Bản án về tranh chấp quyền sử dụng đất số 01/2022/DS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN PÁC NẶM, TỈNH BẮC KẠN

BẢN ÁN 01/2022/DS-ST NGÀY 13/07/2022 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Trong ngày 13 tháng 7 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Pác Nặm, xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 16/2021/TLST-DS ngày 24/11/2021 về việc “Tranh chấp quyền sử dụng đất” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 01/2022/QĐST-DS ngày 24/5/2022 và Quyết định hoãn phiên tòa số 01/2022/QĐST-DS ngày 22 tháng 6 năm 2022 giữa các đương sự:

* Nguyên đơn: Ông Trịnh Văn N, sinh năm 19xx.

Địa chỉ: Thôn P, xã C, huyện P, tỉnh Bắc Kạn. Có mặt Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Trịnh Văn N. Ông Đinh Xuân Diệu - Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bắc Kạn. Có mặt

* Bị đơn: Ông Triệu Tòn S, sinh năm 19xx.

Địa chỉ: Thôn P, xã C, huyện P, tỉnh Bắc Kạn. Vắng mặt, có đơn xin xét xử vắng mặt.

Người được ông Triệu Tòn S ủy quyền là chị Chúc Thị N, sinh năm 19xx.

Địa chỉ: Thôn P, xã C, huyện P, tỉnh Bắc Kạn. Có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Triệu Tòn S là ông Sằm Đức Tùng - Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bắc Kạn. Có mặt.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ủy ban nhân dân xã Công Bằng, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Dương Văn B - Chức vụ: Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Công Bằng. Vắng mặt, có đơn xin xét xử vắng mặt.

* Người làm chứng

- Ông Chúc Thị N, sinh năm 19xx.

Trú tại: Thôn P, xã C, huyện P, tỉnh Bắc Kạn. Vắng mặt.

- Ông Triệu Tòn T, sinh năm 19xx.

Trú tại: Thôn P, xã C, huyện P, tỉnh Bắc Kạn. Vắng mặt.

- Ông Triệu Tạ N, sinh năm 19xx.

Trú tại: Thôn P, xã C, huyện P, tỉnh Bắc Kạn. Vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại đơn khởi kiện đề ngày 26/7/2021, ý kiến tại bản tự khai và trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn ông Trịnh Văn N trình bày:

Ông sử dụng một phần diện tích đất thuộc thửa đất số 418 tờ bản đồ số 02 có tổng diện tích 67.523,4m2 bản đồ lâm nghiệp năm 2009 thuộc khu vực Pù Đồn, Nà Vàng Thôn P, xã C, huyện P, tỉnh Bắc Kạn từ năm 1982 để trồng cây Ngô, năm 1984 dựng lán chăn nuôi Trâu, Bò, năm 1987 sử dụng làm khu chăn nuôi gia súc, năm 2003 ông chuyển nhà lên khu đất này sinh sống và trồng trọt ổn định không có tranh chấp, năm 2019 đã trồng cây Mỡ, cây Hồi, cây Xoan, ngày 14/6/2021 có ông Triệu Tòn S trú cùng thôn lấy cây Mỡ trồng xuống diện tích khoảng 4.059m2 đất ông đang quản lý, sử dụng thì sảy ra tranh chấp. Diện tích đất đang tranh chấp ông chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng ông chọn Tòa án nhân dân huyện Pác Nặm là cơ quan giải quyết việc tranh chấp đất giữa ông và ông S. Ông yêu cầu Tòa án giải quyết buộc ông Triệu Tòn S phá bỏ hoặc di dời số cây Mỡ ông S trồng để trả lại cho ông diện tích đất hiện ông S đang chiếm giữ.

