Bản án về tranh chấp đòi lại tài sản số 08/2023/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

BẢN ÁN 08/2023/DS-PT NGÀY 22/02/2023 VỀ TRANH CHẤP ĐÒI LẠI TÀI SẢN

Ngày 22 tháng 02 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 52/2022/TLPT-DS ngày 20 tháng 12 năm 2022 về việc “Tranh chấp đòi lại tài sản”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 04/2022/DS-ST ngày 31 tháng 8 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Quảng Ngãi bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 04/2023/QĐ-PT ngày 17 tháng 01 năm 2023 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Phạm Ngọc H, sinh năm 1963. Địa chỉ cư trú: Xã N, thị xã Đ, tỉnh Quảng Ngãi.

Người đại diện theo ủy quyền của ông Phạm Ngọc H: Anh Nguyễn Tiến N, sinh năm 1995, chị Nguyễn Thị H, sinh năm 1996 và chị Phan Thị Thu T, sinh năm 1985 (cùng địa chỉ liên hệ: Đường N, phường N, thị xã Đ, tỉnh Quảng Ngãi), theo các văn bản ủy quyền ngày 21/9/2020 và ngày 18/02/2023.

- Bị đơn: Ủy ban nhân dân huyện B, tỉnh Quảng Ngãi.

Đa chỉ trụ sở: Đường P, thị trấn B, huyện B, tỉnh Quảng Ngãi. Người đại diện theo pháp luật: Ông Phạm Xuân V, Chủ tịch.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện B.

Đa chỉ trụ sở: Thị trấn B, huyện B, tỉnh Quảng Ngãi.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Lê Thanh P, Trưởng Phòng.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi. Địa chỉ trụ sở: Đường H, thành phố Q, tỉnh Quảng Ngãi. Người đại diện theo pháp luật: Ông Hồ Trọng P1 – Giám đốc.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Ngô Vĩnh P2, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi (địa chỉ trụ sở: Đường L, Phường T, thành phố Q, tỉnh Quảng Ngãi).

3. Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi.

Đa chỉ trụ sở: Đường Hùng Vương, thành phố Q, tỉnh Quảng Ngãi. Người đại diện theo pháp luật: Ông Đặng Văn M, Chủ tịch.

4. Bà Lương Thị Thu N, sinh năm 1967.

Đa chỉ cư trú: Thôn Nhơn Bích, xã N, thị xã Đ, tỉnh Quảng Ngãi.

5. Ban quản lý Rừng phòng hộ tỉnh Quảng Ngãi.

Đa chỉ trụ sở: Đường L, Phường T, thành phố Q, tỉnh Quảng Ngãi. Người đại diện theo pháp luật: Ông Trần Kim N – Giám đốc.

- Người kháng cáo: Ông Phạm Ngọc H, là bị đơn trong vụ án.

Tại phiên tòa, chị Phan Thị Thu T, ông Lê Thanh P, ông Ngô Vĩnh P2, ông Trần Kim N có mặt; anh Nguyễn Tiến N, chị Nguyễn Thị H vắng mặt không có lý do; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện B, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, bà Lương Thị Thu N vắng mặt (có văn bản xin xét xử vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện, đơn khởi kiện bổ sung, các lời khai tại Tòa án và tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn trình bày:

Năm 1990, ông Phạm Ngọc H đến khu vực Dốc Ổi thuộc xã B, huyện B, tỉnh Quảng Ngãi phát rừng, khai hoang diện tích đất khoảng 3,5ha tại lô a, khoảnh 4, tiểu khu 370 để làm trang trại nuôi bò, dê và trồng mía. Khoảnh đất có giới cận: phía Đông giáp đất bà Nguyễn Thị B, phía Tây giáp đất của bà T1, phía Nam giáp đất của ông MR, phía Bắc giáp ruộng. Vì trồng mía không đạt nên ông H mua 5.000 cây keo của bà T2 để trồng.

Quá trình khai hoang, sử dụng đều có các người làm chứng xác nhận là ông Huỳnh Hữu T3, ông Nguyễn T4, ông Huỳnh Trung L.

