Bản án về tranh chấp quyền sử dụng đất số 55/2023/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

BẢN ÁN 55/2023/DS-PT NGÀY 08/05/2023 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Ngày 08 tháng 5 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận, xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 09/2023/TLPT-DS ngày 30 tháng 01 năm 2023 về việc: “Tranh chấp quyền sử dụng đất”.Do Bản án dân sự sơ thẩm số 67/2022/DS-ST ngày 04/11/2022 của Tòa án nhân dân huyện Đ bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 46/2023/QĐ-PT ngày 24 tháng 3 năm 2023, Quyết định hoãn phiên tòa số 31/2023/QĐ-PT ngày 06/4/2023 và Thông báo hoãn phiên tòa số 28/TB-TA ngày 14/4/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Bà Trần Thị H, sinh năm 1966.

Địa chỉ: đường N1, tổ 4, thôn H2, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Bình Thuận. Người đại diện theo ủy quyền: Ông Trương V, sinh năm 1989.

Địa chỉ: Đường T1, phường M, quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh.

- Bị đơn: Ông Đào H1, sinh năm 1975.

Địa chỉ: Tổ 2, thôn H2, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Bình Thuận. Người đại diện theo ủy quyền: Ông Lê K, sinh năm 1971. Địa chỉ: Đường T, thôn 10, xã C, huyện Đ, Bình Thuận.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bà Lê N, sinh năm 1984. Địa chỉ: Tổ 2, thôn H2, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Bình Thuận.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Lê K, sinh năm 1971. Địa chỉ: Đường T, thôn 10, xã C, huyện Đ, Bình Thuận. Tại phiên tòa có mặt: ông V, ông K.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Nguyên đơn và người đại diện theo ủy quyền trình bày: Vào năm 2014, bà Trần Thị H nhận chuyển nhượng của ông Trần T2 thửa đất số 28, tờ bản đồ 8D, diện tích ghi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 7.880m2, đất trồng lúa, tại thôn H2, xã Đ. Khi chuyển nhượng hai bên chỉ căn cứ vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng để thực hiện hợp đồng. Bà H đã được UBND huyện Đ cấp đổi theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BU 268108 vào ngày 5/5/2014. Sau khi chuyển nhượng bà H sử dụng từ đó đến nay. Khi đo đạc kiểm tra lại đất, bà H cho rằng đất bị ông Lê Văn N2 lấn chiếm khoảng 700m2 và ông Đào H1 lấn chiếm khoảng 2.800m2, nên diện tích còn lại khoảng 4.500m2. Bà H đã gặp ông N2, ông H1 và đưa đơn lên UBND xã Đ giải quyết nhưng không thành. Nay bà H yêu cầu ông H1 trả lại phần đất tranh chấp được Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai do, vẽ là 1.837,8m2. Bà H chấp nhận bồi thường giá trị đất và cây trông có trên đất cho vợ chồng ông H1 là 150.000.000 đồng. Đối với phần đất 700m2 tranh chấp với ông Lê Văn N2 bà H rút yêu cầu khởi kiện.

Chứng cứ do nguyên đơn đưa ra là hồ sơ hòa giải của UBND xã Đ, bản phô tô có chứng thực Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BU 268108.

