Bản án về tranh chấp bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng số 01/2023/KDTM-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH HÒA BÌNH

BẢN ÁN 01/2023/KDTM-PT NGÀY 29/03/2023 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO VI PHẠM HỢP ĐỒNG

Trong các ngày 28 và 29 tháng 3 năm 2023 tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 01/2022/TLPT- KDTM ngày 06 tháng 6 năm 2022 về Tranh chấp bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng.

Do bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2022/KDTM-ST ngày 31/3/2022 của Tòa án nhân dân thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình bị kháng nghị.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 07/2022/QĐPT- KDTM ngày 06 tháng 9 năm 2022 và các quyết định hoãn phiên tòa, giữa các đương sự:

* Nguyên đơn: Bệnh viện HB, địa chỉ: Tổ M, phường Đ, Tp Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.

Người đại diện theo pháp luật: ông Nguyễn H D - Giám đốc Người đại diện theo ủy quyền:

- Ông Nguyễn Quốc P, sinh năm 1971; chức vụ: Phó giám đốc; nơi cư trú: Tổ B, phường T, Tp HB.

- Bà Trương Thị T. T, số căn cước công dân 17185007xxx Phó Trưởng phòng Tài chính – Kế toán của Bệnh viện - Bà Nguyễn Thị H, số CCCD: 036183016xxx Điều dưỡng trưởng – Khoa Thận nhân tạo.

- Ông Nguyễn Việt C, số CCCD 033093013xxx Kế toán viên, phòng Tài chính – Kế toán.

- Ông Nguyễn Đình Duy Q, số căn cước công dân 001200003xxx Công tác tại phòng tài chính kế - kế toán của Bệnh viện - Bà Lê Tr A, số căn cước công dân 001199002xxx Công tác tại phòng tài chính kế - kế toán của Bệnh viện (Sự vắng mặt của người này không ảnh hưởng đến việc thực hiện nội dung ủy quyền của người kia).

Tại phiên tòa, bà Trương Thị T. T, bà Nguyễn Thị H, ông Nguyễn Việt C, bà Lê Tr A và ông Nguyễn Đình Duy Q có mặt.

Người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn: Luật sư Nguyễn Hùng C; Công ty Luật TNHH VN, Đoàn Luật sư Tp Hà Nội. – có mặt.

* Bị đơn: Công ty cổ phần dược phẩm TS; địa chỉ theo đăng ký kinh doanh: Phòng X, Tòa 17 T9, Khu Đô thị mới T H, Phường N, Quận T, Tp Hà Nội. Địa chỉ giao dịch: Phòng 2011, Tòa F, Phường T, Quận T, Hà Nội.

Người đại diện theo pháp luật: ông Bùi Văn Q; chức vụ: Giám đốc; nơi cư trú: tại địa chỉ Công ty.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Đỗ Anh T, sinh năm 1976; nơi cư trú: Phường M, Quận N, Tp Hà Nội. – Có mặt.

Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị đơn: Luật sư Nguyễn Thị Đ. H; Luật sư Lê Thị T. H - Công ty Luật TNHH HN, thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội. - có mặt.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Công ty TNHH xử lý nước TA; địa chỉ: Khu S, Phường Đ, Thành phố B, Tỉnh Bắc Ninh.

NỘI DUNG VỤ ÁN

1. Theo đơn khởi kiện, các sửa đổi bổ sung đơn khởi kiện và tại phiên tòa, nguyên đơn Bệnh viện HB trình bày:

Bệnh viện HB và Công ty cổ phần dược phẩm TS (sau đây gọi là Bệnh viện và Công ty TS) đã ký nhiều hợp đồng liên quan đến việc đặt máy chạy thận, mua sắm thiết bị chạy thận; sửa chữa, bảo dưỡng trang thiết bị máy chạy thận, trong đó có Hợp đồng 315/BVĐK-TS ký ngày 25/5/2017 (sau đây gọi là Hợp Đồng 315) để thực hiện gói thầu: cung cấp vật tư sửa chữa hệ thống nước RO số 2 cho Bệnh viện; hình thức chỉ định thầu rút gọn theo quy định của Luật đấu thầu; tổng giá trị hợp đồng này là 99.360.800đ (chín mươi chín triệu, ba trăm sáu mươi nghìn, tám trăm đồng).

Sau khi trúng thầu, Công ty TS đã không trực tiếp thực hiện hợp đồng mà chuyển nhượng thầu cho Công ty TNHH xử lý nước TA thực hiện toàn bộ 100% giá trị hợp đồng đã ký kết với Bệnh viện. Việc chuyển nhượng thầu này Công ty TS không thông báo cho Bệnh viện biết và có ý kiến chấp thuận chuyển giao. Trái với quy định tại Mục a Khoản 8 Điều 89 Luật Đấu thầu năm 2013 về các hành vi bị cấm trong đấu thầu; trong đó có hành vi: “Nhà thầu chuyển nhượng cho nhà thầu khác phần công việc thuộc gói thầu có giá trị từ 10% trở lên hoặc dưới 10% nhưng trên 50 tỷ đồng (sau khi trừ phần công việc thuộc trách nhiệm của nhà thầu phụ) tính trên giá hợp đồng đã ký kết”).