Đến năm 2001, ông H nghe theo ông Bùi Văn S – Kỹ thuật thuộc Ban quản lý dự án cơ sở Lâm trường B nói trồng rừng theo Dự án xóa đói giảm nghèo cho dân tộc H’re, ai trồng thì sẽ được nhà nước hỗ trợ tiền cây giống và công chăm sóc nên ông H trồng cây keo theo dự án. Ông S nói vì dự án dành riêng cho đồng bào dân tộc H’re nên dân tộc kinh muốn được hỗ trợ phải ghi vào hồ sơ họ “Phạm” nên trong hồ sơ, không ai được khai họ gì khác ngoài họ “ Phạm”, vì vậy, ông Phạm Ngọc H lấy họ, tên là Phạm Văn B.

Ông H không biết việc Ban quản lý dự án cơ sở Lâm trường B đưa đất của ông H vào hồ sơ thiết kế quy hoạch trồng rừng phòng hộ. Đến năm 2018, khi cây keo đã lớn ông H có đơn gửi đến các cơ quan chức năng để xin khai thác cây keo tự trồng thì các cơ quan chức năng không đồng ý cho ông H khai thác, vì thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư.

Sau đó ông H có đơn yêu cầu Ban quản lý rừng phòng hộ khu Đông cung cấp thông tin thì mới biết Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi ban hành Quyết định số 685/QĐ-SNNPTNT ngày 11/11/2001 phê duyệt hồ sơ thiết kế trồng rừng phòng hộ năm 2001 của Ban quản lý dự án cơ sở Lâm trường B với tổng diện tích 150ha tại tiểu khu 322, 366, 370 xã B, huyện B (trong đó có diện tích rừng ông H khai hoang, quản lý sử dụng).

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi không kiểm tra thực địa mà chỉ căn cứ vào hồ sơ do Ban quản lý dự án cơ sở Lâm trường B tự ý lập năm 2001 để phê duyệt trồng rừng phòng hộ trên đất của cá nhân ông H là vi phạm pháp luật về đất đai, pháp luật về dân sự có hiệu lực tại thời điểm này và trực tiếp gây thiệt hại cho ông H.

Toàn bộ số cây keo trồng trên diện tích 1,927ha tại lô a, khoảnh 4, tiểu khu 370 xã B, huyện B là cây keo của ông H trồng và chăm sóc từ năm 2001 đến năm 2018. Nay ông H yêu cầu Tòa án nhân dân huyện B buộc Ủy ban nhân dân huyện B phải trả lại cho ông H khoản tiền bán đấu giá 293,9m3 gỗ keo trên diện tích 1,927 ha tại lô a, khoảnh 4, tiểu khu 370 xã B, huyện B là 223.691.547 đồng.

Ngày 09/8/2022, nguyên đơn có đơn thay đổi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu Ủy ban nhân dân huyện B phải trả lại cho nguyên đơn số tiền tương ứng với số tiền mà Công ty Đ đã bán số cây keo của nguyên đơn ra thị trường theo thời điểm khai thác.

Theo các bản tự khai, các lời khai tại Tòa án, bị đơn trình bày:

Ngày 05/6/2018, Ủy ban nhân dân huyện B có các Thông báo số 285/TB- UBND, 286/TB-UBND về việc trả lời đơn xin cưa gỗ keo tự trồng của bà Nguyễn Thị B và ông Phạm Ngọc H; cùng địa chỉ: Thôn Nhơn Phước (nay là Nhơn Bích), xã N, thị xã Đ, tỉnh Quảng Ngãi. Ngày 24/4/2018, Ủy ban nhân dân huyện B ban hành Quyết định số 376/QĐ-UBND về việc phê duyệt giá khởi điểm tài sản bán đấu giá là cây đứng (cây keo) thuộc rừng trồng phòng hộ chuyển sang rừng sản xuất tại xã B và xã BT, huyện B; Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá ngày 19/7/2018.

Qua đối chiếu các quy định của pháp luật thì việc giải quyết trả lời đơn của công dân và thủ tục bán tài sản Nhà nước được Ủy ban nhân dân huyện B thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

Việc ông Phạm Ngọc H khởi kiện Ủy ban nhân dân huyện B đòi lại tiền bán tài sản (cây keo) là không có cơ sở pháp lý và trái quy định của pháp luật.

