TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC
BẢN ÁN 60/2022/HS-PT NGÀY 11/08/2022 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN
Ngày 11 tháng 8 năm 2022, tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 18/2022/TLPT-HS ngày 16 tháng 02 năm 2022 đối với bị cáo Nguyễn Thị Thùy L do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 177/2021/HS-ST ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Tòa án nhân dân thành phố V, tỉnh Vĩnh Phúc.
- Bị cáo có kháng cáo: Nguyễn Thị Thùy L, sinh ngày 14/10/1994, tại Hà Nội; tên gọi khác: Không; nơi đăng ký HKTT và nơi ở: Số 1, ngách 266/8, ngõ 266, tổ dân phố N, phường U, quận I, thành phố Hà Nội; nghề nghiệp: Lao động tự do; giới tính: Nữ; Quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; văn hóa: 12/12; con ông Nguyễn Tiến T và bà Bùi Thị C; có chồng là Nguyễn Thành C và có 01 con; tiền án, tiền sự: Không; bị cáo tại ngoại; “có mặt”.
- Người bào chữa cho bị cáo: Ông Nguyễn Minh T và ông Nguyễn Hồng Đ, Luật sư Công ty Luật A, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội; địa chỉ: Số 5, ngõ 104A, đường U, phường Ô, quận I, Thành Phố Hà Nội; “đều vắng mặt”.
- Bị hại: Công ty Cổ phần Du lịch B.
Địa chỉ: Số 25, lô S4, Khu S, phường Liên Bảo, thành phố V, tỉnh Vĩnh Phúc.
- Người đại diện theo pháp luật: Ông Phạm Trung H, chức vụ: Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch B; “có mặt”.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án:
- Chị Nguyễn Thị Thương Y, sinh năm 1983; nơi cư trú: Phòng 506, nhà 5T2, chung cư X, phường Liên Bảo, thành phố V, tỉnh Vĩnh Phúc; “có mặt”.
- Bị hại không kháng cáo, Viện kiểm sát không kháng nghị.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Khoảng tháng 7/2018, thông qua công việc làm ăn, kinh doanh dịch vụ lữ hành, chị Nguyễn Thị Thương Y đang làm việc tại Công ty Cổ phần Du lịch B (viết tắt: Công ty B); địa chỉ tại phường E, thành phố V, tỉnh Vĩnh Phúc (chị Y có nhiệm vụ điều hành, thiết kế các chương trình du lịch trong và ngoài nước). Quá trình làm việc, chị Y có quan hệ quen biết với Nguyễn Thị Thùy L (nhân viên kinh doanh mua bán vé máy bay của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lữ hành Quốc tế Q (viết tắt: Công ty Q), địa chỉ tại quận G, thành phố Hà Nội. Do tính chất công việc, các lần làm việc với nhau giữa chị Y và L đều thực hiện bằng hình thức liên lạc qua thư điện tử Email (giữa tài khoản Email của L là Lanhtravel9339@gmail.com, L1994.1992@gmail.com với tài khoản Email của chị Y là “phongveB@gmail.com”) và điện thoại di động. Theo tiến trình làm việc, căn cứ yêu cầu mua vé máy bay của khách hàng, chị Y tiến hành đặt giữ chỗ hành khách bay trên hệ thống đặt mua vé Online của Hãng hàng không Vietjet Air, hệ thống niêm yết giá của Hãng hàng không Vietjet Air sẽ gửi thư điện tử xác nhận đặt chỗ kèm theo giá tiền cần phải thanh toán. Sau đó, chị Y gửi thông tin khách hàng có nhu cầu mua vé máy bay đi du lịch cho L kèm theo giá tiền cụ thể khi đặt giá vé trên hệ thống Hãng hàng không Vietjet Air. Căn cứ vào giá chị Y đã đưa ra, L sẽ xem có thể đặt mua vé với giá rẻ hơn và thông báo lại cho chị Y biết. Trong khoảng thời gian nửa ngày, L sẽ trả lời lại mua được vé với giá rẻ hơn so với giá chị Y đã đưa ra và tiến hành thỏa thuận với chị Y. Khi chị Y và L đã thống nhất được giá cả, L gửi lại một thư điện tử cho chị Y về thông tin chuyến bay của từng khách hàng, mã đặt chỗ và tình trạng đặt chỗ là “Chưa thanh toán” trùng