Bản án về tranh chấp hợp đồng vay tài sản số 83/2023/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG

BẢN ÁN 83/2023/DS-PT NGÀY 24/11/2023 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN

Ngày 24 tháng 11 năm 2023, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Hải Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 79/2023/TLPT-DS ngày 12/10/2023 về việc Tranh chấp hợp đồng vay tài sản.

Do bản án dân sự sơ thẩm số: 09/2023/DS-ST ngày 12/8/2023 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Hải Dương bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 67/2023/QĐXX-PT ngày 31/10/2023, giữa:

1. Nguyên đơn: Bà Chu Thị Phương L, sinh năm 1960; địa chỉ: thôn Nghĩa D, xã Đ, huyện T, tỉnh Hải Dương; có mặt.

2. Bị đơn: Bà Trịnh Thị L1, sinh năm 1955; địa chỉ: thôn X, xã H, huyện T, tỉnh Hải Dương; có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà L1: Ông Đ - Luật sư Văn phòng luật sư Đ thuộc Đoàn luật sư tỉnh Hải Dương; địa chỉ: số 01 phố X, phường T, thành phố H, tỉnh Hải Dương; có mặt.

3. Người kháng cáo: Bà Chu Thị Phương L, là nguyên đơn và bà Trịnh Thị L1, là bị đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản án dân sự sơ thẩm số: 09/2023/DS-ST ngày 12/8/2023 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Hải Dương vụ án có nội dung tóm tắt như sau:

Nguyên đơn bà L trình bày: Bà và bà Trịnh Thị L1 có mối quan hệ quen biết với nhau, bà L1 làm bảo hiểm và kinh doanh đa cấp nên nhờ bà L vay tiền hộ để bà L1 làm ăn. Do tin tưởng bà L1 nên bà L đã vay hộ bà L1 số tiền gốc là 550 triệu đồng, cụ thể: Lần thứ nhất, ngày 23/6/2014, bà L vay của anh Phạm Văn L2, sinh năm 1979; địa chỉ: thôn N, xã Đ, huyện T, tỉnh Hải Dương số tiền 100 triệu đồng và có viết giấy vay tiền. Lần thứ hai, ngày 15/9/2014, bà L vay của anh Phạm Văn L2 số tiền 200 triệu đồng và có viết giấy vay tiền. Lần thứ ba, tháng 4/2015, bà L vay của anh Nguyễn Văn Th và chị Bùi Thị L3 ở thị trấn T, huyện T, tỉnh Hải Dương số tiền 250 triệu đồng, vợ chồng L3 Th không viết giấy vay tiền, chỉ viết vào quyển sổ cho vay của anh Th chị L3.

Đối với số tiền vay của anh L2, anh L2 tính lãi là 2.000đ/1 triệu/1 ngày, đối với số tiền vay của vợ chồng L3 Th thì tính lãi là 1.000đ/1 triệu/1 ngày. Các khoản tiền trên sau khi vay, bà L đều đưa cho bà L1.

Sau khi vay tiền như trên, bà L1 trả lãi các khoản vay trên đến tháng 4/2015. Từ tháng 5/2015, bà L1 không trả lãi, nên bà L phải trả thay cho bà L1 tiền lãi từ tháng 5/2015 đến tháng 01/2016. Từ tháng 02/2016, bà L phải vay tiền của người khác. Cụ thể, vay anh Đào Văn T, sinh năm 1966 ở thôn 7, xã T, huyện N, tỉnh Hải Dương số tiền là 730 triệu đồng để trả nợ gốc và lãi cho anh L2 và vợ chồng nhà L3 Th tính đến hết tháng 01/2016. Thời gian vay tính từ tháng 02/2016 đến hết tháng 10/2016 là 09 tháng; mỗi tháng, bà L phải trả cho anh T tiền lãi là 10 triệu đồng/tháng, tổng cộng là 90 triệu đồng. Từ tháng 11/2016 đến nay, bà L phải mượn sổ đỏ của anh Chu Mạnh H, chị Chu Thị Ng, anh Nguyễn Văn T1 đều có địa chỉ tại thôn N, xã Đ để thế chấp và vay tiền của Ngân hàng Agribank - Chi nhánh huyện T, để lấy tiền trả anh T. Từ tháng 11/2016, bà L chỉ phải trả lãi theo lãi suất của Ngân hàng.

