TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN
BẢN ÁN 09/2022/HS-PT NGÀY 31/03/2022 VỀ TỘI TRỘM CẮP TÀI SẢN
Ngày 31 tháng 3 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên xét xử công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 11/2022/TLPT-HS ngày 23 tháng 2 năm 2022 đối với bị cáo Giàng A T, do có kháng cáo của bị cáo Giàng A T, bị hại Thào A P đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 30/2022/HS-ST ngày 12/01/2022 của Tòa án nhân dân huyện P, tỉnh Điện Biên.
- Bị cáo có kháng cáo:
Giàng A T (Tên gọi khác: Không); sinh năm 1997, tại tỉnh Điện Biên. NĐKHKTT và chỗ ở: Bản K, xã B, huyện P, tỉnh Điện Biên; Nghề nghiệp: Làm nương; Trình độ học vấn: Không biết chữ; Dân tộc: Mông; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông: Giàng Dúa C (Đã chết) và bà: Mùa Thị D, sinh năm 1961; có vợ Mùa Thị S, sinh năm 2000 và có 02 con, con lớn nhất sinh năm 2018, con nhỏ nhất sinh năm 2021. Tiền án: Không; Tiền sự: Không; Nhân thân: Chưa bị kết án và chưa bị xử lý vi phạm hành chính. Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 17/9/2021 cho đến ngày xét xử phúc thẩm, hiện bị tạm giam tại Nhà tạm giữ Công an huyện P, tỉnh Điện Biên. Bị cáo có mặt tại phiên tòa.
- Những người tham gia tố tụng khác có kháng cáo: Bị hại Thào A P, sinh năm 1978, địa chỉ: Bản T1, xã B, huyện P, tỉnh Điện Biên, có mặt.
- Người bào chữa cho bị cáo Giàng A T: Bà Nguyễn Thị Thu H, Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Điện Biên, có mặt.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Giàng A L, sinh năm 1990, địa chỉ bản N, xã B, huyện P, tỉnh Điện Biên, vắng mặt.
- Người phiên dịch cho bị cáo và bị hại: Ông Giàng A Chù; Cơ quan công tác: Phòng hỗ trợ tư pháp, Công an tỉnh Điện Biên.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Ngày 16/5/2021, Giàng A T nhận được tin báo của Sùng A C ở cùng bản với bị cáo về việc con trâu của gia đình bị cáo ăn lúa của nương nhà Sùng A C. Bị cáo cùng C đến nương lúa xem thì thấy một con trâu đực màu trắng của gia đình bị cáo và một con trâu đực màu đen không rõ của ai đang ăn lúa nương của gia đình Sùng A C. Bị cáo cùng anh C thỏa thuận đền bù thiệt hại về lúa nương do 2 con trâu gây ra. Sau khi thỏa thuận đền bù thiệt hại lúa nương xong, bị cáo dắt cả hai con trâu về nhà chăn thả. Ngày 25/6/2021, bị cáo tìm đến nhà Giàng A L, sinh năm 1990, địa chỉ ở bản N, xã B, huyện P, tỉnh Điện Biên để nói chuyện bán con trâu đực màu đen mà bị cáo đang chăn dắt. Ngày 26/6/2021, Giàng A L đến nhà bị cáo thỏa thuận mua con trâu đực màu đen với giá 42.000.000 đồng, Lầu trả trước cho bị cáo 4.000.000 đồng. Sau khi thỏa thuận mua bán xong, Giàng A L dắt trâu về nhà. Ngày 01/7/2021, gia đình Thào A P ở bản T1, xã B, huyện P, tỉnh Điện Biên đi tìm trâu bị mất và phát hiện con trâu của nhà mình đang chăn thả ở lán ruộng của Giàng A L ở khu vực bản N, xã B, huyện P, tỉnh Điện Biên. Sau khi nói chuyện với Giàng A L, anh Thào A P đã làm đơn tố cáo Giàng A T gửi đến Công an xã Nà Bủng, huyện P, tỉnh Điện Biên để giải quyết. Ngày 07/9/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện P đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, đến ngày 17/9/2021, Giàng A T bị bắt theo lệnh bắt bị can để tạm giam điều tra về hành vi trộm cắp tài sản.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số: 30/2022/HS-ST ngày 12/01/2022 của Tòa án nhân dân huyện P đã quyết định:
- Căn cứ vào khoản 1 Điều 173, Điều 38; điểm i, s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự; Điều 136 Bộ luật Tố tụng dân sự; điểm đ khoản 1 Điều 12, khoản 6 Điều 15 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của UBTVQH khóa XIV về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Toà án.
- Tuyên bố: Bị cáo Giàng A T phạm tội “Trộm cắp tài sản”.
