); buộc bà T phải trả anh H số tiền là 1.595.000đ (Một triệu năm trăm chín mươi lăm nghìn đồng); buộc cháu M phải trả cho anh H số tiền là 265.800đ (Hai trăm sáu mươi lăm nghìn tám trăm đồng); buộc chị D phải trả cho anh H số tiền là 265.800đ (Hai trăm sáu mươi lăm nghìn tám trăm đồng).

- Về án phí: Anh Nguyễn Đình H, anh Nguyễn Đình Đ, chị Nguyễn Thị L, chị Nguyễn Thị H mỗi người phải chịu 1.923.600 (Một triệu chín trăm hai mươi ba nghìn sáu trăm đồng) tiền án phí chia tài sản.

Phần di sản thừa kế của anh Nguyễn Đình H, anh Nguyễn Đình T, chị Nguyễn Thị T và chị Nguyễn Thị C cho bà T, nên bà T phải chịu án phí chia tài sản tương ứng với các phần di sản được nhận từ anh H, anh T, chị T, chị C là 7.694.400đ (Bảy triệu sáu trăm chín mươi tư nghìn bốn trăm đồng).

Đối với phần di sản được hưởng của bà T, miễn án phí cho bà T vì bà là người cao tuổi.

Chị Trần Thị Yến D phải chịu 641.000 đ (Sáu trăm bốn mươi mốt nghìn đồng) tiền án phí chia tài sản.

Cháu Nguyễn Đình M được nhận phần di sản thừa kế của bà X cho, nên phải chịu 1.282.000đ (Một triệu hai trăm tám mươi hai nghìn đồng) tiền án phí chia tài sản.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được xem xét công khai tại phiên tòa. Tòa án nhận định:

[1] Về tố tụng:

Về quan hệ pháp luật và thẩm quyền giải quyết: Đây là vụ án “Tranh chấp về chia di sản thừa kế” giữa nguyên đơn là anh Nguyễn Đình H và bị đơn là bà Nguyễn Thị T đều trú tại khu 7, xã T, huyện L, tỉnh Phú Thọ. Tài sản tranh chấp là bất động sản ở khu 7, xã T, huyện L, tỉnh Phú Thọ nên căn cứ vào khoản 5 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; Điều 39 của Bộ luật tố tụng dân sự đây là quan hệ pháp luật tranh chấp dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Lâm Thao.

- Về thủ tục tố tụng: Bà Nguyễn Thị X đã được triệu tập hợp lệ nhưng vẫn vắng mặt tại phiên tòa lần thứ hai; chị Nguyễn Thị C, anh Nguyễn Đình H, chị Nguyễn Thị L đã được Tòa án triệu tập hợp lệ và có đơn xin xét xử vắng mặt, nên căn cứ vào Điều 227, Điều 228 của Bộ luật tố tụng dân sự Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt chị C, chị L, bà X và anh H là phù hợp.

[2]. Về nội dung: Xét yêu cầu khởi kiện, phạm vi khởi kiện của nguyên đơn trên cơ sở căn cứ vào bản tự khai của các đương sự, căn cứ các tài liệu, chứng cứ do các đương sự cung cấp, tài liệu chứng cứ do Tòa án thu thập được. Hội đồng xét xử xét thấy:

