TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG
BẢN ÁN 05/2024/DS-PT NGÀY 19/01/2024 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN
Ngày 19 tháng 01 năm 2024, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Hải Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 106/2023/TLPT-DS ngày 06 tháng 11 năm 2023 về việc “tranh chấp hợp đồng vay tài sản”;
Do bản án dân sự sơ thẩm số 06/2023/DS-ST ngày 14/9/2023 của Tòa án nhân dân huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương bị kháng cáo;
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 02/2024/QĐPT-DS ngày 02/01/2024 giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Bà Nhữ Thị T, sinh năm 1948; địa chỉ: Thôn M, xã B, huyện B, tỉnh Hải Dương. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà T: Ông Phạm Văn Đ - Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh H.
2. Bị đơn: Chị Nhữ Thị L, sinh năm 1973: địa chỉ: Thôn A, xã T, huyện B, tỉnh Hải Dương.
3. Người kháng cáo: Bị đơn chị Nhữ Thị L. Tại phiên tòa có mặt bà T, chị L, ông Đ.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện, bản tự khai, các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, nguyên đơn bà Nhữ Thị T trình bày yêu cầu khởi kiện như sau: Do có quan hệ là người cùng làng nên khi chị L hỏi vay tiền, bà có đồng ý cho chị L vay tiền làm nhiều lần, bắt đầu từ năm 2010 theo phương thức: Khi chị L vay tiền, bà cho vay, chị L sẽ ghi ngày vay, số tiền vay, lãi suất vay và ký tên vào trong hai cuốn sổ ghi nợ để theo dõi các khoản vay và giao cho bà quản lý.
Cứ như vậy, bà đã cho chị L vay tiền làm nhiều lần từ năm 2010 cho đến năm 2015 với lãi suất theo thỏa thuận là “2 phân” (tức 2%/tháng). Đến cuối năm 2018 vào ngày cận tết, chị L có đến gặp bà và chốt sổ với số tiền nợ gốc là 54.000.000đ và tiền lãi tại thời điểm chốt sổ là 81.239.000đ, tổng cộng là 135.239.000đ. Chị L hẹn một thời gian ngắn sau sẽ trả tiền cho bà tuy nhiên đến nay sau nhiều lần bà yêu cầu, chị L vẫn chưa trả tiền nên bà đã khởi kiện đề nghị toà án buộc chị Nhữ Thị L phải trả số tiền nợ được hai bên thỏa thuận chốt nợ vào cuối năm 2018 là 135.239.000đ và yêu cầu chị L phải trả thêm 65.000.000đ là tiền lãi hàng tháng phát sinh trong 04 năm (được tạm tính từ thời điểm đầu năm 2019 cho đến tháng 11/2022) với lãi suất 1%/tháng tính trên số tiền 135.239.000đ. Tổng cộng là 200.000.000đ (làm tròn). Ngoài ra, trong quá trình giải quyết vụ án, qua kiểm tra lại 02 cuốn sổ ghi nợ bà phát hiện năm 2012 chị L còn cộng thiếu của bà số tiền 10.500.000đ nên bà bổ sung thêm yêu cầu buộc chị L phải trả cho bà thêm 10.500.000đ vào tiền gốc nên đến nay xác định số tiền bà yêu cầu chị L phải trả bao gồm tiền gốc là 64.500.000đ, tiền lãi hai bên đã chốt nợ cuối năm 2018 (âm lịch) là 81.239.000đ và tiền lãi của số tiền nêu trên với lãi suất là 1%/tháng được tính từ thời điểm đầu năm 2019 (âm lịch) cho đến nay.
Trong đơn khởi kiện của bà có ghi anh Lê Huy X là chồng chị L là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, tuy nhiên bà xác định lại anh Lê Huy X không liên quan gì đến việc vay nợ giữa bà và chị L vì trong sổ vay nợ chỉ có chị L là người vay và ký tên trong các khoản vay nợ. Anh X không vay và cũng không biết việc vay nợ nêu trên giữa bà và chị L nên bà đề nghị Tòa án không đưa anh X tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.
