Bản án về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự số 02/2021/HS-ST

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN XT, TỈNH NAM ĐỊNH

BẢN ÁN 02/2021/HS-ST NGÀY 19/01/2021 VỀ TỘI CHO VAY LÃI NẶNG TRONG GIAO DỊCH DÂN SỰ

Ngày 19 tháng 01 năm 2021 tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện XT, tỉnh Nam Định xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số 62/2020/TLST-HS ngày 08 tháng 12 năm 2020, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 01/2021/QĐXXST-HS ngày 07 tháng 01 năm 2021, đối với bị cáo: Phạm Thị N, sinh ngày 22 tháng 11 năm 1983; nơi cư trú: Thôn TL, xã Xuân Ngọc, huyện XT, tỉnh Nam Định; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hóa: 9/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nữ; tôn giáo: Thiên Chúa giáo; quốc tịch: Việt Nam; con ông Phạm Công T và bà Trần Thị N; gia đình có 04 chị em, bị cáo là con thứ nhất; có chồng là Trần Công Đ, sinh năm 1980; có 03 con, con lớn sinh năm 2003, con nhỏ sinh năm 2015; tiền án, tiền sự: Không; bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đến nay; “có mặt”.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Chị Trần Thị V, sinh năm 1974; địa chỉ: Thôn TL, xã XN, huyện XT, tỉnh Nam Định; “vắng mặt”.

2. Anh Trần Công Đ, sinh năm 1980; địa chỉ: Thôn TL, xã XN, huyện XT, tỉnh Nam Định; “có mặt”.

3. Anh Phạm Ngọc T, sinh năm 1992; địa chỉ: Thôn TL, xã XN, huyện XT, tỉnh Nam Định; “có mặt”.

4. Anh Phạm Đức P, sinh năm 1989; địa chỉ: Thôn TL, xã XN, huyện XT, tỉnh Nam Định; “có mặt”.

5. Anh Trần Đình P, sinh năm 1993; địa chỉ: Thôn TL, xã XN, huyện XT, tỉnh Nam Định ; “có mặt”.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Phạm Thị N và Trần Thị V có quen biết nhau, cùng trú tại Thôn TL, xã XN, huyện XT, tỉnh Nam Định. Do cần tiền để lo công việc cho gia đình nên trong khoảng thời gian từ ngày 24/02/2019 đến ngày 01/8/2019, Trần Thị V có đến hỏi vay tiền N nhiều lần, N đồng ý cho V vay với số tiền và lãi suất cụ thể như sau:

- Lần thứ nhất: Ngày 24/02/2019, N cho chị V vay 20.000.000đ với lãi suất là 3.000đ/1T/1ngày (tương đương 108%/năm). Chị V đã trả lãi cho N được 05 tháng gồm các tháng 3, 4, 5, 6, 7/2019 với số tiền là: 05 tháng x 1.800.000đ/1 tháng = 9.000.000đ.

Theo quy định của Bộ luật Dân sự, số tiền lãi hợp pháp được thu không quá 20%/năm của khoản tiền vay (tức tiền gốc). Như vậy, số tiền lãi hợp pháp là: (số tiền gốc : 12 tháng x 20%) x số tháng đã thu lãi (đối với tính lãi theo ngày là: số tiền gốc x (20% :12 tháng : 30 ngày) x số ngày đã thu lãi), trong trường hợp này là: (20.000.000đ : 12 x 20%) x 5 = 1.666.666đ.

Số tiền chiếm hưởng bất hợp pháp là: 9.000.000đ - 1.666.666đ = 7.333.334đ.

Tương tự cách tính như trên đối với các lần vay khác như sau:

- Lần thứ 2: Ngày 10/3/2019, N cho chị V vay 10.000.000đ với lãi suất là 3.000đ/1 T/ 1 ngày (tương đương 108%/năm). N đã thu lãi được 04 tháng gồm tháng 4, 5, 6, 7/2019 với tổng số tiền là: 3.600.000đ.

Số tiền lãi hợp pháp là: 666.666đ.

Số tiền chiếm hưởng bất hợp pháp là: 3.600.000đ - 666.666đ = 2.933.334đ.

