Bản án về tội tranh chấp chia di sản thừa kế số 49/2023/DS-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 49/2023/DS-PT NGÀY 10/02/2023 VỀ TỘI TRANH CHẤP CHIA DI SẢN THỪA KẾ

Ngày 10 tháng 02 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa công khai xét xử phúc thẩm vụ án dân sự thụ lý 234/2021/TLPT-DS ngày 14 tháng 10 năm 2021 về việc “Tranh chấp chia di sản thừa kế”. Do có kháng cáo của nguyên đơn đối với Bản án dân sự sơ thẩm số 19/2021/DS-ST ngày 14 tháng 7 năm 2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 321/2023/QĐ-PT ngày 16 tháng 01 năm 2023, giữa:

1. Nguyên đơn:

1.1. Ông Nguyễn Bá A, sinh năm 1957; Địa chỉ: thôn D2, xã D1, thị xã D, tỉnh Thanh Hóa; có mặt.

1.2. Bà Nguyễn Thị A1, sinh năm 1958; Địa chỉ: Khu phố D4, phường D3, thị xã D, tỉnh Thanh Hóa; có mặt.

1.3. Bà Nguyễn Thị A2, sinh năm 1948; vắng mặt nhưng có ủy quyền cho ông Nguyễn Bá A.

1.4. Bà Nguyễn Thị A3, sinh năm 1949; có mặt.

Cùng địa chỉ: Khu phố D5, phường D3, thị xã D, tỉnh Thanh Hóa;

2. Bị đơn:

2.1. Ông Nguyễn Bá B, sinh năm 1950; Địa chỉ: Khu phố D4, phường D3, thị xã D, tỉnh Thanh Hóa; có mặt.

2.2. Bà Nguyễn Thị B1, sinh năm 1942; Địa chỉ: Khu phố D7, phường D6, thị xã D, tỉnh Thanh Hóa; vắng mặt nhưng có ủy quyền cho ông Nguyễn Bá B.

3. Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Bà Lưu Thị B2, sinh năm 1953; có mặt.

3.2. Anh Nguyễn Bá B3, sinh năm 1982; vắng mặt nhưng có ủy quyền cho chị Nguyễn Thị B4.

3.3. Chị Nguyễn Thị B4, sinh năm 1983; có mặt.

Cùng địa chỉ: Khu phố D4, phường D3, thị xã D, tỉnh Thanh Hóa.

                                                               NỘI DUNG VỤ ÁN

1. Theo đơn khởi kiện, tài liệu có trong hồ sơ và lời khai tại phiên tòa, nguyên đơn gồm các ông, bà: Nguyễn Bá A, Nguyễn Thị A1, Nguyễn Thị A2, Nguyễn Thị A3 thống nhất trình bày:

Ngun gốc đất là của bố mẹ các ông, bà là ông Nguyễn Bá C hay còn có tên là Nguyễn Bá C và mẹ là bà Lê Thị C1. Bố mẹ các ông bà có sinh được 06 người con gồm: Nguyễn Thị B1; Nguyễn Thị A2; Nguyễn Thị A3; Nguyễn Bá B; Nguyễn Bá A và Nguyễn Thị A1. Khi bố mẹ còn sống có được Nhà nước cấp cho tổng diện tích đất là 4.217m2 đất trong đó có 1.666m2 đất thổ cư và thổ canh còn lại là đất ruộng; theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00242 cấp ngày 20/5/1994. Năm 1997, lúc bố mẹ còn sống thì có viết giấy tặng cho bà Nguyễn Thị A1 264m2 đất trong đó có 50m2 đất ở còn lại là đất vườn, vị trí đất: phía Tây giáp nhà anh S, phía Bắc giáp nhà ông X; phía Đông Nam giáp đất của nhà bố mẹ các ông bà. Hiện nay số đất này bà A1 chưa tách sổ nhưng thể hiện trên bản đồ địa chính mang tên Nguyễn Thị A1 từ năm 1997 cho đến nay. Đến năm 1998 thì bố mất, năm 2007 thì mẹ mất. Trước khi bố mẹ các ông bà chết không để lại di chúc gì.

