Bản án về tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn số 17/2020/HNGĐ-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH

BẢN ÁN 17/2020/HNGĐ-PT NGÀY 09/06/2020 VỀ TRANH CHẤP THAY ĐỔI NGƯỜI TRỰC TIẾP NUÔI CON SAU LY HÔN

Trong ngày 09 tháng 6 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh, xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 22/2019/TLPT-HNGĐ ngày 11/02/2020 về “Tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số: 20/2019/HNGĐ-ST ngày 22 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân thị xã T, tỉnh Bắc Ninh có kháng cáo.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 21/2020/QĐPT-HNGĐ ngày 25 tháng 3 năm 2020 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Chị Nguyễn Thị Ngọc H, sinh năm 1993 (có mặt);

Nơi cư trú: Thôn T, xã T, thị xã T, tỉnh Bắc Ninh.

- Bị đơn: Anh Trần Xuân P, sinh năm 1993 (có mặt).

HKTT: Xóm Pò Tập, thị trấn Tà Lùng, huyện P, tỉnh cao Bằng;

Chỗ ở: Thôn H, xã T, thị xã T, tỉnh Bắc Ninh.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản án sơ thẩm và các tài liệu có trong hồ sơ thì vụ án có nội dung như sau:

Nguyên đơn chị Nguyễn Thị Ngọc H trình bày: Chị và anh Trần Xuân P được Tòa án nhân dân thị xã T, tỉnh Bắc Ninh giải quyết việc thuận tình ly hôn và đã ra Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự số: 30/2019/QĐST-HNGĐ ngày 26/02/2019. Theo nội dung Quyết định thì chị được quyền trực tiếp nuôi con chung là Trần Vinh Q, sinh ngày 14/11/2017. Nhưng trong thời gian chị nuôi con chung, chị có ý định đi xuất khẩu lao động, nên chị đã cùng anh P đề nghị Tòa án công nhận sự thỏa thuận về việc thay đổi người nuôi con và đã được Tòa án nhân dân thị xã T công nhận sự thỏa thuận tại Quyết định số: 53/2019/QĐST-HNGĐ ngày 02/5/2019. Theo đó, anh P là người trực tiếp nuôi con chung là Trần Vinh Q, sinh ngày 14/11/2017. Sau khi Tòa án giao con chung cho anh P nuôi thì anh P phải thường xuyên lên tỉnh Cao Bằng để kinh doanh khách sạn. Do vậy, anh P đã giao con lại cho mẹ anh P là bà C nuôi, nhưng bà C thường xuyên gửi cháu sang hàng xóm hoặc để người giúp việc trông nom cháu Q mà không quan tâm chăm sóc cháu Q, để cháu tự ý nghịch kéo dẫn đến bị kéo chọc chảy máu ở gần mắt.

Ngoài ra, khi ở với bà C thì bị bà C đánh (chị đã cung cấp clip và ảnh cho Tòa án). Vì thương con, nên chị đã không đi xuất khẩu lao động nữa và hiện nay chị đã có công việc ổn định. Về phía gia đình chị có đủ điều kiện và tạo điều kiện cho chị nuôi dưỡng cháu Q tốt. Mặt khác, hiện tại cháu còn nhỏ chưa đủ 36 tháng tuổi rất cần sự chăm sóc của người mẹ. Vì vậy, chị đề nghị Tòa án giải quyết cho chị được trực tiếp nuôi dưỡng cháu Q. Cấp dưỡng nuôi con, chị không yêu cầu.

Anh Trần Xuân P xác nhận một phần lời khai của chị Nguyễn Thị Ngọc H trình bày: Anh và chị H đã được Tòa án giải quyết, ra Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự. Theo nội dung Quyết định, chị H được quyền trực tiếp nuôi con chung là Trần Vinh Q, sinh ngày 14/11/2017. Khi chị H nuôi cháu Q, anh đã cấp dưỡng nuôi con cùng chị H mỗi tháng 5.000.000 đồng, nhưng chị H nuôi con vẫn không bảo đảm. Do vậy, chị H chỉ nuôi dưỡng cháu Q được một thời gian ngắn đã mang cháu Q sang để cho anh cùng gia đình anh nuôi dưỡng và nói với anh là đề nghị Tòa án giao con cho anh trực tiếp nuôi dưỡng. Sau khi được sự đồng ý của anh, hai bên đã làm đơn gửi Tòa án thị xã T, yêu cầu Tòa án công nhận sự thỏa thuận giữa chị H với anh về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con vào tháng 3/2019. Tòa án thị xã T đã ra Quyết định số: 53/QĐST-HNGĐ ngày 02/5/2019, công nhận sự thỏa thuận giữa anh với chị H. Theo nội dung Quyết định thì anh được quyền trực tiếp nuôi dưỡng cháu Q. Từ đó đến nay anh và gia đình anh đã nuôi dưỡng cháu Q khỏe mạnh, mặc dù không có sự chăm sóc của chị H, nhưng cháu Q vẫn P triển bình thường. Nay, chị H yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con, anh không đồng ý. Vì từ khi cháu Q mới 15 tháng tuổi, chị H, đã chủ động giao lại quyền nuôi con cho anh, nhưng cháu Q vẫn được anh và gia đình nuôi dưỡng khỏe mạnh về thể chất và nhận thức. Mặt khác, anh có thu nhập ổn định, điều kiện nuôi con chung của anh tốt hơn chị H.

