Bản án về tranh chấp hợp đồng vay tài sản số 15/2023/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

BẢN ÁN 15/2023/DS-PT NGÀY 21/03/2023 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN

Trong các ngày 21 tháng 02 và 21 tháng 3 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình, xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 89/2022/TLPT-DS, ngày 29 tháng 12 năm 2022, về tranh chấp hợp đồng vay tài sản, do Bản án dân sự sơ thẩm số 25/2022/DS-ST, ngày 22/11/2022 của Toà án nhân dân thị xã B bị kháng cáo, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 337/2023/QĐPT-DS ngày 02 tháng 02 năm 2023, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Bà Lê Thị Bích T, sinh năm 1963; nơi cư trú: Khu phố 1, phường B, thị xã B, tỉnh Quảng Bình; có mặt;

Người đại diện theo ủy quyền của Nguyên đơn: Bà Lê Thị M, sinh năm1973;

nơi cư trú: Tổ dân phố 11, phường N, thành phố Đ, tỉnh Quảng Bình; có mặt;

2. Bị đơn: Ông Trần Công T1, sinh năm 1970 và bà Trần Thị T2, sinh năm 1975; nơi cư trú: Tổ dân phố N, phường Q, thị xã B, tỉnh Quảng Bình; có mặt;

3. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Bà Nguyễn Thị M, sinh năm 1943; nơi cư trú: Khu phố 1, phường B, thị xã B, tỉnh Quảng Bình; có mặt.

Người làm chứng:

1. Bà Nguyễn Thị H, sinh năm 1959; nơi cư trú: Khu phố 3, phường B, thị xã B, tỉnh Quảng Bình; vắng mặt;

2. Bà Nguyễn Thị C, sinh năm 1956; nơi cư trú: TDP M, phường Q, thị xã B, tỉnh Quảng Bình; có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện ngày 10/02/2021 và quá trình tố tụng, Nguyên đơn, Người đại diện theo ủy quyền của Nguyên đơn trình bày:

Do có quan hệ quen biết nên ngày 01/6/2014, bà Lê Thị Bích T có cho vợ chồng ông Trần Công T1 và bà Trần Thị T2 vay số tiền 7.035.000.000 đồng, lãi suất 1%/tháng, mục đích vay của ông T1, bà T2 là dùng tiền để làm dự án san lấp mặt bằng. Ngày 16/02/2020, bà T tiếp tục cho vợ chồng ông Trần Công T1 và bà Trần Thị T2 vay số tiền lần lượt là 3.000.000.000 đồng và 2.000.000.000 đồng. Tất cả các lần vay tiền đều có giấy vay tiền viết tay; ông T1 và bà T2 thỏa thuận sẽ trả lại tiền vay trong khoảng thời gian từ một đến hai tháng. Tổng số tiền mà bà T cho vợ chồng ông T1, bà T2 vay là 12.035.000.000 đồng.

Quá trình vay nợ, ông T1 và bà T2 đã trả cho bà T hai lần tiền gốc, với tổng số tiền là 120.000.000 đồng, trong đó ngày 15/02/2020 trả 50.000.000 đồng, ngày 16/02/2020 trả 70.000.000 đồng. Số tiền còn lại là 11.915.000.000 đồng, ông T1, bà T2 chưa trả, mặc dù bà T đã nhiều lần yêu cầu. Do đó, bà T làm đơn khởi kiện đến Tòa án, yêu cầu ông T1, bà T2 trả cho bà toàn bộ số tiền còn lại là 11.915.000.000 đồng.

Trong quá trình tố tụng, Bị đơn ông Trần Công T1 và bà Trần Thị T2 trình bày:

Do bà T2 có quen biết bà T nên từ năm 2014 đến năm 2020, bà T2 có vay tiền của bà T. Số tiền vay bao nhiêu thì theo ông T1 là ông không biết, vì bà T2 vay chứ ông không vay; còn theo bà T2 thì bà không nhớ cụ thể thời gian vay. Ông T1, bà T2 thừa nhận 02 giấy vay tiền ngày 16/02/2020, với số tiền vay là 5.000.000.000 đồng, chữ ký người vay đúng là chữ ký của vợ chồng ông bà, còn giấy vay tiền ngày 01/6/2014, với số tiền vay là 7.035.000.000 đồng, thì chữ ký người vay không phải là của vợ chồng ông bà. Khi vay, bà T2 và bà T thỏa thuận cứ 1.000.000 đồng tiền vay, lãi suất là 1.500 đồng/ngày. Mục đích vay tiền của ông bà là để làm ăn, buôn bán, kinh doanh và trả nợ cho ngân hàng.

