Bản án về tranh chấp hợp đồng vay tài sản số 137/2022/DS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CÀ MAU, TỈNH CÀ MAU

BẢN ÁN 137/2022/DS-ST NGÀY 14/06/2022 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN

Ngày 14 tháng 6 năm 2022 tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau xét xử công khai sơ thẩm vụ án dân sự thụ lý số: 135/2022/TLST-DS ngày 08 tháng 4 năm 2022, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 140/2022/QĐXXST-DS ngày 20 tháng 5 năm 2022, về việc “tranh chấp hợp đồng vay tài sản”, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông B V Kh; Sinh năm: 1979; Địa chỉ: số A, đường C, khóm B, phường H, thành phố C M, tỉnh Cà Mau (Có mặt).

- Bị đơn: Ông Ng C Th; Sinh năm: 1978; Địa chỉ: số B, đường 4, khóm M, phường A thành phố C M, tỉnh Cà Mau (Vắng mặt).

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bà T Th Ng T, sinh năm: 1981; Địa chỉ: Địa chỉ: số A, đường C, khóm B, phường H, thành phố C M, tỉnh Cà Mau (Vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện và quá trình tham gia tố tụng nguyên đơn đã trình bày:

Do quen biết, tin tưởng nhau nên ông Kh có cho ông Th vay và mượn tiền nhiều lần cụ thể như sau:

- Lần 1: Vào ngày 05/9/2019 cho ông Th vay số tiền 850.000.000 đồng (Có lập hợp đồng công chứng), thời hạn vay là 12 tháng kể từ ngày vay, lãi suất thỏa thuận 3%/tháng nhưng từ khi vay đến nay ông Th không trả lãi và vốn.

- Lần 2: Vào ngày 22/10/2019 cho ông Th vay số tiền 100.000.000 đồng, thời hạn vay 120 ngày, ông Th có viết biên nhận. Hai bên có thỏa thuận miệng ông Th góp mỗi tháng 1.000.000 đồng cho đến khi đủ 120 ngày là xong. Tuy nhiên từ khi vay đến nay ông Th vẫn không góp và cũng không trả vốn. Tổng số tiền ông Th đã vay là 950.000.000 đồng.

- Ngoài ra còn cho ông Th mượn tiền 03 lần với số tiền 23.500.000 đồng. Quá trình vay bà Tô Nguyệt Thanh (là vợ ông Th) biết và đồng ý việc vay. Mục đích vay để kinh doanh mua bán, phục vụ nhu cầu thiết yếu chung trong gia đình vì vậy ông Kh yêu cầu ông Th và bà Th cùng có trách nhiệm trả cho ông số tiền vay 950.000.000 đồng và tiền lãi phát sinh theo quy định pháp luật (1,66%/tháng) và trả thêm số tiền vay không lãi là 23.500.000 đồng.

Quá trình giải quyết vụ án ông Ng C Th trình bày: Vào ngày 11/01/2018 ông có vay của ông B V Kh số tiền 350.000.000 đồng. Trong đó có 02 khoản vay, 01 khoản vay 200.000.000 đồng, lãi suất thỏa thuận 3%/tháng và khoản vay thứ 2 là 150.000.000 đồng, lãi suất ngày, mỗi ngày trả lãi 750.000 đồng. Hàng tháng ông đóng lãi cho ông Kh 6.000.000đ/tháng (đối với khoản vay 200.000.000 đồng) và 22.500.000 đồng/tháng (đối với khoản vay 150.000.000 đồng). Ông đóng lãi được đến năm 2019 thì hết khả năng thanh toán. Đến ngày 05/9/2019 ông và ông Kh thỏa thuận làm lại hợp đồng vay số tiền 850.000.000 đồng. Trong đó bao gồm vốn và lãi là 820.195.000 đồng, ông Kh đưa thêm 29.805.000 đồng để buộc ông viết biên nhận 850.000.000 đồng. Đối với số tiền mượn 23.500.000 đồng ông Th thừa nhận ông Kh có chuyển khoản cho ông mượn. Số tiền 100.000.000 đồng tiền vay trả góp ông Th thừa nhận có vay, nhưng cho rằng đã góp được 03 tháng 03 ngày với số tiền 93.000.000 đồng (thanh toán bằng tiền mặt cho ông Kh). Nay ông Th chỉ thống nhất trả vốn 550.000.000 đồng và thanh toán lãi theo quy định pháp luật.

Ngoài ra ông Th còn xác định các khoản vay trên là do cá nhân ông thực hiện để kinh doanh riêng, không liên quan đến bà T Th Ng T.

