TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 624/2022/DS-PT NGÀY 12/09/2022 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN
Ngày 12 tháng 9 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 164/2022/TLPT-DS ngày 19 tháng 5 năm 2022, về việc “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản”.
Do Bản án dân sự sơ thẩm số 01/2022/DS-ST ngày 27 tháng 01 năm 2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Thuận bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 1128/2022/QĐPT-DS ngày 12 tháng 7 năm 2022; giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Bà Đỗ Ngọc S, sinh năm 1952; Địa chỉ cư trú: 126 OAB – S. W.A 6063 Australia (vắng mặt).
Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Trần Đăng Kh, sinh năm 1988: Địa chỉ cư trú: 181 Đường 21 Tháng 8, phường PM, thành phố PR - TC, tỉnh Ninh Thuận (vắng mặt).
- Bị đơn: Bà Quảng Thị T, sinh năm 1957; Địa chỉ cư trú: Khu phố 13, thị trấn PD, huyện NP, tỉnh Ninh Thuận (có mặt).
- Người làm chứng:
1/ Bà Quảng Thị Kim Th, sinh năm 1969, địa chỉ: Khu phố 11, thị trấn PD, huyện NP, tỉnh Ninh Thuận (vắng mặt).
2/ Ông Dương Ngọc Â, sinh năm 1944, địa chỉ số 17/8, Khu phố TH, phường TB, thành phố DA, tỉnh Bình Dương (vắng mặt).
- Người kháng cáo: Bà Quảng Thị T là bị đơn.
NỘI DUNG VỤ ÁN
* Tại đơn khởi kiện và trong quá trình giải quyết vụ án, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn - ông Trần Đăng Kh trình bày:
Năm 2007, bà Đỗ Ngọc S đang sinh sống và định cư tại Australia thì đọc báo và được biết bà Quảng Thị T là người sản xuất mặt hàng dệt thổ cẩm có chất lượng nên bà S có ý định về Việt Nam tìm hiểu và mua mặt hàng này để sang Australia kinh doanh. Khi về Việt Nam gặp bà T, qua trao đổi thì bà T có ý định mở rộng mặt bằng sản xuất nhưng không có tiền nên bà T ngỏ ý vay của bà S số tiền 100.000.000 đồng và được bà S đồng ý. Tháng 4/2007, bà S đã giao đủ tiền 100.000.000 đồng cho bà T vay. Lãi suất vay theo thỏa thuận là 3%/tháng/số tiền vay và không thỏa thuận thời gian trả tiền vay. Sau đó, bà S quay về Australia, hai bên vẫn giữ liên lạc, trong thời gian vay bà T chỉ trả cho bà S số tiền 4.000.000 đồng tiền lãi.
Tháng 11/2009, bà S quay lại Việt Nam để xem tình hình sản xuất kinh doanh của bà T như thế nào thì bà T nói với bà S rằng bà có ý định mở nhà xưởng sản xuất, thuê nguồn nhân công lớn nên muốn bà S góp vốn, còn nếu bà S không muốn góp vốn thì cho bà T vay tiền và bà T sẽ trả lãi. Vì vậy, bà S đồng ý cho bà T vay số tiền 350.000.000 đồng và thỏa thuận lãi suất 4%/tháng. Lần vay này hai bên cũng không thỏa thuận thời gian trả tiền vay.
Cả hai lần cho bà T vay tiền, giữa bà S và bà T đều không làm giấy tờ gì về việc vay tiền, một thời gian sau, bà S thấy bà T vi phạm nghĩa vụ như đã giao kết nên bà S yêu cầu bà T xác nhận nợ bằng giấy tờ.
Khoảng tháng 12 năm 2010, bà S về Việt Nam gặp bà T và bà T đã giao cho bà S 01 tờ giấy với tiêu đề: “Giấy ghi nhận nợ tiền” đề ngày 30/12/2010, với nội dung bà T xác nhận bà T có nợ bà S tổng số tiền là 450.000.000 đồng, giấy này có chữ ký của bà T và em gái bà T tên Quảng Thị Kim Th. Giấy ghi nhận nợ này do bà T giao cho bà S, tuy nhiên bà T viết thành bao nhiêu bản thì bà S không biết.