Quá trình vay, bà T2 trình bày là ông T1 đã trả 120.000.000 đồng tiền gốc, cụ thể ngày 15/02/2020 trả 50.000.000 đồng, ngày 16/02/2020 trả 70.000.000 đồng; còn tiền lãi vợ chồng ông bà đã trả đầy đủ từ khi vay cho đến năm 2018, sau đó do làm ăn thua lỗ nên không có tiền để trả. Ngoài ra, bà T2 có trả cho bà T một số tiền nhưng không có giấy tờ gì. Nay bà T khởi kiện, yêu cầu Tòa án giải quyết buộc vợ chồng ông bà trả nợ số tiền nợ gốc là 11.915.000.000 đồng, thì ông T1 đề nghị Tòa án làm việc với bà T2, vì bà T2 vay chứ ông không vay, còn bà T2 đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Tuy vậy tại phiên tòa phúc thẩm ông T1, bà T2 lại cho rằng thực chất ông bà chỉ vay bà T số tiền 1.032.000.000 đồng vào năm 2018 tại giấy vay tiền mà ông bà đã xuất trình cho Tòa án (bút lục 79). Giấy mượn tiền ngày 16/02/2020 giữa vợ chồng ông bà với bà T với số tiền 2 tỷ đồng chính là khoản nợ này cộng với tiền lãi chưa trả; còn giấy mượn tiền cùng ngày 16/02/2020 với số tiền mượn là 3 tỷ đồng giữa hai bên là ông bà viết theo yêu cầu của bà T để giúp bà T có căn cứ giải thích cho các chủ nợ của bà T, chứ thực tế không có việc mượn tiền này.

Trong quá trình tham gia tố tụng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị M trình bày:

Tại thời điểm bà Lê Thị Bích T cho ông T1, bà T2 vay tiền thì bà T bán vàng tại tiệm vàng Hùng Long của bà, nên khi cho vay ghi tên bà để làm tin, còn việc vay tiền là việc giữa bà T với ông T1 và bà T2, chứ bà không liên quan gì.

Người làm chứng là các bà Nguyễn Thị H, Nguyễn Thị C đều trình bày:

Các bà có chứng kiến việc ông T1, bà T2 trả nợ cho bà T số tiền 50.000.000 đồng vào ngày 15/2/2020 và số tiền 70.000.000 đồng vào ngày 16/02/2020. Sau khi ông T1, bà T2 trả cho bà T số tiền trên thì bà T có dùng số tiền này để trả nợ cho hai bà. Việc ông T1, bà T2 trả tiền cho bà T là trả tại nhà ông T1, bà T2.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 25/2022/DS-ST ngày 22/11/2022, Toà án nhân dân thị xã Ba Đồn đã quyết định:

Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 35, khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 147, điểm b khoản 2 Điều 227, khoản 2 Điều 229, các Điều 271, 273, khoản 1 Điều 160, khoản 1 Điều 161 Bộ luật Tố tụng Dân sự; các Điều 463, 465, 466 Bộ luật Dân sự; khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án; xử:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc ông Trần Công T1 và bà Trần Thị T2 phải trả cho bà Lê Thị Bích T số tiền 11.915.000.000 đồng (mười một tỷ chín trăm mười lăm triệu đồng).

Buộc bà Trần Thị T2 phải nộp 2.400.000 đồng (hai triệu bốn trăm nghìn đồng) tiền chi phí giám định để trả cho bà Lê Thị Bích T.

Ông Trần Công T1 và bà Trần Thị T2 phải nộp 119.915.000 đồng (một trăm mười chín triệu, chín trăm mười lăm nghìn đồng) tiền án phí dân sự sơ thẩm. Trả lại cho bà Lê Thị Bích T số tiền tạm ứng án phí 30.008.750 đồng (ba mươi triệu không trăm linh tám nghìn bảy trăm năm mươi đồng) đã nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự thị xã B theo biên lai T2 tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 31AA/2021/0003337 ngày 02/3/2022.

