TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN L- TỈNH Y
BẢN ÁN 07/2022/DS-ST NGÀY 18/07/2022 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO TÀI SẢN BỊ XÂM PHẠM
Ngày 18 tháng 7 năm 2022, tại trụ sở Toà án nhân dân huyện L- tỉnh Y, xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 51/2021/TLST- DS ngày 21 tháng 12 năm 2021 về việc tranh chấp Bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 09/2022/QĐXX-ST ngày 02 tháng 6 năm 2022 giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: - Anh Đặng Văn V 31 tuổi Địa chỉ: Thôn 1 V- xã PL- huyện L- tỉnh Y, có mặt;
- Anh Nguyễn Văn S 52 tuổi Địa chỉ: Tổ dân phố P Y- phường Ng P- thành phố Y, có mặt;
2. Bị đơn: Ông Phùng Văn T 64 tuổi Địa chỉ: Thôn 1 V- xã PL- huyện L- tỉnh Y, có mặt.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Bà Đặng Thị B và ông Nông Đức Tr- Trợ giúp V pháp lý thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Y. Bà Đặng Thị B có mặt; ông Nông Đức Tr có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
- Ông Đặng Hữu Th và bà Phùng Thị Nh;
Địa chỉ: Thôn 1 V- Xã PL- huyện L- tỉnh Y, có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
- Chị Đặng Thị Ph;
Địa chỉ: Thôn 1 V- Xã PL- huyện L- tỉnh Y, có mặt.
- Chị Phùng Thị L.
Địa chỉ: Thôn 1 V- Xã PL- huyện L- tỉnh Y, có mặt;
- UBND xã PL- huyện L- tỉnh Y do ông Thiều Văn Ch- Phó Chủ tịch đại diện, có mặt.
4. Người làm chứng: Anh Phùng Văn Ch và chị Phùng Thị L Địa chỉ: Thôn 1 V- Xã PL- huyện L- tỉnh Y; chị L có mặt, anh Ch vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Trong đơn khởi kiện ngày 11-12-2021 và các lời khai tiếp theo nguyên đơn là anh Đặng Văn V và anh Nguyễn Văn S trình bày: Tháng Giêng năm 2020 anh V và chị gái là Đặng Thị Ph (Vợ anh S) được bố mẹ là ông Đặng Hữu Th và bà Phùng Thị Nh cho một diện tích đất đồi trồng quế tại thôn 1 V- xã PL- huyện L. Quế được 07 năm tuổi, diện tích đất trồng quế chưa có giấy tờ. Tháng 01 năm 2021, không hiểu lý do vì sao ông Phùng Văn T đã chặt của gia đình 05 cây quế trị giá khoảng 1.500.000 đồng. Sau khi có đơn đề nghị, UBND xã PL đã giải quyết nhưng hai bên không thoả thuận được. Nay các anh khởi kiện yêu cầu ông Phùng Văn T phải bồi thường số tiền 30.000.000 đồng trong đó tiền trị giá 05 cây quế là 1.500.000 đồng; tiền phạt do phá hoại tài sản là 18.500.000 đồng và tiền công đi lại kiện cáo là 10.000.000 đồng.
