Bản án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản số 22/2020/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU

BẢN ÁN 22/2020/HS-PT NGÀY 26/02/2020 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày 26 tháng 02 năm 2020 tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh C xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 16/2020/TLPT-HS ngày 04 tháng 02 năm 2020 đối với các bị cáo Lê Thùy Phương A, Lý Hoàng G; do có kháng cáo của bị cáo Lê Thùy Phương A, kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố C đối với bản án hình sự sơ thẩm số: 245/2019/HS-ST ngày 27 tháng 12 năm 2019 của Toà án nhân dân thành phố C.

- Bị cáo có kháng cáo:

Họ và tên: Lê Thùy Phương A, (tên gọi khác: N), sinh năm 1982; tại C; Nơi cư trú: Số 142F12 Nguyễn Trãi, khóm 2, phường 9, thành phố C, tỉnh C; nghề nghiệp: Làm thuê; trình độ học vấn: 12/12; dân tộc: kinh; giới tính: nữ; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Lê Hoàng H và bà Cao Kim E (Cả 2 còn sống); chồng Lý Hoàng G, con 03 người; tiền án, tiền sự: không; nhân thân: chưa có án tích, chưa bị xử phạt vi phạm hành chính; bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 06/8/2019 cho đến nay (có mặt).

- Bị cáo không có kháng cáo, bị kháng nghị:

Họ và tên: Lý Hoàng G, sinh năm 1977, tại C; Hộ khẩu thường trú: Ấp Thạnh Điền, xã Lý Văn Lâm, thành phố C, tỉnh C; Hiện trú tại: Số 142F12 Nguyễn Trãi, khóm 2, phường 9, thành phố C, tỉnh C; nghề nghiệp: Không; trình độ học vấn: 12/12; dân tộc: kinh; giới tính: nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Lý Minh Đ và bà Huỳnh Thị Bé H (Cả 2 còn sống); vợ Lê Thùy Phương A, con 01 người; tiền án, tiền sự: không; nhân thân: chưa có án tích, chưa bị xử phạt vi phạm hành chính; bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 06/8/2019 cho đến nay (có mặt).

- Bị hại:

Ông Tiết Bình D, sinh năm 1966 (Không triệu tập) Bà Trần Thị L, sinh năm 1962 (Không triệu tập) Cùng địa chỉ: Khóm 4, phường 5, thành phố C, tỉnh C ..

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào ngày 12/7/2019, Phương A điện thoại hỏi thăm gia đình ông D, do Phương A và ông D có quen biết trước. Trong lúc nói chuyện, Phương A biết được ông D đang cần xin việc cho con là Tiết Xuân V nên Phương A nói dối bản thân đang làm việc tại Văn phòng nhà máy Khí - Điện - Đạm C, quen rất nhiều sếp lớn trong nhà máy và hiện chồng Phương A là Lý Hoàng G cũng đang làm việc trong nhà máy Khí - Điện - Đạm cùng với Phương A nên chắc chắn Phương A xin được việc cho người khác vào làm cùng với Phương A. Ông D nghe được nên tin tưởng và nhờ Phương A giúp đỡ xin việc cho V thì Phương A đồng ý.

Đến chiều cùng ngày, Phương A hẹn gặp ông D tại quán cà phê S thuộc khóm 8, phường 5, thành phố C để trao đổi vấn đề xin việc cho V. Sau đó, ông D nói với Phương A sẽ về bàn với vợ ông D là bà Trần Thị L. Trước khi về, Phương A nói do thẻ ATM bị kẹt không rút được tiền và hỏi mượn ông D 500.000 đồng, ông D đồng ý cho mượn.

Sau đó, Phương A về nói lại cho Lý Hoàng G biết việc Phương A lừa xin việc cho con trai ông D và cả hai tự thống nhất, tự tạo lòng tin để phía gia đình ông D không nghi ngờ. Khoảng 17 giờ ngày 13/7/2019 Phương A hẹn gặp ông D tại quán cà phê S để nói chuyện. Đến 19 giờ cùng ngày, ông D cùng với bà Trần Thị L và anh Tiết Xuân V đến quán Cà phê S gặp Phương A và Lý Hoàng G. Tại đây, Phương A giới thiệu mình hiện đang công tác tại văn phòng nhà máy Điện, còn G cũng tự giới thiệu đang làm việc tại nhà máy Đạm (thuộc nhà máy Khí Điện Đạm C). Đồng thời, để tạo lòng tin cho vợ chồng ông D, Phương A tự giới thiệu mình quen rất nhiều người trong nhà máy Khí Điện Đạm và chắc chắn sẽ xin được việc cho con ông D, còn G nói với ông D cứ lo cho V vào làm trong nhà máy, G sẽ giúp đỡ thêm. Bà L hỏi Phương A nếu xin việc như vậy thì cần bao nhiêu tiền, thì Phương A nói nếu muốn xin việc cho V phải đưa trước 10.000.000 đồng gồm tiền đưa cho sếp và tiền đi nhậu với sếp.