Bản án sơ thẩm còn tuyên việc chịu lãi suất đối với khoản tiền chậm thi hành án, quyền thoả thun thi hành án, tự nguyện thi hành án, yêu cầu thi hành án, việc bị cưỡng chế thi hành án, vấn đề thời hiệu thi hành án và quyền kháng cáo.

Ngày 5/12/2022, ông Trần Công T1 có đơn kháng cáo, nội dung yêu cầu Toà án cấp phúc thẩm giải quyết công bằng đối với vụ án, vì các lý do sau:

1. Vợ chồng ông T1, bà T2 không nhận được giấy triệu tập đến phiên toà sơ thẩm, không tham gia phiên toà sơ thẩm, không được hoà giải, nhưng Toà án cấp sơ thẩm vẫn xét xử vụ án.

2. Ngày 10/9/2018, bà T có giấy xác định nợ, theo đó xác nhận nợ của bà T là 1.032.000.000 đồng.

3. Từ năm 2018 đến ngày 16/2/2020, bà T bắt bà T2 viết giấy nợ gốc và lãi nóng lên tới 2.000.000.000 đồng.

Tại phiên toà phúc thẩm, Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình phát biểu quan điểm giải quyết vụ án, nội dung tóm tắt như sau:

Về tố tụng, Thẩm phán chủ tọa, Hội đồng xét xử, Thư ký toà án và những người tham gia tố tụng đã tuân thủ các quy định của pháp luật tố tụng dân sự về thụ lý đơn kháng cáo, về tiến hành hoặc tham gia các hoạt động tố tụng trong quá trình chuẩn bị xét xử và tại phiên tòa hôm nay.

Về nội dung: Có căn cứ để xác định vợ chồng ông T1, bà T2 đã vay bà T số tiền 12.035.000.000 đồng tại các giấy vay, mượn tiền ngày 01/6/2014 và ngày 16/02/2020, đã trả 120.000.000 đồng, số tiền còn nợ là 11.915.000.000 đồng. Về giấy vay tiền không lập ngày với số tiền vay 1.032.000.000 đồng mà vợ chồng ông T1, bà T2 xuất trình và cho rằng hai bên lập giấy vay này vào năm 2018, với số tiền vay là 1.032.000.000 đồng và do tính lãi cao nên tính đến ngày 16/02/2020 thành số tiền 2 tỷ đồng, được tổng hợp lại tại giấy mượn tiền ngày 16/02/2020 trong đó ghi số tiền mượn 2 tỷ đồng, thấy rằng ý kiến trên là không có căn cứ, vì kết luận giám định đã xác định giấy này được lập trước ngày 01/6/2014; ý kiến bà M cho rằng số tiền 1.032.000.000 đồng ở giấy vay này đã được tổng hợp vào giấy vay tiền ngày 01/6/2014, nên giấy vay tiền này không còn giá trị là có căn cứ. Về các thủ tục tố tụng mà đơn kháng cáo nêu, thấy rằng cấp sơ thẩm đã làm đúng pháp luật. Vì vậy đề nghị Tòa án phúc thẩm bác đơn kháng cáo, giữ nguyên án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Theo đơn khởi kiện của bà Lê Thị Bích T thì bà Lê Thị Bích T có cho vợ chồng ông Trần Công T1, bà Trần Thị T2 vay số tiền 11.915.000.000 đồng, thể hiện qua một giấy vay tiền ngày 01/6/2014 và hai giấy mượn tiền ngày 16/02/2020, có đầy đủ chữ ký của ông T1, bà T2. Về phía ông T1, bà T2, ông bà thừa nhận họ đã ký vào hai giấy mượn tiền ngày 16/02/2020, nhưng không thừa nhận đã ký vào giấy vay tiền ngày 01/6/2014.

