TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
BẢN ÁN 25/2024/DS-PT NGÀY 02/02/2024 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
Ngày 02 tháng 02 năm 2024, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 99/2023/TLPT-DS ngày 24 tháng 10 năm 2023 về “Tranh chấp quyền sử dụng đất”.
Do bản án dân sự sơ thẩm số 22/2023/DS-ST ngày 18 tháng 9 năm 2023 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Thanh Hóa bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 95/2023/QĐ-PT ngày 07/12/2023, Quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm số 90/2023/QĐ-PT ngày 28/12/2023, số 02/2024/QĐ-PT ngày 12/01/2024 và số 09/2024/QĐ-PT ngày 25/01/2024 giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn:
1.1. Ông Quách Văn V, sinh năm 1940;
1.2. Bà Bùi Thị T, sinh năm 1957;
Cùng địa chỉ: thôn L, xã Q, huyện T, tỉnh Thanh Hóa; đều vắng mặt, bà T có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Ông Trần Văn H1, sinh năm 1983; địa chỉ: Ngõ 148, đường N, Khu 14, phường N, thị xã B, tỉnh Thanh Hóa và bà Nguyễn Thị Phương A; địa chỉ: P916, B4 Làng Quốc tế T, quận C, thành phố Hà Nội; đều có mặt.
2. Bị đơn: Ông Nguyễn Văn H, sinh năm 1966; địa chỉ: thôn L, xã Q, huyện T, tỉnh Thanh Hóa; có mặt.
Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn: Ông Phạm Văn T1, sinh năm 1961; địa chỉ: No19-LK19-07, Tổ 5, phường L, quận H, thành phố Hà Nội và ông Nguyễn Văn L, sinh năm 1968; địa chỉ: thôn L, xã Q, huyện T, tỉnh Thanh Hóa; đều có mặt.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Luật sư Vũ Đình L1, sinh năm 1953 - Công ty luật TNHH T, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội; có mặt.
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
3.1. Ủy ban nhân dân huyện T, tỉnh Thanh Hóa.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Đinh Văn H2 - Chủ tịch UBND huyện T.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Văn T2 - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện T; vắng mặt.
3.2. UBND xã Q, huyện T, tỉnh Thanh Hóa.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Vũ Đức T3 - Chủ tịch UBND xã Q.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Văn C - Phó Chủ tịch UBND xã Q; vắng mặt.
3.3. Chị Quách Thị T4, sinh năm 1978; địa chỉ: SN 111, Đường DH-HH18 Đ, thị trấn B, huyện H, tỉnh Thanh Hóa; vắng mặt, có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
3.4. Chị Quách Thị T5; sinh năm 1981;
3.5. Chị Quách Thị T6, sinh năm 1983;
Cùng địa chỉ: SN 276/58/5 P, phường H, thành phố T, tỉnh Bình Dương; vắng mặt, đều có đơn xin xét xử vắng mặt.
3.6. Anh Quách Văn C1, sinh năm 1986;
3.7. Anh Quách Văn C2, sinh năm 1980;
Cùng địa chỉ: Thôn L, xã Q, huyện T, tỉnh Thanh Hóa; anh C1 có mặt, anh C2 vắng mặt, có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
3.8. Bà Nguyễn Thị C3, sinh năm 1966;
3.9. Anh Nguyễn Văn H3, sinh năm 1988;
Cùng địa chỉ: thôn L, xã Q, huyện T, tỉnh Thanh Hóa; đều vắng mặt.
3.10. Anh Nguyễn Văn H4, sinh năm 1986; địa chỉ: Tổ 5, Khu phố 3, phường T, thành phố B, tỉnh Đồng Nai; vắng mặt.
4. Người kháng cáo: Bị đơn ông Nguyễn Văn H.
NỘI DUNG VỤ ÁN
1. Trong đơn khởi kiện đề ngày 26/08/2019 và trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn là ông Quách Văn V và bà Bùi Thị T trình bày:
Năm 1987 vợ, chồng ông, bà và các con gồm: Quách Thị T4, Quách Văn C2, Quách Thị T5, Quách Thị T6, Quách Văn C1 được chia đất nông nghiệp tính bình quân theo đầu người mỗi người được hơn một sào hay hơn ông, bà cũng không nhớ rõ. Gia đình ông, bà được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) nhưng đến nay ông, bà không nhớ là bao nhiêu vì sau nhiều lần Nhà nước lấy làm trạm xá, làm khu tái định cư và thu hồi lại GCNQSDĐ.
Năm 2011, thực hiện chính sách chung của nhà nước, của huyện và của xã về dồn điền đổi thửa, gia đình ông, bà cũng đồng ý theo chính sách dồn điền đổi thửa của Nhà nước cũng như bao gia đình khác trong thôn. Trước khi dồn điền đổi thửa gia đình ông, bà gồm có các thửa đất sau: 01 sào 10 thước ở M 2; 05 thước ở M 2; 13 thước gồm hai thửa, một thửa 03 thước và một thửa 10 thước đất ở khu ĐM-CS; 793m2 ở khu ĐB.
Sau khi dồn điền đổi thửa nhà ông, bà được dồn về khu ĐM-CS và khu ĐB là 2.232m2, đang được Nhà nước làm thủ tục cấp GCNQSDĐ nông nghiệp nhưng đúng ngày UBND xã phát Giấy chứng nhận năm 2020 thì gia đình ông Nguyễn Văn H có đơn đang có tranh chấp nên UBND xã không phát giấy chứng nhận cho gia đình ông, bà nữa. Sau khi dồn điền đổi thửa, thửa đất ở khu ĐM-CS gia đình nhà ông, bà canh tác ổn định không có ai tranh chấp từ năm 2011 đến ngày 24/04/2019 thì gia đình nhà ông Nguyễn Văn H mới ra lấn chiếm trồng cây, chôn cọc bê tông và giằng dây thép gai thì hai gia đình mới xảy ra tranh chấp.