Sau khi bố mẹ các ông bà chết thì ông B và bà Nguyễn Thị A1 có sinh sống trên mảnh đất của bố mẹ.

Đến năm 2017, do ông Nguyễn Bá B cần tiền nên cả 6 chị em mới thống nhất bán đi một xuất đất có diện tích 149,2m2 đt cho cháu Lê Thị T và cháu T đã làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất riêng nên số đất này không còn là tài sản của bố mẹ nữa. Số tiền bán được đất đã đưa toàn bộ cho ông Nguyễn Bá B để lo công việc. Sau đó ông Nguyễn Bá B tự ý xây một ngôi mộ tổ trên vị trí đất của bố mẹ. Việc xây này các ông, bà không biết và cũng không đồng ý. Hiện nay trên mảnh đất của bố mẹ gồm có ba gia đình đang ở gồm: ông Nguyễn Bá B và vợ là Lưu Thị B2 cùng các con; con trai ông B là Nguyễn Bá B3 cùng vợ là Nguyễn Thị B4; gia đình bà Nguyễn Thị A1. Các gia đình đã xây dựng nhà trên đất. Đến tháng 07/2018 cả 06 anh chị em họp gia đình và thống nhất chia cho ông Nguyễn Bá A 150m2 đt để lấy nơi sinh hoạt. Các ông, bà có lập Biên bản họp gia đình và thống nhất nhưng đến khi ông B và bà A1 đi làm thủ tục tách riêng đất thì ông B không đồng ý mà lừa lấy lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bố mẹ để cất giữ. Hiện nay di sản thừa kế của bố mẹ ông để lại còn 1.258,8m2 đất, trong đó còn 90m2 đất ở và 1.168m2 đất vườn, trên đất có nhà cấp 4 của bố mẹ để lại. Gia đình ông B và bà B1 không đồng ý chia cho anh chị em trong nhà mà muốn để lại hết cho ông B nên bốn anh chị em ông, bà làm đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân huyện D chia di sản thừa kế của bố mẹ để lại theo quy định của pháp luật.

2. Quan điểm của bị đơn:

2.1. Bị đơn ông Nguyễn Bá B trình bày:

Bố tôi là ông Nguyễn Bá C sinh năm 1912 (chết 1998), mẹ là Lê Thị C1, sinh năm 1911 (chết 2009). Hai cụ có tổng diện tích đất là 1.666m2, năm 1997 bố mẹ tôi cho bà A1 chỉ 264m2, còn không nói là đất ở hay đất vườn mà chỉ cho ở, diện tích còn lại do tôi trực tiếp quản lý. Năm 2017, 06 anh chị em thống nhất nhượng lại cho bà Lê Thị T (con bà A3) 149,2m2 trong đó có 60m2 đt ở, còn lại là đất vườn. Hiện nay số diện tích còn lại 1.186,8m2 tôi đang trực tiếp quản lý sử dụng. Trên đất tôi có xây nhà và các công trình phụ 300m2, anh B3 270m2, mộ tổ 100m2, 01 nhà cụ C1 để lại 100m2. Trước đây ông A viết giấy để lại toàn bộ đất, khi bố mẹ chết có viết di chúc để lại cho tôi toàn quyền sử dụng khu đất. Đơn khởi kiện của các nguyên đơn tôi không đồng ý, đất của tôi thế nào để nguyên như vậy chứ nhất định tôi không chia cho ai cả.

2.2. Bị đơn bà Nguyễn Thị B1 trình bày:

Bố mẹ tôi có để lại diện tích đất 1.666m2; trước kia bố mẹ và anh chị em thống nhất cho bà Nguyễn Thị A1 08 thước diện tích 264m2, năm 2017 các anh chị em thống nhất bán cho cháu T 149,2m2 trong đó có 60m2 đất ở. Hiện nay di sản bố mẹ còn lại là 1.186,8m2 ông B đang quản lý. Trên đất có 01 ngôi mộ tổ có từ lâu đời, quan điểm của tôi để lại một phần đất (nhà cũ bố mẹ để lại để làm nhà thờ (chỗ gần khu đất nhà bà A1 đang quản lý), tôi đồng ý cho cháu B3 tiếp tục ở lại trên khu đất đó.

