TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI
BẢN ÁN 159/2021/HC-PT NGÀY 06/07/2021 VỀ KHIẾU KIỆN QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
Ngày 06 tháng 7 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án hành chính thụ lý số 546/2021/TLPT-HC ngày 09 tháng 11 năm 2020 về việc “Khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước” do có kháng cáo của người khởi kiện đối với Bản án hành chính sơ thẩm số 154/2020/HC-ST, ngày 27 tháng 7 năm 2020 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 4938/2021/QĐ-PT, ngày 21 tháng 6 năm 2021 giữa các đương sự:
Người khởi kiện: Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh V (Công ty TNHH G sát nhập ngày 01/3/2019).
Trụ sở làm việc: Khu kinh tế Đ, đảo C, thị trấn C, huyện C, thành phố Hải Phòng.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Đỗ Duy H - Công ty luật TNHH Quốc tế B, địa chỉ: Phòng 1002, tầng 10, Indochina Plaza Hà Nội, 241 X, phường D, quận C, thành phố Hà Nội; có mặt (người đại diện theo ủy quyền là bà Phạm Thị T có đơn xin vắng mặt; ông Hoàng Ngọc Q và bà Phạm Thị Thanh P có văn bản từ chối ủy quyền- Văn bản ủy quyền số -BL170).
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện: Luật sư Quách Minh T1 và luật sư Nguyễn Lê Hạnh L, Công ty luật TNHH Q, thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội; có mặt.
Người bị kiện:
1. Tổng Cục trưởng Tổng cục H1.
Trụ sở làm việc: Lô E3, đường D, quận C, thành phố Hà Nội.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Mai Xuân T2 – Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục trưởng Tổng cục H1; vắng mặt và có đơn xin xét xử vắng mặt.
Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Tổng Cục trưởng Tổng cục H1: Ông Trần Minh T3 - Phó Cục trưởng cục kiểm tra sau thông quan, Tổng cục H1; bà Đặng Nguyễn Hoàng A - Cục kiểm tra sau thông quan, Tổng cục H1; ông Đặng Phương T4 - Trưởng phòng 2, Cục kiểm tra sau thông quan, Tổng cục H1; bà Lê Minh T5 - Cục thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục H1; ông Đặng Văn Q1 - Vụ Pháp chế, Tổng cục H1; bà Nguyễn Thị Quỳnh N - Phó Chi cục trưởng chi cục kiểm tra sau thông quan, Cục H1 thành phố Hải Phòng và bà Tô Thị Thu H2 - Phó đội trưởng Đội kiểm tra sau thông quan số 1; chi cục kiểm tra sau thông quan, Cục H1 thành phố Hải Phòng (có mặt bà Đặng Nguyễn Hoàng A, bà Lê Minh T5, bà Nguyễn Thị Quỳnh N và bà Tô Thị Thu H2).
2. Cục trưởng Cục H1 thành phố Hải Phòng;
Trụ sở làm việc: Đường L, phường Đ, quận H, thành phố Hải Phòng.
3. Cục H1 thành phố Hải Phòng;
Trụ sở: Đường L, phường Đ, quận H, thành phố Hải Phòng.
Người đại diện theo ủy quyền của Cục trưởng Cục H1 thành phố Hải Phòng và Cục H1 thành phố Hải Phòng: Ông Nguyễn Kiên G - Phó cục trưởng Cục H1 thành phố Hải Phòng; vắng mặt và có đơn xin xét xử vắng mặt.
Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Cục H1 thành phố Hải Phòng: bà Nguyễn Thị Quỳnh N - Phó Chi cục trưởng Chi cục kiểm tra sau thông quan, Cục H1 thành phố Hải Phòng và bà Tô Thị Thu H2 - Phó đội trưởng Đội kiểm tra sau thông quan số 1; chi cục kiểm tra sau thông quan, Cục H1 thành phố Hải Phòng; có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ, nội dung vụ án như sau:
Công ty TNHH G hoạt động theo Giấy chứng nhận đầu tư số 011043001876 do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cấp chứng nhận lần đầu ngày 23/10/2012 với ngành nghề kinh doanh: Sản xuất và lắp ráp xe ô tô và phụ tùng ô tô; thực hiện quyền nhập khẩu ô tô nguyên chiếc và linh kiện, thiết bị, phụ tùng ô tô... Ngày 01/3/2019, Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh V (Viết tắt là Công ty V) sáp nhập Công ty TNHH G theo Giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần thứ 8 do sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hải Phòng cấp.
Ngày 01/01/2016, Công ty General Motors Overseas Distribution LLC thành lập và hoạt động theo pháp luật của D (Viết tắt: Công ty GMOD) và Công ty TNHH G (Viết tắt: Công ty GMVN) ký thỏa thuận đại lý phân phối với nội dung Công ty GMOD là nhà cung cấp, Công ty GMVN là đại lý phân phối với thời hạn 01 năm từ ngày ký hợp đồng và tự động gia hạn thêm 01 năm tiếp theo.
Thực hiện Quyết định số 2243/QĐ-HQHP ngày 08/06/2017 của Cục trưởng Cục H1 thành phố Hải Phòng v/v kiểm tra sau thông quan tại trụ sở cơ quan H1 đối với Công ty M. Cục H1 thành phố Hải Phòng đã tiến hành kiểm tra sau thông quan đối với các lô hàng nhập khẩu đã được thông quan trong phạm vi 05 năm kể từ ngày thông quan đến ngày ban hành quyết định kiểm tra. Bao gồm 08 Tờ khai H1 đối với lô hàng xe ô tô tải Pickup hiệu Chevrolet Colorado nhập khẩu:
1- Tờ khai số 100772605733 ngày 10/3/2016 2- Tờ khai số 101278234964 ngày 25/2/2017 3- Tờ khai số 10129552933 ngày 08/3/2017 4- Tờ khai số 101339448933 ngày 03/4/2017 5- Tờ khai số 101339454313 ngày 03/4/2017 6- Tờ khai số 101339459803 ngày 03/4/2017 7- Tờ khai số 101339464553 ngày 03/4/2017 8- Tờ khai số 101409268332 ngày 17/5/2017 Trên cơ sở các Biên bản kiểm tra số 1796/BB-HC ngày 19/6/2017; Biên bản số 2064 ngày 17/7/2017 và số 2117/BB-HC ngày 24/7/2017, ngày 28/7/2017 Cục H1 thành phố Hải phòng ban hành Thông báo số 9416/TB-HQHP về kết quả kiểm tra sau thông quan tại trụ sở cơ quan H1. Theo đó cơ quan H1 có đủ cơ sở bác bỏ trị giá khai báo đối với các lô hàng theo 8 tờ khai trên do Công ty GMVN khai thiếu các khoản phải cộng (phí bảo hiểm) dẫn đến thiếu số thuế phải nộp, không làm rõ được nghi vấn của cơ quan H1 về mối quan hệ đặc biệt giữa Công ty với Công ty General Motors Overseas D, không làm rõ được nghi vấn của cơ quan H1 về trị giá khai báo của mặt hàng: Xe ô tô tải Pickup cabin kép model các loại mới 100% xuất xứ Thái Lan do Công ty nhập khẩu khai báo thấp hơn mặt hàng giống hệt tương tự do chính Công ty đã từng nhập khẩu.
