Bản án về tranh chấp chia di sản thừa kế số 05/2022/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC

BẢN ÁN 05/2022/DS-PT NGÀY 21/01/2022 VỀ TRANH CHẤP CHIA DI SẢN THỪA KẾ

Ngày 21 tháng 01 năm 2022, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 38/2021/TLPT-DS ngày 12 tháng 10 năm 2021 về việc “Tranh chấp chia di sản thừa kế”.Do Bản án dân sự sơ thẩm số 14/2021/DS-ST ngày 30 tháng 8 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện D, tỉnh Vĩnh Phúc bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 59/2021/QĐ-PT ngày 02 tháng 12 năm 2021 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị A, sinh năm 1970; (Có mặt); Địa chỉ: Thôn B, xã C, huyện D, tỉnh Vĩnh Phúc.

Người đại diện hợp pháp của bà Nguyễn Thị A: Chị Ngô Thị E, sinh năm 1996; (Theo Hợp đồng ủy quyền ngày 26/10/2021 của bà Nguyễn Thị A);

Địa chỉ: Thôn F, xã G, huyện H, thành phố Hà Nội; (Có đơn xin vắng mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn: Bà Lê Thị Y – Luật sư thuộc Công ty Luật TNHH X.

Địa chỉ: Phòng 1601, khu B, Tòa nhà M3-M4, Số 91 Nguyễn Chí Thanh, phường X, quận Đ, thành phố Hà Nội; (Có mặt).

2. Bị đơn: Bà Nguyễn Thị T, sinh năm 1959; (Có mặt) Địa chỉ: Thôn 4, khu 2, xã C, huyện D, tỉnh Vĩnh Phúc.

3. Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1 Bà Nguyễn Thị N, sinh năm 1963; (Có mặt). Địa chỉ: Thôn C, xã N, huyện D, tỉnh Vĩnh Phúc.

3.2 Bà Nguyễn Thị H, sinh năm 1967; (Có mặt);

Địa chỉ: Khu 3, xã C, huyện D, tỉnh Vĩnh Phúc.

3.3 Bà Nguyễn Thị M, sinh năm 1973; (Có đơn xin vắng mặt). Địa chỉ: Khu 4, xã C, huyện D, tỉnh Vĩnh Phúc.

3.4 Ông Bạch Văn L, sinh năm 1955; (Có mặt).

3.5 Anh Bạch Văn I, sinh năm 1986; (Có mặt).

Cùng địa chỉ: Thôn 4, Khu 2, xã C, huyện D, tỉnh Vĩnh Phúc.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện đề ngày 20 tháng 7 năm 2020, những lời khai tiếp theo nguyên đơn là bà Nguyễn Thị A trình bày:

Bố bà là cụ Nguyễn Văn K (sinh năm 1936, chết năm 2004) và mẹ bà là cụ Bùi Thị G (sinh năm 1935, chết năm 2010). Bố mẹ bà có 05 người con gái bao gồm các bà: Nguyễn Thị T, sinh năm 1959; Nguyễn Thị N, sinh năm 1963; Nguyễn Thị H, sinh năm 1967, Nguyễn Thị A, sinh năm 1970 và Nguyễn Thị M, sinh năm 1973. Mẹ bà không có con riêng hay con nuôi. Ông bà nội ngoại của bà đều đã chết trước khi bố mẹ bà chết.

Bố mẹ bà trong quá trình chung sống do mâu thuẫn nên đến năm 1991, bố mẹ bà có đơn xin ly hôn tại Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Lạc, tỉnh Vĩnh Phú đồng thời đề nghị chia tài sản là thửa đất tại địa chỉ thôn 4, khu 2, xã C, huyện D, tỉnh Vĩnh Phúc. Theo quyết định của bản án, thửa đất của bố mẹ bà được chia làm 02 phần, bố bà được 120m2 đất, mẹ bà được diện tích đất còn lại trên đất có 04 gian nhà cấp 4. Ngay sau khi ly hôn và được chia đất, bố bà đã bán luôn toàn bộ diện tích 120m2 đất cho người khác, mẹ con bà tiếp tục ở chung với nhau tại nhà trên thửa đất được chia.