Trong biên bản lấy lời khai bị đơn ông Triệu Tòn S trình bày: Diện tích đất tranh chấp do ông khai phá sử dụng từ năm 1985, 1986, sử dụng được một hai vụ lại bỏ hoang, đến năm 1995, 1996 sử dụng một hai vụ rồi bỏ hoang cho đến tháng 6 năm 2021 ông lấy cây Mỡ trồng lên diện tích đất này nên sảy ra tranh chấp với ông N, diện tích đất tranh chấp ông chưa được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hiện nay trên diện tích đất tranh chấp có cây Mỡ, cây Hồi của ông N trồng trước và có cây Mỡ của ông trồng tháng 6 năm 2021. Việc ông N khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc ông phá bỏ hoặc di dời số cây Mỡ đã trồng để trả lại đất đang tranh chấp cho ông N thì ông không nhất trí.

Trong biên bản lấy lời khai người được bị đơn ủy quyền chị Chúc Thị N trình bày: Chị là con dâu ông Triệu Tòn S, từ thời ông bà khai phá thế nào thì chị không rõ, tuy nhiên theo bố mẹ chồng chị kể lại thì năm 1982 gia đình bố mẹ chị canh tác trồng Ngô, Lúa trên diện tích đất tranh chấp, sau này do ông N thường xuyên thả Trâu, Bò, Gà ở đó nên gia đình chị không làm nữa. Đến tháng 6 năm 2021 thì bố chồng chị trồng cây Mỡ trên diện tích đất mà trước đó ông bà khai phá nên sảy ra tranh chấp với ông N.

Lời khai của người làm chứng ông Chúc Thị N: Ông có đám nương trồng cây Ngô giáp ranh với đất của anh Trịnh Tòn Nhảy bên trên phần đất tranh chấp giữa ông Trịnh Văn N và ông Triệu Tòn S, mỗi khi đi làm nương rẫy có đi qua khu đất này, ông thấy ông N làm nương rẫy từ dưới đường lên đến đường mòn, còn ông S làm từ đường mòn lên trên.

Lời khai của bà Bàn Mùi G (Vợ ông Triệu Tòn S). Nguồn gốc đất có từ thời bố chồng bà khai phá từ năm nào bà không nhớ, và sử dụng ổn định từ đó đến năm 2006, từ năm 2006 nhà ông N chuyển lên trên gần khu đất tranh chấp thì thả Lợn, Gà đi phá nương nhiều nên bà bỏ không làm nữa.

Lời khai của người làm chứng anh Triệu Tòn T: Anh về làm rể nhà ông Chúc Thị N từ năm 1995, từ năm 1995 anh được trồng cây Ngô ở thửa đất cạnh đất của anh Nhảy hiện nay tranh chấp với ông S, mỗi lần đi làm nương anh đi qua phần đất hiện nay có tranh chấp giữa ông Trịnh Văn N và ông Triệu Tòn S thì chỉ thấy ông N canh tác, còn không thấy ông S canh tác lần nào.

Lời khai của người làm chứng ông Triệu Tạ N: Ngày xưa khu đất tranh chấp là rừng già, sau đó cả gia đình ông N và ông S cùng đi khai phá, ông S làm ở trên, ông N làm ở dưới, còn quá trình quản lý, sử dụng khu đất tranh chấp như thế nào thì ông không biết.

Ông Đặng Tòn P trưởng thôn Phya Mạ trình bày: Sự việc tranh chấp đất giữa ông N và ông S đã được hòa giải ở thôn và xã, ông đã trực tiếp lên thực địa xác minh. Ông xác định diện tích đất tranh chấp giữa ông N và ông S thì trước đây ông N có sử dụng phần đất đang tranh chấp để trồng lúa, khoảng năm 2007 ông N đã làm nhà kiên cố sinh sống ổn định cho đến nay ngay dưới phần đất tranh chấp, ông xác nhận ông N là người sử dụng diện tích đất tranh chấp ổn định từ năm 2007 cho đến tháng 6 năm 2021 mới sảy ra tranh chấp với ông S.

