TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG
BẢN ÁN 99/2023/DS-PT NGÀY 27/12/2023 VỀ TRANH CHẤP CHIA DI SẢN THỪA KẾ VÀ CHIA TÀI SẢN CHUNG
Ngày 27 tháng 12 năm 2023, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Hải Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 69/2023/TLPT-DS ngày 05 tháng 10 năm 2023 về việc “Tranh chấp chia di sản thừa kế và chia tài sản chung”;
Do bản án dân sự sơ thẩm số 10/2023/DS-ST ngày 20/7/2023 của Tòa án nhân dân huyện Thanh Hà bị kháng cáo;
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 42/2023/QĐPT-DS ngày 15/11/2023; Quyết định hoãn phiên tòa số 62/2023/QĐ-PT ngày 06/12/2023;
Quyết định hoãn phiên tòa số 65/2023/QĐ-PT ngày 15/12/2023 giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Bà Bùi Thị S, sinh năm 1964; địa chỉ: Thôn P, xã T, huyện T, tỉnh Hải Dương. 2. Bị đơn: Ông Bùi Văn Q, sinh năm 1963; địa chỉ: Thôn V, xã T, huyện T, tỉnh Hải Dương. Người đại diện theo ủy quyền của ông Q: Bà Phan Thị Thu N, sinh năm 1999 và ông Bùi Quang H; đều có địa chỉ: Số C phố Đ, phường T, quận C, thành phố Hà Nội. 3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
- Bà Bùi Thị P, sinh 1955; địa chỉ: Thôn H, xã T, huyện T, tỉnh Hải Dương. - Bà Bùi Thị Đ, sinh năm 1953; địa chỉ: Thôn V, xã T, huyện T, tỉnh Hải Dương. - Bà Bùi Thị T, sinh năm 1960; địa chỉ: Thôn G, xã Đ, huyện T, TP .. - Cụ Bùi Thị N1, sinh năm 1928; địa chỉ: Thôn V, xã T, huyện T, tỉnh Hải Dương. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cụ N1: Ông Nguyễn Duy H1 - Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh H. - Bà Bùi Thị V, sinh năm 1975; địa chỉ: Thôn H, xã T, huyện T, tỉnh Hải Dương. Người đại diện theo ủy quyền của bà P, bà Đ, bà T, cụ N1, bà V: Bà Bùi Thị S, sinh năm 1964; địa chỉ: Thôn P, xã T, huyện T, tỉnh Hải Dương. - Bà Lê Thị T1, sinh năm 1961; địa chỉ: Thôn V, xã T, huyện T, tỉnh Hải Dương. Người đại diện theo ủy quyền của bà T1: Bà Phan Thị Thu N, sinh năm 1999 và ông Bùi Quang H; đều có địa chỉ: Số C phố Đ, phường T, quận C, thành phố Hà Nội.
4. Người kháng cáo: Bị đơn ông Bùi Văn Q. Tại phiên tòa có mặt bà S, ông Q, bà N, bà P, bà Đ, bà T, ông H1, bà V, bà T1; vắng mặt cụ N1, ông H.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện, bản tự khai và các tài liệu khác có trong hồ sơ, nguyên đơn bà Bùi Thị S trình bày:
Bà là con đẻ của cụ Bùi Văn T2 (tên gọi khác Bùi Văn T3) và cụ Bùi Thị N1. Cụ T2, cụ N1 có 07 con chung là: ông Bùi Văn T4 (ông T4 chết trước cụ T2, tại thời điểm ông T4 chết ông T4 không có con nào), bà Bùi Thị P, bà Bùi Thị Đ, bà Bùi Thị T, bà là Bùi Thị S, bà Bùi Thị V, ông Bùi Văn Q. Ngoài ra, cụ T2, cụ N1 không có con nuôi, con riêng nào khác. Bố mẹ cụ T2 đều chết trước cụ T2. Bố mẹ bà có tài sản chung là QSD đất tại thửa 12, tờ bản đồ số 17 và thửa 215, tờ bản đồ số 20 đều thuộc thôn V, xã T, huyện T, tỉnh Hải Dương. Đất này đã được cấp GCNQSD đất ngày 20/02/2004 đứng tên vợ chồng cụ T3, cụ N1. Trên đất này có nhà tầng một 03 gian mái bằng là tài sản chung của bố mẹ bà. Cụ T2 chết ngày 04/3/2004 và không có di chúc để lại. Khi cụ T2 còn sống, bố mẹ bà chưa tặng cho, chưa chuyển nhượng nhà đất này cho ai. Trước kia cụ N1 cũng sinh sống trên đất này cùng vợ chồng ông Q. Tuy nhiên trong quá trình chung sống, giữa cụ N1 và