Ngày 31/12/2002, thửa đất của mẹ bà được Uỷ ban nhân dân huyện D cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số W 218231 vào sổ 0715 QSDĐ mang tên hộ bà Bùi Thị G có thông tin cụ thể như sau: Thửa đất số 197, tờ bản đồ số 6, diện tích 255m2 (trong đó đất thổ cư 200m2, đất vườn 55 m2). Mặc dù giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên hộ bà Bùi Thị G nhưng là tài sản của mẹ bà được chia sau khi ly hôn, không phải là tài sản chung của bà với cụ G, khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các chị và em bà đã đi lấy chồng chỉ còn bà có tên trong sổ hộ khẩu với cụ G.

Sau khi ly hôn mẹ bà không kết hôn với ai và không có người con nào khác. Ngày 11/8/2010, do tuổi cao sức yếu, mẹ bà chết. Trước khi chết, mẹ bà không để lại di chúc. Di sản mẹ bà để lại là quyền sử dụng đất thuộc thửa đất số 197, tờ bản đồ 6, diện tích 255m2, ở khu 2, xã C, huyện D, tỉnh Vĩnh Phúc, trên đất có nhà 04 gian và công trình phụ đã xuống cấp. Sau khi mẹ chết, di sản của mẹ do bà quản lý sử dụng. Tuy nhiên, sau đó bà T và con trai về tự dựng hàng rào chia đôi thửa đất của mẹ bà và đuổi các em gái đi để chiếm toàn bộ di sản của mẹ bà để lại. Việc làm của bà T xâm hại nghiêm trọng quyền lợi ích chính đáng của bà và các đồng thừa kế khác. Vì vậy, bà khởi kiện đối với bà Nguyễn Thị T đề nghị Tòa án nhân dân huyện D chia di sản thừa kế theo pháp luật di sản của mẹ bà (cụ Bùi Thị G) để lại là quyền sử dụng thửa đất số 197, tờ bản đồ số 06, diện tích 255m2, địa chỉ thửa đất tại khu 2, xã C, huyện D, tỉnh Vĩnh Phúc đã được UBND huyện D cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số W 218231 vào sổ 0715 ngày 31/12/2002 mang tên hộ bà Bùi Thị G. Bà xin được hưởng di sản thừa kế bằng đất và xin lấy phần đất giáp nhà ông Vừa vì hiện nay bà đang ở trên diện tích đất này. Nhà, công trình phụ xây trên đất là tài sản của mẹ bà đến nay đã xuống cấp không còn giá trị sử dụng bà không yêu cầu chia nhưng được chia đất đến đâu bà xin sử dụng nhà, công trình phụ đến đấy. Hiện nay bà không có chỗ ở nào khác. Bà ở trên thửa đất đang tranh chấp từ sau khi mẹ mất năm 2010 đến nay. Bà tự nguyện không có yêu cầu về trích công sức duy trì bảo quản tài sản thừa kế.

Khi còn sống bà ở cùng mẹ đến năm 1996 bà đi miền nam làm ăn, mẹ bà ở một mình. Khi mẹ bà ốm đau thì cũng không cần con cháu chăm sóc. Khi mẹ chết thì 5 chị em cùng đóng góp lo chôn cất cho mẹ và xây mộ. Bà không đề nghị gì về công sức nuôi mẹ hay việc lo mai táng, xây mộ.

Đề nghị anh I tháo dỡ tường xây, phần tôn chắn, những thanh sắt vuông từ cổng vào đến giáp tường hậu ngôi nhà và 02 thanh sắt vuông tiếp giáp tường hậu đến hết thửa đất để trả lại diện tích đất và nhà cho các đồng thừa kế.

Về giá đất: Hội đồng định giá tài sản định giá đất 3.000.000 đồng/m2 đất thổ cư và 1.260.000 đồng/m2 đất vườn bà không có ý kiến gì. Về nhà Hội đồng định giá ngôi nhà 4 gian cấp 4 xây năm 1998 giá 25.000.000 đồng, bếp công trình phụ giá 5.000.000 đồng bà không có ý kiến gì. Bà A không có yêu cầu, đề nghị gì khác.