Đến sáng ngày 14/7/2019, G chở Phương A đến quán cà phê Vòng Xoay thuộc khóm 3, phường 7, thành phố C gặp bà L và anh V. Tại đây, Phương A nói sẽ xin cho V vào làm trong văn phòng nhà máy Điện cùng với Phương A, lương thử việc từ 12.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng/tháng. G ngồi kế bên nghe rõ việc Phương A nói là sai sự thật, nhưng G không phản ứng gì và hỏi V còn bằng cấp gì khác thì cứ đưa vào hồ sơ để Phương A và G lo giúp. Bà L tin tưởng lời Phương A và G nói là sự thật nên đưa cho Phương A 01 phong bì bên trong có 10.000.000 đồng, Phương A kêu đưa thêm 5.000.000 đồng nữa để lo cho sếp nhưng bà L nói đã hết tiền, Phương A nói sẽ phụ tiếp cho 5.000.000 đồng để giúp phần tiền đó. Đến khoảng 12 giờ trưa cùng ngày, Phương A tiếp tục liên hệ gặp bà L tại quán cà phê (đối diện nhà khách 43 H Vương, khóm 3, phường 5, thành phố C), Phương A thuê xe ô tô đi đến quán, Phương A nói đó là xe cơ quan đưa Phương A đi làm và nói với bà L rằng em của Phương A chuyển tiền nhưng còn thiếu 2.000.000 đồng, cần gấp để đưa cho sếp. Nghe vậy, bà L đưa cho Phương A 2.000.000 đồng. Khi nhận tiền, Phương A hẹn sáng ngày 15/7/2019 sẽ dẫn V đi khám sức khoẻ tại bệnh viện Quân y tỉnh C.

Đến khoảng 10 giờ sáng ngày 15/7/2019, Phương A đi cùng V đến bệnh viện Quân y tỉnh C, Phương A kêu V vào trong khám sức khỏe hoàn thiện hồ sơ xin việc. Khi khám sức khỏe xong, Phương A đưa cho vui hồ sơ xin việc (hồ sơ Phương A đã chuẩn bị sẵn) và hướng dẫn V viết và đi xác nhận ở địa phương. Khi V xác nhận xong, Phương A nói sếp chuẩn bị đi về Bình Định, nếu muốn hồ sơ xong sớm thì đưa thêm tiền, nhưng V nói tiền bà L quản lý nên không có. Đến chiều, bà L có liên hệ với Phương A nói không có tiền, khoảng 05 đến 07 ngày nữa hốt hụi mới có, Phương A cũng đồng ý.

Nhận thấy Phương A và G có nhiều biểu hiện khả nghi nên gia đình ông D và bà L đã xác minh thông qua bạn bè thì được biết thông tin Phương A làm việc tại nhà máy Khí Điện Đạm là giả và xác định đã bị Phương A và G lừa nên bà L đã trình báo Công an.

Chiều ngày 19/7/2019, bà L liên hệ Phương A nói đã có tiền, thì Phương A hẹn ra quán cà phê S để nhận tiền và cho bà L hay việc xin cho V đã gần xong, trước mắt lấy thêm 10.000.000 đồng nữa để đưa sếp, bà L đồng ý. Đến khoảng 17 giờ 45 phút ngày 20/7/2019, Phương A và G đến quán cà phê S để gặp bà L và V. Tại đây, bà L đưa cho Phương A phong bì có 10.000.000 đồng bên trong, khi Phương A nhận tiền bỏ vào túi xách thì bị lực lượng Đội cảnh sát hình sự Công an thành phố C bắt quả tang, thu giữ số tiền trên.

Quá trình điều tra, Lê Thùy Phương A và Lý Hoàng G đã thành khẩn khai báo, thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình phù hợp với các tài liệu chứng cứ thu thập được. Số tiền chiếm đoạt, Phương A và G cùng sử dụng chung trong gia đình.

Về vật chứng thu giữ và xử lý trong vụ án: Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã thu giữ của Lê Thùy Phương A: 01 điện thoại di động hiệu Samsung, màu trắng màn hình cảm ứng (đã qua sử dụng), có sim số 0917.677.314; 01 xe môtô hiệu NOUVO, màu trắng - đỏ, biển số 69C1-132.23; 01 phong bì màu trắng (đã được xé ra kiểm tra), có chữ ký của Lê Thùy Phương A; tiền Việt Nam là 22.500.000đ. Thu giữ của Lý Hoàng G: 01 điện thoại di động phím bấm (đã qua sử dụng), hiệu COGO, có sim số 0918.251.861.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số: 245/2019/HS-ST ngày 27 tháng 12 năm 2019 của Toà án nhân dân thành phố C quyết định:

- Căn cứ khoản 1 Điều 174 của Bộ luật hình sự.