Ngoài ra hành vi của Công ty TS còn vi phạm Điều 283 - Bộ luật dân sự 2015 (BLDS) về thực hiện nghĩa vụ thông qua người thứ ba “ Khi được bên có quyền đồng ý, bên có nghĩa vụ có thể ủy quyền cho người thứ ba thay mình thực hiện nghĩa vụ nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm với bên có quyền, nếu người thứ ba không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ”. Vi phạm Khoản 1 Điều 370 - BLDS.

Vi phạm này của Công ty TS đã được nhận định tại trang 31 của Bản án hình sự phúc thẩm số 20/2019/HS-PT ngày 19/6/2019 của TAND tỉnh Hòa Bình có hiệu lực pháp luật (là nguyên nhân gây ra sự cố y khoa tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình). Cá nhân liên quan đã bị cơ quan pháp luật xử lý về hình sự. Theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 92 - Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015 (Bộ luật TTDS) - đây là những chứng cứ có giá trị chứng minh.

Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 6, Điều 77; khoản 1 Điều 90 - Luật Đấu thầu năm 2013; Điều 124 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu và bồi thường thiệt hại do vi phạm pháp luật về đấu thầu; Khoản 12, 13 Điều 3; Điều 302, 303 - Luật Thương mại năm 2005; Khoản 1, 5, 6 Điều 275 - BLDS quy định về căn cứ phát sinh nghĩa vụ; Điều 360, Điều 516 - BLDS; Bệnh viện khởi kiện yêu cầu Công ty TS phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại phát sinh từ việc vi phạm này cho Bệnh viện.

Các khoản cụ thể như sau:

(1) Lợi ích đáng lẽ được hưởng nếu Công ty TS không vi phạm hợp đồng 315 làm cho sự cố y khoa xảy ra và đơn nguyên thận nhân tạo phải ngừng hoạt động - số tiền kinh phí bệnh viện được hưởng/mỗi ca chạy thận nhân tạo là:

15.380 ca chạy thận (tính theo số ca chạy thận trong thời gian khoảng 10 tháng trước khi sự cố y khoa xảy ra 29/5/2017) x 107.717đ/ca = 1.656.687.460đ.

(2) Chi phí thay thế hệ thống nước RO số 2 phải thay thế (tương ứng giá trị hệ thống RO số 2 cũ) = 475.145.000đ;

(3) Chi phí thuê xe ô tô di chuyển bệnh nhân đến các Bệnh viện khác chạy thận nhân tạo = 180.000.000đ.

(4) Chi phí thuê Luật sư = 120.000.000đ.

(5) Tổn thất uy tín bị xâm phạm: 10 tháng lương tối thiểu = 14.900.000đ.

Tổng yêu cầu bồi thường là: 2.447.332.460đ.

Bệnh viện nộp các hóa đơn chứng từ chứng minh doanh thu của đơn nguyên thận nhân tạo trong thời gian từ tháng 10/2016 đến tháng 5/2017.

2. Bị đơn Công ty cổ phần dược phẩm TS trình bày:

Ngày 25/5/2017, Công ty TS ký hợp đồng số 315 với Bệnh viện có nội dung: cung cấp vật tư sửa chữa hệ thống RO số 2 cho Bệnh viện. Ngày 28/5/2017 Công ty TS cử Bùi Mạnh Q đến Bệnh viện để thực hiện sửa chữa hệ thống RO số 2 theo nội dung hợp đồng. Bùi Mạnh Q có mặt tại bệnh viện khoảng 8h sáng, Bệnh viện bàn giao hệ thống RO số 2 cho ông Quốc sửa chữa. Đến 18h30 thì trời tối nên ông Quốc gọi điện cho anh Sơn (cán bộ vật tư của Bệnh viện) đến đóng cửa để sáng hôm sau tiến hành các công đoạn còn lại (kiểm tra, lấy mẫu, test). Tuy nhiên, ngày 29/5/2017, khi việc sửa chữa hệ thống RO số 2 chưa được nghiệm thu, bàn giao thì Bệnh viện đã tự ý đưa hệ thống RO số 2 vào chạy thận cho bệnh nhân dẫn đến hậu quả chết người. Nội dung này đã được điều tra, truy tố, xét xử đối với các bị cáo trong vụ án hình sự.