Tại thời điểm lập giấy ghi nhận nợ tiền bà T thừa nhận có nợ bà S số tiền 450.000.000 đồng tiền gốc và 276.000.0000 đồng tiền lãi, bà T giao hẹn đến tháng 5/2011 sẽ trả cho bà S 500.000.000 đồng, số tiền còn lại hứa sẽ trả đủ. Tuy nhiên, sau khi cam kết bà T đã không thực hiện đúng như thỏa thuận, bà S đã nhiều lần liên lạc yêu cầu bà T trả tiền nhưng bà T cứ lấy lý do trốn tránh việc trả nợ.
Nay bà S làm đơn khởi kiện đến Tòa án buộc bà T trả lại số tiền lãi và gốc bà T đã vay như sau:
Số tiền gốc bà S cho bà T vay là 450.000.000 đồng;
Tiền lãi của số tiền 100.000.000 đồng từ ngày 01/5/2007 đến ngày 30/11/2009 theo quy định pháp luật;
Tiền lãi của số tiền 450.000.000 đồng từ ngày 01/12/2009 đến ngày xét xử sơ thẩm theo quy định pháp luật.
Bà S đồng ý khấu trừ cho bà T số tiền 4.000.000 đồng bà T đã trả cho bà S vào số tiền lãi.
Tổng số tiền gốc và lãi bà S yêu cầu bà T trả lại cho bà S tính đến thời điểm xét xử sơ thẩm.
Để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn ông Trần Đăng Kh cung cấp cho Tòa án một số tài liệu, chứng cứ như sau: 01 Giấy ghi nhận nợ tiền đề ngày 30/12/2010 có chữ ký của bà Quảng Thị T và em gái là Quảng Thị Kim Th (bản chính).
Đối với lời khai của bà T về việc các giao dịch bà S cho bà T vay tiền đều được bà T nhận tiền từ ông Vương Ngọc Â, phía bà S không thừa nhận, bởi bà S là người trực tiếp giao tiền cho bà T, bà S cũng không biết ông  là ai, các tài liệu, chứng cứ liên quan đến ông  đều do phía bà T xuất trình, bà S không hề biết các tài liệu này.
* Quá trình giải quyết vụ án, bị đơn bà Quảng Thị T trình bày:
Khoảng năm 2006, bà và bà Đỗ Ngọc S quen biết nhau qua trang báo phụ nữ chủ nhật số 47 ngày 26/11/2006 - Cơ quan ngôn luận của Hội liên hiệp phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh. Thông qua số báo này, bà S tìm đến địa chỉ nhà bà để chơi và nghỉ lại 01 đêm, sau đó bà S quay trở lại Thành phố Hồ Chí Minh. Khi về Thành phố Hồ Chí Minh, bà S gọi điện thoại cho bà, nói bà và em gái tên Quảng Thị Kim Th vào Thành phố Hồ Chí Minh gặp bà S. Khi đến thành phố Hồ Chí Minh, bà S dẫn bà và bà Th đi chơi và ăn uống. Khi đó, bà S có hỏi chị em bà có cần tiền làm ăn không? Bà nói cần tiền nhưng không biết vay mượn ở đâu. Sau đó, bà S đưa cho bà 01 phong bì, khi bà S mở ra bà mới biết trong phong bì có tiền đô la Úc, bà không biết số tiền ấy trị giá bao nhiêu. Bà S nói bà khi nào về Ninh Thuận hãy đổi ra tiền Việt Nam. Khi về Ninh Thuận, bà ra tiệm vàng đổi được hơn 50.000.000 đồng tiền Việt Nam.
Khoảng 01 tháng sau, bà S gọi điện thoại thông báo bà S cho bà vay thêm số tiền 50.000.000 đồng nữa. Số tiền này do dịch vụ gửi tiền ở đường Thủ Khoa Huân, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận gọi bà vào nhận.
Việc bà vay tiền của bà S vào khoảng năm 2007 (bà không nhớ rõ tháng). Bà thừa nhận có vay của bà S số tiền 100.000.000 đồng vào năm 2007. Khi vay tiền, bà và bà S không làm giấy tờ gì nên bà có đề nghị bà S làm giấy vay tiền.
Do đó, ngày 15/5/2007 bà S và ông Vương Ngọc  (ông  là người đại diện theo ủy quyền của bà S) đến nhà bà đưa cho bà ký vào giấy mượn tiền đề ngày 15/5/2007, lập thành 02 bản, bà giữ 01 bản, ông  giữ 01 bản.