Trong bản tự khai, biên bản lấy lời khai và tại các phiên hoà giải bị đơn là ông Phùng Văn T trình bày: Ngày 20-01-2021 ông có đi phát tuyến đường băng cản lửa giữa rừng phòng hộ tự nhiên giáp ranh với phần diện tích đất gia đình đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2009. Khi phát ông có chặt 05 cây quế tầm hơn 03 năm tuổi trong đó có 03 cây do gia đình ông trồng còn 02 cây anh Đặng Văn V nhận của gia đình anh ấy. Trị giá 05 cây quế khoảng 1.500.000 đồng. Khoảng 10 ngày sau anh Đặng Văn V lên xem và cho rằng ông đã chặt quế của gia đình anh ấy. Sau khi sự việc xảy ra chính quyền địa phương đã nhiều lần giải quyết, anh V yêu cầu ông phải bồi thường số tiền 60.000.000 đồng nhưng ông không nhất trí. Nay anh V và anh S khởi kiện yêu cầu bồi thường 30.000.000 đồng ông không nhất trí. Ông chỉ nhất trí bồi thường số tiền 1.500.000 đồng nếu anh V và anh S đưa ra đủ chứng cứ để chứng minh đó là quế của mình.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Đặng Hữu Th trình bày: Đầu năm 2021 ông có nghe các con về nói lại là ông Phùng Văn T có chặt của gia đình 05 cây quế tại phần đất đồi giáp với diện tích đất của gia đình ông T. Khu vực đất này gia đình chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do hai vợ chồng đã có tuổi, không có thời gian và công sức chăm sóc nên năm 2016-2017 ông bà đã giao lại các diện tích đất đồi của gia đình cho con trai là Đặng Văn V và con gái là Đặng Thị Ph (Chồng là Nguyễn Văn S) sử dụng. Việc cho các con sử dụng diện tích đất trên ông bà chỉ nói miệng chứ không làm giấy tờ. Số quế ông T chặt là do vợ chồng Đặng Văn V trồng được khoảng 04 năm tuổi. Nay các con khởi kiện ông T yêu cầu bồi thường thiệt hại là việc của của các con, do các con quyết định, vợ chồng ông không liên quan gì nữa.
Tại phiên tòa Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn nêu quan điểm: Diện tích đất đang có tranh chấp là đất rừng tự nhiên sản xuất do UBND xã PL, huyện L quản lý. Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa đồng nguyên đơn không cung cấp được chứng cứ để chứng minh 5 cây quế đã được nguyên đơn trồng trước đó. Số cây quế bị ông T chặt khi đi phát dọn nương không phải là tài sản hợp pháp của đồng nguyên đơn.
Đối với yêu cầu số tiền phạt do chặt 5 cây quế là 18.500.000 đồng và tiền công đi lại kiện cáo 10.000.000 đồng, đây là yêu cầu vô lý và trái với quy định của pháp luật bởi theo quy định tại điều 71 Bộ luật Tố tụng dân sự thì đây là quyền và nghĩa vụ của các đương sự phải tham gia trong quá trình giải quyết vụ án. Điều 589 Bộ luật Dân sự không quy định tiền công đi lại kiện cáo và tiền phạt là thiệt hại do tài sản bị xâm phạm. Có đủ căn cứ để khẳng định bị đơn không có hành vi xâm phạm đến tài sản của đồng nguyên đơn nên không gây thiệt hại do đó sẽ không thể phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại với tổng số tiền là 30.000.000 đồng như yêu cầu của đồng nguyên đơn. Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào các điều 584, 585, 589 Bộ luật Dân sự; điều 91 Bộ luật Tố tụng dân sự, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của đồng nguyên đơn.
Tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện L- tỉnh Y phát biểu ý kiến:
Về việc tuân theo pháp luật: Quá trình thụ lý, giải quyết vụ án và tại phiên tòa, Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký đã thực hiện đúng thủ tục tố tụng dân sự. Các đương sự đã thực hiện đúng, đầy đủ quyền và nghĩa vụ tố tụng theo quy định của pháp luật.