Số tiền đòi bồi thường và các hạng mục đòi bồi thường của Bệnh viện không liên quan đến hợp đồng 315. Sự cố y khoa xảy ra tháng 5/2017 mà nhiều tháng sau đó Bệnh viện vẫn tổ chức vận chuyển bệnh nhân đến các cơ sở y tế khác. Chi phí Bệnh viện phải đưa bệnh nhân đi chạy thận tại Hà Nội không nằm trong nội dung hợp đồng 315. Việc thực hiện hợp đồng 315 hay kể cả sự cố y khoa ngày 29/5/2017 xảy ra - không làm mất việc làm, không làm ảnh hưởng đến thu nhập của các y, bác sỹ, nhân viên y tế; dù sự cố y khoa có xảy ra hay không xảy ra họ vẫn phải làm việc và Bệnh viện vẫn phải thanh toán tiền lương cho người lao động. Việc lắp đặt lại hệ thống nước RO là quyết định riêng của Bệnh viện, không liên quan đến hợp đồng 315. Đối với yêu cầu chi phí thuê Luật sư là quyền của Bệnh viện, không thuộc trường hợp bắt buộc phải có Luật sư. Trách nhiệm của Công ty TS trong sự cố y khoa đã được thực hiện bồi thường xong cho các nạn nhân. Công ty TS cũng không có hành vi nào bôi nhọ, nói xấu làm ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh của Bệnh viện sau khi sự cố y khoa xảy ra.

Công ty TS không chấp nhận toàn bộ nội dung yêu cầu khởi kiện của Bệnh viện.

Với nội dung trên, bản án sơ thẩm số 01/2022/KDTM-ST ngày 31/3/2022 của Tòa án nhân dân thành phố Hòa Bình đã quyết định:

Căn cứ Khoản 1 Điều 30; Điểm b Khoản 1 Điều 35, Điểm g Khoản 1 Điều 40; Khoản 5 Điều 70, Khoản 4 Điều 91; Điều 93; Khoản 1 Điều 147; Khoản 1 Điều 157; Khoản 1 Điều 244; Điều 264, 271, 273 - Bộ luật Tố tụng dân sự; Khoản 3 Điều 4; Khoản 2 Điều 302; Điều 303; Điều 304, Điều 319 - Luật thương mại; Điều 156; Khoản 2 Điều 361 - BLDS; Khoản 1 Điều 26 - Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.

1. Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Bệnh viện HB về việc yêu cầu Công ty cổ phần dược phẩm TS phải bồi thường thiệt hại phát sinh từ hoạt động kinh doanh thương mại số tiền 2.447.332.460đ (Hai tỷ bốn trăm bốn mươi bảy triệu ba trăm ba mươi hai nghìn bốn trăm sáu mươi đồng).

2. Về án phí: Bệnh viện HB phải chịu 80.946.649 đ án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm, được trừ số tiền tạm ứng án phí đã nộp 40.600.000đ, nay Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình còn phải nộp: 40.346.649đ.

3. Về chi phí tố tụng: Bệnh viện HB phải chịu 1.000.000đ (một triệu đồng) chi phí tố tụng và được đối trừ vào tạm ứng đã nộp, không phải nộp thêm.

Ngoài ra, bản án còn tuyên về quyền kháng cáo của đương sự.

Ngày 13 tháng 4 năm 2022, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hòa Bình ban hành kháng nghị số 03/QĐKNPT-VKS đối với bản án sơ thẩm vì cho rằng quá trình giải quyết vụ án của cấp sơ thẩm có những vi phạm về tố tụng và nội dung. Cụ thể, thủ tục tống đạt văn bản tố tụng cho người có quyền, nghĩa vụ liên quan là Công ty TNHH xử lý nước TA không hợp lệ; biên bản xem xét thẩm định tại chỗ ghi không đầy đủ thành phần; không tiến hành định giá tài sản đối với hệ thống xử lý nước RO số 2; Tòa án bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không đủ căn cứ vững chắc, cần phải chấp nhận một phần yêu cầu bồi thường thiệt hại đáng lẽ được hưởng của nguyên đơn nếu không có vi phạm của bị đơn; hồ sơ không có tài liệu về chi phí tố tụng nhưng buộc nguyên đơn phải chịu là chưa có căn cứ. Trên cơ sở đó, Viện kiểm sát kháng nghị toàn bộ Bản án sơ thẩm số 01/2022/KDTM – ST ngày 31/3/2022 của Tòa án nhân dân thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để xét xử lại.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện đối với các yêu cầu về bồi thường chi phí xe ô tô đưa đón bệnh nhân, tổn thất do danh dự bị xâm phạm, rút yêu cầu bồi thường thuê luật sư; thay đổi yêu cầu bồi thường lợi ích lẽ ra được hưởng nếu không có sự vi phạm còn 1.390.103.357 đồng; chi phí thay thế hệ thống RO số 2 là 555.145.000 đồng. Nguyên đơn, bị đơn không thống nhất được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Viện kiểm sát thay đổi kháng nghị, không kháng nghị toàn bộ bản án như quyết định kháng nghị mà chỉ kháng nghị một phần bản án. Cụ thể kháng nghị các nội dung liên quan đến phần thủ tục tố tụng, về chi phí tố tụng và kháng nghị nội dung liên quan đến phần lợi ích đáng lẽ Bệnh viện được hưởng nếu không có sự vi phạm của Công ty TS; rút kháng nghị phần nội dung liên quan đến yêu cầu bồi thường tiền xe đưa đón bệnh nhân, bồi thường chi phí thay thế hệ thống RO mới, bồi thường tiền chi phí luật sư và bồi thường uy tín bị xâm phạm. Đề nghị hủy một phần bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2022/KDTM – ST ngày 31/3/2022 của Tòa án nhân dân thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.

