Bản án về tội giết người số 839/2023/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 839/2023/HS-PT NGÀY 31/10/2023 VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI

Ngày 31 tháng 10 năm 2023 tại trụ sở, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 527/2023/TLPT-HS ngày 20 tháng 7 năm 2023 đối với bị cáo Trần Tấn P do có kháng cáo của đại diện hợp pháp của bị hại đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 27/2023/HS-ST ngày 07 tháng 6 năm 2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Long An.

- Bị cáo bị kháng cáo: Trần Tấn P. Sinh ngày 25/10/1986, tại: Long An. Nơi cư trú: Tổ C, Ấp B, xã P, huyện C, tỉnh Long An. Nghề nghiệp: Làm thuê; Trình độ học vấn: 09/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Quốc tịch: Việt Nam; Tôn giáo: Không; Con ông Trần Văn Q, sinh năm: 1967 và Đoàn Thị Ú, sinh năm: 1966; Có vợ tên Trần Thị Hồng N (bị hại đã chết); Có 03 người con lớn nhất sinh năm 2014; nhỏ nhất sinh năm 2016; Tiền án, tiền sự: Không.

Ngày 15/5/2022, bị cáo Trần Tấn P bị tạm giữ và chuyển tạm giam đến nay, hiện đang tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh L (có mặt).

- Người đại diện theo pháp luật của bị cáo:

1/Ông Trần Văn Q, sinh năm 1967 (vắng mặt) 2/Bà Đoàn Thị Ú, sinh năm 1966 (có mặt) Cùng địa chỉ: Ấp B, xã P, huyện C, tỉnh Long An.

- Người bào chữa cho bị cáo theo yêu cầu: Luật sư Đỗ Thành T - Đoàn Luật sư tỉnh L (có mặt).

- Bị hại: Trần Thị Hồng N (đã chết) Người đại diện hợp pháp của bị hại có kháng cáo: Ông Trần Ngọc N1, sinh năm 1962 (cha của bị hại) (có mặt).

Địa chỉ: Ấp A, xã P, huyện C, tỉnh Long An.

Người đại diện theo ủy quyền của ông N1: Ông Lê Quang P1, sinh năm 1971 (có mặt) Địa chỉ: 3 C, phường T, quận T, Thành phố Hồ Chí Minh.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Trần Thị Hồng N, sinh năm 1991 có 02 người con riêng, N kết hôn với Trần Tấn P (X), sinh năm 1986, cùng hộ khẩu thường trú: Ấp B, xã P, huyện C, tỉnh Long An, có thêm 03 người con: Con lớn sinh ngày 06/11/2014 và 02 người con nhỏ cùng sinh ngày 29/6/2016. Trong thời gian chung sống vợ chồng thường xảy ra mâu thuẫn, nên ngày 04/5/2022, Tòa án nhân dân huyện Cần Giuộc đã ra Quyết định số 42/2022/QĐCNTTLH công nhận thuận tình ly hôn giữa P và N.

