Bản án về tranh chấp kiện đòi tài sản số 45/2022/DSPT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH

BẢN ÁN 45/2022/DSPT NGÀY 16/06/2022 VỀ TRANH CHẤP KIỆN ĐÒI TÀI SẢN

Ngày 16 tháng 6 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh xét xử phúc thẩm vụ án thụ lý số: 60/2022/TLPT- DS ngày 01/03/2022 về “Tranh chấp kiện đòi tài sản”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số: 02/2022/DS-ST ngày 17/01/2022 của Tòa án nhân dân huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh bị kháng cáo.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 70/2022/QĐ-PT ngày 27/4/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh giữa các đương sự:

- Nguyên đơn : Bà Nguyễn Thị S, sinh năm 1955; Địa chỉ: Thôn K, xã T, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh (có mặt).

- Bị đơn : Bà Nguyễn Thị C, sinh năm 1965; Địa chỉ: Thôn T, xã G, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh (có mặt).

- Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: Chị Nguyễn Thị Thu H, sinh năm 1991; Địa chỉ: Phòng 604, Chung cư V, ngõ 689, Lạc Long Quân, Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội (vắng mặt).

- Người làm chứng: Bà Nguyễn Thị M, sinh năm 1961; Địa chỉ: Thôn T, xã G, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh (vắng mặt).

Người kháng cáo: Bị đơn là Bà Nguyễn Thị C.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản án sơ thẩm và các tài liệu có trong hồ sơ thì vụ án có nội dung như sau: Nguyên đơn là Bà Nguyễn Thị S trình bày: Bà và Bà Nguyễn Thị C là hai chị em ruột. Năm 2013, Bà C có nói với bà là có tiền thì đưa cho Bà C để Bà C đưa cho con gái là cháu Nguyễn Thị Thu H gửi vào công ty của cháu H làm việc để lấy lãi. Bà C có nói với bà là sẽ trả lãi 25%/1 năm và thời hạn vay là 01 năm sẽ trả cả gốc và lãi. Bà đã đồng ý và đưa cho Bà C tổng số tiền là 220.000.000 đồng vào 03 lần. Cụ thể: Ngày 15/10/2014, bà đưa cho Bà C 100.000.000 đồng; ngày 18/12/2014 bà đưa cho Bà C 50.000.000 đồng và ngày 15/10/2015 bà đưa cho Bà C 70.000.000 đồng. Tuy nhiên, những lần bà đưa tiền cho Bà C giữa 2 bên không viết giấy tờ gì nhưng bà có về viết vào sổ của bà để theo dõi. Đến nay Bà C chưa trả bà bất kỳ một đồng tiền nào bao gồm cả tiền gốc và tiền lãi, bà có đến đòi nhưng Bà C có nói khi nào Bà C đòi được tiền từ công ty thì sẽ trả cho bà. Khi đến hạn của lần cuối cùng bà đưa tiền cho Bà C (ngày 15/10/2015) bà có đến đòi nhưng Bà C vẫn không trả nên bà đã yêu cầu Bà C phải viết giấy biên nhận. Tại thời điểm đó, Bà C đã viết giấy biên nhận của bà 03 lần với tổng số tiền là 220.000.000 đồng. Trong giấy biên nhận, Bà C không ghi ngày tháng năm nhưng bà nhớ là khoảng tháng 10/2016. Sau khi Bà C viết giấy biên nhận, bà cũng đã thường xuyên đến đòi nhưng Bà C bảo không trả bà vì Bà C chưa đòi được tiền từ công ty. Bà khẳng định bà không biết sau khi nhận tiền của bà, Bà C đưa cho ai và gửi vào Công ty nào vì bà chỉ đưa cho tiền cho Bà C. Vì vậy, bà yêu cầu Bà C phải trả lại bà số tiền này, bà không yêu cầu Bà C phải trả số tiền lãi.

