Bản án về tội cố ý gây thương tích số 348/2022/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

BẢN ÁN 348/2022/HS-PT NGÀY 21/04/2022 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 21 tháng 4 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, mở phiên tòa công khai xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 925/2022/HSPT ngày 08 tháng 12 năm 2021 đối với bị cáo Đỗ T do có kháng cáo của bị cáo đối với bản án hình sự sơ thẩm số 107/2021/HSST ngày 18/10/2021 của Tòa án nhân dân huyện H, thành phố Hà Nội.

Bị cáo có kháng cáo và bị kháng cáo, kháng nghị: Đỗ T, sinh năm 1958; nơi cư trú Thôn 3, xã S, huyện H, thành phố Hà Nội; nghề nghiệp lao động tự do; trình độ văn hóa 05/10; dân tộc: Kinh; giới T: nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Đỗ Đình T (đã chết) và bà Đỗ Thị G; vợ Nguyễn Thị H và 03 (con lớn sinh năm 1981, con nhỏ sinh năm 1985); tiền án, tiền sự không; bị cáo hiện đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú: Có mặt tại phiên tòa.

Luật sư bào chữa cho bị cáo: Ông Nguyễn Anh P – Luật sư Công ty luật TNHH Ph thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội – có mặt.

Người bị hại có kháng cáo:

Bà Đỗ Thị M, sinh năm 1966; trú tại thôn Ngự Câu, xã A, huyện H, Thành phố Hà Nội; có mặt tại phiên tòa.

Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại: Ông Chu Bá T – Luật sư Công ty luật Thực Trí thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội – có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện H và Bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân huyện H, Hà Nội thì nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 18 giờ 30 phút ngày 17/12/2018, bà Đỗ Thị M điều khiển xe máy BKS 33P2-3211 đi từ nhà đến nhà mẹ đẻ là bà Đỗ Thị G đến nơi thấy bà G đang ngồi trong nhà nói chuyện về việc đất ruộng với con trai là Đỗ T là anh trai bà M. Quá trình nói chuyện, tranh luận bà M thấy T có thái độ hỗn láo, chỉ tay vào mặt bà G, nên bà M có nói với bà G: “Mẹ không phải nói với ông đấy, ruộng đất có gì mẹ cứ ra xã, tự người ta giải quyết có sổ sách hết”. Khi bà M vừa nói xong thì bị T chửi và cầm một chiếc ghế gỗ, bề mặt ghế có kích thước (23,5x14,5x1,2)cm, hai chân ghế bằng gỗ có kích thước (14,5x8x2)cm; T cầm ghế bằng tay phải lao tới chỗ bà M đang đứng định đánh, nhưng sau đó T dùng tay đấm vào mặt bà M và dùng 2 tay ôm vào vai bà M, bà M cũng ôm ghì cổ T ghì vào mặt bà M để T không đánh vào mặt bà M. T vật bà M từ phải sang trái làm bà M bị ngã ngửa xuống sân nền xi măng trong tư thế bà M nằm ngửa, T ngã theo nằm trên người bà M, xong T ngồi trên bụng bà M, dùng tay đánh vào mặt, bà M chống đỡ đẩy T ra thì T dùng 2 tay vặn chân phải của bà M.

Sau đó, chị Nguyễn Thị Mai là em dâu bà M ở nhà bên cạnh nghe thấy tiếng cãi chửi nhau đi sang thấy vậy có can ngăn và kéo T ra và nói: “Anh đánh chị như thế này thì chết mất”, chị Mai có xin T nhưng T không dừng mà tiếp tục đánh dùng tay đánh vào người bà M. Lúc này bà G kêu lên thì có ông Đỗ Văn Nghiêm là hàng xóm chạy tới cùng chị Mai can ngăn kéo được T ra thì T vẫn cố dùng chân đạp vào bụng bà M. Sau đó, T đứng ở cổng nhà chửi khoảng 5 phút rồi bỏ đi. Do bị T đánh nên bà M bị đau chân không đứng dậy được và nằm ở sân, bà M lấy điện thoại điện cho chồng là ông Nguyễn Hữu Tôn đến để đưa đi cấp cứu. Sau đó, ông Tôn cùng công an xã S đến và đưa bà M đến Bệnh viện đa khoa huyện H cấp cứu.