Trước khi dồn điền đổi thửa gia đình ông H cũng có mảnh đất ở xứ ĐM-CS và 7 hộ khác cùng canh tác, sau khi dồn điền đổi thửa, gia đình ông H và các hộ khác đã nhận đất nơi khác và không có tranh chấp gì. Gia đình ông H đã được nhận đất ở khu M 1 và ĐC, khu M 1 là đất tốt nên gia đình ông H phải trừ đi hai thước đất/1 sào, còn ở ĐC thì không phải trừ. Diện tích của nhà ông H bao nhiêu ông, bà không nắm được nhưng gia đình ông H đã được cấp GCNQSDĐ nông nghiệp rồi và không còn đất ở khu ĐM-CS nữa. Gia đình ông, bà được nhận khu đất ở ĐM-CS là khu đất xấu nên được cộng thêm mỗi sào là 2 thước, như vậy gia đình ông, bà được nhận thêm hơn 5 thước, khoảng gần 180m2. Khi đoàn đo đạc hiện trạng hiện nay thì gia đình ông, bà đang sử dụng cả hai xứ đồng là 2.458,4 m2 - 2.232m2 (đất trước khi dồn điền đổi thửa) = 226,4m2, tuy nhiên gia đình ông, bà được cộng thêm hơn 5 thước do nhận đất xấu nên được thêm khoảng 180m2, nên thực tế gia đình ông, bà chỉ thừa hơn 1 thước, tức là 226,4m2 - 180m2 = 46,4m2. Chính sách dồn điền đổi thửa của Nhà nước mà cụ thể UBND xã Q triển khai thì mỗi gia đình nếu sau khi dồn điền đổi thửa gia đình nhà ai mà thừa 100m2 cũng không lấy ra và thiếu 100m2 cũng không bù vào. Vì vậy, sau khi dồn điền đổi thửa diện tích đất tại các thửa đất số 232, 233, 234, tờ bản đồ số 21, bản đồ địa chính xã Q nhà ông, bà là đủ đất, sử dụng ổn định không tranh chấp với ai.
Đến năm 2019 gia đình ông H tự ý ra diện tích đất gia đình ông, bà đang canh tác ở xứ ĐM-CS. UBND xã Q đã giải quyết nhiều lần nhưng gia đình ông H không đồng ý trả lại đất cho gia đình ông, bà canh tác nên gia đình ông, bà khởi kiện, yêu cầu Tòa án buộc gia đình ông H phải thu hoạch hoa màu, nhổ cọc bên tông, tháo dỡ dây thép để trả lại diện tích ban đầu là 171m2 đất trên cho gia đình ông, bà. Diện tích đất thực tế sau khi đo đạc, thẩm định là 315,9m2.
2. Trình bày của bị đơn ông Nguyễn Văn H, đại diện theo ủy quyền của bị đơn, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn:
Năm 1992 thì gia đình ông được Nhà nước giao đất có cấp GCNQSDĐ. Tại khu ĐM-CS có 10 hộ nhận đất và được cấp GCNQSDĐ riêng, nhưng chung một thửa là thửa 140, tờ bản đồ số 5, tổng diện tích trên giấy chứng nhận của 10 hộ là 1.592m2. Đất của gia đình ông theo GCNQSDĐ là 133 m2, theo bản đồ địa chính năm 2003 là thửa 315, tờ bản đồ số 11, diện tích 215m2 (tăng 82m2 so với diện tích đất trong GCNQSDĐ năm 1994). Năm 2003 Nhà nước thu hồi 73m2 đất để làm đường Hồ Chí Minh, diện tích đất nhà ông còn lại sau thu hồi ở xứ ĐM- CS là 142m2.
Năm 2011, Nhà nước vận động dồn điền đổi thửa, khu đất ĐM-CS dồn cho ông V theo dạng liền khu tức dồn các khu xung quanh cho ông V không qua hình thức bốc thăm, tại khu đất này có 8 hộ chuyển cho ông V với diện tích là 2 sào 11 thước tương đương với 1.366m2, trong đó không bao gồm đất của gia đình ông. Diện tích đất giao cho ông V năm 2011 ở khu ĐM-CS của 8 hộ dân (trừ gia đình ông) thì diện tích ông V đang sử dụng cao hơn 274m2 so với sổ sách. Diện tích đất gia đình ông vẫn sử dụng ổn định trồng cây hoa màu từ năm 2011 cho đến nay. Từ các căn cứ và tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án khẳng định yêu cầu khởi kiện của gia đình ông V và bà T không có cơ sở vì:
Theo số liệu thống kê của Tiểu ban dồn điền đổi thửa thôn Q (nay là thôn L) cho thấy, tổng diện tích đất của gia đình ông V được chia tại khu ĐM-CS là 2 sào 11 thước tương đương với diện tích là 1.366m2, trong khi đó khu ĐM-CS có diện tích hiện tại mà ông V đang quản lý, sử dụng là 3 sào 1 thước, trong tổng số này không có diện tích của ông, việc này cũng được thể hiện tại các bút lục khác trong hồ sơ vụ án, tiểu ban dồn diền đổi thửa chưa chia cho ông V sử dụng. Như vậy, gia đình ông V đang quản lý, sử dụng thừa 5 thước đất nông nghiệp tương đương với 165m2. Theo báo cáo số 71 ngày 20/08/2020 của UBND xã Q thể hiện hộ ông V được Nhà nước giao đất theo Nghị định 64 là 2.232m2, sau dồn điền đổi thửa được giao 2.462,6m2 tăng so với diện tích ban đầu là 230,6m2, trên kết quả xác minh thực địa đó UBND xã Q kết luận rằng việc hộ ông kiến nghị là có cơ sở, do ban dồn điền đổi thửa thôn Q cũ (nay là thôn L) và tài liệu thể hiện không giao 142m2 thửa đất 315 cho hộ ông V. Đại diện theo ủy quyền của ông V căn cứ vào thông báo số 28 của UBND xã Q ngày 15/04/2021 để cho rằng: “Mặc dù trong sổ tích kê chưa thể hiện hết khu đất ĐM-CS giao cho ông Quách Văn V, nhưng ngoài thực địa tiểu ban dồn điền đổi thửa thôn vẫn giao hết khu đất ĐM-CS cho hộ ông V canh tác”, kết luận này là không khách quan, kèm theo thông báo này các ban viên của ban dồn điền đổi thửa đã xác nhận lại vào ngày 08/06/2021 khẳng định rằng thực tế tiểu ban dồn điền đổi thửa chưa bao giờ giao diện tích đất nêu trên trong thông báo số 28 này cho gia đình ông V.
