TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG
BẢN ÁN 87/2022/HS-PT NGÀY 28/04/2022 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH
Ngày 28 tháng 4 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 33/2022/TLPT-HS ngày 17 tháng 02 năm 2022 đối với bị cáo Huỳnh Hữu T do có kháng cáo của bị cáo và bị hại đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 06/2022/HS-ST ngày 12 tháng 01 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện A, tỉnh Kiên Giang.
- Bị cáo có kháng cáo:
Huỳnh Hữu T, sinh năm 2000, tại huyện A, tỉnh Kiên Giang.
Nơi cư trú: Ấp 6 Biển, xã N, huyện A, tỉnh Kiên Giang; nghề nghiệp: Làm thuê; trình độ học vấn: 3/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Huỳnh Thanh T và bà Huỳnh Thị Đ; tiền sự: Không, tiền án: Không. Bị cáo bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 12/4/2021 cho đến nay (có mặt).
- Người bào chữa cho bị cáo: Luật sư Bùi Hảo Th - Văn phòng Luật sư Phạm Văn Cần, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Kiên Giang (có mặt)
- Bị hại có kháng cáo: Anh Nguyễn Văn M, sinh năm 1997 (có mặt) Địa chỉ: Ấp 5 Chùa, xã N, huyện A, tỉnh Kiên Giang.
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại: Luật sư Trần Quang A- Văn phòng Luật sư Quang Ánh, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Kiên Giang (có mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
1 Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Khoảng 19 giờ 20 phút, ngày 11/01/2021 Huỳnh Hữu T cùng tham gia uống bia tại nhà anh Nguyễn Thành Ty thuộc ấp 6 Đình, xã N cùng với Huỳnh Quang Quân và bạn của Ty (không rõ họ tên, địa chỉ), lúc này T nhìn thấy anh Nguyễn Văn Kha điều khiển xe chở Nguyễn Văn M đi ngang (M ca hát), T đi về nhà lấy cây dao tự chế có kích thước dài 60cm, phần cán có quấn băng keo màu đen, phần lưỡi sắc bén, mũi nhọn đi đến nhà ông Phan Sĩ Hưởng để đón Kha và M. Khoảng 10 phút sau, Kha điều khiển xe chở M chạy về ngang, T chặn xe lại và hỏi “Hồi nãy thằng nào chạy ngang chửi”, Kha trả lời “ đâu có ai chửi…mình anh em không à”, T nói “ai anh em với mày”, nói vừa dứt lời T dùng dao chém M từ trên xuống, M dùng nón bảo hiểm đỡ làm nón bị vỡ rơi xuống đất, T tiếp tục chém nhát thứ hai, M dùng tay trái đỡ thì lưỡi dao trúng vào cổ tay trái gây thương tích. Lúc này, M bỏ chạy, T tiếp tục chém một nhát từ phía sau nhưng không trúng, M chạy được khoảng 400m thì được Kha và Quân đến chở đưa đi Trạm xá, sau đó chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang điều trị đến ngày 14/01/2021 thì xuất viện.
Vật chứng của vụ án: Cây dao tự chế dài 60cm, phần cán có quấn băng keo màu đen, phần lưỡi sắc bén, mũi nhọn, sau khi gây thương tích xong T quăng bỏ, truy tìm không gặp.
Tại Kết luận giám định pháp y về thương tích số 72/TTg ngày 26/02/2021 của Trung tâm pháp y tỉnh Kiên Giang kết luận đối với thương tích của Nguyễn Văn M như sau: Vết thương bàn tay trái đứt lộ gân được phẩu thuật mở rộng thám sát, khâu gân. Hiện tại tổn thương nhánh cảm giác dây thần kinh trụ bên trái. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là: 15% (Mười hai phần trăm). Vật gây thương tích: Vật sắc.
* Tại bản án hình sự sơ thẩm số: 06/2022/HS-ST, ngày 12 tháng 01 năm 2022 của Tòa án nhân dân A, tỉnh Kiên Giang đã quyết định:
Áp dụng: Điểm đ khoản 2 Điều 134; điểm s khoản 1, 2 Điều 51 và Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Xử phạt: Bị cáo Huỳnh Hữu T 02 (Hai) năm 06 (Sáu) tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Thời điểm chấp hành hình phạt tù được tính từ ngày bị bắt tạm giam ngày 12/4/2021.
Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự; các Điều 584, 585, 586 và 590 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Buộc bị cáo Huỳnh Hữu T có nghĩa vụ bồi thường cho bị hại các khoản chi phí điều trị thương tích 6.330.000đ, tiền tàu xe 2.000.000đ, tổn thất tinh thần 22.350.000đ, tiền công lao động 15.000.000đ và tiền ăn 420.000đ. Tổng cộng các khoản là 46.100.000đ, khấu trừ số tiền 5.000.000đ bị cáo đã bồi thường, còn lại tiếp tục bồi thường 41.100.000đ.
* Sau khi xét xử sơ thẩm:
Ngày 17/01/2022, bị cáo Huỳnh Hữu T có đơn kháng cáo với nội dung xin giảm nhẹ hình phạt.
Ngày 19/01/2022 bị hại Nguyễn Văn M có đơn kháng cáo với nội dung: Hủy bản án sơ thẩm, chuyển tội danh của bị cáo từ tội “Cố ý gây thương tích” sang tội “Giết người” và buộc bị cáo bồi thường tổng số tiền là 115.750.927 đồng gồm: Tiền thuốc điều trị: 6.330.927 đồng, tiền ăn 01 người bệnh: 420.000 đồng, tiền xe cấp cứu: 2.000.000 đồng, tiền tổn thất tinh thần: 60.000.000 đồng, tiền công lao động: 47.000.000 đồng.
* Tại phiên tòa phúc thẩm:
- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang phát biểu quan điểm giải quyết vụ án như sau: Cấp sơ thẩm xét xử bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm đ khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự là đúng quy định của pháp luật. Bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, tại giai đoạn phúc thẩm bị cáo tự nguyện nộp khắc phục cho bị hại số tiền 20.000.000 đồng, đây là tình tiết giảm nhẹ mới được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS, nên đề nghị chấp nhận kháng cáo của bị cáo. Đối với kháng cáo của bị hại yêu cầu chuyển tội danh của bị cáo là không có căn cứ chấp nhận, bởi mục đích của bị cáo là chém dằn mặt, không có ý thức tước đoạt mạng sống của bị hại và thương tích của bị hại ở bàn tay, không phải vùng trọng yếu của cơ thể. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355 và điểm c khoản 1 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự, chấp nhận kháng cáo của bị cáo, không chấp nhận kháng cáo của bị hại, sửa bản án sơ thẩm theo hướng giảm hình phạt cho bị cáo từ 02 năm 06 tháng tù xuống còn 02 năm tù.
- Luật sư T phát biểu quan điểm bào chữa cho bị cáo: Bị cáo phạm tội do bộc phát, chứ không có ý định tước đoạt mạng sống của người bị hại, giữa bị cáo và bị hại cũng không có mâu thuẫn gì, nên việc cấp sơ thẩm xét xử bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích” là đúng quy định pháp luật. Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo đã tác động gia đình bồi thường cho bị hại số tiền 20.000.000 đồng, thể hiện sự ăn năn hối cải ở bị cáo, đây là tình tiết giảm nhẹ mới; do đó đề nghị HĐXX áp dụng thêm điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS và có thể xem xét áp dụng cho bị cáo thêm Điều 54 BLHS xử phạt bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt.
- Luật sư A bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại phát biểu quan điểm cho rằng: Giữa bị cáo và bị hại không có mâu thuẫn, mà bị cáo lại dùng hung khí nguy hiểm đánh bị hại, thể hiện tính côn đồ nên đề nghị HĐXX xem xét chấp nhận nội dung kháng cáo của bị hại. Viện kiểm sát đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo là gây bức xúc cho bị hại, cần xem xét xử phạt bị cáo mức án cho phù hợp với quy định pháp luật.
- Bị cáo thừa nhận cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm đ khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự là đúng tội và giữ nguyên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
- Bị hại có ý kiến: Giữ nguyên nội dung kháng cáo yêu cầu chuyển tội danh của bị cáo sang tội Giết người và xem xét lại phần trách nhiệm dân sự.
Lời nói sau cùng của bị cáo: Xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về tính hợp pháp của đơn kháng cáo:
Xét đơn kháng cáo của bị cáo, bị hại về nội dung, quyền kháng cáo, thủ tục kháng cáo và thời hạn kháng cáo đã đúng quy định tại Điều 331, 332 và 333 của Bộ luật tố tụng hình sự. Do đó, Hội đồng xét xử chấp nhận xem xét giải quyết theo trình tự phúc thẩm.
