Bản án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản số 484/2021/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 484/2021/HS-PT NGÀY 22/10/2021 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày 22 tháng 10 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 640/2021/TLPT-HS ngày 27 tháng 7 năm 2021; do có kháng cáo của bị cáo Dương Ngọc A đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 23/2021/HS-ST ngày 22/6/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên.

* Bị cáo có kháng cáo:

Dương Ngọc A, tên gọi khác: Không, sinh năm 1992 tại Thái Nguyên;

Nơi đăng ký thường trú và chỗ ở: Xóm C2, xã C, huyện C1, tỉnh Thái Nguyên; nghề nghiệp trước khi bị khởi tố: Lao động tự do; trình độ văn hóa: 9/12; giới tính: Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Dương Văn B (đã chết) và con bà Dương Thị B1, sinh năm 1968; vợ, con chưa có; tiền án, tiền sự: Không; bị cáo bị tạm giữ, tạm giam ngày 29/12/2020 đến nay, có mặt.

* Người bào chữa cho bị cáo: Ông Trần Văn B2, Luật sư Công ty Luật B3, thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội; có mặt.

* Bị hại: Anh Nguyễn Văn B4 và chị Dương Thị B5, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Dương Thị B1 không kháng cáo, không liên quan đến nội dung kháng cáo nên Tòa án không triệu tập.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Dương Ngọc A thành lập Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển ELPASO Việt Nam, ngành nghề kinh doanh là tư vấn, môi giới bất động sản; trong quá trình hoạt động bị thua lỗ, nên bị cáo nảy sinh ý định lừa đảo để lấy tiền chi tiêu. Biết được vợ chồng anh Nguyễn Văn B4 và chị Dương Thị B5 có nhu cầu làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với thửa đất số 166, tờ bản đồ số 52 (11-I) từ đất trồng cây lâu năm sang đất thổ cư, mặc dù không có khả năng làm được, nhưng bị cáo đã chủ động gọi điện liên lạc với anh B4, đưa ra thông tin là mình có khả năng giúp anh B4 làm thủ tục để chuyển đổi mục đích sử dụng đối với thửa đất nêu trên, bị cáo đã ra mức chi phí là 250.000.000đ và tiền thuế phải đóng theo quy định của Nhà Nước; anh B4 đồng ý nên ngày 13/10/2019 giữa bị cáo và anh B4 ký kết hợp đồng ủy quyền do bị cáo soạn thảo sẵn; ngày 14/10/2019, anh B4 chuyển cho bị cáo 100.000.000đ vào tài khoản của bị cáo số 104003516911 mở tại Vietinbank chi nhánh thành phố Sông Công, Thái Nguyên và ngày 03/11/2019 anh B4 trực tiếp đưa cho bị cáo 100.000.000đ cùng bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đồng thời thỏa thuận khi nào bị cáo hoàn thành thủ tục, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới thì anh B4 nộp tiếp số tiền còn lại là 50.000.000đ; việc giao nhận tiền, giấy tờ có viết giấy biên nhận. Sau khi nhận được số tiền 200.000.000đ của anh B4, bị cáo đã không thực hiện như đã cam kết.

Đến tháng 8/2020 bị cáo nói dối phải nộp thuế cho Nhà nước, nên tiếp tục yêu cầu gia đình anh B4 đưa cho bị cáo số tiền 315.000.000đ để nộp thuế và hứa hẹn sau khi nộp thuế 01 tháng sẽ được cấp GCNQSD đất; vợ chồng anh B4 yêu cầu tự đi nộp thuế, nhưng bị cáo đưa ra nhiều lý do để yêu cầu anh B4 đưa tiền cho mình, ngày 21/8/2020 vợ chồng anh B4 trực tiếp đến văn phòng Công ty gặp bị cáo và chuyển vào tài khoản cho bị cáo số tiền 170.000.000đ và đưa trực tiếp 145.000.000đ cùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bản gốc), bị cáo A viết phiếu thu, sau khi lấy tiền bị cáo không làm gì mà sử dụng hết số tiền trên. Đến khoảng giữ tháng 10 năm 2020, sắp hết hạn hợp đồng, nhưng không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để giao cho vợ chồng anh B4, bị cáo đã tìm hiểu trên mạng xã hội và đặt mua 01 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả; sau khi có được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả, bị cáo hẹn gặp anh B4 để giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho anh B4 và lấy nốt số tiền 50.000.000đ. Ngày 23/10/2020, bị cáo đến nhà ông Dương Văn B6 (là bố vợ của anh B4) để giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho anh B4, nhưng do anh B4 nghi ngờ giấy giả nên đã yêu cầu A cùng mình đến Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên đối chiếu. Tại đây, nghi ngờ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do bị cáo đưa là giả, nên Văn phòng đăng ký đất đai đã lập biên bản tạm giữ để xử lý.