Ngày 22/9/2021, tại nhà chị Trịnh Thị Th, sinh năm 1961 ở thôn N, xã Đ, bà L1 có đưa ra một bản phô tô giấy trả nợ ghi ngày 17/10/2017, thể hiện bà L1 trả cho bà L 50 triệu đồng. Bà L1 bảo chỉ còn nợ lại 500 triệu đồng. Bà L không đồng ý vì là giấy phô tô và thực tế bà L1 chưa trả tiền. Nhưng, do không hiểu biết về pháp luật và đang giấu gia đình về việc vay tiền hộ bà L1; mặt khác bà L1 nói vừa làm ăn được hơn 700 triệu đồng nên bà L nghĩ bà L1 có tiền để trả cho bà và bà L1 trả được đồng nào hay đồng ấy nên bà L đã viết giấy biên nhận ngày 22/9/2021. Bà L định viết tổng số nợ là 744 triệu đồng nhưng bà L1 không đồng ý và bắt bà L viết như giấy biên nhận ngày 22/9/2021 là nợ gốc 500 triệu đồng. Tuy nhiên, bà L1 chỉ trả cho bà được 20 triệu đồng. Sau đó, bà L1 chuyển khoản trả thêm cho bà ba lần vào các ngày 27/5/2022, 09/7/2022 và 04/8/2022, mỗi lần 05 triệu đồng.

Đến nay bà L1 không trả tiền vay cho bà, mặc dù số tiền nợ gốc không phải là 500 triệu đồng như trong giấy biên nhận ngày 22/9/2021 nhưng bà L chấp nhận và đề nghị Tòa án buộc bà L1 phải trả lại cho bà số tiền nợ gốc là 465 triệu đồng.

Về tiền lãi, bà L đề nghị Tòa án buộc bà L1 phải trả tiền lãi trên nợ gốc 500 triệu đồng từ ngày 01/01/2016 đến ngày 22/9/2021; tiền lãi trên nợ gốc 480 triệu đồng từ ngày 22/9/2021 đến 27/5/2022; tiền lãi trên nợ gốc 475 triệu đồng từ 27/5/2022 đến ngày 09/7/2022; tiền lãi trên nợ gốc 470 triệu đồng từ ngày 09/7/2022 đến ngày 04/8/2022; tiền lãi trên nợ gốc 465 triệu đồng từ ngày 04/8/2022 đến ngày xét xử sơ thẩm và tiền lãi những ngày tiếp theo, theo quy định của pháp luật.

Bị đơn bà Trịnh Thị L1 trình bày: Bà L1 xác định việc bà L trình bày vay hộ bà số tiền gốc là 550 triệu đồng là không đúng. Bà L chỉ vay giúp bà số tiền là 150 triệu đồng từ khoảng năm 2015 hay 2016 thì bà L1hông nhớ vì bà L1hông cầm giấy tờ gì mà bà L cầm hết. Thời gian đầu khi vay tiền thì bà trả lãi đầy đủ với cách tính lãi là 2.000đ/1 triệu/1 ngày, mỗi tháng bà phải trả cho bà L là 09 triệu đồng/tháng, bà trả lãi được một thời gian thì có thời gian không trả được nên bà L tính lãi cộng gốc ra gốc mới rồi lại tính lãi trên gốc mới. Bà L1 xác nhận giấy biên nhận vay tiền ngày 01/01/2016 thể hiện nội dung bà L có vay hộ bà số tiền là 550 triệu đồng, cộng với 194 triệu đồng tiền lãi, tổng cộng là 744 triệu đồng là do bà viết và ký vào giấy biên nhận. Tuy nhiên, đến nay bà L1hông công nhận giấy biên nhận này vì giữa bà và bà L đã thanh toán với nhau về số tiền lãi. Ngày 22/9/2021, giữa bà và bà L chốt nợ và viết giấy biên nhận với nhau thể hiện bà có vay của bà L số tiền 500 triệu đồng, ngày 22/9/2021 trả 20 triệu đồng nên còn nợ bà L là 480 triệu đồng. Sau đó vào các ngày 27/5/2022, 09/7/2022 và 04/8/2022, mỗi ngày bà chuyển khoản trả bà L 05 triệu đồng, tổng là 15 triệu đồng nên đến nay chỉ còn nợ lại bà L là 465 triệu đồng. Khi viết giấy ngày 22/9/2021, bà và bà L đã thống nhất chỉ phải trả gốc chứ không phải trả thêm bất kỳ khoản tiền lãi nào khác. Đối với số tiền này do bà L biết bà đang vỡ nợ và nợ nần rất nhiều, trong khi đó bà cũng đã trả lãi cho bà L rất nhiều tiền lãi nên giữa bà và bà L thống nhất không tính lãi với số tiền này nữa.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số: 09/2023/DS-ST ngày 12/8/2023, Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Hải Dương quyết định: Áp dụng các Điều 280, 281, 305, 471, 472, 473, 474, 475, 476 Bộ luật Dân sự 2005; Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Chu Thị Phương L. Buộc bà Trịnh Thị L1 phải trả cho bà Chu Thị Phương L số tiền gốc còn nợ là 465.000.000đ và tiền lãi là 337.845.204 đồng. Tổng cộng là 802.845.204 đồng. Ngoài ra bản án còn quyết định về phần án phí và quyền kháng cáo.