vợ chồng ông Q nảy sinh mâu thuẫn, vợ chồng ông Q không quan tâm, nuôi nấng và chăm sóc cụ N1 nên đến tháng 5/2022 cụ N1 phải sang ở với vợ chồng bà. Để đảm bảo chỗ ăn ở và chi phí sinh hoạt hàng ngày cho cụ N1, nay bà yêu cầu Tòa án chia tài sản chung của cụ T2 và cụ N1, chia thừa kế đối với phần di sản của cụ Thực tại nhà đất nêu trên theo pháp luật. Do cụ N1 tự nguyện cho bà và bà V toàn bộ tài sản mà cụ N1 được hưởng trong vụ án này nên bà đề nghị Tòa án công nhận việc tặng cho tài sản của cụ N1. Vợ chồng ông Q có công sức lấp toàn bộ ao giáp đường. Ngoài ra không ai có công sức tôn tạo gì thêm. Bà và những người ủy quyền cho bà tự nguyện không yêu cầu ai phải trả công sức gì cho mình; về cây cối trên đất tranh chấp: 03 cây mít số 22, 21, 26 là do vợ chồng cụ T2 trồng, còn lại các cây khác do vợ chồng ông Q trồng; công trình trên đất như nhà tầng 2, công trình phụ, chuồng chăn nuôi, bếp, mái tôn, téc nước, dàn năng lượng mặt trời, sân, trạt bê tông, bể nước, hàng rào, cổng thép là tài sản chung của vợ chồng ông Q. Kè ao do cụ T2 làm bằng nguồn tiền chung của vợ chồng cụ. Nhà chính tầng 1 (gồm gian thò và gian thụt) là tài sản chung của vợ chồng cụ T2. Nhà vệ sinh giáp cổng là tài sản riêng của cụ N1. Ngoài nội dung khởi kiện như đã nêu trên, nguyên đơn không yêu cầu chia tài sản nào khác. Bà đề nghị Tòa án giao chung cho bà và 4 chị em gái của bà nhận chung một mảnh đất (phần di sản thừa kế của cụ T2) mà không phân chia ranh giới đất của từng người. Đề nghị Tòa án giao cho bà và bà V nhận chung phần tài sản mà cụ N1 tặng cho hai bà.
Trong quá trình giải quyết vụ án, bị đơn ông Bùi Văn Q trình bày: Về các con của cụ T2, cụ N1, thời gian chết của cụ T2 đúng như nguyên đơn trình bày. Do thửa số 12 và thửa 215 đã được cấp GCNQSD đất đứng tên cụ T2, cụ N1 nên ông xác định đất này thuộc quyền sử dụng hợp pháp của bố mẹ ông. Khi cụ T2 còn sống, bố mẹ ông chưa chuyển nhượng, tặng cho đất này cho ai; không lập di chúc để lại đất này cho con nào, mà cụ T2 chỉ để lại bản chúc thư viết tay với nội dung muốn để lại đất này làm nơi thờ cúng, không được bán đất cho ai. Tuy nhiên chúc thư này viết bằng tiếng hán nôm, ngoài chúc thư này hiện ông không cung cấp được tài liệu nào khác có chữ viết, chữ ký của cụ T2 để làm mẫu so sánh giám định chúc thư. Ông từ chối giám định và dịch thuật chúc thư, không đề nghị Tòa án xem xét tính hợp pháp theo chúc thư. Ông nộp chúc thư cho Tòa án với mục đích để mong Tòa án thuyết phục phía nguyên đơn để lại đất làm nơi thờ cúng, nếu họ không đồng ý như vậy, ông đề nghị chia thừa kế đối với nhà đất mà nguyên đơn khởi kiện theo pháp luật và xem xét hợp lý công sức trông nom quản lý đất, công sức san lấp ao cho vợ chồng ông. Ngoài ra ông không yêu cầu ai phải thanh toán công sức gì khác cho mình. Ông tự nguyện nhập toàn bộ tài sản mà ông được nhận trong vụ án này vào khối tài sản chung vợ chồng.
Về cây trên đất, bị đơn trình bày như nguyên đơn đã trình bày. Về công trình, tài sản khác trên đất: Ông xác định nhà chính tầng 1 do vợ chồng ông bỏ tiền làm chung với cụ T2. Nhà vệ sinh giáp cổng do cụ N1 xây sau khi cụ T2 chết nên là tài sản riêng của cụ N1. Ngoài ra, toàn bộ các tài sản khác trên đất đều là của vợ chồng ông. Ông đề nghị Tòa án xem xét, giải quyết tài sản trên đất.
* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày:
- Bà P, bà Đ, bà T, cụ N1, bà V thông qua người đại diện theo ủy quyền là bà S trình bày như ý kiến nguyên đơn đã nêu trên. Ngoài ra, cụ N1 còn xác định:
Đối với nhà đất nêu trên, phần tài sản của cụ là ½ trong khối tài sản chung vợ chồng. Cụ tự nguyện cho bà S và bà V toàn bộ tài sản mà cụ được nhận trong vụ án này.
- Bà T1 nhất trí và trình bày như ý kiến của bị đơn nêu trên.
Theo yêu cầu của đương sự, Tòa án đã thẩm định tại chỗ và định giá tài sản, kết quả xác định như sau:
Thửa đất 12, 215 có tổng diện tích là 3645,8m2. Trong đó đất ở có giá 1.050.000đ/1m2; đất trồng cây lâu năm có giá 500.000đ/m2; đất ao có giá 370.000đ/1m2, tuy nhiên ao đã san lấp được xác định theo giá đất trồng cây lâu năm.
Đối với tài sản trên đất:
+ Công trình trên đất gồm nhà chính, công trình phụ, nhà vệ sinh, bếp, công trình chăn nuôi, téc nước, giàn năng lượng mặt trời, lán tôn, sân bê tông, trạt bê tông, tôn chắn, bể nước, kè ao, cổng, hàng rào thép; tổng trị giá tài sản là 206.938.000đ.
+ Cây trên đất gồm có cây chay, vải, dừa, thanh long, hồng xiêm, bưởi, mít, cây quất, cây cau, cây chanh/cam, có tổng trị giá= 98.238.000đ.
Tại thời điểm định giá, xác định 1m3 san lấp bằng đất bùn = 300.000đ (đã bao gồm các loại phí, công san lấp).
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 10/2023/DS-ST ngày 20/7/2023, Tòa án nhân dân huyện Thanh Hà đã căn cứ Điều 213, 219, 221, 611, 612, 613, 623, 649, 650, 651, 660, 688, khoản 2 Điều 357, Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015. Điều 33, 131 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014. Khoản 2 và khoản 5 Điều 26, Điều 35; Điều 147; Điều 157; Điều 158, Điều 165; Điều 166; Điều 227, Điều 228, Điều 271, Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 103 Luật đất đai năm 2013; Luật phí, lệ phí; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.
Xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là bà Bùi Thị S. 1. Xác định hàng thừa kế thứ nhất của cụ Bùi Văn T2 gồm 7 người là cụ Bùi Thị N1, bà bùi Thị P1, bà Bùi Thị Đ, bà Bùi Thị T, bà Bùi Thị S, bà Bùi Thị V, ông Bùi Văn Q. 2. Xác định các tài sản gồm: Quyền sử dụng 3645,8m2 đất (trong đó có 300m2 đất ở; 179m2 đất ao (đất nuôi trồng thủy sản); 3345,8m2 đất trồng cây lâu năm thuộc thửa 12, tờ bản đồ số 17 và thửa số 215, tờ bản đồ số 20 tại thôn V, xã T, T, Hải Dương, trị giá 1.987.900.000đ; kè ao, nhà tầng 1 trị giá 98.591.000đ (đã làm tròn số); cây mít số 22, 21, 26 có tổng trị giá là 1.560.000đ là tài sản chung của vợ chồng cụ Bùi Thị N1 và cụ Bùi Văn T2. Xác định phần quyền tài sản của cụ N1 trong khối tài sản chung vợ chồng gồm: Quyền sử dụng 1822,9m2 đất trị giá 993.950.000đ (trong đó có 150m2 đất ở trị giá 157.500.000đ; 89,5m2 đất ao (đất nuôi trồng thủy sản) trị giá 44.750.000đ;
1583,4m2 đất trồng cây lâu năm trị giá 791.700.000đ; trị giá tài sản trên đất = 50.075.500đ. Tổng trị giá tài sản = 1.044.025.500đ.
Xác định di sản mà cụ T2 để lại gồm: Quyền sử dụng 1822,9m2 đất trị giá 993.950.000đ (trong đó có 150m2 đất ở trị giá 57.500.000đ; 89,5m2 đất ao (đất nuôi trồng thủy sản) trị giá 44.750.000đ; 1583,4m2 đất trồng cây lâu năm trị giá 791.700.000đ); trị giá tài sản trên đất là 50.075.500đ. Tổng trị giá di sản = 1.044.025.500đ.
