Bản án về tranh chấp chia di sản thừa kế số 28/2021/DS-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC

BẢN ÁN 28/2021/DS-PT NGÀY 25/06/2021 VỀ TRANH CHẤP CHIA DI SẢN THỪA KẾ

Ngày 25 tháng 6 năm 2021, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 01/2021/TLPT-DS ngày 13 tháng 01 năm 2021, về việc “Tranh chấp chia di sản thừa kế”. Do bản án Dân sự sơ thẩm số 19/2020/DS-ST ngày 20 tháng 11 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện B có kháng cáo, bị kháng nghị. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 26/2021/QĐ-PT ngày 14 tháng 4 năm 2021, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Nguyễn Văn M, sinh năm 1968.

Địa chỉ: Thôn T, xã P, huyện B, tỉnh Vĩnh Phúc, “có mặt”.

2. Bị đơn: Ông Nguyễn Văn N, sinh năm 1974.

Địa chỉ: Thôn T, xã P, huyện B, tỉnh Vĩnh Phúc, “có mặt”.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Bà Nguyễn Thị H, sinh năm 1984, (là vợ ông N1).

Địa chỉ: Thôn T, xã P, huyện B, tỉnh Vĩnh Phúc, “có mặt”.

3.2. Bà Nguyễn Thị U, sinh năm 1960.

Địa chỉ: Thôn L, xã Q, huyện Đ, tỉnh Vĩnh Phúc, “vắng mặt”.

3.3. Bà Nguyễn Thị A, sinh năm 1969.

Địa chỉ: Thôn I, xã S, huyện O, thành phố Hà Nội, “vắng mặt”.

3.4. Bà Nguyễn Thị C, sinh năm 1973.

Địa chỉ: Thôn T, xã P, huyện B, tỉnh Vĩnh Phúc, “vắng mặt”.

Người đại diện theo ủy quyền của bà Nguyễn Thị C, bà Nguyễn Thị U, bà Nguyễn Thị A là ông Nguyễn Văn M, sinh năm 1968, (Văn bản ủy quyền ngày 26 tháng 4 năm 2019).

3.5. Chị Nguyễn Thị D, sinh năm 1986.

Địa chỉ: Thôn G, xã E, thành phố F, tỉnh Lào Cai, “vắng mặt”.

3.6. Anh Nguyễn Văn K, sinh năm 1990.

Địa chỉ: Thôn Z, xã Y, huyện V, tỉnh Lào Cai, “vắng mặt”.

3.7. Bà Trần Thị W, sinh năm 1966. Không rõ địa chỉ 3.8. Chị Nguyễn Thị X, sinh năm 1989. Không rõ địa chỉ.

4. Người kháng cáo: Ông Nguyễn Văn M, ông Nguyễn Văn N.

5. Viện kiểm sát kháng nghị: Viện kiểm sát nhân dân huyện B.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại đơn khởi kiện đề ngày 09 tháng 4 năm 2019 và trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn M trình bày:

Bố mẹ ông là cụ Nguyễn Văn T1, sinh năm 1937 (chết ngày 03 tháng 03 năm 1995) và cụ Lê Thị Hồng S1, sinh năm 1938 (chết ngày 07 tháng 11 năm 2015); bố mẹ đẻ của cụ T1, cụ S1 cũng đều đã chết trước ; cụ T1, cụ S1 sinh được 06 người con bao gồm bà Nguyễn Thị U, ông Nguyễn Văn D1, sinh năm 1962 (đã chết năm 2005, ông D1 có vợ là bà Trần Thị W và có con là Nguyễn Thị D, Nguyễn Thị X, Nguyễn Văn K), ông Nguyễn Văn M, bà Nguyễn Thị A, bà Nguyễn Thị C và con út là Nguyễn Văn N; các cụ không có con nuôi, con riêng nào; khi các cụ chết không để lại di chúc; khi cụ Nguyễn Văn T1 chết thì cụ Lê Thị Hồng S1 đứng ra lo toan và sau đó ông trực tiếp nuôi dưỡng cụ S1 đến khi chết, ông trực tiếp đứng ra lo toan, gánh vác, các anh em khác chỉ đóng góp, tổ chức theo phong tục; tài sản khi cụ T1, cụ S1 chết để lại là quyền sử dụng đất diện tích 480m2, ở thửa đất số 220, tờ bản đồ số 17, tại: Thôn T, xã P, huyện B, tỉnh Vĩnh Phúc, (trong đó có 200m2 đất ở và 280m2 đất vườn) đã được Ủy ban nhân dân huyện Đ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số G 855213, đứng tên cụ Nguyễn Văn T1 và các tài sản có trên đất sau này ông N1 quản lý, sử dụng và đã dỡ bỏ; hiện nay toàn bộ diện tích đất của cụ T1, cụ S1 đang do ông N1 quản lý, sử dụng, xây dựng nhà và các công trình phụ, sân gạch trên diện tích đất của các cụ để lại; mặc dù là đất hương hỏa, tổ tiên xong ông N1 cấm đoán tất cả các anh em không được sử dụng, ngăn cản đường đi, có những lời lẽ xúc phạm danh dự nhân phẩm anh em trong gia đình, ngang nhiên xây dựng khi anh em trong gia đình không đồng ý.