Chủ trương chính sách dồn điền đổi thửa của Nhà nước, gia đình ông không phản đối nhưng quá trình triển khai chính sách kế hoạch dồn điền đổi thửa phải có sự xác nhận đồng ý của chủ sử dụng đất là ông. Trong quá trình thực hiện phương án dồn điền đổi thửa thôn L không có một tài liệu chứng cứ nào thể hiện rằng toàn bộ diện tích đất ở khu ĐM-CS giao cho ông V quản lý. Trong tài liệu của UBND xã khu đất ông V đang quản lý đang còn thừa đất và UBND xã đang có báo cáo để thu hồi. Từ những lý do nêu trên khẳng định yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không có căn cứ để được chấp nhận. Đề nghị Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông V và bà T.
3. Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là anh Quách Văn C2 và anh Quách Văn C1 trình bày thống nhất như quan điểm của nguyên đơn.
4. Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị C3, anh Nguyễn Văn H3 và anh Nguyễn Văn H4 trình bày thống nhất như quan điểm của bị đơn.
5. Ý kiến của UBND huyện T thể hiện tại văn bản số 634/UBND-TNMT ngày 18/03/2022 và các tài liệu, chứng cứ khác cụ thể: Theo báo cáo số 51/BC- UBND ngày 15/04/2021 của UBND xã Q xác minh và giải quyết nội dung tranh chấp: Năm 2011 theo phương án dồn diền đổi thửa tại thôn Q (nay là thôn L) đã thống nhất dồn hết đất sản xuất nông nghiệp của các hộ gia đình trong thôn thành quỹ đất chung, sau đó trừ diện tích làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng, rồi mới chia cho các hộ gia đình theo diện tích còn lại; mỗi hộ gia đình sau khi dồn điền đổi thửa nhận từ 1 đến 2 khu đất, các hộ đã giao và nhận khu đất theo đúng phương án dồn điền đổi thửa. UBND xã Q xác định khu vực đang có tranh chấp không giao cho hộ ông Quách Văn V và cũng không giao cho hộ ông Nguyễn Văn H. Ông Quách Văn V sử dụng từ khi dồn điền đổi thửa đến năm 2020 thì xảy ra tranh chấp, khu vực đất nông nghiệp đang tranh chấp sau khi dồn điền đổi thửa chưa cấp GCNQSDĐ nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân nào.
6. Ý kiến của UBND xã Q, huyện T: Khu đất đang có tranh chấp giữa hộ ông V và hộ ông H thuộc đất chân mạ, trước đây có nhiều hộ canh tác trong đó có hộ ông H và hộ ông V. Năm 2011, thực hiện kế hoạch dồn điền đổi thửa của UBND huyện T và UBND xã Q về công tác dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp đã thực hiện đúng theo kế hoạch của cấp trên. Trước khi dồn điền đổi thửa thôn đã thống nhất dồn hết đất sản xuất nông nghiệp của các hộ gia đình trong thôn thành quỹ đất chung, sau đó trừ đất làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng, rồi mới chia cho các hộ theo diện tích còn lại, mỗi hộ gia đình sau khi đồn điền đổi thửa được nhận từ 1 đến 2 khu đất. Khi chia nếu hộ gia đình nào thừa hoặc thiếu không quá 3 thước tương đương với khoảng 99m2 thì không lấy ra và cũng không bù vào. Mỗi sào 500m2 đất tốt phải trừ đi 2 thước tức là 66m2, sào đất xấu được cộng thêm 2 thước là 66m2, việc cộng trừ đất xấu và đất tốt đã được bàn bạc công khai dân chủ, thống nhất trong nhân dân và thực hiện (có biên bản hội nghị thôn ngày 08/08/2011). Khu đất đang tranh chấp hiện chưa giao cho gia đình nào mà hộ ông V đang sử dụng từ khi dồn điền đổi thửa đến năm 2020 thì có tranh chấp.
Theo phương án dồn điền đổi thửa hộ ông Nguyễn Văn H được nhận 2 khu đất tại M 1 là 2 sào và khu đất xấu tại ĐC là gần 4 sào. Hộ ông H được cộng vào 132m2. Hộ ông H được giao đất ngoài thực địa là 2.920m2 + 132m2 = 3.052m2.
Kết quả đo đạc ngoài thực địa khu M 1 có diện tích là 1.041,7m2; tại khu ĐC là 2.056,9m2, tổng hai khu là 3.098,6m2. Cân đối giữa khu đất được giao theo phương án dồn điền đổi thửa và ngoài thực địa đất hộ ông H đang sử dụng tăng 46,6m2 thấp hơn 3 thước nên không phải thu lại.