Ngày 31/7/2017, Cục trưởng Cục H1 thành phố Hải Phòng đã ban hành Quyết định số 2971/QĐ-HQHP quyết định v/v ấn định thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu thuộc 08 tờ khai H1 trên với lý do xác định lại trị giá tính thuế hàng nhập khẩu. Theo đó số tiền thuế còn phải nộp là 9.935.034.022 đồng.
Không đồng ý với Quyết định ấn định thuế số 2971/QĐ-HQHP, ngày 27/10/2017 Công ty GMVN đã khiếu nại lần đầu yêu cầu huỷ bỏ một phần Quyết định 2971/QĐ-HQHP về ấn định thuế mặc dù Công ty đã nộp số tiền trên vào Kho bạc Nhà nước.
Tại Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu số 4490/QĐ-HQHP ngày 01/12/2017 của Cục trưởng Cục H1 thành phố Hải Phòng có nội dung: Giữ nguyên Quyết định ấn định thuế số 2971/QĐ-HQHP.
Không đồng ý với Quyết định giải quyết số 4490/QĐ-HQHP, Công ty tiếp tục khiếu nại.
Tại Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai số 431/QĐ-TCHQ ngày 13/02/2018 của Tổng Cục trưởng Tổng Cục H1 đã giữ nguyên Quyết định ấn định thuế số 2971/QĐ-HQHP và Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu số 4490/QĐ-HQHP.
Không đồng ý với Quyết định ấn định thuế nêu trên cũng như Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu và lần hai của Cục trưởng Cục và Tổng cục trưởng Tổng cục H1, Công ty GMVN đã khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội hủy bỏ các quyết định hành chính nêu trên. Cụ thể: Hủy bỏ phần xác định lại trị giá của các xe ô tô nhãn hiệu Chevrolet Colorado nhập khẩu theo các Tờ khai H1, hủy bỏ một phần số thuế ấn định 9.935.034.022 đồng liên quan đến xác định lại trị giá tính thuế và chấp nhận trị giá nhập khẩu khai báo của Công ty GMVN như là trị giá giao dịch cho mục đích tính thuế. Theo đó, Công ty yêu cầu Cục H1 thành phố Hải Phòng hoàn lại cho Công ty GMVN số tiền thuế 9.933.205.950 đồng liên quan đến xác định lại trị giá tính thuế mà Công ty GMVN đã nộp theo Quyết định ấn định thuế số 2971/QĐ- HQHP.
Quan điểm của Người khởi kiện: Công ty nhận thấy không có bất cứ cơ sở pháp lý nào để Tổng cục trưởng Tổng cục H1 và Cục trưởng Cục H1 thành phố Hải Phòng bác bỏ trị giá khai báo của Công ty GMVN để xác định lại trị giá tính thuế và ấn định thuế. Nói cách khác, một phần Quyết định ấn định thuế số 2971/QĐ-HQHP, Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu số 4490/QĐ-HQHP, Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai số 431/QĐ-TCHQ cần phải được hủy bỏ vì:
- Trị giá H1 do Công ty GMVN khai báo thỏa mãn điều kiện về trị giá H1 theo quy định của Thông tư 39 về trị giá H1.
- Cơ quan H1 biết rõ về mối quan hệ đặc biệt giữa Công ty GMVN và GMOD và mối quan hệ đặc biệt này không ảnh hưởng đến trị giá giao dịch giữa Công ty GMVN và GMOD.
- Cơ quan H1 không đưa ra được các căn cứ xác đáng để chứng minh việc Công ty GMVN không thỏa mãn điều kiện về trị giá H1 theo quy định của Thông tư 39.
- Cơ quan H1 đã tiến hành tham vấn và ấn định thuế đối với các dòng xe tương tự mà Công ty GMVN mua và nhập khẩu từ Công ty GM Korea, nhưng sau đó đã chấp nhận trị giá khai báo trên cơ sở các giải trình và thông tin mà Công ty GMVN cung cấp, là các trường hợp áp dụng cùng phương pháp xác định giá. Đồng thời, Công ty GMVN nhập khẩu từ GMOD dòng xe Trailblazer, theo cùng một hợp đồng phân phối và giá nhập khẩu của dòng xe này được chấp nhận là đảm bảo nguyên tắc thị trường.
Người bị kiện là Cục H1 thành phố Hải Phòng có quan điểm:
Về lý do, trình tự, thủ tục: Công ty TNHH G nhập khẩu mặt hàng: Xe ô tô tải Pickup cabin kép, động cơ Diesel, hiệu Chevrolet Colorado, model các loại, mới 100%, xuất xứ: Thái Lan, theo 08 tờ khai H1, cụ thể: Số 100772605733 ngày 10/3/2016; số 101278234964 ngày 25/2/2017; số 10129552933 ngày 08/3/2017; số 101339448933 ngày 03/4/2017; số 101339454313 ngày 03/4/2017; số 101339459803 ngày 03/4/2017; số 101339464553 ngày 03/4/2017; số 101409268332 ngày 17/5/2017.
Hàng hóa nhập khẩu nêu trên thuộc danh mục hàng hóa nhập khẩu rủi ro về trị giá. Tại thời điểm đăng ký làm thủ tục H1, các mặt hàng nhập khẩu nêu trên có mức giá khai báo thấp hơn cơ sở dữ liệu giá của cơ quan H1. Trên cơ sở phiếu chuyển nghiệp vụ của các Chi cục H1 cửa khẩu, Cục H1 thành phố Hải Phòng đã ban hành Quyết định số 2243/QĐ-HQHP ngày 08/6/2017 v/v kiểm tra sau thông quan tại trụ sở cơ quan H1 đối với Công ty TNHH- G. Kết quả kiểm tra: Do Công ty khai thiếu khoản phải cộng (phí bảo hiểm) dẫn đến thiếu số thuế phải nộp; không làm rõ được mối quan hệ đặc biệt ảnh hưởng đến trị giá giao dịch (nguyên tắc hình thành giá không thỏa mãn điều kiện 2 trong 4 điều kiện áp dụng trị giá giao dịch); không làm rõ được nghi vấn của cơ quan H1 về mức giá khai báo chênh lệch đối với cùng mặt hàng do chính Công ty nhập khẩu (khai báo giá thấp hơn mặt hàng giống hệt, tương tự do chính Công ty nhập khẩu) nên cơ quan H1 đã bác bỏ trị giá giao dịch theo đúng quy định Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính.
Cục H1 thành phố Hải Phòng đã xác định lại trị giá và ban hành Quyết định ấn định thuế số 2971/QĐ-HQHP ngày 31/07/2017.
