Bản án về tranh chấp hợp đồng tín dụng số 20/2023/KDTM-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

BẢN ÁN 20/2023/KDTM-PT NGÀY 09/02/2023 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG

Ngày 09/2/2023 tại Trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án Kinh doanh thương mại thụ lý số: 130/2022/TLPT-KDTM ngày 19 tháng 10 năm 2022 về tranh chấp hợp đồng tín dụng do bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 18/2022/KDTM-ST ngày 29 tháng 4 năm 2022 của Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội bị kháng cáo theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 509/2022/QĐ-PT ngày 31 tháng 10 năm 2022 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn Ngân hàng G;

Trụ sở: đường T, phường C, quận H, Thành phố Hà Nội;

Đại diện theo pháp luật: Ông Phạm Huy T, Chức vụ: Tổng giám đốc;

Đại diện theo ủy quyền: Ông Đinh Công H, Chức vụ: Giám đốc Ngân hàng G – Chi nhánh TL;

Đại diện theo ủy quyền tham gia tố tụng: Ông Đinh Tiến L, Trần Mạnh C, Trần Xuân H và Nguyễn Huy H (Theo Giấy ủy quyền số 15/2019/UQ-TLO ngày 18/9/2019). Ông H và ông H có mặt.

2. Bị đơn: Công ty N;

Trụ sở: phường M, quận H, TP. Hà Nội.

Người đại diện theo pháp luật ông Nguyễn Hoàng H, chức vụ: Giám đốc;

Người đại diện theo ủy quyền bà Nguyễn Thị H và bà Đỗ Lê T (Theo văn bản ủy quyền số 151220/QĐ/NH-NTH ngày 15/12/2020). Bà H có mặt.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Bà Nguyễn Thị H, sinh năm 1965;

3.2. Cụ Phạm Thị T, sinh năm 1937;

3.3. Chị Lê Thương T, sinh năm 1988; Anh Đỗ Tùng L, sinh năm 1987 (chồng chị T); Cháu Đỗ Khánh L, sinh năm 2013 và Cháu Đỗ Ngọc Q, sinh năm 2019 do chị T và anh L là bố mẹ đẻ làm đại diện.

3.4. Anh Lê Đình T, sinh năm 1993; Chị Lương Mỹ H, sinh năm 1992 (vợ anh T); Cháu Lê Đình Thiên A, sinh năm 2021 do anh T và chị H là bố mẹ đẻ làm đại diện.

Cùng trú tại: phố Y, phường Y, quận H, Hà Nội.

Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Theo đơn khởi kiện và các bản tự khai tiếp theo tại Toà án, nguyên đơn trình bày:

1. Ngày 17/12/2010, Ngân hàng G và Công ty N ký Hợp đồng tín dụng Hạn mức số 0018/HĐTDHM-GTLG/10 với nội dung như sau: Số tiền cho vay: 3.000.000.000 đồng; Thời hạn vay: 12 tháng kể từ ngày 17/12/2010 đến ngày 17/12/2011; Lãi suất cho vay: Áp dụng lãi suất thả nổi, thay đổi 01 tháng/01 lần vào ngày 10 hàng tháng và được xác định trong từng khế ước nhận nợ cụ thể theo chế độ lãi suất của Ngân hàng trong từng thời kỳ.

Ngày 11/06/2011, Ngân hàng G và Công ty N ký Khế ước nhận nợ số LD1116200001 để nhận nợ tiền vay 1.500.000.000 đồng Thời gian vay: 06 tháng kể từ ngày 11/06/2011 đến ngày 11/12/2011. Lãi suất cho vay: thay đổi 01 tháng/01 lần vào ngày 10 hàng tháng. Lãi suất kỳ đầu tiên là 23,5%/năm. Lãi suất các kỳ tiếp theo được xác định bằng lãi suất huy động tiết kiệm VND 12 tháng trả lãi cuối kỳ + Biên độ theo quy định của Ngân hàng G tại thời điểm điều chỉnh và tuân thủ, chịu sự điều chỉnh theo chính sách lãi suất của Ngân hàng G tại từng thời kỳ.