Với nội dung trên, Tòa án nhân dân thị xã T, tỉnh Bắc Ninh đã căn cứ vào khoản 3 Điều 40 Bộ luật dân sự 2015; Khoản 3 Điều 81 và các điều 58, 82, 83, 84 Luật hôn nhân và gia đình; Các điều 28, 35, 39 147, 227, 228, 235 Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về án phí, lệ phí Tòa án, xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là chị Nguyễn Thị Ngọc H: Giao con chung là Trần Vinh Q, sinh ngày 14/11/2017 cho chị Nguyễn Thị Ngọc H trực tiếp nuôi dưỡng, anh Trần Xuân P có quyền và nghĩa vụ thăm nom con chung mà không ai được cản trở.

2. Về cấp dưỡng nuôi con: Chị Nguyễn Thị Ngọc H không đề nghị nên không xem xét giải quyết.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 19 tháng 12 năm 2019, anh Trần Xuân P kháng cáo không đồng ý với quyết định của bản án sơ thẩm giao con chung của anh và chị H là cháu Trần Vinh Q cho chị Nguyễn Thị Ngọc H nuôi dưỡng và yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét về thẩm quyền giải quyết vụ án của Tòa án nhân dân thị xã T. Anh cho rằng vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện P, tỉnh Cao Bằng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn là chị Nguyễn Thị Ngọc H vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và trình bày: Sau khi chị và anh P thống nhất để anh P trực tiếp nuôi con, anh P đã đi Trung Quốc, để con ở nhà cho mẹ anh chăm sóc không bảo đảm. Hiện tại chị làm ở Hà nội, thu nhập khoảng 9.000.000 đồng/tháng. Ngoài ra, chị còn kinh doanh 02 quán trà tranh chưa đăng ký kinh doanh, với mức thu nhập mỗi tháng khoảng 200.000.000 đồng. Về chỗ ở, chị đang ở cùng với bố mẹ chị ở thôn T, xã T, gia đình chị có đủ điều kiện để cho chị nuôi con. Nếu được nuôi dưỡng cháu Q, chị sẽ để cháu Q ở nhà cho mẹ chị chăm sóc trong lúc chị đi làm; chị không yêu cầu anh P cấp dưỡng nuôi con.

Bị đơn là anh Trần Xuân P vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo và trình bày: Từ khi cháu Q mới 14 tháng tuổi, chị H không nuôi được, đã chủ động giao lại quyền nuôi con cho anh nuôi, nhưng cháu Q vẫn được anh và gia đình nuôi dưỡng khỏe mạnh, P triển tốt về thể chất và nhận thức. Nay cháu đã lớn hơn nhiều “miệng ăn, chân chạy”, việc nuôi dưỡng cũng dễ dàng hơn thì chị H lại yêu cầu nuôi con. Trong khi anh có việc làm với thu nhập ổn định, có đủ điều kiện để nuôi cháu Q; điều kiện nuôi con chung của anh tốt hơn chị H.Vì vậy, anh không đồng ý giao cháu Q cho chị H trực tiếp nuôi dưỡng.

Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh P biểu quan điểm về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và của người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án là đúng với quy định của pháp luật; các đương sự đã thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình. Về đường lối giải quyết vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu kháng cáo của anh Trần Xuân P. Áp dụng khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự và Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về án phí, lệ phí Tòa án, sửa Bản án sơ thẩm xử; Anh Trần Xuân P không phải chịu án phí phúc thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy:

[1] Về thủ tục tố tụng:

[1.1] Kháng cáo của anh Trần Xuân P trong thời hạn luật định nên được Tòa án xem xét.

