TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI
BẢN ÁN 10/2024/DS-PT NGÀY 21/03/2024 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
Ngày 21/3/2024 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh L xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 36/2023/TLPT-DS ngày 12 tháng 10 năm 2023 về việc “Tranh chấp quyền sử dụng đất, yêu cầu chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật đối với việc thực hiện quyền sử dụng đất”. D bản án dân sự sơ thẩm số 16/2023/DS-ST ngày 30/08/2023 của Tòa án nhân dân thị xã P, tỉnh L bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 37/2023/QĐ-PT ngày 23/11/2023 giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn:
- Ông Hà Minh Q. Địa chỉ: Tổ 20, phường T, thành phố C, tỉnh L (Vắng mặt)
Người đại diện theo ủy quyền của Nguyên đơn: Ông Ma Ngọc Mạnh L1. Địa chỉ: Tổ 01, phường P, thị xã P, tỉnh L (Có mặt)
- Bà Nguyễn Cẩm L1. Địa chỉ: Tổ 03, phường P, thị xã P, tỉnh L (Vắng mặt)
2. Bị đơn: Ông Sùng A L.
Địa chỉ: Thôn H1, xã L1, thị xã P, tỉnh L. (Có mặt)
Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn: Ông Sùng A S. Địa chỉ: Bản N, xã P1, huyện N1, tỉnh L. (Có mặt)
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Ông Trần Ngọc T1. Địa chỉ: Số nhà 55, tổ dân phố số 11, phường T2, thành phố P2, tỉnh Điện Biên. (Có mặt)
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
- Bà V Thị B (Có mặt).
- Bà V Thị D (Vắng mặt)
- Ông Sùng A H2 (Có mặt)
- Ông Sùng A L2 (Vắng mặt)
- Bà V Thị T3 (Vắng mặt)
- Bà V Thị D1 (Có mặt)
Cùng địa chỉ: Thôn Ý Lình Hồ 1, xã Hoàng Liên, thị xã P, tỉnh L.
Người đại diện theo ủy quyền của của bà V Thị D: Ông Sùng A L. Địa chỉ: Thôn Ý Lình Hồ 1, xã Hoàng Liên, thị xã P, tỉnh L. (Có mặt)
4. Người làm chứng:
- Ông Thào A S1. Địa chỉ: Thôn L Chải San 2, xã Hoàng Liên, thị xã P, tỉnh L;
- Ông Sùng A T2. Địa chỉ: Thôn Ý Lình Hồ 1, xã Hoàng Liên, thị xã P, tỉnh L.
- Ông Sùng A V.
- Ông Sùng A L3 Cùng địa chỉ: Thôn H2, xã L1, thị xã P, tỉnh L.
- Ông Sùng A Cở. Địa chỉ: Thôn H, xã L, thị xã P, tỉnh L.
(Những người làm chứng đều vắng mặt).
5. Người kháng cáo: Bị đơn ông Sùng A L.
Địa chỉ: Thôn H1, xã L, thị xã P, tỉnh L. (Có mặt)
NỘI DUNG VỤ ÁN
Nguyên đơn và người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày:
Năm 1986, ông Hà Minh Q khai phá diện tích đất khoảng 2,5ha tại xóm 2, thị trấn P, huyện P (Nay là tổ 02, phường P, thị xã P), tỉnh L. Năm 1992, gia đình ông Hà Minh Q làm thủ tục xin cấp đất và được Ủy ban nhân dân huyện P ban hành Quyết định cấp đất làm vườn rừng số: 22 với diện tích đất 2,5ha mang tên ông Hà Minh Q. Trong đó, đất trồng cây gây rừng là 0,5 ha; đất trồng cây ăn quả là 1,0 ha; đất nương định canh là 1,0 ha. Sau khi được cấp đất gia đình trồng cây theo phương thức nông, lâm kết hợp thâm canh trồng cây ăn quả, trồng xen cây Thông Sa Mộc, cây Trẩu và Tống Cuốn Sủi. Đến năm 2004, các loại cây lâu năm khép tán phủ kín đất, nên gia đình không trồng cây hàng năm nhưng vẫn tiếp tục chăm sóc cây và quản lý vườn rừng.
Đến đầu năm 2018, một số hộ gia đình người H’Mông tranh chấp chặt phá cây và lấn chiếm đất để trồng cây ngô, trong đó có gia đình ông Sùng A L lấn chiếm diện tích đất là 2.293,5m2, địa chỉ tổ 02, phường P, thị xã P, tỉnh L.