- Lần thứ 3: Ngày 13/3/2019, N cho chị V vay 30.000.000đ với lãi suất là 3.000đ/1 T/1 ngày (tương đương 108%/năm). N đã thu lãi được 04 tháng gồm các tháng 4, 5, 6, 7/2019 và 19 ngày kể từ ngày 13/7/2019 đến 31/7/2019 với tổng số tiền là: 12.510.000đ.

Số tiền lãi hợp pháp là: 2.316.666đ.

Số tiền chiếm hưởng bất hợp pháp là: 12.510.000đ – 2.316.666đ = 10.193.334đ.

- Lần thứ 4: Ngày 15/4/2019, N cho chị V vay 25.000.000đ với lãi suất 3.000đ/1 T/1 ngày (tương đương 108%/năm). N đã thu lãi được 03 tháng gồm các tháng 5, 6, 7/2019 và 17 ngày kể từ ngày 15/7/2019 đến ngày 31/7/2019 với tổng số tiền là: 8.025.000đ.

Số tiền lãi hợp pháp là: 1.486.111đ.

Số tiền chiếm hưởng bất hợp pháp là: 8.025.000đ – 1.486.111đ = 6.538.889đ.

- Lần thứ 5: Ngày 16/4/2019, N cho chị V vay 10.000.000đ với lãi suất 4.000đ/1 T/1 ngày (tương đương 144%/năm). N đã thu lãi được 03 tháng gồm các tháng 5, 6, 7/2019 và 16 ngày kể từ ngày 16/7/2019 đến 31/7/2019 với tổng số tiền là: 4.240.000đ.

Số tiền lãi hợp pháp là: 588.888đ.

Số tiền chiếm hưởng bất hợp pháp là: 4.240.000đ – 588.888đ = 3.651.112đ.

- Lần thứ 6: Ngày 26/4/2019, N cho chị V vay 30.000.000đ với lãi suất 4.000đ/1 T/1 ngày (tương đương 144%/năm). N đã thu lãi được 03 tháng gồm tháng 5, 6, 7/2019 với tổng số tiền là: 10.800.000đ.

Số tiền lãi hợp pháp là: 1.500.000đ.

Số tiền chiếm hưởng bất hợp pháp là: 10.800.000đ – 1.500.000đ = 9.300.000đ.

- Lần thứ 7: Ngày 04/5/2019, N cho V vay 30.000.000đ với lãi suất 4.000đ/1 T/1 ngày (tương đương 144%/năm). V đã trả lãi cho chị N 02 tháng là tháng 6, 7/2019 với tổng số tiền là: 7.200.000đ.

Số tiền lãi hợp pháp là: 1.000.000đ.

Số tiền chiếm hưởng bất hợp pháp là: 7.200.000đ – 1.000.000đ = 6.200.000đ.

- Lần thứ 8: Ngày 07/5/2019, N cho chị V vay 30.000.000đ với lãi suất 4.000đ/1 T/1 ngày (tương đương 144%/năm). N đã thu lãi được 02 tháng gồm tháng 6, 7/2019 với tổng số tiền là: 7.200.000đ.

Số tiền lãi hợp pháp là: 1.000.000đ.

Số tiền chiếm hưởng bất hợp pháp là: 7.200.000đ – 1.000.000đ = 6.200.000đ.

- Lần thứ 9: Ngày 22/5/2019, N cho chị V vay 50.000.000đ với lãi suất 4.000đ/1 T/1 ngày (tương đương 144%/năm). N đã thu lãi được 02 tháng gồm tháng 6, 7/2019 với tổng số tiền là: 12.000.000đ.

Số tiền lãi hợp pháp là: 1.666.666đ.

Số tiền chiếm hưởng bất hợp pháp là: 12.000.000đ – 1.666.666đ = 10.333.334đ.

- Lần thứ 10: Ngày 26/5/2019, N cho chị V vay 40.000.000đ với lãi suất 4.000đ/1 T/1 ngày (tương đương 144%/năm). N đã thu lãi được 02 tháng gồm tháng 6, 7/2019 với tổng số tiền là: 9.600.000đ.

Số tiền lãi hợp pháp là: 1.333.333đ.