Bị đơn là Bà Nguyễn Thị C trình bày: Bà và Bà Nguyễn Thị S là hai chị em ruột. Con gái bà là Nguyễn Thị Thu H có làm ở Công ty ADI của ông Phạm Thanh H ở Hà Nội. Do H thấy có nhiều người đến gửi tiền ở công ty này để lấy lãi nên khi về nhà H có nói chuyện với bà, bà S và bà Mài là cháu đầu tư vào công ty 30 triệu đồng thì 01 năm lãi 90 triệu đồng. Do vậy, bà S có nhờ H gửi tiền để lấy lãi. Cụ thể: Ngày 08/10/2012, bà S có đưa cho H 100 triệu đồng tại quán nhà bà để nhờ H gửi hộ vào công ty ADI với thời hạn 01 năm và được trả số tiền lãi 01 lần là 30 triệu đồng. Đến tháng 10/2013 (bà không nhớ ngày), H đã lấy tiền lãi và đưa cho bà S 30 triệu đồng. Đến tháng 10/2014 (bà không nhớ ngày), H tiếp tục trả bà S 30 triệu đồng tiền lãi.

Sau khi cháu H trả lãi cho bà S ( tháng 10/2014) thì một thời gian sau bà S có nhờ bà mang cho H 50 triệu đồng và nhờ H tiếp tục gửi vào Công ty. Đến ngày 05/10/2015, do sắp đến ngày đáo hạn nên H có bảo bà S là sẽ rút cả gốc và lãi về trả cho bà S, nhưng bà S có nói là sẽ gửi thêm. Đến ngày 09/10/2015, bà S có gọi bà đến nhà và nhờ bà cầm 70 triệu đồng mang ra Hà Nội gửi cháu H và nói cộng với số tiền lãi cho tròn 200 triệu đồng. Bà cầm tiền đi cùng cô Út (hàng xóm) mang ra cho H ngay ngày hôm đó.

Bà xác nhận những lần bà S đưa tiền cho H và cho bà để nhờ H gửi vào Công ty cũng như những lần bà đưa cho bà S tiền lãi hai bên đều không viết giấy tờ gì.

Đến ngày 19/10/2015, ông Phạm Thanh H bị bắt, một thời gian sau bà S cho con trai đến chửi bới và đe dọa bà để đòi tiền.

Đến năm 2019 (bà không nhớ ngày, tháng) bà S có đến nhà bà bảo với bà là mẹ con bà cầm của bà S bao nhiêu tiền thì cứ ghi vào giấy biên nhận để rồi tính sau. Vì sợ mẹ con bà S chửi nên bà mới ghi ra giấy với nội dung là: “ Bà S có đưa cho con tôi và tôi ba lần là: Tháng 10/2012 là 100.000.000đ; 2015 là 50.000.000đ; Tháng 10/2015 là 70.000.000đ”. Bà xác nhận bà có ghi ra tờ giấy với nội dung là bà S đã đưa cho mẹ con bà 03 lần với tổng số tiền là 220 triệu đồng, trong giấy còn ghi chú đã nhận tiền lãi 03 năm là 90 triệu. Sau khi bà viết giấy cho bà S, bà cũng viết lại 01 bản nhưng hiện nay bà không còn giữ. Tuy nhiên, giấy biên nhận mà bà S giao nộp cho Tòa án và Tòa án giao cho bà không phải là tờ giấy do bà viết và ký.

Nay bà S yêu cầu bà phải trả cho bà S tổng số tiền gốc là 220 triệu đồng theo Giấy biên nhận mà bà S giao nộp tại Tòa án, bà không đồng ý bởi lẽ bà không vay tiền của bà S mà bà S chỉ nhờ con gái bà gửi hộ để lấy lãi nên bao giờ Công ty ADI trả con gái bà thì bà sẽ trả bà S theo giá trị mà Công ty trả.

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là Chị Nguyễn Thị Thu H trình bày: Chị là con gái của Bà Nguyễn Thị C. Tại thời điểm năm 2012, chị làm việc ở Công ty Cổ phần TM và PT Quốc tế qua cuộc nói chuyện bà S có đặt vấn đề gửi tiền để chị gửi vào công ty lấy lãi suất cao. Do là người nhà nên chị đồng ý và nhận tiền của bà S tổng số tiền là 220 triệu đồng và gửi vào công ty. Cụ thể: Lần 1: Ngày 11/10/2012, bà S đưa cho chị 100 triệu đồng; Lần 2: Khoảng tháng 12/2014, bà S cùng mẹ chị (Bà C) ra phố Thái Hà đưa cho chị 50 triệu đồng; Lần 3: Khoảng tháng 10/2015, bà S đưa cho mẹ chị 70 triệu đồng để mẹ chị mang ra Hà Nội cho chị. Việc bà S nhờ chị gửi tiền vào công ty để lấy lãi là do bà S hoàn toàn tự nguyện và những lần bà S đưa tiền cho chị hai bên không viết giấy tờ gì.