Xác định 01 nhà vệ sinh 5,2m2 trị giá 11.185.000đ là tài sản riêng của cụ N1. 3. Áng trích công sức cho vợ chồng ông Q, bà T1 trị giá 130.503.187đ từ khối di sản mà cụ T2 để lại.
4. Sau khi áng trích công sức cho vợ chồng ông Q, di sản của cụ T2 còn lại để phân chia trị giá 913.522.313đ. Cụ N1, bà P1, bà Đ, bà T, bà S, bà V, ông Q mỗi người được hưởng kỷ phần thừa kế trị giá 130.503.187đ.
5. Chấp nhận sự tự nguyện của ông Q, bà T1 nhập toàn bộ tài sản mà mình được nhận trong vụ án này vào khối tài sản chung vợ chồng. Ghi nhận sự tự nguyện của cụ N1 cho bà V và bà S toàn bộ tài sản mà cụ N1 được hưởng, được chia trong vụ án này.
6. Chia bằng hiện vật:
* Giao cho ông Bùi Văn Q và bà Lê Thị T1 1694,8m2 đất tại thửa 12, tờ bản đồ số 17 ở thôn V, xã T, huyện T, tỉnh Hải Dương theo hình E’E’’S’’S’SRQPONML’’G’H’I’J’K’L’M’N’O’P’F’ (có sơ đồ chi tiết kèm theo), trong đó có 38 m2 đất ở trị giá= 39.900.000đ; 1656,8m2 đất trồng cây lâu năm trị giá = 828.400.000đ.
Ông Q, bà T1 được sở hữu toàn bộ cây cối, công trình, tài sản trên đất được giao gồm:
+ Tài sản do vợ chồng cụ N1 và cụ T2 tạo lập là: Nhà tầng 1 trị giá 98.591.000đ ( trong đó giá trị phần tài sản của cụ N1 là 49.295.500đ, và trị giá di sản mà cụ T2 để lại là 49.295.500đ).
+ Tài sản riêng của cụ N1 gồm: 01 nhà vệ sinh 5,2m2 trị giá 11.185.000đ (đã làm tròn số).
+ Các công trình, cây cối, tài sản khác là tài sản chung của vợ chồng ông Q bà T1 nằm trên phần đất được giao.
* Giao chung cho bà S và bà V 900,1m2 đất tại thửa 12, tờ bản đồ số 17 tại thôn V, xã T, huyện T, tỉnh Hải Dương, theo hình FGHIJKLL”G’H’I’J’K’L’M’N’O’P’F’ (có sơ đồ chi tiết kèm theo), trong đó có 187m2 đất ở trị giá 196.350.000đ; 713,1m2 đất trồng cây lâu năm trị giá 356.550.000đ.
Bà V và bà S được sở hữu toàn bộ cây cối, công trình trên đất được giao gồm:
+ Tài sản do vợ chồng cụ N1 và cụ T2 tạo lập là: kè ao; 03 cây mít số 22, 21, 26. Tổng trị giá tài sản là 1.560.000đ ( trong đó giá trị phần tài sản của cụ N1 780.000đ, và trị giá di sản mà cụ T2 để lại = 780.000đ).
+ Tài sản do vợ chồng ông Q, bà T1 tạo lập gồm: Mít 15 trị giá 310.000đ, mít 16 trị giá 550.000đ, mít 17 trị giá 240.000đ, mít 18 trị giá 310.000đ, mít 19 trị giá 650.000đ, mít 20 trị giá 650.000đ, mít 23 trị giá 550.000đ, mít 24 trị giá 650.000đ, mít 25 trị giá 60.000đ; thanh long bụi 1, từ bụi 35 đến bụi 52 có tổng trị giá là 1.900.000đ; chanh số 7 trị giá 60.000đ, chanh số 8 trị giá 120.000đ, chanh số 9 trị giá 90.000đ, chanh số 10 trị giá 90.000đ; vải 102 trị giá 400.000đ, vải 103 trị giá 400.000đ, vải 104 trị giá 400.000đ, vải 105 trị giá 400.000đ, vải 106 trị giá 400.000đ, 107 trị giá 330.000đ, 108 trị giá 70.000đ, 109 trị giá 330.000đ; hồng xiêm từ cây số 9 đến cây 27 có tổng trị giá là 50.000đ x 19= 950.000đ; bưởi 26 trị giá 750.000đ, bưởi 27 trị giá 750.000đ, bưởi 30 trị giá 750.000đ, bưởi 31 trị giá 750.000đ, bưởi 32 trị giá 200.000đ, bưởi số 33 đến số 43 có tổng trị giá 750.000đ x 11= 8.250.000đ; cây đào số 1 trị giá 40.000đ; cây quất số 5 trị giá 40.000đ; cây chay số 5 trị giá 40.000đ; cây cau số 2 trị giá 200.000đ; 5m2 trạt bê tông trị giá 0 đồng; 1,56m2 hàng rào thép trị giá 710.000đ (đã làm tròn số). Tổng trị giá tài sản trên đất là 22.390.000đ.
