TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN HÒN ĐẤT, TỈNH KIÊN GIANG
BẢN ÁN 38/2021/DS-ST NGÀY 18/05/2021 VỀ TRANH CHẤP HỢP BAO TIÊU SẢN PHẨM VÀ HỢP ĐỒNG MUA BÁN TÀI SẢN
Ngày 18 tháng 5 năm 2021 tại trụ sở Toà án nhân dân huyện Hòn Đất xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 32/2021/TLST - DS ngày 03 tháng 3 năm 2021 về tranh chấp “Hợp đồng bao tiêu sản phẩm và mua bán tài sản” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 47/2021/QĐXXST-DS, ngày 14 tháng 4 năm 2021 giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị Ch, sinh năm 1964; địa chỉ:huyện AB, tỉnh KG, có mặt.
2. Bị đơn: Công ty trách nhiệm hữu hạn PNK (Công ty PNK); địa chỉ trụ sở chính: huyện HĐ, tỉnh KG.
Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn:
- Bà Nguyễn Thị Kim Ng, sinh năm 1986;huyện HĐ, tỉnh KG; là người đại diện theo pháp luật của Công ty Công ty PNK (Giám đốc); vắng mặt.
- Ông Phạm Văn Ch, sinh năm 1982; địa chỉ cư trú: huyện HĐ, tỉnh KG; là người đại diện theo ủy quyền của Công ty PNK, đại diện theo Giấy ủy quyền ngày 13/4/2021; có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Trong đơn khởi kiện đề ngày 26/0/2021 nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Ch trình bày:
Nguyên vào ngày 30/04/2020, ông có ký hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu giống lúa ĐT2 hè thu 2020 với Công ty PNK theo hợp đồng số 01/2020/HĐBT. Hợp đồng do bà Nguyễn Thị Kim Ng đại diện với nội dung: Công ty PNK đầu tư cho ông 100% phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sinh học, với mức đầu tư thành tiền là 800.000 đồng đến 1.120.000 đồng trên một tầm cắt và tiêu thụ toàn bộ sản lượng do ông sản xuất, diện tích 12 công tầm cắt (1 công = 1296m2). Công PNK và ông thống nhất giá thành mua cố định 6.120 đ/kg lúa tươi.
Ngày 06/6/2020, ông đã gieo sạ toàn bộ diện tích 12 công theo đúng hợp đồng thời vụ với Công ty PNK.
Đến ngày 9/7/2020 diện tích lúa phát bệnh nên Công ty có cung ứng cho ông thuốc bảo vệ thực vật để trị bệnh cho lúa nhưng không sạch bệnh. Lúa gieo sạ được 12 ngày thì lúa phát bệnh nhưng Công ty không cung cấp phân bón thuốc trừ sâu vì vậy đã làm cho ruộng lúa của ông thất thoát khoảng 60-80% diện tích. Đến ngày 28/9/2020 ông đã thu hoạch dứt điểm toàn bộ diện tích lúa đã ký hợp đồng bao tiêu nhưng Công ty PNK không thu mua theo thỏa thuận của Hợp đồng số 01/2020/HĐBT.
Nay ông khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Công ty PNK phải bồi thường với số tiền 1.000.000 đồng/mỗi công tằm cắt, tổng cộng 12 công tầm cắt là 12.000.000 đồng do Công ty PNK đã vi phạm quy định trong Hợp đồng.
Tại phiên tòa ông tự nguyện trả cho Công ty PNK số tiền lúa giống là 120 kg x 18.000 đồng/ kg = 2.160.000 đồng.
