Bản án về tranh chấp bồi thường thiệt hại phát sinh từ hợp đồng dịch vụ số 06/2021/KDTM-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN

BẢN ÁN 06/2021/KDTM-PT NGÀY 29/10/2021 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI PHÁT SINH TỪ HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ

Trong các ngày 25 và 29 tháng 10 năm 2021 tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Long An tiến hành xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 11/2021/TLPT- KDTM ngày 30/6/2021 về việc “Tranh chấp bồi thường thiệt hại phát sinh từ hợp đồng dịch vụ”.

Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 05/2021/KDTM-ST ngày 23 tháng 4 năm 2021 của Toà án nhân dân huyện Đ bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 15/2021/QĐ-PT ngày 11 tháng 10 năm 2021, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Công ty TNHH MTV Q. Địa chỉ trụ sở chính: ấp H, xã B, huyện Đ1, tỉnh Long An.

Người đại diện theo pháp luật: Bà Nguyễn Thị S - Giám đốc

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Võ Hòa T, sinh năm 1984. Địa chỉ cư trú: ấp 6, xã N, huyện B, tỉnh Long An. (theo Văn bản ủy quyền ngày 10/12/2020) (Có mặt).

- Bị đơn: Công ty TNHH S. Địa chỉ trụ sở chính: ấp C, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Long An.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Lee Jong M - Giám đốc.

Người đại diện theo ủy quyền: Bà Lê Thị Thanh M, sinh năm 1984. Địa chỉ cư trú: ấp B, xã T, huyện Đ, tỉnh Long An. (theo Văn bản ủy quyền ngày 06/4/2021) (Có mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Ông Nguyễn Hòa B và ông Phan Văn S là Luật sư của Văn phòng Luật sư Nguyễn Hòa B thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Long An. (Có mặt).

- Người kháng cáo: Công ty TNHH MTV Q, nguyên đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện, trong những lời khai tiếp theo tại Tòa án và tại phiên tòa ông Võ Hòa T đại diện cho Công ty TNHH MTV Q (gọi tắt là Công ty Q) trình bày:

Vào năm 2010, Công ty TNHH S (gọi tắt là Công ty S) và Công ty Q giao kết với nhau Hợp đồng vận chuyển hành khách (công nhân). Theo đó Công ty S là bên A và Công ty Q là bên B. Công ty B đứng ra tuyển dụng lao động khu vực huyện Đ, huyện Đ1 cho Công ty A, phía Công ty A sẽ đứng ra thuê phía Công ty B vận chuyển hành khách (công nhân) từ địa bàn 2 huyện trên đến trụ sở Công ty để làm việc ngược lại. Theo đó Công ty B đã đứng ra tuyển dụng công nhân trên địa bàn 2 huyện trên thay cho Công ty A với số lượng vài trăm công nhân. Sau đó giữa Công ty bên A và Công ty bên B giao kết với nhau hợp đồng vận chuyển hành khách (công nhân). Thời hạn của các hợp đồng là 2 năm và luôn có nội dung chuyển tiếp là giao kết hợp đồng trở lại với nhau chỉ thay đổi về giá thuê (theo sự biến động về thời giá). Đến ngày 01/12/2018, hai bên ký hợp đồng số 01/2018 hợp đồng có những điều khoản liên quan đến việc vận chuyển hành khách là công nhân giá trị hợp đồng là 37.500.000 đồng/tháng x 24 tháng. Trong hợp đồng có thỏa thuận nội dung: “Khi hết hạn hợp đồng thì bên A cho bên B ký tiếp hợp đồng mới, nếu bên A vẫn có nhu cầu thu công nhân từ huyện Đ1, Đ do bên B đã tuyển dụng. Nếu bên A không tiếp tục ký hợp đồng với bên B thì bên A phải trả lại toàn bộ số công nhân mà bên B đã tuyển dụng vào làm việc cho bên A”.

Về quyền nghĩa vụ của các bên, hợp đồng đã thỏa thuận và xác nhận quyền và nghĩa vụ của bên A là Công ty S tại Điều 7 của Hợp đồng: “Bên A không được hợp đồng với chủ phương tiện khác hoặc sử dụng xe của công ty để chở và vận chuyển công nhân của địa bàn huyện Đ1 khi chưa có sự đồng ý của bên B”. Ngoài ra theo hợp đồng tại Điều 9 cũng thỏa thuận phạt vi phạm: “Bên nào vi phạm sẽ bị phạt 100% giá trị hợp đồng”.

