Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản, hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 421/2023/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 421/2023/DS-PT NGÀY 28/08/2023 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN, HỦY GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Ngày 28 tháng 8 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 97/2023/TLPT-DS ngày 13 tháng 3 năm 2023, về việc “Tranh chấp về thừa kế tài sản và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 40/2022/DS-ST ngày 19 tháng 8 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 5962/2023/QĐPT-DS ngày 16 tháng 8 năm 2023 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông NXT, sinh năm 1958; địa chỉ: Thôn HN, xã ĐC, huyện AD, thành phố Hải Phòng. (có mặt) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông T: Ông THK - Luật sư Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên HP thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hải Phòng. (có mặt)

2. Bị đơn: Ông NXH, sinh năm 1972; địa chỉ: Thôn HN, xã ĐC, huyện AD, thành phố Hải Phòng. (vắng mặt)

3. Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Bà NTV, sinh năm 1950; địa chỉ: Thôn KT, xã HT, huyện AD, thành phố Hải Phòng. (có mặt)

3.2. Bà NTT, sinh năm 1955; địa chỉ: Thôn N, xã QT, huyện TN, thành phố Hải Phòng. (vắng mặt)

3.3. Ông NXS, sinh năm 1961; địa chỉ: Xóm 1, thôn HN, xã ĐC, huyện AD, thành phố Hải Phòng. (vắng mặt)

3.4. Ông NXT1, sinh năm 1964; địa chỉ: Tổ 7, thị trấn R, huyện AD, thành phố Hải Phòng. (có mặt)

3.5. Bà NTT1, sinh năm 1967; địa chỉ: Tập thể nhà máy nước cầu N, quận KA, thành phố Hải Phòng. (vắng mặt)

3.6. Bà NTH, sinh năm 1969; địa chỉ: Xóm 7, TC, xã ĐC, huyện AD, thành phố Hải Phòng. (có mặt)

3.7. Bà NTH1 (vợ ông H); địa chỉ: Thôn HN, xã ĐC, huyện AD, thành phố Hải Phòng. (vắng mặt)

3.8. Ủy ban nhân dân (UBND) huyện AD, thành phố Hải Phòng; địa chỉ: Thị trấn R, huyện AD, thành phố Hải Phòng. Người đại diện cho UBND huyện AD: Ông LVC - Phó Chủ tịch UBND huyện AD. (có đơn xin xét xử vắng mặt)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện đề ngày 20/4/2021 và ngày 25/6/2021, đơn khởi kiện bổ sung và các bản tự khai của nguyên đơn ông NXT trình bày:

Bố mẹ ông là cụ NXT2 (chết năm 2001) và cụ NTL (chết năm 2008). Hai cụ sinh được 08 người con là các ông, bà: NTV, NTT, NXT, NXS, NXT1, NTT1, NTH và NXH. Hai cụ chết không để lại di chúc. Ngoài ra các cụ không có con riêng, con nuôi.

Tài sản của hai cụ gồm có ngôi nhà rạ 03 gian rộng khoảng 100m2 nằm trên diện tích đất rộng khoảng 720m2 tại thôn HN, xã ĐC, huyện AD, thành phố Hải Phòng. Khoảng năm 1992, ông H khi đó chưa lập gia đình vào miền Nam sinh sống. Lúc hai cụ ốm đau hoặc có công việc thì thay nhau về chăm sóc.

Năm 2001, cụ T2 chết, ông H từ miền Nam về ở cùng với cụ L trong ngôi nhà rạ 03 gian. Khoảng đầu năm 2005, được sự giúp đỡ của anh chị em trong gia đình, ông H xây nhà rộng khoảng 20m2 liền kề, cùng trên thửa đất của bố mẹ. Cuối năm 2005, ông H tự ý phá gần hết 03 gian nhà rạ của bố mẹ, chỉ để lại một khoảng chỗ thường kê giường cho cụ L ngủ và thường xuyên đuổi cụ L ra khỏi nhà. Cụ L khi đó báo chính quyền xã ĐC vào đo đạc diện tích đất, tự tách cho cụ L sử dụng 360m2, các anh chị em xây nhà cấp 4 rộng khoảng 20m2 để cụ sinh sống và thờ cúng gia tiên. Năm 2008, cụ L chết, ông H đã tự ý phá nhà cũ của cụ, bỏ bát hương gia tiên khi sinh thời cụ L thờ phụng. Nay ông làm đơn khởi kiện đề nghị: Hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) số Y715193 ngày 16/3/2004 do UBND huyện AD cấp cho ông NXH. Chia di sản thừa kế đối với diện tích 713m2 tại thửa số 11, tờ bản đồ số 9 tại thôn HN, xã ĐC, huyện AD, thành phố Hải Phòng theo quy định của pháp luật và chia bằng hiện vật.