Ngày 07 tháng 8 năm 2019, Hạt Kiểm lâm thị xã P, Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã P, Trung tâm phát triển quỹ đất thị xã P, Ban quản lý khu du lịch sinh thái Hàm Rồng, Ủy ban nhân dân xã L Chải, Ủy ban nhân dân thị trấn P, Ủy ban nhân dân xã San Sả Hồ xác định diện tích đất vườn rừng của gia đình ông Hà Minh Q có 10 hộ dân lấn chiếm để trồng cây ngô gồm: các hộ gia đình ông Thào A Chảo, Sùng A Ch, V A D1, Sùng A L, Thào A S, Sùng A Sình, Sùng A Th, Sùng A V, Sùng A Cớ, V A Lử. Từ năm 2020 đến năm 2021, các hộ dân tiếp tục chặt phá rừng nên ông Hà Minh Q nhiều lần gửi đơn trình báo kèm theo ảnh hiện trạng rừng đến Hạt Kiểm lâm thị xã P, Công an phường P.
Ngày 10 tháng 3 năm 2021, Hạt Kiểm lâm thị xã P tiến hành làm việc với hộ gia đình ông Hà Minh Q, để thống nhất biện pháp trồng lại rừng trên diện tích đất đã được cấp làm vườn rừng đã bị các các hộ dân khác khai thác, chặt phá. Đến ngày 19 tháng 3 năm 2021, gia đình ông Hà Minh Q nhận 5000 cây Thông Sa Mộc của Hạt Kiểm lâm thị xã P để trồng lại trên diện tích đất vườn rừng đã bị chặt phá. Đến ngày 20 tháng 3 năm 2021, gia đình ông Hà Minh Q thuê người đưa cây đến trồng thì bị một số người dân tộc H’Mông đến ngăn cản, uy hiếp không cho trồng cây và nhổ hết số cây đã trồng. Đề nghị Tòa án nhân dân thị xã P giải quyết: Buộc ông Sùng A L và bà V Thị B, cụ V Thị Di, ông Sùng A H2, ông Sùng A L2, bà V Thị D1, bà V Thị T3 trả lại diện tích đất là 2.293,5m2, địa chỉ tổ 02, phường P, thị xã P, tỉnh L và phải chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật đối với quyền của người sử dụng đất.
Bị đơn và người đại diện theo ủy quyền của bị đơn trình bày:
Năm 1965, bố mẹ của ông Sùng A L là cụ V Thị Di và cụ Sùng A D khai phá sử dụng đất. Sau khi bố chết thì mẹ ông L là cụ V Thị Di sử dụng, anh em gia đình ông Sùng A L cùng bố mẹ canh tác từ năm 1984. Sau này cụ V Thị Di tuổi cao không canh tác mà từ năm 1994 để cho ông Sùng A L, ông Sùng A H2, ông Sùng A L2 tiếp tục cùng canh tác sử dụng chung diện tích đất là 2.293,5m2, địa chỉ tổ 02, phường P, thị xã P, tỉnh L. Diện tích đất này chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng vợ chồng ông Sùng A L, bà V Thị B, ông Sùng A H2 và ông Sùng A L2 cùng canh tác sử dụng, hàng năm trồng cây ngô đến nay đã thu hoạch xong. Ông Hà Minh Q không biết ở đâu đến tranh chấp đất. Diện tích đất tranh chấp là 2.293,5m2, địa chỉ tổ 02, phường P, thị xã P, tỉnh L, có tứ cận giáp đất ông V A Lử, địa chỉ thôn Ý L1 Hồ 2, xã Hoàng Liên, thị xã P, tỉnh L; Phần giáp đất ông Sùng A V, địa chỉ thôn Ý L1 Hồ 2, xã Hoàng Liên, thị xã P, tỉnh L; Phía giáp đất ông Sùng A Th, địa chỉ thôn Ý L1 Hồ 1, xã Hoàng Liên, thị xã P, tỉnh L; Phía giáp đất ông Sùng A Ch, địa chỉ thôn Ý L1 Hồ 2, xã Hoàng Liên, thị xã P, tỉnh L. Ông Sùng A L đề nghị ông Hà Minh Q rút đơn khởi kiện và đề nghị Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Hà Minh Q.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà V Thị B trình bày:
Năm 1996, bà V Thị B kết hôn với ông Sùng A L chung sống tại thôn Ý Lình 1, xã Hoàng Liên, thị xã P, tỉnh L, có canh tác trồng cây ngô trên diện tích đất là 2.293,5m2, địa chỉ tổ 02, phường P, thị xã P, tỉnh L. Bà B không biết về nguồn gốc đất do ai khai phá nhưng bà B đã cùng gia đình sử dụng canh tác đất từ năm 1996 đến nay, khi canh tác đã có cây thông, cây Sa Mộc. Bà V Thị B nhất trí ý kiến quan điểm đề nghị của ông Sùng A L.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ông Sùng A H2, ông Sùng A L2, bà V Thị D1, bà V Thị T3 trình bày:
Nguồn gốc đất tranh chấp là năm 1965, bố mẹ của ông H2, ông L2, ông L là cụ V Thị Di và cụ Sùng A D khai phá sử dụng. Sau khi cụ Sùng A D chết thì cụ V Thị Di vẫn sử dụng. Sau này do tuổi cao không canh tác được nên cụ Di để lại cho các con là ông Sùng A L, ông Sùng A H2, ông Sùng A L2 sử dụng diện tích đất là 2.293,5m2, địa chỉ tổ 02, phường P, thị xã P, tỉnh L. Diện tích đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 1997, bà V Thị D1 kết hôn với ông Sùng A H2, năm 2001 bà V Thị T3 kết hôn với ông ông Sùng A L2 thì gia đình các ông, bà cùng chung canh tác trên diện tích đất nêu trên. Hàng năm trồng cây ngô và đến nay đã thu hoạch. Nhất trí quan điểm của ông Sùng A L đề nghị Tòa án không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn ông Hà Minh Q.
Bản án dân sự sơ thẩm số 16/2023/DS-ST ngày 30/8/2023 của Tòa án nhân dân thị xã P, tỉnh L đã quyết định:
Căn cứ vào khoản 1 Điều 203 Luật Đất đai; Điều 164, Điều 166, Điều 169 Bộ luật dân sự; khoản 3 Điều 144, khoản 1 Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Tuyên xử:
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Hà Minh Q.
Buộc ông Sùng A L, bà V Thị B, cụ V Thị Di, ông Sùng A H2, ông Sùng A L2, bà V Thị D1, bà V Thị T3 phải trả cho ông Hà Minh Q diện tích đất là 2.293,5m2, địa chỉ tổ 02, phường P, thị xã P, tỉnh L theo Quyết định cấp đất làm vườn rừng số 22 đối với diện tích đất 2,5 ha do Ủy ban nhân dân huyện P cấp ngày 25 tháng 5 năm 1992 mang tên ông Hà Minh Q. Diện tích đất có tứ cận giáp đất hộ ông V A Lử, địa chỉ thôn Ý L1 Hồ 2, xã Hoàng Liên, thị xã P, tỉnh L; Phần giáp đất hộ ông Sùng A V, địa chỉ thôn Ý L1 Hồ 2, xã Hoàng Liên, thị xã P, tỉnh L; Phía giáp đất hộ ông Sùng A Th, địa chỉ thôn Ý L1 Hồ 1, xã Hoàng Liên, thị xã P, tỉnh L; Phía giáp đất hộ ông Sùng A Ch, địa chỉ thôn Ý L1 Hồ 2, xã Hoàng Liên, thị xã P, tỉnh L đang sử dụng.
Buộc ông Sùng A L, bà V Thị B, cụ V Thị Di, ông Sùng A H2, ông Sùng A L2, bà V Thị D1, bà V Thị T3 phải chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật đối với việc ông Hà Minh Q thực hiện quyền sử dụng đất đối với diện tích đất là 2.293,5m2, địa chỉ tổ 02, phường P, thị xã P, tỉnh L theo Quyết định cấp đất làm vườn rừng số 22 đối với diện tích đất 2,5ha do Ủy ban nhân dân huyện P cấp ngày 25 tháng 5 năm 1992 mang tên ông Hà Minh Q (Kèm theo phiếu xác nhận kết quả đo đạc địa chính thửa đất của trung tâm phát triển quỹ đất thị xã P).
Ngoài ra, bản án còn tuyên về án phí, nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo cho các đương sự.
Ngày 10/9/2023, bị đơn ông Sùng A L kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm sửa toàn bộ bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Hà Minh Q.