Sau khi xét xử sơ thẩm, bà L có đơn kháng cáo đề nghị tính lại lãi và tính lãi quá hạn khoản nợ gốc theo từng thời kỳ phù hợp với quy định của pháp luật. Bà L1 kháng cáo về phần lãi phải trả bà L. Sau khi kháng cáo, bà L1 cung cấp tài liệu bản gốc, ghi ngày 18/6/2015 bà L nhận 100 triệu đồng, chị Lâm trả gốc, có ký nhận của bà L và tài liệu gốc ghi chép về tiền lãi suất từ tháng 5 đến tháng 12, thể hiện tổng lãi là 333.351.000 đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bà L giữa nguyên kháng cáo, xác nhận ngày 18/6/2015 có nhận 100 triệu đồng và ký nhận, chữ viết ghi chép, tính toán về lãi suất là do bà L ghi. Bà L1 và người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp đề nghị xem xét lại bản án về lãi suất đã trả, đề nghị tính lại lãi suất phù hợp với pháp luật, lãi vượt quá đề nghị được đối trừ vào nợ gốc.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương phát biểu ý kiến: Tòa án cấp phúc thẩm đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự từ khi thụ lý đến khi xét xử. Nguyên đơn và bị đơn có thỏa thuận về việc vay tiền, đã thỏa thuận về lãi suất vượt quá quy định của Bộ luật Dân sự. Cấp sơ thẩm chưa xem xét đến tiền lãi đã trả vượt quá quy định. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn bà L và bị đơn bà L1. Sửa bản án dân sự sơ thẩm. Xác định phần lãi vượt quá quy định được trừ vào tiền gốc bà buộc bị đơn phải trả tiền nợ gốc còn lại và tiền lãi suất theo quy định.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được xem xét tại phiên toà, căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến đề nghị của vị đại diện Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng, kháng cáo của nguyên đơn bà L, bị đơn bà L1 trong thời hạn luật định nên được xem xét theo thủ tục phúc thẩm.

[2] Bà L và bà L1 có thỏa thuận về việc vay tiền nên Tòa án xác định quan hệ pháp luật giải quyết là tranh chấp về hợp đồng vay tài sản. Ngoài ra, bà L trình bày, do bà L1 nhờ nên bà L chỉ đi vay tiền hộ bà L1. Việc bà L vay tiền của người khác là một quan hệ, giao dịch khác, Tòa án không xem xét giải quyết trong vụ án này. Bà L cho bà L1 vay tiền trước ngày 01/01/2017, có thỏa thuận về lãi suất vượt quá mức lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Căn cứ tiểu mục c.1 mục 1 Điều 2 của Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao, Tòa án áp dụng các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 để giải quyết vụ án.