Sáng ngày 14/5/2022, P nhờ em ruột là Trần Quang T1, sinh năm 1995, xuống gặp N xin đón con về nhà ông bà nội chơi, N nói có lịch chích ngừa không cho đón, sau đó, P nhìn thấy 01 người nam thanh niên chở N và bé Trần Bá T2 đi ngang qua thị trấn C. Trưa cùng ngày, P uống rượu với bạn đến khoảng 22 giờ 30 phút rồi về nhà. Sau đó, P lấy xe mô tô biển số 62M1-102.91 của P, để ba lô màu nâu ở ba ga giữa xe chạy xe về nhà N, lúc này, P mặc quần short jean màu xanh, áo sơ mi màu đen, đội nón kết màu đen, mang dép nhựa màu trắng. P vào nhà mở cửa, bật đèn sáng, N đang ngủ thức dậy thấy P chửi “mày vô đây làm gì”, P trả lời “đi rước Đầu N2, làm gì mà chửi”. N đứng dậy đi đến chỗ tủ tivi lấy 01 con dao dài 51cm, cán bằng kim loại hình trụ tròn dài 23cm, đường kính 02cm, lưỡi bằng kim loại dài 28cm, có 01 đầu mũi nhọn, có 02 mặt cắt ở phần đầu mũi dao, 01 mặt cắt dài 28cm, 01 mặt cắt dài 08cm, bề rộng lưỡi dao 05cm, N cầm trên tay chỉ về phía P nói “mày đi ra khỏi nhà không tao đâm mày”, P dùng tay phải giật con dao N đang cầm và đập mạnh dao xuống bàn làm lưỡi dao bị gãy rời khỏi cán dao, N khom người xuống định lấy lưỡi dao trên nền gạch thì P dùng tay phải nhặt lưỡi dao cầm lên trước N, sự việc có anh Trần Phi S, sinh năm 1982, là anh ruột N nhà cạnh bên sử dụng điện thoại di động ghi hình lại. P thấy anh S quay phim nên cầm lưỡi dao bỏ đi ra ngoài lấy xe mô tô biển số 62M1-102.91 chạy đi. Khi P điều khiển xe chạy được khoảng 01km rồi quay trở lại dựng xe ở sân nhà của N, N đang ngồi ghế đá trước sân, P cầm lưỡi dao bên tay phải, xuống xe đi đến chỗ N đang ngồi, P đứng ngang N phía bên phải cùng hướng, dùng tay trái kẹp cổ N, tay phải P cầm lưỡi dao, N dùng 02 tay giật lưỡi dao thì P cầm lưỡi dao quơ qua lại không cho N lấy làm lưỡi dao trúng vào trán và 02 tay N. P và N giằng co, lôi kéo ra đến hàng rào lưới B40 thì té ngã, P và N đứng dậy, tay trái P vẫn kẹp cổ N, N dùng 01 tay nắm vào phần sống lưỡi dao, tay còn lại nắm bàn tay phải P đang cầm lưỡi dao, lúc này P giật mạnh tay phải về phía sau ra khỏi 02 tay N đang nắm và cầm lưỡi dao đâm hướng từ phải sang trái trúng vào cổ N rồi rút lưỡi dao ra, N lấy tay trái bịt cổ và ngước mặt nhìn P, tay trái P đang kẹp cổ N bị máu chảy dính ướt nên P vứt lưỡi dao xuống sân, N khuỵ người xuống, P ôm N ẳm đi ra đầu đường đoạn trước nhà đặt N xuống. Lúc này Công an xã P đến khống chế đưa P về trụ sở Công an xã. Nhung được gia đình đưa đến Bệnh viện Đ cấp cứu nhưng đã tử vong trước khi vào viện.

Tại Bản kết luận giám định pháp y về tử thi số 07/TT.NNK ngày 26/5/2022 của Trung tâm pháp y, Sở Y tế tỉnh L xác định:

- Đầu, mặt: 01 vết thương vùng trán kích thước 3,5cm x 0,2cm chưa qua lớp da.

- Cổ: 01 vết thương trước cổ bên phải cách đầu trong xương đòn phải 1,5cm, kích thước 2,5cm x 01cm xuyên qua da chiều hướng trước ra sau, trên xuống dưới, phải qua trái. 01 vết thương trước cổ bên trái dưới cằm kích thước 2,5cm x 0,2cm chưa qua lớp da. Mổ vùng cổ: Bầm tụ máu dưới da vùng vết thương vùng trước cổ bên phải và làm đứt động mạch dưới đòn phải, tụ máu quanh vùng này và vùng trung thất bên phải.

- Ngực, bụng: Không bầm tụ máu dưới da, các xương thành ngực không dấu dập gãy. Hai phổi co lại nhạt màu. Khoang ngực phải chứa đầy máu. Máu tụ vùng cuống phổi phải.

- Tay, chân: 1/2 dưới ngoài cánh tay phải có 03 vết thương xuyên qua da: Vết thương thứ nhất kích thước 2,5cm x 0,5cm, vết thương thứ hai kích thước 3,5cm x 0,1cm cách vết thương thứ nhất 04cm, vết thương thứ ba kích thước 2,8cm x 0,8cm cách vết thứ hai 02cm. 01 vết thương đầu dưới mặt trong cẳng tay trái kích thước 1,5cm x 0,1cm chưa qua lớp da.