Số tiền chiếm hưởng bất hợp pháp là: 9.600.000đ – 1.333.333đ = 8.266.667đ.

- Lần thứ 11: Ngày 31/5/2019, N cho chị V vay 20.000.000đ với lãi suất 4.000đ/1 T/1 ngày (tương đương 144%/năm). N đã thu lãi được 02 tháng gồm tháng 6, 7/2019 với tổng số tiền là: 4.800.000đ.

Số tiền lãi hợp pháp là: 666.666đ.

Số tiền chiếm hưởng bất hợp pháp là: 4.800.000đ – 666.666đ = 4.133.334đ.

- Lần thứ 12: Ngày 05/6/2019, N cho chị V vay 30.000.000đ với lãi suất 4.000đ/1 T/1 ngày (tương đương 144%/năm). N đã thu lãi được 01 tháng tính đến tháng 7/2019 với số tiền là: 3.600.000đ.

Số tiền lãi hợp pháp là: 500.000đ.

Số tiền chiếm hưởng bất hợp pháp là: 3.600.000đ – 500.000đ = 3.100.000đ.

- Lần thứ 13: Ngày 08/6/2019, N cho chị V vay 10.000.000đ với lãi suất 4.000đ/1 T/1 ngày (tương đương 144%/năm). N đã thu lãi được 01 tháng tính đến tháng 7/2019 với số tiền là: 1.200.000đ.

Số tiền lãi hợp pháp là: 166.666đ.

Số tiền chiếm hưởng bất hợp pháp là: 1.200.000đ – 166.666đ = 1.033.334đ - Lần thứ 14: Ngày 12/6/2019, N cho chị V vay 30.000.000đ với lãi suất 4.000đ/1 T/1 ngày (tương đương 144%/năm). N đã thu lãi được 01 tháng tính đến tháng 7/2019 và 20 ngày kể từ 12/7 đến 31/7/2019 với số tiền là: 6.000.000đ.

Số tiền lãi hợp pháp là: 833.333đ.

Số tiền chiếm hưởng bất hợp pháp là: 6.000.000đ – 833.333đ = 5.166.667đ.

- Lần thứ 15: Ngày 16/6/2019, N cho chị V vay 40.000.000đ với lãi suất 3.000đ/1 T/1 ngày (tương đương 108%/năm). N đã thu lãi được 01 tháng tính đến tháng 7/2019 và 16 ngày kể từ 16/7 đến 31/7/2019 với số tiền là: 5.520.000đ.

Số tiền lãi hợp pháp là: 1.022.221đ.

Số tiền chiếm hưởng bất hợp pháp là: 5.520.000đ – 1.022.221đ = 4.497.779đ.

- Lần thứ 16: Ngày 19/6/2019, N cho chị V vay 15.000.000đ với lãi suất 4.000đ/1 T/1 ngày (tương đương 144%/năm). N đã thu lãi được 01 tháng tính đến tháng 7/2019 với số tiền là: 1.800.000đ.

Số tiền lãi hợp pháp là: 250.000đ.

Số tiền chiếm hưởng bất hợp pháp là: 1.800.000đ – 250.000đ = 1.550.000đ.

- Lần thứ 17: Ngày 21/6/2019, N cho chị V vay 30.000.000đ với lãi suất 4.000đ/1 T/1 ngày (tương đương 144%/năm). N đã thu lãi được 01 tháng tính đến tháng 7/2019 với số tiền là: 3.600.000đ.

Số tiền lãi hợp pháp là: 500.000đ.

Số tiền chiếm hưởng bất hợp pháp là: 3.600.000đ – 500.000đ = 3.100.000đ.

- Lần thứ 18: Ngày 01/7/2019, N cho chị V vay 30.000.000đ với lãi suất 3.000đ/1 T/1 ngày (tương đương 108%/năm). N đã thu lãi được 01 tháng tính đến hết tháng 7/2019 với số tiền là: 2.700.000đ.

Số tiền lãi hợp pháp là: 500.000đ.

Số tiền chiếm hưởng bất hợp pháp là: 2.700.000đ – 500.000đ = 2.200.000đ.