[2.1] Về di sản thừa kế: Theo các tài liệu thu thập, cũng như lời khai của các đương sự tại phiên tòa xác định: Ông Nguyễn Đình Đ là chủ sử dụng thửa đất có diện tích 582m2 đất. Thực tế đo đạc là 572m2 (trong đó có 200m2 đất ở và 372m2 đất vườn) tại khu 7, xã T, huyện L, tỉnh Phú Thọ, đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các đồng thừa kế đều chấp nhận kết quả đo đạc này. Nguồn gốc thửa đất này là do bố mẹ của ông Đ để lại cho ông Đ. Qua xác minh tại địa phương thì diện tích đất này được thể hiện trong sổ đăng ký ruộng đất (tức sổ mục kê đất) năm 1988 và năm 2000 của UBND xã Tứ Xã, qua đối chiếu giữa hai sổ mục kê thì diện tích đất trên có sự biến động tăng thêm là do có sự sai số trong quá trình đo đạc, hồ sơ lưu trữ tại địa phương không thể hiện sự khai hoang hay việc trả đất như các đương sự trình bày, nhưng quyền sử dụng đất đó vẫn thuộc quyền sử dụng hợp pháp của ông Đ, bà X, diện tích đất sử dụng ổn định, không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất. Xác minh các hộ giáp ranh với thửa đất của ông Đ gồm: hộ bà Bùi Thị S, hộ ông Hoàng Thạch S, bà Nguyễn Thị X, hộ ông Bùi Văn L, ông Nguyễn Đình H: các hộ giáp ranh đều trình bày có ranh giới cụ thể, rõ ràng với hộ ông Đ, các hộ đã sống ổn định từ năm 1995, 2000 đến nay không có tranh chấp gì với thửa đất của ông Đ. Như vậy, có thể khẳng định diện tích đất nói trên của ông Nguyễn Đình Đ đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 100 Luật đất đai 2013 và và Điều 18 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai.

Trước khi kết hôn với bà Nguyễn Thị T ông Nguyễn Đình Đ có vợ là bà Nguyễn Thị X. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị X và các bên đương sự đều trình bày bà Nguyễn Thị X đã ly hôn với ông Nguyễn Đình Đ. Năm 1979, bà Nguyễn Thị T và ông Nguyễn Đình Đ về chung sống với nhau. Bà T cho rằng có đăng ký kết hôn với ông Đ vào năm 1979 tại UBND xã T, huyện L, tỉnh Phú Thọ nhưng hiện nay giấy chứng nhận kết hôn của ông, bà đã bị mất. Theo xác nhận của chính quyền địa phương thì hiện nay không còn lưu trữ được sổ sách năm 1979, 1980 nên không có thông tin về việc kết hôn giữa ông Nguyễn Đình Đ và bà Nguyễn Thị T nhưng việc ông Nguyễn Đình Đ và bà Nguyễn Thị T có chung sống với nhau từ tháng 10/1979 đến khi ông Đ chết năm 2006 và sinh được 4 người con là có thật. Như vậy, mặc dù không còn có tài liệu chứng cứ nào chứng minh việc bà Nguyễn Thị T và ông Nguyễn Đình Đ có đăng ký kết hôn nhưng việc chung sống với nhau giữa ông Đ và bà T là có thật, cần xác định cuộc hôn nhân giữa ông Nguyễn Đình Đ và bà Nguyễn Thị X là hôn nhân thực tế. Đối với trường H này theo quy định tại mục 1 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 03/01/2001 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ tư pháp “Thì quan hệ vợ chồng của họ vẫn được công nhận kể từ ngày xác lập (ngày họ bắt đầu chung sống như vợ chồng) chứ không phải là ngày họ đăng ký kết hôn”. Do vậy, cuộc hôn nhân của ông Nguyễn Đình Đ và bà Nguyễn Thị T đã phát sinh từ thời điểm bà T và ông Đ chung sống với nhau vào năm 1979. Theo quy định tại khoản 1 Điều 131 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì “Quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập trước ngày Luật này có hiệu lực thì áp dụng pháp luật về hôn nhân và gia đình tại thời điểm xác lập để giải quyết”. Do vậy, tài sản chung của ông Nguyễn Đình Đ và bà Nguyễn Thị T được xác định theo Điều 15 luật Hôn nhân và gia đình năm 1959.

Điều 15 Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 quy định: “Vợ và chồng đều có quyền sở hữu, hưởng thụ và sử dụng ngang nhau đối với tài sản có trước và sau khi cưới”. Vì thế, đối với khối tài sản chung là quyền sử dụng đất 572m2 (Trong đó có 200m2 đất ở và 372m2 đất vườn) và tài sản trên đất tại khu 7, xã T, huyện L, tỉnh Phú Thọ mặc dù nguồn gốc tài sản đó là của bố mẹ ông Nguyễn Đình Đ để lại cho ông Đ nhưng khi quan hệ hôn nhân giữa bà T và ông Đ xác lập thì ông Nguyễn Đình Đ và bà Nguyễn Thị T đều có quyền sở hữu, hưởng thụ và sử dụng ngang nhau đối với khối tài sản này. Do đó, bà Nguyễn Thị T được hưởng 286m2 đất (Trong đó có 100m2 đất ở; 186m2 đất vườn) và ½ tài sản trên đất; phần còn lại 286m2 đất (Trong đó có 100m2 đất ở; 186m2 đất vườn) và ½ tài sản trên đất được xác định là di sản thừa kế mà ông Nguyễn Đình Đ để lại sẽ được chia đều cho những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông Nguyễn Đình Đ.