Về chi phí giám định chữ ký, xem xét, thẩm định tại chỗ bị đơn Ủy ban nhân dân huyện B đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện B trình bày:

Căn cứ Thông báo số 1055/UBND ngày 24/10/2017 của Ủy ban nhân dân huyện B giao nhiệm vụ Trưởng Phòng Tài chính – Kế hoạch chủ trì, phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hạt Kiểm lâm huyện B và các đơn vị có liên quan thuê đơn vị tư vấn tổ chức khảo sát xây dựng phương án khai thác đối với phần diện tích được bàn giao.

Ngày 29/12/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi có Công văn số 8059/UBND-NNTN về việc thanh lý rừng trồng phòng hộ chuyển sang rừng sản xuất trên địa bàn huyện B. Căn cứ chủ trương của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi tại Công văn nêu trên và thực hiện chỉ đạo giao nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân huyện B, Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện B đã ký Hợp đồng số 01/2017/HĐ-TVTK ngày 01/11/2017 với Trung tâm Tư vấn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi để thực hiện gói thầu: Tư vấn, lập phương án thiết kế khai thác rừng trồng (cây keo) tại xã BT và xã B, huyện B.

Sau khi đơn vị tư vấn hoàn thành hồ sơ thiết kế khai thác, Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện B tham mưu Ủy ban nhân dân huyện B gửi hồ sơ trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi thẩm định phê duyệt. Ngày 18/01/2018, Chi Cục kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi có báo cáo số 52/BCTĐ- CCKL báo cáo kết quả thẩm định hồ sơ thiết kế khai thác rừng trồng phòng hộ đã chuyển đổi sang rừng sản xuất theo Quyết định số 2480/QĐ-UBND ngày 31/12/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi tại xã B và xã BT, huyện B.

Trên cơ sở kết quả thẩm định của Chi Cục kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi, ngày 18/01/2018, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi ban hành Quyết định số 16/QĐ-SNNPTNT phê duyệt hồ sơ thiết kế, cấp phép khai thác rừng trồng phòng hộ đã chuyển sang rừng sản xuất tại xã B và xã BT, huyện B.

Căn cứ Hồ sơ thiết kế được phê duyệt, Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện B hợp đồng đơn vị có chức năng thực hiện thẩm định giá và gửi hồ sơ đề nghị Sở Tài chính phê duyệt giá khởi điểm.

Ngày 19/4/2018, Sở Tài chính có Công văn số 837/STC-QLGCS về việc giá khởi điểm để thực hiện bán đấu giá tài sản là cây đứng (cây keo) thuộc rừng trồng phòng hộ chuyển sang rừng sản xuất trên địa bàn huyện B. Căn cứ Công văn nêu trên, Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện B đã có tờ trình số 09/TTr- TCKH ngày 23/4/2018 về việc phê duyệt giá khởi điểm để thực hiện bán đấu giá tài sản là cây đứng (cây keo) thuộc rừng trồng phòng hộ chuyển sang rừng sản xuất tại xã B, BT huyện B gửi Ủy ban nhân dân huyện B.

Ngày 24/4/2018, Ủy ban nhân dân huyện B đã ban hành Quyết định số 376/QĐ-UBND về việc phê duyệt giá khởi điểm để thực hiện bán đấu giá tài sản là cây đứng (cây keo) thuộc rừng trồng phòng hộ chuyển sang rừng sản xuất tại xã B, BT, huyện B. Trên cơ sở Hồ sơ thiết kế khai thác và giá khởi điểm tài sản đã được phê duyệt; Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện B hợp đồng dịch vụ với Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Quảng Ngãi thuộc Sở Tư pháp để đưa tài sản ra bán đấu giá và Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Quảng Ngãi thuộc Sở Tư pháp đã tổ chức đấu giá tài sản theo đúng quy trình, quy định hiện hành của Nhà nước; kết quả trả giá cao nhất sau cùng là 550.690.000 đồng. Trên cơ sở kết quả đấu giá tài sản, ngày 19/7/2018, Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện B đã ký kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá với Công ty Đ (đơn vị trả giá cao nhất), tài sản đấu giá là cây keo (cây đứng) tại xã B, huyện B, diện tích khai thác: 5,53 ha, địa điểm: Lô a khoảnh 4 và lô a khoảnh 5 tiểu khu 370 xã B, huyện B, sản lượng thương phẩm ước tính: 723,6m3, giá bán tài sản:

550.690.000 đồng. Hai bên đã hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng và Công ty Đ đã khai thác toàn bộ cây keo trên diện tích được cấp phép khai thác.

Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện B căn cứ theo các văn bản, quyết định nêu trên để ký kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá đúng theo quy định của pháp luật.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi trình bày:

Tham chiếu với hồ sơ có liên quan thu thập được thì vị trí lô a, khoảnh 4, tiểu khu 370 xã B, huyện B có tên lô, khoảnh, tiểu khu trùng với hồ sơ và bản đồ thiết kế khai thác rừng trồng phòng hộ chuyển đổi sang rừng sản xuất theo Quyết định số 2480/QĐ-UBND ngày 31/12/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi. Sau khi rà soát, điều chỉnh bổ sung 03 loại rừng tại xã B, huyện B được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt tại Quyết định số 16/QĐ-SNNPTNT ngày 18/01/2018; vị trí lô a khoảnh 4 tiểu khu 370 xã B nêu trên trước đây thuộc lô 5, khoảnh 1 và lô 6, khoảnh 2 tiểu khu 370, xã B là rừng trồng (cây keo) có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước đầu tư (theo hồ sơ thiết kế trồng rừng phòng hộ năm 2001 được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt tại Quyết định số 685/QĐ-NN&PTNT ngày 13/11/2001) do Ban Quản lý dự án cơ sở Lâm trường B (nay là Trạm Quản lý bảo vệ rừng huyện B thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh Quảng Ngãi) thực hiện trồng rừng theo Dự án 05 triệu ha rừng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước tại Quyết định số 06/2001/QĐ-UB ngày 29/01/2001 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi về việc giao chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước năm 2001. Sau khi trồng rừng, Ban Quản lý dự án cơ sở Lâm trường B tiếp tục thực hiện chăm sóc, bảo vệ rừng từ năm 2002 đến năm 2004 và quản lý bảo vệ rừng từ năm 2005 đến năm 2008.

Đến ngày 19/11/2008, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi thành lập Ban Quản lý rừng phòng hộ Khu Đông huyện B, diện tích rừng trồng phòng hộ tại lô a khoảnh 4 tiểu khu 370 xã B được Ban Quản lý dự án cơ sở Lâm trường B bàn giao lại cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Khu Đông huyện B quản lý, bảo vệ.

Từ năm 2009 đến năm 2013, Ban Quản lý rừng phòng hộ Khu Đông huyện B tự thực hiện quản lý, bảo vệ. Từ năm 2014 đến cuối năm 2015, Ban Quản lý rừng phòng hộ Khu Đông huyện B thực hiện giao khoán cho hộ dân xã B nhận khoán bảo vệ rừng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ.

Ngày 31/12/2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi ban hành Quyết định số 2480/QĐ-UBND về việc phê duyệt kết quả rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch 03 loại rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Ngày 21/11/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi ban hành Quyết định số 2277/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án chuyển đổi rừng theo kết quả Rà soát điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch 03 loại rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Diện tích chuyển đổi từ rừng trồng phòng hộ chuyển sang rừng sản xuất và mục đích khác được phê duyệt tại tiểu khu 370 xã B là 31,5ha.

Ngày 22/6/2017, Ban Quản lý rừng phòng hộ Khu Đông huyện B đã bàn giao diện tích đất chuyển đổi từ rừng phòng hộ sang rừng sản xuất và ngoài 03 loại rừng trên địa bàn xã B cho Ủy ban nhân dân huyện B quản lý. Diện tích bàn giao tại tiểu khu 370 là 83,02ha, trong đó có 9,67ha diện tích rừng trồng phòng hộ năm 2001 còn ngoài thực địa gồm: 4,5ha tại lô g1 khoảnh 4; 3,02ha tại lô g2 khoảnh 4 và 0,47ha tại lô a khoảnh 5. Trong phần diện tích bàn giao 9,67ha có 5,53ha được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cấp phép khai thác tại Quyết định số 16/QĐ-SNNPTNT ngày 18/01/2018.

Sau khi kiểm tra các hồ sơ từ nhận khoán trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng cho đến lúc khai thác thì Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi không thấy có tên ông Phạm Ngọc H tham gia vào quá trình nhận khoán trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng tại lô a khoảnh 4, tiểu khu 370.