Kết luận: Nguyên nhân chết của Trần Thị Hồng N sinh năm 1991, tử vong do vết thương vùng cổ làm đứt động mạch dưới đòn phải dẫn đến suy hô hấp và suy tuần hoàn.

Bản kết luận giám định số: 2881/KL-KTHS ngày 10/6/2022 của Phân Viện khoa học hình sự tại TP Hồ Chí Minh kết luận về dấu vết sinh học ADN trên lưỡi dao thu giữ tại hiện trường vụ án và ADN trên quần áo thu của bị cáo Trần Tấn P như sau:

- Dấu vết màu đỏ dính trên lưỡi dao là máu người, phân tích được 01 kiểu gen nữ giới từ dấu vết máu này trùng với kiểu gen của Trần Thị Hồng N. Không phát hiện thấy ADN của Trần Tấn P trên lưỡi dao.

- Dấu vết trên quần short J và áo sơ mi là máu người, phân tích được 01 kiểu gen nữ giới từ các dấu vết máu này trùng với kiểu gen của Trần Thị Hồng N.

Bản kết luận giám định số: 2886/KL-KTHS ngày 14/7/2022 của Phân Viện khoa học hình sự tại TP Hồ Chí Minh kết luận dữ liệu điện tử là hình ảnh đoạn Video do Trần Phương S1 giao nộp như sau: Tập tin Video ký hiệu A không bị cắt, ghép, chỉnh sửa về nội dung.

Bản kết luận giám định pháp y về hoá pháp số: HST 523/ĐC.2022 ngày 18/5/2022 của Trung tâm P2, Sở Y kết luận nồng độ Ethanol trong máu của bị cáo Trần Tấn P là 7,82mg/100ml (Theo Quyết định số 320/QĐ-BYT ngày 23/01/2014 trị số bình thường < 50,23mg/100ml);

Bản kết luận giám định pháp y tâm thần theo trưng cầu số: 4503/KLGĐ ngày 10/11/2022 của Trung tâm P2 kết luận:

- Về y học:

Trước, trong khi thực hiện hành vi phạm tội vào ngày 14/5/2022 đối tượng Trần Tấn P có bị bệnh tâm thần. Loại bệnh: Rối loạn nhân cách cảm xúc không ổn định (F60.3-ICD10).

Sau khi thực hiện hành vi phạm tội vào ngày 14/5/2022 cho đến hiện tại đối tượng Trần Tấn P giả bệnh có ý thức/ Rối loạn nhân cách cảm xúc không ổn định (Z76.5/ F60.3-ICD10).

- Về khả năng nhận thức và điều khiển hành vi: Trước, trong, sau khi thực hiện hành vi phạm tội vào ngày 14/5/2022 cho đến hiện tại đối tượng hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.

- Ý kiến khác: Nguyên nhân gây bệnh rối loạn nhân cách cảm xúc không ổn định của đối tượng là do bệnh lý nội sinh.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 27/2023/HS-ST ngày 07 tháng 6 năm 2023 Tòa án nhân dân tỉnh Long An đã quyết định:

Tuyên bố: Bị cáo Trần Tấn P phạm tội “Giết người”.

Về hình phạt: Áp dụng điểm n khoản 1 Điều 123; điểm b, q, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38; Điều 50; khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự.

Xử phạt bị cáo Trần Tấn P 10 (M) năm tù. Thời gian tù được tính từ ngày bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt để tạm giam từ ngày 15/5/2022.

