Bản án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản số 66/2023/HS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ B, TỈNH LÂM ĐỒNG

BẢN ÁN 66/2023/HS-ST NGÀY 20/06/2023 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày 20 tháng 6 năm 2023 tại Hội trường xét xử Tòa án nhân dân thành phố B (TP. B), tỉnh Lâm Đồng xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 53/2023/HSST ngày 09 tháng 5 năm 2023 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 57/2023/QĐXXST- HS ngày 05 tháng 6 năm 2023 đối với bị cáo:

Họ và tên: Phạm Thị Trâm A, tên gọi khác: Không; giới tính: Nữ; sinh năm: 1980, tại: Đồng Nai; Nơi ĐKNKTT: Số K đường P, Phường M, TP. B, Lâm Đồng; nơi cư trú: Số H đường C, phường N, Quận J, TP. Hồ Chí Minh; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Phật giáo; trình độ văn hóa: 12/12; nghề nghiệp: Lao động tự do; con ông: Phạm Văn Th và bà: Bùi Thị H; chồng: Ch Ch Y, sinh năm 1979 và có 04 người con, lớn nhất sinh năm 2011, nhỏ nhất sinh năm 2020; tiền án, tiền sự: Không; bị áp dụng biện pháp tạm giam từ ngày 29/12/2022 cho đến nay, có mặt.

- Bị hại: Ông Lữ Anh T, sinh năm 1973; trú tại: Thôn K, xã Đ, TP. B, tỉnh Lâm Đồng, vắng mặt.

- Người làm chứng:

1. Bà Nguyễn Thị Đ, sinh năm 1963; trú tại: Thôn K, xã Đ, TP. B, tỉnh Lâm Đồng, vắng mặt.

2. Ông Lữ Văn S, sinh năm 1949; trú tại: Thôn K, xã Đ, TP. B, tỉnh Lâm Đồng, vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Năm 2011, Phạm Thị Trâm A là người không có nghề nghiệp nên đã vay tiền của bà B (chưa rõ nhân thân, lai lịch) với số tiền hơn 100.000.000 đồng để cho người khác vay lại nhằm mục đích hưởng lợi tiền chênh lệch. Tuy nhiên sau đó có một số người không trả tiền cho Trâm A nên Trâm A không trả được nợ cho bà B. Vào khoảng tháng 5 năm 2012, Trâm A tình cờ biết được thông tin có thể kiếm tiền thông qua hình thức làm thủ tục vay vốn ngân hàng nên đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của người khác bằng hình thức này. Thực hiện ý định, trong quá trình nói chuyện với bà Nguyễn Thị Đ (X), nơi cư trú: Thôn K, xã Đ, thành phố B, Trâm A nói dối là có quen biết với người làm trong Ngân hàng, ai muốn vay mà chịu chi sẽ vay dễ hơn. Nghe vậy, bà Đ dẫn Trâm A đến gặp ông Lữ Văn T, nơi cư trú: Thôn K, xã Đ, thành phố B. Tại đây, ông T đặt vấn đề muốn vay vốn ngân hàng với số tiền 400.000.000 đồng nên nhờ Trâm A giúp. Lúc này, Trâm A nói dối là Trâm A quen với ông Phạm H- Giám đốc Ngân hàng BIDV Bảo Lộc, nếu ông T chịu chi thì sẽ vay được số tiền như ý muốn và phải đưa trước cho Trâm A số tiền 10.000.000 đồng để Trâm A đưa cho cán bộ làm hồ sơ. Đồng thời Trâm A nói với ông T phải cung cấp bản phô tô giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (tài sản thế chấp), CMND và sổ hộ khẩu của gia đình ông T. Nghe vậy, ông T tin tưởng đồng ý. Khoảng 4- 5 ngày sau, ông T giao số tiền 10.000.000 đồng và hồ sơ vay vốn cho Trâm A tại quán cà phê H, địa chỉ số X đường L, Phường Y, TP. B. Khoảng 02 ngày sau, Trâm A yêu cầu ông T đưa thêm số tiền 25.000.000 đồng để bồi dưỡng cho cán bộ Ngân hàng. Ông T tiếp tục đồng ý vào giao cho Trâm A số tiền 25.000.000 đồng tại một quán cà phê (nay là quán ăn B) địa chỉ số M đường P, Phường Y, TP. B. Để cho ông T tin tưởng hơn, Trâm A nhờ người đàn ông tên A (chưa rõ nhân thân, lai lịch) đóng giả làm cán bộ Ngân hàng BIDV Bảo Lộc, sử dụng tên giả là Nguyễn Bảo A đến nhà ông T giả vờ thẩm định tài sản thế chấp. Sau khi A về, Trâm A gọi điện thoại cho ông T, nói dối là làm thủ tục vay vốn ở ngân hàng khác sẽ vay được số tiền tối đa là 1,3 tỷ và đề nghị ông T phải đưa thêm số tiền 30.000.000 đồng, hẹn 01 tuần sau sẽ vay được vốn. Khoảng 05 ngày sau, ông T đưa cho Trâm A số tiền 30.000.000 đồng tại quán cà phê B, ở địa chỉ số H đường Ng, Phường T, TP. B. Do đến hẹn nhưng không vay được vốn, ông T yêu cầu Trâm A viết 01 giấy nhận tiền để chốt số tiền Trâm A đã nhận từ ông T là 65.000.000 đồng và cam kết đến ngày 13/7/2012 phải hoàn trả lại. Tuy nhiên, đến hẹn Trâm A không hoàn trả lại được số tiền nói trên cho ông T, đến tháng 02 năm 2013, Trâm A đã bỏ đi khỏi nơi cư trú, chặn liên lạc với ông T nhằm chiếm đoạt số tiền 65.000.000 đồng. Đối với số tiền chiếm đoạt được, Trâm A đã trả nợ cho bà B và tiêu xài cá nhân hết. Đối với bản phô tô giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (tài sản thế chấp), CMND và sổ hộ khẩu của gia đình ông T thì Trâm A đã vứt đi. Do đó, Cơ quan CSĐT Công an TP. B không thu hồi được.