Bị đơn ông NXH trình bày:

Nguồn gốc đất 713m2 là của cụ T2 và cụ L để lại trước khi chết. Ngoài ra đất của 3 anh em trai của ông cũng là đất do bố mẹ để lại. Khi còn sống, cụ L đã phân chia đất cho 4 anh em trai nhưng không có biên bản họp gia đình. Trước khi cụ L chết có viết di chúc vào ngày 29/9/2004 với nội dung: Cụ có 05 sào đất, đã chia cho 04 con trai mỗi người khoảng 01 sào, tuy nhiên theo sơ đồ của xã thì người có 450m2, người có 400m2, ông được 360m2, còn lại diện tích 353m2 cụ L đã giao cho vợ chồng ông được sử dụng vĩnh viễn. Bản di chúc có chữ ký xác thực của bà NTV, ông NXL, ông NXT3, ông NXT, ông NXS và xác nhận của ông PNB là Trưởng thôn. Việc lập di chúc tiến hành tại trụ sở UBND xã ĐC và có xác nhận của xã. Hiện tại trên đất có nhà và các công trình trên đất, còn lại là sân, vườn.

Nay ông T yêu cầu chia di sản thừa kế đối với diện tích 720m2 đất mà ông đang quản lý, sử dụng, ông không đồng ý. Vì khi bố mẹ còn sống đã chia đất cho tất cả các anh em trai, trong đó chia cho ông 360m2, không ai có ý kiến phản đối gì. Diện tích đất 353m2, mẹ ông cũng đã di chúc để lại cho ông quản lý, sử dụng. Ông đồng ý cắt 150m2 làm nơi thờ cúng chung cho cả gia đình. Tuy nhiên, ông H khai với nội dung như trên, song ông không ký vào biên bản. Quá trình giải quyết vụ án, ông H đã được triệu tập hợp lệ song vắng mặt tại các buổi công khai chứng cứ và hòa giải của Tòa án.

Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà V, bà T, ông T1, bà T1, bà H trình bày:

Về quan hệ huyết thống đúng như lời trình bày của nguyên đơn.

Về di sản, cụ T2, cụ L để lại diện tích đất 720m2 có nguồn gốc của tổ tiên để lại. Ông T, ông S ở trên diện tích đất của các cụ trong họ cho, không phải là đất của cụ T2, cụ L cho. Ông T1 lấy vợ đi ở nơi khác. Không có ai ngoài ông H ở trên đất của cụ T2 và cụ L để lại.

Khi còn sống, cụ T2, cụ L chưa từng chia đất cho các con, chưa có buổi họp gia đình nào. Chữ ký và chữ viết của anh em trong Bản di chúc ngày 29/9/2004 và biên bản họp gia đình ngày 16/3/2004 không phải chữ viết, chữ ký của các ông, bà. Cụ L không biết chữ, nên chữ ký và chữ viết không phải của cụ L. Các ông, bà chỉ nghe nói ông H có ý định cần GCNQSDĐ để vay tiền Ngân hàng làm ăn nên mới thuyết phục cụ L ký giấy tờ để làm thủ tục cấp GCNQSDĐ. Sau khi được cấp GCNQSDĐ, ông H đuổi cụ L ra ngoài và phá nhà của cụ L. Nay các ông, bà yêu cầu phân chia di sản thừa kế của cụ T2, cụ L bằng hiện vật, thống nhất giao cho ông NXT đại diện nhận, quản lý, sử dụng; hủy GCNQSDĐ đã cấp cho ông H. Ông H đưa ra ý kiến cắt 150m2 làm nơi thờ cúng, các ông, bà không đồng ý.

Ngày 03/6/2022, các đương sự thống nhất trình bày: Quá trình giải quyết vụ án, các ông, bà có đơn đề nghị Tòa án trưng cầu giám định chữ ký, chữ viết trong Biên bản họp gia đình ngày 16/3/2004 và Bản di chúc ngày 29/9/2004. Tuy nhiên, các ông, bà không cung cấp được các mẫu chữ ký, chữ viết vào trước, trong và sau thời điểm năm 2004. Nên các ông bà không đề nghị Tòa án giám định chữ ký, chữ viết nữa.

Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ, tài liệu tại chính quyền địa phương:

Theo sổ mục kê năm 1995 và Sổ địa chính năm 1995 (trang 164), diện tích đất là 720m2 loại đất thổ cư đứng tên ông NXT2 (bố ông H). Năm 2004, thực hiện đợt cấp GCNQSDĐ cho công dân, gia đình ông T2 có biên bản họp gia đình thống nhất để cho ông H đứng tên diện tích đất nói trên, các thành viên trong gia đình đều ký tên vào biên bản họp. Trên cơ sở đó, ông H đã được cấp GCNQSDĐ đối với diện tích 713m2, trong đó 200m2 đất ở, còn 513m2 đất vườn tạp. Việc ông H chỉ được công nhận quyền sử dụng đất đối với 200m2 đất ở và 513m2 đất vườn tạp là do tại thời điểm cấp GCNQSDĐ quy định hạn mức diện tích đất ở tại nông thôn là 200m2. Từ thời điểm cấp GCNQSDĐ cho đến khi xảy ra tranh chấp, không có tranh chấp gì về giáp ranh, tứ cận của diện tích đất này.

Ngoài diện tích đất trên, cụ T2 còn đứng tên các diện tích đất khác tại Sổ Mục kê và Sổ địa chính năm 1995, cụ thể:

Diện tích 400m2, tại thửa số 09, tờ bản đồ số 09 xã ĐC hiện do ông NXS đứng tên nhưng chưa làm GCNQSDĐ.

Diện tích 360m2 tại thửa số 12, tờ bản đồ số 09 xã ĐC do ông NXT đứng tên đã được cấp GCNQSDĐ Diện tích 450m2 tại thửa số 13, tờ bản đồ số 09 xã ĐC do ông NXT1 đứng tên đã được cấp GCNQSDĐ.

Tài liệu xác minh những người làm chứng trong bản di chúc: Những người làm chứng là ông NXL và ông NXT3 đều là họ hàng với cụ T2 khẳng định có việc cụ L nhờ ký vào di chúc cho ông H diện tích đất nêu trên.

Cán bộ tư pháp xác nhận vào bản di chúc và các Biên bản họp gia đình đều khẳng định chữ ký, chữ viết là đúng của ông ký xác nhận sau khi đã có đầy đủ chữ ký của gia đình.

Kết quả xem xét, thẩm định tại chỗ, kết quả định giá ngày 30/12/2021 như sau: Diện tích đất đo đạc thực tế theo hiện trạng là 713m2. Giá trị quyền sử dụng đất theo giá thị trường là 7.000.000đồng/m2 đất ở, 3.500.000 đồng/m2 đất vườn tạp. Phần công trình, vật kiến trúc trên đất có trị giá: 187.067.341đồng. Cây cối trên đất có trị giá: 11.040.000đồng. Tổng giá trị công trình xây dựng và cây cối gắn liền với thửa đất là: 198.107.341đồng. Các đương sự đồng ý với kết quả thẩm định tại chỗ và định giá tài sản, không có ý kiến gì.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 40/2022/DS-ST ngày 19 tháng 8 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng đã quyết định:

Căn cứ khoản 5 Điều 26, Điều 34, Điều 147, Điều 244, Điều 227, Điều 228 và Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 32 Luật Tố tụng hành chính; Căn cứ các Điều 611, 612, 613, 618, 623, 649, điểm b khoản 1 Điều 650, điểm a khoản 1 Điều 651 của Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 659, 660 của Bộ luật Dân sự 1995; điểm đ khoản 1 Điều 12; a khoản 7 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí và lệ phí Tòa án, xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:

Chia di sản thừa kế đối với diện tích 713m2 tại thửa số 11 tờ bản đồ số 9 tại thôn HN, xã ĐC, huyện AD:

Giao ông NXH quản lý, sử dụng diện tích đất 713m2 tại thửa đất số 11, tờ bản đồ số 09 Thôn HN, xã ĐC, huyện AD, thành phố Hải Phòng (trong đó có 200m2 đất ở và 513m2 đất vườn tạp) bao gồm các mốc 1, 2, 3, 4, 5, 6, 1. (Vị trí, kích thước có sơ đồ kèm theo).

Ông NXH có trách nhiệm thanh toán cho bà NTT1 tổng số tiền là 159.775.000đồng (một trăm năm mươi chín triệu bảy trăm bảy mươi lăm nghìn đồng).

Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu người phải thi hành án chưa thi hành xong khoản tiền phải thi hành án thì hàng tháng còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự cho đến khi thi hành xong.

2. Không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về việc hủy GCNQSDĐ số Y715193 ngày 16 tháng 3 năm 2004 do UBND huyện AD cấp cho ông NXH.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí, chi phí tố tụng và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 26/8/2022, nguyên đơn là ông NXT kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm và đề nghị chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông.

Tại phiên tòa phúc thẩm: Nguyên đơn giữ nguyên nội dung kháng cáo.

Người bảo vệ quyền và nghĩa vụ của nguyên đơn đề nghị Hội đồng xét xử sửa bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng, chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Ông T nhất trí với ý kiến của Luật sư và không bổ sung gì thêm. Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà V, ông T1 và bà H đều nhất trí với ý kiến của nguyên đơn và người bảo vệ quyền và nghĩa vụ của nguyên đơn.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự, không chấp nhận kháng cáo của ông NXT, giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 40/2022/DS-ST ngày 19 tháng 8 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án; ý kiến trình bày của các đương sự và ý kiến tranh luận tại phiên tòa trên cơ sở ý kiến đề nghị của đại diện Viện kiểm sát. Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng Ngày 26/8/2022, nguyên đơn ông NXT có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm nêu trên trong thời hạn luật định, nên được xem xét theo thủ tục phúc thẩm.

Việc vắng mặt của đương sự tại phiên tòa phúc thẩm: Xét thấy, bị đơn ông NXH và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm bà T, ông S, bà T1, bà Hạnh đã được triệu tập hợp lệ nhiều lần mà vẫn vắng; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan UBND huyện AD có đơn xin xét xử vắng mặt nên Tòa án tiến hành phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án theo quy định tại Điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự.

[2] Về nội dung: Xét yêu cầu khởi kiện, nội dung kháng cáo của ông NXT, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy:

[2.1] Về nguồn gốc đất và di sản thừa kế: Theo kết quả xác minh tại UBND xã ĐC thể hiện: Thửa đất số 11, tờ bản đồ số 09 tại Thôn HN, xã ĐC, huyện AD ghi trong sổ mục kê năm 1995 và Sổ địa chính năm 1995 (trang 164) thì diện tích đất là 720m2 loại đất thổ cư đứng tên ông NXT2 (bố của ông H). Năm 2004, thực hiện đợt cấp GCNQSDĐ cho công dân, gia đình cụ L có Biên bản họp gia đình thống nhất để cho ông H đứng tên trên diện tích đất này, các thành viên trong gia đình đều ký tên vào biên bản họp. Trên cơ sở đó, ông H đã được cấp GCNQSDĐ đối với diện tích đất thực tế là 713m2, trong đó 200m2 đất ở, 513m2 đất vườn tạp. Tài liệu này phù hợp với lời khai của các đương sự về nguồn gốc thửa đất, vì vậy cần công nhận diện tích đất 713m2 theo đo đạc thực tế là tài sản chung của cụ T2, cụ L.

[2.2] Xét Biên bản họp gia đình về việc chia tách đất để làm nhà ở, đất để sản xuất ngày 08/3/2004, ngày 16/3/2004 thấy: Biên bản họp gia đình ngày 16/3/2004 có nội dung: Tại gia đình cụ NTL đã họp và thống nhất về việc chia giao đất thổ cư để làm nhà ở, đất để sản xuất và có trách nhiệm trong giao nộp, làm các khoản nghĩa vụ đối với Nhà nước cho ông H, diện tích 713m2. Tại Biên bản họp gia đình có chữ ký của các thành viên trong gia đình, trừ bà T1 không có tên và không có chữ ký trong biên bản, Biên bản này có chứng thực của UBND xã ĐC. Cùng nội dung này có Biên bản họp gia đình ngày 08/3/2004, song diện tích đất ghi 720m2, Biên bản này có trong hồ sơ cấp GCNQSDĐ được lưu giữ tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện AD, có chữ ký của cụ L, bà V, ông T, ông S, ông T1, ông H nhưng không có chữ ký của bà T, bà T1, bà H. Như vậy, căn cứ vào Biên bản ngày 16/3/2004 (biên bản lập sau) thì chỉ thiếu chữ ký, chữ viết của bà Thuỷ. Việc thiếu chữ ký của bà T1 trong Biên bản họp gia đình ngày 16/3/2004 là chưa đảm bảo quyền lợi cho bà T1. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét để chia cho bà T1 một kỷ phần thừa kế của cụ T2 là đúng quy định của pháp luật.