3. Quan điểm của những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

3.1. Anh Nguyễn Bá B3 trình bày:

Cuối năm 2006 ông bà nội tôi là cụ Nguyễn Bá C và cụ Lê Thị C1 có cho vợ chồng tôi là Nguyễn Bá B3 và vợ là Nguyễn Thị B4 01 diện tích đất ½ mảnh đất mặt đường ngoảnh về phía Bắc (diện tích cụ thể không nhớ), việc cho là có nói bằng miệng lúc bà còn sống, việc cho đất có các ông, bà A, A1, B1, A2, A3 đều biết và không ai có ý kiến gì. Sau khi được cho đất, vợ chồng tôi đã xây nhà và các công trình khác trên đất vào cuối năm 2007. Việc xây nhà, các công trình khác trên đất các nguyên đơn, bị đơn trong vụ án đều biết nhưng không ai có ý kiến gì và còn đến mừng nhà mới. Nay ông Nguyễn Bá A, bà Nguyễn Thị A3, Nguyễn Thị A2, Nguyễn Thị A1 yêu cầu chia di sản thừa kế đối với diện tích đất vợ chồng tôi đang sử dụng lâu nay là không có căn cứ nên tôi không đồng ý việc chia di sản diện tích đất nêu trên.

3.2. Chị Nguyễn Thị B4 trình bày:

Chị B4 là vợ ông Nguyễn Bá B3, sau khi về làm dâu thì đã thấy bố mẹ ở ổn định trên đất thửa số 480 bản đồ số 21 tại thôn Nổ Giáp 1 xã Nguyên Bình, nguồn gốc đất trên là của ông bà nội chồng cho bố mẹ chồng bà. Vì vậy năm 2007 vợ chồng bà đã xây dựng 01 ngôi nhà mái bằng có diện tích 150m2 và sinh hoạt ổn định, ông Nguyễn Bá A và anh em trong nhà đều không có ý kiến gì, đến năm 2019 thì ông Nguyễn Bá A khởi kiện yêu cầu chia thừa kế. Việc khởi kiện này là không có căn cứ vì diện tích trên đã được cụ C, cụ C1 làm di chúc cho ông Nguyễn Bá B và cháu nội là chồng tôi ông Nguyễn Bá B3.

4. Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 19/2021/DS-ST ngày 14 tháng 7 năm 2021, Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã căn cứ khoản 5 Điều 26; khoản 3 Điều 35 BLTTDS; Điểm b khoản 1, khoản 3 Điều 630; Điều 649; điểm b khoản 1 Điều 650; điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 651; khoản 2 Điều 660 Bộ luật Dân sự; Điểm đ khoản 1 Điều 12; điểm b khoản 7 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa 14 quy định về “Án phí lệ phí Tòa án”, tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các ông, bà: Nguyễn Thị A2; Nguyễn Thị A3; Nguyễn Bá A; Nguyễn Thị A1 về chia di sản thừa kế.

Công nhận di sản thừa kế là quyền sử dụng đất của các cụ Nguyễn Bá C (Nguyễn Bá C) và Lê Thị C1 tại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00242/QSDĐ do UBND huyện D (nay là thị xã D), tỉnh Thanh Hóa cấp ngày 20/5/1994 tại thửa 34 tờ BĐ 299 số 11 có diện tích đất thực tế là 1.504,3m2, trong đó: đất thổ cư là 90m2, đất trồng cây lâu năm là 1504,3m2 (trong đó có 60m2 đt khu mộ tổ) có giá trị là 351.266.100đ (ba trăm năm mươi mốt triệu hai trăm sáu mươi sáu nghìn một trăm đồng); 01 (một) ngôi nhà cấp 4 mái lợp fibro xi-măng, hiên bê tông cốt thép, sân bê tông có giá trị 40.336.000đ (bốn mươi triệu ba trăm ba mươi sáu nghìn đồng). Tổng giá trị di sản thừa kế là 391.602.100đ (ba trăm chín mươi mốt triệu sáu trăm linh hai nghìn một trăm đồng).