Tại Bản kết luận giám định số 1435/KL-KTHS, ngày 10/12/2020 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Thái Nguyên kết luận:

- Chữ viết qua liên giấy than trên mẫu giám định (ký hiệu A1) so với chữ viết của Dương Ngọc A trên mẫu so sánh (ký hiệu M6) là do cùng một người viết ra.

- Chữ ký dưới mục “Người lập phiếu, thủ trưởng” qua liên giấy than trên mẫu cần giám định (ký hiệu A1) so với chữ ký của Dương Ngọc A trên mẫu so sánh (ký hiệu M7) là do cùng một người ký ra.

- Các chữ ký tại vị trí thứ nhất từ phải sang trái trang thứ 1, 2, 3 và chữ ký dưới mục “Bên B” trên mẫu cần giám định (ký hiệu A2,A3) so với chữ ký của Dương Ngọc A trên mẫu so sánh (ký hiệu M7) là do cùng một người viết ra.

- Chữ viết dưới chữ ký mang tên Dương Ngọc A dưới mục “Bên B” trên mẫu cần giám định (ký hiệu A2) so với chữ viết dưới chữ ký của Dương Ngọc A trên mẫu so sánh (ký hiệu M6) do cùng một người viết ra.

- Không đủ cơ sở kết luận chữ ký “B5” qua liên giấy than trên mẫu cần giám định (ký hiệu A1) so với chữ ký của Dương Thị B5 trên mẫu so sánh (ký hiệu M8) có phải do cùng một người ký ra hay không.

- Chữ ký “B5” và chữ viết dưới chữ ký mang tên Dương Thị B5 qua liên giấy than trên mẫu cần giám định (ký hiệu A1) so với chữ ký của Dương Thị B5 trên mẫu so sánh (ký hiệu M8) do cùng một người viết ra.

- Chữ ký, chữ viết dưới chữ ký mang tên Nguyễn Anh B4 qua liên giấy than trên mẫu cần giám định (ký hiệu A1) so với chữ ký, chữ viết dưới chữ ký của Nguyễn Anh B4 trên mẫu so sánh (ký hiệu M9) do cùng một người ký và viết ra.

- Chữ ký, chữ viết dưới chữ ký mang tên Nguyễn Anh B4 trên mẫu cần giám định (ký hiệu A2, A3) so với chữ ký, chữ viết dưới chữ ký của Nguyễn Anh B4 trên mẫu so sánh (ký hiệu M9) do cùng một người ký và viết ra.

- Chữ ký tại vị trí thứ 2 từ phải sang trái ở cuối trang thứ 1, 2, 3 trên mẫu cần giám định (ký hiệu A2) so với chữ ký của nguyễn Anh B4 trên mẫu so sánh (ký hiệu M9) do cùng một người ký ra.

- Hình dấu trên mẫu cần giám định (ký hiệu A1, A2) so với hình dấu trên mẫu so sánh (ký hiệu M10) do cùng một con dấu đóng ra.

- Hình dấu tròn đỏ trên mẫu cần giám định (ký hiệu A4) in bằng phương pháp in phun màu.

