Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản số 05/2022/DS-ST

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN H, TỈNH THANH HOÁ

BẢN ÁN 05/2022/DS-ST NGÀY 22/07/2022 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN

Ngày 22 tháng 7 năm 2022, tại trụ sở Toà án nhân dân huyện H, tỉnh T, xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 28/2021/TLST- HNGĐ ngày 10 tháng 12 năm 2021, về việc Tranh chấp về thừa kế tài sản . Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 01/2022/QĐXXST - DS ngày 10/6/2022, quyết định hoãn phiên tòa số: 03/2022/QĐST - DS ngày 10/6/2022 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Trần Trọng B, sinh năm 1972 Nơi ĐKHKTT: Tiểu khu 8, thị trấn H, huyện H, tỉnh T. Chỗ ở hiện nay: Thôn V Đ, xã Th1 Ph, huyện H, tỉnh T.

- Bị đơn: 1. Ông Trần Trọng T1, sinh năm 1956 Nơi ĐKHKTT: Tiểu khu 7, thị trấn H, huyện H, tỉnh T. Chỗ ở hiện nay: Thôn 3 Th K T, xã Đ Kh, huyện Đ S, tỉnh T;

2. Ông Trần Trọng T, sinh năm 1963;

Địa chỉ: Tiểu khu 8, thị trấn H, huyện H, tỉnh T

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Bà Trần Thị L, sinh năm 1959, Địa chỉ: Tiểu khu 8, thị trấn H, huyện H, tỉnh T,

2. Bà Trần Thị H, sinh năm 1962, Địa chỉ: Tiểu khu 7, thị trấn H, huyện H, tỉnh T,

3. Bà Trần Thị C, sinh năm 1966, Địa chỉ: Tiểu khu 8, thị trấn H, huyện H, tỉnh T

4. Bà Trần Thị Đ, sinh năm 1969, Địa chỉ: Tiểu khu 8, thị trấn H, huyện H, tỉnh T

5. Bà Lê Thị Th2, sinh năm 1972, Nơi ĐKHKTT: Tiểu khu 8, thị trấn H, huyện H, tỉnh T Chỗ ở hiện nay: Thôn V Đ, xã Th1 Ph, huyện H, tỉnh T.

Tại phiên tòa có mặt ông B, bà Th2, vắng mặt bị đơn là ông T1, ông T , vắng mặt những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà L , bà H , bà C và bà Đ .

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ngày 29 tháng 11 năm 2021, bản tự khai ngày 14 tháng 3 năm 2022 nguyên đơn là ông Trần Trọng B trình bày:

Bố ông là cụ Trần Trọng M, sinh năm 1932, chết năm 1997, mẹ ông là cụ Lê Thị A, sinh năm 1935 chết năm 2015. Khi bố mẹ ông chết không để lại di chúc mà mẹ ông có để lại một giấy ủy quyến sử dụng đất. Bố mẹ ông sinh được 07 người con gồm:

Anh Trần Trọng T1, sinh năm 1956, chị Trần Thị L, sinh năm 1959, chị Trần Thị H, sinh năm 1962, anh Trần Trọng T, sinh năm 1963, chị Trần Thị C, sinh năm 1966, chị Trần Thị Đ, sinh năm 1969 và ông Trần Trọng B, sinh năm 1972.

- Bố mẹ ông chết có để lại 01 khối di sản gồm: 01 thửa đất thổ cư có số thửa 371 tờ bản đồ số 6 có diện tích là 206,2m2 , trên thửa đất có căn nhà cấp 4 năm gian xây dựng năm 1982 . Năm 2016 ông B có họp gia đình xin phép làm nhà trên thửa đất của bố mẹ để lại nhưng hai anh trai là Trần Trọng T1 và Trần Trọng T không đồng ý. Hiện nay thửa đất của bố mẹ để lại vợ chồng ông B đang quản lý. Vợ chồng ông sống với bố mẹ từ khi lập gia đình đến nay. Vì vậy quá trình chung sống với bố mẹ, vợ chồng ông có xây dựng thêm một số công trình trên đất đó là xây lại cổng ngõ, tường rào, xây bếp, công trình phụ, lát nhà, hè thay dui mè đảo ngói và xây nhà máy xay sát gạo. Do vợ chồng muốn xây dựng căn nhà kiên cố để sống trên thửa đất, nhưng hai anh trai không đồng ý, vì vậy ông yêu cầu Tòa án chia di sản thừa kế của bố mẹ theo pháp luật là 01 thửa đất thổ cư có số thửa số thửa 371 tờ bản đồ số 6 có diện tích là 206,2m2. Đối với căn nhà cấp 04 năm gian không còn giá trị nên ông B không yêu cầu chia, do ông đã tôn tạo căn nhà và xây một số công trình trên đất nên ông có nguyện vọng được nhận di sản là hiện vật tức là ông xin được ở trên phần đất của bố mẹ và ông sẽ giao phần di sản của các anh chị được hưởng bằng giá trị là tiền.