[2] Về giấy vay tiền ngày 01/6/2014, qua giám định xác định được chữ ký và chữ viết của một trong hai người vay trên giấy này là do bà T2 ký và viết; chữ ký và chữ viết của người vay còn lại không đủ căn cứ để xác định có phải do ông T1 ký và viết hay không, lý do là thiếu mẫu so sánh. Như vậy lời khai của ông T1, bà T2 về việc phủ nhận bà T2 đã ký trên giấy vay tiền ngày 01/6/2014 là không có căn cứ. Mặt khác tại giấy mượn tiền ngày 16/02/2020 với số tiền mượn là 2.000.000.000 đồng (bút lục số 7), ở mặt sau của giấy này ông T1 có ghi dòng chữ với nội dung ngày 15/02/2020, họ trả cho bà T số tiền 50.000.000 đồng; trong khi đó tại bút lục 76, bà T2 khai như sau: “Số tiền 50.000.000 đồng và 70.000.000 đồng mà vợ chồng tôi trả cho bà T là trả vào tiền gốc của khoản vay 2.000.000.000 đồng tại giấy mượn tiền ngày 16/02/2020”. Đây là sự mâu thuẫn, vì không thể có việc vay tiền vào ngày 16/02/2020, nhưng trước đó một ngày, tức là ngày 15/02/2020 đã trả lãi cho khoản tiền vay sau đó một ngày. Mâu thuẫn này chứng tỏ việc trả số tiền 50 triệu đồng của vợ chồng ông T1, bà T2 cho bà T xuất phát từ một khoản nợ khác ngoài khoản nợ 5 tỷ đồng tại hai giấy mượn tiền ngày 16/02/2020 hay nói cách khác ngoài khoản nợ 5 tỷ đồng tại hai giấy mượn tiền ngày 16/02/2020, vợ chồng ông T1, bà T2 còn nợ bà T một khoản nợ khác.

[3] Về trách nhiệm của ông T1 tại giấy vay tiền ngày 01/6/2014, thấy rằng: Mặc dù Kết luận giám định số 930/KL-KTHS ngày 15/8/2022 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Quảng Bình kết luận không đủ cơ sở để xác định chữ ký và chữ viết của người vay tại giấy vay tiền ngày 01/6/2014 có chữ ký và chữ viết của ông T1, tuy vậy trong quá trình tham gia tố tụng, bà T2 đã thừa nhận quá trình vay tiền của bà T có sự bàn bạc vợ chồng, mục đích vay là phục vụ cho công việc kinh doanh của gia đình và trả khoản nợ của vợ chồng cho ngân hàng, và thực tế ông T1 là người đã 2 lần trực tiếp trả nợ cho bà T số tiền 120.000.000 đồng. Mặt khác, trong quá trình tham gia tố tụng, ông T1, bà T2 không thừa nhận vợ chồng ông đã ký vào giấy vay tiền này, trong khi kết quả giám định của cơ quan chức năng đã xác định trong giấy vay tiền này có chữ ký của bà T2, chữ ký còn lại không xác định được do thiếu mẫu so sánh. Điều này thể hiện sự thiếu trung thực, thiếu tin cậy trong các lời khai của ông T1, bà T2 liên quan đến trách nhiệm của họ đối với giấy vay tiền ngày 01/6/2014. Do đó việc án sơ thẩm buộc ông T1 phải có trách nhiệm đối với giấy vay tiền ngày 01/6/2014 là có cơ sở.

[4] Về giấy vay tiền ngày 01/6/2014, thấy rằng đây là giấy vay tổng hợp của các đợt vay tính từ ngày 01/6/2014 trở về trước, với tổng số tiền là 7.035.000.000 đồng. Nội dung trong giấy vay ghi rõ số tiền vay của từng đợt là tiền gốc, không bao gồm trong đó tiền lãi, vì vậy khoản tiền 7.035.000.000 đồng này không phải được hình thành từ một khoản vay nào đó, qua thời gian với việc tính lãi suất mà thành số tiền này.

[5] Về hai giấy mượn tiền ngày 16/02/2020, thấy rằng hai giấy này có nội dung trong đó xác nhận việc vợ chồng ông T1, bà T2 có mượn của bà T số tiền 5 tỷ đồng, ngoài ra ông T1, bà T2 không xuất trình được căn cứ nào để xác định có việc liên quan giữa hai giấy mượn tiền này với giấy vay tiền ngày 01/6/2014 với số tiền 7.035.000.000 đồng và với giấy vay tiền không đề ngày lập giấy, trong đó ghi số tiền vay là 1.032.000.000 đồng. Do đó không có căn cứ để cho rằng số tiền 2 tỷ đồng ở một trong hai giấy mượn tiền ngày 16/02/2020 là xuất phát từ khoản vay 1.032.000.000 đồng theo giấy vay tiền mà vợ chồng ông T1, bà T2 xuất trình, do việc tính lãi cao của bà T mà thành, như ý kiến của vợ chồng ông T1, bà T2 tại phiên tòa phúc thẩm.