Tại bản tự khai ngày 14/4/2021 và tại phiên tòa người đại diện theo ủy quyền của Công ty PNK là ông Phạm Văn Ch trình bày:
Vào tháng 4 năm 2020 ông Võ Minh Q nhà ở huyện AB, tỉnh KG đến Công ty PNK để đặt vấn đề xin sản xuất lúa cho bà con nông dân ở địa phương mình. Sau đó ông (lúc đó là cộng tác viên của Công ty) đến khu vực ông Q sinh sống để triển khai cho bà con nông dân. Giống lúa triển khai gồm ST24, Đài Thơm, ĐT2 (Đài Thơm 2), 5451 và nhiều loại lúa khác. Ngày 30 tháng 4 năm 2020. Công ty và bà Nguyễn Thị Ch có ký hợp đồng bao tiêu với diện tích là 12 công tầm cắt (1 công = 1296m2), giống lúa ĐT2. Sau khi ký hợp đồng, ông đã giao 120 kg giống ĐT2 cho bà Ch thành tiền là 2.160.000 đồng. Theo thỏa thuận khi nhận giống bà Ch phải trả tiền giống cho ông (lúa của riêng ông bán) nhưng bà Ch không trả. Sau đó ông Q báo cho ông và Công ty hay là giao phân thuốc cho bà con nông dân, ông có nói lúa sạ mà báo giờ kêu giao phân thuốc sao đặt kịp. Rồi Công ty báo cho ông Q cho nông dân (bà Ch) mua phân ngoài bán về sạ còn Công ty đem thuốc cho đợt đầu. Theo thỏa thuận, khi giao thuốc bà Ch sẽ trả tiền giống cho ông, nhưng khi nhận thuốc bà Ch cũng không trả tiền. Qua kiểm tra ông thấy bà Ch không sản xuất theo diện tích đúng trong hợp đồng, thỏa thuận mua giống trả tiền mặt nhưng cũng không trả, sạ lúa không báo lịch sạ làm cho Công ty bị động trong việc chuẩn bị cung cấp phân thuốc. Bà Ch đã vi phạm hợp đồng nên Công ty có điện thoại cho ông Q thông báo hủy hợp đồng không giao phân thuốc nữa.
Do bà Ch vi phạm trước nên Công ty ông không có nghĩa vụ bồi thường, khi cắt lúa bà Ch cũng không báo cho Công ty hay và không bán lúa cho Công ty. Ông đề nghị Tòa án đo đạc lại diện tích đăng ký sản xuất lúa của bà Ch đối chiếu xem có đúng diện tích trong hợp đồng hay không. Xác minh lại sản lượng lúa thu hoạch của bà Ch và bà Ch sử dụng thuốc gì có ảnh hưởng đến năng xuất hay không. Ông đề nghị bà Ch trả lại số tiền lúa giống cho tôi và tiền thuốc đã mua của Công ty.
Tại phiên tòa, ông không yêu cầu Tòa án đo đạc lại diện tích đăng ký sản xuất lúa của bà Ch và khởi kiện yêu cầu bà Ch trả tiền lúa giống, thuốc trong vụ án khác
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, đã được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên Tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về tố tụng:
Bà Nguyễn Thị Ch khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Công ty PNK phải bồi thường thiệt do vi phạm hợp đồng liên kết sản xuất lúa và bao tiêu giống lúa ĐT2 Hè Thu 2020 nên quan hệ tranh chấp của vụ án là tranh chấp “Hợp đồng bao tiêu sản phẩm và mua bán tài sản” theo quy định tại khoản 3 Điều 26 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Bị đơn là Công ty PNK có địa chỉ trụ sở tại Ấp BT, xã BS, huyện HĐ, tỉnh KG nên căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12, điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự thì vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang.
[2] Về nội dung:
Quá trình giải quyết vụ án, các đương sự xác định giữa Công ty PNK và bà Ch có ký kết Hợp liên kết sản xuất lúa và bao tiêu giống lúa ĐT2 Hè Thu 2020 vào tháng 4 năm 2020.
Bà Ch xác định đã gieo sạ toàn bộ diện tích theo đúng hợp đồng thời vụ với Công ty PNK. Đến khoảng đầu tháng 7/2020, do diện tích lúa phát bệnh nên Công ty có cung ứng cho các ông thuốc bảo vệ thực vật để trị bệnh cho lúa nhưng không sạch bệnh. Lúa sạ xuống 12 ngày thì phát bệnh nhưng Công ty không cấp phân bón thuốc trừ sâu vì vậy đã làm cho ruộng lúa của ông thất thoát khoảng 60-80% diện tích. Đến ngày 28/9/2020 các ông đã thu hoạch dứt điểm toàn bộ diện tích lúa đã ký hợp đồng bao tiêu giống lúa ĐT2 hè thu 2020 với Công ty PNK nhưng Công ty PNK không thu mua để tiêu thụ toàn bộ sản lượng lúa theo thỏa thuận của hợp đồng.
Đại diện bị đơn xác định có cung cấp phân thuốc lần đầu khoảng 30 đến 34 ngày sau khi bà Ch gieo sạ nhưng do bà Ch vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền lúa giống nên Công ty không tiếp tục cung cấp thuốc. Công ty có thông báo đến bà Ch mua phân thuốc ở ngoài để sử dụng và khi phát hiện bà Ch vi phạm hợp đồng đã kêu ông Võ Minh Q thông báo hủy hợp đồng.