Khi ông Â, bà S lập giấy vay tiền giữa hai bên thì bà có đọc lại nội dung của giấy vay tiền và có em gái bà tên Quảng Thị Kim Th chứng kiến.
Kể từ khi vay tiền của bà S, bà có trả tiền lãi cho bà S số tiền 4.000.000 đồng/tháng, bà giao tiền cho ông Â, ông  nhận được một thời gian nhưng cụ thể là bao nhiêu tháng thì bà không nhớ, bà chỉ nhớ số tiền lãi bà đã trả cho bà S thông qua ông  là đến hết năm 2007. Năm 2008, bà S nói bà cầm số tiền lãi hàng tháng đó đi đến các chùa, am, điện khắp nơi trong cả nước để cúng thay cho bà S. Số tiền mỗi lần bà mang đi cúng theo yêu cầu của bà S lúc 5.000.000 đồng, lúc 10.000.000 đồng, lúc 15.000.000 đồng, lúc 25.000.000 đồng. Tất cả các lần đưa tiền cho ông  cũng như đưa tiền đi cúng thay bà S đều không có ai chứng kiến, cũng không có giấy tờ gì, mọi việc bà và bà S đều trao đổi qua điện thoại bàn.
Đối với số tiền bà S trình bày cho bà vay 350.000.000 đồng vào tháng 12 năm 2009, bà khẳng định bà không vay bà S số tiền này. Khoảng năm 2009, bà S gọi điện thoại nói bà vào Thành phố Hồ Chí Minh để nhận một con gà (làm bằng chất liệu gì bà không biết). Bà không vào được nên có nhờ cháu bà tên Quảng Thị Thu Th1 đang học tại Thành phố Hồ Chí Minh nhận hộ. Cháu bà có mang con gà này về đưa cho bà. Khoảng 01 tháng sau đó, bà S gọi điện thoại cho bà nói bà bán con gà này đi để lấy tiền làm ăn, bà S nói con gà này trị giá hơn 200.000.000 đồng nhưng bà không bán mà vẫn giữ con gà này từ năm 2009 đến nay. Từ đó đến nay, bà S cũng không hỏi gì về con gà này.
Đối với Giấy ghi nhận nợ tiền đề ngày 30/12/2010 có chữ ký của bà và em gái là Quảng Thị Kim Th, bà có ý kiến như sau: Bà thừa nhận có ký vào giấy ghi nhận nợ tiền này, nhưng khi ký vào giấy ghi nhận nợ tiền bà và em gái tên Quảng Thị Kim Th bị Thầy N (người thân của bà S) ép buộc, đe dọa đến sức khỏe tính mạng. Bà không biết thầy N họ tên đầy đủ, địa chỉ cư trú ở đâu. Thời điểm ký giấy ghi nhận nợ tiền là vào nửa đêm, nên không ai chứng kiến việc thầy N ép buộc, đe dọa sức khỏe tính mạng chị em bà, bà cũng không có chứng cứ nào chứng minh việc này. Sau khi ký vào giấy ghi nhận nợ tiền này, khi bà S gọi điện thoại cho bà, bà có nói với bà S việc thầy N đe dọa, ép buộc chị em bà ký vào giấy ghi nhận nợ tiền, bà S có nói sẽ bỏ giấy ghi nhận nợ tiền này.
Đối với yêu cầu khởi kiện của bà S bà có ý kiến như sau: Bà thừa nhận có vay của bà S 100.000.000 đồng vào năm 2007 (không nhớ rõ tháng). Ngoài ra, bà có nhận số tiền 150.000.000 đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - chi nhánh NP, Ninh Thuận, đây là số tiền bà S gửi từ nước ngoài về nhưng bà chỉ đến Ngân hàng nhận thay bà S vì tại thời điểm này bà S đang ở Việt Nam và nhờ bà đi nhận tiền. Bà không vay của bà S số tiền 150.000.000 đồng này. Bà đồng ý trả cho bà S số tiền 100.000.000 đồng đã vay của bà S vào năm 2007 và số tiền lãi của 100.000.000 đồng này theo quy định pháp luật. Ngoài ra, bà không vay số tiền nào của bà S nữa.
Tại giai đoạn sơ thẩm lần 2, bà T không thừa nhận có vay của bà S 100.000.000 đồng mà cho rằng số tiền này là bà vay của ông Vương Ngọc Â, đồng thời xuất trình giấy vay tiền lập ngày 15/5/2007 (bản photo) giữa bà và ông Â, vì vậy bà T đề nghị Tòa án bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà S.