Về phương pháp xác định trị giá H1:
Căn cứ Điều 5 Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính (sau đây gọi là Thông tư số 39/2015/TT-BTC) quy định có sáu phương pháp xác định trị giá H1 bao gồm: (1) Phương pháp trị giá giao dịch; (2) Phương pháp trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu giống hệt; (3) Phương pháp trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu tương tự; (4) Phương pháp trị giá khấu trừ; (5) Phương pháp trị giá tính toán; (6) Phương pháp suy luận.
Việc xác định trị giá H1 được áp dụng tuần tự các phương pháp từ (1) đến (6) và dừng ngay ở phương pháp xác định được trị giá H1. (trường hợp người khai H1 đề nghị bằng văn bản thì trình tự áp dụng phương pháp trị giá khấu trừ và phương pháp trị giá tính toán có thể hoán đổi cho nhau).
Căn cứ theo quy định tại Điều 6, Điều 7 Thông tư số 39/2015/TT-BTC: Công ty TNHH G không thỏa mãn đủ các điều kiện để được áp dụng phương pháp trị giá giao dịch.
Căn cứ theo quy định tại Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11 Thông tư số 39/2015/TT-BTC: Không đủ thông tin và tài liệu, chứng từ để áp dụng các phương pháp trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu giống hệt, phương pháp trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khâu tương tự, phương pháp trị giá khấu trừ và phương pháp trị giá tính toán.
Do đó, cơ quan H1 đã sử dụng phương pháp suy luận để xác định trị giá tính thuế theo quy định tại Điều 12 Thông tư số 39/2015/TT-BTC.
Về cơ sở dữ liệu xác định trị giá tính thuế: Căn cứ theo quy định tại Điều 21 Thông tư số 39/2015/TT-BTC, cơ quan H1 sử đụng cơ sở dữ liệu xác định trị giá từ Hệ thống quản lý dữ liệu giá H1 để xác định trị giá tính thuế, cụ thể: Tham khảo thông tin giá trong thời gian quy định của các mặt hàng cùng loại do chính Công ty nhập khẩu đã được cơ quan H1 xác định và Công ty chấp hành, nộp đủ thuế vào ngân sách Nhà nước.
Cục H1 thành phố Hải Phòng đề nghị Tòa án giữ nguyên ấn định thuế số 2971/QĐ-HQHP ngày 31/7/2017 và không chấp nhận các yêu cầu khởi kiện của Người khởi kiện.
Người bị kiện là Cục trưởng Cục H1 thành phố Hải Phòng có quan điểm:
Cơ quan H1 đã đưa ra các bằng chứng xác đáng để chứng minh trị giá H1 do Công ty khai báo không thoả mãn điều kiện được áp dụng trị giá giao dịch theo quy định tại Thông tư số 39/2015/TT-BTC quy định. Cục trưởng Cục H1 Hải Phòng xác định việc ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu số 4490/QĐ- HQHP ngày 01/12/2017 theo đó giữ nguyên Quyết định ấn định thuế số 2971/QĐ- HQHP ngày 31/7/2017 là có căn cứ và đúng quy định của pháp luật. Đề nghị Tòa án không chấp nhận các yêu cầu khởi kiện.
Người bị kiện là Tổng Cục trưởng Tổng cục H1 trình bày:
Về trình tự, thủ tục ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại lần 2, Tổng cục trưởng Tổng cục H1 đã tuân thủ đúng theo trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại được quy định tại Mục 3 Chương III Luật Khiếu nại số 02/2011/QH13, cụ thể như sau: Ngày 27/12/2017 Tổng cục H1 nhận được Đơn khiếu nại (lần 2) của Công ty GMVN; ngày 10/01/2018, Tổng cục H1 đã ban hành thông báo thụ lý; ngày 05/2/2018, Tổng cục H1 đã tổ chức phiên họp đối thoại; ngày 13/02/2018 Tổng cục H1 ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại.
Căn cứ để ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại số 431/QĐ-TCHQ ngày 13/2/2018:
Về cơ sở bác bỏ/không chấp nhận nội dung khai báo: Đối với lý do mối quan hệ đặc biệt giữa Công ty và đối tác có ảnh hưởng đến trị giá giao dịch: Công ty chưa đưa ra được tài liệu để chứng minh mối quan hệ đặc biệt không ảnh hưởng đến trị giá giao dịch theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư số 39/2015/TT- BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính, cụ thể:
+ Tài liệu Công ty cung cấp bổ sung ngày 11/2/2018 cho thấy mức giá bán lẻ, bán buôn một số mặt hàng xe ô tô Colorado trên thị trường Thái Lan. Công ty chưa cung cấp được tài liệu để chứng minh giao dịch mua bán giữa Công ty và đối tác được tiến hành như giao dịch với người mua không có mối quan hệ đặc biệt với người bán cùng nhập khẩu hàng hóa đó về Việt Nam.
+ Công ty không chứng minh được trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu của Công ty xấp xỉ với trị giá của lô hàng giống hệt (tương tự) được xuất khẩu đến Việt Nam trong khoảng thời gian 60 ngày trước hoặc 60 ngày sau ngày xuất khẩu của lô hàng đang được chứng minh.
- Về việc hình thành giá giao dịch của Công ty: Giá nhập khẩu đối với mặt hàng xe ô tô Colorado các loại tại 07 tờ khai H1 được tính toán dựa trên giá bán ra dự kiến tại thị trường nội địa trừ đi các chi phí phân phối và lợi nhuận hoạt động mục tiêu tại Việt Nam để đề xuất giá mua với bên bán. Như vậy, giá nhập khẩu của Công ty bị phụ thuộc vào giá bán sau khi nhập khẩu và chi phí, lợi nhuận hoạt động mục tiêu sau nhập khẩu. Do đó, việc hình thành giá nhập khẩu của Công ty không đủ điều kiện để được áp dụng trị giá giao dịch theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 39/2015/TT-BTC. Về vấn đề này, Tổng cục H1 đã có Công văn số 5484/TCHQ-TXNK ngày 18/8/2017 trả lời Công ty. Theo đó, nguyên tắc hình thành giá nhập khẩu của Công ty không thỏa mãn điều kiện thứ 2 trong 4 điều kiện để được áp dụng trị giá giao dịch theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư số 39/2015/TT-BTC.
Về mức giá và phương pháp xác định trị giá:
- Cục H1 thành phố Hải Phòng áp dụng phương pháp suy luận (phương pháp 6) để xác định trị giá dựa trên cơ sở mở rộng các điều kiện về hàng nhập khẩu tương tự theo quy định tại Thông tư số 39/2015/TT-BTC.
- Dòng xe Colorado MY16 với dòng xe Colorado MY 17 nhập khẩu của Công ty có những đặc trưng, cấu hình cơ bản giống nhau, đảm bảo các điều kiện về hàng tương tự được quy định tại Điều 2, Thông tư số 39/2015/TT-BTC.
- Công ty chưa cung cấp được đầy đủ hồ sơ, tài liệu để cơ quan H1 xem xét xác định trị giá theo phương pháp khấu trừ (phương pháp 4) theo đề nghị của Công ty tại buổi đối thoại.