[3] Xét kháng cáo của nguyên đơn và bị đơn, thì thấy:

[4] Theo Quyết định số 2868/QĐ-NHNN ngày 29/11/2010 của Thống đốc ngân nhàng nhà nước Việt Nam, mức lãi suất cơ bản là 9%/năm. Bà L và bà L1 thỏa thuận lãi suất 1.000 đồng/1triệu/1ngày và 2.000 đồng/1triệu/1ngày (tương ứng 36,5%/năm và 73%/năm). Như vậy, lãi suất theo thỏa thuận vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố. Theo quy định tại tiểu mục a) và b) mục 2 Điều 4 của Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao, Hội đồng xét xử tính lãi trên nợ gốc trong hạn và lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố là 9%/năm.

[5] Đối với số tiền lãi suất hàng tháng bà L1 đã trả theo mức 2.000 đồng/1triệu/1 ngày đối với khoản vay ngày 23/6/2014 số tiền 100 triệu đồng và khoản vay ngày 15/9/2014 số tiền 200 triệu đồng, từ khi vay đến hết tháng 4/2015. Theo quy định tại Điều 9 của Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao, mức lãi suất vượt quá mức lãi suất được pháp luật quy định không có hiệu lực, số tiền lãi đã trả vượt quá quy định được trừ vào số tiền nợ gốc tại thời điểm trả lãi. Hội đồng xét xử tính mức lãi suất theo quy định bằng 150% lãi suất cơ bản (13,5%) có hiệu lực, phần lãi suất vượt quá 13,5% đã trả được trừ vào nợ gốc. Các bên xác định trả lãi hàng tháng nên Tòa án tính lãi suất đã trả theo tháng, số tiền lãi vượt quá hàng tháng đã trả trừ vào số tiền gốc.

[6] Tòa án cấp sơ thẩm chưa xem xét tính số tiền lãi suất bà L1 đã trả để tính số tiền lãi suất đã trả vượt quá quy định và trừ vào số tiền gốc. Hồi đồng xét xử phúc thẩm căn cứ vào lời khai của nguyên đơn, bị đơn, các giấy biên nhận và các tài liệu nguyên đơn, bị đơn giao nộp để tính lại số tiền nợ gốc, tiền lãi suất theo quy định của pháp luật. Từ những phân tích trên, HĐXX chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn và bị đơn; sửa bản án sơ thẩm, xác định lại số tiền nợ gốc và tiền lãi suất bị đơn phải trả nguyên đơn.

[7] Giấy biên nhận vay tiền ngày 01/01/2016 ghi 550 triệu đồng tiền gốc và giấy biên nhận ngày 22/9/2021 ghi 500 triệu đồng tiền gốc, hai bên xác nhận chỉ là giấy chốt nợ. Căn cứ lời khai của nguyên đơn, bị đơn và các tài liệu đã thu thập, có đủ căn cứ xác định số tiền vay nợ gốc là: Ngày 23/6/2014, bà L1 vay bà L 100 triệu đồng. Ngày 15/9/2014, bà L1 vay Loan 200 triệu đồng. Tháng 4/2015 (tại phiên tòa bà L xác định cho vay ngày 29/4/2015), bà L1 vay bà L 250 triệu đồng.

[8] Tiền lãi suất tháng 6/2014, bà L1 đã trả (2.000 đồng/1triệu/1ngày) trên nợ gốc 100 triệu đồng vay ngày 23/6/2014 tính bằng 8 ngày là 1.600.000 đồng, lãi suất theo quy định là 295.890 đồng, lãi suất vượt quá là 1.304.110 đồng; đối trừ tiền lãi suất vượt quá, tiền gốc còn nợ là 98.695.890 đồng. Lãi suất tháng 7/2014 đã trả 31 ngày là 6.200.000 đồng, lãi suất theo quy định là 1.131.623 đồng, lãi suất vượt quá là 5.068.377 đồng; tiền gốc còn nợ là 93.627.513 đồng. Lãi suất tháng 8/2014 đã trả 31 ngày là 6.200.000 đồng, lãi suất theo quy định là 1.073.510 đồng, lãi suất vượt quá là 5.126.490 đồng; tiền gốc còn nợ là 88.501.023 đồng. Lãi suất từ ngày 01/9/2014 đến 14/9/2014 đã trả 14 ngày là 2.800.000 đồng, lãi suất theo quy định là 458.266 đồng, lãi suất vượt quá là 2.341.734 đồng; tiền gốc còn nợ là 86.159.289 đồng.