Đối với người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là bà T Th Ng T không đến Tòa án theo triệu tập và cũng không có văn bản gửi cho Tòa án nêu ý kiến.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về tố tụng: Quá trình thụ lý, giải quyết vụ án Tòa án đã tống đạt hợp lệ các văn bản tố tụng để các đương sự tham gia phiên họp công khai chứng cứ, hòa giải và xét xử nhiều lần nhưng người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là bà T Th Ng T vắng mặt không có lý do. Đối với ông Ng C Th có tham gia hòa giải và lần triệu tập xét xử ngày 02/6/2022 ông có mặt nhưng lần triệu tập xét xử ngày 14/6/2022 ông Th vắng mặt không lý do. Do đó, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan theo quy định tại Điều 227, 228 Bộ luật tố tụng dân sự.

[2] Về quan hệ tranh chấp: Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn trả tiền vay và tiền lãi phát sinh theo quy định pháp luật , do đó tranh chấp giữa các đương sự được xác định là tranh chấp hợp đồng vay tài sản, thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án là đúng quy định tại Điều 26 của Bộ luật tố tụng dân sự.

[3] Về nội dung vụ án: Xét việc giao dịch tiền vay của các bên là có diễn ra trong thực tế. Hiện nguyên đơn và bị đơn đã thống nhất nguyên đơn đã cho bị đơn vay tiền rất nhiều lần và bị đơn vẫn thừa nhận hợp đồng vay tiền ngày 05/9/2019 với số tiền 850.000.000 đồng và biên nhận vay tiền ngày 22/10/2019 số tiền 100.000.000 đồng là do chính bị đơn đã ký. Ngoài ra, bị đơn còn thừa nhận có vay không lãi của nguyên đơn số tiền 23.500.000đ không biên nhận đúng như nguyên đơn trình bày.

Tuy nhiên hiện các đương sự có tranh chấp do bị đơn cho rằng biên nhận vay số tiền 850.000.000đ là không đúng với thực tế. Bởi lẽ, ngày 11/01/2018 ông Th chỉ có vay của ông Kh số tiền 350.000.000 đồng, ông Th đã đóng lãi đến đầu năm 2019 ông không có khả năng trả lãi nên đến ngày 05/9/2019 ông Kh buộc làm lại hợp đồng vay số tiền 850.000.000 đồng. (Trong đó vốn và lãi là 820.195.000 đồng, ông Kh đưa thêm 29.805.000 đồng). Đối với số tiền 100.000.000 ông Th cho rằng ông đã góp cho ông Kh được 03 tháng 03 ngày với số tiền 93.000.000 đồng (thanh toán bằng tiền mặt cho ông Kh).Qua xem xét Hội đồng xét xử thấy rằng: Hiện bị đơn không thừa nhận có nhận số tiền 850.000.000đ nhưng tại hợp đồng vay ngày 05/9/2019 lại thể hiện ông Ng C Th vay của ông B V Kh số tiền 850.000.000đ thời hạn 12 tháng. Hiện ông Th cho rằng khoản tiền này xuất phát từ nguồn vay 350.000.000đ do ông không có tiền trả lãi cho ông Kh nên ông Kh buộc ông làm lại hợp đồng ra công chứng cộng dồn vốn và lãi là 850.000.000đ. Tuy nhiên, bản thân ông Th chỉ cung cấp được sổ phụ tài khoản của ông từ ngày 01/01/2018 đến ngày 30/12/2020 thể hiện năm 2018 ông Kh có chuyển cho ông Th nhiều lần tiền nhưng không phù hợp với 02 lần vay như ông Th đã trình bày và bản thân ông Th cũng có chuyển tiền cho ông Kh nhiều lần nhưng chưa thể hiện được đây là khoản tiền thanh toán lãi. Riêng đối với số tiền 100.000.000 các đương sự xác định là tiền góp ngày 22/10/2019 hiện ông Th cho rằng ông đã góp cho ông Kh được 03 tháng 03 ngày với số tiền 93.000.000 đồng (thanh toán bằng tiền mặt cho ông Kh). Trong khi đó hiện nguyên đơn xác định trước đây có cho ông Th vay tiền nhiều lần không nhớ cụ thể bao nhiêu nhưng ông Th đã thanh toán xong, đến năm 2019 mới cho ông Th vay số tiền 850.000.000đ và hoàn toàn không thừa nhận có nhận số tiền lãi và tiền góp. Tại phiên Tòa ông Th vắng mặt nên không nêu ra được cụ thể cách tính lãi như thế nào để cộng dồn vốn và lãi lên số tiền 820.195.000 đồng và cũng không cung cấp được chứng cứ để chứng minh cho rằng nguyên đơn đã nhận tiền góp đối với khoản vay 100.000.000 đồng. Do đó không có căn cứ chấp nhận lời trình bày của bị đơn mà chỉ có căn cứ chấp nhận lời trình bày của nguyên đơn xác định số tiền vay 973.500.000đ (vay có lãi là 950.000.000 đồng, vay không lãi 23.500.000đ).