Trong thời gian bà S đưa tiền để chị gửi hộ vào công ty, chị đã rút được tiền lãi 3 năm của số tiền 100 triệu đồng là 90 triệu đồng (mỗi năm 30 triệu đồng) và chị đã trực tiếp đưa cho bà S vào tháng 10/2013, 2014, 2015. Tuy nhiên khi đưa tiền lãi giữa chị và bà S không viết giấy tờ gì nhưng có Bà Nguyễn Thị M là bác ruột chứng kiến. Đến tháng 10/2015, thì Giám đốc Công ty chị bị bắt về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nên Công ty chưa hoạt động lại vì vậy không thanh toán tiền cho người gửi được. Từ đó đến nay bà S liên tục đòi tiền chị nhưng chị có nói với bà S hiện tại vụ án chưa xét xử nên chị chưa lấy được tiền, khi nào Công ty trả thì chị sẽ trả bà S nhưng bà S không đồng ý mà đến đòi tiền từ mẹ chị.

Nay chị khẳng định mẹ chị không vay số tiền 220 triệu đồng của bà S mà mẹ chị chỉ nhận hộ để đưa cho chị gửi vào Công ty lấy tiền lãi cho bà S do vậy khi nào chị được Cơ quan thi hành án thành phố Hà Nội trả tiền theo quyết định của Tòa án thành phố Hà Nội thì chị sẽ trả lại tiền cho bà S.

Bà Nguyễn Thị M trình bày: Bà là em gái của bà S và là chị gái của Bà C. Việc bà S đưa số tiền 220 triệu đồng cho Bà C để nhờ chị H (là con gái Bà C) gửi vào Công ty để lấy lãi thì bà không trực tiếp chứng kiến. Tuy nhiên khi chị H trả tiền lãi cho Bà C, bà là người trực tiếp chứng kiến 2 lần: Lần thứ nhất vào khoảng năm 2013 ( bà không nhớ ngày, tháng), tại cổng quán nhà bà S ở Thôn K, xã T chị H đưa cho bà S 30 triệu. Lần hai: Khoảng năm 2014 (bà không nhớ ngày, tháng) tại nhà Bà C ở Thôn T, xã G, chị H đưa 30 triệu đồng cho bà S. Còn lần thứ 03, bà chỉ chứng kiến chị H có đến và nói rút hết tiền gốc và lãi về trả bà S nhưng bà S không nhận mà bảo chị H gửi tiếp vào Công ty. Tuy nhiên, việc giao nhận tiền giữa chị H và Bà C bà không chứng kiến.

Với nội dung trên bản án sơ thẩm đã căn cứ Điều 166; Điều 688 Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 147; Điều 161 Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết 326 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Bà Nguyễn Thị S.

Buộc Bà Nguyễn Thị C phải trả Bà Nguyễn Thị S tổng số tiền 220.000.000 đồng (Hai trăm hai mươi triệu đồng).

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên xử về nghĩa vụ thi hành án, chi phí giám định, án phí và quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.

Sau khi xử sơ thẩm, ngày 08/2/2022 Bà Nguyễn Thị C có đơn kháng cáo toàn bộ bản án.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến về việc tuân thủ pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử; việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng dân sự kể từ khi thụ lý phúc thẩm cho đến phần tranh luận tại phiên tòa là đảm bảo theo đúng trình tự, quy định của pháp luật và đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự, giữ nguyên bản án sơ thẩm xử.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên toà, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định:

[1]. Về thủ tục tố tụng: Đơn kháng cáo của Bà Nguyễn Thị C nộp trong hạn luật định, đã thực hiện đầy đủ thủ tục tố tụng nên được xem xét giải quyết theo trình tự xét xử phúc thẩm.