Ủy ban nhân dân xã Công Bằng, huyện Pác Nặm trình bày. Sau khi đo đạc xác định diện tích tranh chấp giữa ông N và ông S là 3.763m2, toàn bộ diện tích đất tranh chấp nêu trên nằm trong thửa số 418 tờ bản đồ số 02 bản đồ địa chính lâm nghiệp năm 2009 diện tích 675.234m2 là đất chưa sử dụng (Hg). Theo bản đồ địa chính lâm nghiệp năm 2009 đo đạc chỉnh lý năm 2021 thì diện tích đất tranh chấp nằm ở thửa 1276 tờ bản đồ số 02 diện tích 713.802,1m2 loại đất rừng sản xuất (RSX). Theo bản đồ quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030 đã được phê duyệt thì diện tích đất tranh chấp thuộc loại đất rừng phòng hộ. Toàn bộ diện tích đất tranh chấp thuộc Thôn P, xã C, huyện P và chưa được Nhà nước giao quyền sử dụng đất cho ai và đang thuộc quyền quản lý của UBND xã Công Bằng, huyện Pác Nặm.

Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện Pác Nặm cung cấp: Diện tích đất tranh chấp giữa ông Trịnh Văn N và ông Triệu Tòn S nằm ở thửa số 418 tờ bản đồ số 02, bản đồ địa chính đất lầm nghiệp năm 2009 xã Công Bằng là đất hoang (HG). Theo bản đồ quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 – 2030 đã được phê duyệt thì diện tích đất tranh chấp giữa ông N và ông S thuộc loại đất rừng phòng hộ. Căn cứ bản đồ quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 – 2030 thì diện tích đất tranh chấp giữa ông N và ông S vẫn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng với mục đích để quản lý và bảo vệ rừng chứ không sử dụng vào mục đích sản xuất. Hiện nay diện tích đất tranh chấp do Ủy ban nhân dân xã Công Bằng quản lý, chưa được giao cho cá nhân nào.

Tại công văn số 122/CV-TNMT ngày 28 tháng 4 năm 2022 của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Pác Nặm cung cấp. Theo quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 – 2030 của huyện Pác Nặm đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1517/QĐ-UBND ngày 17 tháng 8 năm 2021 về việc phê duyệt quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2021 huyện Pác Nặm thì loại đất, diện tích đất hiện đang xảy ra tranh chấp là đất rừng phòng hộ (RPH). Đối với đất rừng phòng hộ tại vị trí, diện tích hiện đang xảy ra tranh chấp đến nay chưa có quyết định của cấp có thẩm quyền giao cho tổ chức quản lý rừng phòng hộ hoặc cộng đồng dân cư để quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng và trồng rừng, phát triển rừng, do vậy nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại khoản 3 Điều 136 Luật đất đai năm 2013 thì tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu, khả năng bảo vệ, phát triển rừng và đang sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ mà chưa có tổ chức quản lý và khu vực quy hoạch trồng rừng phòng hộ thì được Nhà nước giao đất rừng phòng hộ để bảo vệ, phát triển rừng và được kết hợp sử dụng đất vào mục đích khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

Ngày 10/3/2022 Tòa án đã phối hợp với Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Bắc Kạn, các phòng ban chuyên môn của Ủy ban nhân dân huyện Pác Nặm và Ủy ban nhân dân xã Công Bằng, huyện Pác Nặm tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ đối với diện tích đất tranh chấp cho kết quả. Diện tích đất tranh chấp gồm 2 thửa, thửa số 01 có diện tích 1.814,8m2, thưa số 02 có diện tích 1.948,2m2, tổng diện tích của cả hai thửa là 3.763,0m2 thuộc thửa đất số 418 tờ bản đồ số 02 (Bản đồ địa chính lâm nghiệp năm 2009), theo bản đồ địa chính lâm nghiệp năm 2009 chỉnh lý năm 2021 thuộc thửa đất số 1276 tờ bản đồ số 02 (Có sơ đồ kèm theo).