khớp với thông tin hành khách của chị Y (có nghĩa là L sẽ phải đặt giữ chỗ một lần nữa trên hệ thống hãng hàng không Vietjet Air), trong thư điện tử L gửi sẽ không thể hiện giá tiền mua vé. Chị Y kiểm tra thông tin hành khách thấy trùng khớp rồi thông báo cho anh Phạm Trung H (Giám đốc của Công ty B) ký xác nhận đồng ý để chị Lê Thị Hồng V (Thủ quỹ của Công ty B) chuyển tiền của Công ty cho L qua hệ thống chuyển tiền điện tử của Ngân hàng từ tài khoản số 19032985528012 mang tên Lê Thị Hồng V tại Ngân hàng Techcombank - Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc đến tài khoản của Nguyễn Thị Thùy L, số tài khoản 19026199324888 Ngân hàng Techcombank - Chi nhánh Hoàng Cầu thuộc quận G, thành phố Hà Nội để L mua vé trên hệ thống. Sau đó, L tiến hành làm việc với hệ thống hãng hàng không để xuất vé cho chị Y. Khi đã đặt xong vé, Hãng hàng không Vietjet Air sẽ gửi Email cho L một thư điện tử nội dung về tình trạng đặt chỗ là “Đã xác nhận” (tức là vé đã được thanh toán tiền đặt chỗ xong cho hãng hàng không và hoàn thành việc đặt mua vé máy bay cho hành khách của chị Y). Sau đó, L sẽ tiến hành chuyển tiếp thư này đến địa chỉ Email của chị Y để thông báo cho chị Y biết là đã đặt xong vé máy bay. Thời gian thực hiện việc mua vé máy bay như nêu trên thường trong khoảng thời gian 24 giờ do các quy định đặt mua vé máy bay của Hãng hàng không Vietjet Air. Trong quá trình thỏa thuận mua vé với nhau, chị Y không phải chi trả thêm chi phí giảm giá vé cho L. Thời gian đầu, do chưa hoàn toàn tin tưởng, chị Y chỉ đặt số lượng vé máy bay cho những khách lẻ, số lượng người ít (khoảng 3 đến 4 người). Sau một số lần thực hiện thành công việc mua vé máy bay thông qua L với giá vé máy bay rẻ hơn so với giá chị Y đã kiểm tra trên hệ thống đặt vé nên chị Y tin tưởng L hơn và tiến hành đặt vé với số lượng lớn hơn, hành khách nhiều hơn để Công ty được hưởng thêm nhiều lợi nhuận.
Với cách thức như trên, ngày 23/3/2019, chị Y đại diện cho Công ty B đã liên hệ với L và đặt mua 16 vé máy bay chặng Đà Nẵng về Hà Nội, ngày bay 17/6/2019 mã hiệu chuyến bay VJ524; đồng thời gửi cho L thông tin về khách hàng, ngày giờ chuyến bay để L đặt vé. Chị Y tiến hành làm việc theo đúng quy trình đã thực hiện từ trước với L. Quá trình làm việc, L nói với chị Y đối với các vé máy bay này, L sẽ giúp chị Y mua với giá thấp hơn khoảng 100.000đ/vé so với giá chị Y đã kiểm tra trên hệ thống đặt mua vé của Hãng hàng không Vietjet Air và gửi cho L, nên chị Y tin tưởng và đồng ý để L đặt vé giá rẻ.
Đến ngày 29/3/2019, L gửi Email cho chị Y thông tin đặt chỗ của 16 vé máy bay trên, với trạng thái đặt chỗ là “Chưa thanh toán” và yêu cầu chị Y gửi cho L số tiền 17.565.000đ để L mua vé. Ngày 30/3/2019, chị Y đã báo chị Vân kế toán công ty B chuyển cho L số tiền 17.565.000đ. Ngày 01/4/2019, sau khi nhận được số tiền trên, L không đặt mua vé máy bay mà tiến hành chỉnh sửa nội dung thông tin đặt chỗ trên vé điện tử và xác nhận hành trình của Hãng hàng không Vietjet Air từ: “Chưa thanh toán” thành: “Đã xác nhận” rồi chuyển tiếp Email gửi cho chị Y và gọi điện thoại cho chị Y thông báo đã đặt mua được vé xong. Sau khi nhận được điện thoại và Email L gửi, chị Y kiểm tra trạng thái thông tin đặt chỗ vé máy bay hiển thị là: “Đã xác nhận”, chị Y tin tưởng L đã đặt mua 16 vé máy bay chặng Đà Nẵng về Hà Nội ngày bay 17/6/2019 mã hiệu chuyến bay VJ524 thành công nên chị Y không kiểm tra lại trên hệ thống của hãng hàng không Vietjet Air nữa.