Theo bản tự khai, các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, bị đơn chị Nhữ Thị L trình bày quan điểm như sau:
Chị xác nhận từ năm 2010 có vay tiền của bà Nhữ Thị T làm nhiều lần, mỗi lần chị chỉ vay bà T số tiền từ 1,5 triệu đến 2 triệu đồng để đi lễ, hai bên có thỏa thuận về lãi là “2 phân” tức 2%/tháng và mỗi tháng trả một lần. Mỗi lần vay, chị đều được bà T đưa cho cuốn sổ để chị ghi ngày vay, số tiền vay, lãi suất vay và ký tên vào trong hai cuốn sổ ghi nợ để theo dõi và giao lại cho bà T quản lý. Trong quá trình vay, bà T đã nhiều lần báo chị đến nhà làm việc và tính cả lãi cộng vào gốc và yêu cầu chị ký tên. Đến năm 2012, chị có chốt số tiền vay là 62.000.000đ. Ngày 15/12/2012, chị trả cho bà T số tiền là 10.000.000đ. Sau đó chị đi lao động nước ngoài nên không vay tiền của bà T nữa. Khi chị về nước, bà T lại đến tìm gặp chị để đòi nợ nên cuối năm 2018 âm lịch, chị và bà T có tính toán lại toàn bộ số tiền nợ gốc và lãi và viết vào trong sổ vay tiền là 54.000.000đ gốc và tiền lãi là 81.239.000đ (tiền lãi từ 2013 cho đến năm 2018), tổng cộng là 135.239.000đ. Ban đầu chị L xác định chưa trả khoản tiền nêu trên cho bà T và chị đồng ý trả dần số tiền nợ gốc 54.000.000đ hàng tháng, mỗi tháng 2.000.000đ cho đến khi trả hết số nợ, còn tiền lãi chị đề nghị bà T cho chị xin số lãi này, tuy nhiên sau đó chị thay đổi quan điểm và xác định đã trả cho bà T số tiền gốc và lãi nêu trên nên chị không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của bà T. Đối với số tiền bà T yêu cầu chị trả bổ sung là 10.500.000đ vào tiền gốc, chị không nhất trí trả vì chị xác định đã trả bà T và hai bên đã thống nhất đã chốt nợ thời điểm năm 2012 là 62.000.000đ.
Chị cũng xác định chồng chị là anh Lê Huy X không liên quan gì đến việc vay tiền giữa chị và bà T. Mục đích chị vay tiền của bà T mỗi lần từ 1,5 đến 2 triệu đồng là do chị vay tiền để đi lễ các đền, chùa, việc vay tiền chị cũng không nói cho anh X biết, do đó chị xác định đây là khoản nợ riêng của chị và bà T, anh X không liên quan gì. Chị đề nghị Tòa án không đưa anh X tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.
Ý kiến anh Lê Huy X: Anh X xác định anh không liên quan gì đến việc vay nợ giữa vợ là chị Nhữ Thị L và bà Nhữ Thị T. Bản thân anh không biết vợ anh vay tiền của bà T, anh cũng không biết vợ anh vay tiền khi nào, vay tiền nhằm mục đích gì. Anh xác định đây là nợ riêng của chị L, không liên quan gì đến anh nên anh đề nghị Tòa án không đưa tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Anh từ chối tham gia tố tụng và xin vắng mặt tại các buổi làm việc, tại phiên họp, tại phiên tòa nếu tòa án triệu tập.
