TÒA ÁN NHÂN DÂN QUẬN 1, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 131/2023/DS-ST NGÀY 30/05/2023 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG
Trong ngày 30 tháng 5 năm 2023 tại trụ sở Tòa án nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 41/2021/TLST-DS ngày 14 tháng 01 năm 2021 về việc “Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 340/2023/QĐXXST-DS ngày 04 tháng 5 năm 2023, giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Ông Hồ Hoàng L, sinh năm 1995, (có mặt) Địa chỉ: Số F đường số B, phường H, Thành phố T, Thành phố Hồ Chí Minh.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp: Ông Phạm Thanh Hoàn V là Luật sư Văn phòng L1 – Thuộc Đoàn Luật sư T, (có mặt).
Bị đơn: Bệnh viện Răng Hàm Mặt Thành phố H.
Địa chỉ: Số B T, phường C, Quận A, Tp Hồ Chí Minh.
Người đại diện hợp pháp: Ông Huỳnh Thanh H – Trưởng Phòng quản lý chất lượng Bệnh viện R, là đại diện theo ủy quyền, (có đơn xét xử vắng mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện, trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, nguyên đơn trình bày:
Ngày 03/5/2019, ông Hồ Hoàng L có đến Bệnh viện răng hàm mặt Thành phố Hồ Chí Minh để phẫu thuật cắt chỉnh xương hàm dưới, do bác sĩ Lê Tấn H1 thực hiện. Sau hai ngày nằm lại viện, ông đã được xuất viện, không có bác sĩ nào thăm khám. Sau một tháng, ông đến thăm khám do mặt vẫn còn tình trạng sưng nhưng không gặp được bác sĩ H1. Thời gian sau, ông có gặp được bác sĩ Nguyễn Đức M, bác sĩ yêu cầu về theo dõi và để ý cách ăn nhai cho đúng, thực hiện theo dõi khoảng 01 năm kể từ ngày phẫu thuật, nếu một năm sau quay lại kiểm tra vẫn còn tình trạng này thì bệnh viện sẽ giải quyết. Sau một năm theo dõi, ông thấy tình trạng vẫn không thay đổi, ông có đến thăm khám thì bác sĩ H1 nói xương lệch ngay từ 1 đầu. Sau nhiều lần làm việc, bác sĩ M nói bệnh viện sẽ hỗ trợ ông 20.000.000 đồng tiền viện phí và sau khi hỗ trợ thì bệnh việc hết trách nhiệm với ông. Ông có liên hệ để nhận 20.000.000 đồng tiền hỗ trợ, tuy nhiên nội dung biên bản kết luận là ông hài lòng với việc phẫu thuật, nên ông không đồng ý nhận tiền hỗ trợ.
Nay ông yêu cầu Tòa án buộc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Thành phố H có nghĩa vụ bồi thường tổn hại sức khỏe với tổng số tiền là 400.000.000 đồng.
Đại diện bị đơn trình bày:
Ngày 02/5/2019, ông Hồ Hoàng L đến thăm khám và được bác sĩ Lê Tấn H1 – Trưởng khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ hàm mặt trực tiếp thăm khám và tư vấn tình trạng của ông L: Bị khớp cắn ngược, không ăn nhai, không cắn xé thức ăn bằng các răng ở phía trước được. Ngoài vấn đề thẩm mỹ, nếu không điều trị sớm lâu ngày sẽ dẫn đến loạn khớp thái dương hàm và các bệnh lý về tiêu hóa. Sau khi tư vấn, ông L đã đồng ý và làm tất cả các thủ tục để xem xét có đủ điều kiện phẫu thuật mê hay không như: Chụp X quang, xét nghiệm máu, đo ECG. Sau khi bác sĩ H1 xem xét các xét nghiệm cận lâm sàng đã đủ điều kiện để tiến hành phẫu thuật chỉnh hình xương hàm dưới vào ngày 03/5/2019. Trước khi thực hiện phẫu thuật, ông L có đọc và đồng ý bản cam kết phẫu thuật cũng như đóng viện phí là 72.665.480 đồng và 1.355.000 đồng (chi phí thực hiện chẩn đoán cận lâm sàng).
