Bản án về tội mua bán trái phép hóa đơn (lập khống chứng từ mua thuốc điều trị cho thương bệnh binh) số 22/2019/HS-ST

TÒA ÁNNHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH

BẢN ÁN 22/2019/HS-ST NGÀY 10/10/2019 VỀ TỘI MUA BÁN TRÁI PHÉP HÓA ĐƠN (LẬP KHỐNG CHỨNG TỪ MUA THUỐC ĐIỀU TRỊ CHO THƯƠNG BỆNH BINH)

Ngày 10 tháng 10 năm 2019 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 17/2019/TLST-HS ngày 31 tháng 7 năm 2019 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 22/2019/QĐXXST-HS ngày 26 tháng 9 năm 2019 đốivới các bị cáo:

1. Lâm Quang Đ1, sinh năm 1958 tại tỉnh Nam Định; nơi cư trú: Thôn L, xã P, huyện N, tỉnh Ninh Bình; nghề nghiệp: Hưu trí (nguyên Giám đốc Trung tâm điều dưỡng thương binh N); trình độ văn hoá 10/10; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; là Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam đã bị đình chỉ sinh hoạt Đảng theo Quyết định đình chỉ sinh hoạt Đảng số …/QĐ-UBKTHU ngày 21/6/2018 của Ủy ban kiểm tra huyện ủy N, tỉnh Ninh Bình; con ông Lâm Xuân B1 và bà Đặng Thị N1 (đều đã chết); có vợ Phạm Thị N và 02 con;tiền án, tiền sự: không; bị bắt tạm giam từ ngày 20/6/2018 tại Trại tạm giam Công an tỉnh Ninh Bình đến ngày 26/10/2018 được thay thế biện pháp tạm giam bằng biện pháp “Bảo lĩnh” cho đến nay (có mặt).

2. Phạm Thanh H1, sinh năm 1971 tại tỉnh Nam Định; nơi cư trú: Phố T, thị trấn Q, huyện N, tỉnh Ninh Bình; nghề nghiệp: Kế toán trưởng - Phó trưởng phòng tổ chức hành chính thuộc Trung tâm điều dưỡng thương binh N. Hiện đang bị tạm đình chỉ chức vụ công tác theo Quyết định số …/QĐ-TTNQ ngày 22/6/2018 của Giám đốc Trung tâm điều dưỡng thương binh N; trình độ văn hoá 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam;là Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam đã bị đình chỉ sinh hoạt Đảng theo Quyết định đình chỉ sinh hoạt Đảng số …/QĐ-UBKTHU ngày 21/6/2018 của Ủy ban kiểm tra huyện ủy N, tỉnh Ninh Bình; con ông Phạm Ngọc X (đã chết) và bà Cao Thị H1; có vợ Dương Thị T và 02 con; tiền án, tiền sự: không; bị bắt tạm giam từ ngày 20/6/2018 tại Trại tạm giam Công an tỉnh Ninh Bình đến ngày 24/4/2019 được thay thế biện pháp tạm giam bằng biện pháp “Bảo lĩnh” cho đến nay (có mặt).

3. Bùi Minh Đ2, sinh năm 1971 tại huyện N, tỉnh Ninh Bình; nơi cư trú: Phố T, thị trấn Q, huyện N, tỉnh Ninh Bình; nghề nghiệp: Phó Giám đốc Trung tâm điều dưỡng thương binh N. Hiện đang bị tạm đình chỉ chức vụ công tác theo Quyết định số …/QĐ- LĐTBXH ngày 17/01/2019 của Giám đốc Sở lao động - thương binh và xã hội tỉnh Ninh Bình; trình độ văn hoá 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; là Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam đã bị đình chỉ sinh hoạt Đảng theo Quyết định số …/QĐ- UBKTHU ngày 31/7/2019 của Ủy ban kiểm tra huyện ủy N, tỉnh Ninh Bình; con ông Bùi Ngọc S1 và bà Hà Thị Bích N2; có vợ Lê Thị Kim H và 03 con;tiền án, tiền sự: không; bị cáo đangbị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú” từ ngày 16/01/2019 cho đến nay (có mặt).

4. Phan Thị N2,sinh năm 1974 tại huyện N, tỉnh Ninh Bình; nơi cư trú: Thôn T, xã P, huyện N, tỉnh Ninh Bình; nghề nghiệp: Trưởng phòng Y dược và Phục hồi chức năng, Trung tâm điều dưỡng thương binh N. Hiện đang bị tạm đình chỉ chức vụ công tác theo Quyết định số …/QĐ-TTNQ ngày 22/6/2018 của Giám đốc Trung tâm điều dưỡng thương binh N; trình độ văn hoá 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nữ; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; là Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam đã bị đình chỉ sinh hoạt Đảng theo Quyết định số …/QĐ- UBKTHU ngày 31/7/2019 của Ủy ban kiểm tra huyện ủy N, tỉnh Ninh Bình; con ông Phan Tiến P1 và bà Trần Thị T1 (đều đã chết); có chồng Nguyễn Thanh H và 02 con;tiền án, tiền sự: không; bị cáo đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú” từ ngày 19/6/2018 cho đến nay (có mặt).

5. Phạm Thị H2, sinh năm 1973 tại huyện Y, tỉnh Ninh Bình; nơi cư trú: Thôn C, xã P, huyện N, tỉnh Ninh Bình; nghề nghiệp: Phó Trưởng phòng Y dược và Phục hồi chức năng, Trung tâm điều dưỡng thương binh N. Hiện đang bị tạm đình chỉ chức vụ công tác theo Quyết định số …/QĐ - TTNQ ngày 22/6/2018 của Giám đốc Trung tâm điều dưỡng thương binh N; trình độ văn hóa 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nữ; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; là Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam đã bị đình chỉ sinh hoạt Đảng theo Quyết định số …/QĐ- UBKTHU ngày 31/7/2019 của Ủy ban kiểm tra huyện ủy N, tỉnh Ninh Bình; con ông Phạm Viết H3 (đã chết) và bà Bùi Thị L; có chồng Đặng Văn H và 02 con; tiền án, tiền sự: không; bị cáo đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú” từ ngày 19/6/2018 cho đến nay (có mặt).

6. Nguyễn Trung H4, sinh năm 1971 tại huyện N, tỉnh Ninh Bình; nơi cư trú: Thôn L, xã P, huyện N, tỉnh Ninh Bình; nghề nghiệp: Trưởng phòng tổ chức hành chính Trung tâm điều dưỡng thương binh Nho Quan. Hiện đang bị tạm đình chỉ chức vụ công tác theo Quyết định số ../QĐ - TCNNQ ngày 18/01/2019 của Trường Trung cấp nghề N; trình độ văn hóa 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; là Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam đã bị đình chỉ sinh hoạt Đảng theo Quyết định số …/QĐ-UBKTHU ngày 31/7/2019 của Ủy ban kiểm tra huyện ủy N, tỉnh Ninh Bình; con ông Nguyễn Đình P2 và bà Nguyễn Thị T2; có vợ Tạ Thị T và 02 con; tiền án, tiền sự không; bị cáo đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú” từ ngày 16/01/2019 cho đến nay (có mặt).

7. Đoàn Thị T3, sinh năm 1979 tại huyện Y, tỉnh Hòa Bình; nơi cư trú: Thôn L, xã P, huyện N, tỉnh Ninh Bình; nghề nghiệp: Chủ nhiệm hiệu thuốc huyện Nho Quan; trình độ văn hóa 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nữ; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; là Đảng viên Đảng cộng sản Việt Namđã bị đình chỉ sinh hoạt Đảng theo Quyết định số …/QĐ-UBKTHU ngày 31/7/2019 của Ủy ban kiểm tra huyện ủy N, tỉnh Ninh Bình; con ông Đoàn Văn T và bà Đoàn Thị T; có chồng Lương Xuân L (đã ly hôn) và 02 con; tiền án, tiền sự: không; bị cáo đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 19/6/2018 cho đến nay (có mặt).

- Nguyên đơn dân sự:

1. Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình.

Địa chỉ: Đường L, phường V, thành phố N, tỉnh Ninh Bình.

- Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn dân sự: Ông Đinh Văn Đ3, sinh năm 1961 - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình (vắng mặt).

- Người đại diện ủy quyền của nguyên đơn dân sự: Ông Trần Xuân T4, sinh năm 1973 (có mặt).

Chức vụ: Phó giám đốc Sở lao động thương binh và xã hội tỉnh Ninh Bình (Văn bản ủy quyền tham gia tố tụng số …/QĐ-UBND ngày 23/5/2019 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình).

2. Sở lao động thương binh và xã hội tỉnh Ninh Bình.

Địa chỉ: Đường L, phường V, thành phố N, tỉnh Ninh Bình.

- Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn dân sự: Ông Lâm Xuân P3, sinh năm 1964. Chức vụ: Giám đốc Sở lao động thương binh và xã hội tỉnh Ninh Bình (vắng mặt).

Người đại diện ủy quyền của nguyên đơn dân sự: Ông Trần Xuân T4, sinh năm 1973 (có mặt).

Chức vụ: Phó giám đốc Sở lao động thương binh và xã hội tỉnh Ninh Bình (Văn bản về việc phân công đại diện tham gia tố tụng số …/QĐ-LĐTBXH ngày 15/5/2019 của Giám đốc Sở lao động thương binh và xã hội tỉnh Ninh Bình).

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án:

1. Chị Vũ Thị H5, sinh năm 1978 Nơi cư trú: Số nhà …, ngõ …, phố N, phường P, quận X, thành phố Hà Nội (Vắng mặt).

2. Ông Lê Văn C1, sinh năm 1960; nơi cư trú: Phố T, thị trấn Q, huyện N, tỉnh Ninh Bình (Vắng mặt).

3. Ông Nguyễn Ngọc H6, sinh năm 1958; nơi cư trú: Phố N, thị trấn Q, huyện N, tỉnh Ninh Bình (Có mặt) 4. Chị Nguyễn Thị Lan A, sinh năm 1992; nơi cư trú: Phố B, thị trấn Q, huyện N, tỉnh Ninh Bình (Vắng mặt).

- Người làm chứng:

Chị Trần Thị Mai L; chị Lại Thị T5; anh Phạm Hồng K; anh Trần Đức H7; chị Phạm Thị H8; anh Đinh Lệnh D1; anh Lê Văn T6 (có mặt). Chị Bùi Thị D2 và chị Nguyễn Thị T7 (vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Trung tâm điều dưỡng thương binh N là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Lao động thương binh - xã hội tỉnh Ninh Bình có địa chỉ tại xã P, huyện N, tỉnh Ninh Bình với chức năng, nhiệm vụ chăm sóc, phục hồi chức năng cho thương, bệnh binh nặng bị tâm thần và con em thương, bệnh binh bị nhiễm chất độc da cam Dioxin. Nguồn kinh phí hoạt động chủ yếu do ngân sách Nhà nước của Trung ương, địa phương cấp theo kế hoạch phân bổ, giao dự toán vào đầu các năm. Từ năm 2015 đến 2017, việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn kinh phí do Ngân sách Nhà nước cấp tại Trung tâm điều dưỡng thương binh N đã có một số sai phạm như sau:

1.1 Lập “khống” chứng từ mua thuốc điều trị cho thương, bệnh binh, làm thất thoát số tiền là 480.428.019 đồng.

Tài liệu điều tra xác định: Năm 2015 Trung tâm điều dưỡng thương binh N tổ chức kỷ niệm 50 năm thành lập Trung tâm nên cần có kinh phí để chi phí một số khoản mà Ngân sách Nhà nước không cho phép chi. Thấy dự toán được giao để mua thuốc phục vụ điều trị cho thương bệnh binh nhiều, thực tế sử dụng không hết, Giám đốc Trung tâm là Lâm Quang Đ1 đã họp ban Giám đốc và các cán bộ chủ chốt của Trung tâm (các khoa, phòng, đoàn thể) đưa ra chủ trương vận dụng đưa thêm một lượng các loại thuốc bổ đắt tiền vào các chứng từ mua thuốc nhưng không mua thực tế để rút tiền từ nguồn Ngân sách Nhà nước được cấp ra chi phí cho các khoản mà không được phép chi. Chủ trương này đã được tập thể lãnh đạo và các cán bộ chủ chốt thống nhất nên Lâm Quang Đ1 đã giao cho bộ phận y dược của Trung tâm do phó Giám đốc Bùi Minh Đ2 phụ trách chủ trì phối hợp với các khoa, phòng thực hiện việc hợp lý hóa chứng từ.

Thực hiện chủ trương trên, Phan Thị N2 - Trưởng phòng và Phạm Thị H2 - Phó phòng Y dược và phục hồi chức năng đưa thêm vào kế hoạch mua thuốc chữa bệnh hàng tháng một số loại thuốc bổ đắt tiền như Arginine, Albumin, Giloba, Cerebrocylin, Hotamin … trình Giám đốc Lâm Quang Đ1 hoặc Phó giám đốc Bùi Minh Đ2 ký duyệt. Sau đó, Phan Thị N2 giao cho Phạm Thị H2 liên hệ với Đoàn Thị T3 - Chủ nhiệm Hiệu thuốc N thỏa thuận: Ngoài số thuốc mua thực tế thì Đoàn Thị T3 sẽ viết thêm vào hóa đơn bán hàng cho Trung tâm số thuốc có ghi trong kế hoạch như kê ở trên (gọi là thuốc “gửi”); trung tâm sẽ chuyển khoản cho Hiệu thuốc số tiền như ghi trên hóa đơn (gồm cả thuế GTGT 5%); số tiền tương ứng của số thuốc “gửi” Đoàn Thị T3 sẽ rút tiền mặt, giữ lại 10% tổng giá trị tiền hàng trước thuế (để kê khai nộp thuế GTGT 5%, T3 hưởng 5%), còn lại T3 trả cho Trung tâm qua N2 hoặc H2.

