Bản án về tranh chấp hợp đồng bảo lãnh số 1205/2018/KDTM-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 1205/2018/KDTM-PT NGÀY 27/12/2018 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO LÃNH

Ngày 27 tháng 12 năm 2018 tại Tòa án nhân dân Thành phố H xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 91/2018/TLPT-KDTM ngày 04 tháng 10 năm 2018 về tranh chấp Hợp đồng bảo lãnh.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 215/2018/KDTM-ST ngày 22 tháng 8 năm 2018 của Tòa án nhân dân Quận 1 bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 4865/2018/QĐ-PT ngày 22 tháng 10 năm 2018, Quyết định hoãn phiên tòa số 9538/2018/QĐ-PT ngày 19 tháng 11 năm 2018 và Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 5467/2018/QĐ-PT ngày 21 tháng 11 năm 2018, giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Công TNHH F (Công ty TNHH Phân phối SF) Địa chỉ: Số 17 Phố D, phường D1, quận D2, Thành phố Hà Nội.

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Lê Quang T; sinh năm: 1985. ( Hợp đồng ủy quyền ngày 01/11/2016 và Hợp đồng ủy quyền ngày 01/6/2018).

Trú tại: Tầng 4 Tòa nhà F, lô L.29b-31b-33b đường F1, KCX F2, phường F3, Quận F4, Thành phố H (Có mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn: Ông Thiệu Ánh D - Luật sư thuộc Đoàn luật sư Thành phố H (Có mặt)

 Bị đơn: Ngân hàng TMCP A.

Địa chỉ: Số 170 đường H, Phường H1, Quận H2, Thành phố H.

Ngưi đại diện theo ủy quyền: Ông Đạt Khánh T; sinh năm: 1977 (có mặt).

Địa chỉ: Số 170 đường H, Phường H1, Quận H2, Thành phố H.

(Giấy ủy quyền số: 1115/UQ-TGĐ.18 ngày 08/11/2018).

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

Công ty Cổ phần Phát triển Công nghệ và Đầu tư BA Địa chỉ: Số 24, nghách 71/25 phố P, phường P1, quận P2, Thành phố Hà Nội.

Ngưi đại diện theo pháp luật: Ông Phan Đình S; sinh năm: 1979 (Vắng mặt). Thường trú: Khu 1, thị trấn N, huyện N1, tỉnh N2. (Vắng mặt).

Ngưi kháng nghị: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Quận 1.

Người kháng cáo: Ngân hàng TMCP A.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại đơn khởi kiện ngày 24/6/2013 và các bản tự khai, hòa giải nguyên đơn Công TNHH F có ông Lê Quang T là người đại diện theo ủy quyền trình bày:

Ngày 01/3/2012 giữa Công TNHH F (ngày 09/4/2018 được đổi thành Công Ty TNHH Phân Phối SF) - Sau đây gọi tắt là Công ty F và Công ty Cổ phần Phát triển Công nghệ và Đầu tư BA - Sau đây gọi tắt là Công ty BA ký kết hợp đồng nguyên tắc bán hàng số 14-2012/FDC/HĐNT-F5-BẢO AN qua đó xác lập mối quan hệ mua bán hàng hóa giữa hai bên.

Ngày 07/4/2012, Căn cứ trên hợp đồng nguyên tắc, Công ty BA đề nghị Ngân hàng TMCP A chi nhánh Hà Nội - Sau đây gọi tắt là Ngân hàng A phát hành Thư bảo lãnh số MD1209800029 trị giá 800.000.000 VNĐ (Tám trăm triệu đồng chẵn) nhằm bảo đảm nghĩa vụ thanh toán thay cho Công ty BAtheo hợp đồng nguyên tắc bán hàng số 14-2012/FDC/HĐNT-F5-BẢO AN. Thời hạn bảo lãnh từ ngày 07/4/2012 đến ngày 13/3/2013.

Theo nội dung Thư bảo lãnh số MD1209800029 thì Ngân hàng A có trách nhiệm thanh toán ngay toàn bộ số tiền bảo lãnh khi nhận được đầy đủ hồ sơ chứng minh nghĩa vụ bị vi phạm theo hợp đồng.