Vật chứng thu giữ: 01 chiếc ghế bằng gỗ, bề mặt diện (23,5x14,5x1,2)cm có hai chân bằng gỗ kích thước trong diện (14,5x8x2)cm do bà Đỗ Thị M giao nộp.

Hậu quả:

Bà M điều trị tại bệnh viện đa khoa huyện H từ ngày 17/12/2018 đến ngày 24/12/2018 thì ra viện. Sau khi ra viện bà M thấy đầu gối chân phải của mình vẫn đau nhức, không đi lại được nên bà M được gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa huyện H để khám được bác sỹ điều trị chỉ định đến Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn để chụp MRI gối phải. Kết quả: Tổn thương đứt dây chằng chéo trước; Đụng giập, phù nề mâm chày + Dây chằng bên chày; Phù nề phần mềm quanh khớp gối. Bà M được gia đình đưa về tiếp tục điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện H từ ngày 15/01/2019 đến ngày 25/01/2019.

Sau khi tiếp tục điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện H, bà M thấy đầu gối phải vẫn đau nhức nên ngày 12/2/2019, bà M đến Bệnh viện thể thao Việt Nam khám và điều trị vật lý trị liệu 02 đợt:

Đợt 1: Từ ngày 12/02/2019 đến ngày 22/3/2019 Đợt 2: Từ ngày 27/3/2019 đến ngày 23/4/2019.

Bà M tiếp tục vào điều trị và phẫu thuật nội soi giải phóng vận động gối phải từ ngày 23/5/2019 đến ngày 03/6/2019 tại Bệnh viện thể thao Việt Nam.

Thương tích của bà M theo Giấy chứng thương:

1. Tại Giấy chứng thương (lần 1) do Bệnh viện đa khoa huyện H cấp ngày 05/4/2019, chẩn đoán thương tích của bà M: Chấn thương phần mềm vùng đầu, gối phải.

2. Tại Giấy chứng thương (lần 2) do Bệnh viện đa khoa huyện H cấp ngày 16/5/2019, chẩn đoán thương tích của bà M: Cứng khớp gối phải do đứt dây chằng chéo trước.

3. Tại Giấy chứng nhận thương tích số 20CN ngày 15/5/2019 của Bệnh viện thể thao Việt Nam chẩn đoán thương tích của bà M: Cứng khớp gối (P) sau chấn thương 2 tháng theo dõi tổn thương ACL độ II phù tuỷ mâm chày (P).

- Tình trạng thương tích lúc ra viện: Giảm đau, giảm nề.

4. Tại Giấy chứng nhận thương tích số 21CN ngày 15/5/2019 của Bệnh viện thể thao Việt Nam chẩn đoán thương tích của bà M: Cứng khớp gối (P) sau chấn thương 3,5 tháng theo dõi tổn thương ACL độ II phù tuỷ mâm chày (P).

- Tình trạng thương tích lúc ra viện: Giảm đau, giảm nề.

Ngày 23/4/2019, Cơ quan CSĐT Công an huyện H ra Quyết định trưng cầu giám định thương tích số 186 trưng cầu Viện khoa học hình sự Bộ Công an giám định để xác định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể và cơ chế hình thành thương tích của bà M.

Ngày 19/7/2019 Viện khoa học hình sự Bộ Công an có Bản kết luận giám định pháp y thương tích số 2123/C09-TT1 kết luận:

- Kết quả chính:

Căn cứ kết quả nghiên cứu hồ sơ, khám giám định, khám chuyên khoa và các xét nghiệm, xác định bà Đỗ Thị M bị chấn thương phần mềm vùng thái dương phải và gối phải đã được khám và điều trị, hiện tại để lại: Vùng thái dương phải không còn dấu vết thương tích. Chấn thương khớp gối gây cứng khớp, tầm vận động khớp gối phải từ 00 độ đến 50 

- Kết luận:

+ Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể:

Áp dụng Mục 11.3, Phần VII, Chương 8 Bảng tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể do thương tích ban hành theo thông tư số 20/2014/TT-BYT, ngày 12/6/2014 của Bộ y tế xác định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể do chấn thương khớp gối gây cứng khớp, tầm vận động khớp gối phải từ 00 độ đến 50 tại thời điểm giám định là: 30% (Ba mươi phần trăm).

+ Cơ chế hình thành thương tích: Chấn thương vùng gối phải của bà Đỗ Thị M do vật tày gây nên.