Ngày 01/4/2019, chị Y tiếp tục liên hệ với L và đặt mua 20 vé người lớn, 01 vé trẻ em chặng Hà Nội đi Đà Nẵng, ngày bay 10/6/2019, mã hiệu chuyến bay VJ505 đồng thời gửi cho L thông tin về khách hàng, ngày giờ chuyến bay để L đặt vé. Ngày 16/4/2019, L gửi Email cho chị Y xác nhận thông tin đặt chỗ của 21 vé máy bay trên, với trạng thái đặt chỗ là: “Chưa thanh toán” và yêu cầu chị Y gửi cho L số tiền 25.719.000đ để đặt mua vé. Ngày 17/4/2019, L tiếp tục chỉnh sửa nội dung thông tin đặt chỗ trên vé điện tử và xác nhận hành trình của hãng hàng không Vietjet Air từ: “Chưa thanh toán” thành: “Đã xác nhận” rồi chuyển tiếp Email gửi cho chị Y và gọi điện thoại cho chị Y nói đã đặt mua được vé xong. Sau khi nhận được Email L gửi, chị Y tin tưởng L đã đặt mua vé xong nên đến ngày 18/4/2019 chị Y đã báo chị Vân thủ quĩ công ty B chuyển số tiền 25.719.000đ cho L để thanh toán tiền mua số vé trên, tuy nhiên sau khi nhận được tiền L không đặt mua vé máy bay cho chị Y như đã thỏa thuận.
Ngày 08/4/2019, chị Y liên hệ với L và đặt mua 35 vé chặng Hà Nội đi Phú Quốc, ngày bay 02/6/2019, mã hiệu chuyến bay VJ461 và 35 vé Phú Quốc về Hà Nội ngày bay 05/6/2019, mã hiệu chuyến bay VJ452 cùng thông tin về khách hàng, ngày giờ chuyến bay để L đặt vé. Cùng ngày 08/4/2019, L gửi Email cho chị Y xác nhận thông tin đặt chỗ của 70 vé máy bay trên, với trạng thái đặt chỗ là “Chưa thanh toán” và yêu cầu chị Y gửi cho L số tiền số tiền 109.004.000đ để đặt mua vé. Ngày 09/4/2019, chị Y đã báo chị Vân thủ quĩ công ty B chuyển cho L số tiền 109.004.000đ để đặt mua vé. Ngày 11/04/2019, sau khi nhận được tiền, L không đặt mua vé máy bay như đã thỏa thuận với chị Y mà tiến hành chỉnh sửa nội dung thông tin đặt chỗ trên vé điện tử và xác nhận hành trình của hãng hàng không Vietjet Air từ “Chưa thanh toán” thành “Đã xác nhận” rồi chuyển tiếp Email gửi cho chị Y và gọi điện thoại cho chị Y nói đã đặt mua được vé xong. Chị Y kiểm tra Email thấy vậy nên tin tưởng L đã đặt chỗ xong và không kiểm tra lại thông tin trên hệ thống của hãng hàng không Vietjet Air đối với số vé trên.
Ngày 04/5/2019, chị Y tiếp tục liên hệ với L và đặt mua 13 vé máy bay chặng từ Hà Nội đi Nha Trang, ngày bay 02/6/2019, mã hiệu chuyến bay VJ773 và 13 vé máy bay từ Đà Lạt đi Hà Nội ngày bay 06/6/2019, mã hiệu chuyến bay VJ404 cùng thông tin về khách hàng, ngày giờ chuyến bay để L đặt vé. Ngày 06/05/2019, L gửi Email cho chị Y xác nhận thông tin đặt chỗ của 26 vé máy bay trên, với trạng thái đặt chỗ là “Chưa thanh toán” và yêu cầu chị Y gửi cho L số tiền 39.862.000đ để đặt mua vé. Cùng ngày 06/05/2019, chị Y đã báo cho chị V là thủ quĩ công ty B làm thủ tục chuyển số tiền 39.862.000đ của Công ty B cho L để đặt mua vé máy bay.
