TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE
BẢN ÁN 16/2022/DS-PT NGÀY 21/01/2022 VỀ TRANH CHẤP ĐÒI CÔNG SỨC CẢI TẠO ĐẤT
Ngày 21 tháng 01 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 195/2021/TLPT-DS ngày 06/12/2021 về “Tranh chấp đòi công sức cải tạo đất”.
Do Bản án dân sự sơ thẩm số: 55/2021/DS-ST ngày 11/6/2021 của Tòa án nhân dân huyện B bị kháng cáo, kháng nghị.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 248/2021/QĐ-PT ngày 22/12/2021 giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Ông Trần Văn N (H), sinh năm 1961 Hộ khẩu thường trú: Ấp B, xã B, huyện B, tỉnh Bến Tre. Địa chỉ liên hệ: Ấp B, xã B1, huyện B, tỉnh Bến Tre.
2. Bị đơn:
2.1. Bà Phan Thị T, sinh năm 1959 2.2. Bà Phan Thị K (đã chết) Cùng địa chỉ: Ấp M, xã B1, huyện B, tỉnh Bến Tre.
2.3. Ông Phan Ngọc S, sinh năm 1972 Địa chỉ: Ấp T, xã T, huyện B, tỉnh Bến Tre.
2.4. Bà Phan Thị K1, sinh năm 1952 2.5. Bà Phan Thị L, sinh năm 1965 2.6. Ông Phan Ngọc B (đã chết) 2.7. Ông Phan Hữu L (N1), sinh năm 1973 Cùng địa chỉ: Ấp B, xã B, huyện B, tỉnh Bến tre.
2.8. Bà Phan Thị Tuyết N, sinh năm 1968 Địa chỉ: Số nhà ¼ N, Phường H, thành phố M, tỉnh Tiền Giang.
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ông Trần Văn T, sinh năm 1949 Địa chỉ: Ấp B, xã B, huyện B, tỉnh Bến Tre.
4. Người kháng cáo: Nguyên đơn ông Trần Văn N.
5. Viện kiểm sát kháng nghị: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện B.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện và trong quá trình tố tụng nguyên đơn ông Trần Văn N trình bày:
Năm 1982, ông và bà Phan Thị K cưới và chung sống với nhau như vợ chồng. Cha mẹ ruột ông có cho ông 03 công đất vườn dừa, vợ chồng cất nhà chung sống được một thời gian, do cuộc sống khó khăn nên đến năm 1984 cha mẹ vợ kêu vợ chồng ông về Ấp B, xã B, huyện B để làm ăn, sinh sống. Cha mẹ vợ có cho vợ chồng ông ở nhờ trên phần đất ruộng có diện tích 2.957 m2, vợ chồng ông tiến hành mướn người gánh đất đắp nền nhà và cất nhà vào năm 1985. Ông bán 02 công đất vườn dừa mà cha mẹ ruột cho ông được 01 chỉ vàng để mướn người gánh đất đắp nền nhà và lên bờ trồng dừa nhằm mở rộng thêm diện tích đất ở trên đất cha mẹ vợ cho ở nhờ. Diện tích đất đắp nền nhà là 837 m2, chiều cao đắp nền nhà từ ruộng lên nền là 1,2 mét với 10.044 m3 đất. Diện tích 2.120 m2 còn lại thì lên bờ trồng dừa.
Đến năm 1994, vợ chồng ông mâu thuẫn không thề hàn gắn được tình cảm nên bà K làm đơn khởi kiện yêu cầu ly hôn, nuôi con chung và phân chia tài sản chung với ông và được Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Bến Tre giải quyết bằng Bản án số 16/DSST ngày 26/6/1997. Sau đó, vợ ông kháng cáo bản án sơ thẩm về phần phân chia tài sản chung, yêu cầu giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm. Theo Bản án phúc thầm số 32/HN-PT ngày 08/10/2003, Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre đã nhận định đất vợ chồng ông N, bà K đang ở là của cụ H mua trước khi ông N, bà K chung sống, cụ H đứng tên sở hữu được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào ngày 23/10/1998. Cụ H thấy vợ chồng ông N, bà K nghèo nên cụ H cho vợ chồng ở nhờ trên đất, không có cho luôn, không phải tài sản chung vợ chồng nên kháng cáo của bà K được chấp nhận. Tại cấp phúc thẩm ông N có yêu cầu bồi hoàn công sức cải tạo đất nhưng chưa được cấp sơ thẩm xác minh, xem xét phần này nên Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre đã hủy phần giải quyết vấn đề này giao hồ sơ Tòa án nhân dân huyện B giải quyết lại phần này theo thủ tục chung.