Theo phương án dồn điền đổi thửa hộ ông Quách Văn V được nhận 2 khu đất tại đồng M 2 (tức ĐM-CS) diện tích là 1.366m2 và khu đất tại ĐB là 866m2. Hộ ông V đang sử dụng đất ở ngoài thực địa ở ĐM-CS là 1.665,4m2, tại ĐB là 793m2, tổng diện tích ngoài thực địa là 2.458,4m2. Cân đối giữa khu đất được giao theo phương án dồn điền đổi thửa và ngoài thực địa đất hộ ông V đang sử dụng tăng 226,4m2 hơn 3 thước nên phải thu lại.
Kết luận của UBND xã Q: Hộ ông Nguyễn Văn H hiện không còn đất ở khu M 2 (tức ĐM-CS) vì khi dồn diền đổi thửa đã dồn hết vào quỹ đất chung, các hộ không còn các thửa đất cũ. Sau khi dồn điền đổi thửa hộ ông H đã nhận đủ đất theo phương án và cao hơn so với diện tích đất giao theo Quyết định 117 và đã nhận được GCNQSDĐ.
Đối với hộ ông V khi dồn điền đổi thửa vào năm 2011, tiểu ban dồn điền đổi thửa đã chủ quan vội vàng thiếu tinh thần trách nhiệm mặc dù trong sổ tích kê chưa thể hiện hết khu đất ĐM-CS giao cho hộ ông V, nhưng ngoài thực địa tiểu ban dồn điền đổi thửa vẫn giao khu đất ĐM-CS cho hộ ông V canh tác. Sau khi kiểm tra xác minh lại toàn bộ diện tích đất giao cho hộ ông V thì hộ ông V đang thừa đất sản xuất nông nghiệp với diện tích là 226,4m2.
7. Ý kiến của những người làm chứng (trong tiểu ban dồn điền đổi thửa):
* Các ông Nguyễn Xuân K, Lê Văn N, Quách Công S (Phạm Minh S) trình bày: Năm 2011 các ông là thành viên trong ban dồn điền đổi thửa thôn L, quá trình giao đất cho hộ ông Quách Văn V, ban dồn điền đổi thửa chưa giao đất của hộ ông Nguyễn Văn H trước đây tại khu đất ĐM-CS cho hộ ông V.
* Ông Nguyễn Xuân T7 là Phó tiểu ban dồn điền đổi thửa thôn Q (nay là thôn L) khẳng định: Ông là người chỉ đạo cho ban dồn điền đổi thửa chia đất cho toàn bộ các hộ tại thôn L, xã Q, quá trình chia và giao đất theo chủ trương chung thì hộ ông Nguyễn Văn V được chia toàn bộ khu đất ở khu ĐM-CS bao gồm cả diện tích nhà ông Nguyễn Văn H, vì theo hội nghị của tiểu ban dồn điền đổi thửa thôn Q ngày 10/10/2011 đã thống nhất những hộ có đất gần nhà phải nhận đất gần nhà dù đó là khu đất xấu. Từ khi được giao đất năm 2011 hộ ông V đã sử dụng đất ổn định, đến năm 2020 thì hai hộ mới xảy ra tranh chấp.
8. Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án đã tiến hành thẩm định đất, thể hiện tại biên bản đo đạc ngày 08/12/2021 và biên bản thẩm định lại vào ngày 22/6/2023 (có sơ đồ kèm theo), đồng thời định giá các tài sản trên khu đất đang tranh chấp ngày 27/7/2023, cụ thể như sau:
* Về đất: Diện tích đất đang tranh chấp giữa ông Quách Văn V và ông Nguyễn Văn H tại ĐM-CS: Phía Bắc giáp hộ ông Quách Văn V; phía Nam giáp hộ ông Quách Văn V; phía Đông giáp đường mòn Hồ Chí Minh; phía Tây giáp hộ ông Quách Văn V.
Theo bảng giá đất, vị trí đất đang tranh chấp thuộc vị trí số 1, đơn giá 35.000đ/m2. Thửa đất có diện tích 315,9 m2 x 35.000đ/m2 =11.056.500 đồng.
* Về cây cối trên đất đang tranh chấp:
- Về cây nhà ông Nguyễn Văn H:
+ Cây chuối: có 45 gốc chuối = 90 cây x 60.000đ/cây = 5.400.000 đồng;
+ 01 cây dâu da, phần thân đã cắt không còn giá trị;
+ Cọc bê tông 14 cọc có giá trị 763.000 đồng.
Tổng giá trị tài sản hộ ông H là: 6.163.000 đồng.
- Về cây cối nhà ông Quách Văn V trên đất tranh chấp là:
+ 02 cây xà cừ trị giá 02 cây x 326.000đ/cây = 652.000 đồng;
+ 01 cây sung có giá trị 622.000 đồng;
+ 01 cây bưởi có giá trị 90.000 đồng;
+ 03 cây bằng lăng có giá trị: 03 cây x 340.000đ/cây = 1.020.000 đồng;
+ 01 cây mít có giá trị 700.000 đồng.
Tổng giá trị tài sản trên đất của gia đình ông Quách Văn V là 3.084.000 đồng.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 22/2023/DS-ST ngày 18 tháng 9 năm 2023 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Thanh Hóa quyết định:
Căn cứ: khoản 9 Điều 26, khoản 1 Điều 147, Điều 157, 227, 266, 271 và 273 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 163, 166, 169, 175, 176, 183, 184, 185, 189, 210, 212 Bộ luật dân sự; Điều 131, 166, 168, 179 Luật Đất đai; điểm a khoản 1 Điều 24; khoản 1, khoản 2 Điều 26, điểm a khoản 2 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí và lệ phí Toà án:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Quách Văn V và bà Bùi Thị T.