Bị đơn là bà Nguyễn Thị T trình bày: Về quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống như bà A trình bày là đúng. Mẹ bà chết năm 2010 không để lại di chúc bằng văn bản, khi còn sống mẹ bà vẫn thường nhắc là khi mẹ chết sẽ cho bà tài sản là thửa đất của mẹ bà là 255 m2. Trên đất có 04 gian nhà, 08 gian công trình phụ sân, giếng, vườn, cổng. Sau khi bố mẹ ly hôn mẹ bà ở cùng với bà M và bà A, năm 1992 bà M đi lấy chồng, mẹ bà ở với bà A. Đầu năm 1996 bà A đi miền Nam làm ăn sinh sống. Kể từ khi bà A đi miền Nam bà ở gần nhà mẹ nên bà thường xuyên qua lại chăm sóc mẹ và cho con gái đến nấu cơm chăm sóc mẹ bà. Nhà và các công trình xây trên đất của mẹ bà là do vợ chồng bà xây dựng năm 1998. Mẹ và các em bà không hỗ trợ gì vợ chồng bà xây nhà vì khi đó nhà cũ đã hỏng, các em đã đi lấy chồng.

Đến nay bà A yêu cầu chia thừa kế tài sản của mẹ bà để lại, bà đề nghị phần đất đã chia đôi là do 4 chị em chia ra để trả cho bà công xây nhà. Phần còn lại đề nghị chia thừa kế theo pháp luật và đề nghị xem xét công sức của vợ chồng bà khi xây ngôi nhà cho mẹ ở khi mẹ còn sống và đề nghị trích bằng đất. Việc mai táng và xây mộ cho mẹ đã xong, bà không có ý kiến gì. Về giá đất và các tài sản trên đất bà không có ý kiến gì và cũng không đề nghị định giá lại tài sản. Nếu được chia thừa kế bà chỉ đề nghị chia đất, những tài sản trên đất có gì bà xin nhận.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị N trình bày: Nhất trí với ý kiến của bà A. Đề nghị Tòa án chia thừa kế theo pháp luật di sản thừa kế của mẹ bà để lại là thửa đất. Kỷ phần của bà được hưởng xin lấy bằng đất và cho em là bà A quản lý để làm nơi thờ cúng mẹ, các tài sản trên đất bà không đề nghị gì. Tiền làm nhà là của mẹ, bà không đóng góp tiền mà chỉ có công hỗ trợ cùng mẹ xây dựng. Bà T nói vợ chồng bà T xây nhà cho mẹ bà là không đúng mà chỉ có công trông nom thuê thợ, khi còn sống mẹ bà khỏe mạnh làm ăn tích cóp nhiều năm nên tiền làm nhà là của mẹ.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị H trình bày: Nhất trí với ý kiến của bà A. Đề nghị Tòa án chia thừa kế theo pháp luật di sản thừa kế của mẹ bà để lại là thửa đất. Kỷ phần của bà được hưởng xin lấy bằng đất và cho em là bà A quản lý để làm nơi thờ cúng mẹ, các tài sản trên đất bà không đề nghị gì. Tiền làm nhà là của mẹ, bà không đóng góp tiền mà chỉ có công hỗ trợ cùng mẹ xây dựng. Bà T nói vợ chồng bà T xây nhà cho mẹ là không đúng mà chỉ có công trông nom thuê thợ, khi còn sống mẹ bà khỏe mạnh làm ăn tích cóp nhiều năm nên tiền làm nhà là của mẹ.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị M trình bày: Nhất trí với ý kiến của bà A. Đề nghị Tòa án chia thừa kế theo pháp luật di sản thừa kế của mẹ bà để lại là thửa đất. Kỷ phần của bà được hưởng xin lấy bằng đất và cho chị là bà A quản lý để làm nơi thờ cúng mẹ, các tài sản trên đất bà không đề nghị gì. Tiền làm nhà là của mẹ, bà không đóng góp tiền mà chỉ có công hỗ trợ cùng mẹ xây dựng. Bà T nói vợ chồng bà T xây nhà cho mẹ bà là không đúng mà chỉ có công trông nom thuê thợ, khi còn sống mẹ bà khỏe mạnh làm ăn tích cóp nhiều năm nên tiền làm nhà là của mẹ.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Bạch Văn L trình bày: Về yêu cầu chia thừa kế tài sản của cụ G ông không có ý kiến gì. Năm 1998 vợ chồng ông đứng ra xây nhà cho cụ G, tiền làm nhà là của vợ chồng ông, cụ G không có đồng nào. Về công sức đóng góp xây nhà cho cụ G ông giao cho bà T toàn quyền quyết định.