Ngày 21/06/2011, Ngân hàng G và Công ty N ký Khế ước nhận nợ số LD1117200003 để nhận nợ tiền vay 1.500.000.000 đồng; Thời gian vay: 6 tháng kể từ ngày 21/06/2011 đến ngày 21/12/2011. Lãi suất cho vay: quy định như khế ước LD1116200001 2. Ngày 16/08/2011, Ngân hàng G và Công ty N đã ký Hợp đồng tín dụng hạn mức số: 0042/HĐTDHM-GTLG/10 với nội dung như sau: Số tiền cho vay 6.800.000.000đồng (Sáu tỷ tám trăm triệu đồng chẵn); trong đó bao gồm dư nợ 3.000.000.000đồng thuộc Hợp đồng tín dụng hạn mức số 0018/HĐTDHM–GTLG/10 ngày 17/12/2010. Mục đích vay: Vay bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty. Thời hạn duy trì hạn mức: 12 tháng kể từ ngày 12/08/2011 đến ngày 12/08/2012. Lãi suất cho vay: Áp dụng lãi suất thả nổi và được xác định trong từng khế ước nhận nợ cụ thể theo chế độ lãi suất của Ngân hàng trong từng thời kỳ.

Ngày 16/08/2011, Ngân hàng G và Công ty N ký Khế ước nhận nợ số LD1130860601 để nhận nợ tiền vay 3.800.000.000đồng; Thời gian vay: 07 tháng kể từ ngày 16/08/2011 đến 16/03/2012. Lãi suất cho vay: thay đổi 01 tháng/01 lần vào ngày 10 hàng tháng. Lãi suất kỳ đầu tiên là 22%/năm. Lãi suất các kỳ tiếp theo được xác định bằng lãi suất huy động tiết kiệm VND 12 tháng trả lãi cuối kỳ + Biên độ theo quy định của Ngân hàng G tại thời điểm điều chỉnh và tuân thủ, chịu sự điều chỉnh theo chính sách lãi suất của Ngân hàng G tại từng thời kỳ.

Căn cứ vào các Khế ước nhận nợ nêu trên, Ngân hàng G đã giải ngân và Công ty N đã nhận nợ đủ số tiền là 6.800.000.000đồng.

Tài sản bảo đảm tại thời điểm vay vốn bao gồm:

Tài sản 1: Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại thửa đất số 02+12, tờ bản đồ số 5I-I-16(1997), diện tích 74,6m2 Tập thể 201B, tổ 44, phường M, quận H, Thành phố Hà Nội; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở số 10107350234 do UBND TP Hà Nội cấp ngày 16/10/2000 đăng ký sang tên cho ông Nguyễn Trọng H và bà Đỗ Lê T ngày 04/04/2003. Hợp đồng thế chấp công chứng số 04150.10 ngày 16/12/2010 tại Văn Phòng công chứng Vạn Xuân và Đăng ký giao dịch bảo đảm tại Văn Phòng đăng ký đất và nhà quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội ngày 17/12/2010.

Tài sản 2: Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại thửa đất số 47; tờ bản đồ số 10; diện tích 55,4m2 tại địa chỉ tổ 6, phường Y, quận H, TP. Hà Nội; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AD501486 do UBND quận H, thành phố Hà Nội cấp ngày 05/07/2006 đứng tên bà Nguyễn Thị H. Hợp đồng thế chấp công chứng số 03156.11; quyển số 08 TP/CC-SCC/HĐGD ngày 12/08/2011 tại Văn phòng Công chứng Vạn Xuân và Đăng ký giao dịch bảo đảm tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội ngày 15/08/2011.

Trong quá trình vay vốn, Công ty N đã thanh toán được 3.000.000.000 đồng tiền gốc và toàn bộ tiền lãi phát sinh của 02 Khế ước nhận nợ số LD1116200001 ngày 11/06/2011 và Khế ước nhận nợ số LD1117200003 ngày 21/06/2011. Ngày 05/08/2013, Ngân hàng G đồng ý cho khách hàng rút tài sản bảo đảm là Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại thửa đất số 02+12, tờ bản đồ số 5I-I-16(1997), địa chỉ: tập thể 201B, tổ 44 phường M, quận H, Thành phố Hà Nội mang tên ông Nguyễn Trọng H và bà Đỗ Lê T.