Áp dụng Điều 329 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015: Tiếp tục tạm giam bị cáo Trần Tấn P 45 (bốn mươi lăm) ngày kể từ ngày tuyên án (07/06/2023) đảm bảo việc kháng cáo, kháng nghị, thi hành án.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về trách nhiệm dân sự, án phí, quyền kháng cáo theo quy định pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 12/6/2023, ông Trần Ngọc N1 (là đại diện hợp pháp của bị hại) kháng cáo yêu cầu hủy Bản án sơ thẩm để giám định tâm thần lại đối với bị cáo, tăng nặng hình phạt lên tù chung thân hoặc tử hình, buộc bồi thường thiệt hại mai táng và tổn thất tinh thần là 209.000.000 đồng, tiền cấp dưỡng hàng tháng cho 05 người con đến khi các cháu đủ 18 tuổi 3.250.000 đồng x 5 = 16.250.000 đồng/tháng, tiền cấp dưỡng cho cha mẹ bị hại hết tuổi lao động 02 người x 3.250.000 đồng = 6.500.000 đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Trần Ngọc N1 (có ông Lê Quang P1 là đại diện theo ủy quyền) vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo và trình bày:

- Hình phạt mà Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo là quá nhẹ. Bản án sơ thẩm vi phạm tố tụng khi chưa nêu nguyên nhân tác động dẫn đến hành vi của bị cáo. Trong các bản tự khai tường trình thì bị cáo thừa nhận con dao nhặt tại quán ở gần trại rắn Đ bỏ vào balo để mang tới nhà bị hại thực hiện hành vi giết người. Sau đó bị cáo thay đổi lời khai nói rằng con dao của bị hại và bị cáo giật từ bị hại. Như vậy bị cáo đã chuẩn bị hung khí khi đến gặp bị hại. Tòa án cấp sơ thẩm đã không xem xét chứng cứ toàn diện, đánh giá chứng cứ chưa khách quan từ đó dẫn đến mức hình phạt của bị cáo là quá nhẹ, xâm hại đến quyền lợi ích hợp pháp của bị hại và đại diện hợp pháp của bị hại, nên đề nghị Hội đồng xét xử tăng hình phạt đối với bị cáo.

- Tòa án cấp sơ thẩm chưa giải thích cho gia đình bị hại về quyền được yêu cầu bồi thường, từ đó dẫn đến việc tại phiên tòa sơ thẩm đại diện bị hại không hiểu biết pháp luật nên không yêu cầu phần trách nhiệm dân sự, gây ảnh hưởng đến quyền lợi trách nhiệm dân sự của gia đình bị hại.

Trong phần tranh luận:

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa phát biểu quan điểm giải quyết vụ án:

Hồ sơ vụ án thể hiện năm 2017 bị cáo được chẩn đoán điều trị bệnh sa sút tâm thần không xác định. Tại kết luận giám định pháp y tâm thần thì trước, trong, sau quá trình phạm tội bị cáo bị hạn chế nhận thức điều khiển hành vi, nguyên nhân do bệnh lý nội sinh. Việc giám định đúng quy định pháp luật, kết luận giám định phù hợp với kết quả chẩn đoán trước đó, nên không có cơ sở hủy bản án sơ thẩm để giám định lại.

Về hình phạt: Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ bị cáo dùng dao đâm chết bị hại, hành vi của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, có tính côn đồ, gây mất trật tự trị an địa phương. Tuy nhiên khi thực hiện hành vi phạm tội bị cáo bị hạn chế nhận thức điều khiển hành vi, sau khi phạm tội thành khẩn khai báo, có tác động gia đình bồi thường một phần nhỏ cho gia đình bị hại, nhân thân tốt. Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng Điều 54 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 xử phạt bị cáo mức án dưới khung hình phạt là có căn cứ.

Về yêu cầu bồi thường thiệt hại: Quá trình giải quyết vụ án gia đình bị hại không yêu cầu bồi thường, nên bản án sơ thẩm không xem xét là có căn cứ. Bị hại kháng cáo yêu cầu bồi thường thiệt hại nhưng không cung cấp chứng cứ chứng minh nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không có cơ sở xem xét. Tại phiên tòa phúc thẩm, các bên không thỏa thuận được, do đó Hội đồng xét xử phúc thẩm không thể ghi nhận trách nhiệm dân sự, nên đề nghị giành quyền khởi kiện vụ án dân sự cho gia đình bị hại.