Ngưi có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là anh Bạch Văn I trình bày: Anh là con của bà T và ông L, là cháu ngoại cụ G. Khi bà ngoại còn sống bà có nói là khi nào lấy vợ thì ra ở với bà, bà sẽ cho thửa đất của bà vì bà không có con trai. Bà ngoại anh chết năm 2010, năm 2014 anh mới kết hôn, khi đó bà ngoại đã chết do vậy anh chưa ra ở với bà ngày nào. Tài sản xây dựng trên đất của bà ngoại là của ai thì anh không biết. Bà ngoại nói cho anh đất nhưng thực tế chưa làm thủ tục sang tên đất cho anh nên đất vẫn đứng tên cụ G. Năm 2018 các dì gọi anh ra nói “trước kia bà vãi nói cho bố mẹ mày xây nhà và nói cho mày đất mày có ở thờ cúng cụ không”. Tôi nói “có, cho cháu xin” thì các bà không nói gì, các dì nói mày ở đây thì phải cúng giỗ cụ G, anh đồng ý. Khoảng tháng 5 năm 2020 do các dì em mẹ tôi gọi anh ra và nói trả cho mẹ con tiền xây nhà nên chia cho một nửa đất sau đó căng dây nên anh xây tường ngăn giữa hai thửa đất, xây tường gạch mười cao lên khỏi mặt đất khoảng 20cm. Ranh giới trong nhà thì anh ngăn bằng vách tôn lên trần chạy dọc theo thửa đất. Đến nay bà A yêu cầu chia thừa kế tài sản là thửa đất của cụ G để lại anh không đồng ý. Nếu phải chia thừa kế tài sản anh cũng không đề nghị gì về đoạn tường xây và vách ngăn nhà bằng tôn dọc theo thửa đất, đề nghị Tòa án xem xét giao cho mẹ anh phần nhà, đất như mẹ anh và các dì đã chia cho mẹ anh về tiền công xây nhà. Anh I đề nghị chia thừa kế theo pháp luật phần đất còn lại mà bà A đang quản lý.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 14/2021/DS-ST ngày 30 tháng 8 năm 2021 và Quyết định sửa chữa, bổ sung Bản án sơ thẩm số 02/2021/QĐ-SCBSBA ngày 20/9/2021 của Tòa án nhân dân huyện D đã quyết định:

Căn cứ Điều 166 của Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 170, Điều 203 Luật đất đai năm 2013; Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí lệ phí Tòa án, xử:

Căn cứ Điều 611, 612, 613, 620, 623, 649, 650, 651, 658, 660 của Bộ luật Dân sự năm 2015. Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Điều 27 và điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

Xác nhận di sản thừa kế của cụ Bùi Thị G là thửa đất số 197, tờ bản đồ 06 diện tích 255m2 (trong đó 200 m2 đất thổ cư, 55 m2 đất vườn) tại thôn 4, khu 2, xã C, huyện D, tỉnh Vĩnh Phúc (đo đạc thực tế 254,9m2) trên đất có một nhà 04 gian cấp 4 đã cũ, công trình phụ và một số cây cối.

Buộc anh Bạch Văn I phải tháo dỡ đoạn tường xây 02 A gạch từ cổng đến đầu hè và phần tôn chắn, những thanh sắt vuông từ cổng vào đến giáp tường hậu ngôi nhà và 02 thanh sắt vuông tiếp giáp tường hậu đến hết thửa đất để trả lại nguyên trạng thửa đất và nhà cho các đồng thừa kế.

1.1 Trích cho bà Nguyễn Thị T là người có công duy trì bảo quản di sản thừa kế và công đứng ra làm nhà cho cụ G khi còn sống bằng 45m2 đất (trong đó 20m2 đất thổ cư và 25m2 đất vườn).

1.2 Chia cho bà Nguyễn Thị A, bà Nguyễn Thị T, Nguyễn Thị N, Nguyễn Thị H, Nguyễn Thị M mỗi người được 42m2 đất trong đó 36m2 đất thổ cư và 06 m2 đất vườn.

Xác nhận sự tự nguyện bà N, bà H, bà M nhường kỷ phần thừa kế của mình cho bà A.

1.3 Chia cho bà Nguyễn Thị A được sử dụng 162,1m2 đất (trong đó 144m2 đất thổ cư và 18,1m2 đất vườn) tại thửa số 197, tờ bản đồ số 06 thuộc thôn 4, khu 2, xã C, huyện D, tỉnh Vĩnh Phúc. Thửa đất được chia có các cạnh (cạnh 1-4 = 22,59m; cạnh 1-12= 6,9m; cạnh 7-12 = 22,65 m; cạnh 4-7= 7,4m). Bà A được sở hữu diện tích nhà 44m2 công trình phụ S2= 24,8 m2 ; S3= 15,3m2 và các tài sản trên đất được chia.

