TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
BẢN ÁN 09/2021/KDTM-PT NGÀY 26/04/2021 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG, HỢP ĐỒNG BẢO LÃNH
Ngày 26 tháng 4 năm 2021, tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng, xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 06/2021/TLPT-KDTM ngày 17 tháng 02 năm 2021 về việc tranh chấp Hợp đồng tín dụng.
Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 08/2020/KDTM-ST ngày 15 tháng 6 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện TN, thành phố Hải Phòng bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 54/2021/QĐ-PT ngày 29 tháng 3 năm 2021, Quyết định hoãn phiên tòa số 63/2021/QĐ-PT ngày 13 tháng 4 năm 2021, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ngân hàng Thương mại cổ phần SG-HN (viết tắt là SHB); địa chỉ trụ sở chính: Số 77 THĐ, phường THĐ, quận HK, thành phố Hà Nội;
Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Nguyễn Công V - Chức vụ: Chuyên viên xử lý nợ của SHB (Văn bản ủy quyền số 30/UQ-TGĐ ngày 10 tháng 02 năm 2020); vắng mặt và có đơn xin xét xử vắng mặt.
- Bị đơn: Công ty Cổ phần CNTT&XDNT(viết tắt là Công ty XDNT); địa chỉ trụ sở: Thôn N, xã TH, huyện TN, thành phố Hải Phòng;
Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông Đào Văn L, chức vụ: Chủ tịch Hội đồng quản trị (là người đại diện theo pháp luật); vắng mặt.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Công ty TNHH MTV ĐTNT (viết tắt là Công ty ĐTNT); địa chỉ trụ sở: Thôn N, xã TH, huyện TN, thành phố Hải Phòng;
Người đại diện hợp pháp: Ông Phùng Văn K, chức vụ: Phó tổng giám đốc (theo Văn bản ủy quyền số 238a/UQ-TGĐ ngày 13/4/2021); có mặt.
- Người kháng cáo: Công ty TNHH MTV ĐTNT - là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Tóm tắt nội dung vụ án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm, nội dung kháng cáo: Theo đơn khởi kiện, đơn khởi kiện bổ sung, các bản tự khai và tại phiên tòa sơ thẩm; nguyên đơn, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn trình bày:
Ngân hàng Thương mại Cổ phần NHN (Ngân hàng Thương mại Cổ phần NHN được sáp nhập vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần SG-HN theo Quyết định số 1559/QĐ-NHNN ngày 07/8/2012 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc sáp nhập Ngân hàng Thương mại Cổ phần NHN vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần SG-HN) có cho Công ty Cổ phần CNTT&XDNT vay tiền theo Hợp đồng tín dụng (viết tắt là HĐTD) sau: HĐTD hạn mức số 0910THNC006/HĐTD-HM2009 ngày 09/11/2009, số tiền hạn mức tối đa cho vay là 20.000.000.000 đồng (Hai mươi tỷ đồng) và phụ lục HĐTD, mục đích vay vốn để bổ sung vốn lưu động sử dụng cho sản xuất kinh doanh, thời hạn vay vốn là 09 tháng kể từ ngày rút vốn vay đầu tiên, lãi suất là 12%/năm, quy định cụ thể tại các giấy nhận nợ. Thời hạn mỗi khoản vay trung hạn mức tín dụng là 09 tháng, lãi suất là 12%/năm, lãi cơ sở 10,5%’ biên độ cho vay 15%, tự động điều chỉnh lãi suất khi lãi cơ sở được điều chỉnh, thỏa thuận theo từng giấy nhận nợ vay.