Với thủ đoạn trên, từ năm 2015 đến 2017, Trung tâm điều dưỡng thương binh N đã lập 44 bộ chứng từ mua thuốc (Gồm hợp đồng, kế hoạch mua thuốc hàng tháng, chứng từ chuyển tiền, phiếu nhập kho …) có ghi số thuốc “gửi” kèm theo số thuốc có mua thực tế; Hiệu thuốc N đã xuất cho Trung tâm 55 số hóa đơn có ghi kèm thêm số thuốc “gửi” với tổng giá trị số thuốc “gửi” là: 504.449.420 đồng (Tiền hàng = 480.428.019 đồng; thuế GTGT 5% = 24.021.401 đồng). Trong đó có 302.661.021 đồng được chi từ nguồn ngân sách trung ương, 201.788.399 đồng được chi từ nguồn ngân sách địa phương.

Việc thanh toán số thuốc “gửi” theo 55 số hóa đơn này thì Trung tâm đã 44 lần chuyển tiền cho Hiệu thuốc N theo doanh số ghi trên hóa đơn, trong đó số tiền tương ứng với số thuốc “gửi” là: 504.449.420 đồng. Sau đó, Đoàn Thị T3 rút tiền mặt, giữ lại 10% tổng giá trị trước thuế số tiền của số thuốc gửi là 48.042.802 đồng; còn lại 456.406.618 đồng lẽ ra phải trả cho Trung tâm điều dưỡng thương binh N như đã thỏa thuận, nhưng Đoàn Thị T3 mới trả lại cho Trung tâm 408.892.133 đồng (gửi qua Phạm Thị H2: 332.234.881 đồng; gửi qua Phan Thị N2: 76.657.252 đồng), còn nợ là 47.514.485 đồng. Số tiền giữ lại, T3 đã kê khai nộp thuế GTGT 5% tương ứng của số thuốc “gửi” theo các hóa đơn số tiền là 24.021.401 đồng, chiếm hưởng cá nhân 24.021.401 đồng.

Sau khi có hóa đơn thuốc trong đó có cả số thuốc “gửi” do Đoàn Thị T3 xuất cho Trung tâm điều dưỡng thương binh N, để hợp lý hóa đầu vào cho số thuốc “gửi”, Giám đốc Lâm Quang Đ1 đã ký 23 “Phiếu nhập kho” trong đó có nhập số thuốc “gửi” tại 27 số hóa đơn với tổng trị giá là: 260.299.459 đồng (đã bao gồm cả thuế GTGT); phó Giám đốc Bùi Minh Đ2 ký 20 “Phiếu nhập kho” trong đó có nhập số thuốc “gửi” tại 27 số hóa đơn với tổng trị giá là:

239.349.361 đồng (đã bao gồm cả thuế GTGT). Có 01 phiếu nhập kho không có lãnh đạo ký, tổng trị giá thuốc “gửi” là: 4.800.600 đồng. Phan Thị N2, Phạm Thị H2 chỉ đạo Bùi Thị D2, Lại Thị T5, Trần Đức H7 là các thủ kho ký phiếu nhập khống số thuốc “gửi” cùng với số thuốc có mua thực tế, vào thẻ kho để theo dõi. Các thủ kho đã thực hiện việc nhập khống số thuốc “gửi” như sau:

- Bùi Thị D2: Ký nhập số thuốc “gửi” của 34 số hóa đơn/27 phiếu nhập kho với tổng trị giá số thuốc “gửi” là: 306.030.438 đồng (Tiền hàng = 291.457.560 đồng; thuế GTGT 5% = 14.572.878 đồng).

- Lại Thị T5: Ký nhập số thuốc “gửi” của 15 số hóa đơn/12 phiếu nhập kho với tổng trị giá số thuốc “gửi” là: 150.173.170 đồng (Tiền hàng = 143.022.067 đồng; thuế GTGT 5% = 7.151.103 đồng).

- Trần Đức H7: Ký nhập số thuốc “gửi” của 06 số hóa đơn/05 phiếu nhập kho với tổng trị giá số thuốc “gửi” là: 48.245.812 đồng (Tiền hàng = 45.948.392 đồng; thuế GTGT 5% = 2.297.420 đồng).

Để hợp lý hóa đầu ra cho số thuốc “gửi” đã được nhập khống, Phan Thị N2 phân bổ số lượng các loại thuốc “gửi” cho các Bác sĩ trưởng khoa kê thêm vào các bệnh án điều trị để xuất “khống” qua các “Phiếu lĩnh thuốc”. Do đã tiếp nhận chủ trương của giám đốc Lâm Quang Đ1 nên các Bác sĩ trưởng khoa của Trung tâm đã kê thêm số thuốc “gửi” vào các bệnh án điều trị cho bệnh nhân theo phân bổ của N2. Sau đó, Y tá các khoa tổng hợp các loại thuốc (trong đó có cả thuốc “gửi” từ các bệnh án để ghi vào “Phiếu lĩnh thuốc”, xin chữ ký Bác sĩ trưởng khoa, trình Giám đốc hoặc Phó giám đốc Trung tâm ký duyệt “Phiếu lĩnh thuốc”. Được lãnh đạo khoa, phòng thông tin từ trước nên cả thủ kho và y tá cùng ký “Phiếu lĩnh thuốc” trong đó có cả số thuốc “gửi” không được giao nhận thực tế để hợp lý hóa chứng từ.

Theo phân bổ của N2 thì các Bác sĩ trưởng các khoa của Trung tâm đã kê thêm số thuốc “gửi” vào các bệnh án điều trị cho bệnh nhân, ký “Phiếu lĩnh thuốc” trong đó có kèm số thuốc “gửi” để hợp lý hóa đầu ra cho số thuốc “gửi” đã được nhập khống. Do việc lưu giữ của Trung tâm không đầy đủ, đến nay chỉ tìm được 796 phiếu có ghi kèm số thuốc “gửi”. Trong số 796 “Phiếu lĩnh thuốc” này, qua kiểm tra đối chiếu xác định mức độ liên quan của từng đối tượng như sau:

* Lãnh đạo trung tâm ký duyệt trên các “Phiếu lĩnh thuốc” - Giám đốc Lâm Quang Đ1 ký duyệt 55 phiếu với tổng trị giá số thuốc gửi là: 19.572.461 đồng (Đã bao gồm cả thuế GTGT).

- Phó giám đốc Bùi Minh Đ2 ký duyệt 693 phiếu với tổng trị giá số thuốc gửi là: 338.650.087 đồng (Đã bao gồm cả thuế GTGT).

- Phó giám đốc Nguyễn Thị T7 ký duyệt 41 phiếu với tổng trị giá số thuốc gửi là: 12.679.232 đồng (Đã bao gồm cả thuế GTGT).

- Phan Thị N2 ký duyệt thay lãnh đạo 06 phiếu; 01 phiếu không có lãnh đạo ký duyệt với tổng trị giá số thuốc gửi là: 1.043.595 đồng (Đã bao gồm cả thuế GTGT).

* Các Bác sĩ trưởng khoa ký trêncác “Phiếu lĩnh thuốc” - Bác sĩ Đinh Lệnh D1 - Trưởng khoa 1: Ký 213 phiếu với tổng trị giá số thuốc “gửi” là 112.599.483 đồng (Đã bao gồm cả thuế GTGT).

- Bác sĩ Lê Văn T6 - Trưởng khoa 2: Ký 195 phiếu với tổng trị giá số thuốc “gửi” là 95.713.149 đồng (Đã bao gồm cả thuế GTGT).

- Bác sĩ Phạm Thị H8 - Trưởng khoa 3: Ký 224 phiếu với tổng trị giá số thuốc “gửi” là 86.068.526 đồng (Đã bao gồm cả thuế GTGT).

- Bác sĩ Phạm Hồng K - Trưởng khoa 4: Ký 107 phiếu với tổng trị giá số thuốc “gửi” là 66.066.785 đồng (Đã bao gồm cả thuế GTGT).

- Bác sĩ Nguyễn Thị T7 - Nguyên trưởng khoa 4: Ký 04 phiếu với tổng trị giá số thuốc “gửi” là 798.000 đồng (Đã bao gồm cả thuế GTGT).

- Bác sĩ Phan Thị N2 - Trưởng phòng Y dược: Ký 52 phiếu với tổng trị giá số thuốc “gửi” là 10.608.439 đồng (Đã bao gồm cả thuế GTGT).

- Có 01 phiếu không có bác sĩ trưởng khoa ký với tổng trị giá số thuốc “gửi” là 90.993 đồng (Đã bao gồm cả thuế GTGT).

- Có 33 y tá điều trị của các khoa cũng tham gia ký nhận “khống” số thuốc “gửi” trên các “Phiếu lĩnh thuốc” với số tiền tương ứng của số thuốc “gửi” từ 210.000 đồng/02 phiếu đến 31.701.308 đồng/85 phiếu.

Đối với hành vi bán trái phép hóa đơn của Đoàn Thị T3, ngoài 55 số hóa đơn có thuốc “gửi” như nêu ở trên, T3 còn bán cho Trung tâm điều dưỡng thương binh N 19 số hóa đơn nhưng không có hàng hóa kèm theo, với tổng doanh số trước thuế là 53.156.195 đồng. Về 19 số hóa đơn này, trong quá trình phục vụ điều trị cho thương bệnh binh thì Phạm Thị H2 hoặc trực tiếp một số bệnh nhân đã mua ngoài một số thuốc không có hóa đơn mà Hiệu thuốc N không có cung cấp; để “vận dụng” thanh toán, H2 đã nhờ T3 xuất cho 19 số hóa đơn để hợp lý hóa cho số thuốc có mua thật từ nguồn khác nhưng không có hóa đơn. Số tiền nhận được theo 19 số hóa đơn này, T3 trả lại cho H2 47.840.570 đồng để H2 trả lại cho thương, bệnh binh hoặc thanh toán cho số thuốc đã mua phục vụ điều trị cho thương, bệnh binh nhưng không có hóa đơn; giữ lại 5.315.620 đồng, nộp thuế GTGT (5%) là 2.657.810 đồng, chiếm hưởng tiền bán hóa đơn là 2.657.810 đồng.

Như vậy, thông qua việc bán 74 số hóa đơn cho Trung tâm điều dưỡng thương binh N (55 + 19), Đoàn Thị T3 chiếm hưởng 26.679.211 đồng (24.021.401đồng + 2.657.810 đồng).

Về số tiền T3 chưa trả lại cho Trung tâm 47.514.485 đồng như nêu ở phần trên, T3 đã nộp về Cơ quan điều tra để xem xét, giải quyết số tiền là 45.000.000 đồng, còn lại 2.514.485 đồng chưa nộp.

Số tiền mà Đoàn Thị T3 đã trả lại cho Trung tâm 408.892.133 đồng, các đối tượng sử dụng như sau:

- Số tiền 332.234.881 đồng mà Phạm Thị H2 nhận về, theo chỉ đạo của Giám đốc Trung tâm, H2 giao cho trưởng phòng Y dược Phan Thị N2 219.655.000 đồng; giao cho Kế toán trưởng Phạm Thanh H1 94.375.000 đồng và giao cho Trưởng phòng tổ chức hành chính Nguyễn Trung H4 18.204.881 đồng.

- Số tiền mà Phan Thị N2 nhận về khoản này là 296.312.252 đồng (T3 đưa 76.657.252đồng; H2 nhận từ T3 chuyển cho N2 219.655.000 đồng), theo chỉ đạo của Giám đốc Trung tâm, N2 đưa cho thủ quỹ Trần Thị Mai L1 115.000.000 đồng; đưa cho Nguyễn Thị H8, nhân viên nhà khách thuộc Phòng tổ chức hành chính 172.312.252 đồng; chi tiếp đoàn liên ngành kiểm tra công tác Y dược năm 2016 không chứng từ 9.000.000 đồng.

+ Số tiền 94.375.000 đồngnhận của H2, Phạm Thanh H1 khai đã chi trả cho ông Nguyễn Thanh S2 ở thị trấn N - Chủ cửa hàng gốm sứ T tiền mua ấm chén làm tặng phẩm dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Trung tâm: 64.375.000 đồng; đóng phong bì đưa Giám đốc Lâm Quang Đ1 “cảm ơn” một số cá nhân ở Cục chính sách Bộ Quốc phòng về việc Bộ Quốc phòng cấp cho Trung tâm 02 xe ô tô số tiền là 30.000.000 đồng.

+ Số tiền 18.204.881 đồng nhận của H2, Nguyễn Trung H4 khai đã chi phí cho sinh hoạt ăn uống trong cuộc họp Hội nghị đảm bảo an ninh trật tự khu vực giáp gianh Ninh Bình, Hòa Bình, Thanh Hóa năm 2017, tổ chức tại Trung tâm điều dưỡng thương binh N, nhưng không có chứng từ chứng minh.

+ Số tiền 115.000.000 đồng nhận của Phan Thị N2 đưa cho, thủ quỹ Trần Thị Mai L1 đã quản lý và chi phí ngoài sổ sách kế toán theo chỉ đạo của Giám đốc Lâm Quang Đ1 cùng với các khoản tiền khác được chuyển về chỗ L1. Bản thân L1 chỉ biết tiếp nhận tiền do Phan Thị N2 giao cho mà không biết nguồn gốc khoản tiền này do đâu mà có.

+ Số tiền 172.312.252 đồng nhận của Phan Thị N2 giao cho, Nguyễn Thị H8 chỉ biết tiếp nhận theo chỉ đạo của Giám đốc chứ không biết nguồn gốc số tiền mà N2 đã đưa. Số tiền này, theo chỉ đạo của Giám đốc, H8 đã chi trả cho ông Trịnh Viết T8 ở xã T, huyện H về khoản mua cây bóng mát trồng ở khuôn viên Trung tâm 103.650.345 đồng; chi phí sửa chữa xe ô tô của Trung tâm, chi mua đất san lấp để trồng cây trong khuôn viên Trung tâm 68.661.907 đồng. Do việc tiếp nhận, chi phí chỉ theo chỉ đạo miệng của Giám đốc nên bà H8 không có giấy tờ, tài liệu gì để chứng minh.

1.2 Lập “khống” chứng từ chi phí phòng, diệt mối các năm 2015, 2017;

mua máy phục hồi chức năng năm 2017 làm thất thoát số tiền là 227.000.000 đồng.

Theo dự toán được duyệt, các năm 2015 và 2017 Trung tâm được giao dự toán từ nguồn ngân sách địa phương để chi phí phòng, diệt mối là 100.000.000 đồng/năm. Do các năm 2014, 2016 Trung tâm đã tổ chức phòng, diệt mối nên năm sau liền kề thuốc diệt mối vẫn còn tác dụng. Chính vì vậy Lâm Quang Đ1 chỉ đạo cấp dưới vận dụng lập chứng từ chi phí phòng, diệt mối nhưng không làm để rút tiền ra chi phí cho các khoản khác không thuộc khoản được giao dự toán.