1.4 Chia cho bà Nguyễn Thị T được sử dụng 92,8 m2 đất (trong đó 56m2 đất thổ cư và 36,8m2 đất vườn) tại thửa số 197, tờ bản đồ số 06 thuộc thôn 4, khu 2, xã C, huyện D, tỉnh Vĩnh Phúc. Thửa đất được chia có các cạnh (cạnh 7-12= 22,65m; cạnh 7-8= 4m; cạnh 8-11m= 22,59; cạnh 11-12= 4m). Bà T được sở hữu diện tích nhà 21,9 m2 và các tài sản trên đất được chia.

(có sơ đồ kèm theo).

Bà Nguyễn Thị T không phải thanh toán chênh lệch tài sản cho bà Nguyễn Thị A.

2. Về chi phí tố tụng: Ghi nhận sự tự nguyện bà Nguyễn Thị A chịu toàn bộ tiền chi phí đo đạc thẩm định tại chỗ và định giá tài sản là 4.900.000 đồng.

3. Về án phí dân sự sơ thẩm:

Miễn toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm cho bà Nguyễn Thị T.

Bà Nguyễn Thị A phải chịu 24.196.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm, được trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 500.000 đồng (Năm trăm nghìn đồng) theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số AA/2017/ 0005182 ngày 19/10/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện D, tỉnh Vĩnh Phúc. Bà A còn phải nộp tiếp 23.696.000 đồng tiền án phí.

Ngoài ra bản án còn tuyên về quyền yêu cầu thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 13 tháng 9 năm 2021 bà Nguyễn Thị A kháng cáo bản án sơ thẩm đề nghị Toà án cấp phúc thẩm giải quyết những việc sau đây: Xét xử vụ án theo hướng chỉ cho bị đơn được sử dụng thừa kế như các đồng thừa kế khác; không trích chia công duy trì, bảo quản di sản và công đứng ra làm nhà cho cụ G của bị đơn, chia lại di sản thừa kế.

Các ngày 01, 13 và 14 tháng 9 năm 2021 bà Nguyễn Thị T kháng cáo bản án sơ thẩm đề nghị Toà án cấp phúc thẩm:

- Giữ nguyên phần đất mà các em bà đã chia trả cho bà tiền làm nhà vì đó là tiền mồ hôi xương máu của vợ chồng mà. Còn phần bên kia có diện tích là 127,5m2 hiện bà Nguyễn Thị A đang ở chia theo phần thừa kế trả lại cho bà một phần đất là 25,5m2.

- Giải quyết, đòi cho bà số tiền mà các em bà nợ bà, tiền bà giúp đỡ các em có điều kiện là bà được hưởng toàn bộ phần đất của mẹ bà. Tính, phân chia số tiền mà vợ chồng bà lo ma, tuần 35, 49 ngày, giỗ đầu, giỗ hết... hương khói cho mẹ bà.

Tiền thuê nhà mà bà A ở nhà bà tính đến thời điểm này (năm 2021) là mười một năm. Còn công lao chăm sóc phụng dưỡng mẹ bà khi mẹ bà còn sống là tình cảm, trách nhiệm và nghĩa vụ người làm con, là chữ hiếu, bà không có ý kiến gì.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà A trình bày quan điểm: Không nhất trí với nội dung kháng cáo của bà T. Không nhất trí với bản án sơ thẩm trích công duy trì, bảo quản di sản và công làm nhà cụ G cho bà T vì bà T không có công duy trì, bảo quản di sản. Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chia 255m2 đất di sản của cụ G cho 5 người con, mỗi người hưởng 51m2 đất bằng hiện vật (Chia cho bà T diện tích 51m2 đất có chiều ngang 3m, dài 17m; diện tích còn lại của thửa đất là 204m2 chia cho bà A). Anh I phải tháo dỡ phần tường và rào đã xây dựng để trả lại mặt bằng nhà đất cho bà A. Tại cấp phúc thẩm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà A nộp cho Tòa án tài liệu là Biên bản xác minh ghi quan điểm của Cụ Đặng Thị Bích, cụ Bùi Thị Đào, cụ Bùi Thị Mật đều là hàng xóm của cụ G ở thôn 4 khu 2, xã C, huyện D, tỉnh Vĩnh Phúc trình bày về việc làm nhà của cụ G.

Tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu:

- Về việc tuân thủ pháp luật tố tụng: Thông qua kiểm sát việc giải quyết vụ án từ khi thụ lý vụ án đến trước khi Hội đồng xét xử vào phòng nghị án, Thẩm phán và các đương sự đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử và Thư ký phiên tòa đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về phiên tòa phúc thẩm. Việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng đúng quy định pháp luật.

- Về nội dung vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 14/2021/DS-ST ngày 30 tháng 8 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện D, tỉnh Vĩnh Phúc.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về thủ tục tố tụng: Bà Nguyễn Thị A và bà Nguyễn Thị T kháng cáo trong thời hạn luật định nên được Hội đồng xét xử xem xét theo trình tự phúc thẩm.

Chị Ngô Thị E và bà Nguyễn Thị M có đơn xin xét xử vắng mặt nên Hội đồng xét xử vắng mặt Chị E, bà M.

Tòa án đã triệu tập thêm cụ Đặng Thị H, cụ Bùi Thị X, cụ Bùi Thị Q là những người biết việc theo yêu cầu của các đương sự nhưng những người này có đơn xin xét xử vắng mặt nên Hội đồng xét xử vắng mặt cụ H, cụ X và cụ Q.

[2] Về nội dung:

[2.1] Xét kháng cáo của bà Nguyễn Thị A đề nghị chỉ cho bị đơn được sử dụng thừa kế như các đồng thừa kế khác, không trích chia công duy trì, bảo quản di sản và công đứng ra làm nhà cho cụ G của bị đơn, chia lại di sản thừa kế. Hội đồng xét xử thấy rằng: Khi cụ G còn sống, vợ chồng bà T là người thường xuyên thăm nom, chăm sóc cụ. Khi cụ làm nhà vợ chồng bà T có nhiều công sức để quán xuyến trông nom việc xây nhà của cụ. Bà T là con cả và nhà ở gần cụ G nên việc quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ mẹ hơn các em vừa là đạo lý, vừa là trách nhiệm. Ông Nguyễn Văn Y là họ hàng của các đương sự cũng công nhận năm 1998 cụ G xây nhà ông được chị em bà T nhờ đến trông nom công trình giúp trình bày: Bà T là người gọi thợ xây, nhờ người làm lại công trình phụ cho cụ G. Như vậy, việc Tòa án cấp sơ thẩm trích một phần di sản thừa kế để thanh toán cho bà T là người có công duy trì bảo quản di sản và công đứng ra làm nhà cho cụ G khi còn sống bằng 45m2 đất (trong đó 20m2 đất thổ cư và 25m2 đất vườn) là hợp tình, hợp lý. Không có cơ sở để chấp nhận kháng cáo của bà A.

[2.2] Xét kháng cáo của bà Nguyễn Thị T:

Về đề nghị giữ nguyên phần đất mà các em bà đã chia trả cho bà tiền làm nhà vì đó là tiền của vợ chồng mà. Còn phần bên kia có diện tích là 127,5m2 hiện bà Nguyễn Thị A đang ở chia theo phần thừa kế trả lại cho bà một phần đất là 25,5m2: Không có văn bản phân chia di sản thừa kế để xác định các em bà đã chia trả cho bà một phần đất do bà có công làm nhà cho cụ G. Bà cũng không cũng không chứng minh được năm 1998 vợ chồng bà bỏ tiền của ra làm nhà cho cụ G. Các đương sự khác, những người họ hàng, hàng xóm (Cụ Đặng Thị H, cụ Bùi Thị X, cụ Bùi Thị Q)... đều cho rằng khi cụ G xây nhà cụ còn khỏe, cụ cũng có tiền để xây nhà. Như vậy, có cơ sở khẳng định cụ G lo liệu việc xây nhà của cụ, bà T và các chị em trong gia đình cũng có công trông nom, quán xuyến giúp cụ G xây nhà, quản lý tài sản và cũng có thể là ủng hộ tiền, vật chất cho mẹ xây nhà, bà T là con gái lớn nhất trong nhà nên chăm lo cho cụ hơn. Tại phiên tòa phúc thẩm bà T cũng không đưa ra được tài, liệu chứng cứ gì mới để xác định nhà làm năm 1998 là của vợ chồng bà, không có tài liệu nào thể hiện cụ G cho vợ chồng bà T hay anh P đất, không có văn bản nào xác định các chị em bà T đã phân chia di sản thừa kế do cụ G để lại. Do đó, không có cơ sở chấp nhận nội dung kháng cáo của bà T về trả lại tiền làm nhà cụ G cho bà bằng ½ thửa đất và chia lại di sản thừa kế.