2. Buộc ông Nguyễn Văn H phải tháo dỡ 14 cột bê tông, di dời toàn bộ hoa màu là các cây chuối trên diện tích đất 315,9m2, trả lại diện tích đất 315,9m2 cho ông V và bà T quản lý, sử dụng.
3. Ông Quách Văn V, bà Bùi Thị T được quyền làm thủ tục cấp GCNQSDĐ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật (có sơ đồ kèm theo). Diện tích đất trên tại thửa 232, 233, 234 tờ bản đồ số 21, bản đồ địa chính xã Q, có địa chỉ tại thôn L, xã Q, huyện T (nay là thửa đất số 54 tờ bản đồ số 39, bản đồ địa chính xã Q đo vẽ năm 2018).
Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên về nghĩa vụ chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, quyền yêu cầu thi hành án, nghĩa vụ nộp tiền án phí và quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.
Ngày 27/9/2023, ông Nguyễn Văn H kháng cáo toàn bộ bản án, với nội dung:
- Theo Bản án dân sự phúc thẩm lần 1 đã chỉ ra cấp sơ thẩm cần làm rõ số diện tích đất tại khu vực ĐM-CS mà nguyên đơn đã chuyển nhượng sau khi dồn điền đổi thửa, nhưng cấp sơ thẩm lần 2 chưa thực hiện.
- Cấp sơ thẩm không đo đạc trên thực địa để xác định diện tích nguyên đơn đang sử dụng thừa hay thiếu so với diện tích được giao khi dồn điền đổi thửa.
- Cấp sơ thẩm không đo đạc để xác định diện tích đất tranh chấp, trong đó có 142m2 đất của bị đơn nằm ở vị trí nào? - Không xem xét đầy đủ tài liệu có trong hồ sơ để xác định diện tích bị đơn sử dụng từ năm 1993 Ban dồn điền đổi thửa có đưa vào thực hiện dồn điền đổi thửa và giao cho nguyên đơn hay không? - Chưa xem xét đầy đủ tài liệu do UBND xã Q cung cấp, cụ thể: về diện tích đất mà bị đơn sử dụng từ năm 1993 đến nay, cụ thể diện tích đất có bị biến động hay không? Diện tích biến động này có được Nhà nước công nhận hay không? Về thời gian sử dụng đất liên tục (thể hiện ở số cây được trồng trên đất của bị đơn từ năm 2010 cho đến nay và số cây trồng của nguyên đơn từ năm 2018, nguyên đơn thừa nhận số cây trồng trên đất tranh chấp được trồng từ năm 2018. Tại sao đến năm 2018 mới trồng cây trên đất, ngay sau khi nguyên đơn trồng cây tranh chấp xảy ra) Hội đồng xét xử chưa làm rõ? Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm, bị đơn, người đại diện theo ủy quyền của bị đơn, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn có đơn đề nghị Tòa án trưng cầu giám định đối với chữ ký chữ viết của ông Nguyễn Văn H trong biên bản làm việc ngày 12/5/2020 tại UBND xã Q.
Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn không rút đơn khởi kiện, bị đơn không rút đơn kháng cáo, các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.
Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn có quan điểm: Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, thì có cơ sở khẳng định hộ ông Nguyễn Văn H vẫn còn 142m2 đất nông nghiệp tại khu ĐM-CS, tiểu ban dồn điền đổi thửa chưa giao cho hộ ông Quách Văn V. Tòa án cấp sơ thẩm chưa thu thập đầy đủ và đánh giá toàn diện các tài liệu, chứng cứ, ban hành bản án chưa phù hợp, chưa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn. Đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) phúc thẩm chấp nhận toàn bộ nội dung kháng cáo của bị đơn, hủy bản án sơ thẩm, giao cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự.
Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn đề nghị HĐXX phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án cấp sơ thẩm.
Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa phát biểu ý kiến:
- Về thủ tục tố tụng: Thẩm phán, HĐXX, Thư ký Tòa án và các bên đương sự đã tuân thủ, thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) tại cấp phúc thẩm.
- Về nội dung: Căn cứ Quyết định số 1735/QĐ-UBND ngày 29/5/2019 của UBND huyện T về việc cấp lại GCNQSDĐ sản xuất nông nghiệp cho các hộ gia đình, cá nhân tại xã Q sau dồn điền đổi thửa (Đợt 1) năm 2019 cũng như GCNQSDĐ số CK 907080, số vào sổ CH 0007 cấp ngày 29/5/2019, thì hộ gia đình ông Nguyễn Văn H, bà Nguyễn Thị C3 được cấp 1.041,7m2 đất chuyên trồng lúa nước tại xứ đồng M 1 và 727,6m2 đất trồng lúa nước còn lại tại xứ ĐC, như vậy, sau khi thực hiện phương án dồn điền đổi thửa, thì hộ ông H, bà C3 không còn đất sản xuất nông nghiệp tại xứ ĐM-CS nữa. Đề nghị HĐXX phúc thẩm căn cứ vào khoản 1 Điều 308 BLTTDS, không chấp nhận kháng cáo của ông Nguyễn Văn H, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 22/2023/DS-ST ngày 18/9/2023 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Thanh Hóa.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, HĐXX phúc thẩm thấy rằng:
[1] Về thủ tục tố tụng: Sau khi xét xử sơ thẩm, bị đơn ông Nguyễn Văn H có đơn kháng cáo trong thời hạn quy định của BLTTDS và nộp tạm ứng án phí phúc thẩm, nên được chấp nhận xem xét theo thủ tục phúc thẩm.