[2.3] Theo trình bày của bà V, bà T, ông T1, bà T1, ông T, bà H thì khi còn sống, cụ T2, cụ L chưa từng phân chia đất cho các con, chưa có buổi họp gia đình nào. Chữ ký chữ viết trong Biên bản họp gia đình ngày 16/3/2004 và Bản di chúc ngày 29/9/2004 không phải là chữ ký, chữ viết của các ông, bà. Cụ L không biết chữ, nên không phải chữ ký của cụ. Tại Tòa án cấp sơ thẩm, các đương sự đã có đơn đề nghị Tòa án trưng cầu giám định chữ ký chữ viết trong Biên bản họp gia đình và Bản di chúc. Tuy nhiên, các đương sự không cung cấp được mẫu chữ ký chữ viết để làm căn cứ cho việc giám định, nên các đương sự đề nghị Tòa án không giám định chữ ký chữ viết nữa.

[2.4] Tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có cung cấp một số tài liệu gồm Biên bản họp gia đình, Đơn trình bày, Đơn xin tách thửa ngày 14/7/2006 với nội dung diện tích đất còn lại là 240m2 của cụ L để lại cho 04 con gái là bà H, bà Thòong, bà V, bà Thuỷ và đề nghị Hội đồng xét xử tạm ngừng phiên toà để giám định chữ ký của cụ L tại các tài liệu mới mà đương sự cung cấp. Tuy nhiên, các văn bản nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cung cấp tại phiên toà sơ thẩm được lập vào năm 2006, sau thời điểm ông H được cấp GCNQSDĐ là 02 năm. Các văn bản này đều không có xác nhận của chính quyền địa phương và cũng không có nội dung thể hiện việc bác bỏ nội dung tại Bản di chúc ngày 29/9/2004 và Biên bản họp gia đình ngày 16/3/2004. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm đã không chấp nhận ý kiến của nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tại phiên toà là có căn cứ.

[2.5] Xét Bản di chúc do cụ NTL lập ngày 29/9/2004 với nội dung bản di chúc thể hiện: “Vợ chồng tôi sinh được tám người con, 04 trai và 04 gái với số đất ở gồm 5 sào, các con gái đã đi lấy chồng, còn bốn người con trai, tôi đã chia số đất ở cho mỗi người một sào, phần còn lại là 353m2 để lại cho hai vợ chồng già dưỡng não, nay chồng tôi là NXT2 đã chết, còn tôi tuổi già, sức yếu phải dựa vào con út. Nay tôi ở với người con út là NXH. Anh H là người nuôi nấng tôi hàng ngày và phụng sự tôi hàng ngày khi ốm đau phải thuốc thang, nên tôi giao số đất của tôi là 353m2 cho anh H…”. Bản di chúc trên có chữ ký và điểm chỉ của cụ L. Người chứng kiến có bà V, ông T, ông S (con cụ L) và ông NXL, ông NXT3, có xác nhận của Trưởng thôn HN và chứng thực của UBND xã ĐC, huyện AD vào ngày 29/9/2004.

Về hình thức của bản di chúc là phù hợp với quy định tại Điều 659, 660 Bộ luật Dân sự 1995.

Về nội dung bản di chúc: Những người làm chứng là ông NXL, ông NXT3 xác nhận nội dung di chúc là đúng sự thật, thể hiện đúng nguyện vọng của cụ L; chữ ký trong bản di chúc đúng là chữ ký của các ông. Nội dung bản di chúc còn thể hiện cụ có 05 sào đất, đã phân chia cho các con trai mỗi người một sào. Nội dung này phù hợp với tài liệu xác minh tại chính quyền địa phương thể hiện: Ngoài diện tích đất tranh chấp hiện ông H đang quản lý, sử dụng thì cụ T2 và cụ L còn có các thửa đất khác hiện do ông T, ông S, ông T1 mỗi người đang quản lý sử dụng tại các thửa số 09, 12, 13 tờ bản đồ số 09 xã ĐC, huyện AD. Vì vậy cần công nhận di chúc của cụ L để lại là hoàn toàn hợp pháp. Do đó, cụ L có quyền định đoạt ½ diện tích đất trong tổng số 713m2 = 356,5m2.