Thực hiện HĐTD hạn mức 0910THNC006/HĐTD-HM2009 ngày 09/11/2009, Ngân hàng đã giải ngân số tiền vay cho Công ty XDNT theo các giấy nhận nợ sau: Giấy nhận nợ vay số 0910THNC006.09 ngày 28/01/2010, số tiền là 2.700.000.000 đồng, thời hạn vay 9 tháng, ngày đến hạn 28/10/2010. Giấy nhận nợ vay số 0910THNC006.10 ngày 29/01/2010, số tiền là 2.650.000.000 đồng, thời hạn vay 9 tháng, ngày đến hạn 29/10/2010. Giấy nhận nợ vay số 0910THNC006.11 ngày 02/02/2010, số tiền là 2601.057.428 đồng, thời hạn vay 9 tháng, ngày đến hạn 02/11/2010. Giấy nhận nợ vay số 0910THNC006.12 ngày 04/02/2010, số tiền là 1.347.912.125 đồng, thời hạn vay 9 tháng, ngày đến hạn 04/11/2010. Giấy nhận nợ vay số 0910THNC006.13 ngày 10/02/2010, số tiền là 546.429.979 đồng, thời hạn vay 9 tháng, ngày đến hạn 11/11/2010. Giấy nhận nợ vay số 0910THNC006.14 ngày 12/02/2010, số tiền là 3.722.046.075 đồng, thời hạn vay 9 tháng, ngày đến hạn 12/11/2010. Giấy nhận nợ vay số 0910THNC006.15 ngày 03/3/2010, số tiền là 850.000.000 đồng, thời hạn vay 9 tháng, ngày đến hạn 03/12/2010. Giấy nhận nợ vay số 0910THNC006.16 ngày 04/3/2010, số tiền là 829.577.607 đồng, thời hạn vay 9 tháng, ngày đến hạn 06/12/2010. Giấy nhận nợ vay số 0910THNC006.17 ngày 29/4/2010, số tiền là 120.437.472 đồng, thời hạn vay 9 tháng, ngày đến hạn 31/01/2011. Giấy nhận nợ vay số 0910THNC006.18 ngày 13/7/2010, số tiền là 350.000.000 đồng, thời hạn vay 9 tháng, ngày đến hạn 13/4/2011. Giấy nhận nợ vay số 0910THNC006.19 ngày 01/9/2010, số tiền là 1.271.955.727 đồng, thời hạn vay 9 tháng, ngày đến hạn 01/6/2011. Giấy nhận nợ vay số 0910THNC006.20 ngày 13/9/2010, số tiền là 800.000.000 đồng, thời hạn vay 9 tháng, ngày đến hạn 14/6/2011. Giấy nhận nợ vay số 0910THNC006.21 ngày 17/9/2010, số tiền là 662.393.824 đồng, thời hạn vay 9 tháng, ngày đến hạn 17/6/2011. Giấy nhận nợ vay số 0910THNC006.22 ngày 24/9/2010, số tiền là 290.028.446 đồng, thời hạn vay 9 tháng, ngày đến hạn 24/6/2011. Giấy nhận nợ vay số 0910THNC006.23 ngày 13/10/2010, số tiền là 650.000.000 đồng, thời hạn vay 9 tháng, ngày đến hạn 13/7/2011. Giấy nhận nợ vay số 0910THNC006.24 ngày 19/10/2010, số tiền là 598.538.312 đồng, thời hạn vay 9 tháng, ngày đến hạn 19/7/2011.
Để đảm bảo cho khoản nợ trên, giữa Ngân hàng, Công ty Cổ phần CNTT và XDNT, Công ty TNHH MTV ĐTNT đã ký Hợp đồng bảo lãnh số 0911/2009/HBB-NASICO-NASCO ngày 09/11/2009. HĐTD đã được bảo đảm bằng biện pháp bảo lãnh bằng uy tín và khả năng tài chính của Công ty TNHH MTV ĐTNT; theo Hợp đồng bảo lãnh cam kết trả nợ thay cho Công ty Cổ phần CNTT và XDNT, bên bảo lãnh cam kết vô điều kiện và không hủy ngang bảo lãnh việc thực hiện nghĩa vụ của bên được bảo lãnh để được Ngân hàng cấp hạn mức tín dụng với mức vay tối đa là 20.000.000.000 đồng, mục đích vay bổ sung vốn lưu động.
Trong quá trình thực hiện, Ngân hàng đã thực hiện đúng HĐTD đã ký kết nhưng bên vay không trả được nợ như đã cam kết. Khi Công ty XDNT vi phạm nghĩa vụ trả nợ Ngân hàng đã thông báo cho bên bảo lãnh về việc Công ty XDNT vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo nội dung đã thỏa thuận trong HĐTD hạn mức nhưng bên bảo lãnh cũng không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho bên được bảo lãnh là Công ty XDNT. Bị đơn vi phạm nghĩa vụ và nợ quá hạn từ ngày 25/10/2010.