[3] Về lãi suất: Các đương sự đều thừa nhận quá trình giao dịch vay có thỏa thuận về lãi. Hiện nguyên đơn và bị đơn đều thừa nhận giao dịch vay của các đương sự số tiền 850.000.000 đồng lãi suất thỏa thuận 3%/tháng. Đối với số tiền vay 100.000.000đ ngày 22/10/2019 thỏa thuận góp mỗi tháng 1.000.000 đồng cho đến khi thanh toán đủ 120 ngày. Tuy nhiên, bị đơn thì cho rằng số tiền trên là cộng dồn vốn lãi và nguyên đơn có nhận tiền góp 03 tháng 03 ngày với số tiền 93.000.000 đồng. Qua xem xét Hội đồng xét xử thấy rằng do bị đơn không cung cấp được tài liệu chứng cứ, chứng minh có việc thanh toán lãi nên không có cơ sở xem xét điều chỉnh lại được. Do đó hiện nguyên đơn yêu cầu bị đơn thanh toán lãi từ ngày 05/9/2019 đến ngày khởi kiện ngày 05/4/2022 với số tiền 850.000.000đ x 1,66% x 31 tháng = 437.410.000đ và khoản tiền vay ngày 22/10/2019 đến ngày 22/3/2022 của số tiền 100.000.000đ x 1,66% x 29 tháng = 48.140.000đ tổng cộng tiền lãi 485.550.000đ là hoàn toàn phù hợp. Nhưng tại phiên tòa nguyên đơn tự nguyện giảm lãi chỉ yêu cầu lãi 226.500.000đ, xét thấy sự tự nguyện của nguyên đơn là hoàn toàn có lợi cho bị đơn và phù hợp qui định. Tại khoản 1 điều 468 Bộ luật dân sự qui định “…lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay...Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực”. Do đó về lãi suất các đương sự giao dịch được chấp nhận toàn bộ theo yêu cầu của nguyên đơn.

[4] Về trách nhiệm thanh toán nợ hiện nguyên đơn khởi kiện yêu cầu ông Ng C Th và bà T Th Ng T phải cùng có trách nhiệm thanh toán nợ với lý do cho rằng khi vay tiền bà Th biết rõ và số tiền vay ông Th sử dụng kinh doanh mang lợi nhuận về do gia đình nên cả hai cùng có trách nhiệm thanh toán nợ. Đối với ông Th không thống nhất cho rằng đây là trách nhiệm cá nhân ông Th không liên quan đến bà Th. Tuy nhiên, hiện bị đơn không chứng minh được số tiền trên chỉ sử dụng cá nhân của ông Th. Đối với bà Th quá trình Tòa án giải quyết vụ án do bà không đến Tòa án, không có ý kiến phản hồi. Trong khi đó, tại Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình đã qui định “... Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 30 hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các điều 24, 25 và 26 … Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ quy định tại Điều 37 …”. Do đó đối với yêu cầu của nguyên đơn buộc ông Ng C Th cùng với bà T Th Ng T có trách nhiệm thanh toán nợ là có căn cứ nên được chấp nhận.

[5] Án phí dân sự sơ thẩm: Do chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn nên bị đơn phải chịu án phí theo quy định.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Buộc ông Ng C Th, bà T Th Ng T có nghĩa vụ thanh toán cho ông B V Kh số tiền là 1.200.000.000đ (Một tỷ hai trăm triệu đồng) trong đó vốn 973.500.000đ lãi 226.500.000đ Kể từ ngày ông B V Kh có đơn yêu cầu thi hành án, nếu ông Ng C Th, bà T Th Ng T không tự nguyện thi hành xong, thì phải trả thêm khoản lãi phát sinh theo mức lãi suất quy định tại Điều 468 Bộ luật dân sự tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành.

Án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch: ông Ng C Th, bà T Th Ng T phải chịu án phí 48.000.000 đồng (chưa nộp). Ông B V Kh không phải chịu án phí, vào ngày 07/4/2022 ông B V Kh đã dự nộp tạm ứng án phí số tiền 27.886.000 đồng (theo lai thu số 0001127) tại Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Cà Mau, được hoàn lại toàn bộ khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguyên đơn được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án. Bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan được quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ nhận được bản án hoặc niêm yết bản án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

193
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng vay tài sản số 137/2022/DS-ST

Số hiệu:137/2022/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thành phố Cà Mau - Cà Mau
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 14/06/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về