Tại phiên tòa ngày 04/012024, bị đơn Sùng A L đề nghị tạm ngừng phiên tòa để tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ xác định diện tích đất tranh chấp và tài sản trên đất. Hội đồng xét xử đã tạm ngừng phiên tòa nhưng hết thời hạn ấn định ông Sùng A L không nộp chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ.
Tại phiên tòa ngày 26/01/2024, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn ông Ma Ngọc Mạnh L1 đề nghị tạm ngừng phiên tòa để tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ xác định đất tranh chấp giữa ông Q với ông L và xác định diện tích đất tranh chấp nằm trong diện tích 819.205,8m2 (81,92 ha) đất đã được Ủy ban nhân dân tỉnh L ban hành Quyết định số: 724/QĐ - UBND cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty cổ phần du lịch cao su Hàm Rồng không? Nếu có thì có nằm trong 64,55 ha đất vẫn do người dân quản lý sử dụng không có hồ sơ bồi thường theo Kết luận số 01/KL – TT ngày 08/01/2020 kết luận Thanh tra đất đai Khu du lịch núi Hàm Rồng không.
Ngày 23/02/2024, Tòa án đã tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ, nguyên đơn và bị đơn thống nhất xác định diện tích đất tranh chấp là 2293,5 m2 theo kết quả đo đạc của Trung tâm phát triển quỹ đất thị xã P và tại Bản án dân sự sơ thẩm số 16/2023/DSST ngày 30/8/2023 của Tòa án nhân dân thị xã P.
Tại phiên tòa phúc thẩm, Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, đề nghị Hội đồng xét xử buộc ông Sùng A L và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải trả lại đất và chấm dứt hành vi cản trở trái phép quyền sử dụng đất của ông Hà Minh Q đối với diện tích đất tranh chấp là 2.280,4 m2 tại địa chỉ tổ 02, phường P, thị xã P, tỉnh L (đã trừ đi diện tích 13,1 m1 nằm ngoài ranh giới do ông Hà Minh Q xác định trên thực địa) Bị đơn ông Sùng A L giữ nguyên ý kiến trình bày tại giai đoạn sơ thẩm, giữ nguyên nội dung kháng cáo đề nghị Tòa án bác yêu cầu khởi kiện của ông Hà Minh Q.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan giữ nguyên ý kiến trình bày tại giai đoạn sơ thẩm, nhất trí với quan điểm của bị đơn Sùng A L, đề nghị Tòa án bác yêu cầu khởi kiện của ông Hà Minh Q.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh L phát biểu ý kiến:
Về việc chấp hành pháp luật tố tụng: Kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án thì Hội đồng xét xử, thư ký tòa án đã thực hiện đúng theo trình tự, thủ tục tố tụng dân sự, những người tham gia tố tụng: Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chấp hành đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Về quan điểm giải quyết vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng quy định khoản 2 Điều 308, Điều 309, Điều 148 Bộ luật tố tụng dân sự, Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của UBTVQH quy định về mức thu, miễn giảm thu nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án, sửa một phần bản án sơ thẩm số 16/2023/DS-ST ngày 30/8/2023 của TAND thị xã P về diện tích đất tranh chấp. Tuyên án phí dân sự phúc thẩm, chi phí thẩm định theo quy định của pháp luật.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa. Căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa trên cơ sở xem xét, đánh giá đầy đủ, toàn diện các chứng cứ. Hội đồng xét xử nhận định.
[1] Về hình thức đơn kháng cáo: Đơn kháng cáo của bị đơn ông Sùng A L có đầy đủ nội dung, nộp đúng thời hạn theo quy định của pháp luật, là căn cứ để để Tòa án nhân dân tỉnh L đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.
[2] Về nội dung:
[2.1] Về xác định diện tích đất tranh chấp:
Quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn sơ thẩm, Tòa án nhân dân thị xã P không tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ để xác định diện tích đất tranh chấp giữa các bên, do ông Sùng A L không nhất trí để Tòa án xem xét thẩm định.