Quá trình giải quyết vụ án Tòa án đã tống đạt thông báo thụ lý vụ án và các văn bản tố tụng cũng như các giấy triệu tập đến Tòa án làm việc hợp lệ, tuy nhiên bị đơn là ông Trần Trọng T và ông Trần Trọng T1 vẫn không đến Tòa án làm việc và cũng không có bản tự khai trình bày quan điểm.

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, bà Trần Thị L, bà Trần Thị H, bà Trần Thị C và bà Trần Thị Đ đều trình bày:

Các bà là con gái của cụ Trần Trọng M , sinh năm 1932, chết năm 1997, mẹ là cụ Lê Thị Ấ , sinh năm 1935 chết năm 2015. Bố mẹ các bà sinh được 07 người con gồm:

Trần Trọng T1, sinh năm 1956, Trần Thị L, sinh năm 1959, Trần Thị H, sinh năm 1962, Trần Trọng T, sinh năm 1963, Trần Thị C, sinh năm 1966, Trần Thị Đ, sinh năm 1969 và Trần Trọng B, sinh năm 1972.

Bố mẹ các bà chết không để lại di chúc. Nay gia đình không thống nhất được việc để em trai các bà là Trần Trọng B quản lý thửa đất và làm nhà trên đó nên em trai Trần Trọng B phải yêu cầu chia di sản của bố mẹ. Bà Lan, bà Huệ, bà Cúc và bà Đào đều đồng ý đề nghị Tòa án chia di sản của bố mẹ là thửa đất thổ cư số thửa 371 tờ bản đồ số 6 có diện tích là 206,2m2 theo pháp luật. Về kỷ phần thừa kế mà bà L , bà H , bà C và bà Đ được hưởng, các bà đều đề nghị tặng cho lại em trai là Trần Trọng B. Bà L , bà H , bà C và bà Đ không yêu cầu em trai là Trần Trọng B phải trả tiền hay tài sản gì cho các bà. Đối với các tài sản trên đất vợ chồng em trai các bà là Trần Trọng B có xây dựng thêm một số công trình trên đất đúng như vợ chồng em trai các bà đã trình bày.

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà Lê Thị Th2 trình bày như sau:

Bà là vợ ông Trần Trọng B, bố chồng bà là cụ Trần Trọng M, sinh năm 1932, chết năm 1997, mẹ chồng bà là cụ Lê Thị A, sinh năm 1935 chết năm 2015. Bố mẹ chồng bà sinh được 07 người con như ông B trình bày. Năm 1991 bà kết hôn với ông B. Sau khi kết hôn với ông B, bà và ông B chung sống với bố mẹ chồng từ khi đó đến khi các cụ chết. Bố mẹ chồng bà chết không để lại di chúc gì. Thửa đất ở vợ chồng bà đang ở là của bố mẹ chồng. Tuy nhiên thời gian ở trên thửa đất vợ chồng bà có tôn tạo và xây dựng một số công trình trên đất là xây dựng nhà máy xay sát gạo, cổng ngõ, tường rào, bếp, lát nhà và hè, xây công trình phụ, chuồng trại chăn nuôi. Sau khi bố mẹ chồng bà chết vợ chồng bà muốn xây dựng nhà cửa ổn định nên đã mời các anh chị em đến họp gia đình, nhưng ông T1, ông T không đồng ý, nên chồng bà đã yêu cầu chia di sản thừa kế của bố mẹ chồng để lại. Bà Th2 đề nghị Tòa án giải quyết cho chồng bà được hưởng di sản là phần đất vì vợ chồng bà đã xây dựng một số công trình. Đồng thời bà Th2 đề nghị Tòa án xem xét trích công sức chăm sóc phụng dưỡng bố mẹ và tôn tạo thửa đất cho vợ chồng bà.