Tại Điều 1 của Hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu giống lúa ĐT2 Hè Thu 2020 không quy định tiền lúa giống là đối tượng được Công ty đầu tư cho nông dân. Do đó, việc đại diện bị đơn cho rằng do nông dân không trả tiền lúa giống nên vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng là không có căn cứ. Tại phiên tòa, người đại diện của bị đơn xác định đã thông báo chấm dứt hợp đồng nhưng cũng không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh.
Tại Điều 5 của Hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu giống lúa ĐT2 Hè Thu 2020 quy định: “Nếu bên A vi phạm các quy định nêu trên , bên A không được thu lại số tiền đã đầu tư cho bên B và bồi thường thêm 1.000.000 đồng/ 1 công tầm cắt”.
Xét thấy, tại Báo cáo kết quả xác minh của Phòng Bảo vệ thực vật Chi Cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kiên Giang ngày 23/9/2020 đã xác định:
“100% nông dân sử dụng giống lúa ĐT2 (cấp giống xác nhận) để gieo sạ toàn bộ diện tích đã ký kết trong hợp đồng.
100% nông dân không nhận được phân bón sinh học.
Loại thuốc BVTV sinh học Công ty đã cung ứng: Rocksai & Physan, thuốc trừ sâu thảo mộc. Số lượng không đủ sử dụng theo diện tích đã ký kết hợp đồng. Cung ứng không kịp thời.
100% nông dân không được tập huấn, trao đổi về quy trình sử dụng phân bón, thuốc BVTV hữu cơ như Công ty đã thỏa thuận.
100% nông dân không áp dụng đúng quy trình sử dụng phân bón, thuốc BVTV hữu cơ mà Công ty bắt buộc thực hiện. Lý do: Công ty không cung ứng thuốc V, phân bón sinh học kịp thời; Công ty không liên hệ và gặp gỡ nông dân trao đổi thực hiện quy trình.
Nhân viên Công ty không kết hợp nông dân đi thăm đồng và đánh giá hiệu quả quy trình liên kết sản xuất như hợp đồng đã ký kết.
100% ý kiến nông dân cho rằng Công ty đã thực hiện không đúng các điều khoản đã ký kết trong hợp đồng.
100% ý kiến nông dân cho rằng nguyên nhân chính lúa bị thiệt hại về năng suất là do: Công ty TNHH PNK cung ứng lúa giống không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng theo quy định pháp luật, bao bì không nhãn mác. Không cung cấp thuốc BVTV sinh học, phân bón sinh học kịp thời làm dịch bệnh bùn phát và gây hại nặng.” Như vậy, có đủ căn cứ xác định Công ty PNK đã vi phạm các thỏa thuận đã cam kết theo Hợp đồng. Do đó, bà Ch khởi kiện yêu cầu Công ty PNK phải bồi thường thiệt hại 1.000.000 đồng/ 1 công tầm cắt là có căn cứ để được chấp nhận toàn bộ.
Tại phiên tòa, ông tự nguyện trả cho Công ty PNK số tiền lúa giống là 120 kg x 18.000 đồng/ kg = 2.160.000 đồng nên được HĐXX ghi nhận.
[3] Về án phí:
Áp dụng Điều 147 của Bộ luật Tố tụng dân sự, khoản 2 Điều 26 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án: Các đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Áp dụng khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 12, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 147, khoản 1 Điều 227, Điều 266, Điều 269 và Điều 271 của Bộ luật Tố tụng dân sự;
Điều 419, khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015;
Khoản 2 Điều 26 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;
Xử:
1. Buộc Công ty PNK phải bồi thường cho bà Nguyễn Thị Ch số tiền là 12.000.000 đồng (Mười hai triệu đồng).
Ghi nhận sự tự nguyện của bà Ch trả cho Công ty PNK số tiền lúa giống là 2.160.000 đồng (Hai triệu một trăm sáu mươi nghìn đồng).
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.
2. Án phí:
Yêu cầu của bà Ch được chấp nhận nên được hoàn trả số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0002655 ngày 01/3/2020 của Chi Cục thi hành án dân sự huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang.
Công ty PNK phải chịu án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch là: 12.000.000 đồng x 5% = 600.000 đồng (Sáu trăm nghìn đồng).
Bà Ch phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với nghĩa vụ tự nguyện thực hiện là 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng).
Các đương sự có quyền làm đơn kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án, đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày nhận được bản án hoặc được tống đạt hợp lệ.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 của Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án về tranh chấp hợp bao tiêu sản phẩm và hợp đồng mua bán tài sản số 38/2021/DS-ST
Số hiệu: | 38/2021/DS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Hòn Đất - Kiên Giang |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 18/05/2021 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về