TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN AN LÃO,THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
BẢN ÁN 04/2021/DS-ST NGÀY 25/06/2021 VỀ TRANH CHẤP CHIA DI SẢN THỪA KẾ
Vào các ngày 24 và 25 tháng 6 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện An Lão, thành phố Hải Phòng xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 50/2020/TLST-DS ngày 26 tháng 10 năm 2020 về “tranh chấp chia di sản thừa kế” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 223/2021/QĐXXST-DS ngày 12 tháng 4 năm 2021; Quyết định hoãn phiên tòa số: 208/2021/QĐST-DS ngày 04 tháng 5 năm 2021; Quyết định hoãn phiên tòa số: 343/2021/QĐST-DS ngày 14 tháng 5 năm 2021; Quyết định tạm ngừng phiên tòa số 365/2021/QĐST-DS ngày 24 tháng 5 năm 2021 và Thông báo tiếp tục phiên toà số 01/2021/QĐST- DS ngày 11 tháng 6 năm 2021 giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Ông Nguyễn Ngọc Đ; nơi cư trú: Thôn T, xã B, huyện A, thành phố Hải Phòng. Vắng mặt có lý do.
Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: bà Hoàng Minh P; địa chỉ: Số L, quận N, Hải Phòng. (Hợp đồng ủy quyền ngày 15/3/2021). Có mặt.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: bà Lương Thị T và bà Trương Thị H– Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm trợ giúp Pháp lý Nhà nước, thành phố Hải Phòng. Có mặt.
2. Bị đơn: Ông Nguyễn Văn T, nơi cư trú: Thôn T, xã B, huyện A, thành phố Hải Phòng. Có mặt khi xét xử, vắng mặt khi tuyên án.
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
- Bà Nguyễn Thị H; nơi cư trú: Thôn N, xã T, huyện A, thành phố Hải Phòng.
Vắng mặt có đơn xin xét xử vắng mặt.
Người đại diện theo ủy quyền của bà H là bà Hoàng Minh P; địa chỉ: Số L, quận N, Hải Phòng. (Hợp đồng ủy quyền ngày 22/01/2021). Có mặt.
- Bà Nguyễn Thị T; nơi cư trú: Thôn Đ, xã T, huyện A, thành phố Hải Phòng. Có mặt.
- Ông Nguyễn Văn H; nơi cư trú: Thôn T, xã B, huyện A, thành phố Hải Phòng. Vắng mặt không có lý do.
- Bà Nguyễn Thị T; nơi cư trú: Thôn Q, xã B, huyện A, Hải Phòng. Vắng mặt không có lý do
- Bà Nguyễn Thị T; nơi cư trú: Thôn Q, xã B, huyện A, thành phố Hải Phòng. Vắng mặt không có lý do
- Bà Nguyễn Thị T1; nơi cư trú: Thôn T, xã B, huyện A, thành phố Hải Phòng. Vắng mặt không có lý do
- Bà Phan Thị H; nơi cư trú: Thôn T, xã B, huyện A, thành phố Hải Phòng. Vắng mặt không có lý do
- Bà Nguyễn Thị C; nơi cư trú: Thôn T, xã B, huyện A, thành phố Hải Phòng. Vắng mặt có đơn xin xét xử vắng mặt.
- Cụ Cao Thị S; nơi cư trú: Thôn T, xã B, huyện A, thành phố Hải Phòng.
Vắng mặt.
4. Người làm chứng:
- Ông Nguyễn Trung T; địa chỉ: Thôn T, xã B, huyện A, thành phố Hải Phòng. Vắng mặt.
- Ông Nguyễn Văn T; địa chỉ: Thôn N, xã T, huyện A, thành phố Hải Phòng. Vắng mặt.
- Ông Vũ Văn L; địa chỉ: Thôn N, xã T, huyện A, thành phố Hải Phòng. Vắng mặt.
- Ông Lã Viết N; địa chỉ: Số L, quận N, Hải Phòng. Vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
- Tại đơn khởi kiện đề ngày 09 tháng 10 năm 2020, bản tự khai ngày 02 tháng 11 năm 2020, trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, nguyên đơn ông Nguyễn Ngọc Đ, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn trình bày và yêu cầu như sau:
Cụ Nguyễn Văn S và cụ Lê Thị T là vợ chồng, chung sống với nhau tại xóm 1 thôn T, xã B, huyện A, thành phố Hải Phòng. Các cụ sinh được 07 người con là các ông bà Nguyễn Ngọc Đ (sinh năm 1958), ông Nguyễn Văn T (sinh năm 1967), bà Nguyễn Thị T (sinh năm 1961), bà Nguyễn Thị T2 (sinh năm 1973), bà Nguyễn Thị T3 (sinh năm 1969), ông Nguyễn Văn H (sinh năm 1964) và bà Nguyễn Thị T1 (sinh năm 1975). Riêng bà Nguyễn Thị H (sinh năm 1954) là con riêng của cụ T nhưng sống với các cụ từ nhỏ và được cụ S coi như con đẻ của mình. Ngoài ra các cụ không có người con riêng, con nuôi nào khác. Hai cụ có tài sản chung là nhà và đất ở xóm 2 thôn T, xã B, huyện A, Hải Phòng. Mảnh đất có diện tích 896m2, thửa đất số 230, tờ bản đồ 169-D-I, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AG128520, số vào sổ cấp giấy chứng nhận H305/AL, do UBND huyện An Lão cấp ngày 20/10/2006 cho người sử dụng là cụ S và cụ T.
Năm 2019 cụ T chết không có di chúc. Cụ S chết năm 2020, trước khi chết có lập bản di chúc ngày 29 tháng 6 năm 2020 phân chia phần tài sản của cụ cho ông Nguyễn Ngọc Đ và bà Nguyễn Thị H, mỗi người được hưởng 1/2 khối di sản của cụ. Ngoài ra cụ S không để lại di sản thừa kế của cụ cho ai khác.
Do các anh chị em trong nhà xảy ra mâu thuẫn, không thống nhất được với nhau về chia di sản thừa kế của bố mẹ; bản thân ông Nguyễn Văn T giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các cụ, không đưa ra để các anh chị em trong nhà thực hiện các thủ tục pháp lý chia di sản thừa kế nên ông Nguyễn Ngọc Đ khởi kiện, yêu cầu Tòa án giải quyết chia di sản thừa kế của cụ Lê Thị T theo pháp luật và công nhận di chúc của cụ Nguyễn Văn S.
Trong quá trình giải quyết vụ án, đã xác định được hiện trạng thực tế di sản thừa kế của cụ S và cụ T đã thay đổi so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do khi còn sống, cụ S và cụ T đã hiến một phần đất (diện tích là 78m2) để mở rộng đường thôn; một phần đất do con trai là ông Nguyễn Văn H xây nhà, sử dụng (diện tích là 45,5m2) và một phần đất do hàng xóm là cụ Cao Thị S sử dụng (diện tích là 13m2). Ông Nguyễn Ngọc Đ chấp nhận và đề nghị Toà án giải quyết phân chia di sản thừa kế của cụ T và cụ S theo diện tích đất thực tế đã được khảo sát đo đạc (sau khi đã trừ đi phần đất các cụ đã hiến làm đường, phần cụ S và phần ông H sử dụng) là 759,5m2. Các diện tích đất mà ông H, cụ S sử dụng, ông Đ không yêu cầu trả lại để chia thừa kế cũng như không đề nghị Toà án xem xét việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cụ S, cụ T và cho ông H.
Trên cơ sở diện tích đất thực tế còn lại là 759,5m2, ông Đ yêu cầu được hưởng phần di sản cụ thể là mảnh đất có tổng diện tích là 284,79m2.
Đối với số tiền 24.682.900đ và số tiền 3.975.000đ là tiền ông Đ đã tạm ứng để yêu cầu thẩm định giá, giám định chữ viết chữ ký trong di chúc của cụ S, ông Đ yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Ngọc Đ cũng trình bày trong thời gian các cụ còn sống đã xây dựng 01 căn nhà cấp 4 (01 tầng, mái ngói, diện tích 40m2) cùng bể nước, sân gạch, nhà vệ sinh, nhà kho, 04 cây vải, 02 cây nhãn. Bị đơn là ông Nguyễn Văn T đã xây dựng 22,8m tường bao phía Nam; làm đường đi bằng bê tông cũng như lấp ao, làm vườn thanh long. Ông Đ chấp nhận thanh toán tiền công sức tôn tạo tài sản cho ông T tương ứng theo phần di sản thừa kế mà ông Đ được hưởng, trừ phần giá trị khối lượng đất san lấp ao vì ông T không có tài liệu, chứng cứ chứng minh.