Trong giai đoạn phúc thẩm, Tòa án nhân dân tỉnh L đã tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ và các bên đương sự đều thống nhất xác định diện tích đất tranh chấp giữa ông Hà Minh Q và ông Sùng A L là 2.293,5m2, địa chỉ đất tại tổ 2, phường P, thị xã P, tỉnh L. Tuy nhiên, sau khi lồng ghép diện tích đất tranh chấp lên diện tích đất do ông Hà Minh Q xác định ngoài thực địa (diện tích ông Q cho rằng đã được cấp Sổ vườn rừng số 22 ngày 25/5/1992) thì có 2280,4 m2 nằm trong ranh giới và có 13,1 m2 nằm ngoài ranh giới tổng diện tích 20.652,9 m2 do ông Q xác định. Vì vậy, Hội đồng xét xử xác định, diện tích đất tranh chấp giữa ông Hà Minh Q và ông Sùng A L là 2280,4 m2, địa chỉ thửa đất tại tổ 2, phường P, thị xã P, tỉnh L.
[2.2] Về nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất và căn cứ chứng minh quyền sử dụng đất Nguyên đơn ông Hà Minh Q cho rằng: nguồn gốc diện tích 2280,4 m2 đất tranh chấp nằm trong tổng diện tích đất khoảng 2,5 ha tại xóm 2, thị trấn P, huyện P (Nay là tổ 02, phường P, thị xã P), tỉnh L do ông Q khai phá từ năm 1986 và đã được Ủy ban nhân dân huyện P ban hành Quyết định cấp đất làm vườn rừng số 22, với diện tích đất 2,5 ha mang tên ông Hà Minh Q. Sau khi được cấp đất, gia đình ông Q đã trồng cây theo phương thức nông, lâm kết hợp thâm canh trồng cây ăn quả, trồng xen cây thông sa mộc, cây trẩu và Tống quán sủi. Đến năm 2004, các loại cây lâu năm khép tán phủ kín đất nên ông Q không trồng cây hàng năm nhưng vẫn tiếp tục chăm sóc cây và quản lý vườn rừng. Đến đầu năm 2018, một số hộ gia đình người H’Mông (trong đó có gia đình ông Sùng A L) đến đất của ông Q chặt phá cây và lấn chiếm đất để trồng cây ngô. Ngày 7/8/2019, các ban ngành liên quan đã xác định diện tích đất vườn rừng của gia đình ông Hà Minh Q có 10 hộ dân lấn chiếm để trồng cây ngô. Tháng 3 năm 2021, Hạt Kiểm lâm thị xã P giao cho gia đình ông Q 5000 cây Thông Sa Mộc để trồng lại trên diện tích đất vườn rừng đã bị chặt phá. Khi ông Q thuê người đưa cây đến trồng thì bị một số người dân tộc H’Mông đến ngăn cản, uy hiếp không cho trồng cây và nhổ hết số cây đã trồng.
Bị đơn ông Sùng A L cho rằng: nguồn gốc diện tích 2280,4 m2 đất tranh chấp là do bố mẹ ông L là ông Sùng A D và bà V Thị Di khai phá và sử dụng từ năm 1984. Sau khi ông D chết thì bà V Thị Di và các con tiếp tục sử dụng đất. Từ năm 1994, bà V Thị Di đã để lại cho ông Sùng A L, ông Sùng A H2, ông Sùng A L2 cùng canh tác sử dụng chung diện tích đất trên. Hàng năm, ông L cùng ông H2, ông L2 vẫn canh tác trồng cây ngô đến nay đã thu hoạch xong.
Hội đồng xét xử xét thấy:
Kết quả xem xét thẩm định tại chỗ ngày 23/02/2024 của Tòa án nhân dân tỉnh L xác định: Toàn bộ diện tích 2280,4 m2 đất tranh chấp giữa ông Q và ông L nằm trong phần diện 64,55 ha đất vẫn do người dân quản lý sử dụng không có hồ sơ bồi thường theo Kết luận số 01/KL – TT ngày 08/01/2020 kết luận Thanh tra đất đai Khu du lịch núi Hàm Rồng.
Văn bản số 03/CV-BQLHR ngày 27/02/2024 của Ban quản lý khu du lịch sinh thái Hàm Rồng xác định: Phần diện tích đất tranh chấp giữa ông Hà Minh Q và ông Sùng A L nằm trong phần diện tích 64,55 ha chưa giải phóng mặt bằng theo Kết luận số 01/KL – TT ngày 08/01/2020 của Thanh tra tỉnh L và không nằm trong phạm vi đất mà Ban quản lý khu du lịch sinh thái Hàm Rồng được giao quản lý.
Văn bản số 776/UBND-TNMT ngày 13/3/2024 của UBND thị xã P xác định: Diện tích đất 64,55 ha trước và sau khi bị UBND tỉnh L thu hồi là do các hộ dân quản lý, sử dụng. UBND thị xã P không trực tiếp quản lý diện tích đất sau khi UBND tỉnh L thu hồi từ Công ty cổ phần cao su Hàm Rồng.