Về trình tự thủ tục thanh lý rừng trồng từ phòng hộ sang sản xuất thì các cơ quan chức năng đã thực hiện đúng quy định. Số tiền thu được đã nộp ngân sách Nhà nước.

Ban Quản lý dự án cơ sở Lâm trường B được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi thành lập để thực hiện các nhiệm vụ theo Quyết định số 661/QĐ- TTg ngày 29/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 183/1998/QĐ- BNNPTNT ngày 19/11/1998 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tư liên tịch số 28/1999/TT-LT ngày 03/02/1999 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các quy định của Nhà nước có liên quan để tổ chức triển khai thực hiện Dự án 05 triệu ha rừng. Vì vậy, Ban Quản lý dự án cơ sở Lâm trường B trước đây hiện nay là Trạm Quản lý bảo vệ rừng huyện B, thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh Quảng Ngãi, trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Lương Thị Thu N trình bày:

Bà N đồng ý toàn bộ yêu cầu khởi kiện của chồng ông Phạm Ngọc H, việc ông H thay đổi hay bổ sung yêu cầu khởi kiện cũng là ý kiến của bà N. Năm 2001, bà N có ký nhận tiền trồng cây lâm nghiệp với số tiền 2.620.277 đồng, ngoài ra bà N không ký nhận hay nhận bất kỳ số tiền nào khác.

Bà N đề nghị được vắng mặt tất cả các buổi làm việc trong quá trình giải quyết vụ án và vắng mặt tại các phiên tòa xét xử vụ án này.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Ban quản lý rừng phòng hộ tỉnh Quảng Ngãi có văn bản ý kiến như sau:

Sau khi Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi ban hành Quyết định số 871/QĐ-UBND ngày 23/4/2007 về việc phê duyệt kết quả rà soát quy hoạch lại 03 loại rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, quy hoạch tiểu khu 370 xã B (trong đó có lô a, khoảnh 4 tiểu khu 370 xã B) là rừng phòng hộ theo cấp xung yếu và Quyết định số 456/QĐ-UBND ngày 20/3/2008 về việc tạm giao các khu rừng phòng hộ cho các Ban quản lý Dự án cơ sở 661, Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham và Ủy ban nhân dân các huyện quản lý thì Ban quản lý dự án cơ sở B được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi tạm giao quản lý diện tích khu phòng hộ đầu nguồn Hồ Núi Ngang tại tiểu khu 370 xã B, nhưng Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi chưa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đến năm 2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi ban hành Quyết định số 2480/QĐ-UBND ngày 31/12/2015 phê duyệt kết quả rà soát điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch 03 loại rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi quy hoạch lô a, khoảnh 4 tiểu khu 370 xã B (theo hồ sơ và bản đồ thiết kế khai thác rừng trồng phòng hộ chuyển đổi sang rừng sản xuất) là rừng sản xuất.

Bn án dân sự số 04/2022/DS-ST ngày 31 tháng 8 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện B quyết định:

1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Phạm Ngọc H về việc yêu cầu Ủy ban nhân dân huyện B phải trả lại cho ông Phạm Ngọc H số tiền bán đấu giá 293,9m3 gỗ keo trên diện tích 1,927ha tại lô a khoảnh 4 tiểu khu 370 xã B, huyện B là 223.691.547 đồng.

2. Về chi phí tố tụng: Nguyên đơn ông Phạm Ngọc H phải chịu chi phí giám định số tiền là 3.000.000 đồng và chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ số tiền là 1.750.000 đồng.

3. Về án phí: Nguyên đơn ông Phạm Ngọc H phải chịu số tiền 11.184.500 đồng án phí dân sự sơ thẩm, được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí mà ông H đã nộp 5.592.000 đồng theo biên lai thu tiền số 0004869 ngày 30/7/2020 của Chi cục thi hành án dân sự huyện B, tỉnh Quảng Ngãi. Ông H còn phải nộp số tiền 5.592.500 đồng.

Bản án sơ thẩm còn tuyên về quyền kháng cáo.

Ngày 11 tháng 9 năm 2022, ông Phạm Ngọc H kháng cáo với nội dung: Hủy toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm để giải quyết lại cho đúng về thủ tục tố tụng và chứng cứ khách quan của vụ án.

tòa:

Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ngãi tại phiên Về tố tụng: Thẩm phán, Thư ký, Hội đồng xét xử, các đương sự chấp hành đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự, không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn ông Phạm Ngọc H, tuyên xử giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về tố tụng: Bị đơn Ủy ban nhân dân huyện B; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, bà Lương Thị Thu N có văn bản xin xét xử vắng mặt.