Đối với các tài sản trên đất các đương sự không đề nghị giải quyết mà thống nhất tài sản trên đất thuộc phần đất của ai được chia di sản thừa kế thì người đó được hưởng là phù hợp.

[2.2]: Về hàng thừa kế:

Ông Nguyễn Đình Đ không có người con nuôi, con riêng nào khác. Bố mẹ ông Đ đã chết T lâu. Ông Nguyễn Đình Đ cũng không có bố, mẹ nuôi, mẹ kế, bố dượng nào khác. Tại thời điểm năm 2006, khi ông Nguyễn Đình Đ chết thì có 09 người con của ông còn sống gồm: Anh Nguyễn Đình M; chị Nguyễn Thị L; chị Nguyễn Thị H; anh Nguyễn Đình Đ; anh Nguyễn Đình H; chị Nguyễn Thị T, Nguyễn Thị C, Nguyễn Đình H, Nguyễn Đình T và vợ ông Đ là bà Nguyễn Thị T nên theo quy định tại Điều 613 và Điều 651 của Bộ luật dân sự, hàng thừa kế thứ nhất của ông Nguyễn Đình Đ là bà Nguyễn Thị T và 09 người con nói trên của ông Nguyễn Đình Đ.

Năm 2007, anh Nguyễn Đình M chết. Anh Nguyễn Đình M có vợ là chị Trần Thị Yến D, con trai là cháu Nguyễn Đình M, mẹ đẻ là bà Nguyễn Thị X. Ngoài ra, anh không nhận mẹ nuôi hay nhận ai là con nuôi, con riêng không có mẹ kế bố dượng nào khác. Do vậy, phần thừa kế anh M được hưởng từ bố anh là ông Nguyễn Đình Đ sẽ chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của anh M được hưởng là bà Nguyễn Thị X (mẹ anh M); chị Trần Thị Yến D (vợ anh M) và cháu Nguyễn Đình M (là con của anh M).

Sau khi ông Nguyễn Đình Đ chết, phần di sản thừa kế do ông Nguyễn Đình Đ để lại do bà Nguyễn Thị T trực tiếp trông coi, quản lý, có nghĩa vụ đóng thuế đối với nhà nước. Quá trình chung sống ông, bà có tạo dựng được căn nhà 05 gian; 02 gian nhà bếp và 01 bức tường rào bao quanh phía sau. Năm 2006, sau khi ông Đ chết bà với anh T có xây dựng thêm buồng tám và một số công trình phụ trợ, và bờ rào phía trước nhà. Đối với tài sản trên đất bà T không đề nghị giải quyết mà có quan điểm tài sản đó thuộc phần đất của ai được chia thừa kế thì người đó được hưởng.

Về công sức quản lý di sản: Ông Đ và bà T cùng nhau sinh sống và quản lý tài sản nói trên. Ông Nguyễn Đình Đ chết đến nay đã 16 năm, bà T là người có công sức đóng góp, trông nom, quản lý di sản nói trên. Vì vậy, cần tính công sức cho bà Nguyễn Thị T bằng một suất thừa kế. Do đó, phần di sản thừa kế của ông Nguyễn Đình Đ chia đều thành 11 phần cho 9 người con của ông Nguyễn Đình Đ và bà T được 2 phần.

Theo kết quả định giá giá trị đất ở là 2.000.000đ (Hai triệu đồng) x 200m2 = 400.000.000d (Bốn trăm triệu đồng). Giá trị đất vườn là 1.200.000đ (Một triệu hai trăm nghìn đồng) x 372 m2 = 446.400.000đ (Bốn trăm bốn mươi sáu triệu bốn trăm nghìn đồng). Tổng giá trị đất đó là 846.400.000d (Tám trăm bốn mươi sáu triệu bốn trăm nghìn đồng). Tài sản trên đất các bên đương sự thống nhất tài sản trên đất thuộc về phần đất của ai được chia thừa kế thì người đó được hưởng.

