Bản án về tranh chấp chia tài sản chung và chia thừa kế số 02/2022/DS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN THANH HÀ, TỈNH HẢI DƯƠNG

BẢN ÁN 02/2022/DS-ST NGÀY 18/05/2022 VỀ TRANH CHẤP CHIA TÀI SẢN CHUNG VÀ CHIA THỪA KẾ

Ngày 18 tháng 5 năm 2022, tại trụ sở Toà án nhân dân huyện Thanh Hà xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 18/2021/TLST-DS ngày 21/12/2021 về việc tranh chấp chia tài sản chung và chia thừa kế, theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 06/2022/QĐST-DS ngày 21/4/2022, giữa các đương sự:

* Nguyên đơn: Cụ Nguyễn Thị C, sinh năm 1946 Địa chỉ: Khu 9 Thị trấn T, huyện T, tỉnh Hải Dương.

* Bị đơn: Bà Đặng Thị L, sinh năm 1963 Địa chỉ: Khu 9 Thị trấn T, huyện T, tỉnh Hải Dương.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Ông Nguyễn TA, sinh năm 1975, địa chỉ: Thôn 2, xã X, huyện T, tỉnh Hải Dương

- Bà Đặng Thị L1, sinh năm 1983, địa chỉ: Thôn 2, xã X, huyện T, tỉnh Hải Dương  

- Bà Đặng Thị L2, sinh năm 1960, địa chỉ: thôn C1, xã TT, thành phố D, tỉnh Hải Dương.

- Bà Đặng Thị N, sinh năm 1965, địa chỉ: Khu 9, Thị trấn T, huyện T, tỉnh Hải Dương.

- Ông Đặng Xuân T, sinh năm 1969, địa chỉ: thôn Du Tái, xã TT, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương.

- Chị Đặng Thị T3, sinh năm 1997, địa chỉ: Khu 9, Thị trấn T, huyện T, tỉnh Hải Dương.

- Chị Đặng Thị T4, sinh năm 2003, địa chỉ: Khu 9, Thị trấn T, huyện T, tỉnh Hải Dương.

- Chị Tưởng Đặng Bình D, sinh năm 2000, địa chỉ: Số nhà 233 đường V, phường PH, thành phố R, tỉnh R – T.

- Chị Tưởng Đặng Thanh B, sinh năm 1998, địa chỉ: Số nhà 233 đường V, phường PH, thành phố R, tỉnh R – T.

* Người đại diện theo uỷ quyền của nguyên đơn, bà L2, ông TA: Bà Đặng Thị L1, sinh năm 1983, Địa chỉ: Thôn 2, xã X, huyện T, tỉnh Hải Dương.

* Người làm chứng:

- Ông Nguyễn Văn T, sinh năm 1962, địa chỉ: Khu 9, Thị trấn T, huyện T, Hải Dương.

- Bà Phạm Thị H3, sinh năm 1962, địa chỉ: Khu 9, Thị trấn T, huyện T, Hải Dương.

- Bà Nguyễn Thị H4, sinh năm 1971, địa chỉ: Khu 9, Thị trấn T, huyện T, Hải Dương.

- Bà Tưởng Thị X1, sinh năm 1974, địa chỉ: Số nhà 233 đường V, phường PH, thành phố R, tỉnh R – T.

(Tại phiên tòa, có mặt bà L1; ông TA; các đương sự khác vắng mặt và đã có đơn xin xét xử vắng mặt. Những người làm chứng đều vắng mặt nhưng đã có ý kiến đề nghị xét xử vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Theo đơn khởi kiện, đơn yêu cầu giải quyết bổ sung và lời khai của nguyên đơn, lời khai của người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trong quá trình giải quyết vụ án:

Vợ chồng cụ Nguyễn Thị C và cụ Đặng Hữu Đ có tài sản chung là quyền sử dụng 233m2 đất ở, thuộc thửa 16, tờ bản đồ số 13 ở khu 9, thị trấn T, huyện T, tỉnh Hải Dương. Đất này có nguồn gốc trước đây là đất chuồng trâu do Hợp tác xã quản lý. Cụ Đ, cụ C đã C tác và sử dụng đất này từ năm 1991, đến khoảng năm 1993-1994 thì ra làm nhà và sinh sống trên đất này từ đó đến nay. Ngày 18/8/2021 UBND huyện T đã ban hành Quyết định số 4228 công nhận quyền sử dụng đất nêu trên cho cụ C và Cụ Đ. Hiện nay trên đất có nhà cấp bốn, công trình phụ và một số cây như bưởi, nhãn, dừa,.... Toàn bộ tài sản trên đất đều thuộc quyền sở hữu của vợ chồng cụ C.

Cụ C và Cụ Đ có 01 con chung là Đặng Thị L1. Ngoài ra, Cụ Đ còn có 06 con riêng là: Bà Đặng Thị L, bà Đặng Thị L2, bà Đặng Thị N, ông Đặng Xuân T, ông Đặng Văn Chiến, ông Đặng Quốc Vỹ. Ông C4 đã chết năm 2019. Ông C4 có 02 con là Đặng Thị T3 và Đặng Thị T4. Ông V2 đã chết năm 2017, ông V2 có 02 con là Tưởng Đặng Bình D và Tưởng Đặng T B.

Cụ Đ chết ngày 20/10/2021. Khi chết Cụ Đ không để lại di chúc, cũng không để lại nghĩa vụ tài sản nào. Bố mẹ Cụ Đ đều chết trước Cụ Đ. Nay nguyên đơn khởi kiện đề nghị Tòa án phân chia đất và tài sản trên đất nêu trên theo hướng xác định 1/2 tài sản này thuộc quyền sử dụng của nguyên đơn, 1/2 tài sản còn lại là di sản của Cụ Đ để lại đề nghị Tòa án chia thừa kế theo quy định pháp luật.

Về công sức: Cụ C yêu cầu Toà án xem xét hợp lý công sức tôn tạo, san lấp, vượt lập đất; công sức trông nom quản lý di sản cho nguyên đơn. Ngoài ra trong thời gian hoàn tất thủ tục cấp GCNQSD đất thì Cụ Đ chết. Sau khi Cụ Đ chết, cụ C đã tự nộp toàn bộ phí, lệ phí công nhận QSD đất là 187.831.000đ. Vì vậy đề nghị Toà án xem xét công sức trong việc hình thành và làm tăng giá trị di sản của nguyên đơn.

Ngoài ra, nguyên đơn không đề nghị chia tài sản gì khác, không đề nghị xem xét công sức trông nom chăm sóc Cụ Đ. Nguyên đơn xin hưởng bằng hiện vật là quyền sử dụng đất và tự nguyện cho vợ chồng bà L1 toàn bộ tài sản mà nguyên đơn được chia trong vụ án này.

* Trong quá trình giải quyết vụ án, bị đơn trình bày:

Về các con của Cụ Đ; thời gian chết của Cụ Đ, ông V2, Ông C4; nguồn gốc tài sản tranh chấp như phía nguyên đơn trình bày. Đất và tài sản trên đất tranh chấp đều là tài sản chung của Cụ Đ và cụ C, không liên quan tới mẹ đẻ của bà là bà Nguyễn Thị Lam (tên gọi khác là Nam). Ngoài cụ C, Cụ Đ ra, con cái không ai có công sức tôn tạo, vượt lập đất. Bà không yêu cầu ai phải T toán công sức gì cho bà trong vụ án này. Phần di sản mà bà được hưởng trong vụ án này Toà án trả bằng hiện vật hay giá trị bà đều nhất trí.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Bà L2 trình bày như ý kiến nguyên đơn đã nêu trên. Đất và tài sản trên đất tranh chấp đều là tài sản chung của Cụ Đ và cụ C, không liên quan tới mẹ đẻ của bà là bà Nguyễn Thị Lam. Ngoài cụ C, Cụ Đ ra, con cái không ai có công sức gì đối với đất và tài sản trên đất tranh chấp. Bà không yêu cầu ai phải T toán công sức gì cho bà trong vụ án này.