- Về hình phạt: Xử phạt bị cáo Giàng A T 18 (mười tám) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo bị bắt tạm giam, ngày 17/9/2021.
- Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng các Điều 48 của Bộ luật hình sự; các Điều 357, 584, 585, 586, 589 của Bộ luật dân sự; Chấp nhận một phần yêu cầu của bị hại, buộc bị cáo Giàng A T phải bồi thường công đi tìm trâu cho anh Thào A P, sinh năm 1978, địa chỉ: Bản T1, xã B, huyện P, tỉnh Điện Biên số tiền 5.000.000 đồng (năm triệu đồng).
Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu bị cáo chậm trả số tiền trên cho bị hại thì bị cáo phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật dân sự; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự.
- Xử lý vật chứng: Áp dụng điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 47 của Bộ luật hình sự; khoản 1, điểm a khoản 2, điểm a khoản 3 Điều 106 của Bộ luật tố tụng hình sự: Chấp nhận biên bản về việc trả lại đồ vật, tài liệu hồi 16 giờ 00 phút ngày 01/11/2021 của Công an huyện P trả tài sản cho Thào A P.
Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí, quyền kháng cáo của bị cáo.
Sau khi xét xử sơ thẩm ngày 25/01/2022 bị cáo có đơn kháng cáo bản án đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt tù đối với bị cáo.
Ngày 25/01/2022 bị hại có đơn kháng cáo yêu cầu thay đổi mức bồi thường thiệt hại từ 05 triệu đồng lên 21 triệu đồng.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo giữ nguyên nội dung kháng cáo và đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo để bị cáo sớm trở về với gia đình và xã hội. Bị hại giữ nguyên nội dung kháng cáo, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm giải quyết tăng mức bồi thường thiệt hại cho bị hại từ 5.000.000 đồng lên 21.000.000 đồng.
Kiểm sát viên tham gia phiên tòa đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm: Áp dụng: Điểm b khoản 1 Điều 355 và điểm c khoản 1 Điều 357 BLTTHS. Chấp nhận nội dung đơn kháng cáo của bị cáo và không chấp nhận đơn kháng cáo của bị hại sửa Bản án HSST số 30/2022/HS-ST ngày 12/1/2022 của TAND huyện P, tỉnh Điện Biên theo hướng:
Áp dụng khoản 1 Điều 173; Điều 38, Điểm b, i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 BLHS; Xử phạt bị cáo Giàng A T từ 14 đến 15 tháng tù.
Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 48 BLHS; Điều 357, 584, 585, 586, 589 Bộ luật dân sự: Buộc bị cáo Giàng A T phải bồi thường công đi tìm trâu cho anh Thào A P số tiền 5.000.000 đồng, đã bồi thường 1.000,000đ tại phiên tòa phúc thẩm còn phải thi hành tiếp 4.000.000đ.
Miễn án phí HSPT cho bị cáo và bị hại.
Quan điểm của người bào chữa cho bị cáo Giàng A T: Tại phiên tòa phúc thẩm, người bào chữa đồng tình với quan điểm truy tố của Viện kiểm sát nhân dân huyện P về tội danh và điều luật áp dụng theo khoản 1 Điều 173, Điều 38; điểm i, s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự và không có ý kiến tranh luận với đại diện viện kiểm sát tham gia phiên tòa phúc thẩm. Tuy nhiên đề nghị HĐXX phúc thẩm bổ sung tình tiết giảm nhẹ “tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả” và “người phạm tội là lao động chính duy nhất trong gia đình” theo điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự; điểm b khoản 1 Điều 355, điểm c khoản 1 Điều 357 của Bộ luật tố tụng hình sự xem xét giảm nhẹ cho bị cáo được hưởng hình phạt thấp nhất có thể. Đối với mức bồi thường trách nhiệm dân sự 5.000.000 đồng là phù hợp với thiệt hại thực tế xảy ra, bị hại yêu cầu tăng lên bồi thường thiệt hại là 21.0000.000 đồng là không phù hợp, đề nghị HĐXX phúc thẩm không chấp nhận toàn bộ yêu cầu kháng cáo tăng mức bồi thường thiệt hại của bị hại; Không áp dụng hình phạt bổ sung và miễn án phí hình sự đối với bị cáo.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về thủ tục tố tụng: Do không đồng ý với Bản án hình sự sơ thẩm số 30/2022/HS-ST ngày 12/01/2022 của Tòa án nhân dân huyện P, tỉnh Điện Biên, ngày 25/01/2022 bị cáo có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt đồng thời cùng ngày 25/01/2022 bị hại có đơn kháng cáo yêu cầu tăng mức bồi thường thiệt hại từ 05 triệu đồng lên 21 triệu đồng.