Do cụ Phan Văn H đã chết, các phần đất trong đó có phần đất mà ông cải tạo đã phân chia thừa kế cho tất cả những người con chung của cụ H. Ông khởi kiện các con chung cụ H gồm: Phan Thị K, Phan Thị K1, Phan Thị T, Phan Thị L, Phan Thị Tuyết N, Phan Ngọc B, Phan Ngọc S và Phan Hữu L phải trả lại cho ông tiền công sức cải tạo đất diện tích 2.957 m2 với 400 ngày công lao động, với giá 150.000 đồng/01 ngày công, thành tiền là 60.000.000 đồng.
Ngày 06/11/2015, ông có đơn khởi kiện bổ sung, yêu cầu các ông bà Phan Thị K, Phan Thị K1, Phan Thị T, Phan Thị L, Phan Thị Tuyết N, Phan Ngọc B, Phan Ngọc S và Phan Hữu L phải trả lại cho ông tiền công sức cải tạo đất diện tích 2.957 m2 với 400 ngày công lao động, với giá 180.000 đồng/01 ngày công, thành tiền là 72.000.000 đồng.
Ngày 01/3/2021, ông có đơn khởi kiện bổ sung, yêu cầu phải trả lại cho ông tiền công sức cài tạo đất diện tích 2.957 m2 với 400 ngày công lao động, với giá 250.000 đồng/01 ngày công, thành tiền là 100.000.000 đồng.
Ngày 05/11/2020, ông N chỉ khởi kiện bị đơn là ông Phan Hữu L, bà Phan Thị K1 và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Trần Văn T yêu cầu phải trả lại cho ông tiền công sức cải tạo đất theo diện tích đo đạc thực tế là 391.9 m2 (nền nhà 277.3 m2, sân 114.6 m2) với 400 ngày công lao động, với giá 250.000 đồng/01 ngày công, thành tiền là 100.000.000 đồng. Tại biên bản lấy lời khai ngày 05/11/2020, ông không khởi kiện đối với các bị đơn bà Phan Thị K (đã chết), Phan Thị T, Phan Thị L, Phan Thị Tuyết N, ông Phan Ngọc B (đã chết) và Phan Ngọc S phải trả lại cho ông tiền công sức cải tạo đất.
Tại phiên Tòa sơ thẩm, nguyên đơn thay đổi yêu cầu khởi kiện, ông khởi kiện đối với các bị đơn là bà Phan Thị T, Phan Thị L, Phan Thị K1, Phan Thị Tuyết N, ông Phan Ngọc S, Phan Hữu L và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Trần Văn T yêu cầu phải trả lại cho ông tiền công sức cải tạo đất theo diện tích đo đạc thực tế là 391.9 m2 (nền nhà 277.3 m2, sân 114.6 m2) với 400 ngày công lao động, với giá 250.000 đồng/01 ngày công, thành tiền là 100.000.000 đồng. Riêng các chi phí tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án số tiền là 1.877.000 đồng, ông N tự nguyện chịu toàn bộ, không yêu cầu hoàn trả lại.
Trong quá trình tố tụng các bị đơn bà Phan Thị K1, Phan Thị T, Phan Thị K, Phan Thị L, ông Phan Ngọc B, Phan Hữu L và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Trần Văn T cùng trình bày:
Các ông bà là con ruột và ông T là chồng bà K1, con rể của cụ Phan Văn H. Cụ H có tất cả 08 người con chung gồm Phan Thị K1, Phan Thị T, Phan Thị K, Phan Thị L, Phan Thị Tuyết N, Phan Ngọc B, Phan Ngọc S và Phan Hữu L. Năm 1987, cha mẹ các ông bà thấy vợ chồng ông N, bà K nghèo khổ nên có kêu về cho ở nhờ trên đất, tự đắp nền, cất nhà sinh sống nhưng không có cho đất. Sau đó, vợ chồng ông N mâu thuẫn và ly hôn. Đất cha các ông bà đã lên liếp trồng dừa 02 năm, vợ chồng ông N, bà K mới về sống trên đất. Cha các ông bà là cụ H chết năm 2010. Đất cụ H đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sau khi cụ H chết, các con chung được hưởng và chia thừa kế, chỉ 06 người con chung nhận thừa kế đất và đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 02 người con không nhận thừa kế đất là ông B, ông S. Hiện trạng đất đã hoàn toàn thay đổi so với trước đây. Sau khi nhận đất thừa kế, bà K và bà L đã chuyển nhượng lại cho người khác, chỉ còn đất của bà K1, bà Tuyết N, ông L. Đất các ông bà được chia và nhận thừa kế chỉ có vợ chồng bà K1, ông T cất nhà và đang sinh sống trên đất.