Ngày 27/4/2022 Hội đồng xem xét thẩm định tại chỗ đo vẽ thực tế xác định được diện tích thực tế sử dụng của thửa đất là 195,6m2, tuy nhiên theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diện tích là 190m2 và theo sơ đồ địa chính năm 2010 thì thửa đất có diện tích là 206,2m2 . Tại biên bản xem xét thẩm định tại chỗ đại diện UBND thị trấn và công chức địa chính xác nhận nguyên nhân của sự biến động tăng giảm diện tích so với thực tế và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng như sơ đồ địa chính là do sai sót trong quá trình đo đạc, thiết lập hồ sơ đất đai, hiện tại đất đai không có sự lấn chiếm, tranh chấp với các hộ liền kề.

Tại phiên tòa nguyên đơn giữ nguyên quan điểm như đơn khởi kiện đề nghị Hội đồng xét xử xem xét chia di sản thừa kế của bố mẹ đẻ để lại và nguyên đơn xin nhận phần di sản là hiện vật đồng thời đề nghị trích công sức tôn tạo giữ gìn di sản và phụng dưỡng bố mẹ già cho vợ chồng ông B.

Tại phiên tòa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Lê Thị Th2 đề nghị Hội đồng xét xử xem xét trích công sức tôn tạo giữ gìn di sản và phụng dưỡng bố mẹ già cho vợ chồng bà. Các tài sản bà đã xây dựng trên đất nếu chồng bà được hưởng di sản là hiện vật bà không có yêu cầu gì, trường hợp thừa kế khác hưởng di sản là hiện vật thửa đất bà T yêu cầu trả giá trị tài sản vợ chồng bà đã xây dựng lại cho bà.

Đại diện viện kiểm sát nhân dân huyện H có quan điểm:

Qua kiểm sát việc giải quyết vụ án từ khi thụ lý vụ án đến thời điểm mở phiên tòa xét xử, thấy rằng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử, những người tham gia tố tụng đã chấp hành đúng các quy định của pháp luật tố tụng dân sự, Viện kiểm sát nhân dân huyện H không có yêu cầu hoặc kiến nghị gì cần khắc phục vi phạm về tố tụng.

Về hướng giải quyết vụ án:

Đề nghị hội đồng xét xử, áp dụng: Khoản 5 Điếu 26 của Bộ luật Tố tụng dân sự; điều 609, điều 623, điều 649, điều 650 của Bộ luật dân sự 2015, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Trần Trọng B, chia di sản của cụ Trần Trọng M và cụ Lê Thị A để lại cho các đồng thừa kế.

Về án phí: Các đương sự được hưởng di sản phải chịu án phí có giá ngạch tương ứng với giá trị được hưởng.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

 Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Hội đồng xét xử nhận định:

[1]. Về tố tụng:

[1.1]. Về quan hệ tranh chấp và thẩm quyền: Nguyên đơn khởi kiện đề nghị Tòa án chia di sản thừa kế của bố mẹ ông để lại, xác định đây là tranh chấp thừa kế tài sản, Bị đơn ông Trần Trọng T1, ông Trần Trọng B có hộ khẩu thường trú tại thị trấn H, huyện H, tỉnh T, di sản là bất động sản cũng nằm trên thị trấn H huyện H nên căn cứ vào khoản 5 điều 26; điểm a khoản 1 điều 35; khoản 1 điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự, thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện H, tỉnh T.

Ông Trần Trọng T1, ông Trần Trọng T đã được thông báo và triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai để tham gia phiên tòa nhưng vẫn vắng mặt tại phiên tòa. Bà Trần Thị L, bà Trần Thị H, bà Trần Thị C và bà Trần Thị Đ được thông báo triệu tập hợp lệ đến tham gia phiên tòa, tuy nhiên các bà đều có đơn xin xét xử vắng mặt. Do đó căn cứ vào điển b khoản 2 Điều 227; khoản 1 điều 228 Bộ luật tố tụng dân sự, Toà án tiến hành xét xử vụ án vắng mặt ông Tuyến, ông Toản, bà Lan, bà Huệ, bà Cúc và bà Đào.