Ngày 03/5/2019, ông L được điều dưỡng dẫn đến phòng mỗ để tiến hành phẫu thuật chỉnh hình xương hàm dưới theo phương pháp BSSO (gây tê tại chỗ bằng lidocain 2%; rạch ngách lợi xương hàm dưới, cắt xương hàm dưới, và đẩy lùi xương hàm dưới ra sau 7mm kết hợp nẹp vít) và bác sĩ H1 trực tiếp thực hiện. Ngày 06/5/2019, ông L xuất viện trong tình trạng sức khỏe và vùng mổ ổn định, khớp cắn đúng.
Bệnh viện không đồng ý Đối với yêu cầu khởi kiện của ông L và không đồng ý bồi thường thiệt hại với yêu cầu khởi kiện của ông L, vì:
- Ông L không có thiệt hại xảy ra, sức khỏe vẫn đảm bảo, chức năng nhai tốt hơn sau phẫu thuật, không có bất cứ biến chứng nào xảy ra dẫn đến việc ông L bị giảm thu nhập hay phải tiến hành can thiệp phục hồi chức năng và đã khắc phục được tình trạng khớp cắn ngược, vấn đề thẩm mỹ cải thiện rất nhiều so với trước phẫu thuật - Không có việc sai sót chuyên môn như kết luận của Hội đồng chuyên môn: Về quy trình tiếp nhận, khám, điều trị cho người bệnh L, Bệnh viện đã thực hiện đúng quy định, quy trình chuyên môn khám chữa bệnh; Việc phẫu thuật chỉnh hình xương hàm dưới hai bên trong điều trị tăng sản xương hàm dưới là đúng chỉ định, đúng danh mục kỹ thuật đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, không có sai sót chuyên môn. Bệnh nhân đã đồng ý tự nguyện ký vào cam đoan thực hiện phẫu thuật, thủ thuật sau khi nghe sự giải thích của bác sĩ về chẩn đoán, phương pháp điều trị và biến chứng. Việc phẫu thuật cắt xương hàm dưới để điều trị tăng sản xương hàm dưới thuộc tầng mặt dưới không ảnh hưởng đến tầng mặt giữa/xương hàm trên. Về má trái to, bệnh nhân đã có má trái to từ trước phẫu thuật. Theo y học sẽ có tỷ lệ từ 03-05% phì đại cơ cắn và tình trạng phì đại cơ cắn thấy rõ hơn ở một hoặc hai bên trên những bệnh nhân có phẫu thuật cắt xương hàm dưới. Tình trạng này có thể điều trị thẩm mỹ nội khoa không cần điều trị phẩu thuật - Số tiền 400.000.000 đồng để bồi thường sức khỏe ông L chỉ đứa ra chứng cứ là giấy ra viện, đơn thuốc..., ngoài ra không có bất cứ giấy xác nhận mức độ tổn hại sức khỏe của một cơ quan y tế có thẩm quyền nào? Nên không có cơ sở pháp lý bồi thường số tiền 400.000.000 đồng. Ekip phẫu thuật và bác sĩ H1 đã thực hiện đúng chuyên môn kỹ thuật, không có sai sót chuyên môn, không có biến chứng và không gây thiệt hại cho ông L.
Tại phiên tòa, nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, buộc bị đơn bồi thường thiệt hại sức khỏe, tinh thần, vật chất, phẫu thuật tổng cộng 400.000.000 đồng.