[6] Về giấy vay tiền không đề ngày lập, trong đó ghi số tiền vay là 1.032.000.000 đồng, do vợ chồng ông T1, bà T2 xuất trình thấy rằng:

Ngày 22/02/2023, Đại diện theo ủy quyền của Nguyên đơn – bà Lê Thị M có đơn yêu cầu giám định, theo đó cho rằng bút lục 79 (giấy vay tiền) mà ông T1, bà T2 cung cấp có các đoạn văn bản được viết thêm và bị sửa chữa, cụ thể như sau: Đoạn văn bản được viết thêm tại dòng 12 từ trên xuống là “và k có món nợ nào khác” và số 8 của dãy số 2018 tại dòng 13 được sửa lại từ số 3. Ông T1, bà T2 đã dùng giấy vay tiền được viết thêm và sửa chữa này để cho rằng vợ chồng ông bà chỉ nợ bà T số tiền 1.032.000.000 đồng, phủ nhận số nợ 11.915.000.000 đồng, vì cho rằng giấy vay tiền này được lập năm 2018 và trong giấy vay tiền đã ghi rõ vào thời điểm giấy vay tiền được lập, ông T1, bà T2 không nợ bà T món nợ nào khác, ngoài số tiền 1.032.000.000 đồng. Vì vậy bà M yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm trưng cầu giám định để xác định có sự gian dối trên, nhằm xác định sự thật của vụ án.

Cùng với việc yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm trưng cầu giám định, ngày 02/3/2023, bà M có đơn trình bày, giải thích nguồn gốc giấy vay tiền không ghi ngày lập giấy, với số tiền vay là 1.032.000.000 đồng mà Bị đơn cung cấp (bút lục 79). Theo nội dung trong đơn trình bày thì trước ngày 10/9/2013, ông T1, bà T2 có vay bà T số tiền 1.032.000.000 đồng (theo giấy vay mà Bị đơn cung cấp cho Tòa án tại bút lục số 79). Tiếp đó vào các ngày 10/9/2013 và 06/12/2013, ông T1, bà T2 lần lượt vay tiếp các số tiền là 2.823.000.000 đồng và 2.012.000.000 đồng. Đến ngày 01/6/2014, ông T1, bà T2 vay tiếp số tiền 1.168.000.000 đồng. Hai bên thống nhất tổng hợp tất cả các khoản vay trên thành một giấy vay tiền ngày 01/6/2014, trong đó số tiền vay 1.168.000.000 đồng cộng với khoản vay 1.032.000.000 đồng trước đó thành số tiền 2.220.000.000 đồng. Do khoản vay 1.032.000.000 đồng đã được tổng hợp vào giấy vay tiền ngày 01/6/2014 nên bà T không giữ cũng như không xé bỏ giấy vay này. Ông T1 đã lợi dụng việc này, giữ lại tờ giấy trên và cho viết thêm, sửa chữa các nội dung như đã trình bày ở trên để phủ nhận việc vợ chồng mình nợ số tiền 11.915.000.000 đồng.

Ngày 01/3/2023, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình có Quyết định số 609/2023/QĐ-TCGĐ về trưng cầu giám định theo các nội dung mà bà M yêu cầu trên.

Ngày 07/3/2023, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Quảng Bình có Kết luận giám định số 223/KL-KTHS về các vấn đề mà Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình đã trưng cầu, theo đó có các nội dung sau:

1. Chữ viết có nội dung “và ko có món nợ nào khác” tại dòng chữ viết thứ 12 tính từ trên xuống so với các chữ viết cùng trên mẫu cần giám định ký hiệu A (trừ chữ viết có nội dung “Lê Thị Bích T” tại dòng “có vay chị” và dưới mục “Người cho vay và xác nhận” là do cùng một người viết ra.

2. Chữ viết có nội dung “và ko có món nợ nào khác” tại dòng chữ viết thứ 12 tính từ trên xuống trên mẫu cần giám định ký hiệu A là chữ viết điền thêm.