Về đề nghị giải quyết, đòi cho bà số tiền mà các em bà nợ bà, tiền bà giúp đỡ các em có điều kiện là bà được hưởng toàn bộ phần đất của mẹ bà, tiền thuê nhà mà bà A ở nhà bà tính đến thời điểm này (năm 2021) là mười một năm: Không phải là phạm vi giải quyết của vụ án này nên Hội đồng xét xử không xét.

Về đề nghị tính, phân chia số tiền mà vợ chồng bà lo ma, tuần 35, 49 ngày, giỗ đầu, giỗ hết... hương khói cho mẹ bà: Việc lo liệu ma chay, cúng giỗ cho cha mẹ là vừa là trách nhiệm của con vừa là sự tự nguyện khi thực hiện công việc này, hơn nữa các đương sự cũng trình bày có sự đóng góp của các con, người ít, người nhiều chứ không chỉ có bà T lo liệu mọi việc, nên không có cơ sở để chấp nhận yêu cầu của bà T.

Như vậy, Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bà A, bà T. Việc chia di sản sẽ giữ nguyên như bản án sơ thẩm. Tuy nhiên, phần quyết định của bản án sơ thẩm nêu các vấn đề sau đây lặp lại của phần nhận định của bản án là không cần thiết:

“Trích cho bà Nguyễn Thị T là người có công duy trì bảo quản di sản thừa kế và công đứng ra làm nhà cho cụ G bằng 45m2 đất (trong đó 20m2 đất thổ cư và 25m2 đất n).

Bà Nguyễn Thị A, bà Nguyễn Thị T, Nguyễn Thị N, Nguyễn Thị H, Nguyễn Thị M mỗi người được hưởng di sản thừa kế 42m2 đt (Trong đó 36m2 đt thổ cư và 06m2 đất vườn).

Xác nhận sự tự nguyện bà N, bà H, bà M nhường kỷ phần thừa kế của mình cho bà A”.

Do đó, Hội đồng xét xử sẽ điều chỉnh lại cách tuyên của bản án sơ thẩm.

[3] Về án phí dân sự sơ thẩm: Phần nhận định và phần quyết định của bản án sơ thẩm đều không đề cập đến án phí của tài sản trên đất bà T và bà A được chia. Tuy nhiên, Tòa án nhân dân huyện D đã ban hành Quyết định sửa chữa, bổ sung Bản án sơ thẩm số 02/2021/QĐ-SCBSBA ngày 20/9/2021 đã quyết định bà A phải chịu 1.084.000đ án phí giá trị tài sản được chia trên đất. Việc sửa chữa, bổ sung Bản án như nói trên là không đúng qui định của Điều 268 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận nội dung sửa chữa, bổ sung của Tòa án cấp sơ thẩm. Nay để khắc phục thiếu sót của bản án sơ thẩm, Hội đồng xét xử sửa bản án sơ thẩm về phần án phí đối với giá trị tài sản được chia trên đất của bà A như sau: Bà A được sở hữu diện tích nhà 44m2 trị giá 16.692.000đ, công trình phụ S2 là 24,8 m2 trị giá 5.000.000đ, tổng là 21.692.000đ nên phải chịu án phí trị giá tài sản trên đất là 21.692.000đ x 5% = 1.084.000đ ( diện tích S3 là 15,3m2 không còn giá trị nên không tính án phí). Như vậy, bà A phải chịu 23.112.000đ án phí trị giá đất được chia và 1.084.000đ án phí trị giá tài sản trên đất được chia; tổng là 24.196.000đ.

Bà Nguyễn Thị T cũng được chia một phần tài sản trên đất nhưng là người cao tuổi và có đơn đề nghị được miễn án phí nên miễn toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm cho bà T.

[4] Về án phí dân sự phúc thẩm:

- Do kháng cáo không được chấp nhận nên bà Nguyễn Thị A phải chịu 300.000đ án phí phúc thẩm.