Vì vậy, ông đề nghị Tòa án chia di sản thừa kế của cụ Nguyễn Văn T1 và cụ Lê Thị Hồng S1 để lại là thửa đất số 220, tờ bản đồ số 17, tại Thôn T, xã P, huyện B, tỉnh Vĩnh Phúc, diện tích đo hiện trạng là 341,8m2 cho tất cả 06 người con của cụ T1, cụ S1 để lại; phần của ông, ông đề nghị chia cho ông bằng diện tích đất cụ thể để ông lấy chỗ thờ cúng hương hỏa, tổ tiên vì ông có công trực tiếp nuôi dưỡng cụ S1 và làm ma khi cụ qua đời, phần còn lại chia cho 5 người con; nếu không ai nhận bằng hiện vật thì ông xin nhận và nếu có đề nghị ông sẽ thanh toán bằng tiền cho những người không nhận.

Đến nay ông không biết bà Trần Thị W và chị Nguyễn Thị X đang cư trú, sinh sống làm ăn ở đâu, còn sống hay đã chết, không liên lạc gì với ông và gia đình Về chi phí định giá và chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ ông xin chịu toàn bộ, không đề nghị Tòa án xem xét, giải quyết.

Bị đơn là ông Nguyễn Văn N trình bày: Về quan hệ gia đình, các thành viên trong gia đình, thời điểm các cụ chết, tài sản các cụ để lại, những người thuộc hàng thừa kế của cụ Nguyễn Văn T1 và cụ Lê Thị Hồng S1 cũng như thừa kế thế vị của ông Nguyễn Văn D1, những tài sản mới, những người vắng mặt như nguyên đơn trình bày là đúng. Hiện nay toàn bộ thửa đất số 220, tờ bản đồ số 17, tại Thôn T, xã P, huyện B, tỉnh Vĩnh Phúc đang do gia đình ông sử dụng (vợ là Nguyễn Thị H, các con của ông còn nhỏ, không liên quan gì); đối với yêu cầu khởi kiện chia di sản của ông M1, ông có quan điểm như sau:

Thực tế ông được biết tổng diện tích đất của cụ Nguyễn Văn T1 và cụ Lê Thị Hồng S1 là 931m2, ở thửa đất 220, tờ bản đồ số 17 (theo bản đồ số 299, đang do Ủy ban nhân dân xã P quản lý có từ trước năm 1987), đến ngày 23 tháng 12 năm 1993 thì Ủy ban nhân dân huyện Đ (cũ), nay là UBND huyện B đã có quyết định số 685/UBND cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân của Thôn T và xã P, theo đó thì ông M1, ông D1 đã được hưởng diện tích đất trong tổng diện tích đất 931m2, còn lại 480m2 để đứng tên cụ Nguyễn Văn T1 thì gia đình ông đang sử dụng; nay nếu ông Nguyễn Văn M yêu cầu chia diện tích đất 480m2, ông cũng nhất trí chia di sản thừa kế đối với diện tích đất này; xong đồng thời ông cũng đề nghị Tòa án làm rõ diện tích đất 931m2 của cụ T1 đã có tên trên bản đồ địa chính của UNBD xã P, chia cho ai, và thủ tục như thế nào, nếu ông M1 được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà đúng trình tự thủ tục thì ông M1 được sử dụng đối với phần diện tích đất 451m2 (931- 480 = 451m2), còn nếu không thì ông cũng đề nghị hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông M1 để tất cả là về tài sản chung đem chia di sản thừa kế cho các đồng thừa kế, vì khi ông M1 kê khai, làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông M1 là làm không đúng trình tự pháp luật; ông đề nghị nếu chia di sản thừa kế diện tích đất của cụ T1 thì đồng thời cũng phải coi diện tích đất đứng tên ông M1 là di sản thừa kế của các cụ để đem chia cho các thành viên.