- Chị T3 và chị T4 trình bày: Ông Đặng Văn Chiến là con đẻ của Cụ Đ với cụ Lam. Ông C4 chết năm 2019. Ông C4 có 02 con là Đặng Thị T3 và Đặng Thị T4. Ngoài ra, Ông C4 không có con nuôi, con riêng nào khác. Đề nghị Toà án giải quyết yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn theo quy định pháp luật, hai chị không có công sức gì trong vụ án này.

- Chị Bình và chị Dương trình bày: Hai chị là con đẻ của ông Đặng Quốc Vỹ. Ngoài hai chị ra, ông V2 không còn con nào khác. Nay nguyên đơn khởi kiện, ý kiến của hai chị là từ chối nhận di sản của Cụ Đ.

- Bà L1 trình bày và nhất trí toàn bộ ý kiến của nguyên đơn như đã nêu trên. bà không yêu cầu ai phải trả công sức gì cho bà trong vụ án này. Bà xác định đất và toàn bộ tài sản trên đất tranh chấp là tài sản chung của cụ C và Cụ Đ, đề nghị Toà án chấp nhận yêu cầu khởi kiện cũng như ý kiến của nguyên đơn. Vợ chồng bà nhất trí nhận tài sản mà cụ C, bà L2 cho vợ chồng bà. Bà tự nguyện nhập toàn bộ tài sản mà bà được nhận trong vụ án này vào khối tài sản chung của vợ chồng với ông TA.

- Ông TA trình bày: Ông là chồng bà L1. Ông xác định đất và toàn bộ tài sản trên đất tranh chấp là tài sản chung của cụ C và Cụ Đ. Vợ chồng ông nhất trí nhận tài sản mà cụ C, bà L2 cho vợ chồng ông.

- Ông T trình bày về các con của Cụ Đ; thời gian chết của Cụ Đ, ông V2, Ông C4; nguồn gốc tài sản tranh chấp như phía nguyên đơn trình bày. Ông không có công sức gì đối với đất và tài sản trên đất tranh chấp.

- Bà N trình bày về các con của Cụ Đ như phía nguyên đơn trình bày. Đất tranh chấp không phải là đất nông nghiệp chia theo tiêu chuẩn của hộ gia đình, đây là đất của cụ C và Cụ Đ đấu thầu, xin ra để làm nhà ở. Toàn bộ tài sản trên đất đều là tài sản của cụ C và Cụ Đ, bà không có liên quan gì. Bà không yêu cầu ai phải trả công sức gì cho bà. Nguyện vọng của bà là cụ C cứ quản lý, sử dụng đất, khi nào cụ C mất, anh em bà sẽ phân chia sau.

* Theo yêu cầu của đương sự, Tòa án đã thẩm định tại chỗ và định giá tài sản, kết quả xác định như sau:

- Thửa đất 16 tờ bản đồ số 13 thuộc khu 9, thị trấn T, huyện T, tỉnh Hải Dương có tổng diện tích là 233m2 đất ở, có giá là 7.500.000đ/1m2 - Đối với tài sản trên đất:

+ Công trình trên đất gồm có: 01 Nhà cấp bốn kèm bậc lên xuống sân, bếp, bể nước, bể lọc, chuồng lợn, nhà vệ sinh, sân, bờ be. Tổng trị giá công trình trên đất là 69.405.685đ.