[2] Về quyết định của Bản án sơ thẩm:
Huỳnh Hữu T trong lúc đang uống bia tại nhà anh Nguyễn Thành Ty thuộc ấp 6 Đình, xã N, huyện A thì nhìn thấy Nguyễn Văn Kha chở Nguyễn Văn M đi ngang qua, nghĩ là M và Kha chửi mình nên T quay về nhà lấy cây dao tự chế lưỡi sắc bén, mũi nhọn đi ra chặn xe của M, Kha; sau đó T dùng dao chém M từ trên xuống, M dùng nón bảo hiểm đỡ, T tiếp tục chém thì M dùng tay trái đỡ, hậu quả làm M bị đứt lộ gân bàn tay trái với tỷ lệ tổn thương qua giám định là 15%. Xét thấy, Huỳnh Hữu T đã dùng hung khí nguy hiểm chém bị hại là vi phạm vào điểm a khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự và gây tổn thương cơ thể cho bị hại với tỷ lệ trên 11%. Do đó, cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm đ khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.
[3] Xét kháng cáo của bị cáo, bị hại:
[3.1] Bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. HĐXX xét thấy, trước khi vụ án xảy ra, giữa bị cáo và người bị hại không có mâu thuẫn gì, bị cáo cho rằng bị hại M và Kha khi đi ngang qua đã chửi bị cáo nên bị cáo quay về nhà lấy dao đến chặn xe bị hại để gây sự. Hành vi của bị cáo rất hung hăng, thể hiện ý thức xem thường pháp luật, xem thường sức khỏe của người khác. Mức án mà cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo là tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo.
Tuy nhiên, trong giai đoạn xét xử phúc thẩm, bị cáo đã tự nguyện nộp khắc phục thêm cho bị hại số tiền 20.000.000 đồng tại Chi cục thi hành án dân sự huyện A, đây là tình tiết giảm nhẹ mới được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự. Do đó, kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo là có căn cứ chấp nhận.
[3.2] Xét kháng cáo của bị hại:
Đối với kháng cáo yêu cầu chuyển tội danh của bị cáo. Xét thấy, hành vi của bị cáo dùng hung khí nguy hiểm chém một nhát vào người bị hại theo hướng từ trên xuống, nhưng bị hại đỡ được nên không bị thương tích; nhát dao thứ hai bị cáo chém thì bị hại dùng tay đỡ nên gây thương tích ở bàn tay. Bị cáo không chém trúng vào vùng trọng yếu trên cơ thể người bị hại, chỉ trúng vào tay của bị hại; bị cáo cũng không có ý thức tước đoạt mạng sống của bị hại và hậu quả thực tế xảy ra là bị hại chỉ bị thương tích ở bàn tay với tỷ lệ tổn thương qua giám định là 15%. Bị hại cho rằng nếu bị hại không dùng nón bảo hiểm để đỡ ở nhát chém thứ nhất và kịp thời bỏ chạy ở nhát chém thứ ba thì bị hại đã chết là suy đoán của bị hại, không có căn cứ, bởi thực tế hậu quả xảy ra bị hại chỉ bị thương tích ở bàn tay. Nên HĐXX xem xét hậu quả tới đâu thì xử lý hành vi bị cáo phù hợp. Do đó, cấp sơ thẩm xét xử bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích” là đúng người, đúng tội và đúng quy định của pháp luật; kháng cáo của bị hại yêu cầu chuyển tội danh Giết người đối với bị cáo là không có căn cứ chấp nhận.
Đối với kháng cáo yêu cầu bị cáo bồi thường các khoản gồm: Tiền thuốc điều trị 6.330.000đ, tiền xe cấp cứu 2.000.000đ, tiền ăn của người nuôi bệnh 420.000đ, đã được cấp sơ thẩm xem xét chấp nhận theo yêu cầu của bị hại, nên HĐXX không xem xét.
Đối với yêu cầu bồi thường tiền tổn thất tinh thần 60.000.000đ, tiền mất thu nhập 47.000.000đ. HĐXX xét thấy, đối với số tiền mất thu nhập, án sơ thẩm đã căn cứ vào hồ sơ bệnh án xác định thời gian bị hại nằm viện điều trị, thời gian dưỡng bệnh và tái khám, tổng cộng là 30 ngày và xác định số tiền công mỗi ngày của bị hại là 500.000đ theo như sự tự thỏa thuận thống nhất giữa bị cáo và bị hại, nên xác định thiệt hại do mất thu nhập bằng 30 ngày x 500.000đ/ngày = 15.000.000 đồng là đúng quy định pháp luật và phù hợp với thực tế. Đối với tiền tổn thất tinh thần, cấp sơ thẩm xác định số tiền bồi thường là 22.350.000đ là phù hợp. Mặt khác, tại phiên tòa phúc thẩm, bị hại không đưa ra được chứng cứ mới để làm căn cứ tăng mức bồi thường, do đó HĐXX không có căn cứ chấp nhận kháng cáo này của bị hại.