Thực tế khi lúc ông làm nhà trên diện tích đất của cụ T1 và cụ S1 thì không ai có ý kiến phản đối hay thắc mắc gì và lúc đó cụ S1 vẫn còn sống do đó ông không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông M1 chỉ đề nghị chia di sản thừa kế của cụ Nguyễn Văn T1 và cụ Lê Thị Hồng S1.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị H trình bày: Bà là vợ ông Nguyễn Văn N, về nguồn gốc diện tích đất đang tranh chấp chia di sản thừa kế là của cụ Lê Thị Hồng S1 và cụ Nguyễn Văn T1 để lại, khi bà về làm dâu thì đã có diện tích đất này và cụ S1 cho ông bà ra ở riêng, khi cho ra ở riêng cụ S1 chỉ nói với ông bà bằng miệng, khi xây dựng công trình trên đất này thì cụ S1 vẫn còn sống, không có ý kiến phản đối nên gia đình bà vẫn ở trên đất này từ khi bà kết hôn với ông N1 đến nay, vì bà làm dâu của cụ T1 và cụ S1 nên bà không liên quan đến diện tích đất này, nay bà nhất trí với ý kiến của ông N1; đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị U, bà Nguyễn Thị A trình bày: Các bà là con của cụ Nguyễn Văn T1 và cụ Lê Thị Hồng S1; về quan hệ gia đình, thời điểm các cụ chết, tài sản các cụ để lại như nguyên đơn, bị đơn trình bày là đúng; đối với tài sản của cụ T1, cụ S1 để lại các bà đề nghị chia theo pháp luật; đối với kỷ phần của các bà được hưởng, các bà tặng cho ông M1 được hưởng.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là chị Nguyễn Thị D trình bày: Chị xác nhận về quan hệ gia đình, các thành viên trong gia đình, thời điểm các cụ chết, di sản thừa kế mà các cụ để lại như các đương sự trình bày trên là đúng, chị là cháu nội của cụ Nguyễn Văn T1 và Lê Thị Hồng S1, là con của ông Nguyễn Văn D1 và Trần Thị W, ông D1 đã chết vào ngày 29/12/2004 (âm lịch), trước khi chết thì ông D1 và bà W cũng đã được Tòa án nhân dân huyện V, tỉnh Lào Cai giải quyết ly hôn; khi chết cụ T1, cụ S1 để lại diện tích đất ở thửa đất số 220, tờ bản đồ số 17, tại Thôn T, xã P, huyện B, tỉnh Vĩnh Phúc; hiện nay toàn bộ diện tích đất này ông N1 đang quản lý, sử dụng; nay ông M1 yêu cầu chia di sản thừa kế của các cụ để lại chị đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là anh Nguyễn Văn K trình bày: Về quan hệ gia đình, tài sản các cụ để lại, thời điểm các cụ chết như các đương sự trình bày là đúng; anh là con trai duy nhất của ông Nguyễn Văn D1, chị Nguyễn Thị D là cả, chị Nguyễn Thị X là thứ; đối với bà Trần Thị W thì trước khi ông D1 chết thì ông bà đã được Tòa án giải quyết cho ly hôn, giao nuôi con và chia tài sản; đối với chị Nguyễn Thị X đã đi xây dựng gia đình ở nơi xa, anh cũng không có địa chỉ cụ thể, không biết đang cư trú ở đâu, làm gì, không có số điện thoại để liên lạc nên không có thông tin để cung cấp cho Tòa án được.

