Bản án về tranh chấp quyền sử dụng đất số 09/2023/DS-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI

BẢN ÁN 09/2023/DS-PT NGÀY 15/03/2023 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Ngày 15 tháng 3 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái, xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 01/2023/TLPT-DS ngày 03-02-2023 về Tranh chấp quyền sử dụng đất”.Do bản án dân sự sơ thẩm số: 05/2022/DS-ST ngày 30-9-2022 của Tòa án nhân dân huyện VY, tỉnh Yên Bái bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 04/2023/QĐXX-PT ngày 01-3-2023, giữa các đương sự:

1 - Nguyên đơn: Ông Đoàn Văn T, sinh năm 1970 Địa chỉ: Tổ dân phố 11, thị trấn MA, huyện VY, tỉnh Yên Bái, có mặt;

2 - Bị đơn: Ông Đoàn Văn H, sinh năm 1960 và bà Phạm Thị A, sinh năm 1962, Cùng địa chỉ: Tổ dân phố 11, thị trấn MA huyện VY, tỉnh Yên Bái, đều có mặt;

3 - Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Bà Đoàn Thị B, sinh năm 1924 Địa chỉ: Tổ dân phố 11, thị trấn MA, huyện VY, tỉnh Yên Bái, có mặt;

- Ủy ban nhân dân thị trấn MA, huyện VY, tỉnh Yên Bái,

Người đại diện theo pháp luật: Ông Đinh Mạnh C

- Chủ tịch Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Đắc Đ - Công chức địa chính xây dựng (Văn bản uỷ quyền ngày 13-3-2023), có mặt;

4 - Người làm chứng: Anh Đoàn Văn E, bà Nguyễn Thị M và anh Đoàn Văn Q, mặt;

Trú tại: Tổ dân phố số 11, thị trấn MA, huyện VY, tỉnh Yên Bái, đều vắng

5 - Người kháng cáo: Ông Đoàn Văn T là nguyên đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản án sơ thẩm của Toà án nhân dân huyện VY, tỉnh Yên Bái thì vụ án có nội dung như sau:

Theo đơn khởi kiện, các bản tự khai và tại phiên tòa nguyên đơn ông Đoàn Văn T trình bày: Năm 1996, ông được Ủy ban nhân dân (Viết tắt là UBND) huyện VY, tỉnh Yên Bái cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Viết tắt là QSDĐ) số 00421 ngày 01-12-1996 tại thôn QT nay là tổ dân phố 11, thị trấn MA, huyện VY, tỉnh Yên Bái với tổng diện tích là 810m2 đều là đất trồng lúa. Toàn bộ đất trên là ruộng khai hoang và hồ nhà nước giao. Sau khi được giao đất, gia đình ông đã trồng cấy trên diện tích đất đó từ những năm 1996 đến sau này. Đến cuối năm 2004, đầu năm 2005, ông có đổi cho ông Đoàn Văn H và bà Phạm Thị A 100m2 phía bên trên cổng nhà ông Đoàn Văn Q lên giáp ao nhà ông K để lấy 1 mảnh đất trồng lúa ở ngoài cửa cống hồ Ga Nhâm (khu vực trước cửa nhà ông Th). Khi đổi đất, hai bên chỉ chỉ mốc giới và không tiến hành đo đạc nên không biết cụ thể là bao nhiêu mét vuông. Năm 2005, Nhà nước làm đường đất nắn con đường cong phía trong nhà ông, vị trí nắn từ cổng nhà anh Đoàn Văn Q đến giáp ao nhà anh Đoàn Văn E. Khi nắn đường, ông có hiến đất để làm đường, vị trí con đường năm 2005 nằm ở trên ruộng của nhà ông. Hai bên đường vẫn còn đất ruộng lúa của ông.