* Giao chung cho bà S, bà V, bà Đ, bà T, bà P1 1037,2m2 đất tại thửa 12, tờ bản đồ số 17 và thửa 215, tờ bản đồ số 20 tại thôn V, xã T, huyện T, tỉnh Hải Dương, theo hình :
E’E”S”S’STUVXY (có sơ đồ chi tiết kèm theo), trong đó có 75m2 đất ở trị giá= 78.750.000đ; 179m2 đất ao (đất nuôi trồng thủy sản; hiện trạng đã san lấp thành vườn trồng cây) trị giá 89.500.000đ và 783,2m2 đất trồng cây lâu năm trị giá 391.600.000đ.
Bà S, bà V, bà Đ, bà T, bà P1 được sở hữu toàn bộ tài sản trên đất được giao, cụ thể gồm:
Cây chay số 3 và số 4 có tổng giá trị 380.000đ; dừa số 1 trị giá 320.000đ; thanh long từ số 2 đến số 26 có tổng trị giá là 2.600.000đ; vải 51 trị giá 400.000đ, vải 52 trị giá 400.000đ, vải 53 đến vải 56 có tổng trị giá = 520.000đ x 4= 3.120.000đ, vải số 57 đến 59 và vải 61 đến 63, vải 65 có tổng trị giá= 400.000đ x 7= 2.800.000đ, vải 60 trị giá 270.000đ, vải 64 trị giá 270.000đ, vải 66 trị giá 70.000đ, vải 67 trị giá 270.000đ, vải 68 đến 70 có tổng trị giá= 3 x 520.000đ= 1.560.000đ, vải 71 đến 75 có tổng trị giá = 270.000đ x 5= 1.350.000đ, vải 76 trị giá 170.000đ, vải 77 trị giá 170.000đ, vải 78 trị giá 270.000đ, vải 79 đến 81 có tổng trị giá= 400.000đ x 3= 1.200.000đ, vải 82 đến 84 có tổng trị giá = 330.000đ x 3 = 990.000đ, vải 85 trị giá 400.000đ; hồng xiêm số 2, 3, 4, 5 có tổng trị giá là 200.000đ; bưởi 10 trị giá 58.000đ, bưởi số 11 đến số 25 có tổng trị giá = 750 x 15 = 11.250.000đ; mít 4 trị giá 380.000đ, mít 5 trị giá 60.000đ, mít 6 trị giá 310.000đ, mít 7 trị giá 550.000đ, mít 8 trị giá 60.000đ, mít 9 trị giá 240.000đ, mít 10 trị giá 240.000đ, mít 11 trị giá 380.000đ, mít 12 trị giá 380.000đ, mít 13 trị giá 550.000đ, mít 28 trị giá 650.000đ; 12,35m2 hàng rào thép trị giá 5.619.500đ (đã làm tròn số). Tổng trị giá tài sản là 37.937.500đ.
* Giao chung cho vợ chồng ông Q, bà T1; bà V và bà S 13,7m2 đất trồng cây lâu năm, trị giá 6.850.000đ để làm lối đi chung ra đường thôn xóm (phần quyền của vợ chồng ông Q là 1/2 đất này trị giá = 3.425.000đ; phần quyền của bà V và bà S là ½ đất này trị giá= 3.425.000đ). Ông Q, bà T1, bà V, bà S sở hữu chung tài sản trên đất này gồm: 13,7m2 trạt bê tông, cổng sắt; tổng trị giá tài sản trên đất này là 2.730.000đ. Bà V và bà S phải hoàn trả ½ giá trị tài sản trên đất cho ông Q và bà T1 = 1.365.000đ.
7. Thanh toán chênh lệch giá trị tài sản được nhận và giá trị tài sản trên đất được giao.
Bà S, bà V, bà Đ, bà T, bà P1 có trách nhiệm thanh toán chung giá trị tài sản trên đất cho ông Q và bà T1 37.937.500đ.