Ngày 30/10/2020, Công ty S có gửi cho Công ty Q công văn với nội dung sẽ đơn phương chấm dứt không tiếp tục thực hiện các nội dung thỏa thuận trong hợp đồng nữa. Cụ thể là không tiếp tục ký hợp đồng với Công ty Q khi hết hạn hợp đồng với lý do cho rằng Công ty Q không đáp ứng tốt dịch vụ (phục vụ công nhân) trong quá trình vận chuyển hành khách mặc dù Công ty Q không vi phạm nội dung hợp đồng số 01/2018 giữa hai bên.

Ngày 02/11/2020, Công ty Q có thư nhắc nhở gửi cho Công ty S về việc tiếp tục ký hợp đồng khi hết hạn. Tuy nhiên hết hạn Công ty S không tái ký hợp đồng với Công ty Q mà lại ký kết với công ty khác để vận chuyển hành khách (công nhân) trên địa bàn huyện Đ1. Do đó Công ty Q yêu cầu Công ty S bồi thường 100% giá trị hợp đồng không được tái ký với số tiền là 888.000.000 đồng (Tám trăm tám mươi tám triệu đồng). Ngoài ra không có yêu cầu gì khác.

Bị đơn Công ty S do bà Lê Thị Thanh M trình bày:

Ngày 01/12/2018 Công ty S có ký hợp đồng với Công ty Q với nội dung dịch vụ đưa rước công nhân từ các xã B, M thuộc huyện Đ1 đến Công ty S và ngược lại. Xe được thuê là 06 xe 50 chỗ giá 37.500.000 đồng/chiếc/tháng. Thời hạn thuê là 02 năm tính từ ngày 01/12/2018 đến ngày 01/12/2020. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty S nhận được nhiều phản ánh từ công nhân về chất lượng phục vụ không tốt của Công ty Q như xe quá cũ, trần xe bị hư mưa dột công nhân phải mặc áo mưa khi đi xe. Xe thường xuyên bị hư hỏng phải dồn xe, công nhân không được ngồi phải đứng chen lấn nên chất lượng lao động giảm sút. Công ty S đã nhiều lần nhắc nhở nhưng Công ty Q vẫn không khắc phục sửa mới các xe vận chuyển. Từ đó Công ty S không muốn ký kết hợp đồng vận chuyển hành khách (công nhân) với Công ty Q nên ngày 30/10/2020 Công ty S có gửi văn bản không tái ký hợp đồng với Công ty Q. Việc Công ty S không tái ký hợp đồng với Công ty Q là phù hợp với tình hình thực tế vì chất lượng phục vụ Công ty Q cho công nhân không được tốt được thể hiện qua các biên bản ghi nhận ý kiến của công nhân với công đoàn Công ty S thì không thể nào bắt buộc Công ty S phải tái ký hợp đồng. Do đó qua yêu cầu khởi kiện của Công ty Q đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu.

Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 05/2021/KDTM-ST ngày 23 tháng 4 năm 2021, Toà án nhân dân huyện Đ căn Điều 35, 184, 186, 271, 273 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; Điều 385, 386 Bộ luật Dân sự 2015; Điều 81 Luật Thương mại; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tuyên xử:

Kng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH Một thành viên Q về việc “Yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại phát sinh từ hợp đồng dịch vụ ” với bên Công ty TNHH S đối với số tiền bồi thường 888.000.000 đồng (Tám trăm tám mươi tám triệu đồng).

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên về nghĩa vụ chịu án phí; quyền kháng cáo; quyền yêu cầu, nghĩa vụ và thời hiệu thi hành án.

Ngày 06/5/2021, Công ty TNHH Một thành viên Q kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Ti phiên tòa phúc thẩm:

Nguyên đơn không rút đơn khởi kiện và vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo; các bên không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Ông Võ Hòa T đại diện Công ty Q trình bày: Ông T thừa nhận xe có hư phải dồn công nhân để chở: tháng 9/2020 là 5 lần, tháng 10/2020 là 02 lần, tháng 11/2020 là 4 lần nhưng Công ty Q rất có thiện chí tái ký hợp đồng với Công ty S nên đã sửa chữa đóng lại thùng xe. Đồng thời trong hợp đồng cũng nêu rõ hết hạn hợp đồng thì bắt buộc phải tái ký nếu không tái ký phải bồi thường 100% giá trị hợp đồng, hợp đồng cũng không ràng buộc Công ty Q phải đảm bảo chất lương phục vụ, không nêu cụ thể các tiêu chuẩn về chất lượng phục vụ là điều kiện để tái ký hợp đồng, hợp đồng chỉ quy định rõ hết hạn hợp đồng bị đơn phải tái ký hợp đồng với nguyên đơn. Đồng thời, những hợp đồng trước đó Công ty Q đều đảm bảo chất lượng phục vụ, đến hợp đồng 01/2018 xe của Công ty Q có bị hư hỏng nhưng đã khắc phục sửa chữa cam kết đảm bảo chất lượng và đã khấu trừ chi phí trong thời gian xe bị hư cho Công ty S. Hành vi không tái ký hợp đồng của Công ty S là vi phạm khoản 1 Điều 3 của hợp đồng 01/2018 nên phải bị phạt 100% giá trị hợp đồng theo Điều 9 của hợp đồng.