Sau khi xử sơ thẩm, bị cáo đã nộp bồi thường tại Chi cục thi hành án số tiền 20.000.000 đồng. Do phần trách nhiệm dân sự có kháng cáo nên HĐXX xem xét khấu trừ số tiền này vào số tiền mà cấp sơ thẩm buộc bị cáo phải bồi thường cho bị hại là 41.100.000đ. Như vậy, bị cáo còn phải bồi thường cho bị hại số tiền 41.100.000đ – 20.000.000đ = 21.100.000đ.
[4] Về quan điểm của Kiểm sát viên: Đề nghị HĐXX áp dụng điểm b khoản 1 Điều 355 và điểm c khoản 1 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự chấp nhận kháng cáo của bị cáo, không chấp nhận kháng cáo của bị hại, sửa án sơ thẩm theo hướng giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo là phù hợp nên Hội đồng xét xử chấp nhận.
[5] Xét đề nghị của Luật sư T bào chữa cho bị cáo: Đề nghị áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ tại điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo là phù hợp nên HĐXX chấp nhận.
[6] Xét đề nghị của Luật sư A: Luật sư đề nghị chuyển tội danh của bị cáo và chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại của bị hại là không phù hợp như HĐXX đã nhận định trên nên không chấp nhận đề nghị của Luật sư.
[7] Về án phí: Căn cứ Điều 135, Điều 136 Bộ luật Tố tụng Hình sự; Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.
Bị cáo kháng cáo được chấp nhận nên không phải chịu án phí phúc thẩm.
Bị hại kháng cáo về phần dân sự không được chấp nhận nên phải chịu án phí dân sự phúc thẩm là 300.000 đồng.
Do phần trách nhiệm dân sự bị sửa nên HĐXX sửa lại phần án phí dân sự giá ngạch, buộc bị cáo phải chịu án phí dân sự giá ngạch đối với số tiền còn lại phải bồi thường là 21.100.000đ x 5% = 1.055.000đ.
[8] Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị đã có hiệu lực kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị, nên Hội đồng xét xử không xem xét.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
1. Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355 và điểm c khoản 1 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự.
- Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Huỳnh Hữu T.
- Không chấp nhận kháng cáo của bị hại Nguyễn Văn M.
- Sửa Bản án sơ thẩm số 06/2022/HSST ngày 12 tháng 01 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện A, tỉnh Kiên Giang.
2. Áp dụng: Điểm đ khoản 2 Điều 134; điểm b, s khoản 1, 2 Điều 51 và Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Xử phạt: Bị cáo Huỳnh Hữu T 02 (Hai) năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Thời điểm chấp hành hình phạt tù được tính từ ngày 12/4/2021.
3. Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự; các Điều 584, 585, 586 và 590 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Buộc bị cáo Huỳnh Hữu T phải bồi thường cho bị hại Nguyễn Văn M các khoản: Chi phí điều trị thương tích 6.330.000đ, tiền tàu xe 2.000.000đ, tổn thất tinh thần 22.350.000đ, tiền công lao động 15.000.000đ và tiền ăn 420.000đ; tổng cộng các khoản là 46.100.000đ, được khấu trừ số tiền 5.000.000đ bị cáo đã bồi thường trước và 20.000.000đ theo Biên lai thu tiền số 0003261 ngày 05/4/2022 của Chi cục thi hành án dân sự huyện A, tỉnh Kiên Giang. Như vậy, bị cáo còn phải bồi thường cho bị hại Nguyễn Văn M số tiền 21.100.000đ (Hai mươi mốt triệu một trăm nghìn đồng).
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
4. Về án phí: Căn cứ Điều 135, Điều 136 Bộ luật Tố tụng Hình sự; Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.
Bị cáo phải chịu án phí dân sự giá ngạch là 1.055.000đ (Một triệu không trăm năm mươi lăm nghìn đồng) và không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
Bị hại phải chịu án phí dân sự phúc thẩm 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng).
5. Các Quyết định khác của Bản án sơ thẩm số: 06/2022/HSST ngày 12 tháng 01 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện A, tỉnh Kiên Giang không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án về tội cố ý gây thương tích số 87/2022/HS-PT
Số hiệu: | 87/2022/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Kiên Giang |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 28/04/2022 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về