Bị đơn ông Đào H1, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Lê N và người đại diện cho ông H1 trình bày: Vào năm 1993, gia đình ông H1 từ miền Bắc vào xã T3 (nay là xã Đ), huyện Đ sinh sống, theo diện đi kinh tế mới. Khi vào Đức Linh được Nhà nước cấp theo tiêu chuẩn mỗi gia đình là 1,1 ha đất, trong đó gồm đất ở và đất rẫy; lô đất rẫy được chia từ đường xe trâu đến giáp suối Gia Huynh. Đất rẫy của gia đình ông H1 được cấp một bên giáp với đất ông R (ông R bán cho ông T2 và ông T2 bán cho bà H); một bên giáp đất bà Tân (bà Tân đã bán cho ông Sơn); một mặt giáp Suối Gia Huynh; một mặt giáp đường xe trâu. Khi nhận đất này, gia đình ông H1 khai phá rừng để sản suất. Còn ông R nhận đất thì bỏ trống, sau đó bán cho ông Trọng. Ông T2 mua đất chỉ khai phá phần đất giáp suối Gia Huynh để trồng lúa, còn phần trên gia đình ông H1 khai phá sử dụng đến hôm nay, không có ai tranh chấp gì. Đến năm 2001, gia đình ông H1 được Nhà nước cấp quyền sử dụng với đất ở là 6 sào và đất rẫy là 1,36 ha. Năm 2011, ông H1 được thừa kế phần đất ở và đất rẫy nêu trên. Kể từ khi vào khai phá rừng (đất hiện có tranh chấp), gia đình ông H1 sản xuất, cải tạo thành đất thuộc đến nay gần 20 năm. Hiện đất này ông H1, bà N trồng cây tràm được 03 năm tuổi. Khi bà H mua lại đất của ông Trọng, ông H1 không hay biết gì. Khi bà H vào sử dụng đất thì xin đi nhờ đất của ông H1 để vào đất bà H và trả tiền cho ông H1. Vào năm 2021 UBND xã Đ, có hòa giải, ông H1 có yêu cầu là sẽ nhường cho bà H 10m đất theo chiều ngang mặt đường, để bà H có lối đi, với giá 5.000.000 đồng/m ngang, nhưng bà H không chịu. Nay ông H1 không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà H, yêu cầu Tòa án áp dụng Án lệ số 33, để công nhận đất tranh chấp cho ông H1 được quyền sử dụng.

Khi tham gia tố tụng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Lê N trình bày: Yêu cầu Tòa án công nhận phần đất có tranh chấp là của ông H1, bà N. Nếu bà H muốn nhận phần đất tranh chấp và cây có trên đất thì bồi thường cho ông H1, bà N số tiền 250.000.000 đồng.

Sau khi hòa giải không thành, ngày 04/11/2022, Tòa án nhân dân huyện Đ đã đưa vụ án ra xét xử tại bản án số 67/2022/DS-ST, quyết định:

Áp dụng: Khoản 9 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a, c khoản 1 Điều 39, khoản 2 Điều 71, khoản 1 Điều 147, khoản 1 Điều 165, điểm c khoản 2 Điều 217, Điều 244, Điều 271, 273 Bộ luật Tố tụng dân sự; Khoản 1 Điều 12, Điều 166, 167, 167, 169, 170, 188, khoản 1, điểm b khoản 2 Điều 203 Luật Đất đai năm 2013; Điều 164, 166, 182, 183, 184, 357 và Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 26, điểm a khoản 2 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa 14.

Xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

1. Đình chỉ phần tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn bà Trần Thị H với bị đơn ông Lê Văn N2 tại thửa đất số 27, tờ bản đồ 8D, tại khu vực thôn H2, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Bình Thuận. 2.Buộc ông Đào H1 và bà Lê N giao lại cho bà Trần Thị H 1.837,8m2 đất, theo hình M5M6M7M8M9M10M11M12M13M14, trong Sơ đồ hiện trạng đang tranh chấp. Hệ tọa độ VN- 2000- khu vực Bình Thuận, thôn Đông Tân, tờ bản đồ số 54(218386-2). (có sơ đồ hiện trạng khu đất tranh chấp kèm theo).

3. Bà Trần Thị H phải có nghĩa vụ trả cho ông Đào H1 và bà Lê N số tiền 169.056.000 đồng (một trăm sáu mươi chín triệu không trăm năm mươi sáu ngàn đồng), gồm giá trị 1.387,8m2 đất là 147.024.000 đồng và giá trị 612 cây tràm là 22.032.000 đồng.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của ông H1, bà N cho đến khi thi hành xong án, bà H còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Ngoài ra bản án còn tuyên quyền kháng cáo của các đương sự và việc thi hành án dân sự.