- Chữ ký mang tên Nguyễn Thế B7 trên mẫu cần giám định (ký hiệu A4) so với chữ ký của Nguyễn Thế B7 trên mẫu so sánh (ký hiệu M5) không phải do cùng một người ký ra.

Tại Bản kết luận giám định số 143/KL-KTHS ngày 09/12/2020 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Thái Nguyên, kết luận: Dấu vân tay in dưới mục “Bên A” trên tài liệu cần giám định (ký hiệu A2) so với dấu vân tay in trên mẫu so sánh (ký hiệu M1, M2) do cùng một người in ra.

Với nội dung trên, tại Bản án hình sự sơ thẩm số 23/2021/HS-ST ngày 22/6/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã quyết định; áp dụng điểm a khoản 4, khoản 5 Điều 174; điểm b khoản 3 Điều 341; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38; Điều 55 Bộ luật hình sự; xử phạt bị cáo Dương Ngọc A 12 năm tù và phạt tiền 10.000.000đ về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 04 năm tù về tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”; buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai tội là 16 năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày 29/12/2020.

Ngoài ra, bản án còn buộc trách nhiệm dân sự, quyết định xử lý vật chứng, tuyên lãi suất chậm thi hành án, nghĩa vụ chịu án phí và tuyên quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 29/6/2021 bị cáo Dương Ngọc A có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo giữ nguyên nội dung kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; thay đổi nội dung kháng cáo cho rằng bị cáo chỉ sử dụng giấy tờ giả nhằm mục đích chiếm đoạt số tiền còn lại là 50.000.000đ, nên tội sẽ nhẹ hơn so với bản án sơ thẩm. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội phát biểu quan điểm: Sau khi phân tích, đánh giá tính chất, hành vi phạm tội của bị cáo thấy rằng: Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa thì cấp sơ thẩm quy kết bị cáo phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” là có căn cứ, đúng pháp luật; khi xét xử cấp sơ thẩm đã xem xét đến các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhưng không áp dụng tình tiết tăng nặng đối với bị cáo là phạm tội từ 02 lần trở lên là thiếu sót, nhưng xử phạt bị cáo 12 năm tù đối với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là phù hợp, tại cấp phúc thẩm không có thêm tình tiết gì mới nên không có căn cứ giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Đối với tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” thì bị cáo chỉ sử dụng giấy tờ giả để nhằm mục đích che dấu hành vi phạm tội, sau khi tội phạm đã hoàn thành, nên cấp sơ thẩm quy kết bị cáo theo khoản 3 Điều 341 Bộ luật hình sự là không có căn cứ. Do đó, cần sửa bản án sơ thẩm để áp dụng khoản 1 Điều 341 Bộ luật hình sự để giảm hình phạt cho bị cáo về tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ điểm b khoản 1 Điều 354; Điều 355 Bộ luật tố tụng hình sự; sửa bản án sơ thẩm áp dụng khoản 1 Điều 341 Bộ luật hình sự để giảm hình phạt cho bị cáo.