Bà Lê Thị Thanh M, Luật sư Nguyễn Hòa B và Luật sư Phan Văn S thống nhất trình bày cho rằng: Chất lượng phục vụ chuyên chở công nhân của Công ty Q quá yếu kém: xe cũ, trần xe bị hư không thể che mưa, xe thường xuyên bị hư phải dồn công nhân nên không thể buộc Công ty S phải tái ký hợp đồng với Công ty Q. Hợp đồng số 01/2018 ngày 01/12/2018 được ký kết giữa hai bên có thời hạn 2 năm, hai bên đã thực hiện xong và đã thanh lý nên không thể cho rằng Công ty S vi phạm hợp đồng khi không tái ký hợp đồng với Công ty Q. Vì vậy, đề nghị không chấp nhận kháng cáo của Công ty Q, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Ngoài ra, nguyên đơn và bị đơn thống nhất giá trị hợp đồng là 37.500.000đ/1 chiếc xe x 24 tháng = 900 triệu đồng.

Đi diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Long An phát biểu ý kiến:

Về tính hợp lệ của kháng cáo: Đơn kháng cáo làm trong hạn luật định nên được xem xét theo trình tự phúc thẩm.

Về chấp hành pháp luật: Kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa đã tuân thủ đúng những quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, những người tham gia tố tụng đã chấp hành đúng pháp luật.

Về việc giải quyết yêu cầu kháng cáo:

Hp đồng số 01/2018 có quy định về điều khoản tái ký hợp đồng nhưng hợp đồng này hai bên đã thực hiện xong, đã thanh lý, trong thời gian thực hiện hợp đồng bị đơn không vi phạm hợp đồng. Do đó, hợp đồng thỏa thuận điều khoản bắt buộc tái ký hợp đồng giữa hai bên là không phù hợp, Công ty S không có nhu cầu tái ký hợp đồng với Công ty Q đã thông báo cho Công ty Q biết nên việc Công ty Q đòi Công ty S bồi thường 100% giá trị hợp đồng do không được tái ký với số tiền 888.000.000 đồng là không có cơ sở. Đề nghị bác kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Về thủ tục tố tụng:

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Tòa án cấp sơ thẩm xác định thẩm quyền Tòa án giải quyết, quan hệ pháp luật tranh chấp, người tham gia tố tụng và xét xử theo trình tự sơ thẩm là phù hợp với quy định tại Điều 30, 35, 39, 227 Bộ luật tố tụng dân sự, bản án sơ thẩm đảm bảo thủ tục tố tụng.

[2] Tại phiên tòa phúc thẩm, những người được Tòa án triệu tập có mặt đầy đủ, Tòa án tiến hành xét xử theo trình tự phúc thẩm là phù hợp quy định tại Điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự.

Về việc giải quyết yêu cầu kháng cáo:

[3] Xét kháng cáo của Công ty Q thấy rằng:

[4] Từ năm 2010 Công ty S và Công ty Q giao kết nhiều Hợp đồng vận chuyển hành khách (công nhân). Công ty Q đứng ra tuyển dụng lao động khu vực Đ, Đ1 cho Công ty S, phía Công ty S sẽ đứng ra thuê phía Công ty Q vận chuyển hành khách (công nhân) từ địa bàn 2 huyện trên đến trụ sở Công ty S để làm việc ngược lại.

[5] Ngày 01/12/2018, Công ty S (Bên A) và Công ty Q (Bên B) ký hợp đồng số 01/2018 hợp đồng vận chuyển hành khách (công nhân) với giá trị hợp đồng là 37.500.000 đồng/tháng x 24 tháng = 900 triệu đồng. Tại Điều 3 hợp đồng có thỏa thuận: “Khi hết hạn hợp đồng thì bên A cho bên B ký tiếp hợp đồng mới, nếu bên A vẫn có nhu cầu thu công nhân từ huyện Đ1, Đ do bên B đã tuyển dụng. Nếu bên A không tiếp tục ký hợp đồng với bên B thì bên A phải trả lại toàn bộ số công nhân mà bên B đã tuyển dụng vào làm việc cho bên A”. Tại Điều 7 của Hợp đồng quy định về quyền lợi và nghĩa vụ của Công ty S là: “Bên A không được hợp đồng với chủ phương tiện khác hoặc sử dụng xe của công ty để chở và vận chuyển công nhân của địa bàn huyện Đ1 khi chưa có sự đồng ý của bên B”. Đồng thời, tại Điều 9 hợp đồng quy định về trách nhiệm do vi phạm hợp đồng: “Bên nào vi phạm hợp đồng thì phải trả cho bên bị vi phạm tiền phạt vi phạm hợp đồng và chi phí để ngăn chặn hạn chế thiệt hại do vi phạm gây ra.