Về việc giải quyết vụ án: Diện tích đất có 05 cây quế bị chặt là đất rừng tự nhiên sản xuất do UBND xã quản lý, không nằm trong diện tích đất hai gia đình được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên toà nguyên đơn không đưa ra được chứng cứ để chứng minh 05 cây quế bị chặt là do mình trồng. Hành vi trồng cây trên đất không thuộc quyền sở hữu của mình, không được cơ quan quản lý nhà nước v ề đất đai cho phép là hành vi chiếm đất đai và thuộc một trong những hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại khoản 1 điều 12 Luật Đất đai. Người trồng 05 cây quế nêu trên không thuộc trường hợp xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu do chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật quy định tại điều 236 Bộ luật Dân sự. 05 cây quế bị chặt là tài sản được hình thành từ hoạt động lao động bất hợp pháp nên không phải là tài sản hợp pháp của người đã trồng. Việc anh V, anh S đi lại khởi kiện, có mặt tại Toà án theo giấy triệu tập là thực hiện nghĩa vụ tố tụng của mình theo quy định của pháp luật. Điều 589 Bộ luật Dân sự quy định về thiệt hại do tài sản bị xâm phạm không có nội dung “Tiền phạt”, “Tiền công đi kiện”. Như vậy yê u cầu khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại 05 cây quế, yêu cầu tiền phạt và tiền công đi kiện của nguyên đơn không có căn cứ chấp nhận. Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ các điều 222, 236, 584, 589 Bộ luật Dân sự; khoản 1 điều 12 Luật đất đai; khoản 15, 16 điều 70 Bộ luật Tố tụng dân sự; tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Căn cứ điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 3 điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc Hội buộc nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về thủ tục tố tụng:
Tranh chấp giữa anh Đặng Văn V, anh Nguyễn Văn S với ông Phùng Văn T là tranh chấp về Bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm; bị đơn có địa chỉ thường trú tại xã PL- huyện L- tỉnh Y nên Tòa án nhân dân huyện L thụ lý giải quyết vụ án là đúng thẩm quyền theo quy định tại khoản 6 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn là ông Nông Đức Tr và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Đặng Hữu Th, bà Phùng Thị Nh có đơn đề nghị vắng mặt nên Toà án tiến hành xét xử vắng mặt những người này là đúng quy định tại điểm đ khoản 2 điều 227 và khoản 1 điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự.
[2] Về nội dung yêu cầu khởi kiện:
Qúa trình giải quyết vụ án các đương sự không thỏa thuận được. Tại phiên toà nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, đề nghị Hội đồng xét xử buộc bị đơn phải bồi thường số tiền 30.000.000 đồng, trong đó tiền 05 cây quế bị chặt là 1.500.000 đồng; tiền phạt 18.500.000 đồng; tiền công đi lại đến các cơ quan “Kiện cáo” 10.000.000 đồng, ngoài ra không có yêu cầu gì khác. Bị đơn thừa nhận có được chặt 05 cây quế trong đó có 03 cây do gia đình trồng và chỉ nhất trí bồi thường số tiền trị giá 05 cây quế 1.500.000 đồng nếu anh V và anh S đưa ra đủ chứng cứ để chứng minh đó là quế của mình.
Quan điểm của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có mặt tại phiên toà: Chị Phùng Thị L (vợ anh Đặng Văn V), chị Đặng Thị Ph (vợ anh Nguyễn Văn S) nhất trí với nội dung yêu cầu của nguyên đơn.
Đại diện UBND xã PL- huyện L khẳng định vị trí 05 cây quế bị chặt nằm trong diện tích đất rừng tự nhiên sản xuất do UBND xã PL quản lý. Chính quyền địa phương đã thường xuyên tuyên truyền cho nhân dân trong xã việc chấp hành pháp luật về bảo vệ rừng tuy nhiên vẫn có tình trạng lấn, chiếm đất công. Việc các hộ dân lấn, chiếm đất rừng để trồng cây là hành vi vi phạm pháp luật nên 05 cây quế trên không thuộc tài sản hợp pháp của ai.
Xét các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:
Thứ nhất, về khoản tiền bồi thường 05 cây quế:
Quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn xác định 05 cây quế bị chặt là do vợ chồng anh Đặng Văn V- chị Phùng Thị L trồng trên diện tích đất do bố mẹ là ông Đặng Hữu Th- bà Phùng Thị Nh cho hai chị em là Đặng Thị Ph và Đặng Văn V; diện tích đất này chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo xác nhận của UBND xã PL tại văn bản số 29/GXN-UBND ngày 21-7-2021 thì 05 cây quế bị chặt nằm trong đất rừng tự nhiên sản xuất do UBND xã PL quản lý.
Điều 4 và điều 12 Luật Đất đai quy định “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý…”; một trong những hành vi bị nghiêm cấm đó là: “Lấn, chiếm… đất đai”.
Điều 221, điều 222 Bộ luật Dân sự về căn cứ xác định quyền sở hữu quy định:
“Người lao động, người tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp có quyền sở hữu đối với tài sản có được từ lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp, kể từ thời điểm có được tài sản đó”.