Tại bản tự khai ngày 02 tháng 12 năm 2020, biên bản làm việc ngày 18 tháng 6 năm 2021, trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên toà, bị đơn Nguyễn Văn T trình bày:
Ông Nguyễn Văn T thống nhất với lời trình bày của nguyên đơn về họ tên, năm sinh, năm mất và những người con của cụ S, cụ T (kể cả trường hợp bà Nguyễn Thị H); thống nhất với lời trình bày của nguyên đơn về khối di sản thừa kế mà cụ S, cụ T để lại cũng như nhất trí đề nghị Tòa án giải quyết di sản thừa kế của bố mẹ theo hiện trạng thực tế còn lại là diện tích 759,5m2 đất. Ông T không yêu cầu Tòa án xem xét đến các phần đất bị thiếu hụt so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cụ S, cụ T gồm phần đất các cụ đã hiến mở đường (78m2), phần cụ S đang sử dụng (13m2), phần ông H đang sử dụng (45,5m2) cũng như không yêu cầu Tòa án xem xét việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cụ S, cụ T và ông H.
Ông Nguyễn Văn T không đồng ý với yêu cầu của nguyên đơn vì ông khẳng định thời điểm ngày 29/6/2020 trong tờ di chúc mà nguyên đơn giao nộp, cụ S không tỉnh táo minh mẫn. Trước đó, vào ngày 22/11/2017 cụ S và cụ T có viết di chúc để lại toàn bộ di sản thừa kế là nhà và đất cho ông Nguyễn Văn T là người thừa kế duy nhất. Từ sau khi lập di chúc này cho đến lúc chết, cả hai cụ đều không lập thêm bất kỳ tờ di chúc nào nữa. Nhưng sau đó có 02 lần gia đình đã họp để bàn bạc việc phân chia di sản (lúc này cụ T đã mất, chỉ còn cụ S còn sống). Cụ thể:
Ngày 08/12/2019 họp tại gia đình ông Nguyễn Văn T, có đầy đủ con trai, con gái, con dâu, con rể và cháu. Tại cuộc họp này, cụ S cho ông Đ một phần diện tích đất (ngang 07 m tính từ nhà bà X trở đi) với điều kiện ông Đ lo xây mộ phần, hương khói cho các cụ vì ông Đ là trưởng. Phần còn lại ông Nguyễn Văn T được hưởng toàn bộ. Cụ S trực tiếp ký biên bản này.
Ngày 19/5/2020, tại nhà văn hóa thôn T, gia đình đã họp cùng sự chứng kiến của thôn. Tại đây cụ S thay đổi quyết định, phần diện tích đất ngang 07 m tính từ nhà bà X trở đi cụ không cho người nào cụ thể nữa mà cụ giữ lại. Sau này cụ thích cho ai thì cho. Phần đất cho ông Nguyễn Văn T vẫn được giữ nguyên như biên bản họp gia đình ngày 08/12/2019. Cụ S trực tiếp ký biên bản này. Theo đó, ông Nguyễn Văn T làm thủ tục tách đôi diện tích đất này ra, một phần (ngang 07m) cho cụ S và phần còn lại là của ông được hưởng.
Trên cơ sở các biên bản họp và căn cứ vào hiện trạng thực tế còn lại của di sản, ông Nguyễn Văn T yêu cầu Tòa án giải quyết phân chia di sản thừa kế của cụ S và cụ T theo hướng: Phần đất phía Tây giáp nhà bà X có kích thước 07m x 30m được giao cho một trong những người con của cụ T, cụ S sử dụng và phải được sự đồng ý của tất cả các anh chị em cũng như phải có trách nhiệm lo phần mộ, hương khói cho các cụ. Toàn bộ phần diện tích đất còn lại ông Nguyễn Văn T được hưởng. Ông T không yêu cầu Tòa án phân chia dia sản thừa kế của bố mẹ theo bản di chúc ngày 22/11/2017.
Ngoài ra, ông Nguyễn Văn T trình bày: Khi còn sống, các cụ đã xây dựng bể nước, sân gạch, nhà vệ sinh, nhà kho cũng như trồng 04 cây vải, 02 cây nhãn. Bản thân ông T đã xây căn nhà cấp 4, 01 tầng, diện tích 40m2 cho các cụ ở từ năm 1999-2000, xây dựng hệ thống tường bao phía Nam, làm lối đi bê tông, vườn thanh long. Vườn Thanh long trước đây là ao, do ông T san lấp từ tháng 12/2018. Căn nhà cấp 4 xây hết khoảng 13 triệu, hệ thống tường bao chi phí hết khoảng 02 triệu và lấp ao hết khoảng 80 triệu. Ông T yêu cầu người được hưởng thừa kế phải trả lại cho ông giá trị vật kiến trúc trên đất.
- Tại bản tự khai ngày 02 tháng 11 năm 2020, quá trình giải quyết vụ án, và tại phiên toà, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị H và người đại diện theo ủy quyền của bà H trình bày:
Bà Nguyễn Thị H thống nhất với lời trình bày của nguyên đơn và bị đơn về các mối quan hệ trong gia đình cũng như khối tài sản chung của cụ Lê Thị T, cụ Nguyễn Văn S để lại. Theo đó, cụ Nguyễn Văn S và cụ Lê Thị T sinh được 07 người con là các ông bà Nguyễn Ngọc Đ, Nguyễn Văn T, Nguyễn Văn H, Nguyễn Thị T, Nguyễn Thị T1, Nguyễn Thị T2 và Nguyễn Thị T3. Bà Nguyễn Thị H là con riêng của cụ Lê Thị T nhưng chung sống với các cụ từ bé và được cụ S coi như con đẻ của mình.
Năm 2019 cụ T chết không có di chúc. Năm 2020 cụ S chết. Trước khi chết, vào tháng 6 năm 2020 khi đang ở chơi tại nhà bà Nguyễn Thị H tại thôn N, xã T, huyện A, cụ Nguyễn Văn S đã lập bản di chúc ngày 29 tháng 6 năm 2020 định đoạt phần tài sản của cụ. Theo đó cụ S phân chia phần tài sản của cụ cho ông Nguyễn Ngọc Đ và bà Nguyễn Thị H, mỗi người được hưởng 1/2 khối di sản của cụ. Ngoài ra cụ S không để lại di sản thừa kế của cụ cho ai khác. Bản di chúc này do ông Lã Viết N đánh máy tính theo yêu cầu của cụ S; gồm 03 bản có nội dung giống nhau, được cụ Nguyễn Văn S ký và điểm chỉ trước mặt những người làm chứng trong trạng thái tinh thần tỉnh táo, minh mẫn; được những người làm chứng là các ông Vũ Văn L và Nguyễn Văn T ký xác nhận; sau đó được giao cho ông Nguyễn Ngọc Đ và bà Nguyễn Thị H mỗi người giữ một bản.
Bà Nguyễn Thị H đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Ngọc Đ đề nghị chia diện tích đất thực tế còn lại là 759,5m2. Theo đó, bà H đề nghị được chia thừa kế là mảnh đất có diện tích là 237,33m2. Các diện tích đất mà ông H, cụ S sử dụng lấn sang, bà H không yêu cầu ông H trả lại để chia thừa kế cũng như không đề nghị Toà án xem xét việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cụ S, cụ T và cho ông H.
Đối với số tiền các khoản tiền mà ông Đ đã tạm ứng để yêu cầu thẩm định giá, giám định chữ viết chữ ký trong di chúc của cụ S cũng như các vấn đề tài sản gắn liền trên đất, bà Nguyễn Thị H đều thống nhất với lời trình bày và yêu cầu của ông Nguyễn Ngọc Đ - Tại bản tự khai ngày 02 tháng 11 năm 2020, trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị T trình bày:
Bà Nguyễn Thị T thống nhất với lời trình bày của nguyên đơn, bị đơn về các mối quan hệ trong gia đình cũng như khối tài sản mà cha mẹ bà là cụ Lê Thị T, cụ Nguyễn Văn S để lại. Bà Nguyễn Thị T cũng thống nhất với lời trình bày của bà Nguyễn Thị H về điều kiện, hoàn cảnh ra đời bản di chúc ngày 29 tháng 6 năm 2020 của cụ Nguyễn Văn S; nhất trí đề nghị Tòa án giải quyết chia di sản thừa kế của cụ T theo pháp luật và công nhận di chúc của cụ S trên cơ cở diện tích đất thực tế còn lại là 759,5m2 cũng như hoàn toàn đồng ý với tất cả các yêu cầu khởi kiện khác của ông Nguyễn Ngọc Đ. Bà Nguyễn Thị T có ý kiến cho ông Nguyễn Ngọc Đ được hưởng phần đất di sản thừa kế mà bà được chia.
- Tại bản tự khai ngày 02 tháng 12 năm 2020, đơn đề nghị ngày 14 tháng 5 năm 2021 và trong quá trình giải quyết vụ án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là các ông bà Nguyễn Văn H, Nguyễn Thị T2, Nguyễn Thị T3 và Nguyễn Thị T1 thống nhất trình bày:
Các ông bà thống nhất với lời trình bày của ông Nguyễn Văn T về các mối quan hệ trong gia đình, thời điểm các cụ Lê Thị T, Nguyễn Văn S chết cũng như khối di sản các cụ để lại. Nhất trí đề nghị Tòa án giải quyết vụ việc theo hiện trạng thực tế di sản còn lại. Các ông bà Nguyễn Văn H, Nguyễn Thị T, Nguyễn Thị T2 và Nguyễn Thị T1 đều không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và nhất trí với quan điểm của bị đơn.