- Tại Biên bản lấy lời khai ngày 23/3/2021, người làm chứng bà Quảng Thị Kim Th, trình bày:
Bà là em gái của bà Quảng Thị T. Đối với giấy ghi nhận nợ tiền lập ngày 30/12/2010 mà Tòa án cho bà tiếp cận, bà xác nhận chữ viết “Th” và chữ ký trong giấy ghi nhận nợ là của bà, sỡ dĩ bà ký vào giấy này vì tối ngày 30/12/2010 bà sang nhà bà T ngủ. Hôm đó, bà thấy có 3 người (gồm 02 người nam, 01 người nữ, trong đó có 01 người gọi là thầy N) đến nhà bà T, tại đây thầy N đã dùng những lời lẽ đe dọa ép bà T ký vào giấy nhận nợ này, thầy N nói nếu không ký giấy thì phải trả ngay 700.000.000 đồng cho ông. Bà xác nhận bà trực tiếp chứng kiến ở đó nên thầy N kêu bà ký làm chứng, khi ký làm chứng thì bà không đọc lại giấy này. Ngoài ra, bà không còn biết gì thêm.
Quá trình giải quyết vụ án, ông Vương Ngọc  không cung cấp lời khai liên quan đến nội dung tranh chấp và Tòa án cũng không thu thập được lời khai của ông  về vấn đề này.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 01/2022/DS-ST ngày 27/01/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã tuyên xử:
Căn cứ vào các Điều 26, 37, 92, 227, 228, 238 và 273 Bộ luật tố tụng dân sự; các Điều 471, 476 Bộ luật dân sự năm 2005; điểm c khoản 1 Điều 2, Điều 9 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, quy định về án phí, lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Đỗ Ngọc S.
Buộc bà Quảng Thị T phải trả cho bà Đỗ Ngọc S số tiền 1.169.984.446 (một tỷ, một trăm sáu mươi chín triệu, chín trăm tám mươi bốn ngàn, bốn trăm bốn mươi sáu) đồng.
Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu người phải thi hành án chậm trả tiền thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán.
Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.
Ngày 20/02/2022, bị đơn là bà Quảng Thị T kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Lý do kháng cáo: Án sơ thẩm quyết định chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Đỗ Ngọc S buộc bà T trả bà S vốn vay và lãi cộng chung là: 1.169.984.446 (một tỷ, một trăm sáu mươi chín triệu, chín trăm tám mươi bốn ngàn, bốn trăm bốn mươi sáu) đồng là không đúng sự thật của vụ án, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình bà T. Bà T chỉ thừa nhận có vay số tiền 100.000.000 đồng theo giấy mượn tiền ngày 15/5/2007 do ông Vương Ngọc  ký và đống dấu. Bà T không thừa nhận có vay của bà S số tiền 450.000.000 đồng. Vì thế, bà T kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xét xử sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà S.
Bà T đồng ý trả cho bà S 100.000.000 đồng theo giấy vay tiền ngày 15/5/2007 và tiền lãi theo quy định của pháp luật tính từ năm 2012 đến nay, nhưng phải trừ đi số tiền lãi mà bà đã trả cho bà S.
Tại phiên tòa phúc thẩm: Bà T giữ nguyên lý do và yêu cầu kháng cáo nêu trên; đồng thời bà T yêu cầu Tòa xem xét áp dụng thời hiệu khởi kiện vì bà T cho là thời hiệu khởi kiện vụ án là đã hết.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên toà phát biểu ý kiến:
Về tính hợp pháp của đơn kháng cáo: Đơn kháng cáo của bà Quảng Thị T làm trong hạn luật định nên đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận về mặt hình thức.
Về việc chấp hành pháp luật: Xét thấy, Thẩm phán chủ toạ phiên toà, các thành viên Hội đồng xét xử đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự từ giai đoạn thụ lý đến giai đoạn xét xử phúc thẩm.