[2]. Về nội dung yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:

* Về thời hiệu khởi kiện: Cụ Trần Trọng M, sinh năm 1932, chết năm 1997, mẹ ông là cụ Lê Thị A, sinh năm 1935 chết năm 2015, ngày 29/11/2021 nguyên đơn có đơn khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế. Như vậy căn cứ vào điều 623 Bộ luật dân sự năm 2015 thì yêu cầu chia di sản thừa kế của nguyên đơn còn trong thời hiệu khởi kiện.

* Về đối tượng tranh chấp: Cụ Trần Trọng M và cụ Lê Thị Ất chết không để lại di chúc, các đồng thừa kế của hai cụ không thỏa thuận giải quyết với nhau về việc chia di sản thừa kế, dẫn đến tranh chấp, ông Trần Trọng B yêu cầu chia di sản của bố mẹ để lại là 01 thửa đất thổ cư có số thửa 371 tờ bản đồ số 6 có diện tích là 206,2m2 , thửa đất đứng tên cụ Trần Trọng M, trên thửa đất có căn nhà cấp 4 ba gian hai trái xây dựng năm 1982. Sau khi cụ M , cụ A chết, vợ chồng ông Trần Trọng B quản lý và sinh sống trên thửa đất. Theo kết quả xem xét thẩm định tại chỗ ngày 27/4/2022 xác định được thửa đất số 371 tờ bản đồ số 6 có diện tích là 195,6m2, tuy nhiên theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diện tích là 190m2 đứng tên chủ sử dụng là cụ Trần Trọng M và theo sơ đồ địa chính năm 2010 thì thửa đất có diện tích là 206,2m2 . Tại biên bản xem xét thẩm định tại chỗ đại diện UBND thị trấn và công chức địa chính xác nhận nguyên nhân của sự biến động tăng giảm diện tích so với thực tế và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng như sơ đồ địa chính là do sai sót trong quá trình đo đạc, thiết lập hồ sơ đất đai, hiện tại đất đai không có sự lấn chiếm, tranh chấp với các hộ liền kề.

Theo biên bản định giá ngày 27/4/2022 Hội đồng định giá như sau:

- Về đất ở diện tích 195.6m2 x 1.650.000đ/m2 = 322.740.000đ (Ba trăm hai hai triệu B trăm bốn mươi nghìn đồng).

- Về tài sản trên đất:

+ 01 Nhà cấp 4, 03 gian hai trái xây năm 1982, tường gạch chỉ 220 lợp ngòi, vì kèo gỗ, nền lát gạch bát, kích thức căn nhà dài 8,4m rộng 5,5m, cao 2,6m. Hiện trạng căn nhà xuống cấp, mái ngói bị vỡ, vì kèo mục, tường vồi bong tróc trị giá 33.806.850đ (Ba ba triệu tám trăm linh sáu nghìn tám trăm năm mươi đồng).

+ 01 nhà bếp xây dựng năm 1995, tường gạch xây noi bổ trụ, mái lợp ngói, vì kèo luồng. Kích thước bếp chiều dài 4,5m, chiều rộng 3,1m, chiều cao 2,5m trị giá 6.105.915đ (Sáu triệu một trăm linh năm nghìn chín trăm mười lăm đồng).

+ 01 nhà tắm xây dựng năm 2006, tường 220, đổ trần, chiều rộng 1,4m, chiều dài 2,1m, chiều cao 2,8m trị giá 774.396đ (B trăm B tư nghìn ba trăm chín sáu đồng).

+ 01 bể nước phía trên nhà tắm xây gạch 110 trị giá 694.019đ (Sáu trăm chín tư nghìn không trăm mười chín đồng).

+ Khu vực chuồng trại chăn nuôi xây dựng năm 1998, tường xây noi bổ trụ, mái ngói vì kèo luồng, chiều dài 6,1m; chiều rộng 2m; chiều cao 1,8m. Hiện tại đã mục nát nên không còn giá trị sử dụng.

+ Nhà máy xay sát gạo xây dựng năm 1998, chiều rộng 2,6m; dài 5m; cao 2m, mái ngói, tường xây 02 bức hồi vì kèo luồng trị giá 3.649.100đ (Ba triệu sáu trăm bốn chín nghìn một trăm đồng).