Trong quá trình thực hiện Hợp đồng, Công ty BA đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán với Công ty F. Nợ quá hạn tính đến ngày 29/5/2012 là 3.725.948.153 đồng (Có xác nhận công nợ kèm theo).

Ngày 29/5/2012, Công ty F đã gửi Công văn số 347/2012/FDC-FAF (kèm theo thư bảo lãnh gốc và các hồ sơ liên quan) đề nghị Ngân hàng Athực hiện nghĩa vụ của mình trong Thư bảo lãnh. Tuy nhiên, sau rất nhiều lần gửi Công văn yêu cầu, Công ty F không nhận được sự phản hồi từ Ngân hàng A thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

Ngày 26/7/2012, Ngân hàng Acó công văn số 442/CV-ABBHN.12 trả lời F về yêu cầu thanh toán bảo lãnh. Theo đó, Ngân hàng A cho rằng Công ty F không có cơ sở yêu cầu ABANK phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

Căn cứ Quy chế bảo lãnh ngân hàng của Ngân Hàng Nhà Nước thì Ngân hàng A từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh là trái pháp luật, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của bên được bảo lãnh.

Nguyên đơn - Công ty F khởi kiện yêu cầu:

1- Buộc Ngân hàng A phải trả cho Công ty F số tiền 800.000.000 đồng theo nội dung Thư bảo lãnh số MD1209800029 ngày 07/04/2012.

2- Buộc Ngân hàng A trả tiền lãi của số tiền 800.000.000 đồng nhận bảo lãnh nêu trên từ ngày 29/5/2012 đến ngày xét xử sơ thẩm. (Tại phiên tòa ông Lê Quang T rút một phần yêu cầu tính lãi, thời gian tính lãi kể từ ngày 08/6/2012 đến ngày xét xử sơ thẩm theo quy định của pháp luật).

Bị đơn - Ngân hàng TMCP A ủy quyền cho ông Nguyễn Xuân N và bà Trần Thị T trình bày: Công ty BA đã trả thay cho Ngân hàng A số tiền 800.000.000 đồng theo nội dung thư bảo lãnh số MD1209800029, cụ thể:

Căn cứ Công văn số 442/CV-ABBHN.12 của Ngân hàng A trả lời 02 Công văn đề nghị thanh toán ngày 29/5/2012 và ngày 08/6/2012 của Công ty F thì Công ty BA đã nộp vào Tài khoản của Công ty BA tại ABANK số tiền 640.000.000 đồng và có Công văn yêu cầu ABANK giải tỏa số tiền ký quỹ là 160.000.000 đồng để trả nợ cho Công ty F. Tại Ủy nhiệm chi ngày 15/6/2012 của ABANK nội dung chi trả cũng ghi rõ “Chuyển trả tiền theo CV số 347/2012/FDC-FAF ngày 29/5/2012 và CV số 447/2012/FDC-FAF ngày 08/6/2012, vv thanh toán Bảo lãnh cho Công ty TNHH phân phối F”. Như vậy Ngân hàng Ađã thanh toán xong số tiền 800.000.000 đồng theo Thư bảo lãnh số MD1209800029 cho Công ty F.

Với nội dung trên, Tại Bản án sơ thẩm số 215/2018/KDTM-ST ngày 22 tháng 8 năm 2018 của Tòa án nhân dân Quận 1, Thành phố H đã quyết định:

Áp dụng:

- Khoản 1 Điều 31; điểm b khoản 1 Điều 35; điểm a, b khoản 1 Điều 39; Điều 217; 220; 227; khoản 1 Điều 244; Điều 271 và khoản 1 Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

- Điều 304 và 306 Luật Thương mại năm 2005;

- Khoản 4 Điều 5; điểm b khoản 1 Điều 11 và Điều 27 Quyết Định số 26/2006/QĐ-NHNN ngày 26/6/2006 của Thống đốc ngân hàng nhà nước

- Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12 ngày 27 tháng 02 năm 2009 quy định về án phí, lệ phí Tòa án;

- Luật Thi hành án dân sự năm 2008;

- Án lệ số 09/2016/AL của Tòa án nhân dân tối cao về xác định lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường và việc trả lãi trên số tiền phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại.