+ Cây trên đất gồm: 02 cây mít, 01 cây khế, 03 cây bưởi, 01 cây xoài, 07 cây nhãn, 02 cây dừa, 01 cây đu đủ. Tổng trị giá cây trên đất = 6.320.000đ

Tại phiên tòa sơ thẩm:

- Bà L1, ông TA trình bày và giữ nguyên quan điểm của nguyên đơn, bà L1, ông TA như đã nêu trên. Bà L1 xin hưởng tài sản bằng hiện vật là nhà đất và sẽ trả trị giá kỷ phần thừa kế cho các đồng thừa kế khác, bà tự nguyện nhập toàn bộ tài sản mà mình được nhận trong vụ án này vào khối tài sản chung vợ chồng với ông TA. Ngoài ra, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn còn trình bày: Nguyên đơn tự nguyện chịu cả chi phí thẩm định, định giá tài sản và không yêu cầu Tòa án giải quyết về chi phí thẩm định, định giá.

- Đại diện VKSND huyện T Hà phát biểu ý kiến: Việc chấp hành pháp luật của Thẩm phán, Thư ký, Hội đồng xét xử, các đương sự trong quá trình giải quyết vụ án theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Bị đơn, một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác đôi lúc chưa chấp hành đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Về quan điểm giải quyết vụ án, đề nghị HĐXX áp dụng Điều 213, 219, 221, 611, 612, 613, 623, 649, 650, 651, 652, 660, 688, khoản 2 Điều 357, Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015. Điều 33, 131 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014. Khoản 2 và khoản 5 Điều 26, Điều 35; Điều 147; Điều 227, Điều 229 của Bộ luật tố tụng dân sự; Luật phí, lệ phí; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Xác định toàn bộ tài sản tranh chấp là tài sản chung của vợ chồng Cụ Đ và cụ C. Cụ C có quyền sử dụng đối với 1/2 thửa đất số 16 và 1/2 giá trị tài sản của vợ chồng cụ trên đất này. Xác định di sản thừa kế của Cụ Đ gồm: 1/2 Quyền sử dụng đất tại thửa 16 và 1/2 trị giá tài sản trên đất này. Xác định hàng thừa kế thứ nhất của Cụ Đ gồm bà L1, bà L, bà N, ông T, bà L2, cháu T4 và cháu T3 (thuộc diện thừa kế thế vị của Ông C4). Đề nghị Toà án áng trích hợp lý công sức cho cụ C trừ vào di sản của Cụ Đ, chia di sản cho các đồng thừa kế. Chấp nhận tự nguyện của cụ C, bà L2 cho vợ chồng bà L1 toàn bộ tài sản Cụ Đ chia trong vụ án này. Chấp nhận sự tự nguyện của bà L1 nhập toàn bộ tài sản mà bà được nhận trong vụ án này vào khối tài sản chung vợ chồng với ông TA, giao hiện vật là QSD đất và tài sản trên đất cho bà L1; bà L1 có trách nhiệm T toán giá trị kỷ phần thừa kế cho các đồng thừa kế khác.

Về án phí: Đề nghị giải quyết theo quy định pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án được thẩm tra công khai tại phiên toà và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định:

[1]. Về tố tụng: Bà L, bà N, ông T, chị T3, chị Bình, chị Dương, bà L2, cụ C, chị Thủy vắng mặt tại phiên toà nhưng họ đã có đơn xin vắng mặt hoặc đã có đại diện theo uỷ quyền của họ tham gia tố tụng tại phiên toà. Những người làm chứng vắng mặt nhưng trước đó đều có ý kiến đề nghị xét xử vắng mặt. Vì vậy Tòa án xét xử vắng mặt Bà L, bà N, ông T, chị T3, chị T4, chị Bình, chị Dương, bà L2, cụ C và những người làm chứng theo Điều 227, 229 Bộ luật tố tụng dân sự.