Chính vì vậy, Tổng cục trưởng Tổng cục H1 đã ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 số 431/QĐ-TCHQ theo đó quyết định giữ nguyên Quyết định ấn định thuế số 2971/QĐ-HQHP ngày 31/7/2017; giữ nguyên Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu số 4490/QĐ-HQHP ngày 01/12/2017 của Cục trưởng Cục H1 Hải Phòng.
Tổng cục trưởng Tổng cục H1 đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty V.
Tại Bản án hành chính sơ thẩm số 154/2020/HC-ST ngày 27/7/2020, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định:
1. Bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh V đối với yêu cầu hủy các quyết định hành chính và quyết định giải quyết khiếu nại sau:
- Một phần Quyết định ấn định thuế số 2971/QĐ-HQHP ngày 31/7/2017 của Cục trưởng Cục H1 thành phố Hải Phòng.
- Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu số 4490/QĐ-HQHP ngày 01/12/2017 của Cục trưởng Cục H1 thành phố Hải Phòng.
- Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai số 431/QĐ-HQHP ngày 13/02/2018 của Tổng Cục trưởng Tổng Cục H1.
- Bác yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh V về việc yêu cầu Cục H1 thành phố Hải Phòng hoàn trả số tiền 9.933.205.950 đồng.
Ngoài ra, Bản án còn quyết định về án phí và thông báo quyền kháng cáo của đương sự theo quy định của pháp luật.
Ngày 07/8/2020, người đại diện theo ủy quyền của Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh V là các ông, bà Phạm Thị T, Phạm Thị Thanh P, Hoàng Ngọc Q và Đỗ Duy H có đơn kháng cáo toàn bộ bản án hành chính sơ thẩm và xét xử lại theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty.
Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện theo ủy quyền của Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh V; Luật sư bảo vệ quyền lợi của Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh V cho rằng Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh V hoàn toàn thỏa mãn điều kiện áp dụng phương pháp trị giá giao dịch và mối quan hệ đặc biệt giữa Công ty GMVN với GMOD không ảnh hưởng đến giá trị giao dịch; tỉ suất lợi nhuận 2% của GM Việt Nam không bắt buộc phải đạt được trong giao dịch mua bán mà chỉ là mục tiêu đặt ra. Mặt khác, Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét đầy đủ chứng cứ của Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh V, không xem xét khoản phí phải cộng là 01 tờ khai H1 dẫn đến nhận định căn cứ thuộc diện nghi vấn là không chính xác. Đề nghị hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại theo đúng quy định của pháp luật.
Người bảo vệ quyền lợi cho Tổng cục H1, Cục H1 thành phố Hải Phòng và Cục trưởng Cục H1 thành phố Hải Phòng trình bày: Việc xác định giá mua bán giữa Công ty GMVN với GMOD dựa trên mối quan hệ đặc biệt được thể hiện việc xác định giá dựa trên căn cứ tỉ suất lợi nhuận mục tiêu được coi là giới hạn rủi ro cho nhà phân phối, là sự ưu tiên đặc biệt cho người mua. Công ty GMVN không đưa ra được các căn cứ chứng minh mối quan hệ đặc biệt giữa 02 công ty không ảnh hưởng đến mức giá giao dịch. Thông tư 66/VBHN-BTC xác định giá bán lại để xác định thuế thu nhập của các doanh nghiệp kinh doanh tại Việt Nam, còn việc kiểm tra xác định thuế phải căn cứ Điều 7 Thông tư số 39/2015/TT-BTC. Cục trưởng Cục H1 thành phố Hải phòng ban hành quyết định ấn định thuế và Cục trưởng Cục H1 thành phố Hải Phòng, Tổng cục trưởng Tổng cục H1 ban hành quyết định giải quyết khiếu nại là đúng quy định của pháp luật. Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh V; giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội sau khi phân tích nội dung vụ án, lời trình bày của đương sự và kết quả tranh tụng tại phiên tòa đã kết luận: Cục trưởng Cục H1 thành phố Hải phòng áp dụng phương pháp suy luận để ấn định thuế là có căn cứ. Thực tế, Công ty GMVN đã chấp hành nộp đủ số thuế theo quyết định ấn định thuế. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại của Cục trưởng Cục H1 thành phố Hải Phòng, Tổng cục trưởng Tổng cục H1 là đúng quy định của pháp luật. Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh V; giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu; chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã thẩm tra tại phiên tòa; kết quả tranh luận và trình bày của đương sự; ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội tham gia phiên tòa; Hội đồng xét xử xét thấy:
[I] Về thủ tục tố tụng:
[1] Đối tượng khởi kiện vụ án hành chính:
Một phần Quyết định số 2971/QĐ-HQHP ngày 31/7/2017 của Cục trưởng Cục H1 Hải Phòng về việc ấn định thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (sau đây viết tắt là Quyết định ấn định thuế số 2971/QĐ-HQHP); Quyết định số 4490/QĐ-HQHP ngày 01/12/2017 của Cục trưởng Cục H1 Hải Phòng về việc giải quyết khiếu nại của Công ty TNHH G (lần 01) {sau đây viết tắt là Quyết định số 4490/QĐ-HQHP}; Quyết định số 431/QĐ-TCHQ ngày 13/02/2018 của Tổng cục trưởng Tổng cục H1 về việc giải quyết khiếu nại của Công ty TNHH G (lần hai) {sau đây viết tắt là Quyết định số 431/QĐ-TCHQ} là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính.
[2] Thời hiệu khởi kiện:
Ngày 18/02/2019, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội nhận được đơn khởi kiện đề ngày 28/01/2019 của Công ty TNHH G (nay sáp nhập thành Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh V) đề nghị hủy một phần Quyết định số 2971/QĐ- HQHP ngày 31/7/2017 của Cục trưởng Cục H1 Hải Phòng về việc ấn định thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Quyết định số 4490/QĐ-HQHP ngày 01/12/2017 của Cục trưởng Cục H1 Hải Phòng về việc giải quyết khiếu nại của Công ty TNHH G (lần 01); Quyết định số 431/QĐ-TCHQ ngày 13/02/2018 của Tổng cục trưởng Tổng cục H1 về việc giải quyết khiếu nại của Công ty TNHH G (lần hai); buộc Cục H1 thành phố Hải Phòng hoàn trả lại cho Công ty số tiền 9.933.205.950 đồng là vẫn nằm trong thời hiệu khởi kiện được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 116 Luật Tố tụng hành chính.
[3]. Thẩm quyền thụ lý, giải quyết của Tòa án:
Toà án nhân dân thành phố Hà Nội thụ lý, giải quyết là đúng thẩm quyền theo quy định tại Điều 30; khoản 4 Điều 32 Luật Tố tụng hành chính.