Trên thửa đất số 01 diện tích 1.814,8m2 có 58 cây Mỡ do ông Trịnh Văn N trồng năm 2019, cây cao nhất 1,5m, cây thấp nhất cao 50cm; có 76 cây Mỡ do ông Triệu Tòn S trồng tháng 6 năm 2021, cây cao nhất 40cm, cây thấp nhất cao 15cm.

Trên thửa đất số 02 diện tích 1.948,2m2 có 60 cây Mỡ, cây cao nhất cao 2,0m, cây thấp nhất cao 50cm, 02 cây Xoan cao 60cm, 04 cây Hồi cây cao nhất cao 2,5m, cây thấp nhất cao 50cm do ông Trịnh Văn N trồng năm 2019, 01 cây Trám có chu vi gốc 80cm gồm 02 nhánh cao 08m do ông Trịnh Văn N trồng năm 1984; có 60 cây Mỡ, cây cao nhất cao 40cm, cây thấp nhất cao 15cm do ông Triệu Tòn S trồng tháng 6 năm 2021.

Tại phiên tòa:

- Nguyên đơn giữ yêu cầu như đã trình bày trong đơn khởi kiện và khai trong quá trình giải quyết vụ án.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn phát biểu: Xác định gia đình ông Trịnh Văn N đã canh tác ổn định, lâu dài diện tích đất tranh chấp với ông Triệu Tòn S là có căn cứ, được nhiều người chứng kiến, do vậy đề nghị Hội đồng xét xử công nhận quyền sử dụng đất diện tích tranh chấp 3.763,0m2 cho ông Trịnh Văn N, buộc ông Triệu Tòn S di dời hoặc chặt bỏ 136 cây Mỡ trên diện tích đất tranh chấp 3.763,0m2 do ông Triệu Tòn S trồng tháng 6 năm 2021, cây cao nhất 40cm, cây thấp nhất cao 15cm, buộc ông Triệu Tòn S phải chịu tiền chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và tiền án phí dân sự sơ thẩm.

Người được bị đơn ủy quyền không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn phát biểu: Xác định ông Triệu Tòn S khai phá diện tích đất có tranh chấp từ năm 1982 là có căn cứ, năm 2019 ông Trịnh Văn N tự ý trồng cây lên đất của ông S khai phá, do vậy ông N yêu cầu ông S di dời hoặc chặt bỏ cây để trả lại đất cho ông N là không có căn cứ, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận đơn khởi kiện của ông N.

Tại phiên Tòa, Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Pác Nặm phát biểu ý kiến: Quá trình tiến hành tố tụng, Thẩm phán, HĐXX, Thư ký tòa án đã tiến hành đúng theo quy định của pháp luật tố tụng. Tại phiên tòa nguyên đơn, người được bị đơn ủy quyền, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự đã thực hiện các quyền và nghĩa vụ đúng quy định. Đề nghị HĐXX căn cứ Điều 26, 35, 39, khoản 1 Điều 157, Điều 147 của BLTTDS; Điều 4,9,11,136,166,203 Luật Đất đai; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án; Điều 91 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Trịnh Văn N. Buộc bị đơn ông Triệu Tòn S phải di dời hoặc chặt bỏ 136 cây Mỡ ra khỏi diện tích đất tranh chấp, ông Triệu Tòn S phải chịu chi phí thẩm định tại chỗ và án phí dân sự sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận giữa nguyên đơn, bị đơn tại phiên tòa. Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về thẩm quyền: Đây là vụ án dân sự tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn ông Trịnh Văn N với bị đơn ông Triệu Tòn S. Bị đơn và đối tượng tranh chấp đều có địa chỉ tại xã Công Bằng, huyện Pác Nặm và vụ việc đã được Ủy ban nhân dân xã Công Bằng, huyện Pác Nặm hòa giải. Căn cứ theo quy định tại các điều 26, 35, 39 của Bộ luật tố tụng dân sự, vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn.