[2]. Về quan hệ tranh chấp: Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu chia tài sản chung vợ chồng, đồng thời đề nghị chia di sản thừa kế của Cụ Đ theo pháp luật, do vậy quan hệ tranh chấp trong vụ án này là tranh chấp chia tài sản chung và chia thừa kế theo pháp luật.

[3] Về hàng thừa kế:

Đương sự không xuất trình được giấy chứng nhận kết hôn giữa Cụ Đ với cụ C, địa phương cũng không lưu giữ được tài liệu nào thể hiện việc đăng ký kết hôn giữa Cụ Đ với cụ C hay Cụ Đ với cụ Lam. Tuy nhiên qua lời khai của các đương sự cũng như kết quả xác minh tại địa phương, có cơ sở xác định cụ C chung sống với Cụ Đ từ năm 1978 (trước thời điểm ngày Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực) đến khi Cụ Đ chết. Tại thời điểm năm 1978, Cụ Đ và cụ Lam không còn chung sống với nhau như vợ chồng nữa. Cụ Lam chết từ năm 2016, Cụ Đ chết ngày 20/10/2021. Như vậy, tại thời điểm Cụ Đ chết, cụ C đã là vợ hợp pháp của Cụ Đ vì hôn nhân thực tế giữa Cụ Đ và cụ C được pháp luật thừa nhận, theo quy định tại điểm a khoản 3 Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 9/6/2000 của Quốc Hội về việc thi hành Luật hôn nhân và gia đình năm 2000; điểm 1, mục d điểm 2 Thông tư 01/2001/TTLT-TANDTC- VKSNDTC-BTP ngày 03/1/2001 hướng dẫn thi hành Nghị quyết 35/2000/QH10; khoản 1 Điều 131 Luật hôn nhân và gia đình 2014 và tinh thần án lệ số 41/2021 được thông qua ngày 23/2/2021. Do đó cụ C được hưởng thừa kế của Cụ Đ theo quy định pháp luật.

Cụ Đ có 01 con chung với cụ C là Đặng Thị L1, và có 06 con riêng với cụ Nguyễn Thị Lam, gồm: Bà L2, ông T, bà N, bà L, ông V2, Ông C4. Ngoài ra Cụ Đ không có con nào khác. Bố mẹ của Cụ Đ đều chết trước Cụ Đ. Con trai của Cụ Đ là ông V2, Ông C4 đều chết trước Cụ Đ. Tuy nhiên các con của ông V2 đều từ chối nhận di sản, xét đây là ý chí tự nguyện của đương sự, được Hội đồng xét xử chấp nhận. Theo Điều 652 Bộ luật dân sự, các con của Ông C4 gồm chị T3 và chị T4 là người thừa kế thế vị, được hưởng phần di sản mà Ông C4 lẽ ra được hưởng nếu còn sống (tức chị T3 và chị T4 được hưởng chung 1 suất thừa kế).

Như vậy hàng thừa kế được chia di sản của Cụ Đ trong vụ án này gồm cụ C, bà L1, bà L2, ông T, bà N, bà L, chị T3 và chị T4.

[4] Xác định phần tài sản của cụ C và di sản chia thừa kế của Cụ Đ. [4.1] Đối với quyền sử dụng đất thửa 16.

- Về nguồn gốc thửa đất đang tranh chấp: Căn cứ vào lời khai của các đương sự, kết quả xác minh tại địa phương cũng như các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, có đủ cơ sở kết luận thửa đất 16, tờ bản đồ số 13 thuộc khu 9, thị trấn T, huyện T, tỉnh Hải Dương có nguồn gốc đất là đất chuồng trâu do Hợp tác xã quản lý. Vợ chồng cụ C và Cụ Đ đã sử dụng ổn định và ra ở đất này trước ngày 15/10/1993. Theo đề nghị của hai cụ, ngày 18/8/2021 UBND huyện T đã ban hành quyết định số 4288 công nhận QSD đất cho Cụ Đ và cụ C, diện tích 233m2 đất ở. Vì vậy cần xác định 233m2 đất ở nêu trên là tài sản chung của vợ chồng cụ C và Cụ Đ, nên 1/2 diện tích đất này= 116,5m2 thuộc quyền sử dụng hợp pháp của cụ C và 1/2 diện tích đất này= 116,5m2 là di sản mà Cụ Đ để lại trị giá 873.750.000đ.