Bị đơn có đơn xin xét xử vắng mặt, không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử; Thư ký phiên tòa và của người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về thủ tục tố tụng: Nguyên đơn và bị đơn thừa nhận nguyên đơn khám bệnh và sử dụng dịch vụ phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ hàm mặt. Theo các Khoản 3 và 13 Điều 2, khoản 1 Điều 80 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 thì “Người bệnh là người sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh”, “Tai biến trong khám bệnh, chữa bệnh là hậu quả gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh do sai sót chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh hoặc rủi ro xảy ra ngoài ý muốn trong khám bệnh, chữa bệnh mặc dù người hành nghề đã tuân thủ các quy định chuyên môn kỹ thuật” và “tranh chấp về khám bệnh, chữa bệnh là tranh chấp liên quan đến quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm trong khám bệnh, chữa bệnh giữa các đối tượng sau đây: a) Người bệnh, người đại diện của người bệnh; b) Người hành nghề; c) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”. Nguyên đơn cho rằng cơ sở khám chữa bệnh là bị đơn đã gây tổn hại đến sức khỏe của mình, do sai sót chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh và đã khởi kiện bị đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. Căn cứ Khoản 6 Điều 26 của Bộ luật Tố tụng dân sự, đây là vụ án dân sự tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng về khám bệnh, chữa bệnh. Xét thấy, bị đơn có trụ sở tại Quận A, nên căn cứ điểm a Khoản 1 Điều 35, điểm a Khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự, vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
[2] Luật sư của nguyên đơn yêu cầu đề nghị đưa Phân viện Pháp y Quốc gia T1 vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Theo quy định tại Khoản 4 Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự: người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
[3] HĐXX nhận thấy, khi được Phân viện Pháp y Quốc gia yêu cầu cung cấp hồ sơ niềng răng, nguyên đơn đã không cung cấp theo yêu cầu của Tòa án. Do đó cơ quan pháp y không thể tiến hành giám định theo quy định. Ngày 11/4/2023 T1 đã trả lại hồ sơ cho Tòa án là đúng. Luật sư của nguyên đơn cho rằng cần đưa Phân viện Pháp y Quốc gia tại Tp Hồ Chí Minh là chủ thể - đương sự có trách nhiệm và quyền lợi liên quan là không đúng Khoản 4 Điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự đã viện dẫn trên đây.
[4] Theo Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh do Giám đốc Sở Y tế Thành phố H cấp ngày 19/5/2014 thì bị đơn có đủ điều kiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh quy định tại các Điều 42, 43 và 44 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.
[5] Xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn yêu cầu bị đơn có nghĩa vụ bồi thường tổn hại sức khỏe, tinh thần, vật chất, phẫu thuật tổng cộng 400.000.000 đồng, Hội đồng xét xử nhận thấy:
[6] Căn cứ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và lời thừa nhận của hai bên đương sự, có cơ sở xác định: Ngày 02/5/2019, nguyên đơn đến Bệnh viện R, M Tp Hồ Chí Minh để phẫu thuật cắt chỉnh xương hàm dưới. Sau khi kiểm tra tình trạng bệnh nhân, Bị đơn đã tiếp nhận và lập hồ sơ bệnh án số 119000038 ngày 03/5/2019.
[7] Căn cứ hồ sơ bệnh án thể hiện: Nguyên đơn có ký Giấy khám, chữa bệnh theo yêu cầu. Trước khi tiếp nhận bệnh nhân, bị đơn đã tiến hành các hoạt động chuyên môn như chụp X quang trước khi phẫu thuật, tiến hành đo vẽ tổn thương khi vào viện, khám xét toàn thân, điện tâm đồ, chụp phim, ảnh,,, xét nghiệm có chữ ký xác nhận của nguyên đơn.
[8] Sau khi có kết quả thăm khám, bị đơn giao bác sỹ chuyên môn tiến hành phẫu thuật theo quy trình. Ngày 04/5/2019 nguyên đơn được bác sỹ chuyên môn thăm khám và chỉ định truyền dịch. Điều này thể hiện cụ thể tại phiếu theo dõi chức năng sóng các ngày 04 ngày 05 và ngày 06/6/2019. Người chịu trách nhiệm theo dõi nguyên đơn là điều dưỡng viên Phan Thị Xuân H2 có ký nhận rõ họ tên trong hồ sơ bệnh án.
[9] Tại phiếu chăm sóc sau khi phẫu thuật vào lúc 10 giờ 27 phút ngày 03/5/2019 thể hiện: Bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, da niêm hồng. Lúc 8 giờ ngày 04/5/2019, bệnh nhân tỉnh, vào các khung giờ 8 giờ 50 phút; 12 giờ 30 phút; 12 giờ 40 phút; 13 giờ 40 phút; 14 giờ 40 phút; 20 giờ 40 phút. Ngày 05/5/2019 là 0 giờ 40 phút; 7 giờ 30 phút, bị đơn được Điều dưỡng lấy sinh hiệu, chườm lạnh, theo dõi sinh hiệu.