+ Sân trước nhà: lát gạch bát chiều rộng 5,9m; dài 10,3m trị giá 1.130.322đ (Một triệu một trăm ba mươi nghìn ba trăm hai hai đồng).

+ Tường rào xây gạch chỉ, xây noi 110; chiều dài 3,9m; chiều cao 1,95m, trị giá 495.086đ (Bốn trăm chín lăm nghìn không trăm tám sáu đồng).

+ Hai trụ cổng mỗi trụ 30cm x 30cm; chiều cao 2,3m, trị giá 109.420đ (Một trăm linh chín nghìn bốn trăm hai mươi đồng.

+ Phía trên trụ cổng là 01 bức tường dài 3m, rộng 0,8m, trị giá 304.632đ (Ba trăm linh bốn nghìn sáu trăm ba hai đồng).

+ Hai cánh cổng sắt xen hoa trị giá 279.360đ (Hai trăm B chín nghìn ba trăm sáu mươi đồng).

Tổng giá trị tài sản gồm đất ở và tài sản trên đất là 370.089.000đ (Ba trăm B mươi triệu không trăm tám chín nghìn đồng). Tuy nhiên những tài sản trên đất được kê trên có một số tài sản do vợ chồng ông Trần Trọng B xây dựng. Theo trình bày của nguyên đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều là hàng thừa kế thứ nhất của cụ M và cụ Ất thì di sản của hai cụ để lại gồm có đất ở và 01 căn nhà cấp 4 lợp ngói 03 gian. Như vậy di sản thừa kế mà cụ Trần Trọng M và cụ Lê Thị A để lại gồm 01 thửa đất thổ cư có diện tích 195,6m2 x 1.650.000đ/m2 = 322.740.000đ (Ba trăm hai hai triệu B trăm bốn mươi nghìn đồng) và 01 Nhà cấp 4, 03 gian hai trái xây năm 1982, tường gạch chỉ 220 lợp ngói, vì kèo gỗ, nền lát gạch bát, kích thức căn nhà dài 8,4m rộng 5,5m, cao 2,6m. Hiện trạng căn nhà xuống cấp, mái ngói bị vỡ, vì kèo mục, tường vồi bong tróc trị giá 33.806.850đ (Ba ba triệu tám trăm linh sáu nghìn tám trăm năm mươi đồng). Tổng giá trị của di sản cụ M, cụ Ất để lại là 356.546.850đ (Ba trăm năm sáu triệu năm trăm bốn sáu nghìn tám trăm năm mươi đồng).

* Về hàng thừa kế và kỷ phần thừa kế: Cụ Trần Trọng M và cụ Lê Thị A chết không để lại di chúc, hai cụ sinh được 7 người con là ông Trần Trọng T1, bà Trần Thị L, bà Trần Thị H, ông Trần Trọng T, bà Trần Thị C, bà Trần Thị Đ và ông Trần Trọng B đây là những người được hưởng thừa kế theo hàng thừa kế thứ nhất. Nên 07 người con nêu trên sẽ được hưởng 7 kỷ phần bằng nhau về đất ở cũng như căn nhà. Tuy nhiên bà Lê Thị Th2 là vợ của ông Trần Trọng B, sau khi kết hôn vợ chồng ông B, bà T sống cùng bố mẹ chồng là cụ M và cụ Ất, thời gian ông B đi xuất khẩu lao động, ông B vẫn gửi tiền về để bà T phụng dưỡng bố mẹ già. Quá trình sống với bố mẹ chồng, vợ chồng ông B có công sức trong việc chăm sóc bố mẹ lúc già yếu và sau khi cụ M, cụ Ất chết, vợ chồng ông B vẫn ở trên thửa đất, ông B và bà T có công tôn tạo giữ gìn thửa đất, vợ chồng ông B có đơn yêu cầu Tòa án trích công sức. Vì vậy cần trích một phần di sản là 1 kỷ phần thừa kế cho vợ chồng ông B là phù hợp. Như vậy di sản của cụ M và cụ Ất được chia cho 07 người con ở hàng thừa kế thứ nhất gồm là ông Trần Trọng T1, bà Trần Thị L, bà Trần Thị H, ông Trần Trọng T, bà Trần Thị C, bà Trần Thị Đ, ông Trần Trọng B, và 01 kỷ phần trích công sức cho vợ chồng ông B. Do đó di sản của cụ M, cụ Ất sẽ được chia thành 8 kỷ phần bằng nhau, mỗi phần tương ứng giá trị là: 356.546.850đ : 8 = 44.568.000đ (Bốn bốn triệu năm trăm sáu tám nghìn đồng).