[2] Về nội dung tranh chấp:

Ông Trịnh Văn N và ông Triệu Tòn S tranh chấp tại thửa đất số 418 tờ bản đồ số 02 (Bản đồ địa chính lâm nghiệp năm 2009), theo bản đồ địa chính lâm nghiệp năm 2009 chỉnh lý năm 2021 thuộc thửa đất số 1276 tờ bản đồ số 02, diện tích đất tranh chấp gồm 2 thửa, thửa số 01 có diện tích 1.814,8m2, thửa số 02 có diện tích 1.948,2m2, tổng diện tích của cả hai thửa là 3.763,0m2, loại đất rừng phòng hộ có địa chỉ tại Thôn P, xã C, huyện P, tỉnh Bắc Kạn, nhưng chưa được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tháng 6 năm 2021 ông Triệu Tòn S trồng cây Mỡ lên diện tích đất ông N đã trồng cây Mỡ, cây Hồi, cây Xoan từ năm 2019 nên dẫn đến tranh chấp. Nay ông Trịnh Văn N đề nghị Tòa án giải quyết buộc ông Triệu Tòn S di dời hoặc chặt bỏ toàn bộ số cây Mỡ đã trồng trả lại cho ông diện tích đất 3.763,0m2 theo biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ của Tòa án.

[3] Xác định diện tích đất tranh chấp:

Ngày 10/3/2022 Tòa án đã phối hợp với Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Bắc Kạn, các phòng ban chuyên môn của Ủy ban nhân dân huyện Pác Nặm và Ủy ban nhân dân xã Công Bằng, huyện Pác Nặm tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ đối với diện tích đất tranh chấp cho kết quả. Diện tích đất tranh chấp gồm 2 thửa:

Thửa số 01: Ông Trịnh Văn N xác định diện tích tranh chấp của thửa đất trích đo số 01 là toàn bộ 1.814,8m2 được giới hạn bởi các mốc 1- 2 - 3- 4-5- 6-7- 8-9- 1. Ông Triệu Tòn S xác định diện tích tranh chấp của thửa số 01 là 1.366,7m2 được giới hạn bởi các mốc 1- 2-3- 4-7- 8-9- 1, còn lại phần diện tích 448,1m2 được giới hạn bởi các mốc 4-5-6-7-4 ông S cho rằng không có tranh chấp. Hội đồng xét xử nhận thấy việc ông Trịnh Văn N xác định diện tích tranh chấp bao gồm cả phần diện tích 448,1m2 là có cơ sở, bởi lẽ năm 2019 ông N đã trồng cây Mỡ trên diện tích đất này và tháng 6 năm 2021 ông S lấy cây Mỡ trồng xen vào giữa các cây Mỡ của ông N trồng trước đó nên mới sảy ra tranh chấp. Do vậy Hội đồng xét xử xác định diện tích đất tranh chấp giữa ông N và ông S tại thửa đất trích đo số 01 là 1.814,8m2 được giới hạn bởi các mốc 1- 2 - 3- 4-5- 6-7- 8-9- 1.

Thửa số 02: Diện tích tranh chấp là toàn bộ diện tích của thửa đất trích đo số 02 là 1.948,2m2 được giới hạn bởi các mốc 10-11- 12- 13- 14-15-16-17-18-19- 10.

Hội đồng xét xử xác định tổng diện tích tranh chấp là diện tích của cả hai thửa trích đo số 01 và 02 có tổng diện tích là 3.763,0m2 thuộc thửa đất số 418 tờ bản đồ số 02 (Bản đồ địa chính lâm nghiệp năm 2009), theo bản đồ địa chính lâm nghiệp năm 2009 chỉnh lý năm 2021 thuộc thửa đất số 1276 tờ bản đồ số 02.

[4] Xác định tài sản trên diện tích đất tranh chấp:

Trên thửa đất số 01 diện tích 1.814,8m2 có 58 cây Mỡ do ông Trịnh Văn N trồng năm 2019, cây cao nhất 1,5m, cây thấp nhất cao 50cm; có 76 cây Mỡ do ông Triệu Tòn S trồng tháng 6 năm 2021, cây cao nhất 40cm, cây thấp nhất cao 15cm.