Ngày 08-10-2006, gia đình ông làm sổ và được Nhà nước cấp giấy chứng nhận QSDĐ với tổng diện tích là 1.640,4m2 trong đó có 400m2 đất ở; 1.036,9m2 đất cây lâu năm và 203,5m2 đất nuôi trồng thủy sản. Năm 2009-2010, Nhà nước tiến hành làm đường vành đai 3 phía Đông đi qua khu vực đất trồng lúa nhà ông được cấp năm 1996. Sau khi, Nhà nước tiến hành đo đạc, bồi thường, giải phóng mặt bằng thì ông mới biết một phần đất trồng lúa của gia đình ông đã được Nhà nước cấp giấy tờ cho ông Đoàn Văn H và bà Phạm Thị A. Nay ông cho rằng ông H, bà A đã lấn chiếm và sử dụng tổng cộng 584,2m2 đất trồng lúa của gia đình ông và yêu cầu ông H, bà A phải trả lại. Nếu Nhà nước lấy làm đường thì bồi thường cho ông theo diện tích, giá đất mà địa phương quy định. Đối với nội dung yêu cầu ông H, bà A bồi thường tiền thu lợi từ hoa màu, trồng cấy ông xin rút, không yêu cầu nữa.

Tại các Bản tự khai và các lời khai tiếp theo, đồng bị đơn ông Đoàn Văn H và bà Phạm Thị A đều thống nhất trình bày: Năm 1982, ông bà được bố mẹ ông H là ông Đoàn Văn G và bà Trần Thị X cho sử dụng đất diện tích là 2.739,1m2 tại thôn QT nay là tổ dân phố số 11, thị trấn MA, huyện VY, tỉnh Yên Bái. Đến năm 1985 ông bà làm nhà ở riêng tại diện tích đất trên. Quá trình làm ăn, sinh sống, làm giấy chứng nhận QSDĐ không tranh chấp với ai. Đến năm 2004, ông bà có thỏa thuận đổi diện tích đất ruộng lúa của ông bà từ cổng nhà anh Q lên ao nhà ông K lấy 1 sào Bắc bộ đất trồng lúa ở tràn ruộng cửa ông Th, cầu Ga Nhâm của ông T. Khi đổi, hai bên chỉ chỉ mốc giới, không đo đạc nên không biết diện tích cụ thể là bao nhiêu. Ngày 08-10-2006 gia đình ông bà được UBND huyện VY, tỉnh Yên Bái cấp giấy chứng nhận QSDĐ số H: 01936 với tổng diện tích là 2.739,1m2, trong đó có 400m2 đất ở; 1.854,2m2 đất cây lâu năm và 484,9m2 đất nuôi trồng thủy sản. Trong đó, có cả phần đất đã đổi cho ông T. Năm 2006, địa phương yêu cầu khai diện tích đổi cho ông T, gia đình ông bà có khai là khoảng 100m2. Năm 2005, địa phương có đổi đất, nắn đường tại khu vực đất đó. Khi nắn đường thì ông T có hiến đất để làm đường nên con đường mới nằm trên một phần nền đường cũ và trên đất trồng lúa của ông T. Khi nắn đường xong, thì gia đình ông bà đã sử dụng, trồng cây trên diện tích đất của gia đình tính từ mép đường lên phía trên đồi. Quá trình sử dụng không có tranh chấp. Đến năm 2009, khi làm đường vành đai 3 đã đi vào đất gia đình ông bà, chia khu đất thành hai phần. Một phần phía trong gò ông bà làm nhà ở, một phần bên kia đường giáp với đường thôn năm 2005, tính từ mép đường là hàng cau gia đình ông bà trồng từ năm 2005; sau đó trồng táo và cây khác, nay đang làm vườn ươm quế giống. Việc nhà nước thu hồi, giải phóng mặt bằng và bồi thường để làm đường vành đai 3 đã được địa phương thực hiện đúng quy định. Toàn bộ diện tích mặt đường và hành lang đường đi qua khu vực đó đều nằm trong đất của gia đình ông bà đã được cấp sổ năm 2006. Khi Nhà nước bồi thường không ai có ý kiến thắc mắc gì, kể cả bà B và ông T. Nay ông T khởi kiện cho rằng gia đình ông bà lấn chiếm đất và yêu cầu trả lại đất cho ông T là không đúng. Bởi lẽ, phần diện tích đất ông T đổi cho gia đình ông thì hai bên đã thống nhất và ông đã làm giấy tờ hiện nằm trong giấy chứng nhận QSDĐ của gia đình ông bà từ năm 2006. Phần còn lại diện tích đất của ông T là do ông T quản lý. Sau này khi làm đường và biến động cấp giấy tờ cho một số hộ gia đình tại khu vực đó như ông Q, ông E và của cả gia đình ông T, ông bà không liên quan và cũng không có ý kiến gì.