- Tại bản tự khai và đơn đề nghị ngày 14 tháng 5 năm 2021, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Phan Thị H trình bày:
Bà Phan Thị H là vợ của ông Nguyễn Văn T. Trong thời gian cha mẹ chồng là các cụ Lê Thị T và Nguyễn Văn S còn sống, ông T đã xây nhà cho các cụ và tạo dựng hệ thống tường bao, vườn thanh long. Vườn Thanh long trước đây là ao, do ông T san lấp từ tháng 12/2018. Căn nhà cấp 4, 01 tầng, diện tích khoảng 40m2 xây dựng từ năm 1999-2000 hết khoảng 13 triệu, hệ thống tường bao chi phí hết khoảng 02 triệu và lấp ao hết 80 triệu. Bà Phan Thị H không yêu cầu bất kỳ ai phải hoàn trả cho vợ chồng bà các chi phí này. Các vấn đề về chia di sản thừa kế bà đều thống nhất với ý kiến của ông T.
- Tại biên bản làm việc ngày 28 tháng 5 năm 2021, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cụ Cao Thị S trình bày:
Cụ Cao Thị S là hàng xóm của cụ T và cụ S. Mảnh đất của cụ S là thửa đất số 220, tờ bản đồ 169-D-I, có một đoạn giáp với đất cụ S về phía Nam dài 31,5m. Cụ S về đất này sinh sống từ khoảng năm 1970. Lúc đầu giữa thửa đất của cụ S và cụ T, cụ S chỉ ngăn cách bởi bờ tre, rãnh nước. Năm 1991 cụ S xây hệ thống tường bao bằng gạch ba banh (vẫn còn tồn tại đến này nay) làm ranh giới giữa hai thửa đất. Khoảng năm 2007 cụ S được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu đối với thửa đất của cụ, năm 2015 được cấp đổi lại. Do việc đo đạc bằng phương pháp thủ công, khảo sát không kỹ nên đường giáp ranh theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đường thẳng, nhưng trên thực tế, đường giáp ranh là đoạn tường bao lại cong về phía đất cụ S. Từ sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hai gia đình vẫn sử dụng đoạn tường bao này làm ranh giới và chưa bao giờ xảy ra tranh chấp ranh giới đất với nhau. Do đoạn tường bao này cong về phía đất cụ S nên qua xác định thực tế, phần diện tích của cụ S, cụ T bị thiếu so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 13m2. Cụ S trình bày không liên quan gì đến tranh chấp thừa kế bên gia đình cụ S cũng như không có bất cứ ý kiến nào khác.
- Tại các phiên hòa giải và công khai chứng cứ, ông Nguyễn Văn T, ông Nguyễn Văn H, bà Nguyễn Thị T, bà Nguyễn Thị T2 và bà Nguyễn Thị T1, bà Phan Thị H đều vắng mặt nên vụ án không hòa giải được.
- Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện An Lão tham gia phiên tòa phát biểu về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký và các đương sự. Về hướng giải quyết vụ án đề nghị Hội đồng xét xử: Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, chia phần di sản thừa kế của cụ Lê Thị T theo pháp luật và công nhận di chúc của cụ Nguyễn Văn S. Giải quyết các vấn đề về công sức tôn tạo, giữ gìn tài sản của bị đơn; vấn đề về chi phí tố tụng, án phí và quyền kháng cáo trong vụ án.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
- Về tố tụng:
[1] Về quan hệ pháp luật và thẩm quyền giải quyết vụ án: Trong vụ án này, yêu cầu của nguyên đơn là chia di sản thừa kế của cha mẹ nên đây là vụ án dân sự về “Tranh chấp chia di sản thừa kế”. Bị đơn và tất cả những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều là cá nhân hiện đang sinh sống tại huyện An Lão, thành phố Hải Phòng nên vụ án này thuộc thẩm quyền giải quyết sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện An Lão, thành phố Hải Phòng theo khoản 5 Điều 26; điểm a Khoản 1 Điều 35; điểm a Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự.
[2] Về sự có mặt, vắng mặt của các đương sự: các ông bà Nguyễn Văn H, Nguyễn Thị T, Nguyễn Thị T1, Nguyễn Thị T2, Phan Thị H mặc dù đã được Tòa án tống đạt hợp lệ các Thông báo tiếp tục phiên tòa, Quyết định hoãn phiên tòa nhưng vắng mặt không có lý do chính đáng nên Tòa án xét xử vắng mặt những người này theo quy định tại điểmb,khoản2,Điều227;khoản3,Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự. Bị đơn ông Nguyễn Văn T có mặt tại phiên tòa nhưng tự ý bỏ về nên Hội đồng xét xử tuyên án vắng mặt ông T.
[3] Về khối di sản thừa kế có tranh chấp:
[3.1] Hồ sơ vụ án thể hiện lúc còn sống, cụ Nguyễn Văn S và cụ Lê Thị T có khối tài sản chung là mảnh đất ở thôn T, xã B, huyện A, Hải Phòng có diện tích 896m2, thửa đất số 230, tờ bản đồ 169-D-I, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AG128520, số vào sổ cấp giấy chứng nhận H305/AL, do UBND huyện An Lão cấp ngày 20/10/2006 cho người sử dụng là cụ S và cụ T. Qua xem xét, thẩm định tại chỗ thấy diện tích đất thực tế còn lại của cụ S, cụ T không đủ so với giấy chứng nhận. Để có căn cứ xác định chính xác di sản thừa kế, Hội đồng xét xử đã tiến hành xác minh lịch sử biến động và đo đạc lại toàn bộ diện tích của 02 thửa đất số 230 của cụ S, cụ T và thửa đất số 231 của ông Nguyễn Văn H. Kết quả như sau:
[3.1.1] Thửa đất của cụ S, cụ T có đường ranh giới phía Tây giáp đất ông Nguyễn Văn K (bà X) là ranh giới cố định, không có biến động. Ranh giới phía Nam giáp đường bờ mương đã biến động do các cụ khi còn sống đã hiến 78m2 đất để mở đường (03m x 26m).
[3.1.2] Đường ranh giới phía Bắc dài 31,5m, giáp thửa đất số 220 của cụ Cao Thị S. Trước đây, giữa hai thửa đất không có đường ranh giới cụ thể. Năm 1991, cụ S xây tường bao bằng gạch ba banh làm ranh giới. Qua đo đạc trên thực địa, bờ tường này cong về phía đất nhà cụ S nhưng trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cả hai thửa đất số 230 (của cụ S) và 220 (của cụ S) thể hiện đường ranh giới là đường thẳng. Từ sau thời điểm được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đến nay, hai bên vẫn sử dụng bờ tường bao này làm đường ranh giới thực tế cũng như không có tranh chấp về ranh giới đất. Diện tích đất nằm giữa đường ranh giới thực tế (bờ tường bao gạch ba banh) và đường ranh giới theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 13m2 bao gồm các điểm 1, 2, 3, 4, 5, 5A như trong sơ đồ hiện trạng ngày 24/5/2021 thể hiện. Phần diện tích này thuộc về thửa đất của cụ S theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng thực tế đang thuộc sự quản lý, sử dụng của cụ Cao Thị S.
[3.1.3] Thửa đất của cụ S, cụ T có ranh giới phía Đông giáp nhà ông H nhưng không có tường bao ranh giới. Trước năm 1984, thửa đất mà ông Nguyễn Văn H đang sử dụng là tài sản của cụ T và cụ S. Năm 1984, cụ S và cụ T chia cho ông H một phần diện tích đất (không rõ diện tích là bao nhiêu). Cũng trong năm 1984, ông H xây nhà và bể nước trên một phần diện tích đất giáp thửa đất của cụ S, cụ T về phía Tây. Năm 1993, khi xã Bát Trang lập bản đồ địa chính, cụ T, cụ S và ông H đã thống nhất với nhau xác định ranh giới đất giữa hai thửa đất là đường gấp khúc bao gồm một đoạn là mép ngoài cùng của căn nhà và bể nước ông H xây dựng, một đoạn là mép ngoài cùng của đường gạch đi vào đất nhà cụ S. Năm 2006- 2007, khi tiến hành khảo sát để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu, mặc dù cụ T, cụ S và ông H đã chỉ ranh giới đất nhưng lại không được thể hiện chính xác trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho cụ S, cụ T và cho ông Nguyễn Văn H. Theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cả hai thửa đất, đường ranh giới là đường thẳng nằm vào giữa căn nhà và bể nước của ông Nguyễn Văn H. Thực tế sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cụ S, cụ T và ông H vẫn sử dụng đường gấp khúc như ban đầu làm ranh giới giữa hai thửa đất. Các công trình xây dựng làm ranh giới (nhà, bể nước của ông H và đường đi bằng gạch của cụ S ) vẫn còn nguyên thực trạng như ban đầu. Việc này được tất cả các thành viên trong gia đình thừa nhận là ranh giới thực tế và chưa bao giờ có sự tranh chấp với nhau về ranh giới đất. Diện tích đất nằm giữa đường ranh giới thực tế (đường gấp khúc) và đường ranh giới trong giấy chứng nhận (đường thẳng) là 45,5m2, có một phần căn nhà và bể nước do ông H xây dựng (được thể hiện bằng các điểm 5, 5A, 7A, 7, 6 trong sơ đồ hiện trạng ngày 24/5/2021). Diện tích đất này thuộc về thửa đất của cụ S, cụ T theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng thực tế đang do ông Nguyễn Văn H quản lý, sử dụng.