Xử:

1. Chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn: Buộc Ngân hàng TMCP A phải thanh toán cho Công TNHH F (Công ty TNHH Phân phối SF) số tiền 800.000.000 đồng và tiền lãi là 760.322.906 đồng. Tổng cộng là: 1.560.023.986 đồng.

Kể từ ngày các đương sự có đơn yêu cầu thi hành án, nếu bên phải thi hành án không thi hành hoặc thi hành không đầy đủ thì phải chịu lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian và số tiền chưa thi hành án. Việc thi hành án được thực hiện tại cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền.

2. Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu của nguyên đơn buộc bị đơn trả tiền lãi của số tiền 800.000.000 đồng từ ngày 29/5/2012 đến trước ngày 08/6/2012.

3. Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm: Ngân hàng TMCP A phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 58.800.719 đồng. Công TNHH F (Công ty TNHH Phân phối SF) không phải chịu án phí. Hoàn trả lại Công TNHH F (Công ty TNHH Phân phối SF) số tiền: 20.262.000 đồng theo Biên lai thu tạm ứng án phí số AB/2012/04199 ngày 21/11/2013 của Chi cục thi hành án dân sự Quận 1, TP. H.

Ngoài ra, tòa án cấp sơ thẩm còn thông báo quyền kháng cáo, quyền thi hành án cho các bên đương sự.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 31 tháng 8 năm 2018 bị đơn - Ngân hàng TMCP A đã có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm đề nghị tòa án cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Quận 1 đã có Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 01/QĐKNPT- VKS-KDTM ngày 04 tháng 9 năm 2018 kháng nghị một phần bản án sơ thẩm số 215/2018/KDTM-ST ngày 22/8/2018 của Tòa án nhân dân Quận 1 đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Đại diện theo ủy quyền của bị đơn trình bày: Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là chưa phù hợp với các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Nội dung ủy nhiệm chi ngày 15/6/2012 của Ngân hàng A cũng đã ghi rõ nội dung chuyển trả tiền để thanh toán bảo lãnh cho Công ty F, do đó căn cứ Khoản 1 Điều 371 Bộ luật Dân sự 2005 thì nghĩa vụ bảo lãnh của Ngân hàng A đã chấm dứt. Do đó đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bị đơn và kháng nghị của Viện kiểm sát sửa án sơ thẩm theo hướng bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

- Đại diện theo pháp luật của nguyên đơn trình bày: Kháng cáo của bị đơn và kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Quận 1 là không có cơ sở, đề nghị tòa giữ nguyên bản án sơ thẩm.

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố H trình bày về nội dung kháng nghị, căn cứ của việc kháng nghị và phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án dân sự ở giai đoạn phúc thẩm: Việc Tòa án nhân dân Thành phố H thụ lý và giải quyết vụ án là đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Tại phiên tòa Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng đều tuân thủ đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Về nội dung vụ án: nhận thấy kháng cáo của bị đơn là có cơ sở nên tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm như kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Quận 1, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo và kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Quận 1, sửa bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

 Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa. Sau khi nghe lời trình bày của đương sự kháng cáo và các đương sự liên quan đến kháng cáo, căn cứ kết quả tranh luận tại phiên tòa, sau khi nghị án Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Xét người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty Cổ phần Phát triển Công nghệ và Đầu tư BA đã được Toà án nhân dân Thành phố H triệu tập xét xử hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên toà, theo qui định tại Khoản 3 Điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử vụ án.