- Bà T là người cao tuổi và có đơn đề nghị được miễn án phí nên miễn toàn bộ án phí dân sự phúc thẩm cho bà Nguyễn Thị T.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 2 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Sửa một phần bản án dân sự sơ thẩm số 14/2021/DS-ST ngày 30 tháng 8 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện D, tỉnh Vĩnh Phúc.

Căn cứ Điều 611, 612, 613, 620, 623, 649, 650, 651, 658, 660 của Bộ luật Dân sự năm 2015. Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án, xử:

1. Xác nhận di sản thừa kế của cụ Bùi Thị G là thửa đất số 197, tờ bản đồ 06 diện tích đo đạc thực tế là 254,9m2 (trong đó 200 m2 đất thổ cư, 54,9m2 đất vườn) tại thôn 4, khu 2, xã C, huyện D, tỉnh Vĩnh Phúc trên đất có một nhà 04 gian cấp 4 đã cũ, công trình phụ và một số cây cối.

2. Buộc anh Bạch Văn I phải tháo dỡ đoạn tường xây 02 A gạch từ cổng đến đầu hè và phần tôn chắn, những thanh sắt vuông từ cổng vào đến giáp tường hậu ngôi nhà và 02 thanh sắt vuông tiếp giáp tường hậu đến hết thửa đất để trả lại diện tích đất và nhà cho các đồng thừa kế.

3. Chia cho bà Nguyễn Thị A được sử dụng 162,1m2 đất (trong đó 144m2 đất thổ cư và 18,1m2 đất vườn) tại thửa số 197, tờ bản đồ số 06 thuộc thôn 4, khu 2, xã C, huyện D, tỉnh Vĩnh Phúc. Thửa đất được chia có các cạnh (cạnh 1- 4 dài 22,59m; cạnh 4-7 dài 7,4m; cạnh 7-12 dài 22,65 m; cạnh 12-1 dài 6,9m). Bà A được sở hữu diện tích nhà 44m2, công trình phụ S2 là 24,8 m2 ; S3 là 15,3m2 và các tài sản trên đất được chia.

4. Chia cho bà Nguyễn Thị T được sử dụng 92,8 m2 đất (trong đó 56m2 đất thổ cư và 36,8m2 đất vườn) tại thửa số 197, tờ bản đồ số 06 thuộc thôn 4, khu 2, xã C, huyện D, tỉnh Vĩnh Phúc. Thửa đất được chia có các cạnh (cạnh 7-12 dài 22,65m; cạnh 12-11 dài 4m, cạnh 11- 8 dài 22,59m; cạnh 8-7 dài 4m). Bà T được sở hữu diện tích nhà 21,9 m2 và các tài sản trên đất được chia.

(Có sơ đồ kèm theo bản án).

5. Bà Nguyễn Thị T không phải thanh toán chênh lệch tài sản cho bà Nguyễn Thị A.

6. Về chi phí tố tụng: Ghi nhận sự tự nguyện bà Nguyễn Thị A chịu toàn bộ tiền chi phí đo đạc thẩm định tại chỗ và định giá tài sản là 4.900.000 đồng.

7. Về án phí dân sự sơ thẩm:

- Miễn toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm cho bà Nguyễn Thị T.

- Bà Nguyễn Thị A phải chịu 24.196.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm, được trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 500.000 đồng (Năm trăm nghìn đồng) theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số AA/2017/ 0005182 ngày 19/10/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện D, tỉnh Vĩnh Phúc. Bà A còn phải nộp tiếp 23.696.000 đồng tiền án phí.

8. Về án phí dân sự phúc thẩm:

- Miễn toàn bộ án phí dân sự phúc thẩm cho bà Nguyễn Thị T.

- Bà Nguyễn Thị A phải chịu 300.000đ tiền án phí dân sự phúc thẩm, được trừ vào số tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) theo biên lai thu số AA/2020/0000761 ngày 25 tháng 9 năm 2021 của Chi cục thi hành án dân sự huyện D, tỉnh Vĩnh Phúc. Bà Nguyễn Thị A đã nộp đủ án phí dân sự phúc thẩm.

9. Trường hợp Bản án, Quyết định được thi hành án theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

226
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp chia di sản thừa kế số 05/2022/DS-PT

Số hiệu:05/2022/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Vĩnh Phúc
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 21/01/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về