Người bảo vệ quyền và lợi ích của nguyên đơn phát biểu quan điểm:

- Không nhất trí đối với kháng nghị liên quan đến phần tố tụng, bởi lẽ: Công ty TNHH xử lý nước TA không có quyền, lợi ích liên quan đến vụ án; Biên bản xem xét thẩm định tại chỗ đảm bảo đúng thủ tục, thành phần xem xét, thẩm định tại chỗ đã được thực hiện chính xác, đầy đủ và không có sự vi phạm; Tòa án cấp sơ thẩm không tiến hành định giá khi đương sự yêu cầu định giá đối với hệ thống xử lý nước RO tại thời điểm xảy ra thiệt hại là sự vi phạm Điều 104 BLTTDS. Tuy nhiên, đây là vi phạm không nghiêm trọng và xin rút yêu cầu tiến hành định giá đối với hệ thống nước RO vào thời điểm xảy ra sự cố.

- Nhất trí với kháng nghị về bồi thường lợi ích lẽ ra được hưởng, tuy nhiên, trong vụ án này phải xác định lỗi 100% thuộc về Công ty TS và yêu cầu Công ty TS bồi thường cho Bệnh viện số tiền 1.390.103.357 đồng. Về chi phí tố tụng nhất trí với kháng của Viện kiểm sát. Đề nghị Hội đồng xét xử sửa Bản án sơ thẩm số 01/2022/KDTM-ST ngày 31/3/2022 của Tòa án nhân dân thành phố Hòa Bình.

Người bảo vệ quyền và lợi ích của bị đơn phát biểu quan điểm:

- Đối với kháng nghị liên quan đến phần tố tụng là các sai sót không nghiêm trọng, không ảnh hưởng quyền lợi ích hợp pháp của đương sự, bởi lẽ: Công ty TNHH xử lý nước TA không có quyền, lợi ích liên quan đến vụ án; Biên bản xem xét thẩm định tại chỗ chỉ là sai sót về soạn thảo văn bản; Việc định giá tài sản hệ thống RO chỉ có giá trị khi giải quyết thiệt hại liên quan hệ thống RO, nhưng nội dung này Viện kiểm sát đã rút kháng nghị nên không phải định giá đối với hệ thống nước RO vào thời điểm xảy ra sự cố.

- Không nhất trí với kháng nghị về bồi thường lợi ích lẽ ra được hưởng vì . Bản án hình sự xác định Bùi Mạnh Q lỗi vô ý, Công ty TS không vi phạm hợp đồng 315/BVĐK-TS. Thiệt hại xảy ra không có mối quan hệ nhân quả với hành vi của Công ty TS, nên Công ty TS không có trách nhiệm bồi thường. Đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 01/2022/KDTM-ST ngày 31/3/2022 của Tòa án nhân dân thành phố Hòa Bình.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến:

(1) Về tố tụng: Tại giai đoạn phúc thẩm, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, Hội đồng xét xử và Thư ký phiên tòa đã tuân thủ đúng các quy định của pháp luật tố tụng dân sự; các đương sự đã thực hiện đúng và đầy đủ các quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình theo quy định của pháp luật.

(2) Về việc giải quyết vụ án: Tòa án cấp sơ thẩm đã có các vi phạm về thủ tục tố tụng như trong bản kháng nghị đã trình bày; về chi phí tố tụng không có hóa đơn chứng từ nên việc buộc Bệnh viện phải chịu chi phí là chưa có cơ sở. Đối với lợi ích lẽ ra được hưởng cần xem xét đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp cho Bệnh viện, bởi lẽ Công ty TS đã có những vi phạm trong việc thực hiện hợp đồng 315 đã được làm rõ trong các bản án hình sự. Do vi phạm này dẫn đến sự cố y khoa ngày 29/5/2017 và Bệnh viện phải dừng hoạt động của Đơn nguyên thận nhân tạo và dẫn đến thiệt hại mà lẽ ra Bệnh viện được hưởng nếu không có sự vi phạm của Công ty TS. Các tài liệu chứng cứ Bệnh viện đã xuất trình để chứng minh cho thiệt hại của mình là có căn cứ nhưng chưa đầy đủ, do vậy đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy một phần bản án sơ thẩm để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.