[4]. Đơn kháng cáo của đương sự:
Ngày 07/8/2020, người đại diện theo ủy quyền của Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh V (do sáp nhập Công ty TNHH G theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần thứ 8 ngày 01/3/2019 do Sở kế hoạch & đầu tư Hải Phòng cấp) có đơn kháng cáo hợp lệ, được gửi trong thời hạn và đã nộp tiền tạm ứng án phí theo quy định tại các Điều 205, 206 và 209 Luật Tố tụng hành chính nên được xem xét theo thủ tục phúc thẩm.
[II] Về nội dung:
Xét kháng cáo của Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh V đề nghị hủy một phần Quyết định số 2971/QĐ-HQHP ngày 31/7/2017 của Cục trưởng Cục H1 Hải Phòng về việc ấn định thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Quyết định số 4490/QĐ-HQHP ngày 01/12/2017 của Cục trưởng Cục H1 Hải Phòng về việc giải quyết khiếu nại của Công ty TNHH G (lần 01); Quyết định số 431/QĐ- TCHQ ngày 13/02/2018 của Tổng cục trưởng Tổng cục H1 về việc giải quyết khiếu nại của Công ty TNHH G (lần hai); Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy:
[1] Xét tính hợp pháp của Quyết định số 2971/QĐ-HQHP ngày 31/7/2017 của Cục trưởng Cục H1 Hải Phòng về việc ấn định thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
[1.1] Về thẩm quyền ban hành quyết định:
Cục trưởng Cục H1 thành phố Hải Phòng ban hành Quyết định số 2971/QĐ- HQHP ngày 31/7/2017 về việc ấn định thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là đúng quy định tại Điều 81 Luật H1; Điều 39 Luật quản lý thuế và Điều 25 Thông tư số 38/2015/TT-BTC và khoản 4 Điều 7 Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015.
[1.2] Về trình tự, thủ tục ban hành quyết định:
Công ty TNHH G (nay sáp nhập thành Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh V) nhập khẩu mặt hàng xe ô tô tải pick up hiệu Chevrolet Colorado, xuất xứ Thái Lan theo 08 tờ khai tại Chi cục H1 cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực I. Hàng hóa nhập khẩu nêu trên thuộc danh mục hàng hóa nhập khẩu rủi ro về trị giá.
Trên cơ sở phiếu nghiệp vụ của các Chi cục H1 cửa khẩu, ngày 08/6/2017 Cục trưởng Cục H1 thành phố Hải Phòng ban hành Quyết định số 2243/QĐ- HQHP về việc kiểm tra sau thông quan tại trụ sở cơ quan H1 đối với Công ty TNHH G về hồ sơ xuất nhập khẩu và các chứng từ, tài liệu khác (nếu cần thiết) có liên quan đến các lô hàng xuất nhập khẩu đã được thông quan của công ty làm thủ tục đăng ký tại các chi cục H1 thuộc Cục H1 thành phố Hải Phòng trong phạm vi 05 năm kể từ ngày thông quan đến ngày ban hành quyết định kiểm tra.
Trên cơ sở kiểm tra hồ sơ H1, các chứng từ, tài liệu khác có liên quan đến lô hàng nhập khẩu đã được thông quan của công ty và kết quả làm việc tại các Biên bản kiểm tra số 1796/BB-HC ngày 19/6/2017, số 2604/BB-HC ngày 17/7/2017 và số 2117/BB-HC ngày 24/7/2017; Chi cục kiểm tra sau thông quan - Cục H1 thành phố Hải Phòng đã có Thông báo số 9416/TB-HQHP ngày 28/7/2017 về kết quả kiểm tra sau thông quan và kiến nghị biện pháp xử lý. Ngày 31/7/2017, Cục trưởng Cục H1 thành phố Hải Phòng đã ban hành Quyết định số 2971/QĐ-HQHP ngày 31/7/2017 về việc ấn định thuế đối với các lô hàng xe ô tô tải pick up hiệu Chevrolet Colorado nhập khẩu tại 08 tờ khai H1 của Công ty TNHH G và xác định lại trị giá tính thuế.
Như vậy, Cục trưởng Cục H1 thành phố Hải Phòng ban hành Quyết định số 2971/QĐ-HQHP ngày 31/7/2017 về việc ấn định thuế đối với các lô hàng xe ô tô tải pick up hiệu Chevrolet Colorado nhập khẩu tại 08 tờ khai H1 của Công ty TNHH G là đúng trình tự, thủ tục quy định tại Quyết định số 1410/QĐ-TCHQ ngày 14/5/2015 của Tổng cục trưởng Tổng cục H1 về việc ban hành quy trình kiểm tra sau thông quan, Thông tư số 38/2015/TT-BTC và Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính.
[1.3] Về nội dung của quyết định:
Căn cứ kết quả kiểm tra và các tài liệu, chừng từ của người khai H1, cơ quan H1 đã xác định: Công ty GMVN làm thủ tục nhập khẩu xe ô tô tải nêu trên theo 08 tờ khai H1, nhưng công ty khai thiếu khoản phải cộng (phí bảo hiểm); mức giá khai báo tại 08 tờ khai H1 của công ty thấp hơn mức giá so với thông tin của cơ quan H1 nên trị giá khai báo của Công ty GMVN thuộc diện nghi vấn. Cơ quan H1 cho rằng công ty không làm rõ được nghi vấn về mức giá khai báo chênh lệch đối với cùng mặt hàng do chính công ty nhập khẩu và không làm rõ được mối quan hệ đặc biệt ảnh hưởng đến giá trị giao dịch, việc hình thành giá không thỏa mãn điều kiện 2 trong 4 điều kiện áp dụng trị giá giao dịch để bác bỏ trị giá giao dịch theo quy định tại Thông tư số 39/2015/TT-BTC.
[1.3.1] Việc Công ty GMVN cho rằng Cục trưởng Cục H1 thành phố Hải Phòng bác bỏ giá trị khai báo và ấn định thuế thấy:
a. Về việc hình thành giá nhập khẩu của Công ty Theo giải trình, hồ sơ của Công ty:
+ Việc hình thành giá nhập khẩu của Công ty được tính toán dựa theo giá bán ra dự kiến tại thị trường nội địa, trừ đi các chi phí phân phối và lợi nhuận hoạt động mục tiêu tại Việt Nam để đề xuất giá mua với bên bán.
+ Hợp đồng giữa GMOD và Công ty GMVN thể hiện quy trình xác định giá của Công ty có sự tham gia của Tổ xác định của Tập đoàn GM và Tổ xác định của GMVN nhằm đảm bảo nguyên tắc lợi nhuận 2% cho GMVN.