- Lần thứ 19: Ngày 14/7/2019, N cho chị V vay 10.000.000đ với lãi suất 3.000đ/1 T/ 1 ngày.

Lần vay này N chưa thu được lãi.

- Lần thứ 20: Ngày 01/8/2019, N cho chị V vay 40.000.000đ với lãi suất 4.000đ/1 T/1 ngày (tương đương 144%/năm). N đã thu lãi được 01 tháng tính đến hết tháng 8/2019 với số tiền là: 4.800.000đ.

Số tiền lãi hợp pháp là: 666.666đ.

Số tiền chiếm hưởng bất hợp pháp là: 4.800.000đ – 666.666đ = 4.133.334đ. Như vậy, tổng số tiền lãi trong 20 lần vay (trong đó lần vay thứ 19 N chưa thu được lãi) đã nêu ở trên là: 118.195.000đ. Nhưng có một số khoản vay Phạm Thị N làm tròn số nên tổng số lãi thực tế đã thu là: 118.150.000đ. Trong đó, số tiền lãi hợp pháp là: 18.330.548đ, số tiền chiếm hưởng bất hợp pháp là: 99.819.452đ.

Tại Cơ quan điều tra Phạm Thị N đã khai nhận toàn bộ hành vi đã cho chị V vay tiền với lãi suất như trên.

Cáo trạng số 61/CT-VKS ngày 07/12/2020 của Viện kiểm sát nhân dân huyện XT truy tố bị cáo Phạm Thị N về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” theo khoản 1 Điều 201 của Bộ luật Hình sự.

Tại phiên tòa, Đ diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố đã đánh giá về hành vi phạm tội, nhân thân và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo và giữ nguyên quan điểm truy tố, đề nghị Hội đồng xét xử:

- Về tội danh và hình phạt: Căn cứ khoản 1 điều 201; các điểm i, s khoản 1 Điều 51; Điều 36 Bộ luật Hình sự:

+ Tuyên bố Phạm Thị N đã phạm tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”;

+ Xử phạt Phạm Thị N từ 26 tháng đến 30 tháng cải tạo không giam giữ.

Miễn phạt tiền bổ sung và khấu trừ thu nhập đối với bị cáo.

Về vật chứng: Toàn bộ số vật chứng là sổ sách, giấy tờ liên quan đến việc vay, cho vay đã được chuyển theo hồ sơ vụ án nên đề nghị giữ nguyên kèm theo hồ sơ vụ án.

Về các biện pháp tư pháp: Căn cứ các điểm a, b khoản 1 điều 47 Bộ luật Hình sự; Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự:

- Truy thu của chị Trần Thị V số tiền 530.000.000đ để sung ngân sách nhà nước.

- Buộc bị cáo phải trả lại cho chị Trần Thị V số tiền chiếm hưởng bất hợp pháp là 99.819.452đ - Truy thu của Phạm Thị N 18.330.548đ để sung ngân sách nhà nước.

Về trách nhiệm dân sự: Buộc bị cáo phải có nghĩa vụ thanh toán cho anh Phạm Ngọc T 100.000.000đ; thanh toán cho anh Phạm Đức P 150.000.000đ; thanh toán cho anh Trần Đình P 80.000.000đ; thanh toán cho anh Trần Công Đ 100.000.000đ.

Bị cáo nhận tội, không có tranh luận gì với Đ diện Viện kiểm sát. Trong lời nói sau cùng, bị cáo ăn năn hối cải và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt để bị cáo có cơ hội phấn đấu trở thành công dân có ích cho gia đình và xã hội.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện XT, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện XT, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đều tuân thủ đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật tố tụng. Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo không có khiếu nại gì. Như vậy các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Về tội danh: Lời khai nhận tội của bị cáo Phạm Thị Ngyệt tại phiên tòa phù hợp với lời khai của bị cáo tại Cơ quan điều tra, lời khai của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, vật chứng thu giữ được, cùng các tài liệu, chứng cứ khác trong hồ sơ vụ án. Như vậy, có đủ cơ sở kết luận: Trong khoảng thời gian từ ngày 24/02/2019 đến ngày 01/8/2019 Phạm Thị N đã có hành vi cho chị Trần Thị V vay tổng số tiền 530.000.000đ với mức lãi suất từ 3.000đ/1T/1ngày đến 4.000đ/1 T/1 ngày, vượt quá 20%/năm lãi suất quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự, để thu lợi bất chính 99.819.452đ . Hành vi nêu trên của bị cáo Phạm Thị N đã đủ yếu tố cấu thành tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” theo quy định tại khoản 1 Điều 201 của Bộ luật Hình sự. Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện XT truy tố bị cáo theo tội danh, điều luật như trên là có căn cứ và phù hợp quy định của pháp luật.