Ngày 02/3/2023, Tòa án nhân dân huyện Đ ban hành Quyết định sửa chữa, bổ sung bản án: Bản án ghi theo hình “M5M6M7M8M9M10M11M12M13M14”. Được sửa thành: “theo các điểm 1.2.3.4.5 (phần gạch chéo)” Ngày 18/11/2022, bị đơn ông Đào H1 kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn ông Lê K giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, đề nghị Hội đồng xét xử sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận đơn khởi kiện của bà H, vì gia đình ông H1 đã sử dụng phần đất tranh chấp từ năm 1993 đến nay, trong khi bà H mới mua đất từ năm 2014.

Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn ông Trương V không đồng ý với kháng cáo của bị đơn.

Đại diện Viện sát nhân dân tỉnh Bình Thuận phát biểu: Việc tuân theo pháp luật trong vụ án, Thư ký, Thẩm phán, Hội đồng xét xử đã tuân thủ đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự; người tham gia tố tụng chấp hành pháp luật; về nội dung: Ông R được nhà nước giao đất năm 1993 nhưng ông không sử dụng phần đất tranh chấp mà gia đình ông H1 sử dụng, khi ông R chuyển nhượng đất cho ông T2, ông T2 chuyển nhượng đất cho bà H thì phần đất tranh chấp vẫn do gia đình ông H1 sử dụng. Ông H1 đã trực tiếp sử dụng đất ổn định từ năm 1993 đến nay nên đủ điều kiện công nhận quyền sử dụng đất. Bà H không có lối đi vào đất thì có thể thương lượng thỏa thuận với ông H1 hoặc khởi kiện vụ án khác về lối đi qua bất động sản liền kề. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bị đơn ông Đào H1, sửa bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Căn cứ các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xem xét tại phiên tòa, căn cứ kết luận tranh tụng và đề nghị của Đại diện viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Thuận về việc giải quyết vụ án;

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về nguồn gốc thửa đất số 27 do ông Đào H1 và thửa đất số 28 do bà Trần Thị H đang sử dụng (hai thửa đất giáp nhau): Theo ý kiến của UBND huyện Đ tại Công văn số 1577/UBND-NC ngày 05/8/2022 và sự thừa nhận của các đương sự, thì 2 thửa đất trên có nguồn gốc như sau:

[2] Thửa đất số 27, tờ bản đồ số 8D, diện tích 13.630m2 đất trồng cây hàng năm khác: Năm 1995, xã Trà Tân (cũ) cấp thửa đất này cho ông Đào Ngọc T4 và bà Trần Thị T5 sử dụng theo diện giãn dân. Đến năm 2001, UBND huyện Đ đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Trần Thị T5 (tên đúng là Trần Thị M1). Năm 2011, thửa đất được để lại thừa kế cho ông Đào H1, ông H1 được UBND huyện Đ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BH 655190 ngày 23/11/2011.

[3] Thửa đất số 28, tờ bản đồ số 8D, diện tích 7.780m2 đất trồng lúa: Nguồn gốc đất là do xã Trà Tân (cũ) cấp cho hộ ông Trần Văn R, đến khoảng năm 1996, hộ ông Trần Văn R chuyển nhượng cho ông Nguyễn Văn T2. Năm 2001, UBND huyện Đ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông T2. Năm 2004, ông T2 chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bà Trần Thị H, bà H được UBND huyện Đ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BU 263108 ngày 05/5/20014.

[4] Đối với diện tích đất tranh chấp: Bà Trần Thị H khởi kiện yêu cầu ông Đào H1 phải trả lại 1.837,8m2: Tại Công văn số 1577/UBND-NC ngày 05/8/2022, UBND huyện Đ xác định: Qua so sánh hình thể, diện tích của 2 thửa đất số 27 và thửa đất số 28 được cấp tại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tại tờ bản đồ giải thửa số 8D với thửa đất tại sơ đồ hiện trạng đang tranh chấp do Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai Đ lập ngày 07/6/2022 thì phần đất tranh chấp thuộc thửa đất số 28. Đại diện ủy quyền của bị đơn cũng xác định diện tích đất tranh chấp là một phần của thửa đất số 28 cấp cho bà Trần Thị H, không thuộc thửa đất số 27 cấp cho ông Đào H1.