[2]. Về nội dung: Bà Nguyễn Thị S và Bà Nguyễn Thị C là hai chị em ruột. Năm 2013, do Bà C có nói với bà S về chuyện gửi tiền vào công ty cháu Nguyễn Thị H (con gái Bà C) để lấy lãi 25%/năm và thời hạn vay là 01 năm sẽ trả cả gốc và lãi. Nên năm 2014 và năm 2015, bà S đã gửi Bà C tổng số tiền là 220.000.000 đồng nhưng đến nay bà S vẫn không nhận được số tiền gốc cũng như tiền lãi nào và tại thời điểm đó hai bên không viết giấy tờ gì. Đến khoảng tháng 10 năm 2016, Bà C có viết giấy biên nhận thể hiện nội dung: Bà Nguyễn Thị C có cầm số tiền của bà S để đưa cho chị Nguyễn Thị H gửi hộ vào Công ty với số tiền ngày 15/10/2014 là 100.000.000 đồng; ngày 18/12/2014 là 50.000.000 đồng; ngày 15/10/2015 là 70.000.000 đồng. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật là “tranh chấp kiện đòi tài sản” và chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Bà Nguyễn Thị S là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật.

Xét kháng cáo của Bà Nguyễn Thị C cho rằng bà chỉ là người cầm tiền của Bà Nguyễn Thị S giúp Chị Nguyễn Thị Thu H chứ không phải là người vay mượn tiền của bà S. Nhận thấy, mặc dù Bà C có nói rằng giấy biên nhận đó không phải do bà viết và ký những theo kết luận giám định số 102/KLGĐTL- PC09 ngày 12/02/2021 của Phòng kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Bắc Ninh kết luận: “Chữ ký, chữ viết và chữ số trên tài liệu cần giám định so với chữ ký, chữ viết và chữ số của Nguyễn Thị Chi trên các tài liệu mẫu so sánh là do cùng một người viết”. Như vậy, có đủ căn cứ để khẳng định giấy biên nhận do bà S giao nộp cho Tòa án là do Bà Nguyễn Thị C viết và ký. Tại thời điểm viết, ký Bà Nguyễn Thị C có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Hơn nữa, Bà Nguyễn Thị C cũng có xác nhận bà cầm của Bà Nguyễn Thị S số tiền là 220.000.000 đồng và đưa cho con gái là Nguyễn Thị Thu H gửi tiền vào Công ty ADI của ông Phạm Thanh H. Do đó, bản án sơ thẩm buộc Bà Nguyễn Thị C phải trả cho Bà Nguyễn Thị S tổng số tiền 220.000.000 đồng là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.

Tại giai đoạn chuẩn bị xét xử, cũng như tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, Bà C kháng cáo toàn bộ bản án nhưng không cung cấp được tài liệu, chứng cứ nào mới nên kháng cáo của Bà C không có căn cứ chấp nhận nên cần bác toàn bộ kháng cáo của Bà C.

3. Về án phí, chi phí giám định: Bà C phải chịu án phí và chi phí giám định theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Điều 147; Điều 161; khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự; Các Điều 166; Điều 688 Bộ luật dân sự 2015Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ quốc hội quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

1. Không chấp nhận kháng cáo của Bà Nguyễn Thị C. Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số: 02/2022/DS-ST ngày 17/01/2022 của Tòa án nhân dân huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

2. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Bà Nguyễn Thị S. Buộc Bà Nguyễn Thị C phải trả Bà Nguyễn Thị S tổng số tiền 220.000.000 đồng (Hai trăm hai mươi triệu đồng).

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (đối với trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

3. Về án phí: Bà Nguyễn Thị S không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm và dân sự phúc thẩm.

Bà Nguyễn Thị C phải chịu 11.000.000đ án phí dân sự sơ thẩm và 300.000đ án phí dân sự phúc thẩm nhưng được trừ 300.000đ tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo Biên lai thu số: AA/2021/0005429 ngày 09 tháng 2 năm 2022 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Thuận Thành.

4. Về chi phí giám định: Bà Nguyễn Thị C phải chịu 4.000.000 đồng (Bốn triệu đồng) tiền chi phí giám định (xác nhận Bà C đã nộp đủ).

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự.

Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

165
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp kiện đòi tài sản số 45/2022/DSPT

Số hiệu:45/2022/DSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bắc Ninh
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 16/06/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về