Căn cứ vào kết quả xem xét, thẩm định tại chỗ và văn bản trả lời của các cơ quan liên quan, Hội đồng xét xử có đủ cơ sở để xác định, phần diện tích 2280,4 m2 đất tranh chấp giữa ông Q và ông L không được giao cho Ban quản lý khu du lịch sinh thái Hàm Rồng hay UBND thị xã P quản lý, từ trước đến thời điểm hiện tại diện tích đất nêu trên vẫn do người dân trực tiếp quản lý, sử dụng.
Theo lời khai của các đương sự, ông Hà Minh Q và ông Sùng A L đều cho rằng nguồn gốc đất là do bản thân (ông Q) hoặc bố mẹ (ông L) khai phá và giao lại cho sử dụng. Tuy nhiên, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ do các đương sự cung cấp và các chứng cứ Tòa án thu thập được, Hội đồng xét xử nhận thấy:
Quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn ông Hà Minh Q cung cấp chứng cứ chứng minh quyền sử dụng đất là Sổ cấp đất làm vườn rừng số 22 của UBND huyện P (nay là thị xã P) cấp ngày 25/5/1992 cho hộ ông Hà Minh Q, diện tích 2,5ha. Bị đơn ông Sùng A L không cung cấp được giấy tờ pháp lý chứng minh quyền sử dụng đất, cũng không cung cấp được chứng cứ thể hiện việc trong quá trình sử dụng đất, ông L đã kê khai hoặc đăng ký quyền sử dụng đất tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ông L cung cấp được lời khai một số người làm chứng nhưng những người làm chứng chỉ xác định ông L có dùng đất. Theo biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ của Tòa án nhân dân tỉnh L xác định trên diện tích đất tranh chấp không có hàng rào đá, rãnh giao thông như lời khai của ông L.
Tòa án đã tiến hành thu thập lời khai một số hộ dân được cấp đất vườn rừng liền kề cùng thời điểm với ông Hà Minh Q và những người làm chứng biết về quá trình sử dụng diện tích đất tranh chấp:
Theo lời khai của ông Nguyễn Minh Sơn (S3 năm 1964, địa chỉ: Số nhà 120, đường Thạch Sơn, tổ 3, phường P, thị xã P), ông Đỗ Tràng Chính (S3 năm 1960, địa chỉ: Số nhà 095, đường Thạch Sơn, tổ 3, Phường P, thị xã P), ông Nguyễn Tiến Sơn (Số nhà 1969, địa chỉ: SN 132, đường Thạch Sơn, tổ 3, phường P, thị xã P) đều xác nhận nội dung: Năm 1992 có thấy ông Hà Minh Q mua cây thông giống về trồng. Từ năm 1992 đến 1994, ông Q liên tục canh tác trên mảnh đất tranh chấp. Năm 2004 cây trồng khép tán nên ông Q chuyển sang chăm sóc. Năm 2018, ông Q chuyển ra thành phố L nhưng hàng năm vào thăm, chăm sóc vườn rừng.
Theo lời khai của ông Giàng Xuân Ch (có Quyết định cấp đất làm vườn rừng theo sổ quản lý vườn rừng số 24/ 1992), ông Nguyễn Tự D (có Quyết định cấp đất làm vườn rừng theo sổ quản lý vườn rừng số 91/101 năm 1992), ông Lã Mạnh C (có đất giáp ranh ông Hà Minh Q) đều xác định: diện tích đất của gia đình ông Ch, ông D, ông C đang canh tác sử dụng có giáp ranh với đất của ông Hà Minh Q.