Về nội dung kháng cáo: Qua diễn biến phiên tòa và căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ, có đủ căn cứ để xác định bà T còn nợ bà S 450.000.000 đồng vốn. Điều này phù hợp với lời thừa nhận của bà T, rằng năm 2007 có vay của bà S 100.000.000 đồng; thừa nhận chữ ký trong giấy nhận nợ 350.000.000 đồng ngày 30/12/2010; đồng thời cũng phù hợp với các bản sao kê tài khoản Ngân hàng do nguyên đơn cung cấp. Do đó, đề nghị cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của bà T, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm, ý kiến của các đương sự, quan điểm của vị đại diện Viện kiểm sát; Hội đồng xét xử nhận định:
Về thủ tục: Đơn kháng cáo của bà Quảng Thị T làm trong hạn luật định, bà T sinh năm 1957 là người cao tuổi nên được miễn tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm. Do đó, đơn kháng cáo của bà T đủ điều kiện để thụ lý và xét xử theo trình tự phúc thẩm.
Về nội dung: Đối với yêu cầu kháng cáo của bà T, xét:
[1] Theo “Giấy mượn tiền” V/v: bà Quảng Thị T, Chủ cơ sở DỆT THỔ CẨM TRUYỀN THỐNG CH mượn tiền của bà ĐỖ - NGỌC –S, cư ngụ tại Úc- đại – lợi, làm vốn kinh doanh, có nôi dung:
Hôm nay Ngày 15 tháng 05 năm 2007.
Tôi tên: QUÃNG THỊ T, SINH NĂM 19….
Hiện cư ngụ tại Thôn MN, xã PD, huyện NP, tỉnh Ninh-Thuận.
Do nhu cầu vốn để sản xuất hàng dệt Thổ cẩm Ch nên tôi có mượn của bà ĐỖ-NGỌC-S, Sinh năm 1952 Hiện ngụ tại: 11/68 HSC, N-S-W, 2166 Australia.
Một số tiền là 100.000.000đ (một trăm triệu đồng).
Đại diện của bà ĐỖ-NGỌC-S tại Việt Nam trong giao dịch (mượn vốn kinh doanh) nầy là ông:
- VƯƠNG NGỌC Â. Sinh năm 1944.
- CMND Số: 280495860 do CA Bình Dương cấp ngày 03.06.2004.
- Hiện ngụ tại 17/08 Ấp TH, xã TB, huyện DA, B.D.
ĐIỀU KHOẢN THỎA THUẬN MƯỢN VỐN.
1/ Thời gian mượn vốn: Là 03 năm. Sau 03 năm kể từ ngày ký mượn tiền bà T có trách nhiệm trả đủ một lần 100.000.000 đồng cho bà S.
2/ Lãi suất hàng tháng: bà T trả bà S là 4%= 4.000.000 đồng lãi/100.000.000 đồng vốn.
3/ Phương thức giao tiền vốn và nhận tiền lãi.
Bà T trực tiếp nhận tiền mượn từ bà ĐỖ-NGỌC-S lần đầu là 55.000.000 đồng vào ngày 05/04/2007. Lần thứ hai 45.000.000 đồng bà T nhận trực tiếp từ ông:Vương-Ngọc-Â vào ngày 15/05/2007 (do bà S gởi về cho ông Â, người đại diện của bà S tại Việt Nam).Tổng cộng là: 100.000.000 (một trăm triệu) đồng.
Chúng tôi thống nhất là mỗi đầu tháng, vào ngày 05 tây, bà T sẽ giao tiền lãi cho ông  tại Việt Nam, ông  nhận tiền dùm cho bà S.
Giấy mượn tiền có chữ ký tên và lăn tay của:
Đại diện của bà S, ông Vương Ngọc Â; Bên mượn tiền bà: Quảng Thị T;
Bên cho mượn tiền bà Đỗ Ngọc S (BL 51-52).
[2] Tại Phụ Lục đính kèm giấy mượn tiền của bà Quảng Thị T đề ngày 15/05/2007 do bà Đỗ Ngọc S (nguyên đơn) ký tên và lăn tay (BL50), có nội dung:
Giấy mượn tiền đề ngày 15/05/2007 của bà Quảng Thị T mượn tiền của bà Đỗ Ngọc S có nội dung như trên là giấy xác nhận sự thật mối quan hệ giữa bà T và bà S trong việc bà T có mượn của bà S một số bạc là 100.000.000 (một trăm triệu) đồng.