Ý kiến chị Nhữ Thị T1: Chị là con gái ruột của bà Nhữ Thị T. Năm 2010- 2012, chị có dành dụm được một số tiền dự định để làm nhà và có gửi mẹ là bà Nhữ Thị T giữ hộ. Đến năm 2012, khi cần tiền làm nhà, chị có đến xin lại số tiền thì được biết mẹ chị đã sử dụng tiền của chị gửi cho chị Nhữ Thị L vay và ghi vào một cuốn sổ. Trong sổ có ghi tên của chị là do mẹ chị sử dụng tên chị để đánh dấu đâu là tiền của chị và mẹ chị chứ không phải là chị cho chị L vay. Chị không có ý kiến gì về việc mẹ chị sử dụng tiền của chị để cho chị L vay và giữa hai mẹ con tự giải quyết với nhau nên chị không có ý kiến, yêu cầu gì và từ chối tham gia tố tụng. Chị đề nghị tòa án không đưa chị tham gia tố tụng.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 06/2023/DS-ST ngày 14/9/2023, Tòa án nhân dân huyện Bình Giang đã căn cứ vào vào: Điều 471, 473,474, 476, 477 của Bộ luật dân sự năm 2005; Điều 357, Điều 468 của Bộ luật dân sự 2015; khoản 1 Điều 2, Điều 9 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11 tháng 01 năm 2019 của TAND tối cao; khoản 3 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự; điểm đ Điều 12, Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ quốc hội.
Xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Nhữ Thị T, buộc chị Nhữ Thị L phải trả cho bà Nhữ Thị T số tiền nợ gốc là 54.000.000đ và tiền lãi tính đến ngày xét xử vụ án là 76.219.521đ. Tổng cộng 130.219.521đ (một trăm ba mươi triệu hai trăm mười chín nghìn năm trăm hai mốt đồng).
Kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án đối với khoản tiền trên mà bên có nghĩa vụ chậm thi hành thì còn phải trả lãi đối với số tiền chậm thi hành tương ứng với thời gian chậm thi hành. Lãi suất do chậm thi hành được quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật dân sự.
Ngoài ra, bản án còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.
Sau khi xét xử sơ thẩm, bị đơn chị Nhữ Thị L kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị Tòa án sửa bản án theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Nhữ Thị T. Tại phiên tòa phúc thẩm, chị L giữ nguyên kháng cáo, bà T không đồng ý với kháng cáo của chị L, đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Đại diện Viện kiểm sát phát biểu quan điểm: Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Về việc giải quyết vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, không chấp nhận kháng cáo của chị Nhữ Thị L, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Bình Giang; chị L phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra công khai tại phiên toà, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, Hội đồng xét xử (viết tắt là HĐXX) nhận định:
[1] Về tố tụng: Kháng cáo của chị Nhữ Thị L trong thời gian luật định và đã nộp tạm ứng án phí phúc thẩm nên kháng cáo hợp lệ.
[2] Về nội dung: Chị Nhữ Thị L cho rằng đã trả đầy đủ tiền vay nợ của bà Nhữ Thị T nên không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của bà T, HĐXX thấy: Cả nguyên đơn và bị đơn đều khẳng định từ năm 2010 đến năm 2013, chị L có vay tiền của bà T nhiều lần, với lãi suất các bên thoả thuận từng lần vay là “2 phân” một tháng tức là 2%/tháng. Về phương thức vay, các bên đều thống nhất khi vay có sử dụng 02 cuốn sổ ghi nợ như bà T xuất trình cho Toà án để ghi chép các khoản vay và nội dung được ghi chép trong sổ là đúng. Chị L cũng xác định chữ viết và chữ ký trong 02 cuốn sổ bà T xuất trình đúng là của chị. Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, bản thân chị L cũng thừa nhận chị có nợ bà T số tiền gốc là 54.000.000 đồng và tiền lãi là 80.239.000 đồng nhưng chị đã thanh toán xong cho bà T vào ngày 31/12/2018 và đã gạch sổ. Như vậy, có căn cứ xác định chị L có vay của bà T số tiền gốc là 54.000.000 đồng.