Đối với Khế ước nhận nợ số LD1130860601 ngày 16/08/2011, Công ty N đã thanh toán được tổng số tiền là 1.244.301.206 đồng. Trong đó: Nợ gốc: 805.564.739 đồng; Nợ lãi trong hạn: 438.250.001 đồng; Nợ lãi quá hạn: 486.466 đồng. Ngày chuyển nợ quá hạn là ngày14/03/2012. Khi khoản vay của Công ty N đến hạn thanh toán, Ngân hàng G đã làm việc rất nhiều lần yêu cầu khách hàng cũng như bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ trả nợ tuy nhiên bị đơn và bên bảo lãnh đều không thực hiện. Tạm tính đến hết ngày 29/04/2022 Công ty N còn nợ ngân hàng nợ gốc là: 2.994.435.261 đồng; Nợ lãi trong hạn là: 69.788.889 đồng; Nợ lãi quá hạn là: 11.000.563.129 đồng. Tổng cộng là:14.064.787.279 đồng.

Nay Ngân hàng G khởi kiện đề nghị Công ty N phải trả cho nguyên đơn tổng số tiền nợ theo HĐTD số 0042/HĐTDHM-GTLG/10 ngày 16/08/2011, phụ luc HĐTD và khế ước nhận nợ kèm theo tạm tính đến hết ngày 29/04/2022 là 14.064.787.279 đồng.

Trong đó nợ gốc là: 2.994.435.261 đồng; Nợ lãi trong hạn là: 69.788.889 đồng; Nợ lãi quá hạn là: 11.000.563.129 đồng. Số lãi được tiếp tục tính cho đến khi trả hết toàn bộ nợ.

Trường hợp Công ty N không thực hiện thanh toán thì Ngân hàng có quyền yêu cầu Cơ quan thi hành án có thẩm quyền xử lý tài sản bảo đảm là: Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại thửa đất số 47; tờ bản đồ số 10; tại địa chỉ tổ 6, phường Y, quận H, TP. Hà Nội; đứng tên bà Nguyễn Thị H.

* Bị đơn trình bày: Công ty N xác nhận có ký 02 Hợp đồng tín dụng như Ngân hàng trình bày. Đến nay Công ty còn nợ ngân hàng số nợ gốc là: 2.994.435.261 đồng, số nợ lãi phía bị đơn không nắm được. Lý do chậm trả là do doanh nghiệp gặp khó khăn về kinh tế nên chưa thu xếp trả nợ được. Doanh nghiệp sẽ cố gắng trả nợ trong thời gian sớm nhất để rút tài sản về cho gia đình bà Nguyễn Thị H. Đối với lãi suất đề nghị Tòa án điều chỉnh lãi suất giảm xuống đúng với quy định của pháp luật.

* Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: Bà Nguyễn Thị H, chị Lê Thương T và anh Lê Đình T, cụ Phạm Thị T cùng thống nhất trình bày: Năm 2011 gia đình có ký hợp đồng thế chấp tài sản bảo đảm cho khoản vay của Công ty N. Việc Công ty N vay tiền của ngân hàng bao nhiêu thì gia đình không nắm được. Từ đó đến nay Công ty N vẫn chưa trả gia đình sổ đỏ; Vì vậy đề nghị Tòa án xem xét giải quyết đảm bảo quyền lợi cho gia đình. Trách nhiệm trả nợ thuộc về Công ty N và buộc Công ty N phải trả nợ ngay để ngân hàng trả lại sổ đỏ cho gia đình. Phía gia đình không có yêu cầu độc lập và đề nghị Tòa án căn cứ vào pháp luật để giải quyết.

Tại bản án KDTM sơ thẩm số 18/2022/KDTM–ST ngày 29/4/2022 Toà án nhân dân quận Hai Bà Trưng đã quyết định:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng G đối với Công ty N về việc tranh chấp hợp đồng tín dụng.

2. Buộc Công ty N phải trả cho Ngân hàng G các khoản tiền còn nợ của Hợp đồng tín dụng số: 0042/HĐTDHM-GTLG/10 ngày 16/8/2011; tính đến ngày 29/4/2022 với số tiền: Nợ gốc là: 2.994.435.261 đồng; Nợ lãi trong hạn là: 69.788.889 đồng; Nợ lãi quá hạn là: 5.384.572.789 đồng. Tổng cộng cả gốc và lãi là: 8.448.796.939 đồng.

3. Kể từ ngày 30/4/2022 Công ty N còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán, theo mức lãi suất mà các bên thoả thuận trong Hợp đồng tín dụng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này. Việc điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của Ngân hàng thì lãi suất mà Công ty N phải tiếp tục thanh toán cho Ngân hàng theo quyết định của Tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng cho vay.