Qua yêu cầu khởi kiện của ông N, các ông bà không đồng ý vì các ông bà không có liên quan đến vụ kiện của ông N. Các ông bà có yêu cầu giải quyết vắng mặt trong các lần làm việc, xem xét thẩm định tại chỗ, định giá tài sản, mở phi ên họp việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ, hòa giải và xét xử vụ án.
Tại phiên Tòa sơ thẩm, bà T, bà L và ông L có mặt và các ông bà không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông N. Các ông bà khai thống nhất bà K và ông B hiện nay đã chết.
Trong quá trình tố tụng, bị đơn bà Phan Thị Tuyết N trình bày:
Cụ Phan Văn H cha bà có tất cả 08 người con chung gồm Phan Thị K1, Phan Thị T, Phan Thị K, Phan Thị L, Phan Thị Tuyết N, Phan Ngọc B, Phan Ngọc S và Phan Hữu L. Cha bà đã chết, cha bà đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp ngày 23/10/1998. Sau khi cha bà chết, anh chị em đã chia thừa kế đất của cha nhưng không nhớ rõ số thửa, số tờ và đã làm thủ tục đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất xong. Nhà của cha mẹ ở thì cho Phan Hữu L (em trai út), chỉ có ông B và ông S là không nhận thừa kế đất của cha. Đất được cha cho thừa kế chỉ có bà K1 là cất nhà ở trên đất. Bà K và bà L thì đã chuyển nhượng đất cho người khác, còn bà và ông L không canh tác đất được chia.
Bà K và ông N được cha bà cho cất nhà ở nhờ trên đất, vợ chồng ông N, bà K không có tu bổ, cải tạo gì phần đất cha cho ở nhờ. Đất cho vợ chồng ông N, bà K ở nhờ là đất trồng dừa nhưng do nước mặn không có trồng cây gì được, dừa cha bà trồng cũng chết, trước khi vợ chồng ông N về ở trên đất thì cha bà đã mướn người lấp đất 01 nền nhà để vợ chồng ông N, bà K cất nhà lá ở. Sau đó, ông N bỏ đi và vợ chồng ông N, bà K ly hôn, bà K lên Thành phố Hồ Chí Minh sống, không nhớ thời gian nào và vợ chồng ông N, bà K không còn sống trên đất của cha cho ở nhờ. Đối với yêu cầu của ông N thì bà không đồng ý, ông N không có công sức, không có cải tạo đất.
Trong quá trình tố tụng, bị đơn ông Phan Ngọc S trình bày:
Ông là con thứ 9 của cụ Phan Văn H, cha ông đã chết. Cha ông có tất cả 08 người con chung gồm: Phan Thị K1, Phan Thị T, Phan Thị K (đã chết năm 2020), Phan Thị L, Phan Thị Tuyết N, ông Phan Ngọc B, Phan Ngọc S và Phan Hữu L. Phần đất cha ông để lại đã chia cho các người con chung, chỉ có ông và ông B không có nhận thừa đất của cha. Đất được chia các chị em gái đã chuyển nhượng cho người khác không có ở. Vợ chồng ông N, bà K được cha cho ở thì phải tự đắp nền nhà ở. Ông N bị bệnh bướu cổ không có làm gì phụ với bà K. Hiện nay, ông N khởi kiện yếu cầu phải tiền công sức cải tạo đất thì ông không đồng ý vì ông N kiện hoàn toàn không có căn cứ.