Đối với yêu cầu chia di sản thừa kế của ông M1, anh đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật; anh đề nghị Tòa án làm rõ nguồn gốc diện tích nguyên thủy của các cụ là 931m2 đã chuyển, cho tặng những ai, đứng tên như thế nào vì thực tế thì cụ Nguyễn Văn T1 và cụ Lê Thị Hồng S1 đã chia tách đất cho các thành viên là 03 anh em trai (là ông D1, ông M1 và ông N1), ông Nguyễn Văn D1 là bố anh cũng được chia một phần, một phần chia cho ông M1, phần còn lại hiện nay ông N1 đang sử dụng thì các cụ đã cho ông N1 nên giữ nguyên như hiện tại, không ai tranh chấp của ai; nếu phải chia anh cũng đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, nếu anh được chia kỷ phần anh cũng nhận.

Với nội dung trên, Bản án dân sự sơ thẩm số 19/2020/DS-ST ngày 20/11/2020 của Tòa án nhân dân huyện B đã quyết định:

Căn cứ các Điều 609, 611, 620, 623, 651, 652 và 660 của Bộ luật Dân sự năm 2015; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

1. Xác nhận diện tích đất 341.8m2 ở thửa đất số 220, tờ bản đồ số 17 (bản đồ 299), theo bản đồ VN 2000 thì có số thửa 80, tờ bản đồ số 21 tại Thôn T, xã P, huyện B, tỉnh Vĩnh Phúc, là di sản thừa kế của cụ Nguyễn Văn T1 và cụ Lê Thị Hồng S1 để lại.

2. Chia cho ông Nguyễn Văn N được quyền sử dụng diện tích đất 341,8m2 ở thửa đất số 220, tờ bản đồ số 17, tại Thôn T, xã P, huyện B, tỉnh Vĩnh Phúc (có sơ đồ kèm theo).

Ông Nguyễn Văn N có quyền liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm thủ tục và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật.

3. Buộc ông Nguyễn Văn N phải thanh toán kỷ phần thừa kế cho các đồng thừa kế như sau:

- Thanh toán kỷ phần thừa kế của bà Nguyễn Thị U, Nguyễn Văn M, Nguyễn Thị A và bà Nguyễn Thị C cho ông Nguyễn Văn M với số tiền là 348.000.000đồng (Ba trăm bốn mươi tám triệu đồng).

- Thanh toán kỷ phần thừa kế cho chị Nguyễn Thị D với số tiền 25.950.000đồng (Hai mươi lăm triệu chín trăm năm mươi nghìn đồng).

- Thanh toán kỷ phần thừa kế cho anh Nguyễn Văn K với số tiền 25.950.000đồng (Hai mươi lăm triệu chín trăm năm mươi nghìn đồng).

Tạm giao kỷ phần thừa kế của của chị Nguyễn Thị X được hưởng là 25.950.000đồng, (Hai mươi lăm triệu chín trăm năm mươi nghìn đồng) cho ông Nguyễn Văn N quản lý. Ông Nguyễn Văn N có trách nhiệm trả cho chị Nguyễn Thị X số tiền trên khi chị X có yêu cầu.

Ngoài ra, bản án còn tuyên về án phí dân sự, quyền thi hành án và quyền kháng cáo cho các đương sự.

Ngày 04/12/2020, nguyên đơn ông Nguyễn Văn M có đơn kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án dân sự sơ thẩm theo hướng phân chia di sản bằng hiện vật là quyền sử dụng đất cho ông.

Ngày 09/12/2020, bị đơn ông Nguyễn Văn N có đơn kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án dân sự sơ thẩm theo hướng không chấp nhận đơn khởi kiện của ông M1.

Ngày 04/12/2020, Viện kiểm sát nhân dân huyện B ban hành Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 602/QĐKN-VKSBX, đề nghị cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm do vi phạm trong việc thanh toán di sản thừa kế bằng tiền; vi phạm trong việc không xem xét công sức duy trì, tôn tạo tài sản.