Đến ngày 17/12/2013 Cơ quan CSĐT Công an TP. B đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Thị Trâm A về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, do không xác định được Phạm Thị Trâm A ở đâu nên Cơ quan CSĐT Công an TP. B đã ra Quyết định truy nã số 04 ngày 14/01/2014 đồng thời ra Quyết định tạm đình chỉ điều tra đối với vụ án và bị can. Đến ngày 29/12/2022 thì Phạm Thị Trâm A bị Công an phường N, Quận L, Tp. Hồ Chí Minh bắt và dẫn giải đến Cơ quan CSĐT Công an TP. B.

Về trách nhiệm dân sự: Ông Lữ Văn T yêu cầu bị cáo phải bồi thường cho ông T số tiền 90.000.000 đồng bao gồm tiền gốc và tiền lãi phát sinh.

Tại phiên tòa bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội của mình đúng như cáo trạng đã nêu, không thắc mắc khiếu nại gì đối với nội dung bản cáo trạng. Bản Cáo trạng số 68/CT-VKSBL ngày 04 tháng 5 năm 2023 của Viện kiểm sát nhân dân TP. B, tỉnh Lâm Đồng truy tố bị cáo Phạm Thị Trâm A về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm c khoản 2 Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát giữ nguyên quyết định truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm c khoản 2 Điều 174; điểm s khoản 1 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 2015 xử phạt bị cáo A từ 03 đến 04 năm tù, về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và đề nghị không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo.

Về phần Dân sự: Buộc bị cáo bồi thường cho bị hại số tiền 90.000.000 đồng. Buộc bị cáo Anh phải nộp án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm..

Bị cáo nói lời sau cùng: Bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:

[1]. Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra công an TP. B, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân TP. B, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Tại phiên tòa bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Về căn cứ xác định tội: Để có tiền trả nợ và tiêu xài cá nhân, vào tháng 05 năm 2012 tại địa bàn thành phố B, Lâm Đồng, Phạm Thị Trâm A đã thực hiện hành vi dùng thủ đoạn gian dối giả làm người quen của cán bộ làm trong ngân hàng để tạo niềm tin. Thông qua mối quan hệ quen biết, Phạm Thị Trâm A đã nhận làm hồ sơ vay vốn ngân hàng cho ông Lữ Văn T và yêu cầu ông T 03 lần đưa tiền cho Trâm A với tổng số tiền 65.000.000 đồng để làm thủ tục vay vốn. Sau khi nhận được số tiền trên, Trâm A không làm thủ tục vay vốn cho ông T mà sử dụng vào mục đích cá nhân và bỏ trốn khỏi nơi cư trú nhằm chiếm đoạt toàn bộ số tiền trên. Đối chiếu lời khai của bị cáo, bị hại, người làm chứng có đủ căn cứ khẳng định hành vi của bị cáo Anh đã phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tội danh và hình phạt được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.