[3] Hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự của bị cáo đã xâm hại tới trật tự quản lý kinh tế cụ thể là trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ. Do vậy phải xử lý bị cáo bằng pháp luật hình sự với mức án thích đáng mới có tác dụng cải tạo đối với bị cáo và răn đe phòng ngừa chung ngoài xã hội.

[4] Các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và nhân thân của bị cáo: Bị cáo không phải chịu tình tiết tăng nặng nào. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bị cáo chưa từng bị kết án nên lần phạm tội này của bị cáo thuộc trường hợp phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; bị cáo có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, là lao động chính trong gia đình. Do đó, Hội đồng xét xử cho bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại các điểm i, s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự để xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo khi lượng hình như đề nghị của Đ diện Viện kiểm sát tại phiên toà là phù hợp.

[5] Về hình phạt: Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và nhân thân của bị cáo. Hội đồng xét xử xét thấy bị cáo phạm tội ít nghiêm trọng, có nơi cư trú rõ ràng nên áp dụng hình phạt phạt cải tạo không giam giữ đối với bị cáo, giao cho chính quyền địa phương nơi bị cáo cư trú giám sát trong thời gian cải tạo cũng đủ sức răn đe, cải tạo giáo dục bị cáo, phù hợp với đề nghị của Đ diện Viện kiểm sát tại phiên toà.

[6] Về hình phạt bổ sung: Do bị cáo có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên không áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung đối với bị cáo và miễn khấu trừ thu nhập cho bị cáo.

[7] Về xử lý vật chứng: Cơ quan điều tra đã thu giữ của Phạm Thị N: 01 quyển sổ giấy mượn tiền viết tay (bản gốc) ghi ngày, tháng, năm và số tiền vay của 20 lần theo thứ tự, có chữ ký của Phạm Thị N và Trần Thị V; 01 giấy mượn tiền viết tay (bản gốc) ghi tổng số tiền cho vay 530.000.000đ có chữ viết và ký của Phạm Thị N, Trần Thị V; 01 giấy xác nhận mượn tiền viết tay (bản gốc) có chữ ký của Trần Thị V; 01 giấy hẹn trả nợ viết tay (bản gốc) có chữ ký của Trần Thị V, Phạm Thị N; 01 giấy viết tay (bản gốc) ghi 14 lần vay, đánh số từ 1-14 có ngày, tháng, năm số tiền vay và mức lãi suất từ 3.000đ đến 4.000đ/1 T/1 ngày;

01 giấy viết tay (bản gốc) ghi 13 lần vay, có ngày, tháng, năm, số tiền vay và lãi suất từ 3.000đ đến 4.000đ/1 T/1 ngày.

- Trần Thị V giao nộp: 01 quyển số viết tay (bản gốc) thống nhất trả lãi cho N đến hết ngày 01/8/2019, viết ngày 28/7/2019, số tiền trả lãi là 36.100.000đ có chữ viết, ký xác nhận của Phạm Thị N; 01 quyển sổ Trần Thị V tự ghi chép các lần vay và mức lãi; một số tài liệu phô tô về việc vay tiền, tính lãi suất giống bản gốc Phạm Thị N giao nộp.

- Các anh Phạm Ngọc T, Phạm Đức P, Trần Đình P tự giao nộp giấy N mượn tiền cho Cơ quan điều tra. Toàn bộ số vật chứng trên được lưu giữ trong hồ sơ vụ án.

[8] Về các biện pháp tư pháp: Đối với tổng số tiền 530.000.000đ mà N đã cho chị Trần Thị V vay, xét đây là công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội nên cần tịch thu, sung ngân sách nhà nước.