Từ đó, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của đại diện hợp pháp của bị hại, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Ông P1 trình bày ý kiến tranh luận:

Về phần trách nhiệm dân sự thì gia đình bị hại đồng ý với quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa.

Đối với các nội dung còn lại: Bị hại kháng cáo yêu cầu hủy kết quả giám định tâm thần chứ không phải hủy bản án sơ thẩm, vì trong kết luận giám định có nhiều nội dung không chính xác không thống nhất. Bị cáo có khai rằng bị cáo bị anh bị hại dùng gạch đánh vào đầu gây chảy máu nhưng thật sự không có việc này. Theo kết quá khám bệnh tại bệnh viện tâm thần Thành phố H thì tất cả chỉ số của bị cáo là bình thường. Do đó, kết luận giám định này chưa khách quan. Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào kết luận giám định này để áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo là không đúng.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng bị cáo đã khắc phục toàn bộ hậu quả để áp dụng điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 là không đúng vì gia đình bị hại chưa có yêu cầu bồi thường thiệt hại. Bị cáo cũng không thành khẩn khai báo nên cũng không được áp dụng điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 do lời khai không thống nhất trong quá trình giải quyết vụ án.

Từ những phân tích trên cho thấy bị cáo có tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, trong khi đó bị cáo có nhiều tình tiết tăng nặng, nên đề nghị Hội đồng xét xử tăng hình phạt đối với bị cáo.

Ông N1 trình bày ý kiến tranh luận: Ông đồng ý với lời trình bày của người đại diện ủy quyền. Khi xét xử tại cấp sơ thẩm ông không được trình bày ý kiến, hiện tại vợ chồng ông đã lớn tuổi phải nuôi 05 đứa cháu ngoại, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét.

Luật sư T trình bày ý kiến tranh luận: Kết luận giám định pháp y tâm thần của bị cáo là phù hợp quy định pháp luật.

Về trách nhiệm dân sự: Trong quá trình giải quyết vụ án, vợ ông N1 đồng thời là đại diện của 05 người cháu ngoại đã có ủy quyền cho ông N1, và ông N1 đã có ý kiến không yêu cầu về trách nhiệm dân sự, đã được lập thành văn bản. Tại phiên tòa sơ thẩm thì ông N1 đại diện cho bà C và 05 người cháu cũng không yêu cầu vấn đề này nên Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét là có căn cứ.

Về phần hình phạt: Tại phiên tòa phúc thẩm, phía bị hại không nêu được tình tiết tăng nặng mới so với cấp sơ thẩm, khi xem xét hình phạt Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét đầy đủ tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên bản án sơ thẩm Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa, kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác,

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Tại Quyết định số 42/2022/QĐCNTTLH ngày 04/5/2022, Tòa án nhân dân huyện Cần Giuộc đã công nhận việc thuận tình ly hôn giữa bị cáo Trần Tấn P và bị hại Trần Thị Hồng N, bị hại là người được nuôi con.

Khoảng 22 giờ 30 phút ngày 14/05/2022, bị cáo đến nhà của N thăm con nhưng bị hại không cho, giữa bị cáo và bị hại xảy ra cãi vã nhau, trong lúc giằng co do bị hại có cầm dao không cho bị cáo vào nhà, bị cáo giật dao đập xuống bàn làm dao gãy. Khi đó, có anh S1 (anh rể bị hại) đến nên bị cáo cầm lưỡi dao bỏ đi. Nhưng sau đó bị cáo quay lại, lúc này bị hại đang ngồi ở ghế đá ngoài sân. Bị cáo cầm lưỡi dao đi đến chỗ bị hại đang ngồi dùng tay trái kẹp cổ bị hại, tay phải cầm lưỡi dao đâm hướng từ phải sang trái trúng vào cổ bị hại. Sau đó bị cáo đặt bị hại trước nhà, thì Công an xã P đến khống chế đưa bị cáo về trụ sở Công an xã. Bị hại được gia đình đưa đến Bệnh viện Đ cấp cứu nhưng đã tử vong trước khi vào viện do vết thương vùng cổ làm đứt động mạch dưới đòn phải dẫn đến suy hô hấp và suy tuần hoàn.