[3.2] Như vậy, các đường ranh giới đất thực tế của thửa đất số 230 của cụ S, cụ T về phía Bắc và phía Đông (như đã nêu trên) đã có từ lâu, được thể hiện bằng những mốc giới cụ thể và còn tồn tại cho đến nay. Các đường ranh giới này không được thể hiện chính xác trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dẫn đến việc diện tích đất thực tế sử dụng của cụ S và cụ T bị thiếu so với giấy chứng nhận. Tuy có sai sót như vậy nhưng giữa cụ S, cụ T với cụ Cao Thị S và ông Nguyễn Văn H chưa bao giờ xảy ra tranh chấp về ranh giới đất. Hơn nữa, nguyên đơn, bị đơn, ông H, bà H, bà T, bà T1, bà T2 đều thống nhất đề nghị Tòa án giải quyết chia di sản thừa kế của bố mẹ theo diện tích đất thực tế còn lại, không yêu cầu các chủ sử dụng đất liền kề phải trả lại đất để chia thừa kế cũng như không yêu cầu Tòa án xem xét việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất của cụ S, cụ T và các thửa đất liền kề. Căn cứ vào những phân tích trên, Hội đồng xét xử đủ cơ sở nhận định: Khối di sản thừa kế tranh chấp trong vụ án này là diện tích thực tế còn lại của thửa đất số 230, tờ bản đồ 169-D-I của cụ S, cụ T sau khi đã trừ đi phần đất đã hiến mở đường (78m2), phần đất do ông Nguyễn Văn H đang thực tế quản lý, sử dụng (45,5m2) và phần đất do cụ Cao Thị S đang thực tế quản lý sử dụng (13m2) là 759,5m2. Trên đất có hệ thống sân gạch, nhà kho, nhà vệ sinh, bể nước;
04 cây vải; 02 cây nhãn và 18m2 tường bao phía Tây bằng gạch chỉ đã cũ. Riêng 01 căn nhà 01 tầng cấp 4, diện tích 40m2 cùng đường bê tông, 22,8m tường bao gạch chỉ phía Nam và vườn thanh long 50 cây do ông T xây dựng, không được xác định là di sản thừa kế nhưng là tài sản gắn liền trên đất nên được tính toán giải quyết trong vụ án.
[4] Về việc xác định những người trong hàng thừa kế và người tham gia tố tụng khác: Cụ Nguyễn Văn S và cụ Lê Thị T là vợ chồng, sinh được 07 người con là các ông bà Nguyễn Ngọc Đ, Nguyễn Văn T, Nguyễn Văn H, Nguyễn Thị T, Nguyễn Thị T3, Nguyễn Thị T1 và Nguyễn Thị T2. Bà Nguyễn Thị H là con riêng của cụ Lê Thị T nhưng chung sống với hai cụ từ lúc nhỏ và được cụ S coi như con đẻ của mình. Ngoài ra các cụ không có người con riêng, con nuôi nào khác. 08 người này đều còn sống nên được xác định là hàng thừa kế thứ nhất của cụ Lê Thị T và cụ Nguyễn Văn S. Cụ Cao Thị S, bà Phan Thị H là vợ ông Nguyễn Văn T, bà Nguyễn Thị C là vợ ông Nguyễn Văn H không phải là hàng thừa kế của cụ S và cụ T nhưng được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án vì: Bà Phan Thị H có quyền yêu cầu Tòa án xem xét, giải quyết việc ông Nguyễn Văn T đã bỏ tiền để tạo lập một số tài sản trên đất của cụ S và cụ T; bà Nguyễn Thị C có quyền yêu cầu Tòa án xem xét, giải quyết việc bà và ông Nguyễn Văn H đang sử dụng một phần đất của cụ S và cụ T; cụ Cao Thị S có quyền yêu cầu Tòa án xem xét, giải quyết việc cụ đang sử dụng một phần đất của cụ S và cụ T.
- Về nội dung vụ án:
[5] Về yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:
[5.1] Về yêu cầu chia phần di sản thừa kế của cụ Lê Thị T: Cụ Lê Thị T chết năm 2019. Lúc này cụ S còn sống. Nguyên đơn trình bày cụ T chết không có di chúc. Bị đơn xuất trình cho Tòa án văn bản là bản di chúc ngày 22 tháng 11 năm 2017 có chữ “Lê Thị T” tại phần người viết nhưng bản thân bị đơn không biết ai là người viết và đánh máy bản di chúc này, vào thời điểm nào. Bản di chúc không có người chứng kiến và không phải do chính tay người để lại di sản viết. Do vậy bản di chúc này không hợp pháp. Từ thời điểm sau ngày 22 tháng 11 năm 2017 cho đến khi cụ Lê Thị T chết, tất cả các đương sự đều trình bày cụ T không có bản di chúc nào khác cũng như không xuất trình được bất kỳ tài liệu chứng cứ nào xác định cụ T có di chúc để lại. Do vậy Hội đồng xét xử đủ cơ sở nhận định cụ Lê Thị T chết không có di chúc. Nguyên đơn yêu cầu chia phần tài sản của cụ Lê Thị T làm 09 phần cho cụ S và 08 người con theo pháp luật là đúng quy định, được chấp nhận.
[5.2] Về yêu cầu công nhận di chúc của cụ Nguyễn Văn S: Cụ Nguyễn Văn S chết năm 2020. Trước khi chết, cụ S có để lại bản di chúc phân chia phần tài sản của cụ trong khối tài sản chung của hai cụ. Bản di chúc của cụ Nguyễn Văn S được lập vào ngày 29 tháng 6 năm 2020 khi cụ đang ở nhà bà Nguyễn Thị H tại thôn N, xã T, huyện A, Hải Phòng. Người soạn thảo bản di chúc theo yêu cầu của cụ S là ông Lã Viết N, người ký chứng kiến là các ông Vũ Văn L và Nguyễn Văn T là hàng xóm của bà Nguyễn Thị H ở thôn N, xã T, huyện A, Hải Phòng. Bản di chúc được cụ S ký tên, điểm chỉ trước mặt những người làm chứng. Thời gian lập bản di chúc này phù hợp với lời trình bày của nguyên đơn, của bà Nguyễn Thị T, bà Nguyễn Thị H cũng như chính lời trình bày của bị đơn đã xác nhận thời điểm tháng 6 năm 2020, cụ Nguyễn Văn S đang ở chơi tại nhà bà H. Ngày 16 tháng 01 năm 2021 Tòa án nhân dân huyện An Lão quyết định trưng cầu Phòng kỹ thuật hình sự - Công an thành phố Hải Phòng thực hiện giám định chữ viết, chữ ký "Sáu - Nguyễn Văn S" cũng như thực hiện giám định các mẫu dấu vân tay trong cả 02 bản di chúc mà ông Nguyễn Ngọc Đ và bà Nguyễn Thị H giao nộp cho Tòa án. Tài liệu so sánh chính là mẫu chữ ký, chữ viết của chính cụ Nguyễn Văn S trong đơn đề nghị của cụ được UBND xã Bát Trang xác nhận ngày 02 tháng 7 năm 2020 và mẫu dấu vân tay của công dân Nguyễn Văn S, sinh năm 1933, số Chứng minh thư nhân dân 030565202 do Công an thành phố Hải Phòng lưu giữ tại tàng thư căn cước công dân của Công an thành phố. Ngày 18 tháng 3 năm 2021, Phòng kỹ thuật hình sự Công an thành phố Hải Phòng có Kết luận giám định số 31/KLGĐ-PC09 khẳng định:
"Chữ ký, chữ viết mang tên Nguyễn Văn S trên các tài liệu cần giám định ký hiệu A1, A2 so với chữ ký, chữ viết của người mang tên Nguyễn Văn S trên các tài liệu mẫu so sánh ký hiệu từ M1 đến M3 do cùng một người ký và viết ra.
04 (bốn) dấu vân tay ký hiệu DV1, DV3, DV5, DV11 với dấu vân tay in tại ô Trỏ trái trên Chỉ bản (Sao y tài liệu lưu trữ) của Nguyễn Văn S, sinh năm 1933, số CMND: 030565202, nơi thường trú: Thôn T, xã B, huyện A, TP Hải Phòng là của cùng một người.