Quá trình giải quyết vụ án bị đơn là ông Trần Trọng T1 và ông Trần Trọng T không đến Tòa án làm việc nên không thể hiện quan điểm của hai ông về việc hưởng thừa kế là giá trị hay hiện vật. Nguyên đơn ông Trần Trọng B đề nghị được hưởng hiện vật là quyền sử dụng đất ở bố mẹ để lại, ông B đồng ý thanh toán tiền chênh lệch cho các hàng thừa kế. Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Trần Thị L, bà Trần Thị H, bà Trần Thị C và bà Trần Thị Đ đều có quan điểm kỷ phần của mình được hưởng tự nguyện tặng cho em trai là ông Trần Trọng B. Do diện tích đất không lớn, trên đất có một số công trình là do vợ chồng ông B xây dựng. Mặt khác kỷ phần thừa kế ông B được hưởng chiếm phần lớn, Hội đồng xét xử xét thấy nên chấp nhận yêu cầu được hưởng di sản là hiện vật của ông Trần Trọng B là phù hợp. Ông B có trách nhiệm thanh toán kỷ phần được hưởng cho ông Trần Trọng T1, ông Trần Trọng T bằng tiền tương ứng với giá trị mỗi người được nhận là 44.568.000đ (Bốn bốn triệu năm trăm sáu tám nghìn đồng) là phù hợp. Bà Lê Thị Th2 là vợ ông B, quá trình giải quyết vụ án bà T yêu cầu trích công sức và đề nghị trường hợp chồng bà được quyền sử dụng thửa đất ở bà không có yêu cầu gì đối với tài sản vợ chồng bà đã xây dựng, trường hợp thừa kế khác được hưởng di sản là đất ở bà đề nghị trả lại giá trị tài sản cho bà. Do ông B là người được các chị gái gồm bà Lan, bà Huệ, bà Cúc và bà Đào cho hưởng kỷ phần của các bà và ông B được hưởng 01 kỷ phần trích công sức nên giá trị di sản ông B được nhận là 44.568.000đ x 6 kỷ phần = 267.408.000đ. Ông B là người được nhận phần di sản hiện vật là quyền sử dụng thửa đất ở cụ M, cụ Ất để lại nên những tài sản trên đất do vợ chồng ông B xây dựng hội đồng xét xử không xem xét phân chia.

Về chi phí tố tụng: Theo quy định tại điều 157 và điều 165 Bộ luật tố tụng dân sự, đương sự phải chịu chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và chi phí định giá tài sản tương ứng với phần tài sản được chia. Chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và chi phí định giá tài sản ông B đã nộp là 3.500.000đ. Vì vậy ông Trần Trọng T1 phải trả lại cho ông B tương ứng 3.500.000đ : 7 = 500.000đ, ông Trần Trọng T phải trả lại cho ông B tương ứng 3.500.000đ : 7 = 500.000đ.

Về án phí:

Ông Trần Trọng B phải nộp án phí DSST theo quy định của pháp luật số tiền là 267.408.000đ X 5% = 13.370.400đ.

Ông Trần Trọng T1 và ông Trần Trọng T mỗi ông phải nộp án phí DSST theo quy định của pháp luật số tiền là 44.568.000đ X 5% = 2.228.400đ.

Từ các lẽ trên.

QUYẾT ĐỊNH

 Căn cứ: Khoản 5 điều 26; điều 35; điều 39; khoản 2 điều 147; điều 165;

điểm b khoản 2 điều 227; điều 228 của Bộ luật Tố tụng dân sự; điều 609, 611, 612, 613, 618 điều 623, điều 649, điều 650; điều 651; điều 660 và điều 688 của Bộ luật dân sự 2015; điểm a Khoản 7 điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 quy định về án phí, lệ phí của Tòa án.

[1]. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiên của nguyên đơn .