Phần di sản thừa kế của ông Đ được chia đều thành 11 suất thừa kế, giá trị cụ thể của một suất thừa kế là 286m2: 11 = 26m2 (Trong đó đất ở là 9,09 m2, đất vườn là 16,91 m2), mỗi suất thừa kế có giá trị là 38.472.000đ (Ba mươi tám triệu bốn trăm bảy mươi hai nghìn đồng). Trong đó giá trị đất ở là 9,09m2 đất ở x 2.000. 000đ = 18.180.000đ (Mười tám triệu một trăm tám mươi nghìn đồng); đất vườn là 1.200.000đ x 16,91m = 20.292.000đ (Hai mươi triệu hai trăm chín mươi hai nghìn đồng).

Phần di sản thừa kế của anh Nguyễn Đình H, anh Nguyễn Đình T, chị Nguyễn Thị T, chị Nguyễn Thị C được hưởng đều nhất trí để lại cho bà Nguyễn Thị T. Như vậy, phần diện tích bà Nguyễn Thị T được hưởng 6 suất thừa kế tổng cộng là 26m2 + 26m2 +26m2+26m2+26m2+26m2=156m2 đất (Trong đó có 54,54 m2 đất ở và 101, 46 m2 đất vườn) có trị giá là 230.832.000d (Hai trăm ba mươi hai triệu tám trăm ba mươi hai nghìn đồng). Ngoài ra, cộng với phần tài sản của bà T trong khối tài sản chung là 286m2. Bà T sẽ được hưởng là 286m2 +26m2 + 26m2 +26m2+26m2+26m2+26m2 = 442m2 (trong đó đất ở là 154,54 m2, đất vườn là 287,46 m2).

Ông Nguyễn Đình M (đã chết), phần di sản thừa kế mà anh Nguyễn Đình M để lại là 26m2 đất (Trong đó đất ở là 9,09 m2, đất vườn là 16,91 m2), mỗi suất thừa kế có giá trị là 38.472.000đ (Ba mươi tám triệu bốn trăm bảy mươi hai nghìn đồng). Anh M chết, bà X, chị D, cháu M là người kế thừa quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng và cũng là người được hưởng thừa kế của anh Nguyễn Đình M. Cụ thể mỗi người sẽ được hưởng 8,666m2 đất (Trong đó có 3,03m2 đất ở và 5,636m2 đất vườn).

Bà Nguyễn Thị X có quan điểm là phần di sản của bà được hưởng bà giao lại cho cháu M. Do vậy, cháu M được hưởng 2/3 suất thừa kế là 17,332m2 đất (Trong đó có 6,06m2 đất ở và 11,272m2 đất vườn) có giá trị là 6,06m2 đất ở x 2.000.000đ = 12.120.000đ và 11,272m2 đất vườn x 1.200.000đ = 13.526.400đ (Mười ba triệu năm trăm hai mươi sáu nghìn bốn trăm đồng). Tổng giá trị tài sản cháu M được hưởng là: 25.646.400đ (Hai mươi lăm triệu sáu trăm bốn mươi sáu nghìn bốn trăm đồng).

Chị Trần Thị Yến D được hưởng 1/3 của một suất thừa kế được hưởng là 8,67m2 đất (Trong đó có 3,03m2 đất ở và 5,636m2 đất vườn) có trị giá là 3,03m2 đất ở x 2.000.000đ = 6.060.000đ (Sáu triệu không trăm sáu mươi nghìn đồng) + 1.200.000đ x 5,636m2 = 6.763.200đ (Sáu triệu bảy trăm sáu mươi ba nghìn hai trăm đồng). Tổng cộng chị Trần Thị Yến D được hưởng là 12.823.200đ (Mười hai triệu tám trăm hai mươi ba nghìn hai trăm đồng).