01 (một) dấu vân tay ký hiệu DV8 với dấu vân tay in tại ô Trỏ phải trên Chỉ bản (Sao y tài liệu lưu trữ) của Nguyễn Văn S, sinh năm 1933, số CMND:
030565202, nơi thường trú: Thôn T, xã B, huyện A, TP Hải Phòng là của cùng một người." Mặt khác, những người làm chứng ký vào bản di chúc là các ông Vũ Văn L và Nguyễn Văn T đều thống nhất khẳng định: Tại thời điểm lập di chúc, cụ S hoàn toàn khỏe mạnh, minh mẫn. Cụ yêu cầu anh Lã Viết N là người soạn thảo bản di chúc cho cụ, đọc to bản di chúc cho mọi người cùng nghe, sau đó cụ trực tiếp ký và điểm chỉ vào di chúc trước mặt những người làm chứng. Nội dung của bản di chúc là cụ S định đoạt phần tài sản của cụ trong khối tài sản chung của cụ S và cụ T, theo đó ông Nguyễn Ngọc Đ và bà Nguyễn Thị H mỗi người được hưởng 1/2 phần tài sản của cụ. Ngoài bản di chúc này, cho đến khi chết, cụ S không lập thêm bản di chúc nào khác nữa. Bản thân những người làm chứng có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, không là người thừa kế của cụ S và không phải là người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến nội dung di chúc. Xét bản di chúc ngày 29 tháng 6 năm 2020 của cụ Nguyễn Văn S được lập đúng với các quy định của pháp luật về trình tự thủ tục quy định tại các Điều 631, 632 và Điều 634 của Bộ luật Dân sự; nội dung của bản di chúc không trái pháp luật, không vi phạm đạo đức xã hội nên bản di chúc này của cụ Nguyễn Văn S là di chúc hợp pháp theo quy định tại Điều 630 Bộ luật Dân sự. Yêu cầu của nguyên đơn đề nghị công nhận nội dung bản di chúc ngày 29 tháng 6 năm 2020 của cụ S là có cơ sở, được chấp nhận.
[6] Về yêu cầu của bị đơn:
[6.1] Về bản di chúc ngày 22 tháng 11 năm 2017 mà ông T giao nộp cho Toà án có chữ viết "Nguyễn Văn S" và "Lê Thị T" tại phần "Người lập di chúc". Bản di chúc này vừa có phần viết tay, vừa có phần đánh máy tính và ông Nguyễn Văn T thừa nhận không biết ai là người viết, soạn thảo. Ông T có trình bày là cụ S nói là nhờ ông Nguyễn Trung T là một người cháu trong họ làm hộ nhưng bản thân ông Nguyễn Trung T cũng không xác nhận được phần chữ viết tay trong văn bản này là của ai cũng như không trực tiếp thấy cụ S và cụ T ký vào văn bản. Theo bản kết luận giám định số 81/KLGĐ-PC09 ngày 01/6/2021 của Phòng kỹ thuật hình sự - Công an thành phố Hải Phòng thì phần chữ viết và chữ ký "Nguyễn Văn S", "Lê Thị T" trong bản di chúc không phải cùng một người viết. Bản di chúc này cũng không có người làm chứng nên không đúng quy định tại Điều 633 Bộ luật Dân sự.
Điều 633 Bộ luật Dân sự quy định trường hợp di chúc không có người làm chứng thì "Người lập di chúc phải tự viết và ký vào bản di chúc". Ngoài bản di chúc này, ông T không còn tài liệu chứng cứ nào khác nên Hội đồng xét xử đủ cơ sở nhận định bản di chúc ngày 22 tháng 11 năm 2017 có chữ viết "Nguyễn Văn S" và "Lê Thị T" là di chúc không hợp pháp, không có cơ sở chấp nhận.
[6.2] Về yêu cầu của ông Nguyễn Văn T đề nghị Toà án giải quyết chia di sản của cụ S và cụ T theo các biên bản họp gia đình ngày 08 tháng 12 năm 2019 và biên bản họp tại thôn T, xã B ngày 19 tháng 5 năm 2020: Hồ sơ vụ án thể hiện, cả hai lần họp này đều chỉ có ý kiến của một mình cụ Nguyễn Văn S vì cụ Lê Thị T đã chết (cụ T chết ngày 22 tháng 3 năm 2019). Hội đồng xét xử đủ cơ sở khẳng định ý kiến của cụ Nguyễn Văn S tại cả hai cuộc họp này đều không đúng quy định của pháp luật Hôn nhân gia đình và thừa kế. Bởi lẽ cụ Nguyễn Văn S và cụ Lê Thị T là vợ chồng, tài sản của các cụ để lại là tài sản chung vợ chồng. Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, tài sản chung vợ chồng tạo lập trong thời kỳ hôn nhân được chia đôi, cả cụ S và cụ T đều chỉ được định đoạt phần tài sản của mình, không được định đoạt phần tài sản của người còn lại. Ngày 22 tháng 3 năm 2019, cụ T đã chết không có di chúc, cụ S còn sống chỉ được định đoạt phần di sản của cụ, là 1/2 tài sản trong khối tài sản chung của cụ S và cụ T. Hơn nữa, trong cả hai lần họp này đều không có mặt của nguyên đơn (ông Nguyễn Ngọc Đ); kết quả họp chưa được điều chỉnh trên giấy tờ, sổ sách đất đai nên không đủ yếu tố áp dụng Án lệ số 24/2018/AL ngày 17/10/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để giải quyết. Án lệ số 24/2018/AL nêu: "nhà, đất là tài sản chung của vợ chồng mà một người chết trước. Người còn lại và các thừa kế của người chết trước đã thống nhất phân chia nhà đất. Thỏa thuận phân chia không vi phạm quyền lợi của bất cứ thừa kế nào. Việc phân chia nhà đất đã được thực hiện trên thực tế và đã được điều chỉnh trên sổ sách, giấy tờ về đất đai. Trường hợp này phải xác định nhà, đất đó đã chuyển thành quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của các cá nhân". Ngoài ra, như đã phân tích, cụ S đã lập bản di chúc vào ngày 29 tháng 6 năm 2020 (sau thời điểm họp gia đình tại nhà văn hóa thôn Bát Trang) và bản di chúc này là di chúc hợp pháp, nội dung đã thay thế cho toàn bộ ý kiến của cụ S trước đây. Do vậy, toàn bộ yêu cầu chia di sản thừa kế của của bị đơn là không có cơ sở, không được chấp nhận.
[7] Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị H và Nguyễn Thị T đồng ý hoàn toàn với các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Các yêu cầu của nguyên đơn đều đúng quy định của pháp luật, có cơ sở nên ý kiến của bà H và bà T được chấp nhận. Ngoài ra, bà Nguyễn Thị T có ý kiến cho ông Nguyễn Ngọc Đ được hưởng cả phần di sản mà bà được chia, ông Đ đồng ý. Xét đây là sự thoả thuận tự nguyện của bà T và ông Đ nên được chấp nhận.
[8] Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là các ông bà Nguyễn Văn H, Nguyễn Thị T, Nguyễn Thị T và Nguyễn Thị T1 đều đồng ý với các yêu cầu của bị đơn. Yêu cầu chia di sản thừa kế của bị đơn không có cơ sở hợp pháp nên ý kiến của các ông bà H, T, T1, T2 không được chấp nhận.
[9] Về vấn đề tính công sức tôn tạo, vượt lập tài sản trên đất và xem xét giá trị của tài sản gắn liền trên đất:
[9.1] Trước hết, Hội đồng xét xử xem xét đến vấn đề tính công sức duy tu, tôn tạo giá trị đối với khối di sản thừa kế: Tuy ông T không phải là người có công sức trong việc quản lý di sản thừa kế (vì cụ S và cụ T mới chết năm 2019 và 2020), cũng không phải là người có công lớn trong việc tạo dựng giá trị của thửa đất (vì khi còn sống, các cụ là người hiến đất mở đường từ 01 lến 04 m như hiện tại) nhưng qua điều tra xác minh tại địa phương, từ năm 2010 cho đến nay, ông Nguyễn Văn T là người trực tiếp chăm sóc bố mẹ, đóng tiền sử dụng đất hàng năm. Bản thân ông T cũng là người xây dựng căn nhà cho bố mẹ ở, lấp ao, tạo dựng mặt bằng thửa đất như hiện tại. Do vậy, cần phải tính cho ông T được hưởng công sức duy tu, tôn tạo di sản thừa kế theo mức 10% của khối di sản thừa kế là phù hợp. Có nghĩa là ngoài diện tích đất được chia theo pháp luật, ông T được hưởng thêm một phần diện tích đất bằng 10% của tổng diện tích đất thực tế để chia thừa kế là 76m2.