[2]. Xác nhận: thửa đất ở số 371 tờ bản đồ số 6 có diện tích là 195,6m2 tại tiểu khu 8, thị trấn H, huyện H, tỉnh T và 01 căn nhà cấp 04 ba gian hai trái xây năm 1982, tường gạch chỉ 220 lợp ngòi, vì kèo gỗ, nền lát gạch bát, kích thức căn nhà dài 8,4m rộng 5,5m, cao 2,6m là di sản của cụ Trần Trọng M và cụ Lê Thị A để lại có giá trị là 356.546.850đ (Ba trăm năm sáu triệu năm trăm bốn sáu nghìn tám trăm năm mươi đồng).

Trích công sức quản lý giữ gìn di sản, phụng dưỡng bố mẹ cho vợ chồng ông Trần Trọng B bằng kỷ phần thừa kế tương ứng giá trị là 44.568.000đ (Bốn bốn triệu năm trăm sáu tám nghìn đồng).

Chia cho ông Trần Trọng B được nhận kỷ phần thừa kế của cụ Trần Trọng M và cụ Lê Thị A là đất ở thuộc thửa đất thửa đất ở số 371 tờ bản đồ số 6 có diện tích là 195,6m2 phía Bắc dài 14,8m giáp đất hộ bà Đạo; phía Nam dài 13,1m giáp đất hộ bà Thành; phía tây dài 13,6m giáp đất hộ bà Thuần; phía Đông dài 14,45m giáp đường làng tại tiểu khu 8, thị trấn H, huyện H, tỉnh T và 01 căn nhà cấp 04 ba gian hai trái xây năm 1982, tường gạch chỉ 220 lợp ngòi, vì kèo gỗ, nền lát gạch bát, kích thức căn nhà dài 8,4m rộng 5,5m, cao 2,6m, tương ứng giá trị là 356.546.850đ (Ba trăm năm sáu triệu năm trăm bốn sáu nghìn tắm trăm năm mươi đồng). Ông Trần Trọng B có nghĩa vụ thanh toán kỷ phần được hưởng cho đồng thừa kế là ông Trần Trọng T1 tương ứng giá trị 44.568.000đ (Bốn bốn triệu năm trăm sáu tám nghìn đồng), ông Trần Trọng T tương ứng giá trị 44.568.000đ (Bốn bốn triệu năm trăm sáu tám nghìn đồng). Như vậy giá trị di sản ông Trần Trọng B được hưởng theo kỷ phần là 222.840.000đ (Hai trăm hai hai triệu tám trăm bốn mươi nghìn đồng).

Chia cho ông Trần Trọng T1 được hưởng hỷ phần thừa kế của cụ M cụ A tương ứng giá trị là 44.568.000đ (Bốn bốn triệu năm trăm sáu tám nghìn đồng), do ông Trần Trọng B giao lại.

Chia cho ông Trần Trọng T được hưởng hỷ phần thừa kế của cụ M cụ A tương ứng giá trị là 44.568.000đ (Bốn bốn triệu năm trăm sáu tám nghìn đồng) do ông Trần Trọng B giao lại.

- Về án phí:

Ông Trân Trọng B phải chịu án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch là 13.370.400đ (Mười ba triệu ba trăm B mươi nghìn bốn trăm đồng).

Ông Trần Trọng T1 và ông Trần Trọng T mỗi ông phải nộp án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch là 2.228.400đ (Hai triệu hai trăm hai tám nghìn bốn trăm đồng).

- Về chi phí tố tụng: Ông Trần Trọng T1, ông Trần Trọng T mỗi ông phải trả lại cho ông Trần Trọng B 500.000đ tiền chi phí tố tụng ông B đã nộp.

* Sau khi án có hiệu lực pháp luật kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án nếu người phải thi hành án chậm thi hành thì còn phải chịu lãi của số tiền phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành án.

* Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại điều 2 luật thi hành án dân sự người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại điều 6, 7 và điều 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 luật Thi hành án dân sự.

[3]. Về quyền kháng cáo đối với bản án: Nguyên đơn có quyền kháng cáo bản án này trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Bị đơn có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được tống đạt hợp lệ. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có mặt có quyền kháng cáo phần liên quan trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt có quyền kháng cáo phần liên quan trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được tống đạt hợp lệ.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

15
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản số 05/2022/DS-ST

Số hiệu:05/2022/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Hà Trung - Thanh Hoá
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 22/07/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về