SHB yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Công ty XDNT phải trả số tiền nợ gốc là 19.990.376.995 đồng, nợ lãi là 26.713.061.549 đồng. Sau đó, SHB có yêu cầu bổ sung xin được rút yêu cầu tính lãi, chỉ yêu cầu trả nợ gốc. Trường hợp Công ty XDNT không thực hiện nghĩa vụ trả nợ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ trả nợ thì Công ty ĐTNT phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay số tiền nợ gốc trên cho SHB theo hợp đồng bảo lãnh đã ký kết.
Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện hợp pháp của bị đơn trình bày:
Công ty thừa nhận năm 2009 có ký HĐTD với Ngân hàng, xác định nợ phải trả nhưng vì điều kiện không thu hồi được nợ nên nếu không trả được nợ thì Công ty ĐTNT phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay số tiền nợ gốc trên cho Ngân hàng theo Hợp đồng bảo lãnh đã ký kết.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty TNHH MTV ĐTNT trình bày:
Giai đoạn năm 2009, ông Trần Quang V1 là Chủ tịch Công ty kiêm Tổng giám đốc Công ty đã ký Hợp đồng bảo lãnh như trên. Giai đoạn năm 2009, Công ty không có Hội đồng thành viên, Phó Tổng giám đốc Công ty là những ai, hiện nay đã lâu, Công ty không được biết khi bàn giao có được bàn giao việc bảo lãnh này hay không. Công ty ĐTNT đề nghị Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng về việc buộc Công ty ĐTNT phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho Công ty XDNT trong trường hợp Công ty XDNT không trả được nợ, vì:
+ Tại Điều 27 Điều lệ (tạm thời) tổ chức và hoạt động của Tổng Công ty CNTT NT đã được Hội đồng quản trị tập đoàn CNTT Việt Nam phê duyệt tại Quyết định số 2482/QĐ-TCCB-LĐ ngày 08/8/2007 quy định: Tổng giám đốc Công ty không được quyền ký bảo lãnh cho Công ty thành viên được vay vốn của Ngân hàng.
+ Tại Kết luận giám định nội dung theo Quyết định trưng cầu giám định số 06/ANĐT ngày 12/12/2014 của Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Bình Định đã kết luận đối với cam kết bảo lãnh ngày 27/01/2008 do Tổng Giám đốc Tổng Công ty CNTTNT ký phát hành cam kết bảo lãnh thanh toán số tiền nợ gốc, lãi phát sinh của Công ty con là Công ty Cổ phần VTCNTT Bình Định vay tại A Bình Định, như sau: “Tổng giám đốc Tổng Công ty công nghiệp tàu thủy NT không có quyền ký phát hành văn bản cam kết bảo lãnh để bảo lãnh cho Công ty con vay vốn tại các tổ chức tín dụng. Do vậy, văn bản cam kết bảo lãnh ngày 27/01/2008 do Tổng Giám đốc Công ty NT ký phát hành là không đúng quy định và không có giá trị pháp lý để buộc Tổng Công ty CNTT NT thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo cam kết”.
Quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm: Tại Bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 08/2020/KDTM-ST ngày 15/6/2020 của Tòa án nhân dân huyện TN, thành phố Hải Phòng đã căn cứ khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35, Điều 39, Điều 227, Điều 228, Điều 244 Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 336, 342, 463, 466 Bộ luật Dân sự; Điều 91, 92 Luật Các tổ chức tín dụng; khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Tuyên xử:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của SHB buộc Công ty XDNT phải trả cho SHB số tiền nợ gốc là 19.990.376.995 đồng là số tiền nợ gốc của Hợp đồng tín dụng hạn mức số 0910THNC006/HĐTD-HM2009 ngày 09/11/2009. Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất các bên thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng, phụ lục hợp đồng tín dụng và giấy nhận nợ nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật.
2. Trường hợp Công ty XDNT không thực hiện nghĩa vụ trả nợ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ trả nợ trên thì Công ty TNHH MTV ĐTNT phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho Công ty XDNT số tiền nợ gốc là 19.990.376.995 đồng.
3. Đình chỉ yêu cầu của SHB về việc buộc Công ty XDNT phải trả cho SHB số tiền nợ lãi là 26.713.061.549 đồng.
Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí, lãi suất đối với khoản tiền chậm thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự.
Nội dung kháng cáo: Sau khi xét xử sơ thẩm người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty TNHH MTV ĐTNT, với nội dung: Yêu cầu hủy một phần bản án sơ thẩm buộc Công ty TNHH MTV ĐTNT phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho Công ty Cổ phần CNTT&XDNTsố tiền 19.990.376.995 đồng vì không có cơ sở và chưa đủ căn cứ pháp lý.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
- Người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo và trình bày lý do kháng cáo: Tòa án cấp sơ thẩm chưa xem xét đến khả năng tài chính của Công ty ĐTNT tại thời điểm phát sinh hợp đồng bảo lãnh; Bản án sơ thẩm chưa đánh giá đúng thẩm quyền của người đại diện của Công ty không có quyền hạn được bảo lãnh/ký hợp đồng bảo lãnh cho các đơn vị góp vốn cổ phần của Công ty theo Điều lệ của Công ty nên Hợp đồng bảo lãnh được ký kết không đúng quy định và không có giá trị pháp lý để buộc Công ty ĐTNT phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo cam kết; Bản án sơ thẩm chưa triển khai hết yêu cầu của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong việc đề nghị Tòa án tiếp tục trưng cầu giám định độc lập tại cơ quan có thẩm quyền hoặc đề nghị Tòa án xác minh làm rõ kết luận giám định nội dung theo Quyết định trưng cầu giám định của Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Bình Định để làm căn cứ giải quyết vụ án.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm và phát biểu ý kiến về kháng cáo - Về việc tuân theo pháp luật tố tụng dân sự: Trong quá trình giải quyết vụ án theo thủ tục phúc thẩm, Hội đồng xét xử đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Những người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng các quy định về quyền và nghĩa vụ của mình.
- Về việc kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo đúng quy định của pháp luật nên được xem xét, giải quyết, cụ thể:
Công ty ĐTNT kháng cáo với lý do chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý để khẳng định Công ty ĐTNT có thẩm quyền bảo lãnh cho Công ty XDNT để buộc Công ty ĐTNT phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho Công ty XDNT số tiền theo như bản án đã tuyên; nội dung cụ thể:
Thứ nhất, tại Điều 27 Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng Công ty CNTT NT theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con đã được Hội đồng quản trị tập đoàn CNTT Việt Nam phê duyệt tại Quyết định số 2428/QĐ-TCCB-LĐ ngày 08/8/2007 không quy định Tổng Giám đốc Công ty được quyền lý bảo lãnh cho Công ty thành viên được vay vốn của Ngân hàng. Công ty đề nghị Tòa phúc thẩm tiếp tục trưng cầu giám định đối với Hợp đồng bảo lãnh. Ý kiến này không có căn cứ chấp nhận, bởi lẽ: Tại khoản 4 Điều 27 Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng Công ty CNTT NT quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng giám đốc: “Quyết định các hợp đồng mua bán, vay, cho vay, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp, thanh lý tài sản và hợp đồng kinh tế khác của Tổng Công ty có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng 10% tổng giá trị tài sản trên báo cáo tài chính tại quý gần nhất của Tổng công ty...”. Việc ký hợp đồng bảo lãnh thuộc trường hợp “hợp đồng kinh tế khác” theo khoản 4 Điều 27 nêu trên. Do đó, Tổng giám đốc ký hợp đồng bảo lãnh là không trái quy định của Điều lệ. Hợp đồng bảo lãnh có hiệu lực, làm phát sinh nghĩa vụ bảo lãnh của Công ty ĐTNT theo Điều 91 Bộ luật Dân sự 2015.
Đối với yêu cầu giám định lại Hợp đồng bảo lãnh, Kiểm sát viên xét thấy không có cơ sở chấp nhận yêu cầu này, bởi lẽ: Nội dung Hợp đồng bảo lãnh là giao dịch dân sự không thuộc lĩnh vực giám định tư pháp về tiền tệ và Ngân hàng. Do đó, việc đề nghị giám định không phù hợp và không có cơ sở theo quy định của Luật Giám định tư pháp. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã có Công văn số 2292/NHNN-TTHSNH ngày 02/4/2019 trả lời về vấn đề này. Do đó, để đánh giá về tính hợp pháp của hợp đồng bảo lãnh này, cần đối chiếu với quy định của Điều 339 Bộ luật Dân sự 2015 và quy định về thẩm quyền ký kết hợp đồng như đã phân tích ở trên.