Tại phiên tòa phúc thẩm: Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, đơn kháng cáo. Bị đơn sửa đổi nội dung đơn kháng cáo, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm với lý do Tòa án cấp sơ thẩm đánh giá chưa đầy đủ tài liệu, chứng cứ; không xem xét đến công sức của bị đơn … làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bị đơn.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc giữ nguyên Quyết định kháng nghị và phát biểu quan điểm:

Về tố tụng: Thẩm phán và Hội đồng xét xử đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án; các đương sự đã được thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Về đường lối giải quyết vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ Quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện B, áp dụng khoản 3 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự, hủy bản án số 19/2020/DS-ST ngày 20 tháng 11 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Vĩnh Phúc.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng: Kháng cáo của nguyên đơn ông Nguyễn Văn M, bị đơn ông Nguyễn Văn N và kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện B được làm trong hạn luật định, đơn kháng cáo, quyết định kháng nghị hợp lệ nên được Hội đồng xét xử chấp nhận để xem xét.

[2] Xét nội dung kháng cáo của nguyên đơn, bị đơn và kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện B, Hội đồng xét xử xem xét toàn bộ vụ án:

[2.1] Về quan hệ pháp luật, thẩm quyền giải quyết và thời hiệu khởi kiện:

Cụ Nguyễn Văn T1 chết ngày 03 tháng 3 năm 1995, cụ Lê Thị Hồng S1 chết ngày 07 tháng 01 năm 2015. Ngày 09 tháng 4 năm 2019, ông Nguyễn Văn M khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ T1 và cụ S1 để lại là quyền sử dụng đất có diện tích đất 480m2, tại thửa đất số 220, tờ bản đồ số 17 thuộc Thôn T, xã P, huyện B, tỉnh Vĩnh Phúc. Vì vậy, Tòa án nhân dân huyện B đã thụ lý, giải quyết và xác định quan hệ pháp luật là “Tranh chấp chia di sản thừa kế” và trong thời hiệu khởi kiện là đúng quy định tại khoản 5, Điều 26; khoản 1 Điều 35, khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự và khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015.

[2.2] Về diện và hàng thừa kế:

Cụ Nguyễn Văn T1 và cụ Lê Thị Hồng S1 có 06 người con gồm: bà Nguyễn Thị U, ông Nguyễn Văn D1, ông Nguyễn Văn M, bà Nguyễn Thị A, bà Nguyễn Thị C và ông Nguyễn Văn N, các cụ không có con riêng, con nuôi nào khác, bố mẹ của cụ T1, cụ S1 cũng đã chết trước khi cụ T1 và cụ S1 chết.

Ông Nguyễn Văn D1 chết năm 2005 (chết sau cụ T1, chết trước cụ S1. Ông D1 có vợ là bà Trần Thị W và có 03 người con gồm: Chị Nguyễn Thị D, chị Nguyễn Thị X và anh Nguyễn Văn K. Năm 2004, ông D1 và bà W đã ly hôn theo bản án Hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 04/DSST ngày 15 tháng 9 năm 2004 của Tòa án nhân dân huyện V, tỉnh Lào Cai.). Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm xác định hàng thừa kế thứ nhất của cụ T1 gồm: Cụ S1, bà Nhung, ông D1, ông M1, bà Tuất, bà Lựu và ông N1; hàng thừa kế thứ nhất của cụ S1 gồm: bà Nhung, ông M1, bà Tuất, bà Lựu, ông N1 và hàng thừa kế thế vị của ông D1 là chị D, chị X và anh K là có căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 651, Điều 652 Bộ luật Dân sự.

[2.3] Về di sản thừa kế:

Cụ T1, cụ S1 chết không để lại di chúc. Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu chia di sản của cụ T1, cụ S1 để lại là quyền sử dụng đất thuộc thửa đất số 220, tờ bản đồ số 17, diện tích 480m2 tại Thôn T, xã P, huyện B, tỉnh Vĩnh Phúc đã được Ủy ban nhân dân (Sau đây viết tắt là UBND) huyện Đ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sau đây viết tắt là GCNQSDĐ) năm 1993 theo số hiệu G 855213, số vào sổ 165/QSDĐ.

Bị đơn ông Nguyễn Văn N có quan điểm ông không đồng ý chia di sản thừa kế vì ông M1, ông D1 và ông là con trai của cụ T1, cụ S1. Ông M1, ông D1 đã được các cụ chia đất nên diện tích đất đứng tên cụ T1 là của ông. Nếu Tòa án chia thừa kế thửa đất ông đang sử dụng đứng tên cụ T1 thì ông yêu cầu chia cả thửa đất hiện nay ông M1 đang sử dụng và được cấp GCNQSDĐ đứng tên ông M1, đồng thời hủy GCNQSDĐ đứng tên ông M1, bởi thửa đất đứng tên ông M1 và thửa đất đứng tên cụ T1 theo bản đồ năm 1987 là một thửa có tổng diện tích 931m2 đứng tên cụ T1.