2. Công nhận hàng thừa kế thứ nhất gồm các ông bà:

- Bà Nguyễn Thị B1;

- Bà Nguyễn Thị A2;

- Bà Nguyễn Thị A3;

- Ông Nguyễn Bá B;

- Ông Nguyễn Bá A;

- Bà Nguyễn Thị A1.

3. Giao cho ông Nguyễn Bá B quản lý, sử dụng các di sản:

- Về quyền sử dụng đất: 1.144,3m2 đất trồng cây lâu năm (trong đó có khu mộ tổ có diện tích khuôn viên 60m2); 90m2 đt thổ cư.

- Về tài sản trên đất: 01 (một) ngôi nhà cấp 4 mái lợp fibro xi măng, hiên bê tông cốt thép, sân bê tông.

Ông Nguyễn Bá B có trách nhiệm thanh toán kỷ phần thừa kế cho các ông, bà: Nguyễn Thị A2, Nguyễn Thị A3, Nguyễn Bá A, Nguyễn Thị A1 được hưởng mỗi người có giá trị là: 65.267.016đ (sáu mươi lăm triệu hai trăm sáu mươi bảy nghìn không trăm mười sáu đồng).

4. Giao cho anh Nguyễn Bá B3 và chị Nguyễn Thị B4 sử dụng 270m2 đất vườn và có trách nhiệm hoàn trả cho ông Nguyễn Bá B số tiền là 7.290.000đ.

- Ghi nhận sự tự nguyện của bà Nguyễn Thị B1 về kỷ phần thừa kế có giá trị 65.267.016đ giao cho ông B tiếp tục quản lý.

5. Ông Nguyễn Bá B và anh Nguyễn Bá B3 cùng chị Nguyễn Thị B4 có trách nhiệm phải liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định pháp luật.

Ngày 26/7/2021, các đồng nguyên đơn gồm ông Nguyễn Bá A, bà Nguyễn Thị A1, bà Nguyễn Thị A2 và bà Nguyễn Thị A3 có đơn kháng cáo với nội dung kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

5. Tại phiên tòa phúc thẩm:

5.1. Người đại diện theo ủy quyền của các đồng nguyên đơn là ông Nguyễn Bá A có ý kiến như sau: Khi bố mẹ ông còn sống có được Nhà nước cấp cho tổng diện tích đất là 4.217m2, trong đó có 1.666m2 đất thổ cư và thổ canh, còn lại là đất ruộng, theo GCN số 00242 cấp ngày 20/5/1994. Năm 1997, bố mẹ có viết giấy tặng cho em ông là Nguyễn Thị A1 264m2, trong đó có 50m2 đất ở còn lại là đất vườn. Năm 1998 bố ông chết, năm 2007 mẹ ông chết, đều không để lại di chúc. Năm 2017, do cần tiền nên anh chị em ông thống nhất bán đi một xuất đất có diện tích 149,2m2 cho cháu Lê Thị T, số tiền bán đất ông cùng các đồng nguyên đơn đưa cho ông B để lo công việc, sau đó ông B tự ý xây một ngôi mộ tổ trên vị trí đất của bố mẹ, việc xây này các ông không biết, không có ý kiến.

Đến tháng 7/2018, cả 06 anh chị em họp gia đình và thống nhất chia cho ông 150m2 để làm nơi sinh hoạt, đã lập biên bản họp gia đình và thống nhất nhưng đến khi ông và em gái là Nguyễn Thị A1 đi làm thủ tục tách đất thì ông B không đồng ý.