Người có quyền lợi liên quan là bà Đoàn Thị B trình bày: Bà B là bác dâu của ông H, bà A và là mẹ của ông Đoàn Văn T. Năm 1976, gia đình bà có khai phá và tiến hành làm ăn kinh tế, trồng cây trên đồi và trồng lúa tại khu vực thôn Chè Hai, sau này là thôn QT của thị trấn MA, nay là tổ dân phố 11, thị trấn MA nhưng diện tích đất đó chưa được Nhà nước cấp giấy tờ. Sau đó, gia đình bà có về quê sinh sống một thời gian rồi lại quay lên đó ở. Đến ngày 01-12-1996, UBND huyện VY, tỉnh Yên Bái cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Đoàn Văn T với tổng diện tích của 4 thửa là 810m2. Quá trình cấp giấy tờ cho ông T bà đồng ý, không có ý kiến gì. Từ đó, ông T canh tác trên diện tích đất đó. Việc ông T đổi đất cho ông H, bà A bà không có ý kiến gì. Tuy nhiên, việc Nhà nước cấp giấy tờ cho ông H, bà A vào năm 2006 bà không biết. Nay ông H, bà A đã lấn đất, làm giấy tờ đất lấn sang đất của bà nên bà yêu cầu ông H, bà A phải trả lại cho bà toàn bộ diện tích đất đã lấn chiếm.

Người có quyền lợi liên quan là người đại diện của UBND thị trấn MA, huyện VY, tỉnh Yên Bái trình bày: Trước năm 1996, bà B có nhận khoán đất ruộng tại thị trấn MA trong đó có thửa ruộng tại thôn QT nay là tổ dân phố 11, thị trấn MA. Lúc đó ông T ở cùng bà B. Sau đó bà B chuyển đi nơi khác nên cho ông T sử dụng diện tích đất đó. Bà B không được địa phương cấp một loại giấy tờ nào đối với diện tích đất nhận khoán đã tặng cho ông T. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00421 ngày 01-12-1996 diện tích 810m2 là cấp cho ông Đoàn Văn T. Đây là đất trồng lúa, được nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất. Ngày 08-10-2006, ông Đoàn Văn T và bà Nguyễn Thị N được UBND huyện VY, tỉnh Yên Bái cấp giấy chứng nhận QSDĐ đất số H: 01936, diện tích 1.610,4m2 là đất có nguồn gốc do bố mẹ ông T khai phá tặng cho. Hai diện tích đất được Nhà nước cấp cho ông T vào năm 1996 và năm 2006 là hoàn toàn khác nhau. Năm 2005 thực hiện đề án phát triển đường giao thông tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân đi lại, UBND thị trấn đã vận động các hộ gia đình hiến đất để mở đường trong đó có ông T. Việc mở đường có đi qua đất ruộng của ông T và ông H. Khi đó, các hộ tự nguyện hiến đất không yêu cầu bồi thường gì và cũng không có vướng mắc, kiến nghị gì. Ngày 08-10-2006, hộ ông Đoàn Văn H được UBND huyện VY cấp giấy chứng nhận QSDĐ số H 01936, diện tích 2.739,1m2, vị trí giáp đường liên thôn mới mở hất lên phía trên đồi. Khi đó ông T, bà B không có khiếu kiện, thắc mắc gì về ranh giới, diện tích thửa đất ông H được cấp. Đến năm 2010, Nhà nước thu hồi một phần đất ở, đất vườn, đất ao của hộ ông H để làm đường vành đai 3 phía Đông nên thửa đất của anh Hữu bị tách làm 02 phần. Theo bản đồ 299 lập ngày 01-11-1995, sổ mục kê đất đai thời điểm những năm 1995 thì vị trí thửa đất 297, diện tích 450,0m2 theo Giấy chứng nhận QSDĐ số 00421 ngày 01-12-1996 đứng tên ông Đoàn Văn T thuộc xứ đồng Ga Nhâm, không phải xứ đồng Gò Bò. Năm 2004, ông T đổi 100m2 lấy 01 sào đất ruộng của ông H là thuộc diện tích của các thửa 133, 135 tờ bản đồ số 8 trong giấy chứng nhận của ông T. Đến năm 2002, thị trấn MA đo đạc bản đồ địa chính xác định: Diện tích đất của hộ ông T theo hiện trạng sử dụng thực địa gồm các thửa 156, 158, 160, 161 tờ bản đồ số 23, tỷ lệ 1/1000; diện tích đất của hộ ông H sử dụng thực địa gồm các thửa 33, 230, 254, 255 tờ bản đồ 22, tỷ lệ 1/1000 và thửa số 159, tờ bản đồ số 23 tỷ lệ 1/1000. Tại thời điểm đó hai bên không có tranh chấp gì về QSDĐ. Năm 2006, khi cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho ông T, ông H, ông Quynh và ông E, việc lập hồ sơ cấp giấy theo quy định của pháp luật, các hộ không ai có phản ánh, khiếu kiện gì về diện tích lập hồ sơ. Việc lập hồ sơ của hộ ông H có tờ khai mốc giới, hiện trạng sử dụng đất và có xác nhận của đại diện cộng đồng dân cư ông T và bà B không có ý kiến phản ánh gì. UBND thị trấn đề nghị Tòa án giải quyết vụ việc theo bản đồ địa chính năm 2002 và tính sử dụng đất ổn định nhiều năm của các hộ gia đình.