[2] Xét Quyết định kháng nghị số 01/QĐKNPT-VKS-KDTM ngày 04/9/2018 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Quận 1 và kháng cáo của bị đơn Ngân hàng Acó cùng nội dung cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty F, buộc bị đơn thanh toán cho Công ty F số tiền theo Thư bảo lãnh số MD1209800029 ngày 07/04/2012 với tiền lãi phát sinh là không đúng, bởi lẽ số tiền 800.000.000 đồng đã được Công ty BA thanh toán theo Ủy nhiệm chi ngày 15/6/2012 của Ngân hàng A, trong đó ghi rõ nội dung “Chuyển trả tiền theo CV số 347/2012/FDC-FAF ngày 29/5/2012 và CV số 447/2012/FDC-FAF ngày 08/6/2012, vv thanh toán Bảo lãnh cho Công ty TNHH phân phối F”. Hội đồng xét xử xét thấy các tài liệu đương sự xuất trình trong quá trình giải quyết vụ án thể hiện ngày 01/3/2012, Công ty F và Công ty BA ký kết hợp đồng nguyên tắc bán hàng số 14- 2012/FDC/HĐNT-F5-BẢO AN, qua đó xác lập mối quan hệ mua bán hàng hóa giữa hai bên. Ngày 07/4/2012, Công ty BA được Ngân hàng A chấp nhận phát hành Thư bảo lãnh số MD1209800029 trị giá 800.000.000 VNĐ (Tám trăm triệu đồng chẵn) nhằm bảo đảm nghĩa vụ thanh toán cho Công ty BA theo hợp đồng nguyên tắc bán hàng số 14-2012/FDC/HĐNT-F5-BẢO AN, thời hạn bảo lãnh từ ngày 07/4/2012 đến ngày 13/3/2013. Căn cứ các Biên bản bàn giao thiết bị và Biên bản xác nhận công nợ và Hợp đồng nguyên tắc (về việc mua bán hàng hóa thường xuyên) số 14- 2012/FDC/HĐNT-F5-BẢO AN ngày 01/3/2012 giữa Công ty F (Bên bán) và Công ty BA(Bên mua); Biên bản làm việc ngày 09/5/2012, có cơ sở xác định đến ngày 08/6/2012 bên mua còn nợ bên bán số tiền 3.585.940.645 đồng, do quyền lợi ích chính đáng bị xâm phạm nên nguyên đơn yêu cầu Ngân hàng Athực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho Công ty BA là phù hợp với thỏa thuận các bên. Tại các Mục 1, 2 và 3 Thư bảo lãnh số MD 1209800029 ngày 07/4/2012 thể hiện nội dung Ngân hàng A cam kết bảo lãnh này đảm bảo cho nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng số 14- 2012/FDC/HĐNT-F5-BẢO AN ngày 01/03/2012 được ký kết giữa Công ty BA (Bên được bảo lãnh) và Công ty F (Bên nhận bảo lãnh), Ngân hàng A cam kết trả cho Bên nhận bảo lãnh số tiền không vượt quá 800.000.000 đồng khi nhận được văn bản yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh với đầy đủ hồ sơ chứng minh nghĩa vụ của Bên được bảo lãnh vi phạm theo hợp đồng. Với cam kết tại Thư bảo lãnh nêu trên, Hội đồng xét xử xét thấy không có nội dung nào xác định Ngân hàng Achỉ có trách nhiệm bảo lãnh một phần nghĩa vụ thanh toán cho Công ty BA theo hợp đồng số 14- 2012/FDC/HĐNT-F5-BẢO AN ngày 01/03/2012, do vậy việc Ngân hàng Aviện dẫn Điều 6 Quyết định 26/2006/QĐ-NHNN ngày 26/6/2006 của Thống đốc ngân hàng nhà nước về việc ban hành quy chế bảo lãnh Ngân hàng và Điều 363 Bộ luật dân sự năm 2005 để chứng minh phạm vi bảo lãnh một phần nghĩa vụ thanh toán cho Công ty BA là không có căn cứ.