Đề nghị Tòa án chia thừa kế theo pháp luật đối với di sản thừa kế còn lại là 1.258,8m2, trong đó còn 90m2 đất ở và 1.168m2 đt vườn, trên đất có nhà cấp 4 bố mẹ để lại, hiện nay, phía nguyên đơn đều đang có nhu cầu về đất ở nên đề nghị Tòa án xem xét chia cho các nguyên đơn bằng hiện vật, để anh chị em các ông sớm ổn định cuộc sống và ngăn chặn được tình huống xấu có thể xảy ra. Về ngôi nhà do ông xây, ai ở thì phải trả tiền cho ông. Ông không biết mộ tổ được xây lúc nào, lúc ở cùng bố mẹ thì ông không thấy có ngôi mộ, vì vậy ông đề nghị chia di sản thừa kế, tài sản trên đất nếu đã xây dựng thì phải di dời. Đề nghị chia theo pháp luật, trừ phần mồ mả còn lại bao nhiêu chia đều cho 06 anh chị em.

5.2. Nguyên đơn bà Nguyễn Thị A3 có ý kiến như sau: Diện tích đất bố mẹ bà để lại là 1.258,8m2 quy ra giá trị bằng tiền để chia đều cho các người con của ông C, bà C1. Nếu di sản thừa kế đấy có thể chia được bằng hiện vật thì bố trí cho những người trong hàng thừa kế có khó khăn về chỗ ở hoặc có nhu cầu phân chia đất cho phù hợp, đề nghị ông B dỡ bỏ lán tranh, lăng trong vườn đưa ra ở nơi quy tập mồ mả.

5.3. Bị đơn ông Nguyễn Bá B ý kiến như sau: Tài sản bố mẹ ông để lại chỉ là 02 gian nhà lợp ngói xi măng và mảnh vườn có diện tích 1.666m2. Tháng 8/2009, khi chị B1 về thăm bà C1, ông A đã đề xuất giao toàn bộ đất ở, đất vườn cho ông, mẹ ông có viết di chúc thống nhất như vậy. Khi viết xong mẹ ông cất không cho ai biết, đến ngày 5/10/2009 khi mẹ ông chết mới thấy di chúc của mẹ ông để lại, mọi người trong gia đình đều biết và cùng thấy. Còn đất ruộng theo chủ trương thu hồi đất cho tái định cư, tiền đền bù đất ruộng do gia đình ông A thừa hưởng. Năm 1990, khi ông A lấy vợ, bố mẹ đã cho tiền mua đất xây nhà. Trước kia ông cũng thống nhất cho ông A một mảnh đất, khi cán bộ địa chính đến đo đất phía giáp đường là 6,2m, chiều dài là 25,8m nhưng khi đo đến phía trong, vợ ông A là bà M muốn 10m vì vậy ông không đồng ý vì tại cuộc họp gia đình ngày 09/4/2018 đã thống nhất bà B1, bà A3, bà A2, ông B, ông A, bà A1 là những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông C, bà C1 thống nhất di sản thừa kế ông C, bà C1 để lại là thửa đất số 34, tờ bản đồ số 11, diện tích 1.666m2. Các ông, bà B1, A2, A3, A, A1 đã tự nguyện nhường toàn bộ kỷ phần của mình cho ông và ông được toàn quyền sử dụng và định đoạt toàn bộ thửa đất và tài sản gắn liền với đất trên. Vì vậy ông không đồng ý chia, trên diện tích 1.186,8m2 hin nay có nhà xây và các công trình phụ của gia đình ông là 300m2, nhà anh B3 270m2, mộ tổ 100m2.

5.4. Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội về giải quyết vụ án:

- Về chấp hành pháp luật tố tụng: Từ khi thụ lý vụ án, Thẩm phán, Hội đồng xét xử đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

- Về di sản thừa kế: Diện tích đất 1.666m2 (trong đó có 200m2 đt ở và 1.466m2 đất cây lâu năm), thuộc thửa số 34, tờ bản đồ 11, địa chỉ tại xã Nguyên Bình là tài sản của cụ C và cụ C1. Khi còn sống, cụ C, cụ C1 có viết giấy tặng cho bà Nguyễn Thị A1 264m2 đt.

Năm 1998, cụ C chết, năm 2009 cụ C1 chết. Diện tích đất trên gia đình ông Nguyễn Bá B và gia đình bà Nguyễn Thị A1 sử dụng.