Bà V và bà S có trách nhiệm thanh toán chung giá trị tài sản trên đất cho ông Q, bà T1 là 23.755.000đ.
Ông Q, bà T1 có trách nhiệm thanh toán giá trị chênh lệch tài sản cho bà S và bà V nhận chung số tiền là 627.829.000đ (đã làm tròn số). Đối trừ với phần giá trị của tài sản trên đất mà bà V và bà S phải trả cho ông Q, bà T1 là 23.755.000, ông Q và bà T1 còn phải trả cho bà V, bà S 604.074.000đ.
Ông Q, bà T1 có trách nhiệm thanh toán chênh lệch giá trị tài sản cho bà S, bà V, bà Đ, bà T, bà P1 nhận chung số tiền là 92.666.000đ (đã làm tròn số). Đối trừ với phần giá trị của tài sản trên đất mà bà S, bà V, bà Đ, bà T, bà P1 phải trả cho ông Q, bà T1 là 37.937.500đ, ông Q và bà T1 còn phải trả cho bà S, bà V, bà Đ, bà T, bà P1 54.728.500đ.
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án khoản tiền trên mà người phải thi hành án chậm thi hành thì phải trả lãi suất đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Lãi suất phát sinh do chậm thi hành được xác định theo khoản 2 Điều 357, Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.
Ngoài ra, bản án còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.
Sau khi xét xử sơ thẩm, bị đơn ông Bùi Văn Q kháng cáo toàn bộ bản án, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm vì khi bố ông là cụ T2 còn sống đã để lại chúc thư định đoạt 3 sào vườn làm nơi thờ cúng nên diện tích đất này không được chia di sản mà phải giao cho ông là con trưởng quản lý để thờ cúng tổ tiên, đề nghị Tòa án giám định chúc thư; ngoài ra khi bố ông còn sống đã nói cho vợ chồng ông 2,6 sào vườn (phần giáp đất bà P2) nên đây là tài sản riêng của vợ chồng ông, không được chia; đề nghị xác định lại nhân thân của bà S và bà V (bà S đã sử dụng ngày tháng năm sinh của bà V và ngược lại) nên việc những người có quyền lợi - nghĩa vụ liên quan ủy quyền cho bà S là không đảm bảo; tầng 1 của ngôi nhà là tài sản chung của các cụ với vợ chồng ông, không phải là di sản thừa kế.
Tại giai đoạn phúc thẩm, ông Q không xuất trình được tài liệu là mẫu chữ ký, chữ viết của cụ T2 làm mẫu so sánh cho việc giám định như yêu cầu của ông Q. Ông Q trình bày vợ chồng ông đã san lấp ao của các cụ nhưng cấp sơ thẩm đã trích trả công sức trông nom, quản lý, tôn tạo đất là di sản thừa kế cho vợ chồng ông bằng 1 suất thừa kế nên ông không đề nghị những người thừa kế khác phải trả tiền giá trị san lấp ao cho vợ chồng ông nữa.
Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Q bổ sung thêm nội dung kháng cáo, đề nghị khi chia tài sản chung của cụ T2 và cụ N1 cần chia cho cụ T2 nhiều hơn chứ không được chia tỷ lệ 50-50 như sơ thẩm đã quyết định; các nội dung kháng cáo khác ông vẫn giữ nguyên; bà S, bà V, cụ N1, bà P1, bà Đ, bà T không đồng ý với kháng cáo của ông Q, đề nghị giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm.
Đại diện Viện kiểm sát phát biểu quan điểm: Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Về việc giải quyết vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự, không chấp nhận kháng cáo của ông Bùi Văn Q, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Thanh Hà; miễn án phí dân sự phúc thẩm cho ông Q.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra công khai tại phiên toà, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, Hội đồng xét xử (viết tắt là HĐXX) nhận định:
[1] Về tố tụng: Kháng cáo của ông Bùi Văn Q trong thời gian luật định và đã nộp tạm ứng án phí đầy đủ nên kháng cáo hợp lệ.