Tòa án cấp sơ thẩm đã giải thích, hướng dẫn ông N1 làm thủ tục phản tố và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan làm thủ tục yêu cầu độc lập, nhưng bị đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều không thực hiện, vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét, thụ lý yêu cầu chia di sản thừa kế và hủy GCNQSDĐ đứng tên ông M1 theo ý kiến của bị đơn đưa ra. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm xác định di sản của cụ S1, cụ T1 để lại là quyền sử dụng đất có diện tích 480m2 (theo hiện trạng là 341,8m2 do quá trình sử dụng đã hiến một phần đất làm đường giao thông nông thôn cho các hộ sử dụng phía trong và đã hình thành đường giao thông nông thôn) thuộc thửa số 220, tờ bản đồ số 17, tại Thôn T, xã P, huyện B, tỉnh Vĩnh Phúc và tiến hành chia di sản thừa kế của cụ T1, cụ S1 nêu trên là có căn cứ.

[2.4] Về phân chia di sản thừa kế:

[2.4.1] Tòa án cấp sơ thẩm xác định di sản thừa kế của cụ Nguyễn Văn T1 và cụ Lê Thị Hồng S1 để lại là thửa đất số 220, tờ bản đồ số 17, tại Thôn T, xã P, huyện B, tỉnh Vĩnh Phúc, có diện tích đo hiện trạng là 341,8m2; có trị giá là 512.700.000đồng (1.500.000đ/01m2) và tiến hành chia di sản thừa kế của cụ T1, cụ S1 cụ thể:

Cụ Nguyễn Văn T1 chết năm 1995, di sản của cụ T1 là 170,9 m2 (½ của 341,8m2) có trị giá 256.350.000đồng; được chia cho 07 suất thừa kế gồm cụ Lê Thị Hồng S1 và 06 người con, mỗi suất thừa kế được hưởng là 24,4m2 có trị giá 36.600.000 đồng.

Ông Nguyễn Văn D1 chết năm 2005, ông D1 có 03 người con và lúc này cụ Lê Thị Hồng S1 vẫn còn sống nên phần tài sản của ông D1 được hưởng của cụ T1 sẽ được chia cho 04 người gồm cụ S1, chị X, chị D, anh K, mỗi suất thừa kế được hưởng là 6,1m2 có trị giá 9.150.000đồng.

Cụ Lê Thị Hồng S1 chết năm 2015, di sản của cụ S1 có 170.9m2 (½ của 341,8m2) + 24,4 m2 (suất thừa kế của cụ T1) + 6,1m2 (suất thừa kế của ông D1) = 201.4 m2 có trị giá 302.100.000đồng; di sản của cụ S1 được chia cho 05 người con và 03 thừa kế thế vị của ông Nguyễn Văn D1 là chị Nguyễn Thị D, Nguyễn Thị X, Nguyễn Văn K (chung một suất); mỗi suất thừa kế được chia là 33.6m2 có trị giá 50.400.000 đồng. Các thừa kế được chia di sản như sau:

Bà Nguyễn Thị U, ông Nguyễn Văn M, bà Nguyễn Thị A, bà Nguyễn Thị C và ông Nguyễn Văn N mỗi người được chia 24,4m2 di sản của cụ Nguyễn Văn T1 + 33,6m2 di sản của cụ Lê Thị Hồng S1 = 58m2 có trị giá 87.000.000đồng (Tám mươi bảy triệu đồng).

Đối với di sản của ông D1 được hưởng thì được chia cho hàng thừa kế thế vị của ông D1 là các con của ông D1 gồm chị D, chị X, và anh K, mỗi người được hưởng là 6,1m2 (suất thừa kế của cụ T1) và 11,2m2 (suất thừa kế thế vị của cụ S1), tổng là 17,3m2 có trị giá 25.950.000đồng Do bà Nguyễn Thị U, Nguyễn Thị A, Nguyễn Thị C đều tặng cho ông M1 đối với suất thừa kế của các bà được hưởng nên cấp sơ thẩm đã chia cho ông M1 được hưởng là 232m2 có trị giá 348.000.000đồng.