Năm 2017, các đồng thừa kế của cụ C, cụ C1 thống nhất để ông B đại diện chuyển nhượng cho chị Lê Thị T 149,2m2 đất. Như vậy diện tích đất còn lại, sau khi trừ đất của bà A1 và đất chuyển nhượng cho chị T, còn 1.504,3m2, trong đó có 90m2 đt ở và 1.414,3m2 đất cây lâu năm.

Bị đơn ông B cho rằng di sản trên cụ C và cụ C1 đã cho ông, thể hiện tại Biên bản họp gia đình ngày 04/8/2009 (BL113) và bản chúc thư ngày 05/8/2009 của cụ C1.

Xét biên bản họp gia đình ngày 04/8/2009 nội dung: Tổng diện tích đất thổ cư và đất ở diện tích 1.666m2, bố mẹ cho con gái út (bà A1) 264m2, số đất còn lại là 1.402m2 giao cho trưởng nam là ông B được toàn quyền sử dụng. Biên bản được lập sau khi cụ C chết, việc cụ C1, ông A, bà B1, ông B lập biên bản định đoạt cả phần di sản thừa kế của cụ C khi vắng mặt các đồng thừa kế khác là bà A3, bà A2, bà A1 là không đúng.

Bản chúc thư ngày 05/8/2009 của cụ C1 có nội dung như biên bản họp gia đình nêu trên: Cụ C1 lập chúc thư định đoạt của phần di sản của cụ C là không đúng. Cụ C1 là người không biết chữ, nhưng khi lập chúc thư không có người làm chứng lập thành văn bản và không có công chứng, chứng thực theo quy định tại khoản 3 Điều 630 Bộ luật Dân sự, do vậy bản chúc thư không có hiệu lực pháp luật.

Bản án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các đồng nguyên đơn, chia di sản thừa kế của cụ C, cụ C1 theo pháp luật là có căn cứ.

* Về diện và hàng thừa kế: Hàng thừa kế thứ nhất của cụ C, cụ C1 là 06 người con của hai cụ gồm: Bà B1, bà A2, bà A3, ông B, ông A, bà A1, mỗi người được hưởng phần di sản bằng nhau.

* Về phương thức chia di sản: Diện tích đất chia di sản thừa kế là 1.444,3m2 (trong đó có 90m2 đt ở, còn lại là đất vườn), chia cho 06 kỷ phần, mỗi kỷ phần là 240,71m2 (trong đó có 15m2 đất ở và 225,71m2 đt vườn). Tuy nhiên, hiện anh Nguyễn Bá B3 (con trai ông B) và vợ là Nguyễn Thị B4 đang sử dụng 270m2 đất trồng cây lâu năm của di sản để làm nhà ở. Diện tích đất ở và đất trồng cây lâu năm còn lại ông B đã xây dựng nhà ở và các công trình phụ kiên cố. Để đảm bảo ổn định và giá trị sử dụng của các công trình trên đất, bản án sơ thẩm xử giao cho anh Nguyễn Bá B3 và chị Nguyễn Thị B4 tiếp tục được sử dụng diện tích 270m2 đất trồng cây lâu năm của di sản và phải có trách nhiệm hoàn trả cho những người được hưởng thừa kế khác giá trị bằng tiền. Ông Nguyễn Bá B tiếp tục sử dụng phần đất ở và đất trồng cây lâu năm còn lại cùng ngôi nhà cấp 4 di sản thừa kế. Được hưởng phần thừa kế bằng những người thừa kế khác và phải trả lại phần giá trị di sản thừa kế cho những người thừa kế khác bằng tiền là đúng pháp luật.

Trong vụ án này, bà Nguyễn Thị B1 là người đồng thừa kế. Bà B1 hiện không quản lý, chiếm giữ tài sản là di sản thừa kế. Vì vậy, khi các nguyên đơn khởi kiện yêu cầu chia thừa kế, bà B1 chỉ là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Tòa án cấp sơ thẩm xác định bà B1 là bị đơn là không B xác.