Như vậy, nguyên tắc hình thành giá của Công ty không thỏa mãn điều kiện quy định tại điểm 1b Điều 1 Phần I Hiệp định thực thi Điều VII của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại GATT; khoản 3 Điều 6, khoản 2 Điều 7 Thông tư 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính. Sau khi kiểm tra thấy có dấu hiệu nghi vấn về trị giá H1 lô hàng tại 08 Tờ khai của Công ty GMVN nên Cục H1 thành phố Hải Phòng đã ban hành quyết định kiểm tra sau thông quan để kiểm tra về trị giá H1. Trên cơ sở các Biên bản kiểm tra, cơ quan H1 đã bác bỏ trị giá khai báo đối với các lô hàng khai báo tại các Tờ khai H1 của GMVN và ban hành Quyết định ấn định thuế với tổng số tiền thuế ấn định là 9.935.034.022 đồng.
b. Về phương pháp trị giá giao dịch Theo quy định tại các điểm b, d khoản 1 Điều 1 Hiệp định thực thi Điều VII của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại GATT - 1994 (viết tắt là Hiệp định thực thi GATT) thì: “1. Trị giá thuế quan của hàng nhập khẩu phải là giá trị giao dịch, tức là giá thực tế đã thanh toán hoặc phải thanh toán cho hàng hóa được bán để xuất khẩu đến nước nhập khẩu có điều chỉnh phù hợp với các quy định ở Điều 8, với điều kiện là… (b) việc mua bán hoặc giá cả không phụ thuộc vào điều kiện hoặc suy xét nào đó khiến không thể xác định được giá trị của hàng hóa đang được định giá… (d) người mua và người bán không có liên hệ, hoặc trong trường hợp có liên hệ đó thì giá trị giao dịch chỉ được chấp nhận cho mục đích thuế quan theo các quy định tại khoản 2”.
Như vậy, theo Hiệp định thực thi GATT thì trị giá H1 chỉ hợp lệ nếu không có yếu tố nào đó ảnh hưởng tới việc xác định giá trị hàng hóa, trong đó có yếu tố về “liên hệ” giữa người mua và người bán.
- Tại điểm b khoản 3 Điều 6 Thông tư số 39/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính quy định về điều kiện áp dụng phương pháp trị giá giao dịch trị “3. Trị giá giao dịch được áp dụng nếu thỏa mãn đủ các điều kiện sau:
…b) Giá cả hoặc việc bán hàng không phụ thuộc vào những điều kiện hay các khoản thanh toán mà vì chúng không xác định được trị giá của hàng hóa cần xác định trị giá H1.
Ví dụ: Người bán định giá bán hàng hóa nhập khẩu với điều kiện là người mua cũng sẽ mua một số lượng nhất định các hàng hóa khác nữa; Giá cả của hàng hóa nhập khẩu phụ thuộc vào giá của hàng hóa khác mà người nhập khẩu sẽ bán lại cho người xuất khẩu.
Trường hợp việc mua bán hàng hóa hay giá cả của hàng hóa phụ thuộc vào một hay một số điều kiện, nhưng người mua có tài liệu khách quan để xác định mức độ ảnh hưởng bằng tiền của sự phụ thuộc đó thì vẫn được xem là đã đáp ứng điều kiện này; khi xác định trị giá H1 phải cộng khoản tiền được giảm do ảnh hưởng của sự phụ thuộc đó vào trị giá giao dịch”.
Quá trình giải quyết vụ án, Công ty GMVN thừa nhận có mối liên hệ đặc biệt với GMOD, nhưng cho rằng mối quan hệ này không ảnh hưởng đến trị giá giao dịch. Tuy nhiên, tại đơn khởi kiện và bản tự khai GMVN đều khẳng định điều kiện mua bán và nguyên tắc xác định giá nhập khẩu giữa Công ty GMVN với GMOD luôn tuân thủ chặt chẽ chính sách chuyển giá toàn cầu của GM.
- Theo Hợp đồng phân phối giữa GMOD với Công ty GMVN và Thư giải thích ngày 11/1/2017 của GMOD (bản gốc Tiếng Anh đã được các bên thừa nhận về nội dung được dịch sang Tiếng Việt), thì quy trình đàm phán để xác định giá lô hàng nhập khẩu do bên nhập khẩu (bên mua) là Công ty GMVN đề xuất mức giá trước trên cơ sở tính toán dựa theo giá bán ra tại thị trường nội địa, đồng thời chịu sự điều chỉnh của chi phí phân phối và tỷ lệ chiết khấu; quá trình đàm phán có sự tham gia của các tổ chức xác định gồm Tổ xác định của Tập đoàn GM và Tổ xác định của GMVN nhằm đảm bảo nguyên tắc lợi nhuận hoạt động mục tiêu là 2% cho GMVN.
Như vậy, nguyên tắc hình thành giá xuất nhập khẩu lô hàng và việc mua bán hàng không đáp ứng các điều kiện của Hiệp định thực thi GATT và Thông tư số 39/2005/TT-BTC đã nêu trên. Cụ thể như sau:
- Việc đàm phán để xác định giá trị hàng hóa mua bán do các bên có mối quan hệ đặc biệt (liên hệ), trong đó, bên mua (Công ty GMVN) có liên kết với bên bán (GMOD); bên mua và bán đều là công ty chịu sự kiểm sát, chi phối của bên thứ 3 là GM Hàn Quốc; các bên đều là nhà phân phối độc quyền của thương hiệu xe Chevrolet của Tập đoàn GM.
- Quy trình và nguyên tắc hình thành giá mua bán thể hiện rõ bên mua (Công ty GMVN) đưa ra giá trước theo những điều kiện nhất định để khống chế mức giá đối với bên bán (GMOD); việc đàm phán có sự tham gia của các bên có mối quan hệ đặc biệt để hướng tới mức giá đảm bảo lợi nhuận kỳ vọng 2% cho GMVN thể hiện mức độ ưu tiên nhất định của người bán dành cho người mua, luôn đảm bảo lợi nhuận cho bên mua và việc xác định tỉ suất lợi nhuận mục tiêu được coi là giới hạn rủi ro cho người mua; các bên có sự chi phối, ảnh hưởng lẫn nhau trong việc mua bán cũng như việc hình thành giá mua bán; giá cả của hàng hóa phụ thuộc vào một số điều kiện do Công ty GMVN đưa ra (giá bán nội địa, tỷ lệ chiết khấu, chi phí phân phối), nhưng khi xác định trị giá H1 trong các Tờ khai, Công ty GMVN đã không cộng khoản tiền được giảm do ảnh hưởng của sự phụ thuộc đó vào trị giá giao dịch.
* Về yếu tố xác định giá trị khai báo H1:
Trong trường hợp bên bán và bên mua có liên hệ (mối quan hệ đặc biệt), nếu bên mua (người nhập khẩu) chứng minh được mối quan hệ đặc biệt đó không ảnh hưởng đến xác định giá trị hàng hàng hóa thì sẽ được chấp nhận theo giá trị khai báo H1. Hiệp định thực thi GATT và Thông tư số 39/2015/TT-BTC đã có quy định cụ thể trường hợp này như sau:
- Điểm d khoản 1 và khoản 2 Điều 1 Hiệp định thực thi GATT quy định: “1.… (d) người mua và người bán không có liên hệ, hoặc trong trường hợp có liên hệ đó thì giá trị giao dịch chỉ được chấp nhận cho mục đích thuế quan theo các quy định tại khoản 2.