Do hòa giải không thành, Tòa án nhân dân huyện B đã đưa vụ án ra xét xử. Tại Bản án dân sự sơ thẩm số: 55/2021/DS-ST ngày 11/6/2021 của Tòa án nhân dân huyện B đã áp dụng Điều 173, 194 Bộ luật Dân sự năm 2005; Điều 265, 266 Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 5, 91, 92, khoản 1 Điều 147, điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật Tố tụng Dân sự; điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án xử:
1. Đình chỉ yêu cầu khởi kiện về đòi công sức cải tạo đất giữa nguyên đơn ông Trần Văn N đối với bị đơn bà Phan Thị K và ông Phan Ngọc B.
2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Trần Văn N đối với bị đơn bà Phan Thị K1, Phan Thị T, Phan Thị L, Phan Thị Tuyết N, ông Phan Ngọc S, Phan Hữu L (N1) và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Trần Văn T về việc đòi công sức cải tạo đất.
Ngoài ra, bản án còn tuyên về án phí, chi phí tố tụng và quyền kháng cáo của các đương sự.
Ngày 24/6/2021, nguyên đơn ông Trần Văn N kháng cáo bản án sơ thẩm, đề nghị cấp phúc thẩm xem xét sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông.
Ngày 25/6/2021, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện B kháng nghị phúc thẩm đối với bản án sơ thẩm, nội dung kháng nghị đề nghị hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại theo thủ tục chung.
Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn giữ nguyên nội dung kháng cáo, ông N trình bày: Trong quá trình tố tụng trong vụ án hôn nhân và gia đình trước đây, cụ H thừa nhận ông có công sức cải tạo đất và hứa sẽ trả lại công sức cho ông. Việc ông cải tạo đất cũng được những người làm công cho ông và người cho đất để ông bồi lấp xác nhận, đồng thời người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông T cũng thừa nhận. Nay, cụ H đã chết nên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông, buộc những người thừa kế của cụ H có nghĩa vụ trả tiền cải tạo đất cho ông.
Bị đơn ông L, bà T không đồng ý với kháng cáo của nguyên đơn, do nguyên đơn không có công sức cải tạo trên phần đất của cụ H, đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến:
Về tố tụng: Những người tiến hành tố tụng, những người tham gia tố tụng đã tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.
Về nội dung: Bản án hôn nhân và gia đình phúc thẩm số 32/HN-PT ngày 08/10/2003 của Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre đã nhận định “…ông Hương cũng thừa nhận là ông N có công tôn tạo nền nhà ban đầu…” nên có cơ sở xác định phần diện tích nền nhà, sân là do ông N và bà K cải tạo trong thời gian vợ chồng chung sống. Từ đó, có cơ sở chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông N.
Đồng thời bà K cũng là người được hưởng lợi nên phải xác định bà K là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Bà K đã chết, cấp sơ thẩm không đưa các con bà K tham gia tố tụng là vi phạm thủ tục tố tụng. Ngoài ra, cấp sơ thẩm không thụ lý, giải quyết lại phần bản án hôn nhân và gia đình bị hủy trong thời gian từ năm 2003 đến năm 2013 là chưa thực hiện đúng quy định. Tại phiên tòa phúc thẩm, bà T trình bày ông Trần Văn T đã chết. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa để đưa người thừa kế của ông T vào tham gia tố tụng.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ đã được thẩm tra công khai tại phiên tòa; kết quả tranh tụng tại phiên tòa; ý kiến đề nghị của Kiểm sát viên; xét kháng cáo của ông Trần Văn N; Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về tố tụng: Trong vụ án này bà Phan Thị K tham gia tố tụng với hai tư cách là bị đơn (là con của cụ H) và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vì phần công sức cải tạo đất mà ông N yêu cầu các bị đơn trả lại cho ông được hình thành trong thời kỳ hôn nhân. Với tư cách bị đơn, sau khi bà K chết, ông N không khởi kiện đối với bà K nữa nên không cần thiết đưa những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của bà K tham gia tố tụng là đúng. Với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, cấp sơ thẩm không đưa những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của bà K tham gia tố tụng là có thiếu sót. Tuy nhiên, tại các biên bản lấy lời khai đương sự của Tòa án nhân dân huyện B đối với anh Trần Ngọc T1 và chị Trần Thị Ánh T1 là con của bà Phan Thị K thì anh T1, chị T1 trình bày không liên quan đến vụ án, không đồng ý với vụ kiện của ông N. Dó đó, nếu chị T1, anh T1 có yêu cầu nhận phần công sức của bà K thì sẽ giải quyết trong vụ án khác, không cần thiết phải hủy bản án sơ thẩm.