Khoảng một tuần sau, chị Y không thấy L gửi vé điện tử và xác nhận hành trình với thông tin đặt chỗ tình trạng “Đã xác nhận” cho mình như những lần trước nên chị Y kiểm tra lại các mã đặt chỗ như đã nêu trên hệ thống Hãng hàng không Vietjet Air về tình trạng vé thì phát hiện tất cả các vé máy bay trong 04 lần đặt vé nêu trên đều chưa được hãng hàng không Vietjet Air xuất vé, không có thông tin vé như thư điện tử mà L đã gửi lại cho chị Y. Chị Y liên lạc với L thì L nói để chị Y yên tâm là vé đang được hệ thống xử lý, gần đến ngày bay thì sẽ đảm bảo có vé đầy đủ. Tuy nhiên, đến ngày 29/5/2019, L vẫn không đặt mua vé máy bay và chính thức thông báo cho chị Y biết không thể xuất vé cho toàn bộ số vé máy bay nêu trên đồng thời nhờ chị Y xử lý gấp. Do vậy, chị Y buộc phải sử dụng tiền của Công ty B để mua vé máy bay gấp để đảm bảo lịch trình của hành khách đã đặt mua vé với Công ty, tổng số tiền Công ty B phải trả để mua số vé đã đặt thông qua L là 226.457.000đ. Cụ thể: 13 vé chặng Hà Nội đi Nha Trang và 13 vé Đà Lạt đi Hà Nội với tổng số tiền 55.370.000đ vào ngày 29/5/2019; 35 vé chặng Hà Nội đi Phú Quốc và ngược lại Phú Quốc về Hà Nội với tổng số tiền 112.914.000đ vào ngày 30/5/2019 và ngày 03/6/2019; 20 vé người lớn, 01 vé trẻ em chặng Hà Nội đi Đà Nẵng với tổng số tiền 39.196.000đ vào ngày 05/6/2019 và ngày 08/6/2019; 16 vé chặng Đà Nẵng đi Hà Nội với tổng số tiền 18.977.000đ vào ngày 15/6/2019 và ngày 17/6/2019. Sau đó, ngày 10/8/2019 chị Y và L lập một biên bản ghi nhận sự việc và yêu cầu L phải trả số tiền 226.457.000đ trong vòng 01 tháng tuy nhiên đến hết thời hạn thanh toán, L vẫn không trả tiền nên chị Y đã viết đơn trình báo đến cơ quan Công an.
Tại bản Kết luận giám định số: 1564/KLGĐ ngày 12/4/2021 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Vĩnh Phúc kết luận: Trích xuất được dữ liệu là nội dung các thư điện tử có trong tài khoản Gmail có tên: phongveB@gmail.com với thư điện tử có địa chỉ L1994.1992@gmail.com và Lanhtravel9339@gmail.com. In ra văn bản các thư điện tử có nội dung số vé 80934043, 80934356, 80934568, 83065344, 83065377, 83065458, 83065500, 81558508, 81558588, 81558669, 81558727, 81558884, 81558976, 81559018, 81559123, 81579336, 81819299, 81819791, 81820162, 81820404, 83184521, 83184755, 83185924, 83186244, 82180083, 82180492, 82180588 từ trang 1 đến trang số 4. Số vé 89906565 các trang từ 1 đến 4 và trang từ 9 đến 12; số vé 80876433, 81596943, 81608045, 81607936 các trang từ 1 đến 4 và trang từ 16 đến 19; mã đặt chỗ 81598986 các trang từ 1 đến 4 và trang từ 15 đến 18 các nội dung thư điện tử được in ra trong Bản in dữ liệu kèm theo Kết luận giám định.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 177/2021/HS-ST ngày 31 tháng 12 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố V, tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định:
Tuyên bố bị cáo Nguyễn Thị Thùy L phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Căn cứ điểm c khoản 2 Điều 174 của Bộ luật hình sự 2015: Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị Thùy L 05 (Năm) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ bắt bị cáo đi thi hành án.