2. (a) Khi quyết định liệu giá trị giao dịch có thể được chấp nhận theo mục đích đã nêu trong khoản 1 nói trên hay không thì việc người mua và người bán có liên hệ trong phạm vi ý nghĩa đã nêu ở Điều 15 tự nó không thể dùng làm căn cứ để bác bỏ việc sử dụng giá trị giao dịch. Trong trường hợp như vậy, các tình huống xung quanh việc mua bán đó sẽ được kiểm tra và giá trị giao dịch sẽ được chấp nhận với với điều kiện sự liên hệ giữa người mua và người bán không ảnh hưởng tới giá cả… (b) Trong giao dịch mua bán giữa những người có liên hệ, giá trị giao dịch sẽ được chấp nhận và hàng hóa sẽ được định giá theo các qui định tại khoản 1 một khi người nhập khẩu chứng minh được rằng trị giá đó, lấy tại cùng hoặc vào khoảng cùng thời điểm, là rất sát với trị giá trong các trường hợp sau:
(i) trị giá giao dịch của các hàng hóa giống hệt hoặc tương tự được xuất khẩu cho người nhập khẩu không có liên hệ tại nước nhập khẩu;
(ii) trị giá thuế quan của các hàng hóa giống hệt hoặc tương tự được xác định theo các quy định tại Điều 5;
(iii) trị giá thuế quan của các hàng hóa giống hệt hoặc tương tự được xác định theo các quy định tại Điều 6”.
- Khoản 2 Điều 7 Thông tư số 39/2015/TT-BTC quy định:
“2. Mối quan hệ đặc biệt giữa người mua và người bán không ảnh hưởng đến trị giá giao dịch nếu thỏa mãn một trong hai điều kiện sau:
a) Giao dịch mua bán giữa người mua và người bán được tiến hành như giao dịch mua bán với những người mua không có mối quan hệ đặc biệt với người bán cùng nhập khẩu hàng hóa đó về Việt Nam. Cơ quan H1 phải tiến hành kiểm tra cách thức mà người mua và người bán thiết lập mối quan hệ mua bán và cách thức đàm phán để đạt được mức giá khai báo, từ đó đưa ra kết luận là trị giá khai báo có bị ảnh hưởng bởi mối quan hệ đặc biệt hay không;
Ví dụ: - Giá mua bán hàng hóa nhập khẩu được đàm phán và thống nhất trong hợp đồng thương mại theo cách thức phù hợp với thông lệ đàm phán, thỏa thuận giá cả thông thường của ngành hàng đó hoặc theo cách mà người bán đưa ra giá mua bán hàng hóa cho những người mua không có quan hệ đặc biệt khác.
- Giá mua bán hàng hóa nhập khẩu bao gồm cả chi phí và lợi nhuận chung, tương ứng với chi phí và lợi nhuận chung của việc bán hàng hóa cùng phẩm cấp hay cùng chủng loại.
b) Trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu xấp xỉ với một trong những trị giá dưới đây của lô hàng được xuất khẩu đến Việt Nam trong cùng ngày hoặc trong khoảng thời gian 60 ngày trước hoặc 60 ngày sau ngày xuất khẩu lô hàng đang chứng minh:
b.1) Trị giá H1 được xác định theo phương pháp trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu giống hệt hay tương tự được bán cho người nhập khẩu khác không có mối quan hệ đặc biệt với người xuất khẩu (người bán);
b.2) Trị giá H1 của hàng hóa nhập khẩu giống hệt hay tương tự được xác định theo phương pháp trị giá khấu trừ quy định tại Điều 10 Thông tư này;
b.3) Trị giá H1 của hàng hóa nhập khẩu giống hệt hay tương tự được xác định theo phương pháp trị giá tính toán quy định tại Điều 11 Thông tư này.
3. Những trị giá H1 quy định tại điểm b khoản 2 Điều này chỉ nhằm mục đích so sánh và phải điều chỉnh trị giá H1 của hàng hóa nhập khẩu giống hệt, hàng hóa nhập khẩu tương tự về cùng điều kiện mua bán với hàng hóa nhập khẩu đang chứng minh:
a) Điều chỉnh về cùng điều kiện mua bán: Việc điều chỉnh trị giá H1 của hàng hóa nhập khẩu giống hệt, tương tự về cùng điều kiện mua bán với lô hàng đang chứng minh được thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 9 Thông tư này hoặc;
b) Điều chỉnh các khoản phải cộng, các khoản phải trừ theo quy định tại Điều 13 và Điều 15 Thông tư này.
4. Thủ tục khai báo, kiểm tra:
a) Tại thời điểm đăng ký tờ khai, trường hợp người mua và người bán có mối quan hệ đặc biệt nhưng không ảnh hưởng đến trị giá giao dịch thì người khai H1 phải khai trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu và tờ khai trị giá H1 đối với trường hợp phải khai tờ khai trị giá H1;
b) Trên cơ sở những thông tin có sẵn, trường hợp nghi vấn mối quan hệ đặc biệt có ảnh hưởng đến trị giá giao dịch, cơ quan H1 thông báo và tổ chức đối thoại để người khai H1 giải trình và cung cấp thêm thông tin có liên quan đến mối quan hệ đặc biệt đó, nhằm làm rõ mối quan hệ đặc biệt giữa người mua và người bán không ảnh hưởng đến trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu quy định tại Khoản 2 Điều này”.
Tuy nhiên, bên nhập khẩu (Công ty GMVN) không đưa ra được tài liệu, chứng cứ chứng minh giá mua bán hàng hóa nhập khẩu được hình thành theo cách thức phù hợp với thông lệ đàm phán, thỏa thuận giá cả thông thường của ngành hàng đó hoặc theo cách mà người bán đưa ra giá mua bán hàng hóa cho những người không có quan hệ đặc biệt khác trong điều kiện cạnh tranh đầy đủ để thể hiện mối quan hệ đặc biệt với bên xuất khẩu (GMOD) không làm ảnh hưởng đến giá trị giao dịch của hàng hóa nhập khẩu.
Từ những phân tích trên thấy rằng, xuất phát từ mối quan hệ đặc biệt giữa bên xuất khẩu GMOD (bên bán), bên nhập khẩu Công ty GMVN (bên mua) và bên thứ ba GM Hàn Quốc (Công ty nắm cổ phần chi phối), dẫn đến việc hình thành giá mua bán trong Hợp đồng phân phối và xác định giá trị khai báo hàng hóa nhập khẩu của Công ty GMVN là không khách quan, phải phụ thuộc vào những điều kiện hay các khoản thanh toán nhất định mà vì chúng không xác định được trị giá H1 khi khai báo; bên nhập khẩu Công ty GM VN không chứng minh được mối quan hệ đặc biệt với bên xuất khẩu GMOD không ảnh hưởng đến trị giá H1.
b.3. Về nội dung Công ty GM VN cho rằng không có sự nhất quán trong việc xác định trị giá H1 giữa H1 Hà Nội và H1 Hải Phòng Theo trình bày của Công ty GMVN thì ngoài việc khai báo nhập khẩu tại Chi cục H1 Hải Phòng khu vực I, Công ty GM VN còn khai báo tại Chi cục H1 Bắc Hà Nội loại hàng hóa tương tự là dòng xe Chevloret Trailblazer và đã được chấp nhận trị giá khai báo. Khi kiểm tra trị giá H1 do GM VN khai báo, Chi cục H1 Bắc Hà Nội đã nghi vấn và tiến hành tham vấn; sau đó, đã bác bỏ giá trị khai báo của Công ty GM VN do không thỏa mãn điều kiện về giá trị H1 (tương tự như xác định của Chi cục H1 Hải Phòng), đồng thời ra Quyết định ấn định thuế. Tuy nhiên, Công ty GM VN đã khiếu nại, sau khi kiểm tra thấy việc xác định trị giá H1 đối với lô hàng này không đáp ứng quy định về thời gian tham vấn, nên Chi cục H1 Bắc Hà Nội đã hủy bỏ các Quyết định ấn định thuế và thông báo chấp nhận trị giá H1 khai báo của Công ty GMVN.