Ngày 15/8/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện H có công văn số 658A/CQĐT-ĐTTH yêu cầu Bệnh viện đa khoa huyện H giải thích rõ kết quả chẩn đoán thương tích lần 1 và kết quả chẩn đoán thương tích lần 2 của bà M trong quá trình điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện H có cùng một vết thương không? Thời gian hình thành vết thương? Ngày 06/11/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra -Công an huyện H nhận được công văn số 972/CV-BVHĐ ngày 20/10/2020 và ngày 03/02/2021, Cơ quan CSĐT-Công an huyện H nhận được công văn số 323/BVHĐ-KHTH của Bệnh viện đa khoa huyện H giải thích kết quả chẩn đoán hình ảnh chụp của bà Đỗ Thị M.

Nội dung:

- Chẩn đoán lần 1 tại khoa ngoại: Bệnh nhân nằm điều tại khoa ngoại được chỉ định chụp X-Quang khớp gối phải và siêu âm khớp gối phải, kết quả không thấy hình ảnh gẫy xương. Bệnh viện không thực hiện chụp MRI nên không xác định được chấn thương bên trong là đứt dây chằng chéo trước gối phải. Vì vậy, chuẩn đoán lần 1 là chấn thương phần mền vùng đầu và gối phải do bị đánh là phù hợp với lâm sàng và cận lâm sàng tại thời điểm đó.

- Chẩn đoán lần 2 tại đơn nguyên phục hồi chức năng: Trong quá trình điều trị tại khoa ngoài từ ngày 17/12/2018 đến ngày 25/12/2018 gối phải tiến triển chậm, được bác sỹ điều trị chỉ định chụp MRI khớp gối phải ở Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn. Sau khi bệnh nhân chụp MRI gối phải ở Bệnh viện Xanh Pôn có kết quả: Đứt dây chằng chéo trước khớp gối phải. Vì vậy, bệnh nhận điều trị lần 2 tại đơn nguyên phục hồi chức năng với chẩn đoán lần 2 là cứng khớp gối phải do đứt dây chằng chéo trước là phù hợp với thời điểm đó.

- Kết quả chẩn đoán lần 1 và lần 2 là trên cùng 1 vị trí tổn thương.

- Thời gian hình thành vết thương: Đứt dây chằng chéo trước có thể xuất hiện ngay sau khi bệnh nhân bị đánh và ngã nhưng bệnh viện H không thực hiện chụp MRI nên không xác định được chấn thương bên trong tại thời điểm đó.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 107/2021/HSST ngày 18/10/2021 của Tòa án nhân huyện H, thành phố Hà Nội đã xét xử:

Tuyên bố bị cáo Đỗ T phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

Áp dụng: Điểm đ khoản 2 (thuộc điểm i khoản 1) Điều 134 và Điều 38 Bộ luật hình sự:

Xử phạt bị cáo: Đỗ T 30 (Ba mươi) tháng tù, thời hạn tù T từ ngày bắt đi thi hành án phạt tù.

Về trách nhiệm dân sự: Buộc bị cáo phải bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho bà Đỗ Thị M số tiền 114.288.000 đồng (một trăm mười bốn triệu, hai trăm tám mươi tám nghìn đồng).

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo của những người tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.

Ngày 28/10/2021, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân H có Quyết định Kháng nghị số 02/QĐ- VKSHĐ-HN, cho rằng bản án sơ thẩm xét xử bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự với tình tiết “Có T chất côn đồ” là không đúng pháp luật, đề nghị xét xử bị cáo theo khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự.

Ngày 03/11/2021, bị cáo Đỗ T có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo; xem xét lại mức bồi thường.

Ngày 23/10/2021, bị hại là bà Đỗ Thị M có đơn kháng cáo đề nghị tăng hình phạt và tăng bồi thường đối với bị cáo.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Đại diện Viện kiểm sát rút quyết định kháng nghị số 02/QĐ- VKSHĐ-HN 28/10/2021, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân H; bị cáo thay đổi yêu cầu kháng cáo cho rằng bị cáo bị oan, bị cáo không có hành vi vặn chân bị hại nên bị cáo không có trách nhiệm bồi thường cho bị hại; người bị hại giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án: Tại phiên tòa, bị cáo thay đổi yêu cầu kháng cáo, cho rằng bị oan, bị cáo thừa nhận có dùng ghế ném, đấm đá bà M nhưng bị cáo không có hành vi vặn chân bà M dẫn đến hậu quả bà M bị thương tích ở đầu gối. Tuy nhiên, căn cứ vào lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra, lời khai của bị hại, người làm chứng và các tài liệu chứng cứ khác, có trong hồ sơ vụ án, xét thấy việc Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo Đỗ T về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm d khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự là đúng; việc bị cáo và luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng bị cáo bị oan nhưng không đưa ra được chứng cứ để chứng M.