[2] Về nội dung:
[2.1] Bản án hôn nhân và gia đình phúc thẩm 32/HN-PT ngày 08/10/2003 của Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre đã nhận định phần đất có diện tích 2.957m2 là của cụ H chuyển nhượng trước khi ông N, bà K kết hôn, cụ H đứng tên sở hữu được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào ngày 23/10/1998. Cụ H thấy vợ chồng ông N, bà K nghèo nên cụ H cho vợ chồng ở nhờ trên đất, không có cho luôn, không phải tài sản chung vợ chồng nên kháng cáo của bà K được chấp nhận. Tại cấp phúc thẩm ông N có yêu cầu bồi hoàn công sức cải tạo đất nhưng chưa được cấp sơ thẩm xác minh, xem xét phần này nên Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre đã hủy phần giải quyết vấn đề này giao hồ sơ Tòa án nhân dân huyện B giải quyết lại theo thủ tục chung. Như vậy, việc ông N, bà K trong quá trình chung sống có công sức cải tạo đất đã được ghi nhận trong bản án đã có hiệu lực pháp luật, cấp sơ thẩm không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không phù hợp, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông N.
[2.2] Tại biên bản lấy lời khai ngày 16/6/1997 của Tòa án nhân dân huyện B, khi được hỏi ý kiến việc cụ H đòi đất khi vợ chồng ông ly hôn thì ông N trình bày “Tôi đồng ý dỡ nhà đi sau khi ly hôn với vợ. Nhưng yêu cầu trả tiền công đắp nền nhà 150 ngày công x 30.000 đồng/ngày = 4.500.000 đồng”. Tại biên bản ghi nhận phần tài sản hai bên chưa thống nhất, ông N xác định phần đòi tiền công lao động bồi đắp nền nhà là 150 công. Các nhân chứng là ông K và ông B trình bày vào năm 1984 đến năm 1985 các ông có đắp nền nhà cho ông N khoảng 03 ngày công, ông N là người thuê và hướng dẫn hai ông làm. Tại đơn xác nhận ngày 01/6/2011 và biên bản ghi lời khai ngày 23/10/2020, ông Trần Văn N2 trình bày vào năm 1984 ông có một công đất gần đất ông N, khi ông N làm nhà có xin một ít đất gò để đắp nền nhà, lấy đất đắp nền nhà hơn 10 ngày. Ông N yêu cầu giải quyết công bồi đắp nền nhà tương ứng 150 ngày công cho ông, mặc dù bà K, cụ H không đồng ý với yêu cầu của ông N nhưng cũng không cung cấp được chứng cứ chứng minh số ngày công mà ông N đưa ra là không đúng. Do đó, phải xác định số ngày công bồi đắp nền nhà là 150 công. Tuy nhiên, đây là công sức đầu tư trong thời gian bà K và ông N còn chung sống nên được xác định là tài sản chung của vợ chồng, trong đó xác định phần của ông N tương ứng 75 ngày công x 250.000 đồng = 18.750.000 đồng.
[2.3] Cụ H đã chết, ông N yêu cầu những người thừa kế của cụ H phải trả cho ông số tiền trên là có căn cứ. Phần di sản của cụ H để lại đã được phân chia cho những người con gồm: Bà K, bà T, bà N, bà K1, ông L và bà L. Căn cứ Điều 615 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì “Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại… Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tái sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận…”. Ông Phan Ngọc S, ông Nguyễn Ngọc B không nhận di sản thừa kế của cụ H nên không phải thực hiện nghĩa vụ trả số tiền trên cho ông N. Như vậy, bà K, bà T, bà N, bà K1, ông L và bà L mỗi người có nghĩa vụ trả cho ông N số tiền 3.125.000 đồng.
Đối với nghĩa vụ của bà K do ông N không yêu cầu bà K phải trả nên ghi nhận.
Như đã phân tích ở trên, chỉ những người con của cụ H đã nhận di sản thừa kế phải có nghĩa vụ hoàn trả công sức cải tạo đất cho ông N, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Trần Văn T không có nghĩa vụ này. Do đó, mặc dù tại phiên tòa bà T trình bày ông T đã chết nhưng không cần thiết phải đưa những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông T tham gia tố tụng nên không cần thiết phải tạm ngừng phiên tòa như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát.