Thực hiện chỉ đạo của Giám đốc và đôn đốc của phó Giám đốc Bùi Minh Đ2, năm 2015 Phan Thị N2 giao cho Phạm Thị H2 thiết lập chứng từ phòng, diệt mối. H2 đã gặp Vũ Thị H5, trú tại số .., ngõ …, phố N, phường P, quận X, thành phố Hà Nội để thỏa thuận mua hóa đơn và thiết lập các chứng từ “khống” kèm theo về phòng, diệt mối cho Trung tâm với tổng số tiền ghi trên hóa đơn là 100.000.000 đồng; tiền mua hóa đơn là 10% tổng doanh số ghi trên hóa đơn. Vũ Thị H5 đã đồng ý và thiết lập các tài liệu hợp lý hóa như: Báo giá chào hàng cạnh tranh, biên bản khảo sát, ký hợp đồng kinh tế, thanh lý hợp đồng …, xuất cho Trung tâm 02 hóa đơn bán hàng của cửa hàng Lưu Minh T9 (chồng H5), địa chỉ tại số .., ngõ .., phố N, phường P, quận X, thành phố Hà Nội với tổng doanh số của 02 hóa đơn là 100.000.000 đồng. Giám đốc Lâm Quang Đ1, kế toán trưởng Phạm Thanh H1, Phan Thị N2 và Phạm Thị H2 là những người trực tiếp ký các tài liệu để hợp lý hóa 02 bộ chứng từ này. Sau khi nhận được số tiền chuyển khoản từ Trung tâm điều dưỡng thương binh N, Vũ Thị H5 đã rút tiền mặt, giữ lại 10.000.000 đồng (10% tiền bán hóa đơn như thỏa thuận), trả lại cho H2 90.000.000 đồng. Số tiền này H2 đem về Trung tâm nộp lại cho thủ quỹ Trần Thị Mai L1.

Tương tự năm 2017, Phan Thị N2 liên hệ với Vũ Thị H5, mua 02 hóa đơn và thiết lập 02 bộ chứng từ về phòng, diệt mối với tổng số tiền là 100.000.000 đồng, trình Lâm Quang Đ1, Phạm Thanh H1, Phan Thị N2 và Phạm Thị H2 là những người trực tiếp ký các tài liệu để hợp lý hóa 02 bộ chứng từ này. Sau khi nhận được số tiền chuyển khoản từ Trung tâm điều dưỡng thương binh N thì Vũ Thị H5 thu 10.000.000 đồng tiền bán hóa đơn, trả lại cho N2 90.000.000 đồng. Số tiền này cũng được N2 đem về Trung tâm nộp lại cho thủ quỹ Trần Thị Mai L1.

Cũng năm 2017, Phan Thị N2 còn thông qua Vũ Thị H5 để mua 01 hóa đơn bán hàng số 0045… ngày 14/4/2017 của cửa hàng Lưu Minh T9, về việc mua máy phục hồi 10 chức năng (Đài Loan) với số tiền là 27.000.000 đồng nhưng không mua hàng hóa thực tế. Phan Thị N2 chỉ đạo Phạm Thị H2 thiết lập “khống” các hợp đồng, thanh lý hợp đồng và các tài liệu liên quan để N2 ký và trình Giám đốc Lâm Quang Đ1 ký hợp lý hóa; Phó Giám đốc Bùi Minh Đ2 và Kế toán trưởng Phạm Thanh H1 ký “Giấy rút dự toán” chuyển tiền cho Lưu Minh T9. Sau khi được Trung tâm chuyển tiền vào tài khoản, Vũ Thị H5 giữ lại tiền bán hóa đơn là 2.700.000 đồng, còn lại 24.300.000 đồng trả lại cho N2 bằng tiền mặt. Theo chỉ đạo miệng của Giám đốc, N2 đưa toàn bộ số tiền này cho Nguyễn Thị H8, nhân viên nhà khách thuộc Phòng tổ chức hành chính của Trung tâm.

Như vậy, trong các năm 2015 và 2017 Trung tâm điều dưỡng thương binh N đã lập “khống” 05 bộ chứng từ phòng, diệt mối, mua máy phục hồi chức năng để rút ra tổng số tiền 227.000.000 đồng từ nguồn kinh phí được cấp. Sau khi trả tiền mua hóa đơn 22.700.000 đồng, số tiền còn lại 204.300.000 đồng được N2, H2 nộp về Trung tâm để chi phí ngoài sổ sách.

Số tiền 180.000.000 đồng nhận của Phạm Thị H2 và Phan Thị N2 đưa cho, thủ quỹ Trần Thị Mai L1 đã quản lý và chi phí ngoài sổ sách kế toán theo chỉ đạo của Giám đốc Lâm Quang Đ1 cùng với các khoản tiền khác được chuyển về chỗ L1. Bản thân L1 cũng chỉ biết tiếp nhận mà không biết nguồn gốc khoản tiền này do đâu mà có.

Nguyễn Thị H8, là nhân viên nhà khách đã tiếp nhận 24.300.000 đồng do Phan Thị N2 giao cho. Bản thân H8 cũng chỉ biết tiếp nhận theo chỉ đạo của Giám đốc chứ không biết nguồn gốc số tiền mà N2 đã đưa. Số tiền này, theo chỉ đạo miệng của Giám đốc, H8 đã chi phí mua đồ lễ nhà thờ tưởng niệm của Trung tâm, do không có sổ sách ghi chép lại nên không xác định được cụ thể.

Liên quan đến sai phạm này còn có Vũ Thị H5, trú tại số …, ngõ .., phố N, phường P, quận X, thành phố Hà Nội đã có hành vi bán 05 số hóa đơn cho Trung tâm để thu lợi bất chính số tiền là 22.700.000 đồng. Hành vi của H5 chưa đủ định lượng để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép hóa đơn. Số tiền 22.700.000 đồng thu lợi bất chính, Vũ Thị H5 đã tự nguyện giao nộp cho Cơ quan điều tra để xem xét, giải quyết.

1.3 Lập “khống” các chứng từ chi phí học tập mô hình nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh, người khuyết tật tại các tỉnh, làm thất thoát số tiền là 214.231.818 đồng.

Các năm 2016 và 2017, Trung tâm điều dưỡng thương binh N được giao dự toán khoản chi phí học tập mô hình nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh, người khuyết tật số tiền là 220.000.000 đồng (2016=120 triệu; 2017=100 triệu)từ nguồn kinh phí địa phương. Tuy nhiên, Trung tâm không tổ chức cho cán bộ viên chức của Trung tâm đi thăm quan, học tập mô hình ở địa phương nào. Lâm Quang Đ1 cũng chỉ đạo vận dụng thiết lập chứng từ để rút khoản tiền này ra chi cho các khoản khác của Trung tâm, giao cho Phòng tổ chức hành chính và phòng Tài vụ thực hiện.

- Năm 2016, theo phân công, Nguyễn Trung H4 - Trưởng phòng tổ chức hành chính liên hệ với ông Lê Văn C1 - Giám đốc doanh nghiệp tư nhân C1 ở thị trấn Q, huyện N, tỉnh Ninh Bình là doanh nghiệp kinh doanh vận tải đặt vấn đề mua 03 số hóa đơn và nhờ ông C1 ký các chứng từ liên quan về việc thuê xe ô tô của doanh nghiệp tư nhân C1 chở cán bộ viên chức của Trung tâm đi thăm quan, học tập kinh nghiệm tại các tỉnh Điện Biên, Phú Thọ, Hải Phòng nhưng không cung cấp dịch vụ thực tế để Trung tâm rút tiền ngân sách chi phí việc khác. Được Lê Văn C1 đồng ý, Hậu đã thiết lập 03 Hợp đồng thuê xe, 03 Biên bản thanh lý hợp đồng để giám đốc Lâm Quang Đ1 cùng Lê Văn C1 - Giám đốc doanh nhiệp tư nhân C1 ký hợp lý hóa làm căn cứ để Trung tâm chuyển tiền cho C1. Doanh nghiệp tư nhân C1 xuất cho Trung tâm 03 số hóa đơn GTGT với tổng số tiền là 36.300.000 đồng. Sau khi được Trung tâm chuyển khoản 36.300.000 đồng, Lê Văn C1 giữ lại 3.300.000 đồng để kê khai nộp thuế GTGT, chuyển trả cho Trung tâm qua H4 33.000.000 đồng.

Ngoài ra, H4 còn sử dụng 02 số hóa đơn của các nhà hàng P ở Điện Biên và 02 hóa đơn của Công ty cổ phần thương mại dịch vụ du lịch K ở Hải Phòng với nội dung tiếp khách làm chứng từ thanh toán vào khoản chi phí thăm quan, học tập kinh nghiệm tại các phiếu chi số 149b và phiếu chi số 151 ngày 10/6/2016 với tổng số tiền là 18.750.000 đồng.

Tổng số tiền H4 nhận lại từ Doanh nhiệp tư nhân C1 và tại hai phiếu chi là 51.750.000 đồng, H4 sử dụng để chi tiếp khách, mua quà trong các lần đi công tác khác tại tỉnh Điện Biên, Hải Phòng hết 27.525.000 đồng nhưng không có căn cứ chứng minh, còn lại 24.225.000 đồng nộp cho thủ quỹ Trần Thị Mai L1.

Kế toán trưởng Phạm Thanh H1 chỉ đạo các nhân viên phòng Kế toán tài vụ thiết lập các chứng từ chi về khoản thanh toán tiền công tác phí, tiền khoán phòng ngủ cho Cán bộ viên chức đi thăm quan, học tập kinh nghiệm tại các tỉnh trên để rút 64.950.000 đồng theo 03 phiếu chi (số 149 ngày 10/6/2016; ngày 10/6/2016 và số 169 ngày 24/6/2016). Số tiền này cùng với số tiền 24.225.000 đồng H4 đưa, Trần Thị Mai L1 quản lý ngoài sổ sách kế toán để chi theo chỉ đạo của Lâm Quang Đ1.

- Tương tự, năm 2017 Nguyễn Trung H4 cũng thông qua Doanh nghiệp tư nhân C1 để mua 01 số hóa đơn về việc thuê xe ô tô chở cán bộ viên chức của Trung tâm đi thăm quan, học tập kinh nghiệm tại các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Nghệ An nhưng không cung cấp dịch vụ thực tế với số tiền là 27.150.000 đồng. Sau khi Trung tâm chuyển tiền, doanh nghiệp tư nhân C1 rút tiền mặt để thanh toán lại cho Trung tâm thì H4 trả cho Lê Văn C1 3.000.000 đồng (2.468.456 đồng tiền thuế GTGT; 531.544 đồng cho cháu của ông C1), còn lại 24.150.000 đồng H4 chuyển cho thủ quỹ Trần Thị Mai L1.

Ngoài ra, H4 còn đứng tên ký phiếu chi số 169 ngày 31/5/2017 với nội dung chi tiếp khách Đoàn cán bộ viên chức đi học tập kinh nghiệm ở Hà Giang và bảo nhân viên Phòng tổ chức hành chính là anh H9 đứng tên ký phiếu chi số 168 ngày 31/5/2017 với nội dung chi tiếp khách Đoàn cán bộ viên chức đi học tập kinh nghiệm ở Cao Bằng, anh T9 đứng tên ký phiếu chi số 202 ngày 22/6/2017 với nội dung mua nước phục vụ cán bộ viên chức đi học tập kinh nghiệm để thanh toán với tổng số tiền là 21.400.000 đồng. Theo chỉ đạo của Phạm Thanh H1, các nhân viên phòng Kế toán tài vụ thiết lập 06 phiếu chi và các chứng từ kèm theo về khoản thanh toán tiền công tác phí, tiền khoán phòng ngủ cho Cán bộ viên chức đi thăm quan, học tập kinh nghiệm tại các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Nghệ An để rút 51.450.000 đồng.

Tổng số tiền khoản thuê xe do H4 đưa cùng số tiền rút ra từ 9 phiếu chi tiền mặt là 97.000.000 đồng (24.150.000đồng + 21.400.000 đồng + 51.450.000 đồng) Trần Thị Mai L1 quản lý ngoài sổ sách kế toán để chi theo chỉ đạo của Lâm Quang Đ1.

Như vậy, trong các năm 2016, 2017, thực hiện chủ trương của Lâm Quang Đ1, Trung tâm điều dưỡng thương binh N đã lập “khống” 02 bộ chứng từ chi phí học tập mô hình nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh, người khuyết tật để rút tiền từ nguồn kinh phí được cấp. Trong đó Nguyễn Trung H4 là người trực tiếp lập chứng từ “khống” về việc thuê xe ô tô, chi phí tiếp khách với tổng số tiền là 101.100.000 đồng (năm 2016 = 55.050.000 đồng; năm 2017 = 46.050.000 đồng), Trần Thị Mai L1 tiếp nhận từ các phiếu chi “khống” thanh toán tiền công tác phí, tiền phòng ngủ cho cán bộ viên chức số tiền là 118.900.000 đồng (năm 2016 = 64.950.000 đồng; năm 2017 = 53.950.000 đồng). Do Doanh nghiệp tư nhân C1 đã nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền thuế GTGT là 5.768.456 đồng nên tổng số tiền thất thoát về khoản này là 214.231.544 đồng, trong đó H4 trực tiếp làm thất thoát 28.056.544 đồng (tiếp khách: 27.525.000 đồng, cho cháu ông Chương 531.544 đồng); thủ quỹ Trần Thị Mai L1 quản lý là 186.175.000 đồng để chi theo chỉ đạo của Lâm Quang Đ1.

Liên quan đến sai phạm này còn có Lê Văn C1 - Giám đốc Doanh nhiệp tư nhân C1 đã có hành vi xuất 04 số hóa đơn cho Trung tâm về việc cho thuê xe ô tô nhưng không cung cấp dịch vụ thực tế. Hành vi của Lê Văn C1 chưa đủ định lượng để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép hóa đơn. Số tiền 6.300.000 đồng thu được, C1 kê khai nộp thuế GTGT theo 04 số hóa đơn là 5.768.456 đồng.