Người làm chứng là ông Đoàn Văn Q và ông Đoàn Văn E trình bày: Gia đình các ông về đó sinh sống từ trước năm 1995, trước cửa nhà các ông là con đường thôn cũ, phía ngoài đường thôn cũ là ruộng của bà B. Năm 2005, 2006 thôn có mở con đường mới đi trên đất ruộng nhà bà B và cái ao của anh E, hiện con đường này vẫn còn cho 3 hộ gia đình cùng đi. Năm 2007, số diện tích đất ruộng của bà B nằm ở bên trong đường thôn mới được thị trấn chuyển nhượng cho ba hộ gia đình là ông Đoàn Văn T, ông Đoàn Văn E và ông Đoàn Văn Q. Năm 2010, Nhà nước mở con đường vành đai 3 đi gần song song với con đường thôn mới mở năm 2005. Khoảng cách giữa hai con đường khoảng từ 5-6m. Diện tích đất còn lại hiện anh Trường và anh Hữu đang tranh chấp là đất nhà ai các anh đều không biết.

Người làm chứng là bà Nguyễn Thị M trình bày: Gia đình bà về đó sinh sống từ năm 1980, khi đó có gia đình nhà ông G (bố anh H), gia đình ông Ng và gia đình ông bà U (bố ông T) ở khu vực đó. Năm 1984, 1985 bà có cấy lúa giúp bà B. Sau này bà B cho ông T thì bà không làm giúp nữa. Quá trình làm giấy tờ đất của các hộ như thế nào bà không biết, hiện đã đổ đất làm đường nên không còn hình ruộng như ngày xưa nữa. Vị trí đất đang có tranh chấp giữa ông T và gia đình ông H là đất của ai bà cũng không rõ.

Tại bản án số: 05/2022/DS-ST ngày 30-9-2022 của Tòa án nhân dân huyện VY, tỉnh Yên Bái đã áp dụng: Các Điều 26, 35, 39, 147, 157, 165, 235, 271 và 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 2 Điều 5, khoản 1 Điều 97, Điều 203 của Luật Đất đai; khoản 1 Điều 26 Nghị quyết 326 ngày 30-12-2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án.

1. Không chấp nhận nội dung khởi kiện của anh Đoàn Văn T yêu cầu anh Đoàn Văn H và chị Phạm Thị A trả lại 584,2m2 đất nông nghiệp tại tổ dân phố số 11, thị trấn MA, huyện VY, tỉnh Yên Bái.

Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên về chi phí tố tụng, án phí, quyền kháng cáo, quyền yêu cầu thi hành án cho các đương sự theo luật định.