Căn cứ các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ kết quả tranh luận, trên cơ sở xem xét đầy đủ toàn diện chứng cứ, ý kiến của các bên đương sự, ý kiến của Kiểm sát viên.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về tố tụng:

Sau khi xét xử sơ thẩm, trong thời hạn luật định, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình ban hành kháng nghị số 03/QĐKNPT-VKS ngày 13/4/2022 theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, nên được Tòa án chấp nhận và tiến hành xét xử phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa phúc thẩm đại diện viện kiểm sát thay đổi kháng nghị, chỉ kháng nghị một phần bản án sơ thẩm về thủ tục tố tụng, chi phí tố tụng và phần nội dung liên quan đến thiệt hại thực tế mà bệnh viện đáng lẽ được hưởng nếu không xảy ra sự cố y khoa ngày 29/5/2017; rút phần kháng nghị liên quan đến các nội dung khác và đề nghị hủy một phần bản án kinh doanh thương mại số 01/2022/KDTM – ST ngày 31/3/2022 của Tòa án nhân dân thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Việc thay đổi, rút một phần kháng nghị của Viện kiểm sát phù hợp quy định tại Điều 284 Bộ luật Tố tụng dân sự nên được chấp nhận.

[2] Xét nội dung của kháng nghị và rút một phần kháng nghị:

[2.1] Xét việc rút một phần kháng nghị Quyết định kháng nghị số 03/QĐKNPT-VKS ngày 13 tháng 4 năm 2022 của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hòa Bình, kháng nghị đối với toàn bộ bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Hòa Bình và đề nghị hủy bản án sơ thẩm số 01/2022/KDTM – ST ngày 31/3/2022 của Tòa án nhân dân thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Tại phiên tòa phúc thẩm đại diện Viện kiểm sát thay đổi nội dung kháng nghị, chỉ kháng nghị một phần bản án sơ thẩm, rút phần kháng nghị liên quan đến các các yêu cầu bồi thường của nguyên đơn về:

(1) Chi phí thay thế hệ thống nước RO số 2 phải thay thế = 475.145.000đ;

(2) Chi phí thuê xe ô tô di chuyển bệnh nhân đến các Bệnh viện khác chạy thận nhân tạo = 180.000.000đ.

(3) Chi phí thuê Luật sư = 120.000.000đ.

(4) Tổn thất uy tín bị xâm phạm: 10 tháng lương tối thiểu = 14.900.000đ.

Xét việc rút các nội dung kháng nghị này của Viện kiểm sát phù hợp quy định tại Điều 284 Bộ luật Tố tụng dân sự nên căn cứ khoản 3 Điều 289 BLTTDS Hội đồng xét xử đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với phần kháng nghị đã được rút.

[2.2] Đối với kháng nghị về tố tụng của cấp sơ thẩm: Về tống đạt văn bản tố tụng:

Theo bản án sơ thẩm, Công ty TNHH xử lý nước TA là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Căn cứ địa chỉ của Công ty đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được thể hiện trong bản án hình sự, Tòa án cấp sơ thẩm đã tống đạt các văn bản tố tụng bằng dịch vụ bưu chính đến địa chỉ trên là đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, khi bưu điện trả lại văn bản tố tụng với lý do không có người nhận nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không tiến hành xác minh cũng như không niêm yết công khai văn bản tố tụng là không đúng quy định tại Điều 179 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử xét thấy trong vụ án này các yêu cầu của nguyên đơn là Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình không liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của Công ty TNHH xử lý nước TA, phía bị đơn là Công ty Cổ phần dược phẩm TS cũng không có yêu cầu phản tố, không có nội dung gì liên quan đến Công ty TA trong vụ án này và các hành vi sai phạm liên quan đến việc thực hiện Hợp đồng 315/BVĐK- TS ngày 25/5/2017 đã được làm rõ trong vụ án hình sự được thể hiện trong Bản án hình sự phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật số 20/2019/HS-PT ngày 19/6/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình. Do vậy, việc đưa Công ty TNHH xử lý nước TA tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là không cần thiết. Tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn và bị đơn cũng cho rằng Công ty TNHH TA không liên quan gì đến vụ án này, họ cũng không có yêu cầu gì đối với Công ty TA. Do vậy, cấp sơ thẩm chưa thực hiện đúng quy định về việc tống đạt văn bản tố tụng đối với Công ty TNHH TA nhưng không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, không ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của các bên đương sự.

Về biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ:

Theo kháng nghị của Viện kiểm sát thì Biên bản xem xét thẩm định tại chỗ không ghi thành phần tham gia có bà Lê Thị T nhưng lại có chữ ký, trong khi đó biên bản ghi thành phần tham gia có bà Bùi Thị Phương T tham gia nhưng lại không có chữ ký là vi phạm quy định tại Điều 101 Bộ luật Tố tụng dân sự. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử thấy rằng, bà Lê Thị T với tư cách là Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Tiến ký tên, đóng dấu xác nhận vào biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ. Do đó, thành phần tham gia quá trình xem xét, thẩm định không có tên của bà Lê Thị T là điều hợp lý và không trái quy định của Điều 101 BLTTDS. Ông Nguyễn Quốc P, bà Bùi Thị Phương T và ông Nguyễn Ngọc A S là những người đại diện nguyên đơn tham gia xem xét, thẩm định tại chỗ. Mặc dù bà Thúy không có chữ ký trong biên bản nhưng có ông Nguyễn Quốc P và ông Nguyễn Ngọc A S ký tên xác nhận vào biên bản là đảm bảo đúng quy định, không vi phạm tố tụng về xem xét, thẩm định tại chỗ, đây chỉ là những sơ xuất trong việc soạn thảo văn bản.