1.4. Lập khống chứng từ chi phí mua giường, tủ đầu giường inox; nâng khống chứng từ mua thiết bị bếp ăn tập thể và mua lịch Tết để rút tiền chi phí khoản khác, làm thất thoát 90.204.960 đồng.

Năm 2017, Trung tâm điều dưỡng thương binh N được giao dự toán từ nguồn kinh phí địa phương khoản chi phí mua mới giường inox, tủ đầu giường để phục vụ bệnh nhân với tổng dự toán là 145.000.000 đồng. Giám đốc Lâm Quang Đ1 cũng đưa ra chủ trương vận dụng lập chứng từ thanh toán nhưng không mua thực tế để rút tiền chi phí các khoản khác của Trung tâm, giao cho bộ phận Tổ chức hành chính thực hiện. Nguyễn Trung H4 liên hệ với ông Nguyễn Ngọc H6 ở phố N, thị trấn Q, huyện N, tỉnh Ninh Bình là chủ cửa hàng nội thất H6 đặt vấn đề mua hóa đơn với nội dung ghi trên hóa đơn là mua giường inox, tủ đầu giường, nhưng không mua thực tế. Ông Nguyễn Ngọc H6 đồng ý với thỏa thuận tiền bán hóa đơn là 6% doanh số ghi trên hóa đơn. Sau đó ông H6 ký Hợp đồng mua bán, biên bản nghiệm thu và bàn giao, biên bản thanh lý hợp đồng do H4 đưa cho và xuất hóa đơn bán hàng số 0023702 ngày 30/3/2017 ghi nội dung bán cho Nguyễn Trung H4 - Địa chỉ: Trung tâm điều dưỡng thương binh N 20 giường Inox SUS 301 Nhật Bản với tổng số tiền là 80.000.000 đồng; hóa đơn bán hàng số 0023706 ngày 17/4/2017 ghi nội dung bán cho Nguyễn Trung H4 - địa chỉ: Trung tâm điều dưỡng thương binh N 7 giường Inox y tế tay quay đặc chủng SUS 301 Nhật Bản và 15 tủ đầu giường Inox SUS 301 Nhật Bản với tổng số tiền là 65.000.000 đồng. Để hợp lý hóa cho số giường, tủ đầu gường không mua, H4 chỉ đạo Phạm Văn T10 là nhân viên của Phòng tổ chức hành chính mang khoảng 40 chiếc giường Inox cũ, hỏng của Trung tâm đi sửa chữa, thay thế những bộ phận hỏng, đánh bóng làm mới lại với tổng chi phí là 9.200.000 đồng. Đồng thời H4 làm thủ tục giao “khống” giường, tủ đầu gường cho khoa 4. Do thấy có số giường, tủ Inox do T10 chở về Trung tâm nên Phạm Thanh H1 và Phạm Hồng K tin tưởng H4 đã ký chứng từ bàn giao để H4 làm thủ tục đề nghị thanh toán chuyển khoản cho ông H5. Căn cứ các chứng từ “khống” được thiết lập như nêu trên, giám đốc Lâm Quang Đ1 và kế toán trưởng Phạm Thanh H1 ký “Giấy rút dự toán ngân sách” số 114 ngày 25/5/2017 và “Giấy rút dự toán ngân sách” số 116 ngày 26/5/2017, chuyển khoản cho ông H6 145.000.000 đồng. Sau đó, ông Nguyễn Ngọc H6 rút tiền mặt, giữ lại 8.700.000 đồng (tương ứng 6% như thỏa thuận) tiền bán hóa đơn, còn lại 136.300.000 đồng trả lại cho H4.

Tương tự, thực hiện chủ trương của Lâm Quang Đ1, Nguyễn Trung H4 đã thiết lập “khống”chứng từ mua thiết bị bếp ăn tập thể với tổng kinh phí là 100.000.000 đồng từ nguồn kinh phí địa phương bằng cách liên hệ với chị Nguyễn Thị Lan A là chủ cửa hàng tạp hóa ở phố B, thị trấn Q, tỉnh Ninh Bình để mua 02 xoong nhôm 30 lít, 01 nồi nấu cháo, súp 15 lít, 01 máy xay chả cá với tổng số tiền là 11.484.000 đồng, nhưng yêu cầu viết hóa đơn với tổng tiền hàng là 100.000.000 đồng/15 loại mặt hàng. Chị Nguyễn Thị Lan A đồng ý với thỏa thuận H4 phải trả 6% số tiền không mua hàng hóa thực tế. Sau đó chị Lan A ký Hợp đồng mua bán, biên bản nghiệm thu và bàn giao, biên bản thanh lý hợp đồng do H4 đưa cho và xuất hóa đơn bán hàng số 0094440 chỉ ghi năm 2017 với tổng số tiền hàng hóa ghi trên hóa đơn là 100.000.000 đồng (bao gồm cả 11.484.000 đồng tiền mua hàng hóa thực tế và 88.516.00 đồng không mua hàng hóa thực tế).

H4 bàn giao cho khoa Dinh dưỡng 02 xoong nhôm 30 lít, 01 nồi nấu cháo, súp 15 lít, 01 máy xay chả cá. Ngoài ra, các lần khác H4 có chi tiền ngoài sổ sách kế toán mua thớt, chảo, chậu, máy bơm, nồi cơm điện, ấm điện, bảng làm việc, cân, bát đũa phục vụ liên hoan cơ quan cho khoa Dinh dưỡng. Do thấy có việc mua các thiết bị phục vụ bếp ăn nên Bùi Thanh T11, Đặng Văn D và Phạm Thanh H1 ký chứng từ bàn giao để H4 làm thủ tục đề nghị thanh toán chuyển khoản cho chị Lan A. Căn cứ các chứng từ “khống” mà Hậu thiết lập, giám đốc Lâm Quang Đ1 và kế toán trưởng Phạm Thanh H1 ký “Giấy rút dự toán ngân sách” số 151 ngày 05/6/2017 chuyển khoản cho chị Nguyễn Thị Lan A 100.000.000 đồng. Chị Lan A rút tiền mặt, giữ lại 11.484.000 đồng tiền bán hàng hóa thực tế và 6% số tiền không mua hàng hóa thực tế là 5.310.960 đồng, còn lại 83.205.040 đồng trả lại cho H4.

Cũng trong năm 2017, Trung tâm được phân bổ 18.000.000 đồng từ nguồn kinh phí trung ương, 19.500.000 đồng từ nguồn kinh phí địa phương để mua lịch treo tường cho Trung tâm và thương, bệnh binh. Nguyễn Trung H4 liên hệ với chị Trần Tố L2 là chủ cửa hàng siêu thị sách L1, địa chỉ số .., đường H, phường Đ, thành phố N để mua 250 cuốn lịch treo tường với tổng số tiền là 31.250.000 đồng. Nhưng do tổng dự toán được giao từ hai nguồn là 37.500.000 đồng nên H4 nhờ chị L2 xuất hóa đơn với tổng số tiền ghi trên hóa đơn là 37.500.000 đồng, thanh toán bằng chuyển khoản, số tiền thừa trả lại cho H4 để Hậu chi phí vào việc khác. Chị L2 đồng ý và đã ký 02 bộ hợp đồng làm lịch treo tường năm 2017, biên bản nghiệm thu và bàn giao, biên bản thanh lý hợp đồng do H4 soạn sẵn đưa cho và xuất hóa đơn bán hàng số 0015951 ngày 20/01/2017 ghi nội dung bán cho Trung tâm điều dưỡng thương binh N 130 cuốn lịch treo tường với tổng số tiền là 19.500.000 đồng; hóa đơn bán hàng số 0015952 ngày 20/01/2017 ghi nội dung bán cho Trung tâm điều dưỡng thương binh N 120 cuốn lịch treo tường với tổng số tiền là 18.000.000 đồng. Sau khi được Trung tâm điều dưỡng thương binh N chuyển khoản 37.500.000 đồng theo các “Giấy rút dự toán ngân sách” số 32 ngày 06/3/2017 và “Giấy rút dự toán ngân sách” số 12 ngày 06/3/2017, chị L2 rút tiền mặt, trả lại 6.250.000 đồng tiền thừa cho H4.

Tổng số tiền rút ra do lập “khống” chứng từ mua giường Inox và tủ đầu giường Inox phục vụ thương, bệnh binh; nâng khống chứng từ mua thiết bị bếp ăn tập thể, mua lịch tết là 239.766.000 đồng (145.000.000 đồng + 88.516.000 đồng + 6.250.000 đồng). Nguyễn Trung H4 sử dụng 147.386.040 đồng để chi mua sắm thêm thiết bị cho khoa dinh dưỡng, bàn ghế làm việc, giường trực của bác sĩ … số tiền là 85.756.040 đồng; chi phí sửa chữa giường, tủ đầu giường cũ để hợp lý hóa cho số giường và tủ đầu giường không mua thực tế, sửa máy giặt của trung tâm, sửa điều hòa, phòng làm việc, sân cơ quan … số tiền là 61.630.000 đồng. Qua xác minh tại Trung tâm và các cơ sở cung cấp hàng hóa, dịch vụ thì những khoản chi này là có thực tế. Còn lại 92.379.960 đồng, H4 chi tiếp khách, ăn uống cho cán bộ chủ chốt của Trung tâm sau buổi giao ban nhưng không có chứng từ số tiền là 25.750.000 đồng; trả tiền mua hóa đơn là 14.010.960 đồng (Ông H6: 8.700.000 đồng; chị Lan A: 5.310.960 đồng); nộp cho thủ quỹ L1 để chi phí ngoài sổ sách là 52.619.000 đồng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc H6 đã kê khai nộp thuế cho 02 số hóa đơn bán cho H4 với số tiền là 2.175.000 đồng. Do đó, khoản thất thoát mà Lâm Quang Đ1 và Nguyễn Trung H4 phải chịu trách nhiệm hình sự là 90.204.960 đồng.

Liên quan đến sai phạm này còn có Nguyễn Ngọc H6, trú tại phố N, thị trấn Q, huyện N, tỉnh Ninh Bình đã có hành vi bán trái phép 02 số hóa đơn cho H4 thu về số tiền là 8.700.000 đồng. Số tiền này Nguyễn Ngọc H6 đã kê khai hóa đơn nộp thuế số tiền là 2.175.000 đồng, chiếm hưởng 6.525.000 đồng; Nguyễn Thị Lan A, trú tại phố B, thị trấn Q, huyện N, tỉnh Ninh Bình đã nâng khống giá trị hàng hóa trên 01 số hóa đơn để thu lợi 5.310.960 đồng. Hành vi của Nguyễn Ngọc H6 và Nguyễn Thị Lan A chưa đủ định lượng để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép hóa đơn. Số tiền chiếm hưởng Nguyễn Ngọc H6 và Nguyễn Thị Lan A đều đã tự nguyện giao nộp cho Cơ quan điều tra để xem xét, giải quyết.

1.5 Bán điện trái phép cho các hộ dân ở gần Trung tâm và cán bộ viên chức của Trung tâm sống ở khu tập thể, thu 202.657.800 đồng chi phí ngoài sổ sách kế toán.

Trong các năm 2015, 2016 và 2017, giám đốc Lâm Quang Đ1 đưa ra chủ trương bán điện cho các hộ dân thôn C, xã P ở gần Trung tâm và các hộ là cán bộ viên chức của Trung tâm sống tại khu tập thể Trung tâm, giao cho bộ phận Tổ chức hành chính thực hiện, với đơn giá 1.800 đồng/số. Trưởng phòng tổ chức hành chính Nguyễn Trung H4 phân công Đặng Văn D là Phó trưởng phòng trực tiếp tổ chức thực hiện. Hàng tháng, Đặng Văn D giao cho Hoàng Văn T12 - cán bộ phòng tổ chức hành chính đi ghi số điện năng tiêu thụ của từng hộ đưa về cho Đặng Văn D tổng hợp. Đặng Văn D lập danh sách thu tiền điện, trong đó áp đơn giá với điện năng tiêu thụ để tính số tiền phải thu của từng hộ, ký ở cột mục “Người lập bản”, đưa cho Nguyễn Trung H4 ký ở cột mục “Trưởng phòng tổ chức hành chính”, Hoàng Văn T12 ký ở cột mục “Người chốt số”. Danh sách này được chuyển cho thủ quỹ Trần Thị Mai L1 để theo dõi chung. Việc thu tiền điện của các hộ cán bộ viên chức của Trung tâm do Trần Thị Mai L1 thực hiện; việc thu tiền điện của các hộ dân thôn C, xã Đ do Hoàng Văn T12 thu chuyển về cho Đặng Văn D để Đặng Văn D tổng hợp nộp về cho Trần Thị Mai L1.

Tài liệu điều tra xác định: Trong thời gian từ tháng 8/2015 đến tháng 01/2018, Trung tâm điều dưỡng thương binh N đã bán điện cho các hộ là cán bộ viên chức của Trung tâm sống ở khu tập thể và các hộ dân thôn C ở gần Trung tâm với tổng số điện là 137.107 số, thu được tổng số tiền là 246.792.600 đồng (Các hộ CBVC: 83.799 số = 150.838.200 đồng; hộ dân: 53.308 số = 95.954.400 đồng). Trong số tiền thu được này thì Đặng Văn D sử dụng 44.134.800 đồng để mua công tơ, cầu dao, dây điện, phụ kiện đi kèm sửa chữa đường dây điện ra khu tập thể, sửa chữa đường nước, nền nhà, đường đi v..v.., còn 202.657.800 đồng Trần Thị Mai L1 quản lý để chi phí ngoài sổ sách theo chỉ đạo của giám đốc Lâm Quang Đ1.

Như vậy: Từ năm 2015 đến 2017, Lâm Quang Đ2, Bùi Minh Đ2, Phạm Thanh H1, Phan Thị N2, Phạm Thị H1 và Nguyễn Trung H4 đã thiết lập chứng từ “khống” bằng cách mua hóa đơn, hợp lý hóa các hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ không đúng thực tế, lập các bảng kê chi tiền mặt “khống” để rút dự toán ngân sách được giao 1.214.522.323 đồng để chi phí ngoài sổ sách các khoản cụ thể như sau:

- Chi khoản tiền mua trái phép hóa đơn và khoản Đoàn Thị T3 giữ lại không thanh toán: 106.071.846 đồng (T3 giữ lại 47.514.485 đồng; tiền mua hóa đơn thuốc 24.021.401 đồng; tiền mua hóa đơn phòng, diệt mối, máy phục hồi chức năng 22.700.000 đồng; tiền mua hóa đơn giường, thiết bị bếp ăn 11.835.960 đồng).