Ngày 13-10-2022, nguyên đơn ông Đoàn Văn T kháng cáo với nội dung: Không nhất trí với quyết định của Toà án cấp sơ thẩm; đề nghị Toà án cấp phúc thẩm buộc ông H, bà A phải trả lại cho gia đình ông 584,2m2 đất trồng lúa tại tổ dân phố 11, thị trấn MA, huyện VY.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn ông T vẫn giữ yêu cầu khởi kiện và nội dung kháng cáo; bị đơn ông H, bà A không đồng ý với yêu cầu khởi kiện và kháng cáo của nguyên đơn. Các đương sự không thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm: Thẩm phán, Hội đồng xét xử thực hiện đúng các quy định của pháp luật, các đương sự chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về quyền, nghĩa vụ của mình. Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự: Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn ông T; giữ nguyên bản án sơ thẩm của Toà án nhân dân huyện VY, tỉnh Yên Bái.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, sau khi thảo luận và nghị án Hội đồng xét xử thấy rằng:

[1] Về thẩm quyền: Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định đúng quan hệ tranh chấp của vụ án là “Tranh chấp quyền sử dụng đất”. Diện tích đất tranh chấp giữa các đương sự đã được cấp giấy chứng nhận QSDĐ và có tranh chấp quyền sở hữu nên nguyên đơn khởi kiện ra Tòa án. Việc Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý vụ án là đúng thẩm quyền.

[2] Về tư cách người tham gia tố tụng: Toà án nhân dân huyện VY đã xác định đúng, đủ tư cách tham gia tố tụng của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và người làm chứng trong vụ án.

Đơn kháng cáo của nguyên đơn ông Đoàn Văn T nộp trong thời hạn, đúng theo quy định của pháp luật và đã nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm nên được chấp nhận để xem xét.

[3]. Về nội dung vụ án, quyết định của bản án sơ thẩm và kháng cáo của đương sự, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng:

[3.1]. Về nội dung vụ án, quyết định của bản án sơ thẩm:

Về nguồn gốc đất và quá trình sử dụng diện tích đất đang có tranh chấp: Nguyên đơn ông T cho rằng diện tích đất có tranh chấp có nguồn gốc là do ông đã được bố mẹ là ông Đoàn Văn U và bà Đoàn Thị B cho, đã được UBND huyện VY, tỉnh Yên Bái cấp giấy chứng nhận QSDĐ số 00421 ngày 01-12-1996, nay ông H, bà A đang quản lý, sử dụng.

Bị đơn ông H, bà A cho rằng: Diện tích đất này là của gia đình, một phần là đất được bố mẹ của ông là ông Đoàn Văn G cho từ năm 1986; một phần là do ông đổi cho ông T vào năm 2004. Hiện diện tích đất này đang nằm trong giấy chứng nhận QSDĐ số H 01936 do UBND huyện VY, tỉnh Yên Bái cấp ngày 08-10-2006 cho gia đình ông.