Về định giá tài sản:

Theo nội dung vụ án, Bệnh viện đang sử dụng hệ thống lọc nước RO cũ phục vụ cho Đơn nguyên thận nhân tạo, nhưng do sự cố y khoa ngày 29/5/2017 nên Bệnh viện đã đầu tư lắp đặt hệ thống RO mới thay thế hệ thống RO cũ và yêu cầu Công ty TS bồi thường số tiền lắp đặt hệ thống RO cũ là 475.145.000 đồng. Hệ thống RO cũ được Hội đồng thanh lý tài sản xác định giá trị tài sản (phế liệu) thanh lý là 5.860.000 đồng, đã được bán và nhập quỹ theo quy định. Tại phiên tòa sơ thẩm, Viện kiểm sát và nguyên đơn có yêu cầu Hội đồng xét xử tạm ngừng phiên tòa để định giá đối với hệ thống RO cũ làm căn cứ giải quyết vụ án nhưng Hội đồng xét xử sơ thẩm không chấp nhận vì cho rằng thủ tục bán thanh lý theo Bệnh viện trình bày là hợp pháp, việc thay hệ thống RO mới là quyết định của Bệnh viện, còn hệ thống RO cũ nếu độ an toàn chưa đảm bảo thì thực hiện lại quy trình sục rửa, chứ không phải thay mới. Xét thấy, nguyên đơn có yêu cầu bồi thường thiệt hại liên quan đến hệ thống RO số 2 và có yêu cầu định giá tài sản đối với hệ thống RO cũ để làm căn cứ giải quyết vụ án nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không tiến hành định giá tài sản là không thực hiện đúng quy định tại khoản 3 Điều 104 BLTTDS, tuy nhiên hệ thống RO cũ đã được bán thanh lý, không còn tài sản trên thực tế và tại phiên tòa phúc thẩm đại diện Bệnh viện cũng không yêu cầu định giá lại hệ thống RO cũ, đại diện Viện kiểm sát cũng rút phần kháng nghị đề nghị bồi thường chi phí lắp đặt hệ thống RO mới nên việc định giá lại hệ thống RO cũ là không cần thiết.

Những sai sót về tố tụng của Tòa án cấp sơ thẩm là không nghiêm trọng, không ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giải quyết án cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự trong vụ án này, song cần được rút kinh nghiệm để khắc phục những sai sót tương tự trong quá trình giải quyết án.

[2.3] Đối với kháng nghị về nội dung:

Nguyên đơn, Bệnh viện HB yêu cầu Công ty TS bồi thường thiệt hại là những lợi ích thực tế đáng lẽ nguyên đơn được hưởng nếu không xảy ra sự cố y khoa ngày 29/5/2017. Cụ thể, tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn yêu cầu Công ty TS bồi thường số tiền 1.390.103.357 đồng là lợi ích từ các ca chạy thận nhân tạo nếu Bệnh viện không bị ngừng hoạt động chạy thận từ ngày 29/5/2017 đến 22/3/2018. Kháng nghị của Viện kiểm sát cho rằng: Trong quá trình thực hiện Hợp đồng số 315/BVĐK-TS, Công ty TS đã có những vi phạm dẫn đến xảy ra sự cố y khoa ngày 29/5/2017 và bản án hình sự sơ thẩm, phúc thẩm đã nhận định về trách nhiệm của Công ty TS, mặt khác các tài liệu chứng cứ mà phía nguyên đơn cung cấp để chứng minh cho thiệt hại và yêu cầu của mình là phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác nên cần chấp nhận một phần yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại này của Bệnh viện sau khi đánh giá tỷ lệ lỗi của các bên; bản án sơ thẩm nhận định tài liệu chứng cứ do Bệnh viện cung cấp thể hiện chứng minh thiệt hại thực tế của khoản yêu cầu bồi thường này là không có căn cứ, đã ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của nguyên đơn.