Thứ hai, người kháng cáo cho rằng Công ty ĐTNT là Công ty 100% vốn nhà nước và là một cổ đông của Công ty Cổ phần CNTT và XDNT với số vốn góp là 16 tỷ đồng (chiếm 56,9% vốn điều lệ). Ngày 14/9/2015, Công ty ĐTNT đã hoàn tất việc chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần nêu trên cho ông Phạm Văn T, có địa chỉ tại 27C LT, phường HN, quận LC, thành phố Hải Phòng. Giao dịch mau bán cổ phần được thực hiện dưới hình thức bán đấu giá tại Trung tâm dịch vụ bán đấu giá thành phố Hải Phòng. Như vậy, kể từ sau thời điểm bàn giao các hồ sơ, giấy tờ pháp lý liên quan đến cổ phần bán đấu giá, Công ty ĐTNT đã không còn là cổ đông của Công ty CNTT và XDNT. Trong hợp đồng mua bán tài sản đấu giá cũng nêu rõ: “Người trúng đấu giá (mua được tài sản) nhận chuyển nhượng cổ phần, đồng thời nhận toàn bộ quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm tương ứng với phần vốn đã nhận chuyển nhượng”. Ý kiến này của Công ty ĐTNT không có căn cứ chấp nhận, bởi lẽ: Hợp đồng bảo lãnh là cam kết bảo đảm của Công ty ĐTNT với Ngân hàng về việc sẽ trả nợ thay cho Công ty XDNT nếu Công ty XDNT vi phạm nghĩa vụ với Ngân hàng. Theo Điều 335 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về bảo lãnh thì nghĩa vụ bảo lãnh được các bên thỏa thuận không nêu rõ bảo lãnh dựa trên việc Công ty ĐTNT có vốn góp tại Công ty XDNT mà bảo lãnh bằng năng lực tài chính của Công ty ĐTNT. Việc Công ty ĐTNT đã bán phần vốn góp của mình tại Công ty XDNT không ảnh hưởng đến nghĩa vụ bảo lãnh của Công ty ĐTNT. Ngoài ra, theo Điều 370 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về chuyển giao nghĩa vụ thì trong trường hợp này, chưa có sự đồng ý của Ngân hàng về việc chuyển giao nghĩa vụ nên ý kiến này của Công ty ĐTNT không có căn cứ chấp nhận.
Thứ ba, Công ty ĐTNT cho rằng hình thức bảo lãnh trong Hợp đồng bảo lãnh được thỏa thuận bằng uy tín và năng lực tài chính của Công ty ĐTNT tại thời điểm ký Hợp đồng bảo lãnh. Tính đến thời điểm ký hợp đồng bảo lãnh ngày 09/11/2009, khả năng sinh lời và khả năng thanh toán của Công ty NT rất thấp. Mặt khác, tổng giá trị bảo lãnh của Công ty NT cho các đơn vị cổ phần tại thời điểm bảo lãnh cho Công ty XD rất lớn (hơn 1.400 tỷ đồng), trong khi đó, chỉ tiêu vốn chủ sở hữu chỉ đạt 331 tỷ đồng. Do đó, có thể thấy năng lực tài chính của Công ty ĐTNT tại thời điểm bảo lãnh đã không đảm bảo được khả năng thanh toán thay cho Công ty XDNT trong trường hợp Công ty XDNT không thực hiện nghĩa vụ trả nợ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ trả nợ cho Ngân hàng. Ý kiến này của Công ty ĐTNT không có căn cứ chấp nhận, bởi lẽ: Tại Hợp đồng bảo lãnh, các bên thỏa thuận bảo lãnh bằng uy tín và năng lực tài chính của Công ty ĐTNT. Do đó, khi Công ty ĐTNT đã ký hợp đồng bảo lãnh thì phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ của mình theo Hợp đồng là đúng quy định của pháp luật và thỏa thuận giữa các bên. Tỷ lệ giữa hạn mức bảo lãnh (20 tỷ đồng) so với tổng giá tị tài sản của Công ty tại thời điểm gần nhất (theo báo cáo tài chính tháng 12/2008 là 9.949.488.573 nghìn đồng) là 0,2% < 10% theo quy định tại khoản 4 Điều 27 Điều lệ Công ty. Do đó, không có căn cứ để chấp nhận ý kiến này của Công ty ĐTNT.
Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của Công ty ĐTNT và căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự, giữ nguyên bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện TN.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi xem xét các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ đã được xem xét tại phiên tòa; kết quả tranh tụng tại phiên tòa; yêu cầu kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng tham gia phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
- Về thủ tục tố tụng:
[1] Về quan hệ pháp luật và thẩm quyền giải quyết vụ án: Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định quan hệ tranh chấp và thẩm quyền giải quyết theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 30 và điểm b khoản 1 Điều 35, Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự.
[2] Về việc xét xử vắng mặt nguyên đơn, bị đơn: Tại phiên tòa, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn có đơn xin xét xử vắng mặt và người đại diện hợp pháp của bị đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai nhưng vắng mặt tại phiên tòa nên Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vụ án vắng mặt nguyên đơn, bị đơn theo quy định tại Điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự.
[3] Về áp dụng pháp luật: Nguyên đơn khởi kiện về tranh chấp HĐTD, nghĩa vụ bảo lãnh nên phải áp dụng Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Dân sự năm 2005, Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật các tổ chức tín dụng, Luật Doanh nghiệp và các quy định pháp luật khác có liên quan làm căn cứ để giải quyết vụ án.
- Xét yêu cầu kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
[4] Về thẩm quyền ký hợp đồng bảo lãnh: Theo Hợp đồng bảo lãnh số 0911/2009/HBB-NASICO-NASCO ngày 09/11/2009, bên bảo lãnh là Tổng Công ty CNTT NT do ông TQV (Tổng giám đốc) làm người đại diện, bên nhận bảo lãnh là Ngân hàng TMCP NHN - chi nhánh TH-NC do ông Nguyễn Hoàng P (Giám đốc chi nhánh) làm người đại diện theo ủy quyền và bên được bảo lãnh là Công ty Cổ phần CNTT&XDNTdo ông Nguyễn Tiến L (Giám đốc) làm người đại diện ký kết.
[5] Theo tài liệu có trong hồ sơ và quá trình giải quyết vụ án thể hiện tại thời điểm các bên ký kết các hợp đồng nêu trên, Công ty NT chỉ có bản Theo Điều lệ (tạm thời) năm 2007; theo Điều 18 Điều lệ thì tổ chức và hoạt động của Tổng Công ty CNTT NT được Hội đồng quản trị Tập đoàn CNTT Việt Nam phê duyệt tại Quyết định số 2482/QĐ-TCCB-LĐ ngày 08/8/2007 có quy định: “Chủ tịch Tổng Công ty là đại diện trực tiếp chủ sở hữu tại Tổng Công ty, thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu tại các công ty con do Tổng công ty đầu tư 100% vốn điều lệ và công ty do Tổng công ty nắm giữ trên 50% vốn điều lệ”. Ngày 18/4/2007, Chủ tịch tập đoàn CNTT Việt Nam đã ký Quyết định số 1063/CNT-TCCB-LĐ bổ nhiệm ông Trần Quang V giữ chức vụ Chủ tịch Tổng Công ty kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty CNTT NT và là người đại diện theo pháp luật của Tổng Công ty công nghiệp tàu thủy NT.
[6] Theo điểm đ khoản 1 Điều 11 Điều lệ (tạm thời) của Tổng Công ty CNTT NT thể hiện: Tổng Công ty “Thực hiện quyền chủ sở hữu đối với phần vốn đầu tư vào các Công ty con, Công ty liên kết theo Quy chế quản lý tài chính của tập đoàn, của Tổng công ty, theo Điều lệ này và quy định khác của pháp luật có liên quan”. Theo đó, tại Phần 2 Phụ lục II của Điều lệ (tạm thời) thể hiện Công ty Cổ phần CNĐ NT là Công ty con của Công ty NT (do Công ty NT nắm giữ trên 50% vốn điều lệ). Tại khoản 2 Điều 29 Quy chế quản lý tài chính Công ty TNHH MTV ĐTNT (ban hành kèm theo Quyết định số 845/QĐ-CNT ngày 30/11/2015 của Hội đồng thành viên Tổng Công ty CNTT) thì các công ty con được: “Được hưởng các quyền lợi và dịch vụ do Công ty thực hiện trên cơ sở hợp đồng hoặc thỏa thuận giữa các Công ty con với Công ty như: bảo lãnh…”, theo khoản 3 Điều 53 Quy chế thì: “Chủ tịch Công ty có quyền quyết định một số vấn đề liên quan đến tài chính, quản lý tài chính và quyền lợi tài chính của Công ty trừ những vấn đề tài chính thuộc thẩm quyền quyết định của chủ sở hữu được quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt đông của Công ty”.