Tuy nhiên, việc cho mượn tiền này bà S đã ủy quyền cho ông Vương Ngọc  tại Việt Nam đứng ra giao dịch trên mặt dân sự với bà T nên ông  sẽ trực tiếp làm giấy cho bà T mượn tiền (có nội dung như giấy này, chỉ khác ở điểm là bà T mượn tiền của ông  mà thôi) và có trách nhiệm:
1/ Hằng tháng ông  sẽ nhận tiền lãi của bà T phải giao cho bà S là 4.000.000 (bốn triệu) đồng.
2/ Đến kỳ hạn trả tiền (ngày 15/10/2010) bà T phải giao trả tiền gốc lại cho ông  để ông  giao lại cho bà S vì bà S hiện ngụ ở nước ngoài (Úc-đại-lợi).
Khi trả tiền gốc bà T phải điện thoại báo cho bà S biết trước.
[3] Từ nội dung của Phụ Lục do bà Đỗ Ngọc S ký tại BL50 nêu trên, thì ông Vương Ngọc  và bà Quảng Thị T tiếp tục làm Giấy mượn tiền, V/v bà Quảng Thị T, Chủ cơ sở DỆT THỔ CẢM TRUYỀN THỐNG mượn tiền của Ông Vương Ngọc  (BL96-97), có nội dung: Ông  cho bà T mượn 100.000.000 đồng, lần thứ nhất giao 55.000.000 đồng vào ngày 05/04/2007, lần thứ hai giao 45.000.000 đồng ngày 15/05/2007. lãi 4% tháng, thời hạn trả vốn là 03 năm, lãi trả ngày 05 hàng tháng (đúng như nội dung bà S đã nêu tại BL50).
[4] Tại phần Nhận định của Bản án dân sự phúc thẩm số 682/2020/DS-PT ngày 17/12/2020 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, đã nêu:
- Về thủ tục tố tụng:
Tại “Giấy mượn tiền” đề ngày 15/5/2007 (BL52) thể hiện bà Đỗ Ngọc S có người đại diện tại Việt Nam là ông Vương Ngọc Â, cho bà Quảng Thị T vay 100.000.000 đồng, tài liệu này có chữ ký, dấu lăn tay của các bên tham gia giao dịch; tại “Giấy mượn tiền” cùng đề ngày 15/5/2007 (BL 97) thể hiện ông Vương Ngọc  cho bà Quảng Thị T vay 100.000.000 đồng, tài liệu này cũng có chữ ký, dấu lăn tay của các bên tham gia giao dịch; đồng thời trong quá trình giải quyết vụ án, bà T khai đã nhiều lần trả trả tiền lãi cho bà S thông qua ông Â.
Tại phần cuối của “Giấy ghi nhận nợ tiền” đề ngày 30/12/2010 (BL 04) có chữ ký của bà Quảng Thị T và một người tên Th. Bà T cho rằng bà đã bị một người tên là thầy N ép buộc ký vào tài liệu này.
Toà án cấp sơ thẩm không triệu tập ông  tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và không triệu tập bà Th tham gia tố tụng với tư cách là nhân chứng là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bà T.
- Về nội dung: Tại phiên toà phúc thẩm, ông Kh là người đại diện hợp pháp của bà S cho rằng chữ viết trong giấy nhận nợ ngày 30/12/2010 là do bà T tự viết, tại thời điểm đó bà S không có mặt tại Việt Nam và sau này gặp lại, bà T giao cho bà S. Ngược lại, bà T cho rằng chữ viết của ai bà không biết. Nhận thấy, các đương sự có lời trình bày khác nhau về chữ viết và bằng mắt thường cũng nhận ra rằng, tài liệu này được viết bởi hai nét chữ khác nhau, có nhiều chỗ tô sửa. Mặt khác, ở dòng thứ 8 và 9 từ trên xuống của mặt trước ghi không đúng thời điểm vay, lãi suất so với BL51-52 và 97. Toà án cấp sơ thẩm chưa điều tra làm rõ nhưng căn cứ vào tài liệu này để chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là chưa vững chắc.
Từ những phân tích nêu trên, xét thấy bản án sơ thẩm có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, có những thiếu sót trong điều tra mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được. Do đó, cần thiết phải huỷ bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Toà án cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án.