[1.2] Về thẩm quyền giải quyết vụ án: Anh Trần Xuân P kháng cáo cho rằng, hiện anh đang có hộ khẩu thường trú tại huyện P, tỉnh Cao Bằng. Vì vậy, thẩm quyền giải quyết vụ án phải là Tòa án nhân dân huyện P, tỉnh Cao Bằng. Xét thấy, tại thời điểm Tòa án nhân dân thị xã T, tỉnh Bắc Ninh thụ lý vụ án ngày 21/8/2019 thì bị đơn là anh Trần Xuân P có hộ khẩu thường trú tại thôn H, xã T, thị xã T, tỉnh Bắc Ninh. Vì vậy, việc Toà án nhân dân thị xã T, tỉnh Bắc Ninh thụ lý giải quyết vụ án là đúng quy định của pháp luật. Qua xác minh tại Công an thị xã T thì ngày 30/8/2019 anh Trần Xuân P đề nghị được chuyển nơi thường trú tới xóm P, thị trấn T, huyện P, tỉnh Cao Bằng. Tuy nhiên, theo khoản 3 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: “Trường hợp vụ án dân sự đã được Tòa án thụ lý và đang giải quyết theo đúng quy định của Bộ luật này về thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ thì phải được Tòa án đó tiếp tục giải quyết mặc dù trong quá trình giải quyết vụ án có sự thay đổi nơi cư trú, trụ sở hoặc địa chỉ giao dịch của đương sự”. Vì vậy, việc Tòa án nhân dân thị xã T tiếp tục giải quyết vụ án khi bị đơn là anh Trần Xuân P thay đổi nơi cư trú là đúng quy định của pháp luật.

[2] Về nội dung vụ án:

[2.1] Xét thấy, ngày 26/02/2019 Tòa án nhân dân thị xã T đã ra Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của anh Trần Xuân P với chị Nguyễn Thị Ngọc H với nội dung: Anh P và chị H thuận tình ly hôn và thỏa thuận giao con chung cho chị H trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng sau ly hôn. Đến ngày 02/5/2019, Tòa án nhân dân thị xã T đã ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận của anh P và chị H. Theo đó, anh chị thỏa thuận giao cho anh P trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng con chung. Việc anh P, chị H tự nguyện thỏa thuận về việc ly hôn và tự nguyện thỏa thuận về việc chăm sóc con chung sau ly hôn là quyền của các đương sự được pháp luật tôn trọng và ghi nhận, Tòa án thị xã T đã ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận này.

[2.2] Hiện tại, con chung của anh P, chị H là cháu Trần Vinh Q, sinh ngày 14/11/2017 đang do anh P trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng theo Quyết định số:

53/2019/QĐST-HNGĐ ngày 02/5/2019 của Tòa án nhân dân thị xã T, tỉnh Bắc Ninh. Ngày 21/8/2019, Tòa án nhân dân thị xã T đã thụ lý yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly của chị H. Vì vậy, yêu cầu của chị H thuộc trường hợp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn được quy định tại Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình. Trong trường hợp này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con khi: “Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con”. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm lại căn cứ vào khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình, xác định con chung chưa đủ 36 tháng tuổi và giao cho chị H chăm sóc, nuôi dưỡng là không đúng quy định của pháp luật.

[2.3] Xét về điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chung của anh Trần Xuân P thì thấy:

Anh P hiện đang làm việc tại Công ty TNHH Xây dựng Hòa P từ năm 2017 đến nay, hiện tại mức thu nhập là 12.000.000 đồng/tháng. Vì vậy, có căn cứ để xác định rằng anh P có việc làm và thu nhập ổn định.

Về nơi ở, hiện tại anh P cùng con chung là cháu Trần Vinh Q đăng ký hộ khẩu thường trú tại xóm Pò Tập, thị trấn Tà Lùng, huyện P, tỉnh Cao Bằng. Qua xác minh tại Công an thị xã T thì Tòa án cấp sơ thẩm xác định từ nhỏ anh P có đăng ký hộ khẩu thường trú và sinh sống tại thôn H, xã T, thị xã T, tỉnh Bắc Ninh. Hiện tại, anh P và cháu Q vẫn đang ở tại thôn H cùng gia đình (có xác nhận của địa phương). Việc anh P thay đổi và đăng ký hộ khẩu thường trú của mình là quyền và nghĩa vụ của công dân theo Luật Cư trú. Vì vậy, có căn cứ để xác định anh P có chỗ ở ổn định.