Trên thửa đất số 02 diện tích 1.948,2m2 có 60 cây Mỡ, cây cao nhất cao 2,0m, cây thấp nhất cao 50cm, 02 cây Xoan cao 60cm, 04 cây Hồi cây cao nhất cao 2,5m, cây thấp nhất cao 50cm do ông Trịnh Văn N trồng năm 2019, 01 cây Trám có chu vi gốc 80cm gồm 02 nhánh cao 08m do ông Trịnh Văn N trồng năm 1984; có 60 cây Mỡ, cây cao nhất cao 40cm, cây thấp nhất cao 15cm do ông Triệu Tòn S trồng tháng 6 năm 2021.

Hội đồng xét xử xem xét về nguồn gốc và quá trình sử dụng: Diện tích hai thửa đất trích đo số 01 và 02 có tranh chấp giữa ông Trịnh Văn N và ông Triệu Tòn S đã được gia đình ông Trịnh Văn N sử dụng ổn định, liên tục từ năm 1995 đến khi sảy ra tranh chấp tháng 6 năm 2021, quá trình sử dụng không có tranh chấp, ông Triệu Tòn S cho rằng thửa đất này là ông khai phá và sử dụng, tuy nhiên tại lời khai của ông thì ông xác định, diện tích tranh chấp do ông khai phá sử dụng từ năm 1985, 1986, sử dụng được một hai vụ lại bỏ hoang đến năm 1995, 1996 sử dụng một hai vụ rồi bỏ hoang cho đến tháng 6 năm 2021 ông lấy cây Mỡ trồng lên diện tích đất này nên sảy ra tranh chấp với ông N, diện tích đất tranh chấp ông chưa được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Hiện nay trên diện tích đất tranh chấp có cây Mỡ của ông N trồng năm 2019 và có cây Mỡ của ông S trồng tháng 6 năm 2021. Do vậy có thể khẳng định ông Trịnh Văn N là người sử dụng diện tích đất hiện nay đang tranh chấp ổn định, liên tục từ sau năm 1995, 1996 cho đến khi sảy ra tranh chấp với ông Triệu Tòn S vào tháng 6 năm 2021 là có căn cứ, quá trình sử dụng đất tranh chấp của ông N phù hợp với lời khai của ông Triệu Tòn S và lời khai của người làm chứng và các tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án.

[5] Xác định vị trí, loại đất và căn cứ về quyền sử dụng đất: Căn cứ sơ đồ đo vẽ của Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Bắc Kạn, công văn số 122/Cv-TNMT ngày 28/4/2022 của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Pác Nặm, biên bản xác minh tại Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện Pác Nặm xác định diện tích đất tranh chấp 3.763,0m2 giữa ông Trịnh Văn N và ông Triệu Tòn S nằm ở thửa số 418 tờ bản đồ số 02, bản đồ địa chính đất lâm nghiệp năm 2009 xã Công Bằng, tại bản đồ địa chính đất lầm nghiệp năm 2009 chỉnh lý năm 2021 xã Công Bằng thuộc thửa đất số 1276 tờ bản đồ số 02, vị trí thửa đất thuộc Thôn P, xã C, huyện P, tỉnh Bắc Kạn, theo quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 – 2030 của huyện Pác Nặm đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1517/QĐ-UBND ngày 17 tháng 8 năm 2021 về việc phê duyệt quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2021 huyện Pác Nặm thì loại đất, diện tích đất hiện đang xảy ra tranh chấp là đất rừng phòng hộ (RPH). Đối với đất rừng phòng hộ tại vị trí, diện tích hiện đang xảy ra tranh chấp đến nay chưa có quyết định của cấp có thẩm quyền giao cho tổ chức quản lý rừng phòng hộ hoặc cộng đồng dân cư nào để quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng và trồng rừng, phát triển rừng. Hiện nay diện tích đất tranh chấp do Ủy ban nhân dân xã Công Bằng, huyện Pác Nặm quản lý.