[4.2] Đối với tài sản, công trình trên thửa đất 16.

- Căn cứ vào lời khai của người làm chứng, lời khai thống nhất của các đương sự, có cơ sở xác định toàn bộ tài sản trên đất tranh chấp là tài sản chung của vợ chồng cụ C và Cụ Đ. Theo kết quả thẩm định, định giá, toàn bộ tài sản trên thửa đất 16 có tổng trị giá là 75.726.000đ (đã làm tròn số). Do đây là tài sản chung vợ chồng nên 1/2 trị giá tài sản trên đất= 37.863.000đ thuộc quyền sở hữu của cụ C, và 1/2 trị giá tài sản trên đất= 37.863.000đ là di sản mà Cụ Đ để lại.

Như vậy tổng trị giá di sản mà Cụ Đ để lại = 873.750.000đ + 37.863.000đ= 911.613.000đ.

[5] Về công sức đối với tài sản tranh chấp.

Trong quá trình giải quyết vụ án, bà L2, bà L1, bà N, ông T, bà L, chị T3, chị T4, chị Bình, chị Dương không yêu cầu ai phải trả công sức gì trong vụ án này. Xét đây là ý chí tự nguyện của đương sự, được Hội đồng xét xử chấp nhận.

Cụ C xác định cụ có công sức tôn tạo, san lấp đất; trông nom, quản lý di sản, đề nghị Toà án áng trích công sức hợp lý cho cụ. Xét thấy lời khai này của cụ C phù hợp với lời khai của người làm chứng là ông Nguyễn Văn T, bà Phạm Thị H3; phù hợp với lời khai của các đương sự khác trong vụ án, nên được Hội đồng xét xử chấp nhận và áng trích từ di sản thừa kế của Cụ Đ giá trị 1,5 suất thừa kế nếu chia theo pháp luật để T toán công sức tôn tạo, san lấp đất; trông nom, quản lý di sản cho cụ C.

Ngoài ra, nguyên đơn còn đề nghị xem xét áng trích công sức trong việc hình thành và làm tăng giá trị di sản là QSD đất, do cụ C đã nộp thuế phí công nhận QSD đất sau khi Cụ Đ chết. Xem xét yêu cầu này, HĐXX thấy: Theo hoá đơn nguyên đơn cung cấp, sau khi Cụ Đ chết cụ C là người trực tiếp nộp số tiền phí, lệ phí công nhận QSD đất, tổng số tiền nộp là 187.831.000đ. Nguyên đơn xác định số tiền này là tiền do nguyên đơn vay mượn, phù h ợp với lời khai của vợ chồng bà L1. Theo cung cấp của Phòng tài nguyên môi trường và UBND thị trấn T, nếu cụ C không nộp số tiền này thì Cụ Đ và cụ C cũng sẽ không được công nhận QSD hợp pháp đối với thửa 16 và cũng không được chuyển mục đích sang đất ở. Như vậy rõ ràng, việc cụ C nộp khoản tiền trên đã làm tăng giá trị đất, và chính nhờ việc nộp tiền này mới hình thành QSD hợp pháp đối với thửa đất 16, từ đó hình thành di sản mà Cụ Đ để lại là 1/2 QSD đất tại thửa 16 nêu trên. Vì vậy cần chấp nhận đề nghị của nguyên đơn, áng trích từ di sản của Cụ Đ giá trị 1,5 suất thừa kế nếu chia theo pháp luật để T toán công sức cho cụ C trong việc hình thành khối di sản và làm tăng giá trị di sản.