3. Số “8” tại dãy chữ số “2018” dòng chữ viết thứ 13 tính từ trên xuống trên mẫu cần giám định ký hiệu A được sửa từ số “3” nguyên thủy.

Như vậy, ý kiến của ông T1, bà T2 cho rằng giấy vay tiền tại bút lục 79 mà ông T1, bà T2 cung cấp, trên đó ghi số tiền vay 1.032.000.000 đồng, được hai bên xác lập vào năm 2018 và quá trình tính lãi từ năm 2018 đến ngày 16/02/2020 số tiền gốc trên cộng với số tiền lãi này thành số tiền 2 tỷ đồng mà giấy vay tiền lập ngày 16/02/2020 giữa hai bên với số tiền 2 tỷ đồng thực chất là việc tổng hợp tiền vay và lãi nói trên là không có căn cứ; ý kiến của bà M cho rằng giấy vay tiền với số tiền vay 1.032.000.000 đồng (bút lục 79) mà ông T1, bà T2 cung cấp thực chất là khoản vay từ năm 2013, đã được tổng hợp vào giấy vay tiền ngày 01/6/2014 và không liên quan gì đến hai khoản vay với tổng số tiền là 5 tỷ đồng tại hai giấy mượn tiền ngày 16/02/2020 là có căn cứ.

[7] Sau khi phiên tòa tạm dừng, ông T1 có xuất trình một số tài liệu phô tô lấy ra từ máy điện thoại, cho rằng là được chụp từ sổ ghi chép việc vay trả tiền giữa hai bên để chứng minh khoản nợ 2 tỷ đồng tại giấy mượn tiền ngày 16/02/2020 có nguồn gốc từ số tiền vay 1.032.000.000 đồng, vay từ năm 2018. Tuy vậy do đã có kết quả giám định xác định giấy vay tiền mà ông T1, bà T2 cung cấp tại bút lục 79 với số tiền vay là 1.032.000.000 đồng được lập trước ngày 01/6/2014; mặt khác từ các thông tin trong các tài liệu xuất trình trên không đưa ra được kết luận gì chứng minh ý kiến của ông T1, vì vậy những tài liệu này không có giá trị chứng minh ý kiến của vợ chồng ông T1, bà T2 cho rằng họ chỉ vay bà T số tiền 1.032.000.000 đồng.

[8] Với các phân tích trên, thấy rằng việc án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn, xác định vợ chồng ông T1, bà T2 có trách nhiệm trả cho bà T số tiền 11.915.000.000 đồng là có căn cứ. Ngoài ra do Nguyên đơn không yêu cầu tính lãi nên Án sơ thẩm không xem xét đến vấn đề trả lãi là đúng pháp luật.

[9] Về nội dung đơn kháng cáo của ông T1, bà T2 cho rằng ông T1, bà T2 không được hòa giải, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm vẫn xét xử vụ án, thấy rằng: Ngày 23/3/2022, Tòa án nhân dân thị xã Ba Đồn ban hành Thông báo số 10/TB-TA về tổ chức phiên hòa giải vào ngày 30/3/2022, nhưng phiên hòa giải ngày 30/3/2022 không thực hiện được, nguyên nhân là do ông T1, bà T2 vắng mặt. Ngày 15/4/2022, Tòa án nhân dân thị xã B tiếp tục ban hành Thông báo số 11/TB-TA về tổ chức phiên hòa giải vào ngày 22/4/2022, nhưng phiên hòa giải này cũng không thực hiện được, lý do là ông T1, bà T2 vắng mặt. Thông báo số 11/TB-TA ngày 15/4/2022 của Tòa án nhân dân thị xã Ba Đồn đã được Bưu cục Quảng Trạch giao cho ông T1, bà T2 theo phiếu báo phát ngày 15/4/2022 của Bưu cục Quảng Trạch. Như vậy, nguyên nhân của việc Tòa án cấp sơ thẩm không tiến hành hòa giải tranh chấp được không phải là do Tòa án không tổ chức, mà là do phía vợ chồng ông T1, bà T2 không chấp nhận việc tổ chức hòa giải của Tòa án.