Và quyết định buộc bị đơn thanh toán di sản thừa kế cho các thừa kế bằng tiền. Đồng thời nhận định do các đương sự không yêu cầu giải quyết đối với công duy trì, bảo vệ di sản thừa kế nên không xem xét giải quyết.

[2.4.2] Xét việc phân chia di sản thừa kế và không xem xét đối với công sức quản lý, tôn tạo di sản, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm thấy rằng:

Về công sức quản lý, tôn tạo di sản: Quá trình giải quyết vụ án, các đương sự đều thừa nhận bị đơn ông Nguyễn Văn N ở cùng cụ S1, cụ T1 từ nhỏ. Sau khi cụ T1, cụ S1 chết, ông N1 là người trực tiếp quản lý, tôn tạo di sản cho đến nay. Đối với các đồng thừa kế khác thì sau khi lớn, trưởng thành đều đã có chỗ ở ổn định nơi khác, do đó, ông N1 đã có công sức trong việc quản lý, tôn tạo di sản của cụ T1, cụ S1 để lại. Quá trình giải quyết vụ án ông N1 không yêu cầu xem xét công sức vì ông không chấp nhận yêu cầu khởi kiện chia thừa kế của nguyên đơn, ông đề nghị giữ nguyên hiện trạng, còn nếu phải chia thừa kế thì ông yêu cầu chia cả quyền sử dụng đất của ông M1 đang sử dụng vì ông cho rằng thửa đất ông M1 sử dụng cũng là di sản của cụ T1, cụ S1 để lại. Do đó, trước khi chia di sản thừa kế, Tòa án cấp sơ thẩm chưa xem xét trích công sức quản lý, tôn tạo di sản cho ông N1 trong khối di sản cụ T1, cụ S1 để lại mà tiến hành chia toàn bộ di sản cho các thừa kế là chưa giải quyết triệt để vụ án, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông N1.

Đồng thời, trong vụ án này các đương sự chỉ yêu cầu chia di sản thừa kế đối với di sản của cụ T1, cụ S1 để lại. Tuy nhiên, tòa án cấp sơ thẩm lại chia cả di sản của ông Nguyễn Văn D1, trong khi các đồng thừa kế của ông D1 không yêu cầu chia và chưa làm thủ tục theo quy định của pháp luật về việc chia di sản thừa kế của ông D1 là vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện.