Căn cứ vào hồ sơ địa chính khu vực đất đang có tranh chấp, ý kiến trả lời của UBND huyện VY về quá trình cấp giấy chứng nhận QSDĐ, ý kiến của UBND thị trấn MA về quá trình quản lý đất trồng lúa trên địa bàn và lời khai của những người làm chứng đã xác định được: Đối với giấy chứng nhận QSDĐ số 00421 ngày 01-12-1996 đứng tên ông Đoàn Văn T với tổng diện tích 810m2 gồm 4 thửa; cụ thể: Thửa số 297 diện tích 450m2; thửa số 133 diện tích 100m2; thửa số 135 diện tích 160m2 và thửa số 158 diện tích 100m2. Theo tờ bản số 299 thì thửa số 297 thuộc xứ đồng Ga Nhâm; còn 03 thửa 133, 135 và 158 tổng diện tích 360m2 thuộc xứ đồng Gò Bò. Năm 2004, ông T đổi khoảng 100m2 thuộc xứ đồng Gò Bò lấy 365m2 thuộc xứ đồng Cửa ông Th tại cầu Ga Nhâm của gia đình ông H. Khi đổi hai bên không tiến hành đo đạc gì mà chỉ mốc giới từ cổng nhà anh Q lên khu vực ao nhà ông K, thực tế diện tích đổi rộng hơn 100m2. Đất khu vực này nằm ở các thửa 133, 135 trong giấy chứng nhận QSDĐ năm 1996 của ông T. Việc đổi đất giữa ông T và ông H là tự nguyện, hai bên thừa nhận nội dung này. Như vậy, sau khi đổi diện tích đất trồng lúa của ông T còn lại tại xứ đồng Gò Bò là khoảng 260m2. Đến năm 2002, thị trấn MA đo đạc bản đồ địa chính xác định: Diện tích đất của hộ ông T theo hiện trạng sử dụng thực địa gồm các thửa 156, 158, 160, 161 tờ bản đồ số 23, tỷ lệ 1/1000. Diện tích đất của hộ ông H sử dụng thực địa gồm các thửa 33, 230, 254, 255 tờ bản đồ 22, tỷ lệ 1/1000 và thửa số 159, tờ bản đồ số 23 tỷ lệ 1/1000. Tại thời điểm đó hai bên không có tranh chấp gì về QSDĐ. Theo bản đồ địa chính năm 2002, thì thửa 158 tờ bản đồ số 23 (tỷ lệ 1/1000) diện tích 562,5m2, mục đích sử dụng là đất trồng lúa tăng lên 202,5m2 còn 03 thửa 156 diện tích 131,9m2, thửa 160 diện tích 111,4m2, thửa 161 diện tích 131,9m2 trước đây là ruộng rộc của hợp tác xã giao năm 1994 còn lại do địa phương quản lý nhưng bị các hộ tự bao chiếm sử dụng do ruộng kém hiệu quả. Năm 2005, ông T tự nguyện hiến đất để nắn con đường thôn đi qua khu vực đất ruộng của ông T. Vị trí con đường đi qua ở các thửa 156, 160, 161 và 158. Hiện nay con đường vẫn còn, diện tích đo đạc được tại khu vực nắn đường là 349,1m2. Từ năm 2005, đến nay ông T không sử dụng hay trồng cấy gì tại khu vực đó nên gia đình ông H đã quản lý, sử dụng và không có tranh chấp gì. Như vậy diện tích đất trồng lúa của anh T không còn.Trong năm 2005, UBND thị trấn MA tiến hành thanh lý đất đường thôn cũ (phía trong cổng nhà ông T) và một phần ruộng của ông T để bán cho 03 hộ gia đình gồm bà L1 (chồng là Q), ông T và bà T1 (chồng là E). Quá trình thanh lý các hộ có đóng một khoản tiền cho UBND thị trấn MA, đến năm 2006 các hộ được cấp giấy chứng nhận QSDĐ, không có ai tranh chấp.

Ngày 08-11-2004, UBND thị trấn MA cho phép ông H chuyển đổi diện tích 100m2 đất ruộng này sang đất nuôi trồng thủy sản theo Quyết định số 102/QĐ-UB với lý do làm đất ruộng không hiệu quả. Ngày 08-10-2006, gia đình ông H được UBND huyện VY cấp giấy chứng nhận QSDĐ số H 01936, tổng diện tích 2.739,1m2 gồm: 400m2 đất ở nông thôn, 1.854,2m2 đất cây lâu năm và 484,9m2 đất nuôi trồng thuỷ sản. Phần diện tích đất ông H đổi cho ông T năm 2004 cũng nằm trong diện tích đất ông H được cấp giấy chứng nhận QSDĐ năm 2006 nêu trên. Mốc giới diện tích đất gia đình ông H được cấp giấy chứng nhận là từ mép đường thôn nắn năm 2005 hất lên đồi gia đình ông đang ở, đã trồng hàng cau hiện vẫn còn 02 cây làm hàng rào, sau đó trồng mía, trồng táo….Trong quá trình sử dụng ông T và bà B cũng không thắc mắc, khiếu kiện.

Như vậy, diện tích đất đang có tranh chấp giữa ông T và gia đình ông H đã được UBND huyện VY cấp giấy chứng nhận QSDĐ số H 01936 ngày 08-10-2006 cho hộ gia đình ông H. Việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho hộ ông H là khách quan, đúng thủ tục, trình tự theo quy định của pháp luật. Các bên không có tranh chấp hay khiếu nại gì kể từ năm 2006 đến nay, gia đình ông H đã sử dụng ổn định, lâu dài. Ông T cho rằng diện tích đất này là đất trồng lúa của ông nhưng không đưa ra được tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ.