[10] Về nội dung đơn kháng cáo của ông T1, bà T2 cho rằng ông T1, bà T2 không nhận được giấy triệu tập đến phiên tòa, không tham gia phiên tòa, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm vẫn xét xử vụ án, thấy rằng:

Các ngày 11/10/2022 và 28/10/2022, Tòa án nhân dân thị xã Ba Đồn đã ban hành các quyết định đưa vụ án ra xét xử và giấy triệu tập các đương sự trong vụ án đến phiên tòa để xét xử vụ án vào các ngày 28/10/2022 và 22/11/2022. Các văn bản này được Thư ký phiên tòa trực tiếp giao cho ông T1, bà T2, có lập biên bản giao nhận tại các bút lục số 77 và 80 lưu tại hồ sơ vụ án. Do đó việc đơn kháng cáo cho rằng ông T1, bà T2 không nhận được giấy triệu tập đến phiên tòa là không đúng.

[11] Với các phân tích trên, thấy rằng việc Án sơ thẩm xét xử vụ án, buộc vợ chồng ông T1, bà T2 phải trả cho bà Lê Thị Bích T số tiền 11.915.000.000 đồng, buộc phải chịu chi phí giám định 2.400.000 đồng là đúng pháp luật. Do đó Tòa án cấp phúc thẩm không thể thỏa M kháng cáo của ông Trần Công T1 và bà Trần Thị T2, mà cần giữa nguyên Bản án sơ thẩm.

[12] Ở giai đoạn xét xử phúc thẩm, bà M có yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định để chứng minh việc giấy vay tiền tại bút lục số 79 bị viết chèn thêm và sửa nội dung. Kết quả giám định xác định việc bà M cho rằng giấy vay tiền trên bị viết chèn thêm và sửa nội dung là đúng. Vì vậy ông T1, bà T2 phải chịu chi phí giám định 2.760.000 đồng này.

[13] Kháng cáo của ông Trần Công T1 và bà Trần Thị T2 không được chấp nhận, nên theo khoản 1 Điều 29 Nghị Quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án, ông Trần Công T1 và bà Trần Thị T2 phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm.

[14] Đối với án phí dân sự sơ thẩm, do Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm và việc tính án phí của Tòa án cấp sơ thẩm là đã đúng pháp luật, nên cần giữ nguyên việc buộc ông T1, bà T2 chịu án phí sơ thẩm này.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 1 Điều 147, khoản 1 Điều 148, các Điều 161, 271, 273 Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 2 Điều 37 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Điều 357, khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự; khoản 2 Điều 26, khoản 1 Điều 29 Nghị Quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án, xử:

1. Không chấp nhận kháng cáo của ông Trần Công T1, giữ nguyên Bản án sơ thẩm như sau:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Lê Thị Bích T, buộc ông Trần Công T1 và bà Trần Thị T2 phải trả cho bà Lê Thị Bích T số tiền 11.915.000.000 đồng (mười một tỷ chín trăm mười lăm triệu đồng).

2. Bà Trần Thị T2 phải nộp 2.400.000 đồng (hai triệu bốn trăm nghìn đồng), ông Trần Công T1 và bà Trần Thị T2 phải nộp 2.760.000 đồng tiền chi phí giám định để trả cho bà Lê Thị Bích T.

3. Ông Trần Công T1 và bà Trần Thị T2 phải chịu 119.915.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm và 300.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm.

Ông Trần Công T1 và bà Trần Thị T2 đã nộp số tiền tạm ứng án phí 300.000 đồng tại Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Ba Đồn theo Biên lai số 31AA/2021/0003515 ngày 07/12/2022, nên số tiền này được trừ vào số tiền án phí phải nộp trên, số tiền còn phải nộp là 119.915.000 đồng.

4. Trả lại cho bà Lê Thị Bích T số tiền 30.008.750 đồng là tiền tạm ứng án phí mà bà T đã nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Ba Đồn theo Biên lai Thu số 31AA/2021/0003337 ngày 02/3/2022.

5. Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của Người được thi hành án cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng Bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành, theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 (do đây là trường hợp các bên không có thỏa thuận).

Trường hợp Bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự, thì Người được thi hành án dân sự, Người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 9, 7a, 7b Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2014; thời hiệu thi hành án dân sự được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án Dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án phúc thẩm (ngày 21/3/2023). 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

487
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng vay tài sản số 15/2023/DS-PT

Số hiệu:15/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quảng Bình
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 21/03/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về