[9] Ngày 15/9/2014, bà L1 vay 200 triệu đồng; tổng nợ gốc còn nợ là 286.159.289 đồng. Lãi suất bà L1 đã trả từ ngày 15/9/2014 đến 30/9/2014 là 16 ngày = 9.600.000 đồng, lãi suất theo quy định là 1.693.436 đồng, lãi suất vượt quá là 7.906.564 đồng; tiền gốc còn nợ là 278.252.725 đồng. Lãi suất tháng 10/2014 đã trả 31 ngày là 18.600.000 đồng, lãi suất theo quy định là 3.190.377 đồng, lãi suất vượt quá là 15.409.623 đồng; tiền gốc còn nợ là 262.843.102 đồng.

Lãi suất tháng 11/2014 đã trả 30 ngày là 18.000.000 đồng, lãi suất theo quy định là 2.916.478 đồng, lãi suất vượt quá là 15.083.522 đồng; tiền gốc còn nợ là 247.759.580 đồng. Lãi suất tháng 12/2014 đã trả 31 ngày là 18.600.000 đồng, lãi suất theo quy định là 2.840.750 đồng, lãi suất vượt quá là 15.759.250 đồng; tiền gốc còn nợ là 232.000.330 đồng. Lãi suất tháng 01/2015 đã trả 31 ngày là 18.600.000 đồng, lãi suất theo quy định là 2.660.059 đồng, lãi suất vượt quá là 15.939.941 đồng; tiền gốc còn nợ là 216.060.389 đồng. Lãi suất tháng 02/2015 đã trả 28 ngày là 16.800.000 đồng, lãi suất theo quy định là 2.237.557 đồng, lãi suất vượt quá là 14.562.443 đồng; tiền gốc còn nợ là 201.497.946 đồng. Lãi suất tháng 3/2015 đã trả 31 ngày là 18.600.000 đồng, lãi suất theo quy định là 2.310.325 đồng, lãi suất vượt quá là 16.289.675 đồng; tiền gốc còn nợ là 185.208.271 đồng. Lãi suất tháng 4/2015 đã trả 30 ngày là 18.000.000 đồng, lãi suất theo quy định là 2.055.051 đồng, lãi suất vượt quá là 15.944.949 đồng; tiền gốc còn nợ là 169.263.322 đồng.

[10] Từ tháng 5/2015 đến tháng 12/2015, bà L và bà L1 tính lãi suất trên số nợ 550 triệu đồng là 333.351.000 đồng (do bà L tính, ghi ra giấy bà L1 giữ). Bà L và bà L1 thỏa thuận đối trừ 139.200.000 đồng còn 194 triệu đồng tiền lãi để chốt vay nợ thể hiện tại giấy vay tiền ngày 01/01/2016. Số tiền đối trừ 139.200.000 đồng là khoản tiền 100.000.000 đồng bà L1 đã trả nợ gốc vào ngày 18/6/2015 nên Tòa án sẽ tính lại và trừ số tiền này vào nợ gốc. Số tiền 100 triệu đồng này, thực tế là trả nợ gốc nên từ ngày 18/6/2015 đến hết tháng 12/2015, bà L tính lãi suất trên nợ gốc 100 triệu gốc là 39.200.000 đồng. Do đã tính lãi trên nợ gốc 550 triệu đồng (đã bao gồm cả nợ gốc 100 triệu đồng) nên mới đối trừ 39.200.000 đồng, còn thực tế không có việc bà L1 trả bà L 39.200.000 đồng. Như vậy, từ tháng 5/2015 đến tháng 12/2015 và từ ngày 01/01/2016 đến khi xét xử sơ thẩm, không có lài liệu thể hiện về việc bà L1 trả tiền lãi suất. Bà L1 trình bày, ngày 17/7/2017, bà L1 đã trả bà L 50 triệu đồng tiền gốc và trong khoản thời gian này đã trả lãi nên mới có giấy biên nhận ngày 22/9/2021, đồng thời từ ngày 22/9/2021, hai bên có thỏa thuận không tính lãi nữa nhưng không có căn cứ chứng minh nên không được chấp nhận.