Về căn cứ giao đất: Theo công văn số 122/CV-TNMT ngày 28 tháng 4 năm 2022 của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Pác Nặm thì tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu, khả năng bảo vệ, phát triển rừng và đang sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ mà chưa có tổ chức quản lý và khu vực quy hoạch trồng rừng phòng hộ thì được Nhà nước giao đất rừng phòng hộ để bảo vệ, phát triển rừng và được kết hợp sử dụng đất vào mục đích khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng quy định tại khoản 3 Điều 136 Luật đất đai năm 2013.

[6] Đánh giá quan điểm của đại diện Viện kiểm sát: Hội đồng xét xử xét thấy quan điểm của đại diện Viện kiểm sát đề nghị là phù hợp nên được chấp nhận.

[7] Đánh giá quan điểm của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn: Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn đề nghị công nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất tranh chấp 3.763,0m2 cho ông Trịnh Văn N, yêu cầu ông Triệu Tòn S di dời, chặt bỏ 136 cây Mỡ do ông S trồng và ông S phải chịu tiền chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và tiền án phí dân sự sơ thẩm. Hội đồng xét xử xét thấy đề nghị của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn là có căn cứ nên được chấp nhận.

[8] Đánh giá quan điểm của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn: Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận đơn khởi kiện của ông Trịnh Văn N. Hội đồng xét xử xét thấy đề nghị của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn là không có căn cứ nên không được chấp nhận.

[9]. Nhận định của Hội đồng xét xử: Ông Trịnh Văn N là người đã sử dụng diện tích đất tranh chấp 3.763,0m2 ổn định, lâu dài từ năm 1995 đến nay chưa có tổ chức quản lý và khu quy hoạch trồng rừng phòng hộ, ông N có khả năng bảo vệ, phát triển rừng, đang sinh sống ổn định trong khu vực rừng phòng hộ phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 136 Luật đất đai năm 2013, Điều 16, Điều 73, Điều 76, Điều 81 Luật Lâm nghiệp năm 2017, Ủy ban nhân dân xã Công Bằng, huyện Pác Nặm là cơ quan đang quản lý diện tích đất tranh chấp đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giao quyền sử dụng diện tích đất tranh chấp cho ông Trịnh Văn N, do vậy cần xem xét giao quyền sử dụng diện tích đất tranh chấp 3.763,0m2 cho ông Trịnh Văn N là phù hợp với quy định của pháp luật. Còn ông Triệu Tòn S không sử dụng đất ổn định, lâu dài và không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ hiện nay tranh chấp nên không đủ điều kiện được giao đất rừng phòng hộ quy định tại Điều 136 Luật đất đai, do vậy không có căn cứ giao diện tích đất tranh chấp cho ông S.

Từ những căn cứ, đánh giá nêu trên, nguyên đơn ông Trịnh Văn N yêu cầu Tòa án giải quyết buộc ông Triệu Tòn S phải chặt bỏ hoặc di dời 76 cây Mỡ do ông Triệu Tòn S trồng tháng 6 năm 2021, cây cao nhất 40cm, cây thấp nhất cao 15cm trên thửa đất số 01 diện tích 1.814,8m2 và 60 cây Mỡ, cây cao nhất cao 40cm, cây thấp nhất cao 15cm trên thửa đất số 02 diện tích 1.948,2m2 để trả lại tổng diện tích của cả hai thửa đất là 3.763,0m2 cho ông Trịnh Văn N là có căn cứ và được chấp nhận.

[10] Về chi phí tố tụng: Căn cứ khoản 1 Điều 157, khoản 1 Điều 158 Bộ luật Tố tụng dân sự: Bị đơn ông Triệu Tòn S phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ 4.450.000đ (Bốn triệu, bốn trăm năm mươi nghìn đồng). Nguyên đơn ông Trịnh Văn N đã nộp tạm ứng 4.450.000đ (Bốn triệu, bốn trăm năm mươi nghìn đồng), do vậy bị đơn ông Triệu Tòn S phải hoàn trả cho ông Trịnh Văn N số tiền 4.450.000đ (Bốn triệu, bốn trăm năm mươi nghìn đồng).