Anh Nguyễn Đình Đ, chị Nguyễn Thị L, chị Nguyễn Thị H, anh Nguyễn Đình H mỗi người được hưởng một suất thừa kế của ông Nguyễn Đình Đ là 26m2 đất (Trong đó đất ở là 9,09 m2, đất vườn là 16,91 m2), mỗi suất thừa kế có giá trị là 38.472.000đ (Ba mươi tám triệu bốn trăm bảy mươi hai nghìn đồng).

Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Quyết định số 12/2014/QĐ-UBND ngày 10/9/2014 của UBND tỉnh Phú Thọ thì “Thửa đất ở chỉ được tách thửa khi diện tích của các thửa đất hình thành sau khi tách từ thửa đất đó không nhỏ hơn 50m2”. Với diện tích đất như trên thì không đủ để chia cho tất cả các đồng thừa kế bằng hiện vật, mà cần chia cho 01 đồng thừa kế, sau đó sẽ thanh toán tiền chênh lệch cho các đồng thừa kế khác. Xét thấy, anh Nguyễn Đình Đồng, chị Nguyễn Thị L, chị Nguyễn Thị H đã xây dựng gia đình và có chỗ ở riêng; chị Nguyễn Thị Yến D cũng có chỗ ở riêng; cháu Nguyễn Đình M sống cùng mẹ là chị D; còn bà Nguyễn Thị X đang ở cùng anh Nguyễn Đình H. Mặt khác, nhà và thửa đất của anh Nguyễn Đình H đang ở giáp ranh với phần đất di sản thừa kế của ông Nguyễn Đình Đ để lại. Do vậy, cần giao cho anh H được quyền sử dụng 130m2 đất trong đó đất ở là 45,45 m2, đất vườn là 84,55m2). Khi anh H có nhu cầu hợp thửa, sẽ đề nghị UBND huyện Lâm Thao hợp thửa với thửa đất vợ chồng anh đang sử dụng.

Anh Nguyễn Đình H có nghĩa vụ thanh toán chênh lệch về tài sản cho anh Nguyễn Đình Đồng, chị Nguyễn Thị H, chị Nguyễn Thị L mỗi người số tiền là 38.472.000đ (Ba mươi tám triệu bốn trăm bảy mươi hai nghìn đồng).

Anh Nguyễn Đình H có nghĩa vụ thanh toán cho cháu Nguyễn Đình M số tiền là 25.646.400đ (Hai mươi lăm triệu sáu trăm bốn mươi sáu nghìn bốn trăm đồng); chị Trần Thị Yến D số tiền là 12.823.200đ (Mười hai triệu tám trăm hai mươi ba nghìn hai trăm đồng).

[7] Về chi phí tố tụng: Quá trình giải quyết vụ án anh Nguyễn Đình H đã nộp tạm ứng cho chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản. Theo quyết toán chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản hết 4.000.000 (Bốn triệu đồng) và thuê đo vẽ hết 4.773.146đ (Bốn triệu bảy trăm bảy mươi ba nghìn một trăm bốn mươi sáu đồng. Tổng chi phí hết 8.773.146đ (Tám triệu bảy trăm bảy mươi ba nghìn đồng) làm tròn thành 8.773.000 đồng, số tiền này anh Nguyễn Đình H là nguyên đơn đã tạm ứng. Theo quy định của pháp luật mỗi người phải chịu phần chi phí tố tụng đó là chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, định giá tài sản tương ứng với phần mình được hưởng nên các đương sự còn lại phải trả lại cho anh Nguyễn Đình H khoản chi phí này tương ứng với phần tài sản của mình được chia. Tuy nhiên, tại phiên tòa anh Nguyễn Đình H có quan điểm tự nguyện chịu phần chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản của bà X và không yêu cầu bà X phải hoàn trả lại cho anh. Vì vậy, theo quy định của pháp luật thì anh Nguyễn Đình H, chị Nguyễn Thị H, chị Nguyễn Thị L, anh Nguyễn Đình Đ, anh Nguyễn Đình H, anh Nguyễn Đình T, chị Nguyễn Thị C, chị Nguyễn Thị T mỗi người chịu là: 797.500đ (Bảy trăm chín mươi bảy nghìn năm trăm đồng); cháu Nguyễn Đình M phải chịu 265.800đ (Hai trăm sáu mươi lăm nghìn tám trăm đồng); chị Trần Thị Yến D phải chịu 265.800đ (Hai trăm sáu mươi lăm nghìn tám trăm đồng; bà Nguyễn Thị T phải chịu 1.595.000đ (Một triệu năm trăm chín mươi lăm nghìn đồng). Anh Nguyễn Đình H đã nộp toàn bộ số tiền trên. Do vậy, cần buộc chị H, chị L, anh Đ; anh H, anh T, chị C, chị T mỗi người phải hoàn trả anh H số tiền chi phí thẩm định tại chỗ và định giá tài sản mà anh H đã nộp tạm ứng là: 797.500đ (Bảy trăm chín mươi bảy nghìn năm trăm đồng); buộc bà T phải hoàn hả anh H số tiền chi phí thẩm định tại chỗ và định giá tài sản mà anh H đã nộp tạm ứng là 1.595.000đ (Một triệu năm trăm chín mươi lăm nghìn đồng); buộc cháu M phải trả cho anh H số tiền là 265.800đ (Hai trăm sáu mươi lăm nghìn tám trăm đồng); buộc chị D phải trả cho anh H số tiền là 265.800đ (Hai trăm sáu mươi lăm nghìn tám trăm đồng).