Xét kháng cáo của bị cáo và người bị hại, thấy: Với tính chất, mức độ hành vi phạm tội cũng như thái độ khai báo không thành khẩn của bị cáo và tỷ lệ tổn hại sức khỏe của bị hại thì Tòa án cấp sơ thẩm quyết định xử phạt bị cáo 30 tháng tù giam là phù hợp nên không có căn cứ để giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo của bị cáo, kháng cáo đề nghị tăng hình phạt của bị hại.

Xét kháng cáo của bị hại đề nghị tăng mức bồi thường: Tòa án cấp sơ thẩm đã tính toán đầy đủ các khoản bị cáo phải bồi thường cho bị hại căn cứ vào các hóa đơn, chứng từ, chi phí thực tế, hợp lý để buộc bị cáo bồi thường cho bà Đỗ Thị M tổng số tiền 114.288.000 đồng là phù hợp. Tại cấp phúc thẩm, bà M không xuất trình thêm tài liệu mới nên không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo tăng bồi thường của bà M.

Từ phân tích trên, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a khoản 1 Điều 355 Bộ luật Tố tụng hình sự, không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, bị hại, giữ nguyên các quyết định của bản án sơ thẩm.

Luật sư bào chữa cho bị cáo T trình bày luận cứ: Ở phần tranh luận luật sư bào chữa cho bị cáo trình bày luận cứ cho rằng bị cáo có tội như án sơ thẩm quy kết chỉ đề nghị xem xét khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt và cho bị cáo được hưởng án treo. Tuy nhiên, tại phần đối đáp, luật sư lại có quan điểm cho rằng bị cáo bị oan, bị cáo không có hành vi ném ghế vào đầu bị hại, không vặn chân bị hại, khi xảy ra va chạm đánh nhau giữa bị cáo và bị hại, bị cáo ngồi lên bụng bị hại mặt đối mặt thì không thể bị cáo vặn chân bị hại; bị cáo không có hành vi phạm tội có T chất côn đồ. Đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo không phạm tội.

Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại trình bày: Về tội danh và điều luật áp dụng luật sư không có ý kiến gì, chỉ đề nghị xem xét yêu cầu kháng cáo của bị hại tăng hình phạt và bồi thường đối với bị cáo, với lý do: Quá trình điều tra, tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, bị cáo không nhận tội, không bồi thường khắc phục hậu quả cho bị hại; bị cáo gây thương tích tổn hại 30% sức khỏe cho bị hại, chỉ còn 1% bị cáo sẽ bị truy tố lên khoản 3 Điều 134 Bộ luật Hình sự, Bản án sơ thẩm chỉ xử phạt bị cáo mức án 30 tháng tù là quá nhẹ so với hành vi phạm tội của bị cáo và mức hình phạt quy định tại khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự (từ 2 đến 6 năm tù). Về mức bồi thường, đề nghị xem xét yêu cầu của người bị hại tại cấp sơ thẩm để tăng mức bồi thường thiệt hại cho bị hại, cụ thể yêu cầu bị cáo bồi thường cho bị hại tổng các khoản là 514.188.450 đồng mà bị hại đã yêu cầu cụ thể tại phiên tòa sơ thẩm và theo nội dung đơn kháng cáo của bị hại.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

Về tố tụng:

Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện H và kháng cáo của bị cáo, người bị hại trong hạn luật định nên hợp lệ được chấp nhận xem xét theo thủ tục phúc thẩm. Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hà Nội đã rút quyết định kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện H. Căn cứ 342 Bộ luật Tố tụng hình sự, Hội đồng xét xử không xem xét nội dung yêu cầu kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện H.