[10] Xem xét hồ sơ diễn biến cho thấy, sau phẫu thuật, bệnh nhân không chảy máu tại vết mổ, bệnh tỉnh, thở tốt, tiếp xúc ổn định, tự ngủ và ăn uống được. Ngày 06/5/2019 bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt vết mổ không chảy máu. Điều dưỡng viên hướng dẫn bệnh nhân vệ sinh sạch sau khi ăn, ăn mềm trong 1 tháng, uống thuốc theo toa, tái khám sau 1 tháng và cho xuất viện theo y lệnh.
[11] Xét trình tự phẫu thuật, nhận thấy tại biên bản hội chẩn lúc 10 giờ 27 phút ngày 03/5/2019 có bác sỹ gây mê, có thư ký và có chủ tọa là bác sỹ chuyên khoa II. Bệnh nhân Hồ Hoàng L cam đoan chấp nhận phẫu thuật và gây mê hồi sức, có phiếu chuẩn bị bệnh nhân trước khi mổ, bảng kiểm an toàn phẫu thuật có xác nhận của bác sỹ phẫu thuật, bác sỹ gây mê và điều dưỡng. Hồ sơ thể hiện có phiếu đánh giá bệnh nhân trước phẫu thuật, phiếu gây mê hồi sức, phiếu kiểm y dụng cụ.
[12] Sau khi mổ, bệnh nhân được theo dõi và bác sỹ có y lệnh thể hiện tại các tờ điều trị số 1, số 2, số 3 và tờ điều trị số 4. Ngày 06/5/2019 bệnh nhân được bác sỹ kê toa thuốc và cho xuất viện, tái khám theo yêu cầu.
[13] Từ các mục 4 đến 12 trên đây, Hội đồng xét xử nhận thấy việc phẫu thuật đã được bị đơn thực hiện đúng quy định. Nguyên đơn cho rằng bác sỹ phẫu thuật không làm đúng yêu cầu, ảnh hưởng đến sức khỏe và thẩm mỹ nhưng không có chứng cứ chứng minh. Do đó yêu cầu bồi thường thiệt hại sức khỏe mà Nguyên đơn đưa ra là không có cơ sở để HĐXX xem xét.
[14] Để xác định rõ ê kíp thực hiện phẫu thuật có vi phạm chuyên môn nghiệp vụ gây tổn hại cho sức khỏe của nguyên đơn hay không, Tòa án đã ra quyết định trưng cầu giám định tỷ lệ sức khỏe của nguyên đơn. Ngày 28/6/2022 Trung Tâm P thuộc Sở Y trả lời: Phạm vi trưng cầu giám định thuộc Hội đồng chuyên môn Sở Y.
[15] Theo Khoản 1 Điều 74 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 thì “Trường hợp có yêu cầu giải quyết tranh chấp về khám bệnh, chữa bệnh khi xảy ra tai biến đối với người bệnh thì thành lập hội đồng chuyên môn để xác định có hay không có sai sót chuyên môn kỹ thuật”. Xét, sau khi nguyên đơn khiếu nại, bị đơn đã tiến hành họp Hội đồng chuyên môn, xem xét quá trình chẩn đoán, điều trị có hay không có sai sót chuyên môn, kỹ thuật đối với ông L. Ngày 24/8/2020, Hội đồng chuyên môn của bị đơn đã kết luận: Quy trình tiếp nhận, khám điều trị nguyên đơn là đúng. Việc phẫu thuật không có sai sót chuyên môn. Các vấn đề bệnh nhân than phiền không liên quan đến phẫu thuật. Tuy nhiên cần rút kinh nghiệm trong việc giải thích, tư vấn cho bệnh nhân sau điều trị. Như vậy HĐXX nhận thấy việc phẫu thuật cho nguyên đơn không có sai sót chuyên môn từ bị đơn.
[16] Để đảm bảo tính khách quan của vụ án, căn cứ quy định tại Khoản 4 Điều 74 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 thì “Trường hợp vụ việc liên quan đến tai biến trong khám bệnh, chữa bệnh được giải quyết theo thủ tục tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng có thể đề nghị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về y tế thành lập hội đồng chuyên môn để xác định có hay không có sai sót chuyên môn kỹ thuật”. Tòa án đã có văn bản yêu cầu Sở Y thành lập Hội đồng chuyên môn xem xét lại quy trình phẫu thuật của bị đơn. Sở Y đã có Quyết định thành lập Hội đồng chuyên môn để xem xét, kết luận chuyên môn đối với trường hợp của nguyên đơn và bị đơn.