Căn cứ khoản 1 Điều 48 của Bộ luật hình sự; Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự; các Điều 584, 585 và 586 Bộ luật Dân sự 2015: Buộc bị cáo Nguyễn Thị Thùy L phải bồi thường cho Công ty Cổ phần Du lịch B số tiền 226.457.000đ (hai trăm hai mươi sáu triệu bốn trăm năm mươi bảy nghìn đồng); trong đó: 192.150.000đ tiền bị cáo chiếm đoạt và 34.307.000đ tiền bồi thường thiệt hại.
Ngoài ra bản án sơ thẩm còn quyết định về quyền và nghĩa vụ thi hành án dân sự, án phí, quyền kháng cáo của bị cáo và những người tham gia tố tụng khác.
Ngày 12/01/2022 bị cáo L kháng cáo bản án, với nội dung Hội đồng xét xử sơ thẩm chỉ căn cứ vào hành vi của bị cáo cho rằng bị cáo phạm tội là không đáp ứng đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm.
Ngày 05/6/2022, bị cáo L đã bồi thường cho bị hại là Công ty Cổ phần Du lịch B số tiền 226.457.000đ.
Ngày 07/6/2022, bị cáo L có đơn thay đổi nội dung kháng cáo: Đề nghị Tòa án giảm nhẹ, cho bị cáo hưởng án treo.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo L thừa nhận bản án sơ thẩm xét xử bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là đúng, không oan sai, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt và cho bị cáo hưởng án treo.
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện theo pháp luật của bị hại xác nhận bị cáo đã bồi thường đủ số tiền 226.457.000đ cho bị hại và đề nghị giảm hình phạt cho bị cáo.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu quan điểm:
- Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm b khoản 1 Điều 355, điểm c khoản 1 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự sửa bản án sơ thẩm thẩm số 177/2021/HS-ST ngày 31 tháng 12 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố V, tỉnh Vĩnh Phúc.
- Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm c khoản 2 Điều 174 của Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017; điểm b, s khoản 1 Điều 51, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự: Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị Thùy L từ 04 năm đến 04 năm 06 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt bị cáo đi thi hành án.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Đơn kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thị Thùy L làm trong thời hạn luật định nên được Hội đồng xét xử xem xét theo trình tự phúc thẩm.
Bị cáo tự nguyện từ chối luật sư Nguyễn Minh T và luật sư Nguyễn Hồng Đ bào chữa cho bị cáo nên Hội đồng xét xử xét xử vụ án không có Luật sư.
[2] Căn cứ vào lời khai của bị cáo, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và tranh tụng tại phiên tòa, đã có đủ cơ sở để xác định: Trong khoảng thời gian từ ngày 23/03/2019 đến ngày 04/5/2019, Nguyễn Thị Thùy L có nhận đặt mua vé máy bay giá rẻ cho Công ty B thông qua đại diện là chị Nguyễn Thị Thương Y, tuy nhiên L không đặt mua vé như đã thỏa thuận mà dùng thủ đoạn gian dối bằng việc tự chỉnh sửa nội dung thông tin đặt chỗ trên vé điện tử và xác nhận hành trình của hãng hàng không Vietjet Air từ “Chưa thanh toán” thành “Đã xác nhận” rồi chuyển tiếp Email đã chỉnh sửa đó cho chị Y. Sau khi nhận được các thông tin giả do L chuyển đến chị Y tin tưởng L đã đặt mua được vé xong của hãng nên chị Y đã báo cho chị Vân là kế toán công ty B làm thủ tục chuyển tiền của Công ty B cho L để đặt mua vé máy bay, sau đó bị L chiếm đoạt tiền. Tổng số tiền mà Nguyễn Thị Thùy L đã chiếm đoạt 4 lần của được của Công ty B là 192.150.000đ. Gần đến ngày khách bay, nhiều lần chị Y đề nghị L trả vé nhưng L không thực hiện và chiếm đoạt luôn số tiền 192.150.000đ của công ty B, Công ty B phải tiếp tục bỏ ra 226.457.000đ để mua vé cho khách để đảm bảo ngày giờ bay đúng lịch trình.
Như vậy, có đủ cơ sở để xác định bị cáo phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 174 của Bộ luật hình sự là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không oan sai.