Bên nào ký hợp đồng không thực hiện mà không có lý do chính đáng thì sẽ bị phạt.

Bên nào vi phạm hợp đồng sẽ bị phạt 100% giá trị hợp đồng này”.

[6] Ngày 30/10/2020 Công ty S gửi công văn cho Công ty Q về việc không tái ký hợp đồng thuê xe với lý do cho rằng Công ty Q không đáp ứng tốt dịch vụ. Ngày 02/11/2020, Công ty Q có thư nhắc nhở gửi cho Công ty S về việc tiếp tục ký hợp đồng khi hết hạn nhưng không được Công ty S chấp nhận nên xảy ra tranh chấp.

[7] Xét thấy, tại Điều 3 chỉ quy định nếu Công ty S không tiếp tục ký hợp đồng với Công ty Q thì Công ty S phải trả lại toàn bộ số công nhân mà Công ty Q đã tuyển dụng vào làm việc cho Công ty S nhưng thỏa thuận này là trái pháp luật và có đối tượng không thực hiện được vì người lao động là đối tượng hợp đồng, khi chưa có sự đồng ý của người lao động các bên không có quyền định đoạt. Trong khi ngay tại Điều 3 này các bên không có thỏa thuận nếu Công ty S không tiếp tục tái ký hợp đồng với Công ty Q thì bị phạt 100% giá trị hợp đồng. Tại Điều 9 quy định bên vi phạm hợp đồng là bên ký hợp đồng mà không thực hiện nhưng các bên xác định hợp đồng này đã được 2 bên thực hiện xong, Công ty Q xác định trong thời hạn 2 năm hợp đồng Công ty S không vi phạm hợp đồng. Do đó Công ty Q cho rằng Công ty S không tái ký hợp đồng là vi phạm hợp đồng để buộc phạt và bồi thường hợp đồng là không có căn cứ.

[8] Hơn nữa, tại Điều 11 hợp đồng quy định: “Nếu hết hạn hợp đồng hai bên thực hiện đúng và đầy đủ các điều khoản trên hợp đồng thì hợp đồng này xem như được tự thanh lý”. Theo quy định này thì hợp đồng đã được thanh lý, các bên không còn quyền và nghĩa với nhau nên Công ty S không còn bị ràng buộc bởi các điều khoản của hợp đồng này.

[9] Từ những căn cứ trên, xét thấy kháng cáo của Công ty Q là không có cơ sở nên không chấp nhận kháng cáo, cần giữ nguyên bản án sơ thẩm như ý kiến trình bày của các Luật sư và Kiểm sát viên tham gia phiên tòa.

[10] Công ty Q phải chịu án phí phúc thẩm theo quy định.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự;

Kng chấp nhận kháng cáo của Công ty TNHH Một thành viên Q.

Giữ nguyên Bản án sơ thẩm số: 05/2021/KDTM-ST ngày 23 tháng 4 năm 2021 của Toà án nhân dân huyện Đ.

Căn Điều 30, 35, 147, 148 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;

Áp dụng các Điều 116, 117, 122, 123, 408, 513, 522 Bộ luật Dân sự 2015; các Điều 26, 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH 2014 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tuyên xử:

1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH Một thành viên Q về việc yêu cầu Công ty TNHH S phải bồi thường thiệt hại hợp đồng với số tiền là 888.000.000 đồng (Tám trăm tám mươi tám triệu đồng).

2. Về án phí:

Công ty TNHH Một thành viên Q phải chịu 38.640.000 đồng án phí sơ thẩm nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí 19.320.000 đồng theo biên lai số 0007777 ngày 25/3/2021 của Chi cục Thi hành án huyện Đ; Công ty Q còn phải nộp tiếp 19.320.000 đồng án phí sơ thẩm.

Công ty TNHH Một thành viên Q phải chịu 2.000.000đ án phí phúc thẩm, nhưng được trừ vào tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp 2.000.000đ theo biên lai thu số 0007549 ngày 06/5/2011 của Chi cục Thi hành án kinh doanh thương mại huyện Đ; Công ty Q đã nộp đủ án phí phúc thẩm.

3. Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự kinh doanh thương mại thì người được thi hành án kinh doanh thương mại, người phải thi hành án kinh doanh thương mại có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a và 9 Luật Thi hành án kinh doanh thương mại; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án kinh doanh thương mại.

4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1879
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp bồi thường thiệt hại phát sinh từ hợp đồng dịch vụ số 06/2021/KDTM-PT

Số hiệu:06/2021/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Long An
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 29/10/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về