Căn cứ khoản 1 Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử vắng mặt những người trên

[2] Về nội dung:

[2.1] Căn cứ Quyết định số 06/QĐ-UB ngày 29/01/2001 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi về việc giao chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước thuộc Dự án 05 triệu ha rừng cho Lâm trường B, tỉnh Quảng Ngãi. Ngày 13/11/2001, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi ban hành Quyết định số 685/QĐ-NN&PTNT phê duyệt thiết kế trồng rừng phòng hộ năm 2001 Ban quản lý dự án cơ sở Lâm trường B, gồm các tiểu khu 370, 366, 322 xã B, huyện B. Theo các Quyết định trên thì nguồn vốn trồng rừng phòng hộ do ngân sách Nhà nước đầu tư. Chủ quản lý diện tích rừng phòng hộ là Dự án cơ sở Lâm trường B, Dự án cơ sở Lâm trường B chịu trách nhiệm ký hợp đồng kinh tế giao khoán trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng với hộ dân địa phương.

Căn cứ vào Thuyết minh của Dự án cơ sở Lâm trường B thì tình hình thảo thực vật (quy hoạch rừng phòng hộ) là thực bì trong vùng dạng 1B, loài cây chủ yếu: Thành Ngạnh, Sim, Trâm... và cây bụi che phủ cao. Theo bản trình bày của ông Bùi Văn S, nguyên là nhân viên của Dự án cơ sở Lâm trường B, ông Phạm Văn Nưa là người trực tiếp ký hợp đồng nhận khoán với Dự án cơ sở Lâm trường B (nhóm trưởng), xác minh tại Ủy ban nhân dân xã B thì hiện trạng đất năm 2001 tại các tiểu khu 370, 366, 322 xã B trên đất toàn cây hoang dại, chưa có ai canh tác sử dụng. Sau khi phát dọn xong thì những người dân tiến hành trồng cây keo của Dự án (cây keo của Dự án tự ươm).

Đến năm 2015, diện tích quy hoạch chức năng rừng phòng hộ tại xã B chuyển đổi sang chức năng quy hoạch rừng sản xuất theo Quyết định số 2408/QĐ-UBND ngày 31/12/2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi. Ủy ban nhân dân tỉnh đồng ý cho thanh lý diện tích đã trồng rừng phòng hộ, tiền cây bán được sẽ đưa vào Ngân sách Ủy ban nhân dân huyện B. Các cơ quan chức năng đã thực hiện các thủ tục từ thiết kế khai thác, đến bán đấu giá, Công ty Đ đã trúng đấu giá mua cây trên diện tích 5,53 ha tại lô a khoảnh 4 và lô a khoảnh 5 tiểu khu 370 xã B.

[2.2] Như vậy, nguồn gốc cây keo được trồng tại lô 370 xã B (và các lô khác) từ năm 2001 từ khâu cung cấp giống cây, công trồng, công chăm sóc, công bảo vệ là nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp cho dự án trồng rừng phòng hộ. Nhân công được thuê trồng, chăm sóc, bảo vệ là người dân địa phương. Ông Phạm Ngọc H khai diện tích đất 1,927 ha, tại lô a khoảnh 4, tiểu khu 370 xã B, huyện B do ông khai hoang từ năm 1990 và toàn bộ cây keo trên diện tích đất nêu trên cũng của ông là không có căn cứ. Giấy xác nhận của một số nhân chứng là ông Nguyễn T4, Huỳnh Hữu T3, Huỳnh Trung L xác nhận ông H vào năm 1990 có đến Dốc Ổi khai hoang, nhưng khi Tòa án triệu tập làm việc thì những người này đều không đến Tòa án, do đó các giấy này không đủ căn cứ pháp lý để xác nhận quyền sử dụng đất cho ông H. Ngoài ra, ông H cũng không đăng ký, kê khai quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai đối với diện tích đất 1,927 ha. Vì vậy, có đủ cơ sở để xác định ông H không có tài liệu, chứng cứ chứng minh việc khai hoang phần đất diện tích đất nêu trên. Ông H thừa nhận ông lấy tên là Phạm Văn B để tham gia vào Dự án, nên ông biết Dự án của Nhà nước phê duyệt quy hoạch trồng rừng phòng hộ tại xã B. Bà Lương Thị Thu N (vợ ông H) và ông H đều thừa nhận năm 2001 bà N có nhận tiền trồng cây lâm nghiệp của Ban quản lý Dự án cơ sở Lâm Trường B với số tiền là 2.620.277 đồng, phù hợp với chứng cứ danh sách các hộ nhận khoán trồng rừng phòng hộ năm 2001 (bà N nhận tiền công và chi phí cây con 2.620.277 đồng).