Số tiền lãi vượt quá 20%/năm theo quy định là 99.819.452đ mà N đã thu của chị V sẽ trả lại cho chị V.

Số tiền lãi với mức lãi suất 20%/năm theo quy định là 18.330.548đ N đã thu của chị V, đây là số tiền do phạm tội mà có nên cần tịch thu, sung ngân sách nhà nước.

[9] Đối với Trần Công Đ là chồng N, xét thấy anh Đ không biết việc bị cáo sử dụng tiền của gia đình vào việc phạm tội, đối với Phạm Ngọc T, Phạm Đức P, Trần Đình P vì quan hệ họ hàng nên đã cho N vay tiền, nhưng không biết N sử dụng tiền vay để cho vay lãi nặng nên Cơ quan điều tra đã nhắc nhở, rút kinh nghiệm là phù hợp.

Trong số tiền 530.000.000đ mà N cho chị V vay, có 200.000.000đ là tài sản chung của vợ chồng N và anh Đ. Do vậy, xét cần buộc bị cáo phải có nghĩa vụ thanh toán cho anh Trần Công Đ 100.000.000đ; thanh toán cho anh Phạm Ngọc T 100.000.000đ; thanh toán cho anh Phạm Đức P 150.000.000đ; thanh toán cho anh Trần Đình P 80.000.000đ.

[10] Về án phí: Buộc bị cáo phải nộp án phí hình sự và án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ vào khoản 1 Điều 201; các điểm i, s khoản 1 Điều 51; Điều 36 của Bộ luật Hình sự;

- Tuyên bố bị cáo Phạm Thị N phạm tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”;

- Xử phạt bị cáo Phạm Thị N 30 (ba mươi) tháng cải tạo không giam giữ. Thời hạn cải tạo không giam giữ tính từ ngày Ủy ban nhân dân xã nơi bị cáo cư trú nhận được Quyết định thi hành án và bản sao bản án.

Miễn khấu trừ thu nhập cho bị cáo Phạm Thị N.

Giao bị cáo Phạm Thị N cho Ủy ban nhân dân xã XN, huyện XT, tỉnh Nam Định giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân xã nơi cư trú của người bị kết án trong việc giám sát, giáo dục người đó.

2. Về biện pháp tư pháp: Căn cứ vào điểm a, b khoản 1 Điều 47 của Bộ luật Hình sự; các điểm a, b khoản 2 Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự; các Điều 123, 131, 357, 463, 468 của Bộ luật Dân sự;

- Truy thu của chị Trần Thị V số tiền 530.000.000đ (năm trăm ba mươi T đồng) để sung ngân sách nhà nước.

- Truy thu của bị cáo Phạm Thị N số tiền 18.330.548đ (mười tám T, ba trăm ba mươi nghìn, năm trăm bốn mươi tám đồng) để sung ngân sách nhà nước.

- Buộc bị cáo phải thanh toán cho anh Phạm Ngọc T số tiền 100.000.000đ (một trăm T đồng); thanh toán cho anh Phạm Đức P số tiền 150.000.000đ (một trăm năm mươi T đồng); thanh toán cho anh Trần Đình P số tiền 80.000.000đ (tám mươi T đồng); thanh toán cho anh Trần Công Đ số tiền 100.000.000đ (một trăm T đồng); thanh toán cho chị Trần Thị V số tiền 99.819.452đ (chín mươi chín T, tám trăm mười chín nghìn, bốn trăm năm mươi hai đồng) .

Kể từ ngày quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự.

3. Án phí: Căn cứ vào khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Toà án buộc bị cáo Phạm Thị N phải nộp 200.000đ (hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm và 21.200.000đ (hai mươi mốt T, hai trăm nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm:

4. Quyền kháng cáo: Bị cáo được quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được bản án hoặc được tống đạt hợp lệ.

Trong trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì bị cáo có quyền tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án. Thời hạn thi hành án thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

330
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự số 02/2021/HS-ST

Số hiệu:02/2021/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Xuân Trường - Nam Định
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:19/01/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về