[3] Tại điểm a, Mục 2, Điều 2 Quyết định 26/2006/QĐ-NHNN ngày 26/6/2006 của Thống đốc ngân hàng nhà nước về việc ban hành quy chế bảo lãnh Ngân hàng quy định: “Thư bảo lãnh” là cam kết đơn phương bằng văn bản của tổ chức tín dụng về việc tổ chức tín dụng sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho khách hàng khi khách hàng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ đã cam kết với bên nhận bảo lãnh. Tại Điều 3 về phương thức thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của Phụ lục số 02- 53.11/HĐHM.II.07 ngày 18/8/2011 được ký kết giữa Ngân hàng A và Công ty BA quy định trình tự thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh như sau:

1/ Bên được cấp hạn mức phải trả ngay số tiền theo thông báo cho Bên nhận bảo lãnh.

2/ Nếu không chủ động trả hoặc không đủ tiền nêu trên, ABANK được quyền trích số tiền ký quỹ, số dư tài khoản thanh toán, sổ tiết kiệm/chứng chỉ tiền gởi/kỳ phiếu của Bên được cấp hạn mức tại ABANK và hoặc bằng văn bản này Bên được cấp hạn mức đồng ý ủy quyền cho ABANK yêu cầu Tổ chức mở/phát hành, trích/tất toán số dư tài khoản thanh toán, sổ tiết kiệm/chứng chỉ tiền gởi/kỳ phiếu, chuyển về tài khoản của Bên được cấp hạn mức tại ABANK để ABANK trích, thanh toán cho Bên nhận bảo lãnh trong trường hợp Bên được cấp hạn mức có số dư tài khoản thanh toán, sổ tiết kiệm/chứng chỉ tiền gởi/kỳ phiếu tại TCTD khác được cầm cố bảo đảm cho khoản bảo lãnh.

3/ Nếu áp dụng các biện pháp trên mà vẫn không đủ tiền trả cho Bên nhận bảo lãnh thì ABANK sẽ trả thay và tự động hạch toán nợ vay bắt buộc với số tiền đã trả thay theo lãi suất nợ quá hạn…Trường hợp bên được cấp hạn mức không hoàn trả số tiền ABANK đã thực hiện trả thay trong thời hạn do ABANK quy định, ABANK được quyền áp dụng các biện pháp xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ vay bắt buộc.

4/ Bên được cấp hạn mức nhận nợ ngay khi ABANK thực hiện trả thay và tự động hạch toán nợ vay bắt buộc với số tiền trả thay.

[4] Như vậy, theo quy định pháp luật và thỏa thuận độc lập của các bên giữa Ngân hàng A với Công ty BA ; giữa Ngân hàng A với Công ty F thì kể từ khi Công ty F thông báo cho Ngân hàng A việc Công ty BA đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán với Công ty F trong quá trình thực hiện Hợp đồng số 14-2012/FDC/HĐNT-F5-BẢO AN ngày 01/03/2012 do nợ quá hạn tính đến ngày 29/5/2012 là 3.725.948.153 đồng, sau khi sử dụng những biện pháp tác nghiệp ngân hàng đối với Công ty BA, vẫn không đủ tiền trả nợ cho Công ty F, Ngân hàng A phải có nghĩa vụ trả thay cho Công ty BA theo cam kết đã bảo lãnh tại Thư bảo lãnh số MD 1209800029 ngày 07/4/2012. Hội đồng xét xử xét thấy việc Ngân hàng A cho rằng Ngân hàng đã trích tiền ký quỹ của Công ty BA160.000.000 đồng và yêu cầu Công ty BA nộp số tiền 640.000.000 đồng để tiến hành lập Ủy nhiệm chi ngày 15/6/2012 chuyển trả cho Công ty F 800.000.000 đồng coi như thực hiện xong nghĩa vụ bảo lãnh tại Thư bảo lãnh số MD 1209800029 ngày 07/4/2012 là không thể chấp nhận được. Bởi lẽ khái niệm trả thay của Thư bảo lãnh là việc tổ chức tín dụng sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho khách hàng khi khách hàng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ đã cam kết với bên nhận bảo lãnh và Bên được cấp hạn mức nhận nợ ngay khi ABANK thực hiện trả thay và tự động hạch toán nợ vay bắt buộc với số tiền trả thay theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Phụ lục số 02-53.11/HĐHM.II.07 ngày 18/8/2011 được ký kết giữa Ngân hàng Avà Công ty BA. Như vậy nguồn tiền để thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho Công ty BAphải là nguồn tiền của Ngân hàng A thực chi cho Công ty F khi cam kết tại Thư bảo lãnh và Công ty BA phải nhận nợ vay bắt buộc với số tiền này. Việc thừa nhận của Ngân hàng A thực hiện trích tiền ký quỹ, nộp thêm tiền của Công ty BA để chuyển trả cho Công ty F, có căn cứ xác định đó là nguồn tiền của Công ty BA, nên không thể chấp nhận việc Ngân hàng nhận tiền của Công ty BA rồi chuyển trả cho bên nhận bảo lãnh là đã thực hiện xong nghĩa vụ tài chính thay cho khách hàng vì không phù hợp với điểm a, Mục 2, Điều 2 Quyết định 26/2006/QĐ-NHNN ngày 26/6/2006 của Thống đốc ngân hàng nhà nước về việc ban hành quy chế bảo lãnh Ngân hàng; không phù hợp với thỏa thuận giữa Ngân hàng với Công ty BAtại khoản 2 Điều 5 Phụ lục số 02- 53.11/HĐHM.II.07 ngày 18/8/2011 khi xác định nghĩa vụ của Công ty BAphải “ Hoàn trả cho ABANK số tiền mà ABANK đã trả thay để thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho bên được cấp hạn mức bao gồm cả gốc, lãi và các chi phí phát sinh từ việc thực hiện bảo lãnh.”.