Đối chiếu các quy định trên thì việc lấn, chiếm đất rừng tự nhiên sản xuất để trồng quế là hành vi vi phạm pháp luật và 05 cây quế bị chặt không phải là tài sản hợp pháp của nguyên đơn.
Theo quy định tại khoản 1 và khoản 4 điều 91 Bộ luật Tố tụng dân sự về nghĩa vụ chứng minh thì:“Đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp”; “Đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh mà không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ thì Tòa án giải quyết vụ việc dân sự theo những chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ vụ việc”.
Trong suốt quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn cho rằng 05 cây quế bị chặt là do anh Đặng Văn V và vợ là Phùng Thị L trồng, có vợ chồng anh Phùng Văn Ch- chị Phùng Thị L làm chứng. Tại phiên toà chị Phùng Thị L (Có quan hệ họ hàng với gia đình chị Phùng Thị L) xác định gia đình có thửa đất nương giáp ranh với diện tích đất của gia đình anh Đặng Văn V, thừa nhận có thấy vợ chồng anh Đặng Văn V trồng quế cùng thời điểm đó, tuy nhiên 05 cây quế bị chặt do ai trồng, của ai chị không biết. Ngoài ra nguyên đơn không xuất trình được chứng cứ nào khác để chứng minh 05 cây quế là tài sản hợp pháp của mình. Như vậy yêu cầu khởi kiện về khoản tiền bồi thường 05 cây quế không có căn cứ chấp nhận.
Thứ hai, về khoản tiền phạt và tiền công đi lại “Kiện cáo”.
Theo quy định tại khoản 1 điều 4 Bộ luật Dân sự thì “Bộ luật này là luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự”; không có quy định nào về chế tài xử phạt hành vi huỷ hoại tài sản.
Điều 589 Bộ luật Dân sự quy định thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:
“1. Tài sản bị mất, bị huỷ hoại hoặc bị hư hỏng;
2. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút;
3. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại;
4. Thiệt hại khác do luật quy định”.
Như vậy, điều luật này không có quy định về tiền phạt, tiền công đi lại “Kiện cáo”.
Khoản 16 điều 70 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định:“Đương sự phải có mặt theo giấy triệu tập của Toà án và chấp hành quyết định của Toà án trong quá trình Toà án giải quyết vụ việc”.
Việc anh V, anh S đi đến các cơ quan “Kiện cáo” là việc của cá nhân công dân còn việc có mặt tại Toà án theo giấy triệu tập là thực hiện nghĩa vụ tố tụng của mình theo quy định của pháp luật.
Đối chiếu các quy định trên, yêu cầu về khoản tiền phạt và tiền công đi lại “Kiện cáo” của nguyên đơn không phù hợp với pháp luật dân sự, không có căn cứ chấp nhận.
[3] Về án phí: Do yêu cầu khởi kiện không được được chấp nhận nên nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
[4] Ý kiến của Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn; ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện L- tỉnh Y về việc giải quyết vụ án phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.
Vì các lẽ trên
QUYẾT ĐỊNH
1- Về yêu cầu khởi kiện: Căn cứ điều 221, điều 222, điều 236, điều 584, điều 589 Bộ luật Dân sự; khoản 1 điều 12 Luật đất đai; khoản 15, 16 điều 70; điều 91; điểm đ khoản 2 điều 227 và khoản 1 điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự; Tuyên xử: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
2/Về án phí: Căn cứ khoản 1 điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 3 điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án; anh Đặng Văn V và anh Nguyễn Văn S phải chịu 1.500.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm. Xác nhận anh V và anh S đã nộp 750.000 đồng tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện L- tỉnh Y theo biên lai số AA/2021/0002123 ngày 21-12- 2021; số tiền còn phải nộp tiếp là 750.000 đồng.
3/ Quyền kháng cáo: Căn cứ điều 271, điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự; nguyên đơn, bị đơn có quyền kháng cáo Bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo phần Bản án có liên quan đến quyền lợi của mình trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án (Đối với những người có mặt); trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được Bản án hoặc Bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật (Đối với những người vắng mặt).
Bản án về tranh chấp bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm số 07/2022/DS-ST
Số hiệu: | 07/2022/DS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Lục Yên - Yên Bái |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 18/07/2022 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về