Xét thấy, việc Chi cục H1 Bắc Hà Nội buộc phải chấp nhận trị giá H1 khai báo của Công ty GMVN là do không thực hiện đúng về trình tự, thủ tục (không đáp ứng quy định về thời gian tham vấn). Các căn cứ bác bỏ trị giá H1 của Chi cục H1 Hải Phòng đối với lô hàng của Công ty là phù hợp với quy định của pháp luật về H1. Tại phiên tòa phúc thẩm, người bảo vệ quyền lợi của Cục H1 thành phố Hải Phòng cũng khẳng định trường hợp của Chi cục H1 Bắc Hà Nội là do không thực hiện đúng về trình tự, thủ tục (không đáp ứng quy định về thời gian tham vấn), còn giữ nguyên căn cứ bác bỏ trị giá H1.
Do đó, việc Cục trưởng Cục H1 thành phố Hải Phòng bác bỏ giá trị khai báo của Công ty GMVN, ban hành Quyết định ấn định thuế là có cơ sở.
[2] Xét tính hợp pháp của Quyết định số 4490/QĐ-HQHP ngày 01/12/2017 của Cục trưởng Cục H1 Hải Phòng về việc giải quyết khiếu nại của Công ty TNHH G (lần 01).
* Về thẩm quyền ban hành:
Cục trưởng Cục H1 Hải Phòng ban hành Quyết định số 4490/QĐ-HQHP ngày 01/12/2017 về việc giải quyết khiếu nại của Công ty TNHH G (lần 01) là đúng thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 52 Nghị định 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật Khiếu nại.
* Về trình tự, thủ tục và thời hạn ban hành: Sau khi nhận được đơn của Công ty GM VN. Cục trưởng Cục H1 thành phố Hải phòng đã thụ lý đơn, tổ chức đối thoại nhằm làm sáng tỏ các nội dung khiếu nại. Ngày 01/12/2017, Cục trưởng Cục H1 thành phố Hải phòng đã ban hành Quyết định số 4490/QĐ-HQHP ngày 01/12/2017 về việc giải quyết khiếu nại của Công ty TNHH G (lần 01). Như vậy, Cục trưởng Cục H1 thành phố Hải phòng đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục và thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định tại các Điều 27, 28, 29, 30, 31 Luật Khiếu nại.
* Về nội dung giải quyết khiếu nại:
Như đã phân tích ở trên, Quyết định số 2971/QĐ-HQHP ngày 31/7/2017 về việc ấn định thuế đối với các lô hàng xe ô tô tải pick up hiệu Chevrolet Colorado nhập khẩu tại 08 tờ khai H1 của Công ty TNHH G là đúng quy định. Do vậy, Quyết định số 4490/QĐ-HQHP ngày 01/12/2017 về việc giải quyết khiếu nại của Công ty TNHH G (lần 01) là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.
[2.3] Xét tính hợp pháp của Quyết định số 431/QĐ-TCHQ ngày 13/02/2018 của Tổng cục trưởng Tổng cục H1 về việc giải quyết khiếu nại của Công ty TNHH G (lần hai):
* Về thẩm quyền ban hành:
Tổng cục trưởng Tổng cục H1 ban hành Quyết định số 431/QĐ-TCHQ ngày 13/02/2018 về việc giải quyết khiếu nại của Công ty TNHH G (lần hai) đúng thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều 52 Nghị định 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật Khiếu nại.
* Về trình tự, thủ tục và thời hạn ban hành: Sau khi nhận được đơn khiếu nại Quyết định số 4490/QĐ-HQHP ngày 01/12/2017 về việc giải quyết khiếu nại của Công ty TNHH G (lần 01). Tổng cục trưởng Tổng cục H1 đã thụ lý, tổ chức đối thoại giữa Công ty GM VN và đại diện Cục H1 thành phố Hải Phòng. Trên cơ sở kết quả xác minh, đối thoại Tổng cục trưởng Tổng cục H1 đã ban hành Quyết định số 431/QĐ-TCHQ ngày 13/02/2018 về việc giải quyết khiếu nại của Công ty TNHH G (lần hai). Như vậy, Tổng cục trưởng Tổng cục H1 đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục và thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định tại Điều 36, 37, 38, 39, 40 Luật Khiếu nại.
* Về nội dung giải quyết khiếu nại:
Do Quyết định số 2971/QĐ-HQHP ngày 31/7/2017 của Cục trưởng Cục H1 thành phố Hải Phòng về việc ấn định thuế đối với các lô hàng xe ô tô tải pick up hiệu Chevrolet Colorado nhập khẩu tại 08 tờ khai H1 của Công ty TNHH G và Quyết định số 4490/QĐ-HQHP ngày 01/12/2017 Cục trưởng Cục H1 thành phố Hải Phòng về việc giải quyết khiếu nại của Công ty TNHH G (lần 01) là đúng quy định của pháp luật. Do đó, Tổng cục trưởng Tổng cục H1 giữ nguyên các quyết định nêu trên là có căn cứ.
Từ những phân tích, đánh giá nêu trên cho thấy các quyết định hành chính đều được ban hành đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục và nội dung theo đúng quy định của pháp luật. Tòa án cấp sơ thẩm bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty GM VN (nay là Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh V) là có căn cứ. Do đó, Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh V kháng cáo đề nghị hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại là không có cơ sở chấp nhận.
Về án phí: Do kháng cáo không được chấp nhận nên Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh V phải chịu án phí hành chính phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 241 Luật Tố tụng hành chính 2015; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
1. Không chấp nhận kháng cáo của Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh V; giữ nguyên Bản án hành chính sơ thẩm số 154/2020/HC-ST ngày 27/7/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.
2. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
3. Về án phí: Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh V phải chịu 300.000 đồng án phí hành chính phúc thẩm, được đối trừ số tiền 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh Vt đã nộp tại Biên lai thu số 0020340 ngày 27/8/2020 của Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án
Bản án về khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước số 159/2021/HC-PT
Số hiệu: | 159/2021/HC-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hành chính |
Ngày ban hành: | 06/07/2021 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về