[5] Mặt khác, tại thời điểm này Công ty BA vẫn vi phạm nghĩa vụ trả nợ cho Công ty F theo Hợp đồng số 14-2012/FDC/HĐNT-F5-BẢO AN ngày 01/03/2012, nên việc Ngân hàng A căn cứ vào Ủy nhiệm chi ngày 15/6/2012 và các chứng từ có nội dung thanh toán: “chuyển trả tiền theo công văn số 347/2012/FDC-FAF ngày 29/5/2012 và Công văn 447/2012/FDC-FAF ngày 09/6/2012, về việc thanh toán bảo lãnh cho Công ty TNHH phân phối F”; viện dẫn khoản 1 Điều 20 Quyết định 26/2006/QĐ-NHNN ngày 26/6/2006 của Thống đốc ngân hàng nhà nước về việc ban hành quy chế bảo lãnh Ngân hàng và Điều 371 BLDS năm 2005 để cho rằng nghĩa vụ bảo lãnh chấm dứt khi khách hàng đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với bên nhận bảo lãnh là không có cơ sở chấp nhận. Hội đồng xét xử xét thấy các chứng từ, tài liệu mà Ngân hàng Ađề cập đến là việc ghi nội dung theo ý chí chủ quan của Ngân hàng và Công ty BA khi tiến hành thực hiện giao dịch dân sự giữa hai bên, Công ty F không cần buộc phải biết bất kỳ giao dịch nào của hai bên, cũng như lý do để Ngân hàng Achấp nhận bảo lãnh thanh toán cho Công ty BA theo hợp đồng số 14- 2012/FDC/HĐNT-F5-BẢO AN ngày 01/03/2012 được ký kết giữa Công ty BAvà Công ty F, do vậy trong quá trình giải quyết vụ án, không có chứng cứ nào chứng minh có sự thỏa thuận của Công ty F đồng ý cho Công ty BA trả thay cho Ngân hàng A về nghĩa vụ bảo lãnh của Ngân hàng A được cam kết tại Thư bảo lãnh số MD 1209800029 ngày 07/4/2012 và thực chất, số tiền 800.000.000 đồng tại Ủy nhiệm chi ngày 15/6/2012 do Công ty BA chuyển trả cho Công ty F là số tiền Công ty BA còn nợ nên phải có nghĩa vụ trả tiền theo hợp đồng số 14-2012/FDC/HĐNT-F5-BẢO AN ngày 01/03/2012 .