Ngoài ra, khi chia di sản thừa kế bằng tiền cho hàng thừa kế, Tòa án cấp sơ thẩm nhận định cụ T1 và cụ S1 có diện tích ban đầu là 931,1m²; khi các cụ còn sống đã cho tặng, chia tách cho ông D1 và ông M1 mỗi người một phần diện tích đất, sau đó ông D1 chuyển đi xây dựng vùng kinh tế mới nên chuyển nhượng lại phần diện tích đất của ông D1 cho ông M1, như vậy hiện tại ông M1 có hai diện tích đất, do đó ông M1 không thiếu chỗ ở và cũng đã được hưởng một phần diện tích đất hương hỏa của tổ tiên; đối với ông Nguyễn Văn N thì ngoài chỗ ở trên di sản của các cụ để lại thì không có chỗ ở nào khác; ông N1 cùng gia đình đã ở suốt trên diện tích đất này và kiến thiết tạo dựng tài sản trên đất, diện tích đất nếu chia nhỏ cho các thừa kế thì không đảm bảo giá trị sử dụng trong khu dân cư nông thôn, vì vậy, cấp sơ thẩm đã giao cho ông Nguyễn Văn N được quyền sử dụng toàn bộ diện tích đất là di sản của cụ T1, cụ S1 để lại và thanh toán di sản thừa kế bằng tiền cho các đồng thừa kế. Tuy nhiên, quá trình giải quyết vụ án ông M1 không thừa nhận về việc ông và ông D1 sử dụng diện tích đất của bố mẹ để lại cho ông và ông D1, mà ông cho rằng diện tích ông D1 được giao là do ông D1 đã đóng mua thanh lý kho Thôn T nên được nhà nước giao đất, sau khi ông D1 đi làm ăn ở nơi khác nên ông D1 đã chuyển nhượng lại cho ông. Diện tích 931m2 như ông N1 khai và Ủy ban nhân dân xã xác nhận cho ông N1 là đất của nhà nước cấp cho cụ T1 là không đúng mà đất đó là đất rau xanh không phải đất thổ cư (Bút lục 108). Tại phiên tòa phúc thẩm ông M1 vẫn khẳng định nội dung nêu trên và xác định diện tích đất ông đang ở là đất rau xanh 10% chứ không phải là đất thổ cư và thuộc thửa đất như ông N1 trình bày, cũng như công văn của UBND xã P trả lời cho ông N1, hay UBND xã P cung cấp cho Tòa án như nội dung tại biên bản xác minh ngày 27/5/2020. Đối với các nội dung ông M1, ông N1 trình bày và UBND xã xác nhận còn mâu thuẫn, Tòa án không thu thập các hồ sơ quản lý đất đai tại địa phương như bản đồ 299, sổ mục kê, sổ địa chính, hồ sơ cấp GCNQSDĐ … liên quan đến các thửa đất mà các đương sự trình bày để làm rõ nguồn gốc thửa đất cụ T1 được giao ban đầu là 931m2 như ông N1 trình bày và UBND xã xác nhận cho là thửa 258, diện tích 931m2 được tách ra thành các thửa đất đứng tên cụ T1, ông M1, ông D1 không, bởi theo diện tích được cấp GCNQSDĐ đứng tên cụ T1, ông D1 đã chuyển nhượng cho ông M1 và thực tế theo ông M1 khai diện tích ông đang sử dụng chưa được cấp GCNQSDĐ có sự chênh lệch nhiều về diện tích theo tài liệu UBND xã cung cấp mà từ đó cấp sơ thẩm cho rằng ông M1, ông D1 đã được bố mẹ chia đất nên không chia bằng hiện vật cho ông M1 là chưa đủ cơ sở và không phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 606 Bộ luật Dân sự năm 2015 về nguyên tắc chia di sản thừa kế.

[3] Ngoài thiếu sót nêu trên, về mặt tố tụng Tòa án cấp sơ thẩm xác định bà Trần Thị W tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan do bà W trước đó là vợ ông Nguyễn Văn D1 (là hàng thừa kế thứ nhất của cụ T1 và cụ S1) là không đúng theo quy định tại khoản 4 Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự. Bởi lẽ, quá trình giải quyết vụ án Tòa án đã xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ thể hiện ông D1 và bà W đã ly hôn năm 2004 (trước khi ông D1 chết), đồng thời tại phần nhận định và quyết định của bản án sơ thẩm cũng xác định bà W không có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Do đó, khi xét xử sơ thẩm lại Tòa án cần xác định lại tư cách người tham gia tố tụng.

[4] Do Tòa án cấp sơ thẩm có những vi phạm nêu trên mà tại phiên tòa phúc thẩm không thể khắc phục, bổ sung được và để bảo đảm hai cấp xét xử cần chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát hủy bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại.

Đối với nội dung kháng cáo của nguyên đơn, bị đơn sẽ được xem xét giải quyết khi tòa án sơ thẩm xét xử lại vụ án.

[5] Về án phí: Án phí dân sự sơ thẩm sẽ xem xét khi giải quyết lại vụ án; án phí dân sự phúc thẩm ông Nguyễn Văn M, ông Nguyễn Văn N không phải chịu nên được trả lại tiền tạm ứng án phí đã nộp tại Chi cục thi hành án dân sự huyện B.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

1. Áp dụng khoản 3 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

Hủy Bản dân sự án số: 19/2020/DS-ST ngày 20 tháng 11 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Vĩnh Phúc và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.

2. Về án phí dân sự phúc thẩm: Ông Nguyễn Văn M, ông Nguyễn Văn N không phải chịu nên ông M1 được trả lại 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số AA/2017/0009986 ngày 15/12/2020; ông N1 được trả lại 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số AA/2017/0009980 ngày 14/12/2020 của Chi cục thi hành án dân sự huyện B, tỉnh Vĩnh Phúc.

3. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

867
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp chia di sản thừa kế số 28/2021/DS-PT

Số hiệu:28/2021/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Vĩnh Phúc
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 25/06/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về