[9.2] Về giá trị của những tài sản gắn liền trên đất do bị đơn tạo lập: Bị đơn đã tạo lập một số công trình gắn liền trên đất là căn nhà 01 tầng, mái ngói, diện tích 40m2; 22,8m tường bao phía Nam bằng gạch chỉ; 28,86m2 đường bên tông đi vào đất; 50 cây thanh long. Đây không phải là di sản thừa kế nhưng là những tài sản gắn liền trên đất nên được tính toán theo giá trị từng loại tài sản để giải quyết. Tại phiên tòa, ông T yêu cầu người được hưởng di sản thừa kế phải trả lại cho ông giá trị của những tài sản này. Ông Đ, bà H, bà T đều đồng ý nên Hội đồng xét xử xét thấy cần thiết buộc những người được hưởng thừa kế phải trả lại cho vợ chồng ông T giá trị của những tài sản này theo tỷ lệ và số lượng vật kiến trúc trên đất cụ thể mà họ được hưởng. Riêng về giá trị của khối lượng đất và công sức ông T đã lấp ao, ngoài lời trình bày, ông T không có tài liệu nào để chứng minh. Ông Nguyễn Ngọc Đ và bà Nguyễn Thị H không đồng ý. Do vậy, Hội đồng xét xử không xem xét, giải quyết giá trị của khối lượng đất lấp ao mà chỉ xem xét công sức tôn tạo, vượt lập, làm tăng giá trị thửa đất cho ông T.
[10] Về việc chia di sản cụ thể và nghĩa vụ thanh toán tiền: Sau khi trừ đi phần diện tích 76m2 cho ông T được hưởng, phần diện tích còn lại là 683,5m2 được phân định thành 02 phần. Cụ Nguyễn Văn S và cụ Lê Thị T, mỗi người để lại di sản thừa kế là diện tích 341,75m2 đất cùng tài sản gắn liền trên đất. Phương án chia di sản thừa kế cụ thể như sau:
[10.1] Ông Nguyễn Ngọc Đ được hưởng: ½ di sản của cụ S là phần đất có diện tích 170,875m2; 1/9 phần di sản của cụ Lê Thị T là phần đất có diện tích 37,972m2; 1/8 phần của cụ S được hưởng thừa kế từ cụ T là phần đất có diện tích 4,746m2. Ông Đ cũng được hưởng thêm phần bà T được hưởng thừa kế từ cụ T (phần đất có diện tích 37,972m2) và phần bà T được hưởng tiếp trong phần tài sản của cụ S được thừa kế từ cụ T (phần đất có diện tích 4,746m2) mà bà T đã có ý kiến cho ông. Như vậy ông Nguyễn Ngọc Đ được hưởng thừa kế là mảnh đất có diện tích 256,311 m2 cùng toàn bộ tài sản gắn liền trên phần đất này. Hội đồng xét xử xét yêu cầu của ông Đ được hưởng phần thừa kế là mảnh đất bao gồm tất cả các phần đất được chia vào với nhau là chính đáng, đúng pháp luật, đảm bảo việc thi hành án nên chấp nhận. Tuy nhiên, vị trí cụ thể của mảnh đất mà ông yêu cầu sẽ nằm ở giữa toàn bộ thửa đất, trên đó có căn nhà cấp 4 cùng phần lớn vườn thanh long do ông T gây dựng nên việc giao cho ông Đ được hưởng phần đất này là không công bằng cho ông T. Do vậy Hội đồng xét xử xét thấy giao cho ông Đ được hưởng phần đất có ranh giới phía Tây giáp nhà ông Phan Văn K (bà X), phần đất ở giữa có căn nhà cấp 4 giao cho ông Nguyễn Văn T được hưởng là hợp tình, hợp lý, đảm bảo sự công bằng cho tất cả các đương sự. Trên phần đất này có 02 cây vải, 02 cây nhãn và 18m2 tường bao phía Tây bằng gạch chỉ đã cũ là di sản thừa kế, tổng trị giá theo thẩm định là 10.520.800 đồng. Do ông Đ được hưởng các tài sản này nên ông Đ phải trả cho ông T, bà H, bà T3, bà T1, bà T2 ông H, bà T mỗi người số tiền là 1.315.100 đồng. Một số công trình khác mà ông Đ cũng được hưởng là 02 bể nước, 01 nhà kho và 01 nhà vệ sinh đã cũ, không còn giá trị sử dụng nên không xét. Cũng xét, trên phần đất này có một số tài sản do ông T xây dựng bao gồm 18 cây thanh long và cọc bê tông; 7,55m tường bao phía Nam bằng gạch chỉ, tổng giá trị theo định giá là 4.053.527 đồng. Ông Nguyễn Ngọc Đ được hưởng hiện vật nên ông Đ phải trả số tiền này cho ông Nguyễn Văn T.
[10.2] Bà Nguyễn Thị H được hưởng: ½ di sản của cụ S là phần đất có diện tích 170,875m2; 1/9 phần di sản của cụ Lê Thị T là phần đất có diện tích 37,972m2; 1/8 phần của cụ S được hưởng thừa kế từ cụ T là phần đất có diện tích 4,746m2. Như vậy, bà H được hưởng phần đất có tổng diện tích là 213,53 m2 cùng toàn bộ tài sản gắn liền trên phần đất này; phía Đông tiếp giáp với phần diện tích 45,5 m2 đất của cụ S, cụ T mà ông Nguyễn Văn H đang sử dụng; phía Nam tiếp giáp với đường thôn xóm cùng toàn bộ tài sản gắn liền trên phần đất này. Trên phần đất này có 02 cây vải là di sản thừa kế, tổng giá trị qua thẩm định là 6.400.000 đồng. Do bà H được hưởng nên bà H phải trả cho ông Đ, ông H, ông T, bà Thi, bà T1, bà T2, bà T mỗi người số tiền là 800.000 đồng. Trên đất cũng có một số tài sản do ông T xây dựng bao gồm: 14 cây thanh long và cọc bê tông; 28,86m2 đường bê tông; 6,25m tường bao bằng gạch chỉ, giá trị định giá là 5.395.217 đồng. Bà Nguyễn Thị H phải trả số tiền này cho ông Nguyễn Văn T.
[10.3] Phần diện tích đất còn lại (sau khi đã trừ phần 10% cho ông T và các phần đã chia cho ông Đ và bà H) là 213,596m2 được chia đều cho 05 người là các ông bà Nguyễn Văn T, Nguyễn Văn H, Nguyễn Thị T, Nguyễn Thị T1 và Nguyễn Thị T2 mỗi người được hưởng phần thừa kế là 42,718m2 đất. Tuy nhiên, do phần diện tích 42,718m2 đất không đủ điều kiện tách thửa theo quy định; các ông bà H, T, T1, T2 đều đã có chỗ ở nơi khác ổn định nên Hội đồng xét xử giao lại các phần diện tích đất này cho ông Nguyễn Văn T được quản lý, sử dụng. Như vậy, ông Nguyễn Văn T được hưởng thừa kế là mảnh đất có tổng diện tích là 289,596m2 (bao gồm phần của ông được chia theo luật; phần của ông H, bà T3, bà T1, bà T2 giao cho ông và phần công sức tôn tạo di sản là 10% ông được hưởng thêm) có ranh giới phía Đông giáp phần đất bà H được hưởng, phía Nam giáp đường thôn xóm và phía Tây giáp phần đất ông Đ được hưởng. Ông T phải trả tiền cho ông H, bà Thi, bà T1, bà T2 giá trị của mỗi phần đất theo giá của Chứng thư thẩm định giá là phù hợp. Theo khảo sát tại thời điểm tháng 5/2021 do Công ty Cổ phần Tư vấn và Thẩm định giá doanh nghiệp - Chi nhánh Hải Phòng thì "Giá đất của cụ Nguyễn Văn S tại thời điểm điều tra có giá giao dịch trung bình là 3.600.000đ/m2". Như vậy, ông Nguyễn Văn T phải thanh toán cho ông H, bà T, bà T1, bà T2 mỗi người số tiền là 42,718m2 x 3.600.000 đồng/m2 = 153.784.800 đồng. Trên đất có: 01 căn nhà cấp 4, 01 tầng mái ngói và 18 cây thanh long là tài sản do ông T xây dựng, không phải tính giá trị để trả lại cho những người thừa kế khác; 23,11m2 sân gạch là di sản thừa kế, giá trị qua thẩm định là 513.042 đồng, ông T được hưởng nên phải trả cho ông Đ, bà H, ông H, bà T, bà T3, bà T1, bà T2 mỗi người là 64.130 đồng.
[11] Về một số vấn đề khác:
[11.1] Đối với phần diện tích 78m2 giáp đường bờ mương phía Nam khi còn sống, cụ S, cụ T đã hiến để mở đường thôn xóm. Việc này được chính quyền địa phương và tất cả các đương sự thừa nhận, đã thực tế trở thành một phần đường thôn xóm nên Hội đồng xét xử không xem xét.