[2.6] Nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày ông H có hành vi ngược đãi mẹ, tuy nhiên các đương sự đều không cung cấp được các tài liệu, chứng cứ chứng minh ông H ngược đãi mẹ; các ông bà cũng không báo chính quyền địa phương về việc này; do đó không có cơ sở để Hội đồng xét xử xem xét giải quyết.

[2.7] Như vậy, cụ L có di chúc để lại cho ông H diện tích 353m2 đất nên Biên bản giao đất thổ cư làm nhà ở có hiệu lực đối với phần di sản của cụ L, phần di sản của cụ T2 không có hiệu lực và sẽ được phân chia theo pháp luật.

[2.8] Về diện và hàng thừa kế: Cụ T2 và cụ L có 08 người con chung nên hàng thừa kế của cụ T2 gồm 09 người là cụ L, bà V, bà T, ông T, ông S, ông T1, bà T1, bà H và ông H.

[2.9] Về phân chia di sản thừa kế: Tài sản chung của cụ T2 và cụ L là diện tích đất 713 m2 (trong đó có 200m2 đất ở và 513m2 đất vườn). Cụ T2 được hưởng: 200m2 đất ở/2 = 100 m2 và 513m2 đất vườn/2 = 256,5m2. Cụ L được hưởng: 200m2 đất ở/2 = 100 m2 và 513m2 đất vườn/2 = 256,5m2. Như vậy, di sản của mỗi cụ là 356,5m2. Do cụ L đã định đoạt cho ông H, nên phần di sản thừa kế của cụ T2 sẽ được chia cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất là cụ L và 08 người con. Ông H là người quản lý, sử dụng, trông coi diện tích đất nên cần tính công sức cho ông H bằng 01 suất thừa kế theo quy định của pháp luật. Do đó, di sản thừa kế của cụ T2 được chia thành 10 suất: 100m2 đất ở/10 = 10m2 đất ở tương đương 70.000.000đồng; 256,5m2 đất vườn/10 = 25,65m2 đất vườn tương đương 89.775.000đồng.

[2.10] Biên bản họp gia đình ngày 16/3/2004 đã phân chia di sản thừa kế là diện tích đất 713m2 có đầy đủ chữ ký các thành viên, trừ bà T1. Do đó, phần tài sản của bà V, bà T, ông T, ông S, ông T1, bà H sẽ được giao cho ông H quản lý, sử dụng. Phần diện tích đất của bà T1 được hưởng nhỏ hơn diện tích tối thiểu được tách thửa theo Quyết định số 1394/2015/QĐ-UBND ngày 25/6/2015 của UBND thành phố Hải Phòng nên cần giao cả diện tích đất 35,65m2 cho ông H, ông H có trách nhiệm thanh toán cho bà T1 giá trị diện tích đất 35,65m2 bằng tiền là 159.775.000đồng.

[2.11] Đối với yêu cầu hủy GCNQSDĐ số Y715193 do UBND huyện AH (nay là huyện AD) cấp ngày 16/3/2004 cho ông NXH: Tại thời điểm cấp GCNQSDĐ cho ông H chưa có đầy đủ chữ ký của các thành viên trong gia đình, thiếu chữ ký của bà T1 là chưa đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử đã giao toàn bộ phần đất tranh chấp cho ông H quản lý, sử dụng; bà T1 nhận di sản thừa kế bằng giá trị tiền nên không cần thiết phải hủy GCNQSDĐ đã cấp cho ông H.

[2.13] Về chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản: Nguyên đơn đã nộp chi phí đầy đủ, nguyên đơn xin chịu và không yêu cầu xem xét nên Hội đồng xét xử không đặt ra giải quyết.

[2.2] Từ những phân tích, nhận định nêu trên thấy: Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn ông NXT không xuất trình được tài liệu, chứng cứ gì mới để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện, yêu cầu kháng cáo nên không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, cần giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng theo đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội.

[2.3] Về án phí: Do kháng cáo của ông T không được chấp nhận nên ông T phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Tuy nhiên ông T là người cao tuổi và có đơn xin được miễn án phí, vì vậy cần miễn án phí dân sự phúc thẩm cho ông T theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự; điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, xử:

[1] Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn ông NXT. Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 40/2022/DS-ST ngày 19 tháng 8 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng.

[2] Về án phí: Miễn án phí dân sự phúc thẩm cho ông NXT. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

19
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản, hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 421/2023/DS-PT

Số hiệu:421/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 28/08/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về