[5] Như vậy, theo trả lời của UBND huyện Đ và sự thừa nhận của các đương sự thì diện tích đất tranh chấp là một phần của thửa đất số 28, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho ông T2 (nay là bà H), không thuộc thửa đất số 27 cấp cho bà M1 (nay là ông H1). Không có việc cấp chồng lấn giữa thửa 27 và 28.

[6] Năm 2001, ông T2 và bà M1 đều được UBND huyện Đ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Quyết định số 81/2001/QĐ-UBĐL ngày 28/12/2001. Phần diện tích đất tranh chấp chưa khi nào bà M1 hay ông H1 đăng ký, kê khai, nộp thuế sử dụng đất. Ông H1 cho rằng khi Nhà nước cấp đất cho ông R vào năm 1993, thì ông R chỉ sử dụng phần đất giáp suối, phần đất phía trên ông R không sử dụng nên gia đình bà M1 sử dụng. Tuy nhiên, ông không có giấy tờ, tài liệu nào thể hiện có sự thỏa thuận giữa ông R và bà M1 về việc ông R đồng ý cho bà M1 sử dụng phần đất mà ông được cấp. Do vậy, năm 2001, UBND huyện Đ căn cứ vào việc giao đất cho ông R và bà M1 từ năm 1993 để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông R và bà M1 là đúng quy định của pháp luật.

[7] Về quá trình sử dụng đất tranh chấp: Bị đơn cho rằng đã sử dụng đất tranh chấp liên tục từ năm 1993 đến nay, lúc đầu thì trồng cây ngắn ngày, sau đó trồng đào, năm 2014 chặt đào trồng tràm, thời điểm cấp sơ thẩm đi xem xét thẩm định tại chỗ thì trên đất có 7 gốc đào đã cưa và cây tràm khoảng 3 năm. Nguyên đơn cho rằng vào thời điểm năm 2014 khi bà H nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của ông T2 thì trên đất là đất trống. Xét thấy diện tích đất tranh chấp gần 2 sào nhưng chỉ có 7 gốc đào thì không có căn cứ để khẳng định gia đình bị đơn đã sử dụng toàn bộ diện tích đất tranh chấp như trình bày của bị đơn.

[8] Về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông T2 và bà H: Bà Trần Thị H là người nhận chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất 7.880m2 (trong đó có 1.837,8m2 đất tranh chấp) của ông Nguyễn Văn T2 theo hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà H và ông T2 lập ngày 16/4/2014. Bản thân bà H sau khi nhận chuyển nhượng mới biết diện tích đất được cấp trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang do gia đình ông H1 canh tác, sử dụng.

[9] Hiện trạng sử dụng đất về phía Đông Bắc của thửa đất số 27 và thửa đất số 28 đều giáp đường đất (ngoài con đường này thì không có lối đi nào khác vào thửa 27 và 28) nhưng khi ông H1 sử dụng phần đất tranh chấp (là một phần của thửa 28) thì phần còn lại của thửa đất số 28 không tiếp giáp đường và hình thể thửa đất không còn phù hợp với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho bà H, ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của bà H. Do bà H, ông T2 được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật nên nay bà H khởi kiện yêu cầu ông H1 phải trả lại đất là có căn cứ.

[10] Bị đơn cho rằng ông R, ông T2 đã từ bỏ quyền sử dụng đối với diện tích 1.837,8m2 và đề nghị áp dụng Án lệ số 33 để yêu cầu Tòa án công nhận quyền sử dụng diện tích đất này cho vợ chồng ông. Xét thấy: Án lệ số 33/2020/AL được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 05/02/2020 và được công bố theo Quyết định số 50/QĐ-CA ngày 25/02/2020 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Tình huống án lệ: “Cá nhân được Nhà nước cấp đất nhưng không sử dụng mà để người khác quản lý, sử dụng ổn định, lâu dài từ khi được giao đất. Trong quá trình sử dụng đất, người này đã tôn tạo đất, xây dựng nhà ở ổn định, đăng ký kê khai quyền sử dụng đất mà người được cấp đất không có ý kiến gì”. Trong khi đó, quá trình sử dụng đất ông H1 chưa xây dựng nhà ở ổn định và chưa đăng ký kê khai quyền sử dụng đất. Như vậy, nội dung vụ án có tình huống pháp lý không tương tự như Án lệ số 33/2020/AL. Do đó, Hội đồng xét xử không có căn cứ áp dụng Án lệ số 33/2020/AL theo như đề nghị của bị đơn.