[5] Sau khi nhận hồ sơ giải quyết lại sơ thẩm lần hai, thì: Tại Công văn số 311/CATP-QLHC ngày 22/6/2021 của Công An thành phố Dĩ An (BL154) đã xác định: Ông Vương Ngọc  hiện cư trú tại số 17/08 Khu phố Tân Hiệp, phường Tân Hiệp, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
[6] Với các chứng cứ nêu trên cùng nhận định của Bản án dân sự phúc thẩm số 682/2020/DS-PT ngày 17/12/2020 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh thì việc Tòa sơ thẩm không đưa ông Vương Ngọc  tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và không tiếng hành ghi lời khai ông Vương Ngọc  để làm rõ là chưa thực hiện đúng quy định tại khoản 6 Điều 68; khoản 2 Điều 97 và Điều 98 Bộ luật tố tụng dân sự.
[7] Tại đơn khởi kiện ngày 22/11/2018 do nguyên đơn bà Đỗ Ngọc S ký tên (BL10), Đơn trình bày ý kiến và xin xét xử vắng mặt (BL48, 49, 138, 1390) ngày 08/7/2019, ngày 25/5/2021 của ông Trần Đăng Kh người đại diện hợp pháp của bà T có cùng nội dung: Ban đầu do quen biết nhau nên giữa tôi (bà S) và bà T chỉ thỏa thuận với nhau bằng lời nói. Nhưng sau một thời gian không thấy bà T thực hiện nghĩa vụ như đã giao kết nên tôi đã yêu cầu bà T xác nhận nợ cho tôi bằng “Giấy ghi nhận nợ tiền” đề ngày 30/12/2010 có sự chứng kiến của em ruột bà T tên Quảng Kim Th (tên đúng là: Quảng Thị Kim Th). Như vậy, bà T và đại diện bà T là ông Kh cho rằng “Giấy ghi nhận nợ tiền” ngày 30/12/2010 là do bà T viết và ký tên nên bà S và ông Kh đều khẳng định căn cứ vào “Giấy ghi nhận nợ tiền” ngày 30/12/2010 để khởi kiện bà T đòi 450.000.000 đồng và tính lãi. Ngược lại trong suốt quá trình giải quyết vụ án bà T và em ruột bà T là bà Th đều cho rằng “Giấy ghi nhận nợ tiền” ngày 30/12/2010 là do người của bà S viết và ép buộc bà T cùng em bà T là bà Th ký tên, chứ bà T không có viết “Giấy ghi nhận nợ tiền” (BL34, 58, 142, 143), đồng thời bà T còn cung cấp bản chính “Giấy mượn tiền” ngày 15/5/2007 (BL51-52); Phụ Lục đính kèm Giấy mượn tiền của bà Quảng Thị T đề ngày 15/05/2007 (BL50), các chứng cứ này đều có bà Đỗ Ngọc S ký tên và lăn tay nhưng quá trình giải quyết vụ án ông Kh đại diện bà S không thừa nhận các chứng cứ do bà T cung cấp và cho rằng không biết ông  là ai, trong khi hồ sơ có chữ ký của bà S trong đơn khởi kiện ngày 22/11/2018 (BL 10), trong Hợp đống ủy quyền có Công chứng ngày 12/10/2018 (BL01,02) nhưng cấp sơ thẩm không thực hiện thủ tục giám định chữ ký của bà S trong đơn khởi kiện, trong Hợp đồng ủy quyền với chữ ký của bà S trong “Giấy mượn tiền” (BL51-52), trong Phụ lục đính kèm Giấy mượn tiền (BL50) để làm rõ có phải chữ ký trong các loại giấy tờ trên là cùng do bà S ký hay không? Trường hợp các loại giấy tờ trên là do bà S cùng ký thì lời khai của bà T là có căn cứ, lời khai của bà S và ông Kh là không có căn cứ nhưng cấp sơ thẩm không tiến hành giám định để làm rõ là chưa thu thập đầy đủ chứng cứ; Tương tự “Giấy ghi nhận nợ tiền” ngày 30/12/2010 (BL04) bà S và ông Kh đều khẳng định là do bà T tự viết, ký tên và giao cho bà S trong khi bà T và bà Th em ruột bà T cho là do Thầy N người của bà S ép ký vào giấy có ghi sẵn. Theo quy định tại khoản 1 Điều 91 Bộ luật tố tụng dân sự thì người cung cấp chứng cứ này là bà S thì bà S do ông Kh làm đại diện phải chứng minh đúng là chữ viết của bà T nhưng ông Kh không thực hiện việc giám định chữ viết trong “Giấy ghi nhận nợ tiền” ngày 30/12/2010; bà S và ông Kh đều khẳng định: tôi (bà S) đã yêu cầu bà T xác nhận nợ cho tôi bằng “Giấy ghi nhận nợ tiền” đề ngày 30/12/2010 có sự chứng kiến của em ruột bà T tên Quảng Kim Thoa. Khẳng định này có nghĩa là bà T trực tiếp yêu cầu và có mặt nên mới yêu cầu bà Th ký với tư cách người làm chứng. Nhưng thời điểm này theo trình bày của ông Kh người đại diện hợp pháp của bà S thì bà S không có mặt ở Việt Nam nên việc bà S và ông Kh cho là: tôi (bà S) đã yêu cầu bà T xác nhận nợ cho tôi bằng “Giấy ghi nhận nợ tiền” đề ngày 30/12/2010 có sự chứng kiến của em ruột bà T tên Quảng Kim Th là không đúng sự thật nên cần làm rõ ai là người giao “Giấy ghi nhận nợ tiền” cho bà S? (do bà T không thừa nhận có giao giấy này cho bà S). Trong khi chưa làm rõ các vấn đề trên thì việc Tòa sơ thẩm căn cứ vào chứng cứ “Giấy ghi nhận nợ tiền” để làm căn cứ chấp nhận yêu cầu của bà S là chưa có căn cứ vững chắc.