[3] Về tính chất mức độ, hậu quả hành của vi phạm tội: Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác thể hiện thái độ coi thường pháp luật, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Vì vậy, cần áp dụng cho bị cáo một hình phạt nghiêm khắc để giáo dục riêng và phòng ngừa chung.

[4] Về nhân thân, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Bị cáo là người có nhân tốt, không có tiền án, tiền sự; quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo thành khẩn khai báo nên được áp dụng điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 để giảm nhẹ cho bị cáo một phần hình phạt. Bị cáo thực hiện 03 hành vi lừa đảo, mỗi lần trên 2.000.000 đồng nên bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Phạm tội hai lần trở lên, quy định tại tại điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự. Xét cần cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian mới đủ tính răn đe, giáo dục.

[5] Về trách nhiệm dân sự: Bị hại yêu cầu bị cáo trả lại số tiền đã nhận là 65.000.000 đồng và khoản tiền lãi phát sinh từ năm 2012 đến thời điểm xét xử là 25.000.000 đồng, tổng cộng hai khoản là 90.000.000 đồng. Tại phiên tòa bị cáo chấp nhận trả số tiền trên cho bị hại do vậy Hội đồng xét xử ghi nhận, buộc bị cáo có nghĩa vụ trả cho bị hại số tiền 90.000.000 đồng.

[6] Về hình phạt bổ sung: Xét bị cáo không có nghề nghiệp nên không áp dụng hình phạt bổ sung.

[7] Đối với bà Nguyễn Thị Đ, là người giới thiệu Phạm Thị Trâm A cho Lữ Văn T để Trâm A thực hiện hành vi phạm tội. Tuy nhiên, tại thời điểm đó bà Đ không biết được mục đích thực hiện hành vi của Trâm A và không được hưởng lợi gì từ việc này. Do đó, Cơ quan CSĐT Công an TP. B không xem xét trách nhiệm hình sự đối với hành vi của bà Đ là có căn cứ và đúng pháp luật.

Đối với người tên An, là người được Phạm Thị Trâm A nhờ đóng giả làm cán bộ Ngân hàng BIDV đến nhà ông T để thẩm định tài sản thế chấp. Tuy nhiên hiện chưa xác định được nhân thân lai lịch của đối tượng này để làm rõ ý thức, vai trò của đối tượng này trong vụ án nên Cơ quan CSĐT Công an TP. B đã tách ra để tiếp tục xác minh và xử lý sau là có căn cứ và đúng pháp luật.

[8] Về án phí: Buộc bị cáo A phải chịu án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm theo quy định Vì các lẽ trên:

QUYẾT ĐỊNH

1/ Tuyên bố bị cáo Phạm Thị Trâm A phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”;

Áp dụng điểm c khoản 2 Điều 174; điểm s khoản 1 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 2015: Xử phạt bị cáo Phạm Thị Trâm A 03 (Ba) năm, 06 (Sáu) tháng tù; thời hạn tù tính từ ngày 29/12/2022.

2/ Về phần dân sự: Áp dụng Điều 48 Bộ luật Hình sự; Điều 589 Bộ luật dân sự buộc bị cáo Phạm Thị Trâm A có nghĩa vụ trả lại cho ông Lữ Văn T số tiền 90.000.000 đồng (Chín mươi triệu đồng).

Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

3/ Về án phí: Căn cứ Khoản 2 Điều 136 Bộ luật tố tụng Hình sự và Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 của Quốc Hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án buộc bị cáo A phải nộp 200.000đ (hai trăm ngàn đồng) án phí hình sự sơ thẩm và 4.500.000đồng (Bốn triệu năm trăm ngàn đồng) án phí DSST.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án bị cáo có quyền kháng cáo; riêng bị hại vắng mặt có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận hoặc ngày niêm yết bản án để yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng xét xử phúc thẩm.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

26
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản số 66/2023/HS-ST

Số hiệu:66/2023/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thành phố Bảo Lộc - Lâm Đồng
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 20/06/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về