Căn cứ theo Điều 331, Điều 332, Điều 333 Bộ luật Tố tụng Hình sự, bị cáo, bị hại kháng cáo trong thời hạn luật định nên cần chấp nhận và xem xét theo thủ tục phúc thẩm.
[2] Căn cứ lời khai của bị cáo, bị hại trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, cũng như các tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án, như vậy có đủ cơ sở kết luận:
Ngày 16/5/2021, Giàng A T nhận được tin báo của Sùng A C ở cùng bản với bị cáo về việc con trâu của gia đình bị cáo ăn lúa của nương nhà Sùng A C, khi đến nương lúa bị cáo thấy một con trâu đực màu trắng của gia đình bị cáo và một con trâu đực màu đen không rõ của ai. Xuất phát từ việc lợi dụng tập quán chăn thả gia súc và việc gia súc phá hoại nương lúa của người dân, bị cáo nảy sinh lòng tham dắt con trâu đực màu đen về nhà bị cáo và đem đi tiêu thụ. Tài sản mà bị cáo Giàng A T trộm cắp là con trâu đực màu đen của anh Thào A P có giá trị theo kết luận định giá tài sản là 40.000.000 đồng. Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo về tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 173; Điều 38, điểm i, s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự là có căn cứ pháp luật. Về tội danh không có kháng cáo, kháng nghị nên HĐXX không xem xét.
[3] Xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt HĐXX xét thấy:
Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào khoản 1 Điều 173; Điều 38, điểm i, s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Giàng A T 18 tháng tù. Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng, trong quá trình điều tra, tại phiên tòa sơ thẩm, phiên tòa phúc thẩm bị cáo đã khai rõ hành vi phạm tội của mình, bị cáo thừa nhận đã có hành vi trộm cắp con trâu đực màu đen của ông Thào A P, đem bán lấy tiền, trị giá tài sản trộm cắp là 40.000.000 đồng, thuộc khoản 1 Điều 173 BLHS (Trị giá tài sản bị chiếm đoạt từ 2.000.000đ đến dưới 50.000.000đ thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm) Như vậy mức độ hành vi phạm tội của bị cáo ở mức cuối khung hình phạt. Bị cáo Giàng A T là người có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, hành vi phạm tội của bị cáo trực tiếp xâm phạm đến quyền sở hữu hợp pháp của công dân được pháp luật bảo vệ, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương. Tuy nhiên trong quá trình điều tra, xét xử bị cáo đã khai báo thành khẩn về hành vi phạm tội của mình; phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng đây là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo.
Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và mức độ hành vi phạm tội của bị cáo, tuyên xử phạt bị cáo 18 tháng tù là phù hợp với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo, đảm bảo có căn cứ và đúng pháp luật. Ở giai đoạn phúc thẩm người bào chữa cho bị cáo đã cung cấp đơn (có xác nhận của chính quyền địa phương) xác định bị cáo là người lao động chính trong gia đình; Tại phiên tòa bị cáo đã bồi thường cho bị hại 1.000.000đ theo quyết định của bản án sơ thẩm, đây là những tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo theo điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 51 BLHS. Nhận thấy nội dung đơn kháng cáo của bị cáo, xin giảm nhẹ hình phạt là có căn cứ. Chấp nhận đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo.
[4] Xét nội dung kháng cáo của bị hại Thào A P về việc yêu cầu thay đổi mức bồi thường thiệt hại từ 05 triệu đồng lên 21 triệu đồng, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng:
Căn cứ vào các lời khai của bị cáo, bị hại….. tại phiên tòa phúc thẩm, cùng các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án xác định ngày 16/5/2021 bị cáo nhận được tin Sùng A Cú báo có trâu ăn lúa, bị cáo T đến thì thấy 2 con trâu, trong đó 1 con trâu trắng là của bị cáo và 1 con trâu đực lông đen không rõ của ai. Bị cáo đã nảy sinh ý định chiếm đoạt con trâu đực đen nên đã thỏa thuận với Cú về việc đền bù thóc và dắt 2 con trâu về nhà. Ngày 26/6/2021 T đã thỏa thuận bán trâu đực lông đen cho Giàng A lầu với giá 42.000.000 đồng. Đến ngày 01/7/2021 Thào A P phát hiện trâu nhà mình đang chăn thả tại nhà Lầu nên đã lấy lại.
Như vậy tính từ ngày 16/5/2021 bị cáo dắt trâu về đến ngày 01/7/2021 anh Thào A P tìm thấy trâu, nên cấp sơ thẩm đã buộc bị cáo bồi thường công tìm trâu trong thời gian bị cáo chiếm đoạt tài sản với ngày công lao động phổ thông trên địa bàn huyện P là 100.000 đồng/ngày x 50 ngày = 5.000.000 đồng. Việc tính bồi thường của cấp sơ thẩm là có căn cứ đảm bảo đúng theo quy định của Bộ luật dân sự. Ở giai đoạn phúc thẩm bị hại không cung cấp được tài liệu, chứng cứ gì mới để chứng minh cho yêu cầu của mình. Do đó không chấp nhận kháng cáo của bị hại Thào A P.