[11] Về án phí: Căn cứ khoản 1 Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự. Bị đơn ông Triệu Tòn S phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Nguyên đơn ông Trịnh Văn N không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm, được trả lại tiền tạm ứng án phí đã nộp.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ khoản 9 Điều 26, Điều 35; Điều 39 khoản 1 Điều 147; khoản 1 Điều 157; khoản 1 Điều 158 Bộ luật Tố tụng dân sự - Căn cứ Điều 4; Điều 5; khoản 3 Điều 136; Điều 166; Điều 203 Luật Đất đai năm 2013. Điều 16, Điều 81 Luật Lâm nghiệp năm 2017.

- Căn cứ Điều 91 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ.

- Căn cứ khoản 2 điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Trịnh Văn N 2. Ông Trịnh Văn N được quyền sử dụng thửa đất trích đo số 01 diện tích 1.814,8m2 được giới hạn bởi các mốc 1- 2 - 3- 4-5- 6-7-8-9- 1 và thửa đất trích đo số 02 diện tích 1.948,2m2 được giới hạn bởi các mốc 10-11- 12- 13- 14-15-16-17- 18-19-10. Tổng diện tích của cả hai thửa đất là 3.763,0m2 loại đất rừng phòng hộ nằm trong thửa đất số 418 tờ bản đồ số 02, bản đồ địa chính đất lâm nghiệp năm 2009 xã Công Bằng, tại bản đồ địa chính đất lâm nghiệp năm 2009 chỉnh lý năm 2021 xã Công Bằng thuộc thửa đất số 1276 tờ bản đồ số 02, địa chỉ thửa đất tại Thôn P, xã C, huyện P, tỉnh Bắc Kạn. (có bản đồ đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính khu đất tranh chấp kèm theo bản án).

3. Buộc bị đơn ông Triệu Tòn S phải chặt bỏ hoặc di dời 76 cây Mỡ do ông Triệu Tòn S trồng tháng 6 năm 2021 trên thửa đất trích đo số 01 diện tích 1.814,8m2, cây cao nhất 40cm, cây thấp nhất cao 15cm.

Buộc bị đơn ông Triệu Tòn S phải chặt bỏ hoặc di dời 60 cây Mỡ do ông Triệu Tòn S trồng tháng 6 năm 2021 trên thửa đất trích đo số 02 diện tích 1.948,2m2, cây cao nhất cao 40cm, cây thấp nhất cao 15cm trên thửa đất số 02 diện tích 1.948,2m2 4. Về án phí: Nguyên đơn ông Trịnh Văn N không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm, được trả lại tiền tạm ứng án phí đã nộp 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí tòa án số 0000756 ngày 24/11/2021 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn.

Bị đơn ông Triệu Tòn S phải chịu án phí dân sự sơ thẩm 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng).

5. Về chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ: Bị đơn ông Triệu Tòn S phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ 4.450.000đ (Bốn triệu, bốn trăm năm mươi nghìn đồng).

Nguyên đơn ông Trịnh Văn N đã nộp tạm ứng 4.450.000đ (Bốn triệu, bốn trăm năm mươi nghìn đồng), do vậy bị đơn ông Triệu Tòn S phải hoàn trả cho ông Trịnh Văn N số tiền 4.450.000đ (Bốn triệu, bốn trăm năm mươi nghìn đồng).

Việc thi hành án dân sự số tiền chậm trả được thực hiện theo quy định tại Điều 357 Bộ luật Dân sự năm 2015 và Điều 26 Luật Thi hành án dân sự.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

6. Về quyền kháng cáo: Nguyên đơn có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm. Bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

53
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp quyền sử dụng đất số 01/2022/DS-ST

Số hiệu:01/2022/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Pác Nặm - Bắc Kạn
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:13/07/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về