Về nội dung: Tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, bị cáo thừa nhận có đấm, đá, tát bị hại nhưng không thừa nhận có hành vi gây thương tích ở đầu gối cho bà M, tuy nhiên căn cứ vào lời khai của bị cáo trong quá trình điều tra, tại phiên tòa, lời khai của người bị hại, lời khai của những người làm chứng; kết luận giám định thương tích và các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, có đủ cơ sở kết luận: Khoảng 18 giờ 30 phút ngày 17/12/2018, tại nhà mẹ đẻ là bà Đỗ Thị G, giữa bị cáo Đỗ T và bà Đỗ Thị M đã xảy ra cãi nhau. Bị cáo T cầm một chiếc ghế gỗ ném về phía bà M nhưng không trúng, sau đó bị cáo lao vào dùng tay đấm vào mặt bà M và dùng 2 tay ôm vào vai bà M, bà M cũng ôm cổ bị cáo ghì vào mặt bà M để bị cáo T không đánh vào mặt. Bị cáo vật bà M từ phải sang trái, ngã xuống sân nền xi măng, dùng tay đánh vào mặt và dùng 2 tay vặn chân phải của bà M. Hậu quả bà M bị tổn hại 30% sức khỏe. Giữa bị cáo và bị hại là anh em ruột, do bị cáo có thái độ hỗn láo với mẹ đẻ là bà G nên bà M có ý nhắc bà G không nên tranh luận, cãi nhau với bị cáo T mà nên để chính quyền giải quyết việc đất cát. Bà M chưa có lời nói xúc phạm, chửi bới, kích động đến bị cáo nhưng ngay lập tức bị cáo dùng ghế gỗ ném về phía bà M, xông vào ôm cổ, vật ngã, đánh gây thương tích cho bà M. Hành vi của bị cáo có T chất côn đồ, hung hãn nên Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật; luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng bị cáo không có hành vi có T chất côn đồ là không có cơ sở. Quyết định kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện H đề nghị xét xử bị cáo theo khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự là không phù hợp nên tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hà Nội đã rút quyết định kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện H.

Xét kháng cáo về phần hình phạt của bị cáo và người bị hại, thấy: Hành vi phạm tội của bị cáo đã trực tiếp xâm phạm đến sức khỏe của công dân được pháp luật bảo vệ, gây mất trật tự trị an tại địa phương và ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn Thủ đô. Bị cáo là người có đủ năng lực nhận thức và điều khiển hành vi, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt, bị cáo đã gây thương tích cho bị hại là em ruột của mình. Với T chất, mức độ hành vi phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo và tỷ lệ tổn hại sức khỏe của bị hại thì việc Tòa án cấp sơ thẩm quyết định xử phạt bị cáo 30 tháng tù giam là phù hợp. Tại phiên tòa, bị cáo, bị hại không đưa ra được tình tiết nào mới nên không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo của bị cáo, kháng cáo đề nghị tăng hình phạt của bị hại.

Xét kháng cáo của bị hại đề nghị tăng mức bồi thường: Tòa án cấp sơ thẩm đã T toán đầy đủ các khoản bị cáo phải bồi thường cho bị hại căn cứ vào các hóa đơn, chứng từ, chi phí thực tế, hợp lý để buộc bị cáo bồi thường cho bà Đỗ Thị M tổng số tiền 114.288.000 đồng là phù hợp. Tại cấp phúc thẩm, bà M không xuất trình thêm tài liệu mới nên không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo tăng bồi thường của bà M.

Về án phí: Bị cáo không được chấp nhận kháng cáo nên phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ khi hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355 Bộ luật Tố tụng hình sự, Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo và người bị hại, giữ nguyên các quyết định của bản án sơ thẩm, xử:

Áp dụng Điểm đ khoản 2 Điều 134; khoản 2 Điều 51; Điều 38 Bộ luật Hình sự: Xử phạt bị cáo: Đỗ T 30 (Ba mươi) tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”, thời hạn tù T từ ngày bắt đi thi hành án phạt tù.

Về trách nhiệm dân sự: Buộc bị cáo phải bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho bà Đỗ Thị M tổng số tiền 114.288.000 đồng (một trăm mười bốn triệu, hai trăm tám mươi tám nghìn đồng).

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại các Điều 357 và Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

2. Về án phí: Áp dụng Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự; Điều 23 Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH 12 ngày 27/02/2009 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Án phí, Lệ phí Tòa án; Nghị quyết 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội qui định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án.

Bị cáo Đỗ T phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự phúc thẩm.

3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án hình sự phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày 21/4/2022.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

55
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội cố ý gây thương tích số 348/2022/HS-PT

Số hiệu:348/2022/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hà Nội
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 21/04/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về