[3] Xét kháng cáo của bị cáo thì thấy:
Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo đã nhận thức rõ tội lỗi của mình, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, trước khi xét xử phúc thẩm bị cáo tự nguyện bồi thường đầy đủ 226.457.000đ cho bị hại (trong đó có 192.150.000đ tiền bị cáo lừa đảo chiếm đoạt và 34.307.000đ tiền thiệt hại phát sinh do bị hại phải bù tiền mua vé cho khách) do đó bị cáo được hưởng thêm các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự. Ngày 06/6/2022 ông Phạm Trung H là đại diện theo pháp luật của bị hại có đơn xin miễn giảm trách nhiệm hình sự cho bị cáo L nên bị cáo được hưởng thêm một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, trong vụ án này có 4 lần bị cáo chiếm đoạt của bị hại, số tiền mỗi lần đều đủ định lượng để truy cứu trách nhiệm hình sự nên bị cáo phải chịu một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Phạm tội 02 lần trở lên” theo qui định tại điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự. Mặc dù bị cáo phải chịu thêm một tình tiết tăng nặng nhưng có thêm nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự so với khi xét xử sơ thẩm, bị cáo là nữ, đang nuôi con nhỏ nên Hội đồng xét xử khoan hồng, sửa bản án sơ thẩm giảm nhẹ một phần hình phạt song vẫn phải cách ly bị cáo khỏi xã hội một thời gian mới có tác dụng giáo dục bị cáo thành người có ích cho xã hội, không chấp nhận cho bị cáo được hưởng án treo.
Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát đề xuất về hình phạt đối với các bị cáo là có phần quá nghiêm khắc nên phạt tù bị cáo với mức thấp hơn hình phạt đại diện Viện kiểm sát đề xuất cũng đủ tác dụng giáo dục các bị cáo thành người có ích cho xã hội.
[4] Trong vụ án này đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố V có sai lầm là không đề nghị Hội đồng xét xử sơ thẩm áp tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Phạm tội 02 lần trở lên” theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự đối với bị cáo. Hội đồng xét xử sơ thẩm cũng không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Phạm tội 02 lần trở lên” theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự đối với bị cáo là thiếu sót. Viện kiểm sát nhân dân thành phố V và Hội đồng xét xử sơ thẩm cần rút kinh nghiệm.
[5] Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại: Không ai kháng cáo, kháng nghị bản án sơ thẩm về phần bồi thường thiệt hại, nhưng trước khi xét xử phúc thẩm, (ngày 05/6/2022 ) bị cáo L đã tự nguyện bồi thường 226.457.000đ cho bị hại là Công ty Cổ phần Du lịch B (trong đó có 192.150.000đ tiền bị cáo lừa đảo chiếm đoạt và 34.307.000đ tiền thiệt hại phát sinh do bị hại phải bù tiền mua vé cho khách đặt vé máy bay) như bản án sơ thẩm đã quyết định. Ngày 05/6/2022 ông Phạm Trung H là Giám đốc Cổ phần Du lịch B đã có Giấy biên nhận tiền xác nhận việc L giao tiền cho công ty. Nay cần xác nhận bị cáo L đã bồi thường xong cho Công ty Cổ phần Du lịch B.
Tại phiên tòa ông Phạm Trung H đại diện bị hại không có ý kiến gì khác về dân sự nên Hội đồng xét xử không xét.
[6] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị nên Hội đồng xét xử không xét.
[7] Về án phí phúc thẩm: Kháng cáo của bị cáo được chấp nhận một phần nên bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
1. Căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 355 và điểm c khoản 1 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự: Chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thị Thùy L. Sửa Bản án sơ thẩm số 177/2021/HS-ST ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Tòa án nhân dân thành phố V, tỉnh Vĩnh Phúc.
2. Căn cứ điểm c khoản 2 Điều 174; điểm b, s khoản 1 , khoản 2 Điều 51;
điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017: Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị Thùy L 03 ( ba) năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt bị cáo đi thi hành án.
3. Căn cứ Điều 48 của Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017; khoản 2 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự; các Điều 584, 585 và 586 Bộ luật Dân sự 2015: Xác nhận bị cáo Nguyễn Thị Thùy L đã bồi thường thiệt hại xong cho Cổ phần Du lịch B số tiền 226.457.000đ (Hai trăm hai mươi sáu triệu bốn trăm năm mươi bảy nghìn đồng).
4. Về án phí phúc thẩm: Căn cứ Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội qui định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, bị cáo Nguyễn Thị Thùy L không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
5. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
6. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản số 60/2022/HS-PT
Số hiệu: | 60/2022/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Vĩnh Phúc |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 11/08/2022 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về