Tuyên bố các bị cáo Lê Thùy Phương A, Lý Hoàng G phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

- Căn cứ điểm b, h, s khoản 1 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật hình sự.

Xử phạt bị cáo Lê Thùy Phương A 06 (sáu) tháng tù. Thời hạn tù được tính kể từ ngày bị cáo chấp hành án.

- Căn cứ điểm b, h, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52;

Điều 65 của Bộ luật hình sự.

Xử phạt bị cáo Lý Hoàng G 06 (sáu) tháng tù nhưng cho bị cáo được hưởng án treo, thời gian thử thách 01 năm tính từ ngày tuyên án. Giao bị cáo cho Uỷ ban nhân dân xã Lý Văn Lâm, thành phố C, tỉnh C giám sát giáo dục trong thời gian thử thách. Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật thi hành án hình sự.

Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên về xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định pháp luật.

Ngày 06/01/2020, bị cáo Lê Thùy Phương A có đơn kháng cáo xin được hưởng án treo.

Ngày 07/01/2020, Viện kiểm sát nhân dân thành phố C kháng nghị bản án hình sự sơ thẩm số 245/2019/HS-ST ngày 27 tháng 12 năm 2019 của Toà án nhân dân Thành phố C tại Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 01/QĐ- VKS ngày 07/01/2020 với nội dung: Xét vai trò của bị cáo Lý Hoàng G trong vụ án có vai trò giúp sức cho bị cáo Phương A 03 lần chiếm đoạt tài sản của ông D, bà L, mỗi lần đủ yếu tố cấu thành tội phạm là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự “Phạm tội 02 lần trở lên”, Tòa sơ thẩm xử phạt cho bị cáo hưởng án treo là trái quy định tại Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo.

Tại phiên tòa, bị cáo Phương A giữ nguyên nội dung kháng cáo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh C tham gia phiên toà phát biểu: Về thủ tục tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử tiến hành đúng theo quy định của pháp luật tố tụng và các đương sự cũng chấp hành đúng với quyền và nghĩa vụ của các đương sự được pháp luật quy định.

Về nội dung: Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh C tham gia phiên toà giữ nguyên nội dung kháng nghị còn lại của Viện kiểm sát nhân dân thành phố C đối với bản án hình sự sơ thẩm số: 245/2019/HS-ST ngày 27 tháng 12 năm 2019 của Toà án nhân dân thành phố C, tỉnh C. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a, b khoản 1 Điều 355, Điều 356, Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự, không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị cáo Lê Thùy Phương A, giữ nguyên hình phạt đối với bị cáo Lê Thùy Phương A, sửa án sơ thẩm theo hướng chấp nhận nội dung kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố C đối với bị cáo Lý Hoàng G.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo Lê Thùy Phương A và Lý Hoàng G khai nhận hành vi phạm tội đúng như nội dung, quyết định bản án sơ thẩm đã xét xử. Cụ thể: Do không có tiền chi xài cá nhân, không nghề nghiệp ổn định và biết được ông Tiết Bình D, bà Trần Thị L có nhu cầu xin việc cho con là Tiết Xuân V nên Lê Thùy Phương A và Lý Hoàng G đã có hành vi gian dối, đưa ra những thông tin sai sự thật, để thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền của ông D, bà L, với tổng số tiền chiếm đoạt là 22.000.000 đồng nhằm mục đích chi xài cá nhân.

Với hành vi nêu trên, bản án hình sự sơ thẩm số 245/2019/HS-ST ngày 27/12/2019 xét xử Lê Thùy Phương A và Lý Hoàng G phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 1 Điều 174 là có căn cứ pháp luật, đúng tính chất, mức độ và hành vi phạm tội của các bị cáo.

[2] Xét kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố C, Hội đồng xét xử xét thấy:

Nội dung kháng nghị của Viện kiểm sát thành phố C cho rằng án sơ thẩm áp dụng tình tiết tăng nặng “Phạm tội 02 lần trở lên” theo quy định điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo G và cho bị cáo G hưởng án treo là trái quy định theo hướng dẫn tại Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo là đúng.