[2] Xét nội dung kháng cáo của bị đơn ông Nguyễn Văn H:
[2.1] Theo Bản án dân sự phúc thẩm lần 1 đã chỉ ra cấp sơ thẩm cần làm rõ số diện tích đất tại khu vực ĐM-CS mà nguyên đơn đã chuyển nhượng sau khi dồn điền đổi thửa, nhưng cấp sơ thẩm lần 2 chưa thực hiện:
Tại biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ ngày 22/6/2023 thể hiện: diện tích đất đang tranh chấp giữa ông Quách Văn V và ông Nguyễn Văn H tại ĐM-CS: phía Bắc giáp hộ ông Quách Văn V; phía Nam giáp hộ ông Quách Văn V; phía Đông giáp đường mòn Hồ Chí Minh; phía Tây giáp hộ ông Quách Văn V. Như vậy, xác định không có việc ông V chuyển nhượng đất nông nghiệp cho người khác. Hơn nữa, nếu như có việc ông V chuyển nhượng đất nông nghiệp cho người khác thì cũng không ảnh hưởng đến việc xem xét gia đình ông Nguyễn Văn H có còn được sử dụng đất nông nghiệp tại khu ĐM-CS hay không.
[2.2] Cấp sơ thẩm không đo đạc trên thực địa để xác định diện tích nguyên đơn đang sử dụng thừa hay thiếu so với diện tích được giao khi dồn điền đổi thửa; cũng như xác định diện tích đất tranh chấp, trong đó có 142m2 đất của bị đơn nằm ở vị trí nào? Cấp sơ thẩm đã xem xét, thẩm định tại chỗ, xác định toàn bộ diện tích đất đang có tranh chấp để xem xét yêu cầu của nguyên đơn hay bị đơn là có căn cứ pháp luật. Việc xác định diện tích nguyên đơn đang sử dụng là thừa hay thiếu so với diện tích được giao khi dồn điền đổi thửa cũng không phải là căn cứ để xem xét gia đình ông Nguyễn Văn H có còn được sử dụng đất nông nghiệp tại khu ĐM-CS hay không. Hiện tại, Tòa án các cấp đang xem xét giải quyết bị đơn có còn diện tích đất nông nghiệp tại khu ĐM-CS hay không, nên khi xem xét, thẩm định tại chỗ chỉ xác định toàn bộ diện tích đất đang tranh chấp, chứ không xác định 142m2 đất của bị đơn nằm ở vị trí nào như yêu cầu của bị đơn được.
[2.3] Xem xét nội dung kháng cáo của bị đơn về việc Tòa án cấp sơ thẩm chưa xem xét đầy đủ tài liệu có trong hồ sơ vụ án, nhất là các tài liệu do UBND xã Q cung cấp để giải quyết vụ án:
Các tài liệu đã thu thập được có trong hồ sơ vụ án thể hiện: Trước khi dồn điền đổi thửa thì hộ ông H có đất sản xuất nông nghiệp ở khu ĐM-CS, thể hiện tại GCNQSDĐ số E 0142988 ngày 04/5/1994 diện tích là 133m2. Năm 2003 khi giải phóng đền bù xây dựng đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1, thì Nhà nước đã thu hồi 73m2 đất sản xuất nông nghiệp của hộ ông Nguyễn Văn H, nên hộ ông H chỉ còn 60m2 đất sản xuất nông nghiệp tại khu ĐM-CS.
Thực hiện phương án dồn điền đổi thửa, theo chủ trương chung, mỗi hộ sẽ dồn lại từ 01 đến 02 thửa, khu đất xấu 01 sào được công thêm 02 thước, khu đất tốt 01 sào phải trừ đi 02 thước. Hộ ông Nguyễn Văn H được nhận đất tại hai xứ đồng M 1 và ĐC-ND; hộ ông Quách Văn V được nhận đất tại xứ ĐM-CS (khu đất xấu gần nhà) và ĐC-ND.
Như vậy, sau khi thực hiện phương án dồn điền đổi thửa, thì hộ ông Nguyễn Văn H không còn đất ở khu ĐM-CS nữa. Điều này được thể hiện tại Quyết định số 1735/QĐ-UBND ngày 29/5/2019 của Ủy ban nhân dân huyện T về việc cấp lại GCNQSDĐ sản xuất nông nghiệp cho các hộ gia đình, cá nhân tại xã Q sau dồn điền đổi thửa (Đợt 1) năm 2019 cũng như GCNQSDĐ số CK 907080, số vào sổ CH 0007 cấp ngày 29/5/2019, thì hộ gia đình ông Nguyễn Văn H, bà Nguyễn Thị C3 được cấp 1.041,7m2 đất chuyên trồng lúa nước tại xứ đồng M 1 và 727,6m2 đất trồng lúa nước còn lại tại xứ đồng ĐC. Đây là chứng cứ quan trọng để xác định sau khi thực hiện phương án dồn điền đổi thửa hộ ông Nguyễn Văn H không còn được giao đất nông nghiệp tại khu ĐM-CS nữa.
Điều này hoàn toàn phù hợp với lời khai của ông Nguyễn Xuân T7 nguyên là trưởng thôn, Phó tiểu ban dồn điền đổi thửa thôn Q (nay là thôn L) và quan điểm của UBND xã Q, huyện T tại báo cáo số 51/BC-UBND ngày 15/4/2021.