[6] Phân chia di sản thừa kế.

Tổng di sản mà Cụ Đ để lại trị giá 911.613.000đ. Sau khi áng trích trả công sức cho cụ C trị giá là 390.691.000đ (đã làm tròn số), di sản của Cụ Đ còn lại để chia= 520.922.000đ, nên Cụ C, bà L1, bà L2, ông T, bà N, bà L mỗi người được hưởng kỷ phần thừa kế trị giá 74.417.428đ. Chị T3, chị T4 mỗi người được hưởng kỷ phần thừa kế trị giá là 37.208.714đ.

Cụ C, bà L2 tự nguyện cho vợ chồng bà L1 và ông TA toàn bộ tài sản mà họ được nhận trong vụ án này. Xét đây là ý chí tự nguyện của các đương sự, không trái đạo đức, không vi phạm pháp luật, cần được chấp nhận.

Căn cứ vào diện tích đất tranh chấp, diện tích di sản là QSD đất, vị trí các công trình, tài sản trên đất và kỷ phần thừa kế mà các đồng thừa kế được hưởng, HĐXX thấy không thể chia bằng hiện vật là QSD đất cho tất cả các đồng thừa kế, vì như vậy sẽ không đảm bảo diện tích tối thiểu để được cấp GCNQSD đất, đồng thời không đảm bảo giá trị sử dụng của tài sản trên đất. Cụ C hiện là người đang sinh sống trên đất này nhưng cụ lại tự nguyện cho vợ chồng bà L1 toàn bộ tài sản mà Cụ Đ chia. Vì vậy bà L1 là người được nhận nhiều tài sản nhất trong vụ án này (vừa được nhận di sản, vừa được cụ C và bà L2 cho), nên HĐXX giao toàn bộ hiện vật là QSD đất và tài sản trên đất cho bà L1 là hợp lý. Bà L1 có trách nhiệm T toán giá trị kỷ phần thừa kế cho các đương sự khác.

Bà L1 tự nguyện nhập toàn bộ tài sản mà mình được giao trong vụ án này vào khối tài sản chung vợ chồng với ông Nguyễn TA, được Hội đồng xét xử chấp nhận.

[7] Về chi phí thẩm định, định giá tài sản:

Cụ C đã tạm ứng phí thẩm định, định giá và tự nguyện chịu cả số tiền này, không đề nghị Tòa án giải quyết xem xét về chi phí thẩm định, định giá. Do đây là ý chí tự nguyện của nguyên đơn nên được HĐXX chấp nhận.

[8] Về án phí: Cụ C, bà L2 tính đến thời điểm xét xử vụ án đã trên 60 tuổi nên là người cao tuổi theo quy định pháp luật và thuộc trường hợp được miễn toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm theo điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Bà L1, bà L, bà N, ông T, chị T3 và chị T4 được chia di sản thừa kế nên phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với kỷ phần thừa kế mà mình được hưởng.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng Điều 213, 219, 221, 611, 612, 613, 623, 649, 650, 651, 652, 660, 688, khoản 2 Điều 357, Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015. Điều 33, 131 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014. Khoản 2 và khoản 5 Điều 26, Điều 35, Điều 147, Điều 227, Điều 229, Điều 271, Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự. Điểm a khoản 3 Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 9/6/2000 của Quốc Hội về việc thi hành Luật hôn nhân và gia đình năm 2000. Điểm 1, mục d điểm 2 Thông tư 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 03/1/2001 hướng dẫn thi hành Nghị quyết 35/2000/QH10. Án lệ số 41/2021/AL được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 23/2/2021. Luật phí, lệ phí; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

Xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của cụ Nguyễn Thị C.

1. Xác định Quyền sử dụng 233m2 đất ở thuộc thửa 16, tờ bản đồ số 13 tại khu 9 thị trấn T, T, Hải Dương trị giá 1.747.500.000đ và toàn bộ tài sản trên đất này trị giá 75.726.000đ là tài sản chung vợ chồng cụ Nguyễn Thị C và cụ Đặng Hữu Đ.