4. Trường hợp Công ty N không trả được nợ cho nguyên đơn thì nguyên đơn có quyền yêu cầu Cơ quan thi hành án có thẩm quyền xử lý tài sản bảo đảm sau để thu hồi nợ là: Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại thửa đất số 47; tờ bản đồ số 10; diện tích 55,4m2 tại địa chỉ tổ 6, phường Y, quận H, Thành phố Hà Nội; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AD501486 do UBND quận H, thành phố Hà Nội cấp ngày 05/07/2006 đứng tên bà Nguyễn Thị H. Số tiền phải thu hồi từ việc phát mại tài sản này là: 2.994.435.261 đồng nợ gốc và số tiền nợ lãi tạm tính đến ngày 29/4/2022 là 5.167.571.800 đồng. Tổng cộng cả gốc và lãi trong phạm vi bảo đảm của tài sản bảo đảm này là 8.162.007.061đồng cùng toàn bộ lãi phát sinh trên dư nợ gốc kể từ ngày 30/4/2022 với mức lãi suất quá hạn các bên đã thỏa thuận tại Hợp đồng tín dụng và các khế ước nhận nợ cho đến khi thanh toán xong khoản nợ trong phạm vi bảo đảm. Theo Hợp đồng thế chấp số công chứng 03156.11; quyển số 08 TP/CC-SCC/HĐGD do Văn phòng Công chứng Vạn Xuân chứng nhận công chứng ngày 12/08/2011.

5. Trường hợp phải xử lý tài sản thế chấp thì những người có hộ khẩu và những người không có hộ khẩu nhưng thực tế đang sinh sống trên đất có nghĩa vụ phải thi hành quyết định này.

Ngoài ra bản án còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự Không đồng ý với bản án sơ thẩm, ngày 13/5/2022 Ngân hàng G nộp đơn kháng cáo đề nghị Toà án cấp phúc thẩm xem xét:

- Bị đơn còn nợ Ngân hàng tiền lãi quá hạn tính đến ngày 29/4/2022 là 11.000.563.129 đồng, không phải 5.384.572.789 đồng như án sơ thẩm quyết định bởi Ngân hàng áp dụng mức lãi suất kể từ ngày chuyển nợ quá hạn bằng 150% lãi suất vay trong hạn theo đúng quy định mà các bên đã thoả thuận trong hợp đồng tín dụng.

- Bác bỏ việc xác định số tiền nợ thuộc phạm vi bảo đảm của tài sản thế chấp bất động sản tại tổ 6 phường Y, quận H, Hà Nội.

Ngày 10/5/2022 Công ty N nộp đơn kháng cáo đề nghị Toà án cấp phúc thẩm xem xét lãi suất quá hạn. Nguyên đơn tính lãi quá hạn đối với doanh nghiệp là quá cao, Công ty N là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Từ năm 2013 Ngân hàng nhà nước có nhiều văn bản điều chỉnh lãi suất theo hướng giảm dần nhưng Ngân hàng G tính lãi quá hạn từ khi khoản nợ chuyển quá hạn đến ngày xét xử sơ thẩm không điều chỉnh theo đúng các văn bản của Ngân hàng nhà nước. Toà án cấp sơ thẩm điều chỉnh lãi suất theo thoả thuận trong hợp đồng cũng là chưa đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội phát biểu:

Về thủ tục tố tụng: Toà án nhân dân Thành phố Hà Nội tiến hành thụ lý và giải quyết vụ án đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Về việc tuân theo pháp luật tố tụng của thẩm phán, HĐXX và việc chấp hành pháp luật của người kháng cáo đúng qui định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Về nội dung:

Xét kháng cáo của nguyên đơn:

Về lãi suất: Hợp đồng tín dụng và tại khế ước nhận nợ đều thỏa thuận lãi suất điều chỉnh 01 tháng/ lần. Tuy nhiên Ngân hàng G lại áp dụng mức lãi suất quá hạn là 150% lãi suất trong hạn kể từ thời điểm quá hạn ngày 16/3/2012 với mức lãi suất 34,5% là không phù hợp với với nội dung hợp đồng tín dụng và các chính sách về lãi suất hiện nay của Ngân hàng nhà nước nên không cơ sở chấp nhận. Cấp sơ thẩm xác định lãi suất quá hạn trên cơ sở lãi suất điều chỉnh các thời kỳ của Ngân hàng G là phù hợp.