[17] Ngày 20/9/2022 Sở Y có văn bản số 6628 trả lời Tòa án:
(1) Về quá trình khám, chữa bệnh:
+ Chẩn đoán tăng xương hàm dưới.
+ Phương pháp điều trị: Phẫu thuật chỉnh hình, xương hàm dưới 2 bên bằng phương pháp cắt chẻ dọc cành cao xương hàm dưới hai bên + Kết quả sau điều trị: Khớp cắn cải thiện rõ rệt từ dạng móm (hạng III) sang khớp cắn bình thường (hạng I) - Thẩm mỹ có cải thiện rõ rệt về tình trạng móm hàm dưới; miệng thu nhỏ, hài hòa hơn với khuôn mặt, khuôn mặt cân đối 2 bên khi nhìn thẳng và hài hòa với mũi, trán khi nhìn nghiêng.
- Hậu phẫu bình thường không xảy ra tai biến, biến chứng trong quá trình phẫu thuật, cũng như theo dõi sau phẫu thuật.
- Việc phẫu thuật chỉnh hình hàm dưới không ảnh hưởng đến mắt và mũi của người bệnh.
(2) Không có sai sót về mặt chuyên môn trong quá trình tiếp nhận, chăm sóc, chẩn đoán và điều trị tại Bệnh viện R.
[18] Sau khi nhận được văn bản này của Sở Y, nguyên đơn có yêu cầu được Giám định tại T1. Tòa án đã ra Quyết định trưng cầu giám định gửi nguyên đơn và T1. Tuy nhiên, trong thời gian này, nguyên đơn đã đi niềng răng. T1 đã đề nghị nguyên đơn nộp lại hồ sơ niềng răng nhưng nguyên đơn không nộp. Do đó việc giám định không thể thực hiện được.
[19] Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử căn cứ khoản 13 Điều 2, Điều 73, Điều 74 và các Khoản 1, 2, 3, 4 Điều 75 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, xem xét chấp nhận Kết luận của hội đồng chuyên môn Sở Y là cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp, không có căn cứ xác định có tai biến trong khám bệnh, chữa bệnh là hậu quả gây tổn hại đến sức khỏe, tinh thần của nguyên đơn. Bị đơn hoàn toàn không có lỗi khi thực hiện phẫu thuật cho nguyên đơn. Hội đồng xét xử nhận thấy, trong vụ án án này không có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại thực tế xảy ra do đó yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn không được chấp nhận.
[20] Tại phiên tòa, lời đề nghị của Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân Quận 1 phù hợp với các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và diễn biến phiên tòa, được HĐXX chấp nhận.
[21] Về án phí: Nguyên đơn yêu cầu bồi thường về sức khỏe, tinh thần được miễn nộp tiền án phí theo quy định tại Điểm d, khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
[22] Về quyền kháng cáo: Đương sự có quyền kháng cáo theo quy định tại Điều 271 và Khoản 1 Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào Khoản 6 Điều 26; các Điều 91; 92; 93; 94, khoản 1 Điều 95; 254; Điều 271 và khoản 1 Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự;
Căn cứ các Khoản 3, 6 và 13 Điều 2, Điều 73, Điều 74 và các Khoản 1, 2, 3, 4 Điều 75; Khoản 1 Điều 76; Khoản 1 Điều 80 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009;
Căn cứ Điều 584 của Bộ luật Dân sự năm 2015;
Căn cứ Điểm d, khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, Tuyên xử:
1. Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Hồ Hoàng L về việc buộc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Thành phố H có nghĩa vụ bồi thường tổn hại sức khỏe, tinh thần, vật chất, phẫu thuật, tổng cộng 400.000.000 đồng.
2. Về án phí: Ông Hồ Hoàng L được miễn án phí dân sự sơ thẩm.
3. Về quyền kháng cáo: Đương sự có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng số 131/2023/DS-ST
Số hiệu: | 131/2023/DS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Quận 1 - Hồ Chí Minh |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 30/05/2023 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về