[5] Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355 và điểm c khoản 1 Điều 357 BLTTHS. Hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định chấp nhận nội dung đơn kháng cáo của bị cáo và không chấp nhận đơn kháng cáo của bị hại, sửa Bản án HSST số 30/2022/HS-ST ngày 12/1/2022 của TAND huyện P, tỉnh Điện Biên.
Kiểm sát viên và người bào chữa cho bị cáo đề nghị HĐXX phúc thẩm căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 355 và điểm c khoản 1 Điều 357 BLTTHS; khoản 1 Điều 173; Điều 38, điểm b, i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 BLHS. Chấp nhận nội dung đơn kháng cáo của bị cáo và không chấp nhận đơn kháng cáo của bị hại sửa Bản án HSST số 30/2022/HS-ST ngày 12/1/2022 của TAND huyện P, tỉnh Điện Biên. Xét đề nghị của kiểm sát viên và người bào chữa cho bị cáo là có căn cứ và được chấp nhận.
[6] Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 48 BLHS; Điều 357, 584, 585, 586, 589 Bộ luật dân sự: Buộc bị cáo Giàng A T phải bồi thường công đi tìm trâu cho anh Thào A P số tiền 5.000.000 đồng, đã bồi thường 1.000.000đ tại phiên tòa phúc thẩm còn phải thi hành tiếp 4.000.000đ.
Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu bị cáo chậm trả số tiền trên cho bị hại thì bị cáo phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật dân sự; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự.
[7] Về hành vi, Quyết định tố tụng khác của Cơ quan điều tra Công an huyện P, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện P, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm nhân nhân, Thư ký Tòa án nhân dân huyện P, tỉnh Điện Biên trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa, bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
[8] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị.
[9] Về án phí:
- Về án phí sơ thẩm: Áp dụng Điều 136/BLTTHS; điểm đ khoản 1 Điều 12, khoản 6 Điều 15 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của UBTVQH khóa 14 về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Miễn án phí HSST và án phí DSST cho bị cáo, bị hại.
- Về án phí phúc thẩm: Căn cứ Điều 136 Bộ luật Tố tụng Hình sự, khoản 2 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Yêu cầu kháng cáo của bị cáo được Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận; Yêu cầu kháng cáo của bị hại không được Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận. Do đó Bị cáo Giàng A T không phải chịu án phí HSPT, bị hại Giàng A P là người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ do vậy Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét miễn án phí DSPT cho bị hại.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355 và điểm c khoản 1 Điều 357 BLTTHS.
1. Chấp nhận nội dung đơn kháng cáo của bị cáo và không chấp nhận đơn kháng cáo của bị hại sửa Bản án HSST số 30/2022/HS-ST ngày 12/1/2022 của Tòa án nhân dân huyện P, tỉnh Điện Biên.
Áp dụng khoản 1 Điều 173; Điều 38, Điểm b, i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 BLHS;
Về tội danh: Tuyên bố bị cáo Giàng A T phạm tội “Trộm cắp tài sản”.
Về hình phạt: Xử phạt bị cáo Giàng A T 15 tháng tù (mười lăm tháng tù).
Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo bị bắt tạm giam (ngày 17/9/2021).
Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 48 BLHS; Điều 357, 584, 585, 586, 589 Bộ luật dân sự: Buộc bị cáo Giàng A T phải bồi thường công đi tìm trâu cho anh Thào A P số tiền 5.000.000 đồng, đã bồi thường 1.000,000đ tại phiên tòa phúc thẩm còn phải thi hành tiếp 4.000.000đ.
Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu bị cáo chậm trả số tiền trên cho bị hại thì bị cáo phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật dân sự; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự.
2. Về án phí phúc thẩm: Căn cứ Điều 136 Bộ luật Tố tụng Hình sự, điểm đ khoản 1 Điều 12, khoản 6 Điều 15, điểm d, e, h khoản 2 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Bị cáo Giàng A T không phải chịu án phí HSPT. Bị hại Thào A P được miễn án phí DSPT.
3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm số 30/2022/HS-ST ngày 12/1/2022 của TAND huyện P, tỉnh Điện Biên không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật thi hành kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
4. Bản án hình sự phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án 31/03/2022.
Bản án về tội trộm cắp tài sản số 09/2022/HS-PT
Số hiệu: | 09/2022/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Điện Biên |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 31/03/2022 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về