Xét kháng nghị của Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử thấy rằng: Ngày 25/5/2017 Bệnh viện và Công ty TS ký hợp đồng số 315/BVĐK-TS để thực hiện gói thầu cung cấp vật tư sửa chữa hệ thống nước RO số 2 cho Bệnh viện. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty TS đã có những vi phạm đã được chỉ ra trong bản án hình sự phúc thẩm số 20/2019/HS-PT ngày 19/6/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình đã có hiệu lực pháp luật. Bản án đã xác định rõ mức độ lỗi, hậu quả của các hành vi vi phạm để xảy ra sự cố y khoa ngày 29/5/2017. Bản án trên đã nhận định Bùi Mạnh Q là người làm công cho Công ty TS khi thực hiện hợp đồng đã sử dụng hỗn hợp hóa chất gồm HF và HCL không có trong danh mục hóa chất được Bộ Y tế cho phép vệ sinh màng và vỏ màng RO, Quốc cũng biết rõ hệ thống xử lý nước chưa đủ an toàn, chưa có kết quả test nước để đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn AAMI- là một nội dung được thỏa thuận trong hợp đồng số 315, nhưng đã để cho Bệnh viện dùng để chạy thận, từ đó dẫn đến sự cố y khoa ngày 29/5/2017. Như vậy, Công ty TS có một phần lỗi trong việc thực hiện hợp đồng 315/BVĐK-TS. Do có vi phạm trong thực hiện hợp đồng, nên Công ty TS phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 302 Luật Thương mại năm 2005, như sau:

“1. Bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm.

2. Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.” Bản án sơ thẩm cho rằng những tài liệu, chứng cứ Bệnh viện cung cấp trong quá trình giải quyết vụ án không có tài liệu, chứng cứ nào thể hiện và chứng minh thiệt hại thực tế, trực tiếp của khoản yêu cầu bồi thường này, không thể hiện được con số cụ thể, khách quan có thật để khẳng định đây là khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm của bên vi phạm từ đó không chấp nhận yêu cầu này là chưa xem xét một cách đầy đủ, khách quan, toàn diện nội dung vụ việc. Bởi lẽ, do hành vi vi phạm của Công ty TS và Bệnh viện dẫn đến xảy ra sự cố y khoa nghiêm trọng ngày 29/5/2017, làm chết nhiều bệnh nhân và nhiều bệnh nhân bị tổn hại sức khỏe, bên cạnh các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự thì chính Bệnh viện và Công ty TS đã phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trực tiếp do lỗi của mình gây ra đối với thiệt hại về người và sức khỏe bệnh nhân và cũng chính do hành vi vi phạm đó dẫn đến Đơn nguyên thận nhân tạo của Bệnh viện phải ngừng hoạt động là một thực tế. Do vậy, cần phải xem xét đến yêu cầu này của Bệnh viện là đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, các tài liệu, chứng cứ do Bệnh viện cung cấp trong quá trình giải quyết vụ án ở cấp sơ thẩm và phúc thẩm là chưa đủ cơ sở để xem xét giải quyết. Nhiều nội dung còn mâu thuẫn, chưa được làm rõ, như: (1) Số lợi nhuận của một ca chạy thận nhân tạo là bao nhiêu? Theo trình bày của Bệnh viện thì doanh thu một ca chạy thận nhân tạo là 543.000 đồng theo Quyết định số 3599/QĐ-BYT ngày 22/9/2015 của Bộ Y tế và trong quá trình giải quyết vụ án Bệnh viện đã cung cấp cho Tòa án 03 biểu tính có lợi nhuận khác nhau. Mặt khác có những số liệu trên các bảng này Bệnh viện chưa đưa ra được căn cứ vững chắc như chi phí về điện, nước, xử lý rác thải trên một ca chạy thận… Bênh cạnh đó, theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC của Bộ Y tế và Bộ Tài chính thì giá dịch vụ khám, chữa bệnh (số tiền 543.000 đồng chi cho 1 ca chạy thận) ngoài việc chi về vật tư, nhân công theo diễn giải của Bệnh viện thì còn chi cho phụ cấp thường trực, phụ cấp đặc thù, chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị. Các chi phí này tại phiên tòa hôm nay Bệnh viện chưa tính toán, bóc tách được để tính số tiền lãi của một ca chạy thận sau khi đã trừ đi các chi phí này. Theo hợp đồng giữa Bệnh viện và Công ty TS thì mỗi ca chạy thận, Bệnh viện trả tiền thuê máy cho Công ty TS là 7,7USD =117.000 đồng. Đến thời điểm xảy ra sự cố thì Bệnh viện còn thuê Công ty TS 05 máy và sẽ tiếp tục sử dụng các máy này nếu không xảy ra sự cố y khoa, nên ngoài các chi phí đã nêu thì cần phải tính cả chi phí trả tiền thuê máy trong tổng chi phí của ca chạy thận. (2) Về số ca chạy thận bị thiệt hại: Theo Bản án phúc thẩm số 02/2021/KDTM-PT ngày 06/4/2021 của Tòa án tỉnh Hòa Bình thì Bệnh viện và Công ty TS ký hợp đồng hợp tác trong việc thuê máy chạy thận nhân tạo nên theo quy định tại Điều 6 và Điều 14 Nghị định 85/2012/NĐ-CP ngày 15/10/2012 của Chính phủ về cơ chế hoạt động tài chính đối với đơn vị y tế thì Bệnh viện phải mở sổ kế toán theo dõi, hạch toán riêng doanh thu, chi phí và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với ngân sách Nhà nước. Hoặc nếu không mở hệ thống sổ sách kế toán riêng thì cũng phải có các sổ sách, tài liệu để theo dõi hoạt động, doanh thu của Đơn nguyên thận nhân tạo từ đó làm căn cứ tổng hợp chung vào hệ thống sổ sách kế toán tài chính của Bệnh viện. Trong quá trình giải quyết vụ án, Bệnh viện chưa cung cấp các loại sổ sách tài chính này mà mới chỉ cung cấp Biểu kê doanh thu 8 tháng trước khi sự cố y khoa xảy ra (kèm theo các Bảng kê thanh toán chi phí viện phí thu của từng Bệnh nhân) nên chưa có cơ sở vững chắc về số ca chạy thận bị thiệt hại cũng như doanh thu của việc chạy thận. (3) Việc xác định thời gian ngừng hoạt động của Đơn nguyên thận nhân tạo: Theo trình bày của Bệnh viện, Đơn nguyên thận nhân tạo phải ngừng hoạt động từ hôm xảy ra sự cố ngày 29/5/2017 đến ngày 22/3/2018. Các tài liệu trong hồ sơ thể hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra chỉ tạm giữ và niêm phong hệ thống chạy thận trong thời gian 36 ngày, sau đó trả lại nguyên trạng cho Bệnh viện, các cơ quan quản lý nhà nước đã có nhiều văn bản chỉ đạo Bệnh viện khắc phục sớm việc cải tạo, sửa chữa, lắp đặt hệ thống nước RO nhưng mãi đến 22/3/2018 Đơn nguyên thận nhân tạo mới hoạt động lại. Nguyên nhân nào kiến việc hoạt động trở lại của Đơn nguyên thận nhân tạo bị chậm và trách nhiệm thuộc về đơn vị nào chưa được làm rõ. Công ty TS có phải chịu trách nhiệm về sự chậm trễ này không? (4) Trên cơ sở làm rõ những nội dung trên để xác định Bệnh viện có bị thiệt hại đối với khoản lợi trực tiếp mà Bệnh viện đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm của Công ty TS không? Và thiệt hại nếu có là bao nhiêu để xác định trách nhiệm bồi thường của Công ty TS theo tỷ lệ lỗi của các bên.