Người bào chữa cho bị cáo trình bày bài bào chữa: Không tranh luận gì về tội danh, chỉ đề nghị Hội đồng xét xử xem xét đến các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, như: Quá trình điều tra và tại các phiên tòa bị cáo khai báo thành khẩn về hành vi phạm tội của mình và ăn năn hối cải; đã bồi thường được một phần thiệt hại; bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo để đề nghị Hội đồng xét xử xem xét chấp nhận kháng cáo, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Viện kiểm sát đề nghị áp dụng thêm điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự là không đúng. Vì mục đích của bị cáo là chiếm đoạt tổng số tiền, việc nhận tiền thành 02 đợt nhưng vẫn nằm trong chuổi hành vi phạm tội của bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Tại phiên tòa bị cáo Dương Ngọc A thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như bản án sơ thẩm đã quy kết; xét thấy lời khai của bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay phù hợp với toàn bộ lời khai trong quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm; đối chiếu lời khai của bị cáo thấy cơ bản phù hợp với lời khai của những bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan; phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Đặc biệt là các kết luận giám định. Do đó, Hội đồng xét xử có đủ cơ sở để kết luận: Nhằm mục đích có tiền để tiêu xài, trả nợ và duy trì hoạt động của Công ty, Dương Ngọc A mặc dù không làm được thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhưng bị cáo đã đưa ra thông tin không đúng sự thật là mình có khả năng làm được, để bị hại là vợ chồng anh B4 tin tưởng ký hợp đồng ủy quyền cho bị cáo thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, để chiếm đoạt tiền của vợ chồng anh B4; sau khi lấy được tiền bị cáo đã không thực hiện những yêu cầu như đã thỏa thuận mà sử dụng số tiền vào mục đích khác, sau khi bị anh B4 thúc dục nhiều lần, bị cáo đã thuê làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả để đưa cho vợ chồng anh B4. Hành vi đó của bị cáo đã đủ yêu tố cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; do số tiền bị cáo chiếm đoạt trên 500.000.000đ nên cấp sơ thẩm đã quy kết bị cáo theo điểm a khoản 4 Điều 174 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật. Khi xét xử, cấp sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất hành vi phạm tội của bị cáo, đã xác định đúng tổng giá trị tài sản bị cáo chiếm đoạt, đã xem xét đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để xử phạt bị cáo mức án 12 năm tù, ở mức khởi điểm của khung hình phạt đối với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là có căn cứ, đúng pháp luật; tại cấp phúc thẩm có thêm tình tiết giảm nhẹ mới là ông ngoại của bị cáo là Dương Văn B8 được tặng huân chương kháng chiến, nhưng không đáng kể so với hành vi phạm tội của bị cáo, nên không có căn cứ giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo về tội này.

[2] Đối với tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” Hội đồng xét xử thấy: Sau khi đã thực hiện xong hành vi lừa đảo bị cáo mới tìm người và thuê họ làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, việc bị cáo làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ nhằm mục đích để che dấu hành vi phạm tội; đây là thủ đoạn sau khi tội phạm lừa đảo đã hoàn thành, nên hành vi này của bị cáo chỉ cấu thành cơ bản của “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” được quy định tại khoản 1 Điều 341 Bộ luật hình sự, cấp sơ thẩm quy kết bị cáo theo điểm b khoản 3 Điều 341 Bộ luật hình sự là chưa chính xác, từ đó dẫn đến xử phạt bị cáo 04 năm tù về tội này là không đúng quy định của pháp luật. Do đó, cấp phúc thẩm thấy rằng trong phạm vi xét xử phúc thẩm theo quy định tại Điều 345; 355; 357 Bộ luật tố tụng hình sự, có căn cứ sửa bản án sơ thẩm để xử phạt bị cáo theo khoản 1 Điều 341 Bộ luật hình sự và giảm hình phạt cho bị cáo mới đúng quy định của pháp luật, nên có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bị cáo.

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đề nghị sửa bản án sơ thẩm, giảm hình phạt cho bị cáo là có căn cứ.

[3] Bị cáo được chấp nhận kháng cáo, nên không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

[4] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Điều 345; điểm b khoản 1 Điều 355; điểm b, c khoản 1 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự; chấp nhận kháng cáo của bị cáo Dương Ngọc A; sửa Bản án sơ thẩm số 23/2021/HS-ST, ngày 22/6/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên.

Áp dụng điểm a khoản 4, khoản 5 Điều 174; khoản 1 Điều 341; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38; Điều 55 Bộ luật hình sự; xử phạt bị cáo Dương Ngọc A 12 năm tù và phạt tiền 10.000.000đ về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 01 năm 06 tháng tù về tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”; tổng hợp hình phạt buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai tội là 13 (mười ba) năm 06 (sáu) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt tạm giữ, tạm giam bị cáo (là ngày 29/12/2020).

Về án phí: Bị cáo Dương Ngọc A không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm số 23/2021/HS-ST ngày 22/6/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên không có kháng cáo, không bị kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

291
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản số 484/2021/HS-PT

Số hiệu:484/2021/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 22/10/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về