Cụ C có quyền sử dụng hợp pháp đối với 116,5m2 đất ở trị giá 873.750.000đ tại thửa 16, tờ bản đồ 13 ở khu 9 thị trấn T, huyện T, tỉnh Hải Dương và có quyền sở hữu đối với 1/2 trị giá tài sản trên đất này = 37.863.000đ.

Di sản mà Cụ Đ để lại gồm 116,5m2 đất ở trị giá 873.750.000đ tại thửa 16, tờ bản đồ 13 ở khu 9 thị trấn T, huyện T, tỉnh Hải Dương và 1/2 trị giá tài sản trên đất này = 37.863.000đ. Tổng trị giá di sản mà Cụ Đ để lại là 911.613.000đ.

2. Áng trích công sức cho cụ C trị giá = 390.691.000đ từ khối di sản mà Cụ Đ để lại.

3. Sau khi áng trích công sức, xác định di sản của Cụ Đ còn lại để phân chia trị giá 520.922.000đ. Cụ Nguyễn Thị C, bà Đặng Thị L1, bà Đặng Thị L2, ông Đặng Xuân T, bà Đặng Thị N, bà Đặng Thị L mỗi người được hưởng kỷ phần thừa kế trị giá 74.417.428đ. Chị Đặng Thị T3, chị Đặng Thị T4 mỗi người được hưởng kỷ phần thừa kế trị giá là 37.208.714đ.

4. Chấp nhận sự tự nguyện của cụ Nguyễn Thị C, bà Đặng Thị L2 cho vợ chồng bà L1 và ông TA toàn bộ tài sản mà cụ C, bà L2 được chia trong vụ án này. Chấp nhận sự tự nguyện của bà L1 nhập toàn bộ tài sản được nhận trong vụ án này vào khối tài sản chung vợ chồng với ông Nguyễn TA.

5. Phân chia hiện vật:

Giao cho bà Đặng Thị L1 và ông Nguyễn TA 233m2 đất ở trị giá = 1.747.500.000đ tại thửa 16, tờ bản đồ 13 ở khu 9, thị trấn T, T, Hải Dương và toàn bộ tài sản trên đất này trị giá 75.726.000đ (cụ thể có sơ đồ chi tiết kèm theo bản án).

Bà L1 có trách nhiệm T toán giá trị kỷ phần thừa kế cho ông Đặng Xuân T, bà Đặng Thị N, bà Đặng Thị L mỗi người là 74.417.428đ; T toán giá trị kỷ phần thừa kế cho chị Đặng Thị T3, chị Đặng Thị T4 mỗi người là 37.208.714đ.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án khoản tiền trên mà người phải thi hành án chậm thi hành thì phải trả lãi suất đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Lãi suất phát sinh do chậm thi hành được xác định theo khoản 2 Điều 357, Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.

6. Về án phí:

Miễn toàn bộ tiền án phí chia tài sản cho cụ C, bà L2.

Ông Đặng Xuân T, bà Đặng Thị N, bà Đặng Thị L, bà Đặng Thị L1 mỗi người phải chịu 3.721.000đ tiền án phí dân sự sơ thẩm. Chị Đặng Thị T3, chị Đặng Thị T4 mỗi người phải chịu 1.860.000đ án phí dân sự sơ thẩm.

7. Quyền kháng cáo: Nguyên đơn; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có mặt có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Bị đơn; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác vắng mặt có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết hợp lệ.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 của Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo các quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 của Luật thi hành án dân sự; Thời hiệu yêu cầu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật thi hánh án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

153
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp chia tài sản chung và chia thừa kế số 02/2022/DS-ST

Số hiệu:02/2022/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Thanh Hà - Hải Dương
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 18/05/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về