Về tài sản bảo đảm: theo Hợp đồng thế chấp công chứng số công chứng 03156.11;

quyển số 08 TP/CC-SCC/HĐGD ngày 12/08/2011 tại Văn phòng Công chứng Vạn Xuân, hợp đồng thế chấp thỏa thuận tài sản bảo đảm sẽ bảo đảm cho mọi nghĩa vụ của Công ty N chứ không quy định về phạm vi bảo đảm của tài sản bảo đảm như cấp sơ thẩm đã tuyên nên khi bị đơn không thanh toán được nợ thì nguyên đơn có quyền yêu cầu phát mại tài sản bảo đảm để thu hồi nợ mà không bị giới hạn phạm vi bảo đảm. Do vậy cần chấp nhận yêu cầu kháng cáo này của nguyên đơn.

- Xét kháng cáo của bị đơn: đề nghị áp dụng mức lãi suất áp dụng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ: xét thấy chính sách áp dụng lãi suất ưu đãi đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ của Ngân hàng nhà nước được áp dụng bắt đầu từ Thông tư số 16/2013/TT/NHNN ngày 27/6/2013 là thời điểm các bên đã cho vay và nhận nợ, sau đó cũng không có thỏa thuận nào khác để thay đổi áp dụng lãi suất ưu đãi nên không có cơ sở chấp nhân kháng của Công ty N.

Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 BLTTDS; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của UBTV Quốc hội:

- Sửa án sơ thẩm theo hướng chấp nhận yêu cầu phát mại toàn bộ tài sản bảo đảm không bị hạn chế về phạm vi bảo đảm của Ngân hàng G, bác kháng cáo về lãi suất của Ngân hàng G và Công ty N.

- Về án phí phúc thẩm: Công ty N phải chịu phí kinh doanh thương mại phúc thẩm

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được kiểm tra, xem xét tại phiên tòa, kết quả việc tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến của kiểm sát viên, các quy định của pháp luật, Hội đồng xét xử nhận định:

[1]. Đơn kháng cáo của các đương sự nộp trong thời hạn quy định của pháp luật và đã nộp dự phí kháng cáo nên kháng cáo là hợp lệ.

[2]. Xét kháng cáo của nguyên đơn:

Hợp đồng tín dụng số: 0042/HĐTDHM-GTLG/10 ngày 16/8/2011 được ký giữa Ngân hàng G và Công ty N theo đó Ngân hàng G đã giải ngân cho Công ty N vay số tiền 6.800.000.000đồng theo 03 khế ước nhận nợ. Các bên ký kết hợp đồng là hoàn toàn tự nguyện, không trái pháp luật nên có giá trị pháp lý để thực hiện. Quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty N đã thanh toán được 3.000.000.000 đồng tiền gốc và toàn bộ tiền lãi phát sinh của 02 Khế ước nhận nợ số LD1116200001 ngày 11/06/2011 và Khế ước nhận nợ số LD1117200003 ngày 21/06/2011.

Đối với Khế ước nhận nợ số LD1130860601. Tại phiên toà nguyên đơn xác nhận chính là khế ước số LD 1122800011 ngày 16/8/2011, Công ty N đã thanh toán được tổng số nợ gốc: 805.564.739đồng; Nợ lãi trong hạn: 438.250.001đồng; Nợ lãi quá hạn: 486.466đồng. Do bị đơn không tiếp tục thanh toán theo quy định của Hợp đồng nên Ngân hàng đã chuyển nợ quá hạn từ ngày 16/03/2012.

Đến nay bị đơn còn nợ Ngân hàng 2.994.435.261 đồng tiền gốc và lãi phát sinh.

Theo quy định tại Hợp đồng tín dụng số 0042/HĐTDHM-GTLG/10 ngày 16/8/2011 và khế ước nhận nợ số LD 1122800011, lãi suất cho vay các bên thoả thuận áp dụng lãi suất thả nổi, thay đổi 01 tháng/01 lần vào ngày 10 hàng tháng. Lãi suất kỳ đầu tiên là 22%/năm. Lãi suất kỳ tiếp theo được xác định bằng lãi suất huy động tiết kiệm VNĐ của Ngân hàng G 12 tháng trả lãi cuối kỳ + Biên độ theo quy định của Ngân hàng G tại thời điểm điều chỉnh. Kỳ hạn điều chỉnh lãi suất trên từng khế ước nhận nợ/hoặc cách thức xác định lãi suất cho vay phải tuân thủ và chịu sự điều chỉnh theo chính sách lãi suất của Ngân hàng G tại từng thời kỳ.

