Bản án về tranh chấp hợp đồng gia công số 19/2019/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG

BẢN ÁN 19/2019/DS-PT NGÀY 21/01/2019 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG GIA CÔNG

Ngày 21 tháng 01 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang, xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 281/2018/TLPT-DS ngày 03 tháng 12 năm 2018 về việc tranh chấp: “Hợp đồng gia công”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 308/2018/DS-ST ngày 02/10/2018 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Tiền Giang bị kháng nghị.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 325/2018/QĐ-PT ngày 03/12/2018 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Công ty trách nhiệm hữu hạn C;

Địa chỉ: Lô D, Cụm công nghiệp T, xã T, thành phố M, tỉnh Tiền Giang. Người đại diện theo pháp luật: Nhan Ngọc D – Chức vụ: Giám đốc. Người đại diện theo ủy quyền: Nguyễn Thị C, sinh năm 1959 (có mặt); Địa chỉ: Tổ H, ấp M, xã M, thành phố M, tỉnh Tiền Giang.

- Bị đơn: Công ty trách nhiệm hữu hạn D;

Địa chỉ: ấp H, xã B, huyện C, tỉnh Tiền Giang.

Người đại diện theo pháp luật: Kim Chang S – Chức vụ: Chủ tịch (vắng mặt).

- Viện kiểm sát kháng nghị: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện C, tỉnh Tiền Giang.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo án sơ thẩm;

Nguyên đơn – Công ty trách nhiệm hữu hạn C trình bày: Nguyên vào ngày 01/3/2017, Công ty trách nhiệm hữu hạn C và Công ty trách nhiệm hữu hạn D có ký kết hợp đồng thêu gia công số: CN-03/CS-DAE/2017 đối với mặt hàng ba lô, túi xách theo mẫu mã quy định trong hợp đồng. Giá trị hợp đồng là 77.106.506 đồng (đã bao gồm thuế VAT). Hợp đồng thêu gia công do đại diện theo pháp luật của Công ty trách nhiệm hữu hạn C và Công ty trách nhiệm hữu hạn D thỏa thuận và thống nhất ký tên, đóng dấu. Theo thỏa thuận trong hợp đồng thì Công ty trách nhiệm hữu hạn C phải cung cấp nguyên vật liệu đầy đủ và hàng mẫu cũng như phải sản xuất theo đúng mẫu mã, quy định sản xuất, số lượng đơn hàng và giao hàng đúng ngày cho bên Công ty trách nhiệm hữu hạn D. Đồng thời, Công ty trách nhiệm hữu hạn D phải thanh toán cho Công ty trách nhiệm hữu hạn C trong vòng 10 ngày sau khi Công ty trách nhiệm hữu hạn D nhận được hóa đơn giá trị gia tăng.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty trách nhiệm hữu hạn C đã thêu và giao hàng nhiều lần (không nhớ rõ số lần cụ thể) cho Công ty trách nhiệm hữu hạn D. Mỗi lần giao hàng, Công ty trách nhiệm hữu hạn C chỉ báo cho kế toán Công ty trách nhiệm hữu hạn D biết chứ không lập giấy tờ gì. Lúc giao hàng và khi giao hàng lần cuối cùng thì Công ty trách nhiệm hữu hạn C có lập hóa đơn giá trị gia tăng ngày 01/4/2017 có đại diện theo pháp luật của Công ty trách nhiệm hữu hạn C ký tên và đóng dấu với số công nợ là 77.106.506 đồng và gửi cho Công ty trách nhiệm hữu hạn D. Công ty trách nhiệm hữu hạn D có trách nhiệm trả số tiền 77.106.506 đồng một lần trong vòng 10 ngày sau khi Công ty trách nhiệm hữu hạn D nhận được hóa đơn giá trị gia tăng. Sau khi giao hàng và gửi hóa đơn giá trị gia tăng ngày 01/4/2017 thì phía Công ty trách nhiệm hữu hạn D có gửi email xác nhận số công nợ. Tuy nhiên, đến nay Công ty trách nhiệm hữu hạn D vẫn không thanh toán số tiền trên cho Công ty trách nhiệm hữu hạn C dù đã được nhắc nhở, yêu cầu thanh toán nhiều lần.

Nay, yêu cầu Công ty trách nhiệm hữu hạn D phải trả cho Công ty trách nhiệm hữu hạn C số tiền 77.106.506 đồng (trong đó tổng giá trị hàng hóa là 70.096.824 đồng và thuế VAT 10% là 7.009.682 đồng), không yêu cầu tính lãi. Thời gian trả một lần ngay khi án có hiệu lực pháp luật.

Bị đơn – Công ty trách nhiệm hữu hạn D đã được Tòa án cấp, tống đạt các văn bản tố tụng và được triệu tập nhiều lần nhưng vẫn vắng mặt không có lý do và không có văn bản thể hiện ý kiến.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 308/2018/DS-ST ngày 02/10/2018 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Tiền Giang áp dụng Điều 26, Điều 35, Điều 39, Điều 147, Điều 227, Điều 228 Bộ luật tố tụng dân sự 2015; Điều 542, khoản 3 Điều 544, khoản 3 Điều 547, Điều 357 Bộ luật dân sự 2015 xử:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty trách nhiệm hữu hạn C. Buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn D trả cho Công ty trách nhiệm hữu hạn C số tiền 77.106.506 đồng (Bảy mươi bảy triệu một trăm lẻ sáu nghìn năm trăm lẻ sáu đồng), trả làm một lần khi án có hiệu lực pháp luật.

Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí, nghĩa vụ chậm thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 18/10/2018, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện C, tỉnh Tiền Giang có quyết định kháng nghị phúc thẩm số 02/QDDKNPT-VKS-DS với nội dung: Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang xét xử phúc thẩm theo hướng hủy toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm số 308/2018/DS-ST ngày 02/10/2018 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Tiền Giang.

Ngày 24/10/2018 bà Nhan Ngọc D đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn C có đơn xin rút đơn khởi kiện đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn D.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn có ý kiến giữ nguyên đơn xin rút đơn khởi kiện.

Đại diện Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quyết định kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện C, tỉnh Tiền giang.

Đại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến: Về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Người tham gia tố tụng chấp hành đúng pháp luật. Về thủ tục tố tụng nguyên đơn là Công ty trách nhiệm hữu hạn C và bị đơn là Công ty trách nhiệm hữu hạn D đều là tổ chức có đăng ký kinh doanh và đều có mục đích lợi nhuận. Do vậy, tranh chấp phát sinh từ hợp đồng thêu gia công giữa hai công ty là tranh chấp về kinh doanh, thương mại theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Bộ luật tố tụng dân sự. Tòa án cấp sơ thẩm xác định là tranh chấp về dân sự theo quy định tại Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự là chưa đúng, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Việc Tòa án xác định không đúng loại quan hệ tranh chấp dẫn đến việc áp dụng sai luật nội dung và trách nhiệm trả lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ trả nợ của phía bị đơn. Cụ thể:

Lẽ ra Tòa án áp dụng các Điều 178, 179, 183, 317, 319 và Điều 306 Luật Thương mại để làm căn cứ giải quyết vụ án và trách nhiệm trả lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ trả nợ của bên bị đơn. Tuy nhiên, Tòa án lại áp dụng các Điều 542, khoản 3 Điều 544, khoản 3 Điều 547, Điều 357 Bộ luật dân sự năm 2015 để làm căn cứ giải quyết vụ án và trách nhiệm trả lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ trả nợ của bên bị đơn là chưa phù hợp, không bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của phía nguyên đơn.

Tại Điều 5 “Hợp đồng thêu gia công” ngày 01/3/2017, Công ty tránh nhiệm hữu hạn Công Sơn và Công ty trách nhiệm hữu hạn Deachang Vina thỏa thuận: “Trong trường hợp có sự tranh chấp giữa hai bên, quyết định cuối cùng sẽ căn cứ vào sự phán quyết của Tòa án tỉnh Tiền Giang giải quyết”. Tuy nhiên Tòa án huyện C thụ lý, giải quyết tranh chấp nêu trên là chưa đúng quy định tại Điều 5 Bộ luật tố tụng dân sự.

Nhận thấy án sơ thẩm có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dẫn đến giải quyết sai về nội dung, Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 3 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự chấp nhận quyết định kháng nghị số 02/QĐKNPT-VKS-DS ngày 18/10/2018 của Viện kiểm sát nhân dân huyện C. Hủy bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Tiền Giang.

Qua nghiên cứu toàn bộ tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, quyết định kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện C, tỉnh Tiền Giang, lời trình bày của đương sự tại phiên tòa. Ý kiến phát biểu của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tiền Giang.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về tố tụng: Án sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật của vụ án là “Hợp đồng gia công” là có căn cứ. Tuy nhiên nguyên đơn là Công ty trách nhiệm hữu hạn C, bị đơn là Công ty trách nhiệm hữu hạn D đều là doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh và khi ký kết “Hợp đồng thêu gia công” đều có mục đích lợi nhuận. Vì vậy khi phát sinh tranh chấp thì là tranh chấp kinh doanh, thương mại theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Bộ luật tố tụng dân sự. Tòa án cấp sơ thẩm xác định đây là tranh chấp dân sự theo quy định tại Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự thụ lý giải quyết là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dân sự.

[2] Do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng về xác định loại vụ án, nên giải quyết về nội dung vụ án không đúng pháp luật (Không áp dụng Luật Thương mại mà áp dụng Bộ luật dân sự để giải quyết vụ án), không bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

[3] Để bảo đảm hai cấp xét xử vụ án đúng pháp luật, nên cần hủy bản án sơ thẩm. Chuyển hồ sơ vụ án về Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

[4] Quyết định kháng nghị của Viện trưởng Viên kiểm sát nhân dân huyện C là có một phần phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận. Phần khác không phù hợp nên không được chấp nhận.

Xét ý kiến phát biểu và đề nghị của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa phúc thẩm là có cơ sở một phần, nên Hội đồng xét xử chấp nhận một phần đề nghị của đại diện Viện kiểm sát.

Vì các lẽ trên, Căn cứ khoản 3 Điều 308, Điều 310 Bộ luật tố tụng dân sự.

QUYẾT ĐỊNH

1/ Chấp nhận một phần quyết định kháng nghị số 02/QĐKNPT-VKS-DS ngày 18/10/2018 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện C, tỉnh Tiền Giang. Hủy bản án dân sự sơ thẩm số 308/2018/DS-ST ngày 02/10/2018 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Tiền Giang, chuyển hồ sơ vụ án về Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

2/ Về án phí: Các đương sự không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

5645
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng gia công số 19/2019/DS-PT

Số hiệu:19/2019/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Tiền Giang
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 21/01/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về