- Lời trình bày của ông Nguyễn Xuân T7 tại biên bản làm việc ngày 25/6/2020 (BL 10) và biên bản lấy lời khai ngày 18/6/2021 (BL 210-211) thể hiện: Ông là người chỉ đạo cho ban dồn điền đổi thửa chia đất cho toàn bộ các hộ tại thôn L, xã Q, quá trình chia và giao đất theo chủ trương chung thì hộ ông Nguyễn Văn V được chia toàn bộ khu đất ở khu ĐM-CS bao gồm cả diện tích nhà ông Nguyễn Văn H, vì theo hội nghị của tiểu ban dồn điền đổi thửa thôn Q ngày 10/10/2011 đã thống nhất những hộ có đất gần nhà phải nhận đất gần nhà dù đó là khu đất xấu. Sau khi hộ ông H và hộ ông V nhận đất từ năm 2011 - 2019 vẫn ổn định, không có tranh chấp gì. Đối với hộ ông H đã được cấp GCNQSDĐ, còn đất đang tranh chấp là của nhà ông V, đến nay chưa được cấp GCNQSDĐ. Gia đình ông V đã canh tác ổn định từ năm 2011 cho đến khi có tranh chấp năm 2019. Khi cấp cho nhà ông V có thừa ra hai thước nhưng là khu đất xấu nên được bù vào đấy. Mỗi hộ đều được cấp hai thửa, nhà ông V được cấp ở ĐM-CS và ĐC-ND, nhà ông H được cấp ở M 1 và ĐC-ND, các hộ đều thống nhất canh tác. Đối với hộ nhà ông H đã được cấp đất và có GCNQSDĐ nên không còn đất ở ĐM-CS nữa.
- Báo cáo số 51/BC-UBND ngày 15/4/2021 của UBND xã Q (BL 467-469) thể hiện: Hộ ông Nguyễn Văn H, thôn Q cũ (nay là thôn L) được Nhà nước giao đất sản suất nông nghiệp theo Nghị định 64-CP và Quyết định 117 với tổng diện tích 2.993m2, được UBND huyện T cấp GCNQSDĐ ngày 04/5/1994, số giấy chứng nhận E 0142988.
Năm 2003 khi giải phóng đền bù xây dựng đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1, thì Nhà nước đã thu hồi 73m2 đất sản xuất nông nghiệp của hộ ông Nguyễn Văn H. Như vậy tổng diện tích đất nông nghiệp hộ gia đình ông Nguyễn Văn H còn lại trước khi thực hiện công tác dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp năm 2011 là 2.993m2 – 73m2 = 2.920m2.
Năm 2011, thực hiện kế hoạch dồn điền đổi thửa của UBND huyện T và UBND xã Q về công tác dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp đã thực hiện đúng theo kế hoạch của cấp trên. Trước khi dồn điền đổi thửa thôn Q cũ (nay là thôn L) đã thống nhất dồn hết đất sản xuất nông nghiệp của các hộ gia đình trong thôn thành quỹ đất chung, sau đó trừ đất làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng, rồi mới chia cho các hộ theo diện tích còn lại, mỗi hộ gia đình sau khi dồn điền đổi thửa được nhận từ 1 đến 2 khu đất. Khi chia nếu hộ gia đình nào thừa hoặc thiếu không quá 3 thước tương đương với khoảng 99m2 thì không lấy ra và cũng không bù vào. Mỗi sào 500m2 đất tốt phải trừ đi 2 thước tức là 66m2, sào đất xấu được cộng thêm 2 thước là 66m2, việc cộng trừ đất xấu và đất tốt đã được bàn bạc công khai dân chủ, thống nhất trong nhân dân và thực hiện (có biên bản hội nghị thôn ngày 08/08/2011). Vị trí đất đang tranh chấp không được liệt kê đến để giao cho hộ gia đình nào, nhưng hộ gia đình ông Quách Văn V đang sử dụng từ khi dồn điền đổi thửa song đến năm 2020 thì xảy ra tranh chấp.
Theo phương án dồn điền đổi thửa hộ ông Nguyễn Văn H được nhận 2 khu đất: khu đất tốt tại đồng M 1 là 2 sào và khu đất xấu tại ĐC là gần 4 sào. Hộ ông H được cộng thêm 132m2. Hộ ông H được giao đất ngoài thực địa là 2.920m2 + 132m2 = 3.052m2. Kết quả đo đạc ngoài thực địa khu M 1 có diện tích là 1.041,7m2; tại khu ĐC là 2.056,9m2, tổng hai khu là 3.098,6m2. Cân đối giữa khu đất được giao theo phương án dồn điền đổi thửa và ngoài thực địa đất hộ ông H đang sử dụng tăng 46,6m2 thấp hơn 3 thước nên không phải thu lại.
Theo phương án dồn điền đổi thửa hộ ông Quách Văn V được nhận đất tại 2 xứ đồng, cụ thể tại đồng M 2 (tức ĐM-CS) diện tích là 1.366m2; tại ĐB (tức ĐC-ND) là 866m2, tổng diện tích là 2.232m2. Kết quả đo đạc ngoài thực địa khu ĐM-CS là 1.665,4m2, khu ĐC-ND là 793m2, tổng diện tích ngoài thực địa là 2.458,4m2. Cân đối giữa khu đất được giao theo phương án dồn điền đổi thửa và ngoài thực địa đất hộ ông V đang sử dụng tăng 226,4m2 hơn 3 thước nên phải thu lại.
- Kết luận của UBND xã Q: Hộ ông Nguyễn Văn H hiện tại không còn đất sản xuất nông nghiệp tại xứ ĐM-CS, vì trước khi dồn diền đổi thửa, thôn Q cũ (nay là thôn L) đã thống nhất dồn tất cả đất nông nghiệp của tất cả các hộ lại thành quỹ đất chung, các hộ không còn các thửa đất cũ. Sau dồn điền đổi thửa hộ ông Nguyễn Văn H đã nhận đủ đất đúng theo phương án và cao hơn so với diện tích đất giao theo Quyết định 117.