- Chi phí hội họp, tiếp khách không có chứng từ: 81.011.425 đồng (H4 chi hội họp 18.204.881 đồng; H4 chi tiếp khách 53.806.544 đồng; N2 chi tiếp khách 9.000.000 đồng).

- Chi phí trái phép trong việc giao dịch xin xe ô tô Bộ Quốc phòng, chi quà cáp chúc tết các cơ quan, ban ngành, chi phí thảo luận dự toán, duyệt quyết toán: 766.451.800 đồng (Quà cảm ơn về việc xin xe ô tô Bộ Quốc phòng 210.000.000 đồng; chi quà cáp chúc tết 460.000.000 đồng; chi phí thảo luận dự toán, duyệt quyết toán 143.271.000 đồng). Đối với các khoản chi phí này, Cơ quan điều tra đã xác minh tại Cục chính sách Bộ Quốc phòng; cá nhân những người ở các Cơ quan ban ngành mà các bị can khai báo có đưa quà chúc tết hàng năm, quà cảm ơn sau thảo luận dự toán, duyệt quyết toán thì họ đều xác định không được nhận qùa cáp biếu xén bằng tiền hay hiện vật gì từ Trung tâm điều dưỡng thương binh N, vì vậy không có căn cứ để xác minh làm rõ.

Tổng số tiền chi phí trái phép trên, gây thất thoát, lãng phí 953.535.071 đồng.

* Đối với số tiền 260.987.250 đồng Trung tâm chi ngoài sổ sách, gồm:

+ Trả tiền mua ấm chén làm quà lưu niệm dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Trung tâm: 64.375.000 đồng.

+ Chi phí mua đất san lấp trồng cây, mua cây trồng trong khuôn viên Trung tâm, chi phí sửa xe ô tô không nằm trong dự toán được duyệt: 172.312.252 đồng.

+ Mua đồ lễ, thờ nhà tưởng niệm của Trung tâm: 24.300.000 đồng.

Quá trình điều tra có đủ căn cứ xác định số tiền 260.987.250 đồng đã chi thực tế cho Trung tâm là trái phép. Xét thấy đây là các khoản chi phí thực tế nhằm mục đích phục vụ cho lợi ích chung của Trung tâm hiện Trung tâm báo cáo đang sử dụng có hiệu quả, vì vậy không xem xét trách nhiệm hình sự cũng như trách nhiệm dân sự các bị cáo đối với số tiền này.

Tại bản cáo trạng số 04/CT-VKS-P3 ngày 29 tháng 7 năm 2019 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình đã truy tố các bị cáo Lâm Quang Đ1, Phạm Thanh H1, Bùi Minh Đ2, Phan Thị N2 và Phạm Thị H2 về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo quy định tại điểm d khoản 2, khoản 4 Điều 219 Bộ luật Hình sự. Bị cáo Nguyễn Trung H4 về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo quy định tại khoản 1, khoản 4 Điều 219 Bộ luật Hình sự. Bị cáo Đoàn Thị T3 về tội “Mua bán trái phép hóa đơn” theo quy định tại điểm d khoản 2, khoản 3 Điều 203 Bộ luật Hình sự.

Tại phiên tòa các bị cáo Lâm Quang Đ1, Phạm Thanh H1, Bùi Minh Đ2, Phan Thị N2, Phạm Thị H2, Nguyễn Trung H4 và Đoàn Thị T3 đã thừa nhận hành vi như nội dung bản cáo trạng đã truy tố.

Tại phiên tòa ông Trần Xuân T4 là người được ủy quyền của nguyên đơn dân sự Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình và Sở lao động thương binh và xã hội tỉnh Ninh Bình trình bày: Hành vi phạm tội của các bị cáo đã bị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình truy tố với tội danh như bản cáo trạngsố 04/CT-VKS- P3 ngày 29 tháng 7 năm 2019 là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Ông T4 đề nghị Hội đồng xét xử buộc các bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ số tiền 953.535.071 đồng. Cụ thể trả về Ngân sách trung ương đại diện là Sở lao động thương binh và xã hội tỉnh Ninh Bình số tiền 200.000.000 đồng và trả về Ngân sách địa phương đại diện là Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình số tiền 753.535.071 đồng. Đồng thời ông T4 cũng đề nghị Hội đồng xét xử xem xét đến công lao đóng góp của các bị cáo nhiều năm công tác, chăm sóc, phục vụ thương bệnh binh, người bị nhiễm chất độc hóa học để giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo thể hiện sự khoan hồng của pháp luật.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình tại phiên tòa sau khi phân tích đánh giá tính chất vụ án, xem xét hậu quả do hành vi phạm tội mà các bị cáo đã gây ra, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của các bị cáo, đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố các bị cáo Lâm Quang Đ1, Phạm Thanh H1, Bùi Minh Đ2, Phan Thị N2, Phạm Thị H2 và Nguyễn Trung H4 phạm tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Bị cáo Đoàn Thị T3 phạm tội “Mua bán trái phép hóa đơn”.

Tại phiên tòa Kiểm sát viên đề nghị không áp dụng hình phạt bổ sung đối với các bị cáo Đ1, H1, Đ2, N2, H2 và H4 theo quy định tại khoản 4 Điều 219 Bộ luật Hình sự và không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo T3 theo quy định tại khoản 3 Điều 203 Bộ luật Hình sự.

- Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 219; các điểm b, s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 58; khoản 1 Điều 54; khoản 1 Điều 65 Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Lâm Quang Đ1 từ 30 đến 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 48 đến 60 tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

- Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 219; các điểm b, s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 58; khoản 1 Điều 54; khoản 1 Điều 65 Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Bùi Minh Đ2 từ 15 đến 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 30 đến 36 tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

- Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 219; các điểm b, s, t, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 58; khoản 1 Điều 54; khoản 1 Điều 65 Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Phạm Thanh H1 từ 12 đến 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 24 đến 30 tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

- Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 219; các điểm b, s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 58; khoản 1 Điều 54; khoản 1 Điều 65 Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Phan Thị N2 từ 12 đến 15 tháng tù nhưngcho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 24 đến 30 tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

- Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 219; các điểm b, s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 58; khoản 1 Điều 54; khoản 1 Điều 65 Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Phạm Thị H2 từ 12 đến 15 thángt ù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 24 đến 30 tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

- Áp dụng khoản 1 Điều 219; các điểm b, s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 58; khoản 1 Điều 54; Điều 36 Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Nguyễn Trung H4 từ 06 đến 09 tháng cải tạo không giam giữ.

- Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 203; các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 35 Bộ luật Hình sự, xử phạt tiền đối với bị cáo Đoàn Thị T3 từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng.

Về trách nhiệm dân sự: Căn cứ Điều 48 Bộ luật Hình sự; các Điều 584; 585; 587; khoản 1 Điều 589 Bộ luật Dân sự buộc các bị cáo Lâm Quang Đ1, Phạm Thanh H1, Bùi Minh Đ2, Phan Thị N2, Phạm Thị H2, Nguyễn Trung H4 và Đoàn Thị T3 phải bồi thường cho 02 nguyên đơn dân sự tổng số tiền là 953.535.071 đồng trong đó:

+ Trả cho Ngân sách Nhà nước thông qua đại diện là Sở lao động thương binh và xã hội tỉnh Ninh Bình số tiền là 200.000.000 đồng.

+ Trả cho Ngân sách địa phương thông qua đại diện là Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình số tiền là 753.535.071 đồng.

Tổng số tiền các bị cáo Lâm Quang Đ1, Phạm Thanh H1, Bùi Minh Đ2, Phan Thị N2, Phạm Thị H2 và Nguyễn Trung H4 đã gây thất thoát, lãng phí là 953.535.071 đồng trong đó riêng bị cáo Đoàn Thị T3 chiếm hưởng số tiền 71.535.886 đồng. Đối với số tiền 881.999.185 đồng còn lại buộc các bị cáo Lâm Quang Đ1, Phạm Thanh H1, Bùi Minh Đ2, Phan Thị N2, Phạm Thị H2 và Nguyễn Trung H4 phải liên đới bồi thường toàn bộ cho 02 nguyên đơn dân sự là Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình và Sở lao động thương binh và xã hội tỉnh Ninh Bình. Cụ thể như sau:

- Bị cáo Đoàn Thị T3 phải nộp số tiền 71.535.886 đồng (47.514.485 đồng + 24.021.401 đồng) được trừ đi số tiền 45.000.000 đồng đã nộp còn phải nộp tiếp số tiền 26.535.886 đồng.

- Bị cáo Lâm Quang Đ1 phải chịu 30% x 881.999.185 đồng = 264.599.756 đồng, được trừ đi số tiền 110.000.000 đồng đã nộp còn phải nộp tiếp số tiền 154.599.756 đồng.

- Bị cáo Phạm Thanh H1 phải chịu 20% x 881.999.185 đồng = 176.399.837 đồng được trừ đi số tiền 100.000.000 đồng đã nộp, còn phải nộp tiếp số tiền 76.399.837 đồng.

- Bị cáo Bùi Minh Đ2 phải chịu 20% x 881.999.185 đồng = 176.399.837 đồng được trừ đi số tiền 100.000.000 đồng đã nộp, còn phải nộp tiếp số tiền 76.399.837 đồng.

- Bị cáo Phan Thị N2 phải chịu 15% x 881.999.185 đồng = 132.299.878 đồng được trừ đi số tiền 60.000.000 đồng đã nộp, còn phải nộp tiếp số tiền 72.299.878 đồng.

- Bị cáo Phạm Thị H2 phải chịu 10% x 881.999.185 đồng= 88.199.918 đồng được trừ đi số tiền 30.000.000 đồng đã nộp, còn phải nộp tiếp số tiền 58.199.918 đồng.

- Bị cáo Nguyễn Trung H4 phải chịu 5% x 881.999.185 đồng = 44.099.959 đồng được trừ đi số tiền 40.000.000 đồng đã nộp, còn phải nộp tiếp số tiền 4.099.959 đồng.

*Về xử lý vật chứng và biện pháp tư pháp: Căn cứ Điều 47 Bộ luật Hình sự; Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự.

* Đối với số tiền 297.635.960 đồng đang gửi tại tài khoản của Cục thi hành án dân sự tỉnh Ninh Bình được xử lý như sau:

- Trả lại cho Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình số tiền 40.835.960 đồnggồm:

+ Số tiền 6.300.000 đồng ông Lê Văn C1, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân C1 tự nguyện giao nộp.

+ Số tiền 22.700.000 đồng chị Vũ Thị H5 đã tự nguyện giao nộp (nằm trong số tiền 24.500.000 đồng là tiền chị H5 bán 05 hóa đơn cho Trung tâm điều dưỡng thương binh N về tiền thuốc diệt mối năm 2015, 2017 và 01 máy phục hồi chức năng) + Số tiền 6.525.000 đồng ông Nguyễn Ngọc H6 tự nguyện giao nộp.

+ Số tiền 5.310.960 đồng chị Nguyễn Thị Lan A tự nguyện giao nộp - Tịch thu sung quỹ Nhà nước số tiền còn lại 1.800.000 đồng chị H5 thu lời bất chính và nộp lại cho Cơ quan điều tra (nằm trong số tiền 24.500.000 đồng).

- Truy thu số tiền 2.657.810 đồng từ bị cáo Đoàn Thị T3 để sung quỹ Nhà nước do đây là số tiền bị cáo T3 thu lời bất chính từ việc bán 19 số hóa đơn cho Trung tâm điều dưỡng thương binh N.

- Tiếp tục quản lý số tiền 527.635.960 đồng bao gồm số tiền 297.635.960 đồng đang có trong tài khoản của Cục thi hành án dân sự tỉnh N và số tiền 230.000.000 đồng các bị cáo Lâm Quang Đ1, Phạm Thanh H1, Bùi Minh Đ2, Phan Thị N2, Phạm Thị H2 và Nguyễn Trung H4 đã nộp trong quá trình chuẩn bị xét xử sơ thẩm để đảm bảo thi hành án.

Các bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật. Riêng bị cáo Lâm Quang Đ1 được miễn án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm.

Lời nói sau cùng của các bị cáo: Các bị cáo rất ân hận về hành vi phạm tội của mình, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo được cải tạo tại địa phương để các bị cáo có cơ hội cải tạo thành người có ích cho xã hội.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về quyết định, hành vi tố tụng của Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, trong quá trình điều tra truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa các bị cáo, nguyên đơn dân sự và những người tham gia tố tụng khác không ai có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi của người tiến hành tố tụng và Quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng. Do đó các hành vi; quyết định tố tụng của những người tiến hành tố tụng, Cơ quan tiến hành tố tụng đã thực hiện là hợp pháp.