Mặt khác, căn cứ kết quả đo đạc, đối chiếu với sơ đồ địa chính của các hộ gia đình ông T, ông H thấy rằng: Vị trí, diện tích đất hộ gia đình ông T, bà N được cấp giấy chứng nhận QSDĐ số 01933 ngày 08-10-2006 hoàn toàn nằm ngoài vị trí đất đang có tranh chấp. Vị trí, diện tích đất hộ gia đình ông H, bà A được cấp giấy chứng nhận QSDĐ số 01936 ngày 08-10-2006 tổng diện tích 2.739,1m2 gồm 400m2 đất ODT, 1.854,2m2 đất CLN và 484,9m2 đất NTS. Kết quả đo đạc thực tế xác định tổng diện tích đất của hộ ông H là 3.138,6m2 tăng 399,5m2 nguyên nhân là do ông H chỉ mốc giới, ranh giới lấn sang một phần đất của bà X (mẹ ông H) và bà H1 (em ông H), phía giáp đường thôn đã nắn năm 2005 là trùng khớp với hiện trạng mặt đường còn lại hiện nay và khớp với vị trí ông H được cấp sổ năm 2006.

Từ những nội dung trên, thấy rằng Toà án nhân dân huyện VY không chấp nhận nội dung khởi kiện của ông Đoàn Văn T yêu cầu ông Đoàn Văn H và bà Phạm Thị A phải trả lại 584,2m2 đất nông nghiệp tại tổ dân phố số 11, thị trấn MA, huyện VY, tỉnh Yên Bái là có căn cứ.

[3.2] Xét yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn ông T đưa ra cho rằng: Phần diện tích đất có tranh chấp 584,2m2 là đất ruộng của gia đình nguyên đơn. Việc UBND huyện VY cấp đất cho ông H, bà A là cấp chồng lên đất ruộng của gia đình ông T. Tuy nhiên, quá trình giải quyết vụ án tại Toà án cấp sơ thẩm cũng như tại Toà án cấp phúc thẩm, người kháng cáo là ông T không xuất trình được chứng cứ, tài liệu chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ nên yêu cầu này của người kháng cáo không có cơ sở để chấp nhận.

[4] Về án phí phúc thẩm: Do yêu cầu kháng cáo của ông Đoàn Văn T không được chấp nhận nên ông T phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1 Điều 308, khoản 1 Điều 148 của Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 1 Điều 29 của Nghị quyết số: 326/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

1. Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn ông Đoàn Văn T. Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số: 05/2022/DS-ST ngày 30-9-2022 của Tòa án nhân dân huyện VY, tỉnh Yên Bái như sau:

Các Điều 26, Điều 35, Điều 39, Điều 147, Điều 157, Điều 165, Điều 235, Điều 271 và Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 2 Điều 5, khoản 1 Điều 97, Điều 203 của Luật Đất đai; khoản 1 Điều 26 Nghị quyết 326 ngày 30-12-2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án.

1.1. Không chấp nhận nội dung khởi kiện của ông Đoàn Văn T yêu cầu ông Đoàn Văn H và bà Phạm Thị A phải trả lại 584,2m2 đất nông nghiệp tại tổ dân phố số 11, thị trấn MA, huyện VY, tỉnh Yên Bái.

(Kèm theo sơ đồ, bảng toạ đồ thửa đất tranh chấp theo kết quả xem xét thẩm định, tại chỗ của Toà án nhân dân huyện VY).

1.2. Về chi phí tố tụng: Ông Đoàn Văn T phải chịu 9.718.000 đồng tiền chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và 3.010.000 đồng tiền định giá tài sản. Tổng cộng là 12.728.000 đồng. Ông T đã nộp đủ tiền chi phí tố tụng.

1.3. Về án phí dân sự sơ thẩm: Ông Đoàn Văn T phải chịu 300.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm, nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí 1.000.000 đồng đã nộp tại Biên lai số: AA/2017/0001303 ngày 28-3-2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện VY. Ông Đoàn Văn T được trả lại số tiền chênh lệch 700.000 đồng.

2. Về án phí dân sự phúc thẩm: Ông Đoàn Văn T phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm, nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm 300.000 đồng đã nộp tại Biên lai số: AA/2021/0003153 ngày 23-10-2022 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện VY. Ông T đã nộp đủ án phí dân sự phúc thẩm.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành án theo quy định tại điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

201
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp quyền sử dụng đất số 09/2023/DS-PT

Số hiệu:09/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Yên Bái
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:15/03/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về