[8] Về án phí: Các đương sự phải chịu án phí đối với phần tài sản thừa kế được chia. Đối với phần di sản thừa kế bà Nguyễn Thị T được chia do bà Nguyễn Thị T là người cao tuổi nên bà được miễn án phí theo quy định của pháp luật.

Anh Nguyễn Đình H, anh Nguyễn Đình Đ, chị Nguyễn Thị L, chị Nguyễn Thị H mỗi người phải chịu 1.923.600 (một triệu chín trăm hai mươi ba nghìn sáu trăm đồng) tiền án phí chia tài sản.

Đối với phần di sản thừa kế của anh Nguyễn Đình H, anh Nguyễn Đình T, chị Nguyễn Thị T và chị Nguyễn Thị C cho bà T thì bà T phải chịu án phí chia tài sản tương ứng với các phần di sản được nhận từ anh H, anh T, chị T, chị C là 7.694.400đ (Bảy triệu sáu trăm chín mươi tư nghìn bốn trăm đồng).

Cháu Nguyễn Đình M được nhận phần di sản thừa kế của bà X cho, nên cháu M phải chịu 1,282.320đ (làm tròn là 1,282.000đ) tiền án phí chia tài sản.

Chị Trần Thị Yến D phải chịu 641.160 đ (làm tròn là 641.000đ) tiền án phí chia tài sản.

[9] Các đương sự được quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào các Điều: Điều 609, Điều 610; Điều 611; Điều 612; Điều 613; Điều 614; Điều 618; khoản 1 Điều 623; Điều 649; điểm a khoản 1 Điều 650, điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 651, khoản 2 Điều 660; Điều 357; Điều 468 của Bộ luật dân sự; khoản 1, Điều 131 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014; Điều 15 Luật hôn nhân và gia đình năm 1959; Điều 100 Luật đất đai; Điều 18 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ; Khoản 2 Điều 147; khoản 2 Điều 157, khoản 2 Điều 165; Điều 227; Điều 228; Điều 271; Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự; điểm đ khoản 1 Điều 12; khoản 7 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của anh Nguyễn Đình H.

Chia di sản thừa kế của ông Nguyễn Đình Đ để lại theo pháp luật là 1/2 quyền sử dụng đất thửa đất số 665, tờ bản đồ số 19, có diện tích là 286m2 đất (Trong đó có 100m2 đất ở và 186m2 đất vườn) địa chỉ thửa đất tại tại khu 7, xã T, huyện L, tỉnh Phú Thọ, 1.1. Giao cho bà Nguyễn Thị T quyền sử dụng đất là 442m2 đất (đất ở là 154,54 m2, đất vườn là 287,46 m2) và các tài sản trên đất được chia của thửa đất số 665, tờ bản đồ số 19, địa chỉ thửa đất tại khu 7, xã T, huyện L, tỉnh Phú Thọ. (Trong đó bà Nguyễn Thị T được quyền sử dụng 1/2 quyền sử dụng đất thửa đất số 665, tờ bản đồ số 19, có diện tích là 286m2 đất (100m2 đất ở và 186m2 đất vườn), tài sản trên phần đất này cộng với phần di sản thừa kế mà bà T được hưởng và được nhận từ các đồng thừa kế khác là 156m2 đất (54,54 m2 đất ở và 101, 46 m2 đất vườn), theo chỉ giới 1,18,9,10,11,12,13,14,15,16,17,1 (có sơ đồ hiện trạng kèm theo).