[2] Lời khai nhận tội của các bị cáo tại phiên tòa phù hợp với lời khai của các bị cáo tại cơ quan điều tra, phù hợp với lời khai của các bị cáo khác trong vụ án; phù hợp với các tập chứng từ thanh toán tiền mua giường, tủ inox, nồi, chảo, đồ cấp dưỡng; các tập chứng từ thanh toán tiền mua thuốc mối, máy phục hồi chức năng; các tài liệu chứng từ, hóa đơn mua thuốc trong năm 2015, 2016 và 2017; các Phiếu lĩnh thuốc đã thu giữ tại 04 khoa thuộc Trung tâm điều dưỡng thương binh N; các chứng từ chi trả tiền điện cho Điện lực N; các chứng từ chi tham quan, học tập và các sổ ghi chép của Lâm Quang Đ1, Phạm Thị H2, Trần Thị Mai L1 và các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, đã có đủ cơ sở kết luận: Trong thời gian từ năm 2015 đến 2017, Lâm Quang Đ1 với vai trò là Giám đốc Trung tâm, đã họp bàn và được sự thống nhất trong lãnh đạo và cán bộ chủ chốt là Bùi Minh Đ2, Phạm Thanh H1, Phan Thị N1, Phạm Thị H2 và Nguyễn Trung H4 thiết lập các chứng từ thanh quyết toán không đúng thực tế để rút tiền từ nguồn ngân sách phân bổ, giao dự toán để chi phí trái phép, gây thất thoát, lãng phí 953.535.071 đồng. Lâm Quang Đ1 là Giám đốc Trung tâm điều dưỡng thương binh N đã để xảy ra thất thoát, lãng phí với tổng số tiền 953.535.071 đồng. Phạm Thanh H1 là người ký các tài liệu trong các bộ chứng từ thanh toán “khống” mua thuốc chữa bệnh cho thương bệnh binh; chứng từ chi phí phòng, diệt mối; chứng từ chi phí học tập mô hình nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh, người khuyết tật với tổng số tiền thất thoát, lãng phí phải chịu trách nhiệm là 633.672.313 đồng. Bùi Minh Đ2 được giao phụ trách lĩnh vực y tế đã tiếp nhận chủ trương của Giám đốc Trung tâm để chỉ đạo nhân viên phòng Y dược và phục hồi chức năng lập “khống” chứng từ mua thuốc chữa bệnh cho thương bệnh binh; chứng từ chi phí phòng, diệt mối, mua máy phục hồi chức năng với tổng số tiền thất thoát, lãng phí phải chịu trách nhiệm là 446.440.769 đồng. Phan Thị N2 đã trực tiếp thực hiện và chỉ đạo nhân viên dưới quyền lập “khống” chứng từ mua thuốc chữa bệnh cho thương bệnh binh; chứng từ chi phí phòng, diệt mối, mua máy phục hồi chức năng với tổng số tiền thất thoát, lãng phí phải chịu trách nhiệm là 446.440.769 đồng. Phạm Thị H2 đã trực tiếp giao dịch, lập “khống” chứng từ mua thuốc chữa bệnh cho thương bệnh binh; chứng từ chi phí phòng, diệt mối, mua máy phục hồi chức năng với tổng số tiền thất thoát, lãng phí phải chịu trách nhiệm là 446.440.769 đồng. Hành vi nêu trên củacác bị cáo Lâm Quang Đ1, Bùi Minh Đ2, Phạm Thanh H1, Phan Thị N2 và Phạm Thị H2 đã phạm tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” thuộc trường hợp “Gây thất thoát, lãng phí từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng”.Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm d khoản 2 Điều 219 Bộ luật Hình sự.

Nguyễn Trung H4 đã trực tiếp thiết lập “khống” chứng từ chi phí học tập mô hình nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh, người khuyết tật; chi phí mua sắm giường Inox và tủ đầu giường Inox phục vụ thương, bệnh binh, thiết bị bếp ăn tập thể với tổng số tiền thất thoát, lãng phí phải chịu trách nhiệm là 185.536.504 đồng. Hành vi nêu trên của bị cáo Nguyễn Trung H4 đã phạm tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” thuộc trường hợp “Gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng” quy định tại khoản 1 Điều 219 Bộ luật Hình sự.

Đoàn Thị T3 - Chủ nhiệm hiệu thuốc N là người đã bán trái phép 74 số hóa đơn GTGT cho Trung tâm điều dưỡng thương binh N, thu lời bất chính số tiền 26.679.211 đồng. Hành vi của Đoàn Thị T3 đã phạm vào tội “Mua bán trái phép hóa đơn” thuộc trường hợp “…Hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 30 số trở lên” quy định tại điểm d khoản 2 Điều 203 Bộ luật Hình sự.

Điều 219. Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

1. Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:

a) ……….

………….

d) Gây thất thoát, lãng phí từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

3. ……..

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Điều 203. Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước.

1. Người nào in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước ở dạng phôi từ 50 số đến dưới 100 số hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 10 số đến dưới 30 số hoặc thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a)…………..

…………….

d) Hóa đơn, chứng từ ở dạng phôi từ 100 số trở lên hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 30 số trở lên;

…………… 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

4………… Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình đã truy tố đối với các bị cáo với các tội danh và điều luật như đã viện dẫn ở trên là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

[3] Hành vi phạm tội của các bị cáo Lâm Quang Đ1, Phạm Thanh H1, Bùi Minh Đ2, Phan Thị N2, Phạm Thị H2 và Nguyễn Trung H4 là rất nghiêm trọng không những đã xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế được pháp luật bảo vệ mà còn tác động xấu đến trật tự quản lý hành chính của Nhà nước gây ảnh hưởng xấu trong dư luận quần chúng nhân dân, do đó cần phải xử lý nghiêm minh trước pháp luật để giáo dục, cải tạo chính bản thân các bị cáo và phòng ngừa chung cho xã hội.

Về vai trò của các bị cáo trong vụ án: Vụ án có nhiều bị cáo tham gia, phạm các tội khác nhau với tính chất, mức độ, vai trò khác nhau do vậy hình phạt áp dụng đối với từng bị cáo trong vụ án sẽ căn cứ vào tính chất, mức độ vai trò của từng bị cáo tham gia và các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của từng bị cáođể quyết định hình phạt cho phù hợp.

Bị cáo Lâm Quang Đ1 với vai trò là Giám đốc Trung tâm điều dưỡng thương binh N đã đưa ra chủ trương, vận dụng thiết lập các chứng từ quyết toán không đúng thực tế để rút nguồn tiền từ nguồn ngân sách phân bổ, giao dự toán để chi phí trái phép. Đồng thời phân công các bộ phận chuyên môn thực hiện việc thiết lập chứng từ làm căn cứ để rút dự toán ngân sách. Toàn bộ số tiền rút ra Lâm Quang Đ1 là người chỉ đạo chi phí ngoài sổ sách kế toán làm thất thoát, lãng phí ngân sách nên bị cáo Lâm Quang Đ1 giữ vai trò chính phải chịu trách nhiệm hình sự cao nhất.

Bị cáo Phạm Thanh H1 với vai trò là Kế toán trưởng của Trung tâm điều dưỡng thương binh là người ký các tài liệu trong các bộ chứng từ thanh toán “khống” chứng từ mua thuốc chữa bệnh cho thương bệnh binh; chứng từ chi phí phòng, diệt mối; chứng từ chi phí học tập mô hình nuôi dưỡng thương binh, người khuyết tật.

Bị cáo Bùi Minh Đ2 là Phó giám đốc Trung tâm điều dưỡng thương binh Nho Quan được giao phụ trách lĩnh vực y tế đã tiếp nhận chủ trương của Giám đốc Trung tâm để chỉ đạo nhân viên phòng y dược và phục hồi chức năng trong việc lập “khống” chứng từ mua thuốc chữa bệnh cho thương bệnh binh; chứng từ chi phí phòng diệt mối, mua máy phục hồi chức năng.

Bị cáo Phan Thị N2 là Trưởng phòng y dược và phục hồi chức năng đã trực tiếp thực hiện và chỉ đạo nhân viên cấp dưới quyền lập “khống” chứng từ mua thuốc chữa bệnh cho thương bệnh binh; chứng từ chi phí phòng diệt mối, mua máy phục hồi chức năng.

Bị cáo Phạm Thị H2 là Phó trưởng phòng y dược và phục hồi chức năng đã trực tiếp giao dịch, lập “khống” chứng từ mua thuốc chữa bệnh cho thương bệnh binh; chứng từ chi phí phòng diệt mối, mua máy phục hồi chức năng.

Bị cáo Nguyễn Trung H4 nguyên Trưởng phòng Tổ chức hành chính đã trực tiếp thiết lập “khống” chứng từ chi phí học tập mô hình nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh, người khuyết tật; chi phí mua sắm giường Inox và tủ đầu giường Inox phục vụ thương, bệnh binh, thiết lập bếp ăn tập thể.

Hành vi của các bị cáo Phạm Thanh H1, Bùi Minh Đ2, Phan Thị N2, Phạm Thị H2 và Nguyễn Trung H4 là đồng phạm với bị cáo Lâm Quang Đ1 với vai trò là người thực hành.

[4] Các bị cáo Lâm Quang Đ1, Phạm Thanh H1, Bùi Minh Đ2, Phan Thị N2, Phạm Thị H2 và Nguyễn Trung H4 không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

Bị cáo Lâm Quang Đ1 trong quá trình công tác 02 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng thưởng Bằng khen; được Bộ trưởng Bộ lao động - thương binh và xã hội tặng nhiều Bằng khen có nhiều thành tích trong phong trào thi đua yêu nước ngành Lao động- thương binh và xã hội giai đoạn 2006 -2010; năm 2015 được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình tặng Bằng khen và nhiều giấy khen khác.

Bị cáo Phạm Thanh H1 quá trình công tác được tặng thưởng Huân chương chiến sỹ vẻ vang hạng Ba; 04 lần Giám đốc Sở lao động thương binh và xã hội tỉnh Ninh Bình tặng Giấy khen. Trước khi vụ án bị khởi tố bị cáo có công tố giác tội phạm có xác nhận của Công an thị trấn Q, huyện N, tỉnh Ninh Bình.

Bị cáo Bùi Minh Đ2 quá trình công tác 04 lần được Bộ trưởng Bộ lao động thương binh và xã hội tặng Bằng khen; 02 lần được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình tặng Bằng khen; 02 lần được Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện N, tỉnh Ninh Bình tặng Giấy khen; 04 lần được Giám đốc Sở lao động thương binh và xã hội tỉnh Ninh Bình tặng Giấy khen.

Bị cáo Phan Thị N2 quá trình công tác 03 lần được Bộ trưởng Bộ lao động thương binh và xã hội tặng Bằng khen; 03 lần được Giám đốc Sở lao động thương binh và xã hội tỉnh Ninh Bình tặng Giấy khen; năm 2015 được Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện N, tỉnh Ninh Bình tặng Giấy khen.

Bị cáo Phạm Thị Hương quá trình công tác năm 2014 được Bộ trưởng Bộ lao động thương binh và xã hội tặng Bằng khen; năm 2015 được Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nho Quan tặng Giấy khen.

Bị cáo Nguyễn Trung H4 quá trình công tác được Ban chấp hành đảng bộ huyện N, tỉnh Ninh Bình tặng Giấy khen “Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 05 năm liền”; năm 2017 được Bộ trưởng Bộ lao động thương binh và xã hội tặng Bằng khen; đạt thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2011-2015; năm 2013 được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình tặng Giấy khen; năm 2016 được Giám đốc Sở lao động thương binh và xã hội tỉnh Ninh Bình tặng Giấy khen; được Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện N, tỉnh Ninh Bình tặng Giấy khen đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 30/8/2006 của Tỉnh ủy giai đoạn 2006-2016.

Đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác” được quy định tại điểm v khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự được áp dụng cho 6 bị cáo.

Trong quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa các bị cáo Đ1, H1, Đ2, N2, H2 và H4 đều thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; trong quá trình điều tra và chuẩn bị xét xử sơ thẩm đã tự nguyện cùng với gia đình nộp tổng số tiền 440.000.000 đồng để khắc phục hậu quả. Đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường khắc phục hậu quả”; “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” quy định tại các điểm b, s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Bị cáo Phạm Thanh H1 được áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án” quy định tại điểm t khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự.

Bị cáo Lâm Quang Đ1 có bố là ông Lâm Xuân B1 được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhì. Bị cáo Bùi Minh Đ2 có bố đẻ ông Bùi Ngọc S1 vàmẹ bà Hà Thị N1 đều được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Ba; được Bộ trưởng Bộ lao động thương binh và xã hội tặng Bằng khen có nhiều thành tích trong công tác. Bị cáo Phan Thị N2 có bố đẻ ông Phan Tiến P được tặng thưởng Huy chương chiến thắng hạng Ba và mẹ là bà Trần Thị T1 được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhì. Bị cáo Nguyễn Trung H4 có bố đẻ ông Nguyễn Đình P và mẹ là bà Nguyễn Thị T2 được tặng thưởng Huy chương kháng chiến hạng Nhất. Các bị cáo Phạm Thanh H1, Bùi Minh Đ2, Phan Thị N2, Phạm Thị H2 và Nguyễn Trung H4 có hoàn cảnh gia đình khó khăn, là lao động chính trong gia đình có xác nhận của chính quyền địa phương. Bị cáo Bùi Minh Đ2 có con bị tàn tật nặng thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng mới chết. Bị cáo Phạm Thanh H1 đang phụng dưỡng và chăm sóc mẹ vợ sống độc thân. Bị cáo Phạm Thị H2 có chồng đang bị bệnh ung thư máu điều trị tại Bệnh viện huyết học Trung ương. Trong quá trình chuẩn bị xét xử và tại phiên tòa nguyên đơn dân sự là Sở lao động thương binh và xã hội tỉnh Ninh Bình đề nghị xin giảm nhẹ hình phạt cho 6 bị cáo. Đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự đều được áp dụng cho cả 6 bị cáo.

Xét các bị cáo H1, Đ2, N2, H2 có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự; không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nên áp dụng khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự, xử phạt các bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt khi lượng hình là phù hợp với quy định của pháp luật.

Cả 6 bị cáo đều có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự; lần đầu phạm tội; bản thân các bị cáo đã có thời gian dài công hiến cho Trung tâm điều dưỡng thương binh N; có nơi cư trú rõ ràng nên Hội đồng xét xử xét thấy khôngcần thiết buộc các bị cáo Lâm Quang Đ1, Phạm Thanh H1, Bùi Minh Đ2, Phan Thị N2 và Phạm Thị H2 phải chấp hành hình phạt tù mà cần áp dụng quy định tại Điều 65 Bộ luật Hình sự cho các bị cáo được hưởng án treo với thời gian thử thách nhất định. Bị cáo Nguyễn Trung H4 được áp dụng quy định tại Điều 36 Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo hình phạt cải tạo không giam giữ là phù hợp. Khấu trừ 5% thu nhập hàng tháng trong thời gian chấp hành hình phạt đối với bị cáo H4 để sung quỹ Nhà nước. Giao các bị cáo cho chính quyền địa phương, cơ quan cùng gia đình giám sát giáo dục cũng đủ để cải tạo các bị cáo thành người lương thiện, có ích cho xã hội đồng thời thể hiện rõ tính chất khoan hồng của pháp luật.