Về điều kiện trông nom, chăm sóc con chung: Căn cứ vào hồ sơ vụ án, lời khai của các đương sự thì Tòa án cấp sơ thẩm xác định anh P có giao con chung cho mẹ đẻ của mình là bà Nguyễn Thị C và người giúp việc của gia đình chăm sóc. Chị H cho rằng, trong quá trình chăm sóc cháu Trần Vinh Q, bà C đã có hành vi bạo hành cháu Q. Cấp sơ thẩm đã nhận định không có căn cứ để chứng minh bà C có hành vi bạo hành là có cơ sở. Nhưng lại xác định qua sự việc đó cho thấy anh P và gia đình chưa đảm bảo việc chăm sóc, nuôi dưỡng cháu Q là thiếu căn cứ. Vì việc chăm sóc, nuôi dưỡng cháu Q có bảo đảm hay không, không chỉ căn cứ vào một “sự việc” không có căn cứ (như cấp sơ thẩm đã xác định), mà cần phải căn cứ vào nhiều sự việc và điều kiện khác.

Như vậy, có căn cứ để xác định rằng: Anh P hiện có việc làm, với mức thu nhập ổn định và có chỗ ở đảm bảo cho việc nuôi con. Ngoài việc tự mình chăm sóc con chung, thì anh P còn có gia đình và người giúp việc cùng chăm sóc nuôi dưỡng cháu. Anh P đã bảo đảm được việc nuôi dưỡng cháu Q từ khi cháu còn nhỏ bé, non nớt cho đến nay cháu vẫn P triển bình thường, khỏe mạnh. Nay, cháu Q đã khôn lớn hơn nhiều, việc chăm sóc, nuôi dưỡng cũng sẽ dễ hơn khi anh P mới nhận trực tiếp nuôi cháu và hiện tại anh P vẫn đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục cháu Q.

Mặt khác, thì từ khi anh P, chị H ly hôn cho đến nay, mới chỉ sau một thời gian ngắn, nhưng đã nhiều lần anh chị yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:

Lần thứ nhất: Ngày 26/02/2019 khi ly hôn, anh P, chị H thỏa thuận giao cháu Q cho chị H chăm sóc, nuôi dưỡng.

Lần thứ hai: Ngày 02/5/2019, anh chị lại thỏa thuận giao cháu Q cho anh P trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng.

Lần thứ ba: Ngày 22/11/2019, Tòa án nhân dân thị xã T đã quyết định chấp nhận yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn của chị H, giao cháu Q cho chị H trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng. Việc thường xuyên thay đổi người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng con chung sẽ làm ảnh hưởng tới môi trường sống, tác động xấu tới tâm lý và sức khỏe của trẻ nhỏ. Vì vậy, để bảo đảm cuộc sống ổn định, tránh tác động xấu về tâm lý, bảo đảm sự P triển tốt nhất về tâm sinh lý và thể chất của trẻ, cần phải tiếp tục giao cháu Trần Vinh Q cho anh P trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng. Kháng cáo của anh Trần Xuân P về việc nuôi con là có căn cứ, cần được chấp nhận và cần phải sửa quyết định của Bản án sơ thẩm.

[3] Về án phí: Do sửa Bản án sơ thẩm, nên anh P không phải chịu án phí phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 2 Điều 308 Bộ Luật Tố tụng dân sự, quyết định:

Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của anh Trần Xuân P, sửa Bản án dân sự sơ thẩm số: 20/2019/HNGĐ-ST ngày 22 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân thị xã T, tỉnh Bắc Ninh.

Căn cứ vào các Điều 81, Điều 82, Điều 83, Điều 84 Luật hôn nhân và gia đình; Khoản 4 Điều 147, khoản 2 Điều 148, Điều 235 Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về án phí, lệ phí Tòa án, xử:

1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị Nguyễn Thị Ngọc H về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn.

2. Về án phí:

2.1. Chị Nguyễn Thị Ngọc H phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm. Xác nhận chị H đã nộp đủ số tiền 300.000 đồng theo biên lai thu số: 0002235 ngày 21/8/2019 của Chi cục thi hành án dân sự thị xã T, tỉnh Bắc Ninh.

2.2. Anh Trần Xuân P không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Hoàn trả anh P số tiền 300.000 đồng đã nộp theo biên lai thu số: 0002451 ngày 10/01/2020 của Chi cục thi hành án dân sự thị xã T, tỉnh Bắc Ninh.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

33
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn số 17/2020/HNGĐ-PT

Số hiệu:17/2020/HNGĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bắc Ninh
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành: 09/06/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về