- Ngoài ra, các khoản sao kê của Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam – Chi nhánh huyện NP cũng chưa thể hiện rõ số tiền bà S chuyển cho bà T là 350.000.000 đồng, cụ thể: tại “Lệnh thanh toán – Lệnh có ngày 05/10/2009 có nội dung bà S chuyển tiền vào tài khoản của bà T là 100.000.000 đồng, không thể hiện chuyển để là gì? (BL 25); tại: Sổ phụ, tên khách hàng Quảng Thị T, ngày 16/10/2009, tiền gửi không kỳ hạn, 100.000.000 đồng (BL27), Sổ phụ, tên khách hàng là Quảng Thị T, loại tiền gửi: Tiền gửi thanh toán cá nhân, ngày 30/10/2009 Đỗ Ngọc S nộp TM, số tiền 150.000.000 đồng (BL 26). Như vậy, Tòa sơ thẩm cho rằng các ngày 05/10/2009, 16/10/2009 và 30/10/2009 bà S có chuyển cho bà T lần lượt là 100.000.000 đồng, 100.000.000 đồng và 150.000.000 đồng. Tổng cộng 350.000.000 đồng cũng là chưa đủ căn cứ vì số tiền thể hiện không đủ và mục đích chuyển để làm gì cũng chưa làm rõ.
[8] Từ những viện dẫn nêu trên nhận thấy Tòa cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, điều tra thu thập chứng cứ chưa đầy đủ tại cấp phúc thẩm không thể bổ sung, nên Hội đồng xét xử không chấp nhận đề nghị của Viện kiểm sát, chấp nhận một phần kháng cáo của bà Quảng Thị T hủy Bản án sơ thẩm số 01/2022/DS-ST ngày 27/01/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Thuận giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân tỉnh Ninh thuận giải quyết lại sơ thẩm theo thủ tục chung.
[9] Đối với yêu cầu áp dụng thời hiệu của bà Quảng Thị T, do hủy án sơ thẩm nên yêu cầu của bà T sẽ do Tòa án cấp sơ thẩm xem xét khi giải quyết lại vụ án.
[10] Án phí dân sự phúc thẩm: Do hủy án sơ thẩm nên bà Quảng Thị T không phải nộp án phí dân sự phúc thẩm.
[11] Về án phí dân sự sơ thẩm được xem xét quyết định khi giải quyết lại sơ thẩm.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
- Căn cứ khoản 3 Điều 308; Điều 310; khoản 3 Điều 148 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015; khoản 3 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tuyên xử: Chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn bà Quảng Thị T.
1. Hủy Bản án dân sự sơ thẩm số: 01/2022/DS-ST ngày 17/01/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Thuận.
2. Giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Thuận giải quyết lại sơ thẩm theo thủ tục chung.
thẩm.
3. Án phí dân sự phúc thẩm: Bà Quang Thị T không phải nộp.
4. Về án phí dân sự sơ thẩm được xem xét quyết định khi giải quyết lại sơ 5. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án về tranh chấp hợp đồng vay tài sản số 624/2022/DS-PT
Số hiệu: | 624/2022/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 12/09/2022 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về