Bị cáo Đoàn Thị T3 là chủ nhiệm hiệu thuốc N là người đã bán trái phép 74 số hóa đơn GTGT cho Trung tâm điều dưỡng thương binh N thu lời bất chính số tiền 26.679.211 đồng. Bị cáo được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; trong quá trình điều tra và chuẩn bị xét xử sơ thẩm đã tự nguyện nộp số tiền 45.000.000 đồng để khắc phục hậu quả; bị cáo có hoàn cảnh gia đình khó khăn, đã ly hôn chồng một mình nuôi 02 con nhỏ. Đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có nơi cư trú rõ ràng, nhân thân chưa có tiền án, tiền sự nên Hội đồng xét xử xét thấy áp dụng quy định tại Điều 65 Bộ luật Hình sự cho bị cáo được hưởng án treo với thời gian thử thách nhất định. Giao bị cáo cho chính quyền địa phương cùng gia đình giám sát, giáo dục cũng đủ để cải tạo bị cáo thành người lương thiện, có ích cho xã hội đồng thời thể hiện rõ tính chất khoan hồng của pháp luật.

Về hình phạt bổ sung: Tại phiên tòa mặc dù đại diện Viện kiểm sát đề nghị không áp dụng hình phạt bổ sung đối với các bị cáo H1, Đ2, N2, H2, H4 theo quy định tại khoản 4 Điều 219 và bị cáo T3 theo quy định tại khoản 3 Điều 203 Bộ luật Hình sự Hội đồng xét xử xét thấy các bị cáo là những người được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước nhưng đã vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát, lãng phí do đó cần phải áp dụng hình phạt bổ sung đối với các bị cáo H1, Đ2, N2, H2, H4 là cấm đảm nhiệm chức vụ trong thời gian nhất định theo quy định tại khoản 4 Điều 219 Bộ luật Hình sự đối với các bị cáo. Đối với bị cáo T3 ngoài hình phạt chính cần áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền đối với bị cáo để sung ngân sách nhà nước đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Riêng bị cáo Lâm Quang Đ1 đã nghỉ hưu theo chế độ nên không cần thiết phải áp dụng hình phạt bổ sung.

[5] Về trách nhiệm dân sự: Căn cứ Điều 48 Bộ luật Hình sự; các điều 584; 585; 587; 589 Bộ luật Dân sự.

Các bị cáo Lâm Quang Đ1, Phạm Thanh H1, Bùi Minh Đ2, Phan Thị N2, Phạm Thị H2 và Nguyễn Trung H4 đã làm thất thoát, lãng phí tổng số tiền 1.214.522.323 đồng trong đó Ngân sách Trung ương là 288.248.591 đồng và Ngân sách địa phương là 935.882.703 đồng tuy nhiên tại cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình cũng như tại phiên tòa Kiểm sát viên và người đại diện theo ủy quyền của 02 nguyên đơn dân sự đề nghị Hội đồng xét xử không truy cứu trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự đối với số tiền 260.987.250 đồng Trung tâm chi ngoài sổ sách, gồm:

+ Trả tiền mua ấm chén làm quà lưu niệm dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Trung tâm: 64.375.000 đồng.

+ Chi phí mua đất san lấp trồng cây, mua cây trồng trong khuôn viên Trung tâm, chi phí sửa xe ô tô không nằm trong dự toán được duyệt: 172.312.252 đồng.

+ Mua đồ lễ, thờ nhà tưởng niệm của Trung tâm: 24.300.000 đồng.

Mặc dù số tiền 260.987.250 đồng các bị cáo đã chi thực tế cho Trung tâm là trái phép, xét đây là các khoản chi phí thực tế nhằm mục đích phục vụ cho lợi ích chung của Trung tâm, hiện Trung tâm báo cáo đang sử dụng có hiệu quả, vì vậy Hội đồng xét xử không xem xét trách nhiệm hình sự cũng như trách nhiệm dân sự các bị cáo đối với số tiền trên như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình và người người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn dân sự. Do số tiền 260.987.250 đồng được miễn xem xét nên cần phải đối trừ vào số tiền các nguyên đơn dân sự được nhận lại cụ thể chia như sau 260.987.250 đồng : 3 = 86.995.750 đồng. Do ngân sách địa phương các bị cáo gây thất thoát, lãng phí nhiều hơn ngân sách trung ương nên phần ngân sách địa phương để lại cho Trung tâm là 02 phần x 86.995.750 đồng = 177.991.500 đồng còn được hoàn trả lại số tiền là 935.882.703 đồng - 177.991.500 đồng = 757.891.203 đồng và ngân sách trung ương sau khi đối trừ đi 01 phần được hoàn trả lại số tiền là 288.248.591 đồng - 86.995.750 đồng = 201.252.841 đồng. Tại phiên tòa người đại diện theo ủy quyền của 02 nguyên đơn dân sự yêu cầu các bị cáo liên đới bồi thường cho ngân sách Trung ương thông qua Sở lao động thương binh và xã hội tỉnh Ninh Bình số tiền 200.000.000 đồng và ngân sách địa phương thông qua Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình số tiền 753.535.071 đồng. Xét đề nghị của người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn dân sự là hợp lý nên cần chấp nhận. Như vậy 02 nguyên đơn dân sự là Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình và Sở lao động thương binh và xã hội tỉnh Ninh Bình được hoàn trả lại số tiền cụ thể như sau:

- Ngân sách Trung ương thông qua đại diện Sở lao động thương binh và xã hội tỉnh Ninh Bình số tiền 200.000.000 đồng.

- Ngân sách địa phương thông qua đại diệnỦy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình số tiền 753.535.071 đồng.

Tổng số tiền các bị cáo Lâm Quang Đ1, Phạm Thanh H1, Bùi Minh Đ2, Phan Thị N2, Phạm Thị H2 và Nguyễn Trung H4 đã gây thất thoát, lãng phí là 953.535.071 đồng, riêng bị cáo Đoàn Thị T3 chiếm hưởng số tiền 71.535.886 đồng. Đối với số tiền 881.999.185 đồng còn lại buộc các bị cáo Lâm Quang Đ1, Phạm Thanh H1, Bùi Minh Đ2, Phan Thị N2, Phạm Thị H2 và Nguyễn Trung H4 phải liên đới bồi thường toàn bộ cho 02 nguyên đơn dân sự là Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình và Sở lao động thương binh và xã hội tỉnh Ninh Bình. Trong vụ án không xác định được cụ thể số tiền từng bị cáo đã gây thất thoát, lãng phí nên các bị cáo cùng phải chịu trách nhiệm chung về tổng số tiền đã gây thất thoát, lãng phí. Bị cáo Lâm Quang Đ1 là người phải chịu trách nhiệm dân sự cao nhất; bị cáo Phạm Thanh H1 và Bùi Minh Đ2 chịu trách nhiệm dân sự bằng nhau; sau đó bị cáo Phan Thị N2, tiếp đến bị cáo Phạm Thị H2 và cuối cùng là bị cáo Nguyễn Trung H4.

Cụ thể phần của các bị cáo phải chịu trách nhiệm như sau:

- Bị cáo Đoàn Thị T3 phải nộp số tiền 71.535.886 đồng (47.514.485 đồng + 24.021.401 đồng) được trừ đi số tiền 45.000.000 đồng đã nộp còn phải nộp tiếp số tiền 26.535.886 đồng.

- Bị cáo Lâm Quang Đ1 phải chịu 30% x 881.999.185 đồng = 264.599.756 đồng, được trừ đi số tiền 110.000.000 đồng đã nộp còn phải nộp tiếp số tiền 154.599.756 đồng.

- Bị cáo Phạm Thanh H1 phải chịu 20% x 881.999.185 đồng = 176.399.837 đồng được trừ đi số tiền 100.000.000 đồng đã nộp còn phải nộp tiếp số tiền 76.399.837 đồng.

- Bị cáo Bùi Minh Đ2 phải chịu 20% x 881.999.185 đồng = 176.399.837 đồng được trừ đi số tiền 100.000.000 đồng đã nộp còn phải nộp tiếp số tiền 76.399.837 đồng.

- Bị cáo Phan Thị N2 phải chịu 15% x 881.999.185 đồng = 132.299.878 đồng được trừ đi số tiền 60.000.000 đồng đã nộp còn phải nộp tiếp số tiền 72.299.878 đồng.

- Bị cáo Phạm Thị H2 phải chịu 10% x 881.999.185 đồng = 88.199.918 đồng được trừ đi số tiền 30.000.000 đồng đã nộp còn phải nộp tiếp số tiền 58.199.918 đồng.

- Bị cáo Nguyễn Trung H4 phải chịu 5% x 881.999.185 đồng = 44.099.959 đồng được trừ đi số tiền 40.000.000 đồng đã nộp còn phải nộp tiếp số tiền 4.099.959 đồng.

[6] Về xử lý vật chứng và biện pháp tư pháp: Căn cứ Điều 47 Bộ luật Hình sự; Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự.

*Đối với số tiền 297.635.960 đồng đang gửi tại tài khoản của Cục thi hành án dân sự tỉnh Ninh Bình gồm các bị cáo Đ1, H1, Đ2, N2, H4 và T3 tự nguyện nộp số tiền 255.000.000 đồng và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án đã nộp 42.635.960 đồng tại Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Bình xử lý như sau:

- Trả lại cho Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình số tiền 40.835.960 đồng gồm:

+ Số tiền 6.300.000 đồng ông Lê Văn C1, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân C1 tự nguyện giao nộp.

+ Số tiền 22.700.000 đồng chị Vũ Thị H5 đã tự nguyện giao nộp (nằm trong số tiền 24.500.000 đồng là tiền chị H5 bán 05 hóa đơn cho Trung tâm điều dưỡng thương binh N về tiền thuốc diệt mối năm 2015, 2017 và 01 máy phục hồi chức năng) + Số tiền 6.525.000 đồng ông Nguyễn Ngọc H6 tự nguyện giao nộp.

+ Số tiền 5.310.960 đồng chị Nguyễn Thị Lan A tự nguyện giao nộp.

Quá trình điều tra có đủ căn cứ xác định số tiền trên những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án đã có hành vi thu lời bất chính từ việc bán hóa đơn thuê xe cho Trung tâm điều dưỡng thương binh N; từ việc bán 05 hóa đơn cho Trung tâm điều dưỡng thương binh N về tiền thuốc phòng diệt mối năm 2015, 2017 và 01 máy phục hồi 10 chức năng; từ việc bán hóa đơn mua bàn ghế cho Trung tâm điều dưỡng thương binh N; từ việc bán hóa đơn mua thiết bị bếp ăn tập thể cho Trung tâm điều dưỡng thương binh N.

- Tịch thu sung quỹ Nhà nước số tiền còn lại 1.800.000 đồng chị H5 thu lời bất chính và nộp lại cho Cơ quan điều tra (nằm trong số tiền 24.500.000 đồng).

- Truy thu số tiền 2.657.810 đồng từ bị cáo Đoàn Thị T3 để sung quỹ Nhà nước do đây là số tiền bị cáo T3 thu lời bất chính từ việc bán 19 số hóa đơn cho Trung tâm điều dưỡng thương binh N.

- Tiếp tục quản lý số tiền 527.635.960 đồng bao gồm số tiền 297.635.960 đồng đang có tại ủy nhiệm chi số 01 lập ngày 08/8/2019 tiền đang có trong tài khoản của Cục thi hành án dân sự tỉnh Ninh Bình và số tiền 230.000.000 đồng các bị cáo Lâm Quang Đ1, Phạm Thanh H1, Bùi Minh Đ2, Phan Thị N2, Phạm Thị H2 và Nguyễn Trung H4 đã nộp trong quá trình chuẩn bị xét xử sơ thẩm để đảm bảo thi hành án.

[8] Trong vụ án này, ngoài sai phạm của các bị cáo còn có một số đối tượng liên quan hiện đang là cán bộ viên chức làm việc tại Trung tâm điều dưỡng thương binh N, gồm: Chị Trần Thị Mai L1, chị Bùi Thị D2, chị Lại Thị T5, anh Trần Đức H7, anh Đinh Lệnh D1, anh Lê Văn T6, chị Phạm Thị H8, anh Phạm Hồng K, chị Nguyễn Thị T7 là những người làm nhiệm vụ thủ quỹ, thủ kho, bác sỹ trưởng các khoa 1, 2, 3, 4 và 33 y tá điều trị của các khoa đã có hành vi sai phạm như ký hợp lý hóa các phiếu nhập thuốc, phiếu lĩnh thuốc, quản lý số tiền được rút ra từ các khoản để chi phí theo chỉ đạo của Lâm Quang Đ1. Hành vi của những người này là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, quá trình điều tra xác định họ chỉ là những người thực hiện chỉ đạo của cấp trên, không có động cơ, mục đích, mức độ thiệt hại không lớn, không có ý thức chiếm đoạt, vụ lợi; đồng thời họ là người tích cực khai báo, vi phạm lần đầu, nhân thân tốt. Vì vậy, không xử lý hình sự đối với họ, Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình sẽ văn bản yêu cầu Sở lao động, thương binh và xã hội tỉnh Ninh Bình xử lý hành chính đối với họ theo quy định của pháp luật.

Đối với hộ kinh doanh của anh Lưu Minh T9, địa chỉ số nhà .., ngõ …, phố N, phường P, quận X, thành phố Hà Nội và hộ kinh doanh chị Vũ Thị H5, địa chỉ số .., ngõ … phố P, phường M, quận Đ, thành phố Hà Nội đã có hành vi bán 05 số hóa đơn cho Trung tâm điều dưỡng thương binh N (đều do Vũ Thị H5 là vợ của Lưu Minh T9 thực hiện) để thu lợi bất chính số tiền là 22.700.000 đồng; Doanh nghiệp tư nhân C1 do ông Lê Văn C1 ở thị trấn Q, huyện N, tỉnh Ninh Bình làm Giám đốc đã có hành vi xuất 04 số hóa đơn cho Trung tâm về việc cho thuê xe ô tô nhưng không cung cấp dịch vụ thực tế; cửa hàng nội thất H6 do ông Nguyễn Ngọc H6 ở phố N, thị trấn Q, huyện N, tỉnh Ninh Bình là chủ đã có hành vi bán trái phép 02 số hóa đơn cho bị cáo Nguyễn Trung H4; cửa hàng tạp hóa ở phố B, thị trấn Q, huyện N, tỉnh Ninh Bình do chị Nguyễn Thị Lan A là chủ đã có hành vi nâng khống giá trị hàng hóa trên 01 số hóa đơn để thu lợi 5.310.960 đồng. Hành vi của những người này chưa đủ định lượng để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Mua bán trái phép hóa đơn” mà vi phạm Điều 23 của Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Bình đã có văn bản yêu cầu Cơ quan thuế xử lý hành vi vi phạm nêu trên theo quy định là đúng quy định của pháp luật.