Những nội dung trên, trong quá trình giải quyết vụ án cấp sơ thẩm chưa điều tra làm rõ và tại phiên tòa phúc thẩm không thể bổ sung được. Do vậy, cần chấp nhận kháng nghị của Viện kiếm sát hủy một phần bản án sơ thẩm để giải quyết lại yêu cầu này của Bệnh viện theo thủ tục sơ thẩm. Việc hủy án để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm có phần lỗi của nguyên đơn khi không cung cấp đầy đủ các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình.

[2.4] Đối với kháng nghị về chi phí tố tụng:

Hội đồng xét xử xét thấy, trong quá trình giải quyết vụ án, Bệnh viện đã nộp 1.000.000đ (một triệu đồng) chi phí tố tụng. Trong hồ sơ vụ án cũng đã có bảng kê về chi phí tố tụng nhưng không có những hóa đơn, chứng từ theo quy định. Đây là sai sót cần rút kinh nghiệm, đảm bảo ngoài bảng kê phải có các hóa đơn, chứng từ chi kèm theo.

[3] Về án phí: Do Viện kiểm sát kháng nghị và cấp phúc thẩm hủy một phần của bản án sơ thẩm để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm nên các đương sự không phải chịu án phí phúc thẩm. Án phí dân sự sơ thẩm và chi phí tố tụng được tính lại khi giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 3 Điều 289, khoản 3 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự;

Căn cứ Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với các nội dung yêu cầu bồi thường mà Viện kiểm sát đã rút kháng nghị:

(1) Chi phí thay thế hệ thống nước RO số 2 phải thay thế = 475.145.000đ;

(2) Chi phí thuê xe ô tô di chuyển bệnh nhân đến các Bệnh viện khác chạy thận nhân tạo = 180.000.000đ.

(3) Chi phí thuê Luật sư = 120.000.000đ.

(4) Tổn thất uy tín bị xâm phạm: 10 tháng lương tối thiểu = 14.900.000đ.

2. Hủy một phần Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2022/KDTM-ST ngày 31/3/2022 của Tòa án nhân dân thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình về nội dung yêu cầu bồi thường lợi ích đáng lẽ được hưởng nếu Công ty TS không vi phạm Hợp đồng 315/BVĐK-TS. Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình giải quyết lại theo quy định của pháp luật.

3. Về án phí và chi phí tố tụng: Các đương sự không phải chịu án phí phúc thẩm. Án phí dân sự sơ thẩm và chi phí tố tụng được tính lại khi giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

4. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án 29/3/2023.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1440
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng số 01/2023/KDTM-PT

Số hiệu:01/2023/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hoà Bình
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 29/03/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về