[2.4] Đối với yêu cầu công sức cải tao đất (ngoài nền nhà) tương ứng 250 ngày công của ông N: Cụ H khi còn sống trình bày phần đất của cụ đã lên liếp trồng dừa trước khi cho vợ chồng ông N, bà K về sinh sống “Đất này tôi sang của ông Trần Minh H1 năm 1982. Đồng thời dừa tôi do bàn tay của rể thứ ba là Nguyễn Văn N3 lên mô trồng tháng 4 năm 1982, đến năm 1986 tôi thấy vợ chồng N, K quá nghèo khổ không nghề nghiêp mới kêu về cho cất nhà ở làm ăn”. Trong suốt quá trình giải quyết vụ án hôn nhân với bà K tại cấp sơ thẩm, ông N không có yêu cầu giải quyết phần công sức cải tạo đất nào khác ngoài phần đất nền nhà. Đồng thời, trong quá trình giải quyết vụ án ông N cũng không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh ông có công sức cải tạo trên phần đất của cụ H ngoài phần bồi đắp nền nhà. Do đó, không có căn cứ chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông N đối với yêu cầu này.
Từ những nhận định trên, Tòa án sơ thẩm không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không phù hợp, kháng cáo của nguyên đơn, kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện B có căn cứ một phần nên được chấp nhận một phần, sửa bản án sơ thẩm.
[3] Đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre không phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên không được chấp nhận.
[4] Về án phí:
[4.1] Về án phí sơ thẩm: Do bản án sơ thẩm bị sửa nên án phí được điều chỉnh tương ứng, cụ thể bà Phan Thị L, ông Phan Hữu L (N1), bà Phan Thị Tuyết N mỗi người phải chịu 300.000 đồng án phí sơ thẩm.
[4.2] Về án phí phúc thẩm: Do kháng cáo được chấp nhận một phần nên ông Trần Văn N không phải chịu án phí theo quy định.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015;
Chấp nhận một phần kháng cáo của ông Trần Văn N;
Chấp nhận một phần kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện B;
Sửa Bản án sơ thẩm số: 55/2021/DS-ST ngày 11/6/2021 của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Bến Tre.
Áp dụng Điều 173, 194 Bộ luật Dân sự năm 2005; Điều 265, 266, 615 Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 5, 91, 92, khoản 1 Điều 147, điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật Tố tụng Dân sự; điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
[1] Đình chỉ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Trần Văn N đối với bị đơn bà Phan Thị K và ông Phan Ngọc B về việc đòi công sức cải tạo đất.
[2] Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Trần Văn N đối với bị đơn ông Phan Ngọc S viêc việc đòi công sức cải tạo đất.
[3] Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Trần Văn N đối với bị đơn bà Phan Thị K1, bà Phan Thị T, bà Phan Thị L, bà Phan Thị Tuyết N, ông Phan Hữu L (N1) về việc đòi công sức cải tạo đất.
Buộc bà Phan Thị K1, bà Phan Thị T, bà Phan Thị L, bà Phan Thị Tuyết N, ông Phan Hữu L (N1) mỗi người có nghĩa vụ trả cho ông Trần Văn N số tiền 3.125.000 (Ba triệu một trăm hai mươi lăm nghìn) đồng.
Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
[4] Về chi phí tố tụng: Ghi nhận nguyên dơn ông Trần Văn N tự nguyện chịu các chi phí tố tụng và dã quyết toán xong, không yêu cầu hoàn trả lại.
[5] Về án phí:
[5.1] Án phí sơ thẩm:
- Ông Trần Văn N, bà Phan Thị T, bà Phan Thị K1 là người cao tuổi nên được miễn án phí.
- Hoàn trả lại cho ông Trần Văn N 1.800.000 (Một triệu tám trăm nghìn) đồng tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm đã nộp theo các biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0001841 ngày 04/02/2013 và 0015386 ngày 06/11/2015 của Chi cục thi hành án dân sự huyện B, tỉnh Bến Tre.
- Bà Phan Thị L, ông Phan Hữu L (N1), bà Phan Thị Tuyết N mỗi người phải chịu 300.000 đồng án phí sơ thẩm.
[5.2] Án phí phúc thẩm: Ông Trần Văn N không phải chịu.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 của Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tranh chấp đòi công sức cải tạo đất số 16/2022/DS-PT
Số hiệu: | 16/2022/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bến Tre |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 21/01/2022 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về