1.2. Giao cho anh Nguyễn Đình H quyền sử dụng đất là 130m2 đất (Trong đó có 45,45 m2 đất ở và 84,55 m2 đất vườn) của thửa đất số 665, tờ bản đồ số 19, địa chỉ thửa đất tại khu 7, xã T, huyện L, tỉnh Phú Thọ và các tài sản trên phần đất được chia, theo chỉ giới 1,2,3,4,5,6,7,8,9,18,1 (có sơ đồ hiện trạng kèm theo).

Anh Nguyễn Đình H có nghĩa vụ thanh toán chênh lệch về tài sản cho anh Nguyễn Đình Đ, chị Nguyễn Thị H, chị Nguyễn Thị L mỗi người số tiền là 38.472.000đ (Ba mươi tám triệu bốn trăm bảy mươi hai nghìn đồng).

Anh Nguyễn Đình H có nghĩa vụ thanh toán cho cháu Nguyễn Đình M số tiền là 25.646.400đ (Hai mươi lăm triệu sáu trăm bốn mươi sáu nghìn bốn trăm đồng); chị Trần Thị Yến D số tiền là 12.823.200đ (Mười hai triệu tám trăm hai mươi ba nghìn hai trăm đồng).

2. Về chi phí tố tụng: Buộc anh Nguyễn Đình Đ, chị Nguyễn Thị L, chị Nguyễn Thị H, chị Nguyễn Thị C, chị Nguyễn Thị T, anh Nguyễn Đình H, anh Nguyễn Đình T mỗi người phải trả cho anh Nguyễn Đình H số tiền lệ phí xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản là 797.500đ (Bảy trăm chín mươi bảy nghìn năm trăm đồng); cháu Nguyễn Đình M phải trả cho anh Nguyễn Đình H số tiền lệ phí xem xét, thẩm định tại chỗ, định giá tài sản là 265.800đ (Hai trăm sáu mươi lăm nghìn chúi trăm đồng); chị Trần Thị Yến D phải thanh toán cho anh Nguyễn Đình H số tiền 265.800đ (Hai trăm sáu mươi lăm nghìn chín trăm đồng); bà Nguyễn Thị T phải trả lại cho anh Nguyễn Đình H số tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản là 1.595.000đ (Một triệu năm trăm chín mươi lăm nghìn đồng).

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người có quyền yêu cầu thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu người phải thi hành án không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ nói trên thì phải chịu thêm lãi suất theo quy định Điều 357 và Điều 468 của Bộ luật dân sự trên s tiền chậm thi hành, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

3. Về án phí: Miễn án phí dân sự sơ thẩm cho bà Nguyễn Thị T.

Anh Nguyễn Đình H, anh Nguyễn Đình Đ, chị Nguyễn Thị L, chị Nguyễn Thị H mỗi người phải chịu 1.923.600 (Một triệu chín hăm hai mươi ba nghìn sáu trăm đồng).

- Bà Nguyễn Thị T phải chịu 7.694.400đ (Bảy triệu sáu trăm chín mươi tư nghìn bốn trăm đồng).

- Cháu Nguyễn Đình M phải chịu 1,282.000đ (Một triệu hai trăm tám mươi hai nghìn đồng) - Chị Trần Thị Yến D phải chịu 641.000 (Sáu trăm bốn mươi mốt nghìn đồng) tiền án phí chia tài sản.

Đương sự có mặt có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm, đương sự vắng mặt có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết để đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ xét xử phúc thẩm.

Trường hợp Bản án này được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

94
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản số 20/2022/DS-ST

Số hiệu:20/2022/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Lâm Thao - Phú Thọ
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 27/07/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về