[11] Cuối tháng 4/2015, bà L cho bà L1 vay thêm 250.000.000 đồng. Tổng nợ gốc là 169.263.322 đồng + 250.000.000 đồng = 419.263.322 đồng. Tiền lãi suất từ tháng 5/2015 đến ngày 18/6/2015 (49 ngày) theo mức lãi suất cơ bản 9% trên nợ gốc 419.263.322 đồng là 5.056.620 đồng [12] Ngày 18/6/2015, bà L1 trả nợ 100 triệu đồng được trừ vào nợ gốc, nợ gốc còn là 319.263.322 đồng. Tiền lãi suất từ ngày 19/6/2015 đến ngày 21/9/2021 (2.287 ngày) theo mức lãi suất cơ bản 9% trên nợ gốc 319.263.322 đồng là 180.038.273 đồng [13] Ngày 22/9/2021, bà L1 trả nợ 20 triệu đồng, nợ gốc còn lại là 299.263.322 đồng. Tiền lãi suất từ ngày 22/9/2021 đến ngày 26/5/2022 (247 ngày) theo mức lãi suất cơ bản 9% trên nợ gốc 299.263.322 đồng là 18.226.366 đồng [14] Ngày 27/5/2022, bà L1 trả nợ 5 triệu đồng, nợ gốc còn lại là 294.263.322 đồng. Tiền lãi suất từ ngày 27/5/2022 đến ngày 8/7/2022 (43 ngày) theo mức lãi suất cơ bản 9% trên nợ gốc 294.263.322 đồng là 3.119.997 đồng [15] Ngày 9/7/2022, bà L1 trả nợ 5 triệu đồng, nợ gốc còn lại là 289.263.322 đồng. Tiền lãi suất từ ngày 9/7/2022 đến ngày 3/8/2022 (26 ngày) theo mức lãi suất cơ bản 9% trên nợ gốc 289.263.322 đồng là 1.854.455 đồng [16] Tiền lãi suất từ ngày 4/8/2022 đến khi xét xử sơ thẩm ngày 12/8/2023 (373 ngày) theo mức lãi suất cơ bản 9% trên nợ gốc 284.263.322 đồng là 26.144.438 đồng [17] Cộng tiền lãi suất bà L1 phải trả bà L từ tháng 5/2015 đến khi xét xử sơ thẩm là 234.449.149 đồng. Tổng cộng, bà L1 phải trả bà L tiền gốc và lãi tính đến khi xét xử sơ thẩm là 284.263.322 + 234.449.149 = 518.712.471 đồng.

[18] Về án phí: Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm bị kháng cáo nên người kháng cáo không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Đối với án phí dân sự sơ thẩm, nguyên đơn và bị đơn đều là người cao tuổi nên Tòa án miễn án phí dân sự sơ thẩm cho nguyên đơn, bị đơn.

[19] Các Quyết định khác của bản án sơ thẩm, cấp phúc thẩm không xét và đã có hiệu lực kể từ khi hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý, sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

1. Chấp nhận một phần kháng cáo của bà L, bà L1. Sửa bản án dân sự sơ thẩm số: 09/2023/DS-ST ngày 12/8/2023 của Toà án nhân dân huyện T, tỉnh Hải Dương.

2. Căn cứ các Điều 280, 281, 471, 474, 476 của Bộ luật Dân sự năm 2005; Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm.

3. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Chu Thị Phương L. Buộc bà Trịnh Thị L1 phải trả cho bà Chu Thị Phương L số tiền nợ gốc là 284.263.322 đồng và tiền lãi suất tính đến ngày 12/8/2023 là 234.449.149 đồng. Tổng cộng, bà L1 phải trả bà L là 518.712.471 đồng.

Kể từ ngày 13/8/2023 (ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

4. Về án phí: Bà L, bà L1 không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Miễn án phí dân sự sơ thẩm cho bà L, bà L1.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Trường hợp Bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu yêu cầu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

77
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng vay tài sản số 83/2023/DS-PT

Số hiệu:83/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hải Dương
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 24/11/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về