Lãi suất nợ quá hạn bằng 150% lãi suất vay trong hạn được xác định tại thời điểm khoản vay chuyển sang quá hạn.

Đối với lãi suất trong hạn: các bên xác nhận lãi suất trong hạn được Ngân hàng tính theo đúng thoả thuận trong hợp đồng. Số tiền lãi trong hạn bị đơn xác nhận còn nợ Ngân hàng 69.788.889 đồng. Án sơ thẩm buộc bị đơn phải trả là có căn cứ.

- Về lãi suất quá hạn:

Tại thời điểm chuyển nợ quá hạn, lãi suất cho vay trong hạn Ngân hàng đang áp dụng là 23%. Theo ý kiến Ngân hàng trình bày khi khoản vay chuyển sang quá hạn, mức lãi suất quá hạn sẽ không được điều chỉnh và bằng lãi suất vay trong hạn x 150%. HĐXX thấy rằng: Cách thức xác định lãi suất cho vay theo quy định tại hợp đồng tín dụng phải tuân thủ và chịu sự điều chỉnh theo chính sách lãi suất của Ngân hàng G tại từng thời kỳ mà các bên đã thống nhất khi ký hợp đồng tín dụng. Theo các quyết định của Ngân hàng G từ năm 2012 đến nay, Ngân hàng nhiều lần thay đổi lãi suất cho vay theo xu hướng giảm so với lãi suất vay kỳ đầu tiên được giải ngân cho Công ty N. Tuy nhiên theo bảng tính lãi Ngân hàng áp dụng mức lãi suất 34,5% (23x150%) kể từ ngày quá hạn 16/3/2012 đến ngày xét xử sơ thẩm là không phù hợp với quy định về cách thức xác định lãi suất. Do đó tính từ thời điểm quá hạn (ngày 16/3/2012) đến ngày xét xử sơ thẩm, lãi suất quá hạn cũng được điều chỉnh theo thông báo của Ngân hàng G x 150% là 5.384.572.789 đồng như án sơ thẩm xác định là có căn cứ. Vì vậy không chấp nhận kháng cáo của Ngân hàng về cách tính lãi suất quá hạn.

- Đối với yêu cầu xem xét giới hạn đảm bảo: Theo Hợp đồng thế chấp số công chứng 03156.11 ngày 12/8/2011tại Văn phòng công chứng Vạn Xuân tài sản thế chấp là Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại thửa đất số 47; tờ bản đồ số 10; diện tích 55,4m2 tại địa chỉ tổ 6, phường Y, quận H, Thành phố Hà Nội theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AD501486 do UBND quận H, thành phố Hà Nội cấp ngày 05/07/2006 đứng tên bà Nguyễn Thị H. Ngân hàng đồng ý cấp tín dụng cho bên vay vốn với tổng số tiền cao nhất là 3.000.000.000 đồng cùng nợ lãi và các chi phí phát sinh khác (nếu có)…Đến nay số tiền gốc nguyên đơn yêu cầu bị đơn thanh toán là 2.994.435.261đồng và lãi phát sinh của số tiền này là nằm trong giới hạn đảm bảo của Hợp đồng thế chấp số 03156.11 mà chủ tài sản đã ký với Ngân hàng. Mặt khác tài sản đảm bảo phải xử lý thi hành án chỉ còn bất động sản tại thửa đất số 47; tờ bản đồ số 10; diện tích 55,4m2, địa chỉ tổ 6, phường Y, quận H, Thành phố Hà Nội. Do đó việc chia tách nghĩa vụ đối với tài sản thế chấp này là không cần thiết bởi khoản vay không bị vượt quá giới hạn bảo đảm. Nhà đất tại thửa đất số 47; tờ bản đồ số 10; địa chỉ tổ 6, phường Y, quận H, Hà Nội sẽ được xử lý để thanh toán toàn bộ số tiền bị đơn còn nợ cho nguyên đơn. Do đó nội dung kháng cáo của nguyên đơn về việc không chia tách nghĩa vụ đảm bảo của tài sản thế chấp được HĐXX chấp nhận.