Tại Văn bản số: 455/TNMT-QLĐT ngày 19 tháng 9 năm 2022 của Phòng tài nguyên và môi trường thị xã P xác định: Theo Sổ quản lý vườn rừng theo Quyết định cấp đất vườn rừng số 22 năm 1992 cho ông Hà Minh Q; Sổ quản lý vườn rừng theo Quyết định cấp đất vườn rừng số 92 năm 1992 cho ông Nguyễn Tự D; Sổ quản lý vườn rừng theo Quyết định cấp đất vườn rừng số 24 năm 1992 cho ông Giàng Xuân Ch thì thấy tại sơ đồ vườn rừng của các Quyết định cấp đất cho ông Nguyễn Tự D và ông Giàng Xuân Ch, thửa đất của ông Hà Minh Q giáp với đất của ông Giàng Xuân Ch. Tại thực địa, thửa đất đang tranh chấp hiện nay giữa ông Hà Minh Q với các hộ gia đình các ông Sùng A Ch, Sùng A Cứ, V A D1, Sùng A L, V A Lử, Sùng A S, V A D1, Sùng A Th, V A Vảng có giáp ranh với đất của ông Giàng Xuân Ch và ông Nguyễn Tự D là đúng. Như vậy, diện tích đất đang tranh chấp nằm trong diện tích đất 2,5ha ông Hà Minh Q đã được cấp sổ vườn rừng từ năm 1992 là phù hợp với lời khai của những người làm chứng.
Mặt khác, bản thân anh, em trong gia đình ông Sùng A L đều thừa nhận, hiện nay trên diện tích đất tranh chấp vẫn còn cây bị chặt còn lại gốc. Ông Sùng A L cũng thừa nhận khi canh tác, trên đất đã cây gỗ nhưng không biết ai trồng. Khi Tòa án đi xem xét, thẩm định tại chỗ cũng xác định trên đất tranh chấp có một số gốc cây bị chặt phá. Những lời khai này phù hợp với lời khai của ông Hà Minh Q cho rằng đã trồng cây sa Mộc, cây tống quán sủi, cây trẩu từ năm 1992.
Từ những phân tích trên, có căn cứ xác định, diện tích đất 2280,4 m2 đang tranh chấp, tại địa chỉ tổ 02, phường P, thị xã P, tỉnh L nằm trong tổng diện tích đất 2,5 ha ông Hà Minh Q đã được Nhà nước giao quản lý, sử dụng theo quyết định cấp sổ vườn rừng năm 1992.
Bản án sơ thẩm tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Hà Minh Q là có căn cứ, đúng quy định pháp luật. Quá trình giải quyết vụ án tại cấp phúc thẩm, bị đơn ông Sùng A L không cung cấp được chứng cứ nào khác chứng minh nội dung kháng cáo của mình là có căn cứ. D đó, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bị đơn. Tuy nhiên, khi tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ ngày 23/02/2024, Tòa án đã xác định diện tích đất tranh chấp giữa ông Q và ông L là 2.280,4m2. Vì vậy, cần sửa một phần của bản án sơ thẩm về phần diện tích đất tranh chấp.
[3] Đối với những lý do trình bày trong đơn kháng cáo Bị đơn ông Sùng A L kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn vì các lí do:
Thứ nhất: Bị đơn cho rằng việc đánh giá chứng cứ trong vụ án không khách quan, toàn diện, đầy đủ và chính xác.
Xét thấy, tại phiên toà sơ thẩm, nguyên đơn nộp bổ sung các tài liệu trong đó có bản sao quyết định cấp đất vườn rừng số 22/2,5 ngày 25/5/1992 của UBND huyện P (nay là thị xã P) và một số tài liệu bản sao khác là những tài liệu chứng cứ có giá trị chứng minh. Bị đơn đưa các chứng cứ như lời khai người làm chứng hoặc thông qua hàng rào đá, rãnh giao thông để xác định chủ quyền về sử dụng đất theo phong tục tập quán là không có cơ sở. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ tài liệu chứng cứ có giá trị chứng minh để đánh giá nội dung vụ án là có căn cứ, đúng quy định.
Thứ hai: Bị đơn cho rằng quá trình giải quyết vụ án TAND thị xã P còn thiếu sót trong tố tụng như:
Biên bản hòa giải tranh chấp đất đai giữa ông Hà Minh Q và các ông Sùng A Cớ, V A Lử, Thào A Chảo, Sùng A Ch, V A D1, Sùg A L, Thào A S, Sùng A S3, Sùng A Th, Sùng A V vào ngày 16/7/2021 và 20/7/2021 thiếu thành phần tham gia là đại diện Ủy ban Mặt trận tổ quốc phường P. Tuy nhiên, theo nội dung biên bản làm việc giữa Tòa án với đại diện Ủy ban Mặt trận tổ quốc phường P và đại diện Ủy ban nhân dân phường P ngày 05/12/2022 (bút lục số 421) thể hiện: đầu tháng 7 năm 2021, đồng chí Trịnh Thị Huệ - Chủ tịch Ủy ban mặt trận tổ quốc phường P được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân phường P. Thời điểm tiến hành hòa giải tranh chấp đất đai ngày 16/7/2021 và 20/7/2021, Ủy ban mặt trận tổ quốc phường P chưa được cấp trên bố trí nhân sự. D vậy, các buổi hòa giải tranh chấp đất đai trên địa bàn phường P trong thời gian này đều chỉ có sự tham gia của các Trưởng ban công tác mặt trận tổ quốc.