[3] Quá trình giải quyết vụ án, ban đầu chị L thừa nhận chưa trả nợ cho bà T tiền gốc (54.000.000 đồng) và lãi (81.239.000 đồng), tổng là 135.239.000 đồng như số tiền hai bên đã chốt sổ ngày 31/12/2018, chị đề nghị được trả dần hàng tháng tiền gốc, còn xin bà T tiền lãi. Tuy nhiên, sau đó chị L thay đổi quan điểm, xác định chị đã trả bà T toàn bộ số tiền nợ gốc, lãi, thể hiện ở việc trang giấy trong sổ nợ của bà T ghi nội dung chốt nợ “54.000.000đ gốc” và “80.239.000đ lãi” đã được gạch chéo; ngoài căn cứ nêu trên chị L không cung cấp được tài liệu, chứng cứ nào khác chứng minh việc đã trả nợ. Bà T không đồng ý với ý kiến của chị L và xác định vào ngày 31/12/2018, bà và chị L đã chốt nợ vào sổ của bà, ban đầu hai bên chốt nợ số tiền gốc là 54.000.000 đồng và lãi là 80.239.000 đồng và chị L đã ghi số tiền chốt nợ này vào sổ của bà, nhưng ngay sau đó hai bên tính toán lại và xác định số tiền lãi chị L phải trả là 81.239.000 đồng nên chị L đã tự gạch trang vừa viết để ghi sang trang sau cuốn sổ với nội dung “54.000.000đ gốc” và “81.239.000đ lãi” và trang ghi nợ này chưa bị gạch tức là chị L vẫn còn nợ tiền của bà. Lời trình bày của bà T phù hợp với thói quen giao dịch giữa bà T và chị Liên từ trước tại cuốn sổ ghi nợ, phù hợp với nội dung chốt nợ, phù hợp với lời khai ban đầu của chị L. Chị L cho rằng bản ghi chốt nợ ở trang sau chưa gạch là bản nháp vì không có ngày tháng năm nhưng nội dung này được chị L viết trong sổ ghi nợ của bà T và viết ở trang sau trang chốt nợ (đã gạch chéo) nên việc chị L khai bản nháp viết sau bản chính là không logic, không phù hợp với thực tế ghi sổ và lời khai của bà T. Do đó, việc chị L xác định đã trả nợ cho bà T là không có căn cứ. Tòa án cấp sơ thẩm buộc chị L phải trả bà T khoản tiền gốc 54.000.000 đồng là có căn cứ.
[4] Về lãi suất: Do các bên thỏa thuận lãi suất 2%/tháng, tương đương 24%/năm là vượt quá lãi suất quy định của Bộ luật dân sự năm 2005; Tòa án cấp sơ thẩm đã căn cứ Bộ luật dân sự, Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Tòa án nhân dân tối cao, Quyết định 2868/QĐ-NHNN ngày 29/11/2010 của Ngân hàng N lại lãi suất và buộc chị L phải thanh toán tiền lãi cho bà T từ thời điểm chốt nợ đến ngày Tòa án xét xử vụ án, tổng cộng là 76.219.521đồng là đúng quy định.
[5] Từ những phân tích trên, HĐXX không chấp nhận kháng cáo của chị Nhữ Thị L, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Bình Giang.
[6] Về án phí phúc thẩm: Kháng cáo của chị L không được chấp nhận nên phải chịu án phí dân sự phúc thẩm là 300.000 đồng.
[7] Các nội dung khác của bản án không có kháng cáo, kháng nghị, không được HĐXX xem xét giải quyết có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 1 Điều 308, khoản 1 Điều 148 của Bộ luật tố tụng dân sự; điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án:
1. Không chấp nhận kháng cáo của chị Nhữ Thị L; giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 06/2023/DS-ST ngày 14/9/2023 của Tòa án nhân dân huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.
2. Về án phí: Chị Nhữ Thị L phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm, được đối trừ số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 300.000 đồng theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2021/0004379 ngày 12/10/2023 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.
3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tranh chấp hợp đồng vay tài sản số 05/2024/DS-PT
Số hiệu: | 05/2024/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hải Dương |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 19/01/2024 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về