[9] Do bị tuyên có tội nên các bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm theo quy định tại khoản 2 Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự; Nghị quyết số 326/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Riêng bị cáo Lâm Quang Đ1 là người cao tuổi nên được miễn nộp án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm theo quy định.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

1.Tuyên bố: Các bị cáo Lâm Quang Đ1, Phạm Thanh H1, Bùi Minh Đ2, Phan Thị N2, Phạm Thị H2 và Nguyễn Trung H4 phạm tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Bị cáo Đoàn Thị T3 phạm tội “Mua bán trái phép hóa đơn”.

- Căn cứ điểm d khoản 2 Điều 219; các điểm b, s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 58; Điều 65 Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Lâm Quang Đ1 3 (Ba)năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 05 (Năm) năm tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

- Căn cứ điểm d khoản 2, khoản 4 Điều 219; các điểm b, s, t, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54; Điều 58; Điều 65 Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Phạm Thanh H1 24 (Hai mươi bốn) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 48 (Bốn mươi tám) tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

- Căn cứ điểm d khoản 2, khoản 4 Điều 219; các điểm b, s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54; Điều 58; Điều 65 Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Bùi Minh Đ2 24 (Hai mươi bốn) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 48 (Bốn mươi tám) tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

- Căn cứ điểm d khoản 2, khoản 4 Điều 219; các điểm b, s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54; Điều 58; Điều 65 Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Phan Thị N2 18 (Mười tám) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 36 (Ba mươi sáu) tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

- Căn cứ điểm d khoản 2, khoản 4 Điều 219; các điểm b, s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54; Điều 58; Điều 65 Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Phạm Thị H2 18 (Mười tám) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 36 (Ba mươi sáu) tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

- Căn cứ khoản 1, khoản 4 Điều 219; các điểm b, s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 58; Điều 36 Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Nguyễn Trung H4 12 (Mười hai) tháng cải tạo không giam giữ. Thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ tính từ ngày Trường trung cấp nghề N nhận được Quyết định thi hành án đối với bị cáo Nguyễn Trung H4. Khấu trừ 5% thu nhập hàng tháng trong thời gian chấp hành án đối với bị cáo Nguyễn Trung H4 để sung quỹ Nhà nước.

Hình phạt bổ sung: Cấm các bị cáo Phạm Thanh H1, Bùi Minh Đ2, Phan Thị N2, Phạm Thị H2 và Nguyễn Trung H4 đảm nhiệm chức vụ trong thời hạn 01 năm kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.

- Căn cứ điểm d khoản 2, khoản 3 Điều 203; các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 65 Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Đoàn Thị T3 12 (Mười hai) thángtù nhưngcho hưởng án treo, thời gian thử thách 24 (Hai mươi bốn) tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Hình phạt bổ sung: Phạt tiền bị cáo Đoàn Thị T3 20.000.000đ (Hai mươi triệu đồng) để sung quỹ nhà nước.

Giao các bị cáo Lâm Quang Đ1 và Đoàn Thị T3 cho Ủy ban nhân dân xã P, huyện N, tỉnh Ninh Bình giám sát, giáo dục các bị cáo trong thời gian thử thách. Gia đình các bị cáo Lâm Quang Đ1 và Đoàn Thị T3 có trách nhiệm phối hợp với UBND xã P, huyện N, tỉnh Ninh Bình giám sát giáo dục các bị cáo.

Giao các bị cáo Phạm Thanh H1, Bùi Minh Đ2, Phan Thị N2 và Phạm Thị H2 cho Trung tâm điều dưỡng thương binh N; bị cáo Nguyễn Trung H4 cho Trường trung cấp nghề N giám sát, giáo dục các bị cáo trong thời gian thử thách án treo và chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ. Gia đình các bị cáo Phạm Thanh H1, Bùi Minh Đ2, Phan Thị N2, Phạm Thị H2 và Nguyễn Trung H4 có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức trong việc giám sát, giáo dục các bị cáo.

Trường hợp các bị cáo Lâm Quang Đ1, Phạm Thanh H1, Bùi Minh Đ2, Phan Thị N2, Phạm Thị H2 và Đoàn Thị T3 thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự.

“Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo”.

2. Trách nhiệm dân sự: Căn cứ Điều 48 Bộ luật Hình sự; các điều 584; 585; 587; 589 Bộ luật Dân sự.

-Buộc các bị cáo Lâm Quang Đ1, Phạm Thanh H1, Bùi Minh Đ2, Phan Thị N2, Phạm Thị H2, Nguyễn Trung H4 và Đoàn Thị T3 phải có trách nhiệm liên đới bồi thường cho 02 nguyên đơn dân sự là Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình và Sở lao động thương binh và xã hội tỉnh Ninh Bình tổng số tiền 953.535.071 đồng.Cụ thể như sau:

- Trả về Ngân sách trung ương thông qua đại diện là Sở lao động thương binh và xã hội tỉnh Ninh Bình số tiền 200.000.000đ (Hai trăm triệu) đồng.

- Trả về Ngân sách địa phương thông qua đại diện làỦy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình số tiền 753.535.071đ (Bảy trăm năm mươi ba triệu năm trăm ba lăm nghìn không trăm bảy mốt) đồng.

Cụ thể phần của các bị cáo như sau:

- Bị cáo Lâm Quang Đ1 phải bồi thường số tiền 264.599.756 đồng được trừ đi số tiền 110.000.000 đồng đã nộp (bị cáo đã nộp 60.000.000 đồng tại Cơ quan điều tra và 50.000.000 đồng theo Biên lai thu tiền số AA/2013/0002726 ngày 08/10/2019 tại Cục thi hành án dân sự tỉnh Ninh Bình) còn phải nộp tiếp số tiền 154.599.756đ (Một trăm năm mươi tư triệu năm trăm chín chín nghìn bảy trăm năm sáu) đồng.

- Bị cáo Phạm Thanh H1 phải nộp số tiền 176.399.837 đồng được trừ đi số tiền 100.000.000 đồng đã nộp trước (bị cáo đã nộp 60.000.000 đồng tại Cơ quan điều tra và 40.000.000 đồng theo Biên lai thu tiền số AA/2013/0002539 ngày 01/10/2019 tại Cục thi hành án dân sự tỉnh Ninh Bình). Bị cáo còn phải nộp tiếp số tiền 76.399.837đ (Bảy sáu triệu ba trăm chín chín nghìn tám trăm ba bảy) đồng.

- Bị cáo Bùi Minh Đ2 phải nộp số tiền 176.399.837 đồngđược trừ đi số tiền 100.000.000 đồng đã nộp trước (bị cáo đã nộp 70.000.000 đồng tại Cơ quan điều tra và 30.000.000 đồng theo Biên lai thu tiền số AA/2013/0002540 ngày 01/10/2019 tại Cục thi hành án dân sự tỉnh Ninh Bình). Bị cáo còn phải nộp tiếp số tiền 76.399.837đ (Bảy sáu triệu ba trăm chín chín nghìn tám trăm ba bảy) đồng.

- Bị cáo Phan Thị N2 phải nộp số tiền 132.299.878 đồng được trừ đi số tiền 60.000.000 đồng đã nộp trước (cụ thể bị cáo đã nộp 10.000.000 đồng tại Cơ quan điều tra và 50.000.000 đồng theo Biên lai thu tiền số AA/2013/0002815 ngày 01/10/2019 tại Cục thi hành án dân sự tỉnh Ninh Bình). Bị cáo còn phải nộp tiếp số tiền 72.299.878đ (Bảy hai triệu hai trăm chín chín nghìn tám trăm bảy tám) đồng.

- Bị cáo Phạm Thị H2 phải nộp số tiền 88.199.918 đồngđược trừ đi số tiền 30.000.000 đồng đã nộp theo Biên lai thu tiền số AA/2013/0002725 ngày08/10/2019 tại Cục thi hành án dân sự tỉnh Ninh Bình). Bị cáo còn phải nộp tiếp số tiền 58.199.918đ (Năm tám triệu một trăm chín chín nghìn chín trăm mười tám) đồng.

- Bị cáo Nguyễn Trung H4 phải nộp số tiền 44.099.959 đồng được trừ đi số tiền 40.000.000 đồng đã nộp trước (bị cáo đã nộp 10.000.000 đồng tại Cơ quan điều tra và 30.000.000 đồng theo Biên lai thu tiền số AA/2013/0002816 ngày 01/10/2019 tại Cục thi hành án dân sự tỉnh Ninh Bình). Bị cáo còn phải nộp tiếp số tiền 4.099.959đ (Bốn triệu không trăm chín chín nghìn chín trăm năm chín) đồng.

- Bị cáo Đoàn Thị T3 phải nộp số tiền 71.535.886 đồngđược trừ đi số tiền 45.000.000 đồng đã nộp trước tại Cơ quan điều tra. Bị cáo còn phải nộp tiếp số tiền 26.535.886đ (Hai sáu triệu năm trăm ba mươi lăm nghìn tám trăm tám sáu) đồng.

Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

3. Biện pháp tư pháp và xử lý vật chứng: Căn cứ Điều 47 Bộ luật Hình sự; Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự.

- Trả lại cho Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình số tiền 40.835.960 đồnggồm:

+ Số tiền 6.300.000 đồng ông Lê Văn C1, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân C1 tự nguyện giao nộp.

+ Số tiền 22.700.000 đồng chị Vũ Thị H5 đã tự nguyện giao nộp (nằm trong số tiền 24.500.000 đồng chị H5 bán 05 hóa đơn cho Trung tâm điều dưỡng thương binh Nho Quan về tiền thuốc diệt mối năm 2015, 2017 và 01 máy phục hồi chức năng).

+ Số tiền 6.525.000 đồng anh Nguyễn Ngọc H6 tự nguyện giao nộp.

+ Số tiền 5.310.960 đồng chị Nguyễn Thị Lan A tự nguyện giao nộp.

- Tịch thu sung quỹ Nhà nước số tiền 1.800.000đ (Một triệu tám trăm nghìn) đồng chị H5 thu lời bất chính và nộp lại cho Cơ quan điều tra (nằm trong số tiền 24.500.000 đồng chị Huệ giao nộp).

- Truy thu số tiền 2.657.810đ (Hai triệu sáu trăm năm bảy nghìn tám trăm mười) đồng từ bị cáo Đoàn Thị T3 để sung quỹ Nhà nước.

- Tiếp tục quản lý số tiền 527.635.960đồng bao gồm số tiền 297.635.960 đồngđang gửi tại tài khoản tạm giữ số 3949.0.1054125.00000 của Cục thi hành án dân sự tỉnh Ninh Bình tại Kho bạc nhà nước tỉnh Ninh Bình theo ủy nhiệm chi số 01 lập ngày 08/8/2019, đơn vị trả tiền Công an tỉnh Ninh Bìnhvà số tiền 230.000.000 đồng các bị cáo Lâm Quang Đ1, Phạm Thanh H1, Bùi Minh Đ2, Phan Thị N2, Phạm Thị H2 và Nguyễn Trung H4 đã nộp trong quá trình chuẩn bị xét xử sơ thẩm để đảm bảo thi hành án.

4. Án phí: Căn cứ khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Bị cáo Lâm Quang Đ1 không phải nộp án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm.

Bị cáo Phạm Thanh H1 phải chịu 200.000đ (Hai trăm nghìn) đồng án phí hình sự sơ thẩm và 3.819.991đ (Ba triệu tám trăm mười chín nghìn chín trăm chín mốt) đồng án phí dân sự sơ thẩm.

Bị cáo Bùi Minh Đ2 phải chịu 200.000đ (Hai trăm nghìn) đồng án phí hình sự sơ thẩm và 3.819.991đ (Ba triệu tám trăm mười chín nghìn chín trăm chín mốt) đồng án phí dân sự sơ thẩm.

Bị cáo Phan Thị N2 phải chịu 200.000đ (Hai trăm nghìn) đồng án phí hình sự sơ thẩm và 3.614.993đ (Ba triệu sáu trăm mười bốn nghìn chín trăm chín ba) đồng án phí dân sự sơ thẩm.

Bị cáo Phạm Thị H2 phải chịu 200.000đ (Hai trăm nghìn) đồng án phí hình sự sơ thẩm và 2.909.995đ (Hai triệu chín trăm linh chín nghìn chín trăm chín lăm) đồng án phí dân sự sơ thẩm.

Bị cáo Nguyễn Trung H4 phải chịu 200.000đ (Hai trăm nghìn) đồng án phí hình sự sơ thẩm và 300.000đ (Ba trăm nghìn) đồng án phí dân sự sơ thẩm.

Bị cáo Đoàn Thị T3 phải chịu 200.000đ (Hai trăm nghìn) đồng án phí hình sự sơ thẩm và 1.459.684đ (Một triệu bốn trăm năm chín nghìn sáu trăm tám tư) đồng án phí dân sự sơ thẩm.

Án xử công khai sơ thẩm các bị cáo có mặt được quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Người đại diện theo pháp luật của nguyên đơn dân sự ông Đinh Văn Đ3 và ông Lâm Xuân P2; người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án vắng mặt có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

95
  • Tên bản án:
    Bản án về tội mua bán trái phép hóa đơn (lập khống chứng từ mua thuốc điều trị cho thương bệnh binh) số 22/2019/HS-ST
  • Cơ quan ban hành:
  • Số hiệu:
    22/2019/HS-ST
  • Cấp xét xử:
    Sơ thẩm
  • Lĩnh vực:
    Hình sự
  • Ngày ban hành:
    10/10/2019
  • Từ khóa:
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội mua bán trái phép hóa đơn (lập khống chứng từ mua thuốc điều trị cho thương bệnh binh) số 22/2019/HS-ST

Số hiệu:22/2019/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Ninh Bình
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 10/10/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về