Với hành vi như đã nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên bố bị cáo Trần Tấn P phạm tội “Giết người” theo điểm n Khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 là đúng người, đúng tội.

[2] Xét yêu cầu kháng cáo của đại diện hợp pháp của bị hại: [2.1] Về phần hình phạt đối với bị cáo:

Hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe và ảnh hưởng xấu đến trật tự xã hội nên cần phải được xử phạt nghiêm khắc để giáo dục phòng ngừa chung cho xã hội.

- Bản án sơ thẩm nhận định: Căn cứ Bản kết luận giám định pháp y tâm thần số 4503/KLGĐ ngày 10/11/2022 của Trung tâm pháp y tâm thần khu vực Thành phố P2, thì bị cáo Trần Tấn P là người có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Bị cáo phạm tội không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Sau khi phạm tội bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình, có yêu cầu gia đình bồi thường 1 phần thiệt hại cho gia đình bị hại là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm b, s, khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự; Bị cáo bị hạn chế khả năng nhận thức điều khiển hành vi là tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm q khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Trước khi phạm tội bị cáo chưa có tiền án, tiền sự; Gia đình bị cáo khó khăn được xem là tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 2, Điều 51 Bộ luật Hình sự. Sau khi gây án bị cáo bị Công an đến khống chế đưa về cơ quan Công an làm việc nên không coi là tình tiết giảm nhẹ “đầu thú” theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Do bị cáo có hơn 2 tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 1, Điều 51 Bộ luật Hình sự nên có căn cứ áp dụng khoản 1, Điều 54 Bộ luật Hình sự. Từ đó, Tòa án cấp sơ thẩm đã xử phạt bị cáo mức án 10 năm tù là dưới mức thấp nhất của khung hình phạt.

- Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định về việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại Khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 cho bị cáo của Bản án sơ thẩm như sau:

Sau khi bị hại chết và đã mai táng, gia đình bị cáo có đưa cho ông N1 (cha bị hại) số tiền 15.000.000 đồng để lo mai táng. Do việc mai táng đã xong, nên ông N1 xác định khoản tiền này là chi phí nuôi các con của bị cáo và bị hại. Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ khoản tiền này để nhận định bị cáo khắc phục một phần hậu quả và được áp dụng điểm b Khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự: “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả” là chưa đúng. Quá trình giải quyết vụ án không có chứng cứ chứng minh gia đình bị hại yêu cầu bồi thường. Bản án sơ thẩm cũng không giải quyết phần trách nhiệm dân sự. Tại cấp phúc thẩm, đại diện hợp pháp của bị hại cho rằng do không được giải thích pháp luật nên không có yêu cầu bồi thường ở cấp sơ thẩm nên có kháng cáo yêu cầu bồi thường trách nhiệm dân sự; Đại diện hợp pháp của bị cáo và bị cáo không đồng ý bồi thường phần trách nhiệm dân sự, kể cả việc trợ cấp nuôi con. Từ những căn cứ trên có cơ sở xác định việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ này cho bị cáo là không đúng.

Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy: Với tính chất mức độ hành vi phạm tội của bị cáo là phạm tội có tính chất côn đồ, người bị hại là vợ cũ của bị cáo thì mức án 10 năm tù (dưới mức thấp nhất của khung hình phạt) mà Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên xử đối với bị cáo là chưa nghiêm khắc, chưa đủ sức răn đe và không mang tính giáo dục phòng ngừa chung. Hơn nữa, với nội dung nhận định nêu trên thì bị cáo chỉ được áp dụng 02 tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm s, q Khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, nên yêu cầu kháng cáo của đại diện hợp pháp của bị hại về việc tăng hình phạt đối với bị cáo là có căn cứ chấp nhận.