Từ phân tích trên, Hội đồng xét xử xét thấy cấp sơ thẩm đánh giá, nhận định đúng bản chất vụ án, tuyên buộc Ngân hàng A phải thanh toán cho Công ty F số tiền 800.000.000 đồng theo Thư bảo lãnh số MD 1209800029 ngày 07/4/2012 và tiền lãi phát sinh do chậm thanh toán theo qui định tại Điều 306 Luật Thương mại từ ngày 08/6/2012 đến ngày xét xử sơ thẩm với số tiền lãi là 760.322.906 đồng là có căn cứ, đúng pháp luật. Kháng cáo của Ngân hàng A và kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Quận 1 là không có căn cứ chấp nhận, cần giữ nguyên bản án sơ thẩm, bị đơn phải chịu án phí KDTM phúc thẩm theo quy định pháp luật.

Vì các lẽ trên.

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật dân sự.

I/ Không chấp nhận Quyết định kháng nghị số 01/QĐKNPT-VKS-KDTM ngày 4-9-2018 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Quận 1 và kháng cáo của bị đơn Ngân hàng TMCP A. Giữ nguyên bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 215/2018/KDTM-ST ngày 22/8/2018 của Tòa án nhân dân Quận 1, Thành phố H.

II/ Áp dụng Khoản 1 Điều 31; điểm b khoản 1 Điều 35; điểm a, b khoản 1 Điều 39; Điều 217; 220; 227; khoản 1 Điều 244; Điều 271 và khoản 1 Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Điều 304 và 306 Luật Thương mại năm 2015; Khoản 4 Điều 5;

điểm b khoản 1 Điều 11 và Điều 27 Quyết Định số 26/2006/QĐ-NHNN ngày 26/6/2006 của Thống đốc ngân hàng nhà nước; Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12 ngày 27 tháng 02 năm 2009 quy định về án phí, lệ phí Tòa án; Luật Thi hành án dân sự năm 2008; Án lệ số 09/2016/AL của Tòa án nhân dân tối cao về xác định lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường và việc trả lãi trên số tiền phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn: Buộc Ngân hàng TMCP A phải thanh toán cho Công ty TNHH F (Công ty TNHH Phân phối SF) số tiền 800.000.000 đồng và tiền lãi là 760.322.906 đồng. Tổng cộng là: 1.560.023.986 đồng (một tỷ năm trăm sáu mươi triệu không trăm hai mươi ba ngàn chín trăm tám mươi sáu đồng).

Kể từ ngày nguyên đơn có đơn yêu cầu thi hành án, nếu bên phải thi hành án không thi hành hoặc thi hành không đầy đủ thì phải chịu lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian và số tiền chưa thi hành án. Việc thi hành án được thực hiện tại cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền.

2. Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu của nguyên đơn buộc bị đơn trả tiền lãi của số tiền 800.000.000 đồng từ ngày 29/5/2012 đến trước ngày 08/6/2012.

3. Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm: Ngân hàng TMCP A phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 58.800.719 đồng (năm mươi tám triệu tám trăm ngàn bảy trăm mười chín đồng).

Công TNHH F (Công ty TNHH Phân phối SF) không phải chịu án phí. Hoàn trả lại Công TNHH F (Công ty TNHH Phân phối SF) số tiền: 20.262.000 đồng (hai mươi triệu hai trăm sáu mươi hai ngàn đồng) theo Biên lai thu tạm ứng án phí số AB/2012/04199 ngày 21/11/2013 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận 1, Thành phố H.

4. Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm là 2.000.000 đồng (hai triệu đồng), Ngân hàng TMCP A phải chịu. (Đã nộp theo biên lai thu số AA/2017/0023531 ngày 05/9/2018 của Chi cục Thi hành án Dân sự Quận 1, Thành phố H.

Trường hợp bản án được thi hành theo qui định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các Điều 6, 7, 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

36
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng bảo lãnh số 1205/2018/KDTM-PT

Số hiệu:1205/2018/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 27/12/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về