Như vậy, Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận khởi kiện của nguyên đơn ông H về việc yêu cầu Ủy ban nhân dân huyện B phải trả lại cho ông số tiền bán đấu giá 293,9m3 gỗ keo trên diện tích 1,927 ha tại lô a khoảnh 4 tiểu khu 370 xã B, huyện B số tiền là 223.691.547 đồng là đúng pháp luật.

[2.3] Nguyên đơn kháng cáo yêu cầu cấp phúc thẩm hủy Bản án sơ thẩm với lý do cấp sơ thẩm xét xử không khách quan, không đưa Công ty Đ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để thu thập tài liệu, chứng cứ, xác định lại diện tích cụ thể mà nguyên đơn đã khai hoang tại lô a khoảnh 4 tiểu khu 370 xã B, Hội đồng xét xử thấy rằng: Công ty Đ là tổ chức trúng đấu giá tài sản mua cây keo của Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Quảng Ngãi đứng ra bán đấu giá; Công ty không liên quan gì trong việc ông Phạm Ngọc H đòi lại tiền bán keo của Ủy ban nhân dân huyện B, nên cấp sơ thẩm không xác định Công ty Đ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và không đưa vào tham gia tố tụng là đúng pháp luật. Việc xác định giá bán keo tại thị trường là bao nhiêu để nguyên đơn đòi Ủy ban nhân dân huyện B phải trả lại và xác định diện tích nguyên đơn khai hoang (nếu có) tại lô a khoảnh 4 thuộc tiểu khu 370 xã B là thuộc trách nhiệm của nguyên đơn khi thực hiện việc khởi kiện. Do đó, kháng cáo của ông H là không có cơ sở chấp nhận. Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử giữ nguyên toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm.

[3] Về án phí phúc thẩm: Do không chấp nhận kháng cáo, nên nguyên đơn ông H phải chịu 300.000 đồng tiền án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 148, khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự.

Tuyên xử:

1. Không chấp nhận kháng cáo của ông Phạm Ngọc H. Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 04/2022/DS-ST ngày 31 tháng 8 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Quảng Ngãi.

2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Phạm Ngọc H về việc yêu cầu Ủy ban nhân dân huyện B, tỉnh Quảng Ngãi phải trả lại cho ông Phạm Ngọc H số tiền bán đấu giá 293,9m3 gỗ keo trên diện tích 1,927 ha tại lô a khoảnh 4 tiểu khu 370 xã B, huyện B, tỉnh Quảng Ngãi là 223.691.547 đồng.

3. Về án phí sơ thẩm: Ông Phạm Ngọc H phải chịu 11.184.500 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm, nhưng được khấu trừ vào 5.592.000 đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp tại Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0004869 ngày 30/7/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện B, tỉnh Quảng Ngãi. Ông H còn phải nộp tiếp số tiền 5.592.500 đồng (Năm triệu, năm trăm chín mươi hai ngàn, năm trăm đồng).

4. Về chi phí tố tụng: Nguyên đơn ông Phạm Ngọc H phải chịu chi phí giám định số tiền là 3.000.000 đồng và chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ số tiền là 1.750.000 đồng. Ông H đã nộp và chi phí xong.

5. Về án phí phúc thẩm: Ông Phạm Ngọc H phải chịu 300.000 đồng tiền án phí dân sự phúc thẩm, nhưng được khấu trừ vào 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp tại Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0003026 ngày 29/9/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện B, tỉnh Quảng Ngãi.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

128
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp đòi lại tài sản số 08/2023/DS-PT

Số hiệu:08/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quảng Ngãi
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 22/02/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về