Tuy nhiên Hội đồng xét xử xét thấy: Hành vi của bị cáo Lê Thùy Phương A và Lý Hoàng G đã có hành vi gian dối chiếm đoạt tiền của ông Tiết Bình D và bà Trần Thị L 03 lần vào các ngày 13, 14/7/2019 và ngày 20/7/2019 với tổng số tiền là 22.000.000 đồng. Tuy các lần chiếm đoạt thì số tiền đều trên mức định lượng nhưng mỗi lần ông D, bà L đưa tiền cho các bị cáo đều cùng một mục đích để các bị cáo sử dụng xin việc làm cho con của ông, bà. Hội đồng xét thấy, hành vi của các bị cáo là chuỗi hành vi thực hiện liên tiếp trong cùng một sự việc, xâm hại 01 đối tượng, không phải là các hành vi phạm tội độc lập, do đó các hành vi phạm tội của các bị cáo không phải là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự “Phạm tội 02 lần trở lên”. Do đó, Hội đồng xét xử sửa một phần bản án sơ thẩm về áp dụng pháp luật, không áp dụng tình tiết tăng nặng quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự đối với các bị cáo. Do không áp dụng tình tiết phạm tội nhiều lần nên Tòa án cấp sơ thẩm xét hoàn cảnh và hành vi phạm tội của bị cáo G, cho bị cáo G được hưởng án treo là phù hợp, không vi phạm Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao như kháng nghị của Viện kiểm sát.

[3] Xét kháng cáo xin hưởng án treo của bị cáo Lê Thùy Phương A Hội đồng xét xử xét thấy:

Bị cáo nhận thức rõ việc dùng hành vi lừa dối nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác là vi phạm pháp luật nhưng vì cần tiền tiêu xài mà bị cáo bất chấp, dùng các thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền của ông D và bà L với số tiền 22.000.000 đồng, hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, coi thường pháp luật, đã xâm phạm trực tiếp đến tài sản của bị hại, gây mất an ninh trật tự và tạo ra dư luận không tốt, mất uy tín trong công tác tuyển dụng lao động của các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn.

Án sơ thẩm đã xem xét các tình tiết giảm nhẹ: Bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; có nhân thân tốt (chưa có tiền án, tiền sự); quá trình điều tra các bị cáo tự nguyện khắc phục hậu quả; phạm tội nhưng gây thiệt hại không lớn, bị hại có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Bên cạnh đó, Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm cũng đã xem xét cho bị cáo Lý Hoàng G (là bị cáo trong cùng vụ án, chồng của bị cáo Phương A) được hưởng án treo để tạo điều kiện cho việc nuôi dạy, chăm sóc con của các bị cáo. Nên mặc dù bị cáo Phương A không bị áp dụng tình tiết tăng nặng phạm tội nhiều lần nhưng xét thấy án sơ thẩm đã xem xét toàn diện tính chất, hành vi phạm tội của bị cáo và mức án mà cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo Lê Thùy Phương A 06 tháng tù là tương xứng, thể hiện được tính răn đe và phòng ngừa chung cho xã hội và mặc dù tại cấp phúc thẩm, bị cáo A cung cấp phiếu siêu âm thể hiện bị cáo bị đa nhân xơ tử cung nhưng không thuộc trường hợp bệnh hiểm nghèo để xem xét giảm nhẹ theo quy định pháp luật, do đó, không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Lê Thùy Phương A.

[4] Đối với bị cáo Lý Hoàng G đã có đơn rút lại đơn kháng cáo nên Hội đồng xét xử đình chỉ giải quyết kháng cáo của bị cáo G.

[5] Án phí hình sự phúc thẩm bị cáo Lê Thùy Phương A phải chịu theo quy định pháp luật.

[6] Các nội dung khác của quyết định án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị, có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị nên không đặt ra xem xét.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào Điều 348; điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 của Bộ luật Tố tụng hình sự;

Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của bị cáo Lý Hoàng G.

Không chấp nhận kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố C.

Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Lê Thùy Phương A.

Sửa một phần bản án hình sự sơ thẩm số: 245/2019/HS-ST ngày 27/12/2019 của Tòa án nhân dân thành phố C, tỉnh C về áp dụng pháp luật.

Áp dụng khoản 1 Điều 174; điểm b, h, s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự;

Xử phạt bị cáo Lê Thùy Phương A 06 (sáu) tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Thời hạn tù được tính kể từ ngày bị cáo chấp hành án.

Áp dụng khoản 1 Điều 174; điểm b, h, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 và Điều 65 của Bộ luật hình sự;

Xử phạt bị cáo Lý Hoàng G 06 (sáu) tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nhưng cho bị cáo được hưởng án treo, thời gian thử thách 01 năm tính từ ngày tuyên án. Giao bị cáo cho Uỷ ban nhân dân xã Lý Văn Lâm, thành phố C, tỉnh C giám sát giáo dục trong thời gian thử thách. Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

Về án phí: Áp dụng khoản 2 Điều 135; khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự và Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án: Bị cáo Lê Thùy Phương A phải chịu án phí hình sự phúc thẩm là 200.000 đồng.

Các quyết định khác của án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

182
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản số 22/2020/HS-PT

Số hiệu:22/2020/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Cà Mau
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 26/02/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về