[3]. Xét kháng cáo của bị đơn: Công ty N cho rằng bị đơn là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên từ năm 2013, Ngân hàng nhà nước đã ban hành thông tư số 16/2013 và các quyết định về áp dụng lãi suất theo hướng giảm dần nhằm đáp ứng các nhu cầu vốn của doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên HĐXX thấy rằng Hợp đồng tín dụng số 0042/HĐTDHM-GTLG/10 ngày 16/8/2011 các bên ký kết tính đến ngày chuyển nợ quá hạn là 16/3/2012, thông tư 16/2013/TT-NHNN chưa ra đời nên không thể áp dụng các văn bản ban hành sau để áp dụng đối với những thoả thuận đã ký trước đó. Bị đơn đề nghị tính lãi quá hạn theo các văn bản Ngân hàng nhà nước ban hành sau thời điểm đã chuyển nợ quá hạn không được chấp nhận.

Do kháng cáo của nguyên đơn được chấp nhận một phần nên nguyên đơn không phải chịu án phí KDTM phúc thẩm. Kháng cáo của bị đơn không được chấp nhận nên bị đơn phải chịu án phí KDTM phúc thẩm.

Từ những nhận định trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điều 342,343, 344, 355 Bộ luật dân sự 2005; Căn cứ Luật các tổ chức tín dụng; Căn cứ khoản 1 điều 30, 148, 296, 308 Bộ luật tố tụng dân sự 2015; Căn cứ Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006; Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23/7/2010; Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/2/2012 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm;

Căn cứ điều 27, 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 của Uỷ ban thường vụ Quốc Hội;

Xử: Sửa một phần bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 18/2022/KDTM-ST ngày 29/4/2022 của Toà án nhân dân quận Hai Bà Trưng và quyết định:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng G đối với Công ty N.

2. Buộc Công ty N phải trả Ngân hàng G các khoản tiền còn nợ của Hợp đồng tín dụng số: 0042/HĐTDHM-GTLG/10 ngày 16/8/2011 theo khế ước nhận nợ số LD 1122800011 ngày 16/8/2011 tính đến ngày 29/4/2022 với số tiền: Nợ gốc: 2.994.435.261 đồng; Nợ lãi trong hạn: 69.788.889 đồng; Nợ lãi quá hạn: 5.384.572.789 đồng. Tổng cộng:

8.448.796.939 đồng.

3. Kể từ ngày kế tiếp sau ngày xét xử sơ thẩm, Công ty N còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán, theo mức lãi suất mà các bên thoả thuận trong Hợp đồng tín dụng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc.

4. Trường hợp Công ty N không trả được nợ hoặc trả không đầy đủ thì Ngân hàng G có quyền yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền xử lý tài sản bảo là: Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại thửa đất số 47; tờ bản đồ số 10, địa chỉ tổ 6, phường Y, quận H, Thành phố Hà Nội; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AD501486 do UBND quận H, thành phố Hà Nội cấp ngày 05/07/2006 mang tên bà Nguyễn Thị H theo Hợp đồng thế chấp số công chứng 03156.11; quyển số 08 TP/CC-SCC/HĐGD ngày 12/8/2011 tại Văn phòng Công chứng Vạn Xuân. Khi xử lý tài sản thế chấp toàn bộ những người đang ở trên đất phải di dời để bàn giao tài sản nhà, đất theo yêu cầu của cơ quan thi hành án.

5. Số tiền thu được từ việc xử lý Tài sản thế chấp sẽ được thanh toán toàn bộ khoản nợ của bên vay theo Hợp đồng tín dụng, nếu dư Ngân hàng sẽ phải thanh toán lại cho bên thế chấp. Nếu thiếu bên vay phải thanh toán trả Ngân hàng số tiền còn thiếu.

6. Về án phí:

Công ty N phải chịu 116.448.000 đồng án phí KDTM sơ thẩm và 2.000.000 đồng án phí KDTM phúc thẩm. Được trừ vào số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp 2.000.000 đồng theo biên lai số AA/2020/0012543 ngày 03/06/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Công ty N còn phải nộp 116.448.000 đồng.

Ngân hàng G phải chịu 113.615.000 đồng án phí KDTM sơ thẩm và không phải chịu án phí KDTM phúc thẩm. Được trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp 58.000.000 đồng theo biên lai số AA/2019/0003609 ngày 22/10/2020 và 2.000.000 đồng theo biên lai số AA/2020/0012523 ngày 26/05/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Ngân hàng G còn phải nộp 53.615.000 đồng.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có Hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

47
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng tín dụng số 20/2023/KDTM-PT

Số hiệu:20/2023/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hà Nội
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 09/02/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về