[11.2] Về phần diện tích 13m2 do cụ Cao Thị S đang quản lý sử dụng: Tuy đây là một phần trong khối tài sản của cụ S và cụ T nhưng tất cả các đương sự đều thống nhất thừa nhận cụ S đã sử dụng phần đất này từ lâu và từ khi chủ sử dụng đất là cụ S và cụ T còn sống. Hai bên gia đình vẫn sử dụng bờ tường bao do cụ S xây dựng làm đường ranh giới cho đến nay và chưa bao giờ có tranh chấp. Các đương sự cũng không yêu cầu cụ S phải trả lại phần diện tích này. Hội đồng xét xử dủ cơ sở nhận định phần diện tích đất này đã được cụ S, cụ T và cụ S thống nhất cho cụ S, tuy chưa được điều chỉnh trên giấy tờ đất đai nhưng tiếp tục giao cho cụ S quản lý, sử dụng.
[11.3] Về phần diện tích 45,5m2 do ông Nguyễn Văn H quản lý, sử dụng: Đây cũng là một phần trong khối tài sản của cụ S và cụ T. Nhưng, cũng như phần đất cụ S đang sử dụng, cụ S, cụ T khi còn sống đã cho ông H phần diện tích này từ lâu, hai bên vẫn thống nhất sử dụng đường gấp khúc là đường ranh giới thực tế cho đến nay. Giữa cụ S, cụ T và ông H cũng như với các anh chị em trong nhà chưa bao giờ xảy ra tranh chấp ranh giới đất. Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, các đương sự đều thống nhất không yêu cầu Tòa án giải quyết đến diện tích đất này. Hội đồng xét xử dủ cơ sở nhận định phần diện tích đất này phải được coi là ý chí của cụ S, cụ T khi còn sống đã cho ông H, tuy chưa được điều chỉnh trên giấy tờ đất đai nhưng tiếp tục giao cho ông H quản lý, sử dụng.
[11.4] Đối với các ông Lê Quang H và Phạm Văn B là những người đã nhận chuyển nhượng một phần diện tích đất từ ông Nguyễn Văn H: Qua điều tra, xác minh thấy các phần diện tích đất mà ông Lê Quang H, Phạm Văn B nhận chuyển nhượng đều nằm trong diện tích đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Nguyễn Văn H và bà Nguyễn Thị C, không bị lấn sang đất của cụ T và cụ S. Do vậy, Hội đồng xét xử không xem xét.
[12] Về các chi phí tố tụng:
[12.1] Về tiền chi phí thẩm định giá tài sản: Ông Nguyễn Ngọc Đ đã tạm ứng số tiền 24.682.900đ (hai mươi bốn triệu sáu trăm tám mươi hai nghìn chín trăm đồng) là tiền yêu cầu thẩm định giá tài sản. Ông Nguyễn Văn T và các đương sự khác cũng đồng ý để Công ty Thẩm định giá tiến hành định giá tài sản. Theo quy định tại khoản 5 Điều 42 Pháp lệnh số 02/2012/UBTVQH13 ngày 28/3/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì đối với chi phí thẩm định giá chia di sản thừa kế, mỗi người được chia thừa kế phải chịu phần chi phí theo tỷ lệ được hưởng. Ông Nguyễn Ngọc Đ được chia thừa kế 265,31m2 đất, tương ứng với tỷ lệ là 33,74%, quy đổi thành tiền là 8.328.010 đồng. Bà Nguyễn Thị H được chia thừa kế 213,53m2 đất tương ứng với tỷ lệ 28,11%, quy đổi thành tiền là 6.938.363 đồng. Ông Nguyễn Văn T được chia thừa kế 118,718m2 đất tương ứng với tỷ lệ 15,62%, quy đổi thành tiền là 3.855.468 đồng. Các ông bà Nguyễn Văn H, Nguyễn Thị T, Nguyễn Thị T1, Nguyễn Thị T2 được chia thừa kế mỗi người 42,718m2 đất tương ứng với tỷ lệ 5,62%, quy đổi thành tiền là 1.387.178 đồng. Bà Nguyễn Thị T không phải chịu phần tiền này do bà đã cho ông Đ hưởng phần thừa kế mình được chia. Như vậy, các ông bà Nguyễn Thị H, Nguyễn Văn T, Nguyễn Thị T2, Nguyễn Văn H, Nguyễn Thị T1 và Nguyễn Thị T đều phải trả lại cho ông Nguyễn Ngọc Đ một phần tiền thẩm định giá theo tỷ lệ nêu trên.
[12.2] Ông Nguyễn Văn T phải chịu toàn bộ tiền giám định chữ viết, chữ ký là 3.975.000đ (Ba triệu chín trăm bảy mươi lăm nghìn đồng). Do ông Đ đã tạm ứng trước số tiền này nên buộc ông T phải trả lại cho ông Đ 3.975.000đ (Ba triệu chín trăm bảy mươi lăm nghìn đồng).
[13] Về án phí:
[13.1] Các ông bà Nguyễn Ngọc Đ, Nguyễn Thị H, Nguyễn Văn T, Nguyễn Văn H, Nguyễn Thị T, Nguyễn Thị T2, Nguyễn Thị T1, Nguyễn Thị T3 đều phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật. Xét ông Nguyễn Ngọc Đ và bà Nguyễn Thị H đều là người cao tuổi, có đơn xin miễn án phí nên Hội đồng xét xử miễn án phí cho ông Đ và bà H.
[13.2] Ông Nguyễn Văn T phải nộp án phí theo phần di sản được chia là 118,718m2 đất, 23,11m2 sân gạch và tiền giá trị một phần di sản thừa kế (cây vải, cây nhãn, tường bao) mà ông Đ, bà H phải trả, tổng giá trị đã được thẩm định là 429.564.030đ. Các ông bà Nguyễn Văn H, Nguyễn Thị T, Nguyễn Thị T2, Nguyễn Thị T1 mỗi người phải nộp án phí theo phần di sản được chia là 42,718m2 đất, tương ứng với giá trị đã được thẩm định là 153.784.800đ, cộng với số tiền mà ông Đ, bà H, ông T phải trả cho ông bà tiền trị giá của một phần di sản thừa kế (cây vải, cây nhãn, tường bao, sân gạch), tổng là 155.964.030đ.
[13.3] Riêng bà Nguyễn Thị T tuy rằng phải chịu tiền án phí nhưng do bà đã cho ông Đ hưởng phần thừa kế mình được chia nên ông Đ phải chịu tiền án phí thay cho bà T theo phần di sản bà T được chia là 42,718m2 đất, tương ứng với giá trị đã được thẩm định là 153.784.800đ, cộng với số tiền mà ông Đ, bà H, ông T phải trả cho bà tiền trị giá của một phần di sản thừa kế (cây vải, cây nhãn, tường bao, sân gạch), tổng là 155.964.030đ.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 3, Điều 26; điểm a, khoản 1, Điều 35; điểm a, khoản 1, Điều 39; Điều 144; Điều 147; khoản 2 Điều 161; điểm b, khoản 2, Điều 227; khoản 3, Điều 228 và khoản 1 Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự;
Căn cứ vào Điều 357; Điều 611, Điều 612; Điều 613; Điều 623; Điều 630; Điều 634; Điều 643; Điều 649; điểm a, khoản 1, Điều 650; điểm a, khoản 1, Điều 651 của Bộ luật Dân sự;
Căn cứ khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai;
Căn cứ khoản 5 Điều 42 Pháp lệnh số 02/2012/UBTVQH13 ngày 28 tháng 3 năm 2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về chi phí giám định, định giá Căn cứ vào điểm đ, khoản 1, Điều 12; khoản 6, Điều 15; điểm a, khoản 7, Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
1. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Ngọc Đ.
2. Chia di sản thừa kế của cụ Lê Thị T theo pháp luật và công nhận di chúc của cụ Nguyễn Văn S là di chúc hợp pháp, có hiệu lực pháp luật để thi hành. Cụ thể:
2.1 Giao cho ông Nguyễn Ngọc Đ được quản lý, sử dụng và đăng ký quyền sử dụng đất đối với mảnh đất có diện tích 256,31m2 (hai trăm năm mươi sáu phẩy ba mươi mốt mét vuông) bao gồm các điểm 1, 2,3,9,10 tại thửa đất số 230, tờ bản đồ 169-D-I ở thôn T, xã B, huyện A, Hải Phòng; có tứ cận như sau:
- Phía Đông giáp phần đất mà ông Nguyễn Văn T được hưởng, có chiều dài 28,79m - Phía Nam giáp đường thôn xóm có chiều dài 7,55m.
- Phía Tây giáp đất ông Phan Văn K, có chiều dài 30,00m.
- Phía Bắc giáp nhà bà Cao Thị S, có chiều dài là 6,67m và 3,35m (có sơ đồ chi tiết kèm theo) Ông Nguyễn Ngọc Đ được sở hữu các tài sản gắn liền trên đất gồm: 02 cây vải; 02 cây nhãn; 18 cây thanh long và cọc bê tông; 18m2 tường bao phía Tây bằng gạch chỉ đã cũ; 7,55m tường bao bằng gạch chỉ phía Nam; 02 bể nước, 01nhà kho và 01 nhà vệ sinh đã cũ không còn giá trị sử dụng.