[11] Khi ông H1 trả lại phần đất tranh chấp cho bà H thì không ảnh hưởng đến việc sử dụng thửa đất số 27 của ông H1. Cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc ông H1, bà N trả lại cho bà H phần diện tích đất tranh chấp nêu trên là có căn cứ, phù hợp với quy định của pháp luật cũng như thực trạng sử dụng đất của các bên. Trong quá trình sử dụng đất, ông H1 đã giữ gìn, khai phá, cải tạo làm tăng giá trị của đất nên cấp sơ thẩm đã tính công sức cho ông bằng toàn bộ giá trị quyền sử dụng đất là thỏa đáng, phù hợp với quy định của pháp luật. Giá trị của số cây trồng trên đất bà H có trách nhiệm trả cho ông H1. Do vậy kháng cáo của ông H1 không có cơ sở chấp nhận.

[4] Về án phí: Do kháng cáo không được chấp nhận nên bị đơn phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ: Khoản 1 Điều 308, khoản 1 Điều 148 Bộ luật Tố tụng dân sự. Không chấp nhận kháng cáo của ông Đào H1; Giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 67/2022/DS-ST ngày 04/11/2022 của Tòa án nhân dân huyện Đ:

Áp dụng: Khoản 9 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a, c khoản 1 Điều 39, khoản 2 Điều 71, khoản 1 Điều 147, khoản 1 Điều 165, điểm c khoản 2 Điều 217, Điều 244, Điều 271, 273 Bộ luật Tố tụng dân sự; Khoản 1 Điều 12, Điều 166, 167, 167, 169, 170, 188, khoản 1, điểm b khoản 2 Điều 203 Luật Đất đai năm 2013; Điều 164, 166, 182, 183, 184, 357 và Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 26, điểm a khoản 2 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa 14.

Tuyên xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

1. Buộc ông Đào H1 và bà Lê N giao lại cho bà Trần Thị H 1.837,8m2 đất, theo hình 1.2.3.4.5 trong Sơ đồ hiện trạng đang tranh chấp. Hệ tọa độ VN- 2000- khu vực Bình Thuận, thôn Đông Tân, tờ bản đồ số 54(218386-2) (có sơ đồ hiện trạng khu đất tranh chấp kèm theo).

2. Bà Trần Thị H phải có nghĩa vụ trả cho ông Đào H1 và bà Lê N số tiền 169.056.000 đồng (một trăm sáu mươi chín triệu không trăm năm mươi sáu ngàn đồng), gồm giá trị 1.837,8m2 đất là 147.024.000 đồng và giá trị 612 cây tràm là 22.032.000 đồng.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của ông H1, bà N cho đến khi thi hành án xong, bà H còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

4. Về án phí: Ông Đào H1 và bà Lê N phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm.

Ông Đào H1 phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo biên lai số 0012651 Ngày 05/12/2022 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Đ.(Ông H1 đã nộp đủ số tiền án phí dân sự phúc thẩm).

Bà Trần Thị H phải chịu 8.452.000 đồng án phí về nghĩa vụ tài sản, nhưng được trừ vào số tiền 3.400.000 đồng tạm ứng án phí do bà H đã nộp theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0005361 ngày 01/6/2021 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đ. Bà H còn phải nộp 5.052.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm.

5. Về chi phí tố tụng: Ông Đào H1 và bà Lê N phải chịu 3.500.000 đồng chi phí định giá; 8.472.000 đồng chi phí đo đạc, để hoàn trả cho bà Trần Thị H.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các điều 6,7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án 08/5/2023. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

135
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp quyền sử dụng đất số 55/2023/DS-PT

Số hiệu:55/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Thuận
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 08/05/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về