[2] Về nội dung kháng cáo của ông Q: [3] Đối với kháng cáo về nhân thân của nguyên đơn: Ông Q cho rằng bà Bùi Thị S đã sử dụng thông tin cá nhân của bà Bùi Thị V (ngày, tháng, năm sinh, địa chỉ) nên việc ủy quyền của bà V, cụ N1, bà Bà T5, bà P1, bà Đ không đúng, HĐXX thấy tại đơn khởi kiện đề ngày 02/10/2022 có ghi người khởi kiện là bà Bùi Thị S, sinh năm 1964, cư trú tại thôn P, xã T, huyện T, tỉnh Hải Dương; tại tờ tường trình về mối quan hệ nhân thân của cụ Bùi Thị N1 cũng xác định cụ N1 và cụ T2 có con bà Bùi Thị S, sinh ngày 01/01/1964, hộ khẩu thường trú tại thôn P, xã T, huyện T, tỉnh Hải Dương và đã được Chủ tịch UBND xã T xác nhận thông tin trên là đúng. Tòa án đã đối chiếu với căn cước công dân của bà S, số căn cước 030164xxxx75 do Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cấp ngày 01/9/2021 thấy người trực tiếp tham gia tố tụng phù hợp với căn cước công dân của bà S nên xác định bà Bùi Thị S là người khởi kiện và nhận ủy quyền là hoàn toàn hợp pháp.
[4] Đối với chúc thư do ông Q xuất trình: Ông Q trình bày, khi còn sống, cụ T2 đã viết 01 chúc thư thể hiện cụ định đoạt 3 sào vườn để thờ cúng giỗ tết nên 3 sào vườn không phải là di sản thừa kế để chia. Xem xét bản chúc thư do ông Q giao nộp, HĐXX thấy bản chúc thư không ghi tên, không có chữ ký của người viết, không có người làm chứng cũng như không có xác nhận của chính quyền địa phương nên không có căn cứ xác định chúc thư thể hiện ý chí của ai; nội dung bản chúc thư ghi “đề cương 1997: để lại 3 sào vườn gồm xung quanh thổ cư để cúng giỗ tết (tính theo sản lượng hàng năm) gồm 3 ngày (1) 20-10 (2) 6 tết (3) ngày tháng năm gồm tất cả anh em con cháu nội và ngoại tập trung đầy đủ để cúng giỗ và phải thực sự đoàn kết (trừ - Kiệm - con mù) nghiêm cấm không ai được bán. Bán là nghịch đạo”. Ông Q cho rằng bản chúc thư này do cụ T2 viết nhưng ông Q không xuất trình được mẫu chữ ký, chữ viết của cụ T2 để làm mẫu so sánh khi giám định; mặt khác nội dung chúc thư không rõ ràng, không thể hiện người lập di chúc, người hưởng di sản cũng như di sản cụ thể như thế nào. Do đó, bản chúc thư mà ông Q giao nộp không đảm bảo nội dung, hình thức của di chúc theo quy định tại các điều 624, 630, 631 Bộ luật dân sự nên không có giá trị pháp lý. Ngoài ra, ông Q không xuất trình thêm được di chúc nào khác của cụ T2 nên xác định cụ T2 không có di chúc, di sản thừa kế của cụ T2 được chia theo pháp luật.
[5] Đối với việc tặng cho đất của cụ T2: Ông Q trình bày, từ năm 1986 khi còn sống, cụ T2 đã tặng cho vợ chồng ông 2,6 sào vườn, vị trí giáp đất của bà P2, cụ T2 tặng cho nhưng không lập văn bản, giấy tờ gì, chỉ nói miệng và có người làm chứng là bà Bùi Thị P, bà Bùi Thị T (là chị gái ông) đã xác nhận nội dung này. Tuy nhiên, tại biên bản ghi lời khai và tại phiên tòa, bà Bùi Thị P, bà Bùi Thị T đều khẳng định cụ T2 chưa bao giờ tặng cho hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho vợ chồng ông Q (chỉ cho vợ chồng ông Q được trồng cây trên phần đất giáp nhà bà P2). Cụ Bùi Thị N1 và những người có quyền lợi - nghĩa vụ liên quan khác là bà Bùi Thị S, Bùi Thị V và Bùi Thị Đ cũng xác nhận cụ T2 chưa bao giờ tặng cho vợ chồng ông Q đất. Ngoài ra, ông Q không có tài liệu nào khác chứng minh. Đến ngày 20/02/2004, cụ T2 (T3) và cụ N1 được UBND huyện T cấp GCNQSD đất với tổng diện tích 3235m2 (gồm cả phần vườn giáp nhà bà P2), vợ chồng ông Q không được cấp GCNQSD phần đất nào nên có căn cứ xác định cụ T2 không tặng cho vợ chồng ông Q đất như ông Q trình bày. Do đó, thửa đất số 12 tờ bản đồ số 17 và thửa đất số 215 tờ bản đồ số 20 là tài sản chung của cụ T2 và cụ N1. [6] Đối với kháng cáo cho rằng tầng 01 của ngôi nhà 02 tầng là tài sản chung của cụ T2, cụ N2 và vợ chồng ông Q, không phải tài sản riêng của cụ T2 và cụ N2 (có ông Trịnh Đình S1- thợ xây làm chứng), HĐXX thấy: Cụ N1 và các bà Bùi Thị S, Bùi Thị V, Bùi Thị P, Bùi Thị Đ, Bùi Thị T đều khẳng định tầng 1 của ngôi nhà 2 tầng là do cụ T2 bỏ tiền và thuê thợ xây, đó là tài sản chung của cụ T2 và cụ N1, sau khi các cụ xây xong tầng 1 mới cho vợ chồng ông Q ở cùng và cho vợ chồng ông Q xây tiếp lên tầng 2. Người làm chứng là ông Trịnh Đình S1 (thợ xây nhà năm 1994) xác định cụ T2 trực tiếp bảo ông xây nhà và trả tiền công cho ông, chỉ khi xây tầng 2 của ngôi nhà thì ông Q mới thuê ông. Ngoài ra, ông Q không có tài liệu nào khác chứng minh vợ chồng ông có đóng góp xây dựng tầng 1 ngôi nhà nên Tòa án cấp sơ thẩm xác định tầng 01 ngôi nhà là tài sản chung của cụ T2 và cụ N1, chia tài sản chung và chia thừa kế tài sản của cụ T2 đối với tầng 1 ngôi nhà là có căn cứ.