2.2 Giao cho ông Nguyễn Văn T được quản lý, sử dụng và đăng ký quyền sử dụng đất đối với mảnh đất có diện tích 289,59m2 (Hai trăm tám mươi chín phẩy năm mươi chín mét vuông) bao gồm các điểm 3,4,5,8,9 tại thửa đất số 230, tờ bản đồ 169-D-I ở thôn T, xã B, huyện A, Hải Phòng có tứ cận như sau:
- Phía Đông giáp phần đất mà bà Nguyễn Thị H được hưởng, có chiều dài 27,35m - Phía Nam giáp đường thôn xóm có chiều dài 9,00m.
- Phía Tây giáp phần đất mà ông Nguyễn Ngọc Đ được hưởng, có chiều dài 28,79m.
- Phía Bắc giáp nhà bà Cao Thị S, có chiều dài là 9,84m và 2,03m. (có sơ đồ chi tiết kèm theo) Ông Nguyễn Văn T được sở hữu các tài sản gắn liền trên đất gồm: 01 căn nhà cấp 4, 01 tầng, diện tích 40,2m2; 23,11m2 sân gạch đã cũ; 9,00m tường bao bằng gạch chỉ; 18 cây thanh long và cọc bê tông.
2.3 Giao cho bà Nguyễn Thị H được quản lý, sử dụng và đăng ký quyền sử dụng đất đối với mảnh đất có diện tích 213,53m2 (Hai trăm mười ba phẩy năm mươi ba mét vuông) bao gồm các điểm 5,5a,6,7,8 tại thửa đất số 230, tờ bản đồ 169-D-I ở thôn T, xã B, huyện A, Hải Phòng có tứ cận như sau:
- Phía Đông giáp phần đất 45,5m2 mà ông Nguyễn Văn H đang sử dụng, có chiều dài lần lượt là 12,19m và 14,98m - Phía Nam giáp đường thôn xóm có chiều dài 8,45m.
- Phía Tây giáp phần đất mà ông Nguyễn Văn T được hưởng, có chiều dài 27,35m.
- Phía Bắc giáp nhà bà Cao Thị S, có chiều dài là 8,07m.
(có sơ đồ chi tiết kèm theo) Bà Nguyễn Thị H được sở hữu các tài sản gắn liền trên đất gồm: 14 cây thanh long và cọc bê tông; 02 cây vải; 28,86m2 đường bê tông; 6,25m tường bao bằng gạch chỉ.
3. Về số tiền các đương sự phải thanh toán cho nhau:
- Ông Nguyễn Văn T phải trả cho ông Nguyễn Ngọc Đ tổng số tiền giám định và thẩm định giá là 7.830.468đ cùng một phần giá trị sân gạch là 64.130đ. Ông Nguyễn Ngọc Đ phải trả cho ông Nguyễn Văn T và bà Phan Thị H giá trị tài sản do ông T xây dựng là 4.053.527đ, một phần tiền giá trị của 02 cây vải, 02 cây nhãn và 18 m2 tường bao là 1.315.100đ. Sau khi đối trừ, ông Nguyễn Văn T phải trả cho ông Nguyễn Ngọc Đ số tiền là 2.525.971 (Hai triệu năm trăm hai mươi lăm nghìn chín trăm bảy mươi mốt đồng).
- Ông Nguyễn Văn T phải trả cho ông Nguyễn Văn H, bà Nguyễn Thị T, bà Nguyễn Thị T1, bà Nguyễn Thị T2 mỗi người số tiền giá trị phần đất di sản thừa kế là 153.784.800đ và mỗi người số tiền giá trị của một phần sân gạch là 64.130đ. Tổng cộng là 153.848.930đ (Một trăm năm mươi ba triệu tám trăm bốn mươi tám nghìn chín trăm ba mươi đồng).
- Ông Nguyễn Văn T phải trả cho bà Nguyễn Thị T số tiền giá trị của một phần sân gạch là 64.130đ (Sáu mươi bốn nghìn một trăm ba mươi đồng).
- Ông Nguyễn Ngọc Đ phải trả cho các ông bà Nguyễn Văn H, Nguyễn Thị T, Nguyễn Thị T2 và Nguyễn Thị T1 mỗi người một phần tiền giá trị của 02 cây vải, 02 cây nhãn và 18 m2 tường bao là 1.315.100đ. Ông Nguyễn Văn H, bà Nguyễn Thị T, bà Nguyễn Thị T1, bà Nguyễn Thị T2 mỗi người phải trả cho ông Nguyễn Ngọc Đ số tiền thẩm định giá là 1.387.178đ. Sau khi đối trừ, các ông bà Nguyễn Văn H, Nguyễn Thị T, Nguyễn Thị T2 và Nguyễn Thị T1 mỗi người phải trả cho ông Nguyễn Ngọc Đ số tiền là 72.078đ (Bảy mươi hai nghìn không trăm bảy mươi tám đồng).
- Ông Nguyễn Ngọc Đ phải trả cho bà Nguyễn Thị T một phần tiền giá trị của 02 cây vải, 02 cây nhãn và 18 m2 tường bao là 1.315.100đ (Một triệu ba trăm mười lăm nghìn một trăm đồng) - Bà Nguyễn Thị H phải trả cho ông Nguyễn Ngọc Đ số tiền thẩm định giá là 6.938.363đ và một phần giá trị của 02 cây vải là 800.000đ. Ông Nguyễn Ngọc Đ phải trả cho bà H một phần giá trị của 02 cây vải, 02 cây nhãn và 18 m2 tường bao là 1.315.100đ. Sau khi đối trừ, bà Nguyễn Thị H phải trả cho ông Nguyễn Ngọc Đ số tiền là 6.423.263đ (Sáu triệu bốn trăm hai mươi ba nghìn hai trăm sáu mươi ba đồng).
- Bà Nguyễn Thị H phải trả cho ông Nguyễn Văn T và bà Phan Thị H số tiền giá trị tài sản do ông T xây dựng là 5.395.217đ và một phần giá trị của 02 cây vải là 800.000đ. Ông Nguyễn Văn T phải trả cho bà Nguyễn Thị H giá trị của một phần sân gạch là 64.130đ. Sau khi đối trừ, bà Nguyễn Thị H phải trả cho ông Nguyễn Văn T số tiền là 6.131.087đ (Sáu triệu một trăm ba mươi mốt nghìn không trăm tám mươi bảy đồng).
- Bà Nguyễn Thị H phải trả cho ông Nguyễn Văn H, bà Nguyễn Thị T, bà Nguyễn Thị T, bà Nguyễn Thị T1, bà Nguyễn Thị T2 mỗi người một phần giá trị của 02 cây vải là 800.000đ (Tám trăm nghìn đồng).
Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu, nếu các ông bà Nguyễn Ngọc Đ, Nguyễn Văn T, Nguuyễn Văn H, Nguyễn Thị T, Nguyễn Thị T2, Nguyễn Thị T1, Nguyễn Thị H chưa thi hành khoản tiền trên thì hàng tháng còn phải chịu tiền lãi trên tổng số tiền chưa trả theo lãi suất quy định tại Điều 357 và Điều 468 Bộ luật Dân sự cho đến khi thanh toán xong.
4. Về án phí: Ông Nguyễn Ngọc Đ và bà Nguyễn Thị H được miễn nộp tiền án phí dân sự sơ thẩm. Ông Nguyễn Văn H, bà Nguyễn Thị T, bà Nguyễn Thị T2, bà Nguyễn Thị T1 mỗi người phải nộp 7.798.201đ (Bảy triệu bảy trăm chín mươi tám nghìn hai trăm lẻ một đồng) án phí dân sự sơ thẩm. Ông Nguyễn Văn T phải nộp 21.182.561đ (Hai mươi mốt triệu một trăm tám mươi hai nghìn năm trăm sáu mươi mốt đồng) án phí dân sự sơ thẩm. Ông Nguyễn Ngọc Đ phải nộp án phí dân sự sơ thẩm thay cho bà Nguyễn Thị T là 7.798.201đ (Bảy triệu bảy trăm chín mươi tám nghìn hai trăm lẻ một đồng)
5. Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, tự nguyện thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
6. Nguyên đơn ông Nguyễn Ngọc Đ; Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn và của bà Nguyễn Thị H là bà Hoàng Minh P; người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn Thị T, Nguyễn Thị H; bị đơn là ông Nguyễn Văn T có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn Thị T, Nguyễn Thị T2, Nguyễn Thị T1, ông Nguyễn Văn H được quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cụ Cao Thị S, bà Phan Thị H, bà Nguyễn Thị C có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật đối với phần bản án liên quan đến quyền và nghĩa vụ của mình.
Bản án về tranh chấp chia di sản thừa kế số 04/2021/DS-ST
Số hiệu: | 04/2021/DS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện An Lão - Hải Phòng |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 25/06/2021 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về