[3] Xem xét ý kiến của một số người làm chứng khác:
- Tại biên bản làm việc ngày 09/7/2020 (BL 09), ông Nguyễn Văn T8 trình bày: “Trước khi thực hiện công tác dồn điền đổi thửa thôn Q đã thu lại hết đất nông nghiệp của người dân trong thôn, sau đó trừ diện tích làm đường giao thông nội đồng rồi chia cho các hộ gia đình theo diện tích còn lại của hộ... Toàn bộ diện tích đất ở xứ ĐM-CS tiểu ban dồn điền đổi thửa đã chia cho hộ gia đình ông Quách Văn V (không bao gồm đất 5%) quản lý và sử dụng. Sau khi dồn điền đổi thửa hộ gia đình ông Nguyễn Văn H không được chia đất nông nghiệp tại xứ ĐM-CS mà chỉ tận dụng đất 5% do UBND xã quản lý. Đến thời điểm hiện tại diện tích khu đất đang tranh chấp giữa gia đình ông Quách Văn V và gia đình ông Nguyễn Văn H thuộc đất 5% do UBND xã quản lý...”. Ông Quách Công C4 trình bày: “Diện tích này tiểu ban dồn điền đổi thửa không chia cho hộ gia đình nào, hộ gia đình ông Nguyễn Văn H chỉ tận dụng canh tác khi Nhà nước chưa thu hồi phục vụ công trình phúc lợi”. Ông Lê Văn N trình bày: “Thống nhất ý kiến ông C4, nhưng trước khi ông H tận dụng đất đang tranh chấp, gia đình ông Lê Văn N đã trồng chuối ở đó (không nhớ rõ thời gian trồng năm nào), nhưng vị trí đó là đất 5% do UBND xã quản lý, không phải là đất nông nghiệp giao cho hộ gia đình nào”. Ông Nguyễn Trọng L2 thống nhất ý kiến ông C4, ông N. Tuy nhiên, tại văn bản ngày 14/3/2021 (BL 96), những người làm chứng này lại xác nhận cho ông H nội dung “chưa dồn điền vào đất của ông V nên gia đình ông H vẫn sử dụng” là trình bày mâu thuẫn. Nội dung này còn trái ngược với công tác dồn điền đổi thửa tại địa phương.
- Theo Giấy xác nhận ngày 14/3/2021 do ông Nguyễn Văn H xin xác nhận của các ông Nguyễn Trọng L2, Nguyễn Văn T8, Lê Văn N có nội dung xác nhận “ông H là chủ sử dụng mảnh đất có diện tích 215m2 được UBND huyện T cấp GCNQSDĐ ngày 04/5/1992, .... đến năm 2003 nhà nước thu hồi 73m2 làm đường Hồ Chí Minh nên diện tích còn lại là 142m2” là không chính xác, vì theo GCNQSDĐ được cơ quan có thẩm quyền cấp, ông H chỉ được cấp diện tích 133m2, đã bị thu hồi 73m2, nên ông H chỉ còn lại 60m2.
[4] Theo kết quả thẩm định tại chỗ ngày 22/6/2023 thì các cây ông H trồng trên đất chỉ là cây chuối, mỗi bụi chuối chỉ có 2 cây nên có căn cứ khẳng định chuối mới được trồng chứ không phải là đã được trồng lâu năm.
[5] Xem xét yêu cầu về việc trưng cầu giám định chữ ký chữ viết của ông H trong biên bản làm việc ngày 12/5/2020 tại UBND xã Q:
Tại đơn kháng cáo, bị đơn không kháng cáo về nội dung này, mà qua hai lần hoãn phiên tòa, bị đơn, người đại diện theo ủy quyền của bị đơn, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn mới có đơn đề nghị Tòa án trưng cầu giám định chữ ký của ông Nguyễn Văn H trong biên bản làm việc ngày 12/5/2020 tại UBND xã Q. Mặt khác, biên bản làm việc ngày 12/5/2020 có chữ ký của ông Nguyễn Văn H, ông Quách Văn V và những người đại diện thôn L, đại diện UBND xã Q. Nội dung biên bản ghi rõ: “... Sau khi thảo luận, thành phần chúng tôi có ý kiến như sau...” nghĩa là nội dung biên bản chỉ thể hiện ý kiến của những người đại diện thôn và UBND xã, chứ không thể hiện ý kiến của ông H và ông V, nên việc xác định có phải chữ ký của ông H hay không phải chữ ký của ông H trong biên bản làm việc này không phải là căn cứ quyết định nội dung vụ án. Bản án sơ thẩm cũng không căn cứ vào nội dung biên bản làm việc ngày 12/5/2020 tại UBND xã Q để giải quyết vụ án. Vì vậy, việc trưng cầu giám định chữ ký chữ viết của ông H trong biên bản làm việc ngày 12/5/2020 là không cần thiết. Do đó, HĐXX phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu này.
Như vậy, toàn bộ nội dung kháng cáo của bị đơn là không có căn cứ, nên chấp nhận ý kiến của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa và ý kiến của người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn, không chấp nhận kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 22/2023/DS-ST ngày 18/9/2023 của Tòa án nhân dân huyện T.
[6] Về án phí: Do kháng cáo của ông Nguyễn Văn H không được chấp nhận nên ông H phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
[7] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị, Hội đồng xét xử không xem xét và đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào: khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự; khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án:
1. Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn ông Nguyễn Văn H. Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 22/2023/DS-ST ngày 18/9/2023 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Thanh Hóa.
2. Về án phí: Ông Nguyễn Văn H phải nộp 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) án phí dân sự phúc thẩm, nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2021/0008136 ngày 09/10/2023 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện T, ông H đã nộp đủ án phí dân sự phúc thẩm.
3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tranh chấp quyền sử dụng đất số 25/2024/DS-PT
Số hiệu: | 25/2024/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Thanh Hoá |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 02/02/2024 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về