[7] Khoản 4 Điều 27 Điều lệ (Tạm thời) của Tổng Công ty CNTT NT có quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng Giám đốc, cụ thể: “Quyết định các hợp đồng mua bán, vay, cho vay, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp thanh lý tài sản và hợp đồng kinh tế khác của Tổng công ty có giá trị nhỏ hoặc bằng 10% tổng giá trị tài sản trên báo cáo tài chính tại quý gần nhất của Tổng công ty…”. Hợp đồng bảo lãnh là hợp đồng kinh tế khác, phạm vi bảo lãnh của Công ty NT là 20.000.000.000 đồng; theo Báo cáo tài chính tháng 12 năm 2009 (thời điểm gần nhất) do Công ty NT cung cấp thể hiện tổng tài sản của Công ty là 11.182.933.572.048 đồng; giá trị của Hợp đồng bảo lãnh là 0,17%<10%. Như vậy, Tổng giám đốc Tổng Công ty CNTT NT có quyền quyết định đối với Hợp đồng bảo lãnh này. Ngoài ra, theo Điều 64, 69, 70 Luật Doanh nghiệp năm 2005; Điều 361, 362, 363 Bộ luật Dân sự 2005 thì ông Trần Quang V1 là người đại diện theo pháp luật vừa là Chủ tịch Tổng Công ty CNTT NT đồng thời là Tổng giám đốc của Tổng Công ty CNTT NT có thẩm quyền để ký kết hợp đồng bảo lãnh. Mặt khác, tại thời điểm ký kết hợp đồng bảo lãnh các bên đều thừa nhận cùng ký tên, đóng dấu trên cơ sở tự nguyện, hình thức và nội dung không trái với quy định của pháp luật nên có hiệu lực pháp luật đối với các bên.
[8] Về yêu cầu xem xét Quyết định trưng cầu giám định số 06/ANĐT ngày 12/12/2015 của Cơ quan an ninh điều tra - Công an tỉnh Bình Định và Kết luận giám định ngày 09/4/2015 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh tỉnh Bình Định do Công ty ĐTNT cung cấp: Đối với nội dung giám định xác định thẩm quyền của Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Tổng Công ty CNTT NT bảo lãnh cho các Công ty thành viên thuộc Tổng Công ty vay vốn tại Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội, theo Điều 3 Thông tư số 44/2014/TT-NHNN ngày 29/12/2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì nội dung yêu cầu giám định không thuộc lĩnh vực giám định tư pháp về tiền tệ và ngân hàng; đồng thời hoạt động bảo lãnh của Công ty mẹ với tư cách là bên bảo lãnh cho các công ty con/đơn vị thành viên vay vốn là hoạt động bảo lãnh dân sự, thuộc đối tượng điều chỉnh của Bộ luật Dân sự 2005 nên việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện kết luận giám định xác định thẩm quyền ký kết bảo lãnh dân sự của các pháp nhân là không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và không phù hợp với lĩnh vực giám định của Ngân hàng Nhà nước. Do đó, theo khoản 2 Điều 11, điểm b khoản 1 Điều 24 Luật Giám định tư pháp năm 2012; điểm d khoản 2 Điều 67 Bộ luật Tố tụng hình sự thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Hải Phòng từ chối giám định theo quy định của pháp luật. Mặt khác, Kết luận giám định ngày 09/4/2015 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh tỉnh Bình Định liên quan đến vụ án hình sự do Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Bình Đình tiến hành điều tra. Công ty ĐTNT cung cấp tài liệu nhưng không có căn cứ thể hiện tài liệu này có mối liên hệ với vụ án kinh doanh thương mại đang giải quyết, tài liệu này không đảm bảo giá trị để xem xét là chứng cứ theo Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự.