[7] Cụ Bùi Văn T2 chết ngày 04/3/2004 không để lại di chúc, cụ T2 và cụ N2 có 07 người con là ông Bùi Văn T4, bà Bùi Thị P, bà Bùi Thị Đ, bà Bùi Thị T, bà Bùi Thị S, bà Bùi Thị V, ông Bùi Văn Q, ngoài ra cụ T2 và cụ N1 không có con nuôi hoặc con riêng nào khác; bố mẹ cụ T2 đều chết trước cụ T2; các đương sự đều trình bày, ông Bùi Văn T4, sinh năm 1952, chết năm 1976, khi chết không có con, nội dung này phù hợp với xác nhận của chính quyền địa phương nên hàng thừa kế thứ nhất của cụ T2 gồm bà Bùi Thị P, bà Bùi Thị Đ, bà Bùi Thị T, bà Bùi Thị S, bà Bùi Thị V và ông Bùi Văn Q. Tài sản của cụ T2 và cụ N2 gồm: Thửa đất số 12, tờ bản đồ số 17 và thửa 215, tờ bản đồ số 20 tại thôn V, xã T với tổng diện tích là 3645,8m2; trên đất có 03 cây mít, nhà tầng 1; ngoài ra tài sản riêng của cụ N1 là 01 nhà vệ sinh 5,2m2. Các tài sản khác trên đất là tài sản riêng của vợ chồng ông Q, bà T1. [8] Tòa án cấp sơ thẩm xác định thời điểm mở thừa kế, hàng thừa kế, di sản thừa kế của cụ T2, tài sản riêng của cụ N1 và vợ chồng ông Q, bà T1 để xác định tài sản chung của cụ T2, cụ N1, chia di sản thừa kế của cụ T2 để lại là đúng quy định của pháp luật. Khi chia di sản thừa kế, cấp sơ thẩm đã trích trả công sức trông nom, quản lý di sản cho vợ chồng ông Q và căn cứ vào hiện trạng nhà đất, nhu cầu sử dụng đất để chia di sản bằng hiện vật cho các đương sự đúng quy định của pháp luật, đảm bảo được quyền lợi của các đồng thừa kế.
[9] Từ những phân tích trên, HĐXX thấy không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của công Bùi Văn Q, cần giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Thanh Hà.
[10] Về án phí phúc thẩm: Kháng cáo của ông Q không được chấp nhận nhưng ông Q là người cao tuổi và có đề nghị miễn án phí nên HĐXX miễn án phí dân sự phúc thẩm cho ông Q.
[11] Các nội dung khác của bản án không có kháng cáo, kháng nghị, không được HĐXX xem xét giải quyết có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 1 Điều 308, khoản 1 Điều 148 của Bộ luật tố tụng dân sự; điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án:
1. Không chấp nhận kháng cáo của ông Bùi Văn Q; giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 10/2023/DS-ST ngày 20/7/2023 của Tòa án nhân dân huyện Thanh Hà.
2. Về án phí: Miễn án phí dân sự phúc thẩm cho ông Bùi Văn Q.
3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tranh chấp chia di sản thừa kế và chia tài sản chung số 99/2023/DS-PT
Số hiệu: | 99/2023/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hải Dương |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 27/12/2023 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về