Từ những phân tích trên, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, chấp nhận một phần kháng cáo của các đồng nguyên đơn, sửa bản án sơ thẩm theo hướng xác định bà Nguyễn Thị B1 là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan; giữ nguyên các quyết định của bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng, ý kiến các đương sự và quan điểm của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1]. Về tố tụng:

[1.1]. Về thời hiệu khởi kiện: Ông A, bà A3, bà A1, bà A2 có đơn khởi kiện đề ngày 14/02/2019 và ngày 07/3/2019. Theo quy định tại Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì đơn khởi kiện chia thừa kế của các ông bà trên trong thời hiệu để khởi kiện chia thừa kế.

[1.2]. Đơn kháng cáo của nguyên đơn trong hạn luật định, đúng thủ tục pháp luật được quy định tại khoản 1 Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

[2]. Về nội dung:

[2.1]. Về hàng thừa kế:

Ông Nguyễn Bá C, sinh năm 1912, chết ngày 29/06/1998; bà Lê Thị C1, sinh năm 1914, chết ngày 22/11/2007 ông bà sinh được 06 (sáu) người con là: bà Nguyễn Thị B1, bà Nguyễn Thị A2, bà Nguyễn Thị A3, ông Nguyễn Bá B, ông Nguyễn Bá A và bà Nguyễn Thị A1. Cả 6 ông bà trên đều là hàng thừa kế thứ nhất của cụ Nguyễn Bá C, Lê Thị C1.

[2.2]. Về di sản thừa kế: Ông Nguyễn Bá C và bà Lê Thị C1 khi còn sống được nhà nước cấp 4.217m2 đất, trong đó có 200m2 đất thổ cư, 1.466m2 đất thổ canh (chuyên mầu), còn lại là đất trồng lúa, mầu; theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00242 do UBND huyện D (nay là UBND Thị xã D) cấp ngày 20/05/1994.

Ngày 01/4/1997 ông Nguyễn Bá C và bà Lê Thị C1 cho bà Nguyễn Thị A1 264m2 đất trong đó có 50m2 đất ở, còn lại là đất vườn. Vị trí thửa đất phía Tây giáp nhà anh S, phía Bắc giáp nhà ông X, phía Đông và Nam giáp đất của ông C, bà C1 còn lại. Hiện nay bà A1 chưa làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng được thể hiện trên bản đồ địa chính mang tên bà Nguyễn Thị A1 đến nay.

Năm 2017, cả 06 (sáu) người thuộc hàng thừa kế thứ nhất nêu trên đã cùng thống nhất bán đi một mảnh đất trong diện tích đất của ông Nguyễn Bá C và bà Lê Thị C1 để lại, có diện tích là 149,2m2 cho chị Lê Thị T và chị T đã làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (60m2 đất ở; 89,2m2 đt màu) thể hiện trong mục “Những thay đổi sau khi cấp giấy chứng nhận” trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Nguyễn Bá C, xác nhận ngày 19/04/2018 của Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện D (nay là Thị xã D). Số tiền bán được, các anh chị em trong gia đình thống nhất giao cho ông Nguyễn Bá B sử dụng.

Như vậy, diện tích đất thừa kế của ông C và bà C1 để lại sau khi cho bà Nguyễn Thị A1 và các anh chị em thống nhất bán cho chị Lê Thị T còn lại là: 1.252,8m2, trong đó có 90m2 đất ở và 1.162,8m2 đất vườn. Trong diện tích đất đó, ông Nguyễn Bá B và bà Lưu Thị B2, anh Nguyễn Bá B3 (con ông B) và cô Nguyễn Thị B4 đang sử dụng.

[2.3]. Về phương thức chia di sản thừa kế - Xét “Chúc thư” của bà Lê Thị C1 lập ngày 04/8/2009: Theo quy định tại khoản 3 Điều 630 BLDS thì “Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực”. Bà Lê Thị C1 là người không biết chữ nhưng khi lập di chúc không có người làm chứng lập thành văn bản và không có công chứng, chứng thực. Như vậy, bản “Chúc thư” này không đủ các điều kiện quy định tại điểm b khoản 1, khoản 3 Điều 630 BLDS nên không hợp pháp và không phát sinh hiệu lực. Do vậy, yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật của các đồng đơn là có căn cứ để chấp nhận.