[9] Về lãi suất, theo Án lệ số 08/2016/AL ngày 17/10/2016 về xác định lãi suất thì kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm, Công ty XDNT còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán theo mức lãi suất các bên thỏa thuận trong hợp đòng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này. Trường hợp trong hợp đồng tín dụng, các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của Ngân hàng cho vay thì lãi suất phải tiếp tục thanh toán cho Ngân hàng cho vay theo quyết định của Tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng cho vay.
[10] Từ những phân tích trên Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty ĐTNT, căn cứ vào khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự giữ nguyên Bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 08/2020/KDTM-ST ngày15 tháng 6 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện TN, thành phố Hải Phòng.
- Về án phí kinh doanh thương mại:
[11] Án phí kinh doanh sơ thẩm: Công ty XDNT phải chịu 127.990.300 đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm. Trả lại cho Ngân hàng Thương mại cổ phần SG-HN số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 77.350.000 đồng tại Biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0005654 ngày 03/8/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện TN, thành phố Hải Phòng [12] Án phí kinh doanh phúc thẩm: Do kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không được chấp nhận nên phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35, Điều 39, Điều Điều 244, Điều 296, khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự;
Căn cứ các điều 361, 362, 363 Bộ luật Dân sự 2005; Điều 336, Điều 342, Điều 370, Điều 463, Điều 466, Điều 688 Bộ luật Dân sự 2015; các điều 91, 92 Luật Các tổ chức tín dụng; Điều 63, Điều 70 Luật Doanh nghiệp 2005; Án lệ số 08/2016/AL ngày 17/10/2016 về xác định lãi suất;
Căn cứ khoản 2 Điều 26, Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Xử: Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng Thương mại Cổ phần SG- HN, giữ nguyên Bản án sơ thẩm, cụ thể:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng Thương mại Cổ phần SG- HN buộc Công ty Cổ phần CNTT&XDNT phải trả cho Ngân hàng TMCP SG-HN số tiền nợ gốc là 19.990.376.995 (Mười chín tỷ, chín trăm chín mươi triệu, ba trăm baỷ mươi sáu nghìn, chín trăm chín mươi lăm) đồng là số tiền nợ gốc của Hợp đồng tín dụng hạn mức số 0910THNC006/HĐTD-HM2009 ngày 09/11/2009.
2. Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền gốc còn phải thi hành án theo mức lãi suất các bên thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng, phụ lục hợp đồng tín dụng và giấy nhận nợ nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật.
3. Trường hợp Công ty Cổ phần CNTT&XDNT không thực hiện nghĩa vụ trả nợ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ trả nợ trên thì Công ty TNHH MTV ĐTNT phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho Công ty Cổ phần CNTT&XDNT số tiền nợ gốc là 19.990.376.995 đồng.
4. Đình chỉ yêu cầu của Ngân hàng TMCP SG-HN, buộc Công ty Cổ phần CNTT&XDNT phải trả cho Ngân hàng TMCP SG-HN số tiền nợ lãi là 26.713.061.549 đồng.
5. Về án phí kinh doanh thương mại:
- Án phí kinh doanh sơ thẩm:
+ Công ty Cổ phần CNTT&XDNT phải chịu 127.990.300 đồng án phí sơ thẩm.
+ Trả lại cho Ngân hàng Thương mại cổ phần SG-HN số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 77.350.000 đồng theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0005654 ngày 03/8/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện TN, thành phố Hải Phòng.
- Án phí kinh doanh phúc thẩm: Công ty TNHH MTV ĐTNT phải nộp 2.000.000 đồng án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm, được trừ vào số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp tại Biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0002132 ngày 14/7/2020 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện TN, thành phố Hải Phòng. Công ty TNHH MTV ĐTNT đã đóng đủ.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án Dân sự thì người được thi hành, người phải thi hành án có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án
Bản án về tranh chấp hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo lãnh số 09/2021/KDTM-PT
Số hiệu: | 09/2021/KDTM-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hải Phòng |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 26/04/2021 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về