[2.2] Về phần trách nhiệm dân sự:

Bản án sơ thẩm nhận định: Quá trình giải quyết, đại diện hợp pháp của bị hại không có yêu cầu bồi thường dân sự, nên không được xem xét. Tại phiên tòa phúc thẩm, ông N1 (đại diện hợp pháp của bị hại) có kháng cáo và trình bày: Yêu cầu bị cáo phải bồi thường thiệt hại gồm chi phí mai táng, tổn thất tinh thần, tiền cấp dưỡng hàng tháng cho những người mà bị hại có trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc; Lý do tại cấp sơ thẩm, gia đình bị hại không trình bày yêu cầu là do không am hiểu pháp luật và không được cơ quan tiến hành tố tụng giải thích cụ thể.

Xét, lời trình bày này của đại diện hợp pháp của bị hại là có căn cứ chấp nhận, bởi: Ông Trần Ngọc N1 tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hợp pháp của bị hại Trần Thị Hồng N (cha bị hại), và đồng thời là người đại diện hợp pháp của bà Nguyễn Thị Kim C1 (mẹ bị hại) và 05 người con chưa thành niên của bị hại. Việc không bồi thường thiệt hại của bị cáo ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp của tất cả những người mà bị hại phải có nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc (gồm ông N1, bà C1 và 05 người con (dưới 18 tuổi) của bị hại), nên cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm không giải thích cho đương sự, không ghi nhận ý kiến của tất cả những người này đã xác định gia đình bị hại không có yêu cầu bồi thường dân sự là chưa đủ căn cứ. Hơn nữa, 05 người con của bị hại đều chưa thành niên, cha mẹ bị hại đã quá tuổi lao động. Do vậy, bản án sơ thẩm không giải quyết phần trách nhiệm dân sự là ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp của gia đình bị hại, trong đó có trẻ em cần được chăm sóc.

Do tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện hợp pháp của bị hại nêu yêu cầu bồi thường thiệt hại, trong khi đó bản án sơ thẩm chưa giải quyết phần trách nhiệm dân sự và tại cấp phúc thẩm bị cáo và gia đình bị cáo không đồng ý thỏa thuận bồi thường. Do vậy, trong phạm vi xét xử phúc thẩm thì Tòa án cấp phúc thẩm không thể xem xét giải quyết yêu cầu này của đương sự. Hội đồng xét xử phúc thẩm giành quyền khởi kiện vụ án dân sự về bồi thường thiệt hại cho gia đình bị hại đối với bị cáo tại Tòa án có thẩm quyền.

[3] Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử chấp nhận một phần quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa; Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của ông Trần Ngọc N1; Sửa một phần bản án sơ thẩm về phần hình phạt đối với bị cáo.

[4] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

[5] Án phí hình sự phúc thẩm: Bị cáo và đại diện hợp pháp của bị hại không phải chịu.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355, Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, I. Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của ông Trần Ngọc N1 (người đại diện hợp pháp của bị hại Trần Thị Hồng N);

Sửa một phần bản án hình sự sơ thẩm số 27/2023/HS-ST ngày 07/6/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Long An về phần hình phạt đối với bị cáo.

1. Tuyên bố: Bị cáo Trần Tấn P phạm tội “Giết người”.

Áp dụng điểm n khoản 1 Điều 123; điểm q, s khoản 1, khoản 2 Điều 51;

Điều 38; Điều 50 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Xử phạt bị cáo Trần Tấn P 13 (mười ba) năm tù. Thời gian tù được tính từ ngày bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt để tạm giam từ ngày 15/5/2022. Tiếp tục tạm giam bị cáo 45 ngày để đảm bảo thi hành án.

2. Đại diện hợp pháp của bị hại Trần Thị Hồng N có quyền khởi kiện vụ án dân sự về việc yêu cầu bị cáo Trần Tấn P bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của bị cáo gây ra cho đại diện hợp pháp của bị hại Trần Thị Hồng N khi có yêu cầu.

3. Các phần quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

II. Án phí hình sự phúc thẩm: Ông Trần Ngọc N1 và bị cáo Trần Tấn P không phải chịu.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

36
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội giết người số 839/2023/HS-PT

Số hiệu:839/2023/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 31/10/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về