- Tại phiên tòa ông A và những đồng nguyên đơn đề nghị chia di sản thừa kế theo pháp luật bằng hiện vật và có ý kiến khu mộ tổ của dòng họ Nguyễn Bá trong diện tích đất di sản thừa kế hiện nay (tổng diện tích khuôn viên khu mộ 60m2) đã tồn tại khách quan qua nhiều thế hệ, được xây dựng kiên cố, có khuôn viên rõ ràng vì vậy các đồng nguyên đơn không yêu cầu chia thừa kế diện tích đất này.

- Theo quy định tại khoản 2 Điều 660 Bộ luật Dân sự thì những người thừa kế có quyền yêu cầu phần chia di sản bằng hiện vật, nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thỏa thuận về việc định giá hiện vật; nếu không thỏa thuận được thì hiện vật được bán để chia.

Quá trình giải quyết tranh chấp ông A, bà A3, bà A1 yêu cầu chia hiện vật và sau khi xét xử sơ thẩm các nguyên đơn kháng cáo yêu cầu chia bằng hiện vật (Bút 1ục 32, 133, 134, 164,165).

- Theo Biên bản xem xét thẩm định tại chỗ ngày 19/02/2020, ngày 25/6/2021, trên diện tích đất tranh chấp có nhà mái bằng, nhà mái Firociment của ông B, nhà mái Firociment, nhà mái tôn của vợ chồng anh B3. Đây không phải là công trình kiên cố như Tòa án cấp sơ thẩm nhận định. Mặt khác, theo sơ đồ kèm theo Biên bản thẩm định thì còn nhiều khoảng đất trống có thể chia di sản thừa kế bằng hiện vật (Bút lục 124-127; 173-176).

- Ông Nguyễn Bá B là người sinh sống với các cụ tại đất tranh chấp. Sau khi cụ C, cụ C1 chết, ông B tiếp tục quản lý di sản của các cụ nên xác định ông B là người có công sức gìn giữ, tôn tạo theo Điều 618 Bộ luật Dân sự 2015. Do đó, khi chia thừa kế nên chia cho ông B được hưởng công sức gìn giữ, tôn tạo di sản thừa kế.

- Đối với nhà đất anh B3 xây dựng cần làm rõ khi anh B3 xây dựng nhà, các nguyên đơn có ý kiến gì không? Trường hợp đồng ý cho anh B3 xây dựng trên đất là cho mượn đất xây nhà hay cho đất xây nhà để tính chính xác kỷ phần thừa kế. Vấn đề này cũng chưa được cấp sơ thẩm làm rõ.

Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử thấy Tòa án cấp sơ thẩm chia di sản thừa kế bằng giá trị (theo khung giá của UBND vì không có giao dịch chuyển nhượng đất ở khu vực tranh chấp) là không có cơ sở, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các nguyên đơn.

Do đó cần phải hủy toàn bộ bản án, chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại theo quy định của pháp luật và nghĩa vụ chịu án phí được xác định lại khi giải quyết vụ án.

Do Tòa án cấp phúc thẩm hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để chuyển hồ sơ lại cho cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm nên các đương sự kháng cáo không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm, nghĩa vụ chịu án phí của các đương sự được xác định lại khi giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 3 Điều 308 và Điều 310 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;

1. Hủy toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm số 19/2021/DS-ST ngày 14 tháng 7 năm 2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa về việc “Tranh chấp chia di sản thừa kế” giữa nguyên đơn ông Nguyễn Bá A, bà Nguyễn Thị A1, bà Nguyễn Thị A2, bà Nguyễn Thị A3 với bị đơn ông Nguyễn Bá B, bà Nguyễn Thị B1 và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, bà Lưu Thị B2, anh Nguyễn Bá B3, chị Nguyễn Thị B4.

2. Chuyển hồ sơ lại cho Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa để xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

3. Về án phí: Các đương sự kháng cáo không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm, nghĩa vụ chịu án phí của các đương sự được xác định lại khi giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

4. Bn án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án ./. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

449
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội tranh chấp chia di sản thừa kế số 49/2023/DS-PT

Số hiệu:49/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 10/02/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về