Bị đơn Sùng A L có yêu cầu phản tố đề nghị hủy Sổ vườn rừng cấp cho ông Hà Minh Q nhưng không được Tòa án xem xét. Đối với nội dung yêu cầu phản tố của bị đơn, tại đơn đề nghị ngày 9/9/2022 bị đơn đã xác định sẽ yêu cầu giải quyết trong vụ án khác.
Thứ ba: Bị đơn cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm đã không tiến hành định giá tài sản tranh chấp là thiếu sót.
Xét thấy, việc định giá tài sản tranh chấp là không cần thiết đối với việc giải quyết vụ án. Vì vậy, TAND thị xã P không tiến hành định giá tài sản là đúng quy định.
Như vậy, những lý do bị đơn đưa ra là không có cơ sở nên Hội đồng xét xử không có căn cứ để hủy bản án sơ thẩm.
[4] Về án phí dân sự phúc thẩm và chi phí tố tụng Về án phí dân sự phúc thẩm: D Hội đồng xét xử sửa một phần bản án sơ thẩm nên bị đơn Sùng A L không phải chịu tiền án phí dân sự phúc thẩm.
Về chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ: Đối với số tiền 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng) chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ. Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn ông Ma Ngọc Mạnh L1 có ý kiến: nguyên đơn Hà Minh Q đồng ý chịu 5.000.00 đồng (Năm triệu đồng) tiền chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ. Xét thấy, việc nguyên đơn chịu một nửa chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ là hoàn toàn tự nguyện nên cần được chấp nhận. Quá trình giải quyết vụ án, ông Ma Ngọc Mạnh L1 đã thay mặt nguyên đơn nộp cho Tòa án 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng) tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ. Vì vậy, cần buộc bị đơn Sùng A L phải trả cho ông Hà Minh Q số tiền 5.000.000 (Năm triệu đồng).
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309, Điều 148, 157 Bộ luật Tố tụng Dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
1. Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn Sùng A L. Sửa một phần bản án dân sự sơ thẩm số 16/2023/DS-ST ngày 30/8/2023 của Tòa án nhân dân thị xã P, tỉnh L như sau:
- Buộc ông Sùng A L, bà V Thị B, cụ V Thị Di, ông Sùng A H2, ông Sùng A L2, bà V Thị D1, bà V Thị T3 phải trả cho ông Hà Minh Q diện tích đất là 2280,4 m2. Địa chỉ tổ 02, phường P, thị xã P, tỉnh L.
- Buộc ông Sùng A L, bà V Thị B, cụ V Thị Di, ông Sùng A H2, ông Sùng A L2, bà V Thị D1, bà V Thị T3 phải chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc ông Hà Minh Q thực hiện quyền sử dụng đất đối với diện tích đất là 2280,4 m2. Địa chỉ tổ 02, phường P, thị xã P, tỉnh L.
(Vị trí, ranh giới, tứ cận của diện tích đất 2280,4 m2 được xác định tại các điểm tọa độ theo sơ đồ kèm theo bản án phúc thẩm này) 2. Về án phí dân sự phúc thẩm và chi phí tố tụng:
Về án phí dân sự phúc thẩm: Ông Sùng A L không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Ông Sùng A L được hoàn lại số tiền 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp theo Biên lai thu tạm ứng án phí ký hiệu AC-21P, số 0005257 ngày 15/9/2023 tại Chi cục Thi hành án dân sự thị xã P, tỉnh L.
Về chi phí tố tụng: Ông Hà Minh Q và ông Sùng A L mỗi người phải chịu 5.000.000 đồng (Năm triệu đồng) tiền chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ. Xác nhận ông Hà Minh Q đã nộp đủ tiền chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ. Ông Sùng A L phải trả cho ông Hà Minh Q 5.000.000 đồng (Năm triệu đồng) tiền chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo qui định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các Điều 6, 7, 7a, và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án về tranh chấp quyền sử dụng đất số 10/2024/DS-PT
Số hiệu: | 10/2024/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Lào Cai |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 21/03/2024 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về